Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Gậ­p ghềnh suối mẹ

Gậ­p ghềnh suối mẹ

Mother's Day, đó đây thiên hạ sắm sửa quà cáp cho mẹ, bao áng văn dạt dào cảm xúc của những người con đối với Mẹ, những vần thơ chan chứa cảm tình, dâng tặng Mẹ. Con phân phát nghĩa vụ của một đứa con dâu, một người con nuôi. Nhưng mà đối với Mẹ, dường như con chưa tròn đạo. Con muốn làm một điều gì đó cho Mẹ của con. Biết đâu rằng con chẳng bao giờ còn có dịp, vì Mẹ cũng đã ngòai sáu mươi.
Con không có được những lời bóng bẩy, những từ ngữ cao vời để ca tụng Mẹ. Từ sâu thẳm của hồn, con biết mình luôn nghĩ về Mẹ, lo lắng cho sức khỏe Mẹ, quan tâm nỗi vui buồn của Mẹ. Nhưng mà đôi lúc chính con lại dằn vặt Mẹ bằng những lời trách móc, óan giận cho những chuyện đã xa mờ với thời gian nhưng vẫn hằn trong nỗi đau của con.
Giá như chẳng có đoạn đời sau 75, thì có lẽ Mẹ là một người Mẹ tuyệt vời hơn tất cả những người Mẹ tuyệt vời khác. Mẹ lấy chồng từ năm 17 tuổi, nên bạn bè con ai cũng khen Mẹ trẻ đẹp. Mẹ hát hay, múa giỏi, thêu đan, nấu nướng ai nấy đều ca ngợi. Mẹ hiền hậu. Mẹ có lòng thương người. Đã nhiều lần trong thời chiến tranh, Mẹ đã mang áo quần của chị em chúng con trao cho những người tản cư. Cho tá túc, trợ giúp tiền bạc cho những người tàn tật. Mẹ rất ngăn nắp. Con đã từng tự hào làm con của Mẹ. Cho dù đã không ít lần, khi bị Mẹ đòn roi, con không thèm khóc mà hát "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình!!"
Thế rồi trong những năm điêu đứng, Ba không còn là trụ cột nữa. Mẹ phải nai lưng ra chống đỡ. Tám đứa con dại, một người chồng tù tội, cả xã hội bốn bề trấn áp. Mẹ, nhởn nhơ sung sướng từ tấm bé, đã bị quẵng vào một hoàn cảnh bi thảm. Mẹ đã vắt cạn sức của Mẹ. Vốn liếng trút vào việc buôn bán hầu kéo cả một đòan tàu dài. Nhưng vốn vụng về, không lanh lợi, và lại không may mắn, Mẹ đã nướng sạch số vốn cuối cùng. Từng ngày qua, là từng món đồ trong gia đình rơi vào tay kẻ khác. Cuối cùng thì cả nhà đói, đói rã ruột. Bắt đầu những ngày tháng làm thân trâu ngựa. Cày, cuốc, xới, bươi, lượm trên những cánh đồng khô cằn để sống qua ngày. Đói lại hòan đói. Cái thu họach không đủ bù vào khối năng lượng bỏ ra. Xác xơ thì càng xơ xác.
Họ hàng khá giả từ Sài Gòn gởi đồ tiếp tế về. Thay vì bỏ vào thùng gạo, Mẹ đem đốt vào khói thuốc. Mẹ than thở làm ruộng vất vả, đau đớn thân thể, Mẹ cần rượu để giãn gân giãn cốt. Mẹ có lý do để viện cớ. Thế rồi từ đó nghĩa hy sinh của tình mẫu tử thiêng liêng đã trở nên mù mờ khó hiểu. Chiếm cứ hồn con là sự ích kỷ mà con cảm nhận, là sự ủy mỵ yếu đuối được ngụy trang. Ba nhắn về, bảo con nghỉ học để đi làm nuôi em. Con van lạy Mẹ, cho con qua khỏi lớp 12. Mẹ đồng ý, con biết ơn Mẹ vô cùng. Con nhảy băng lớp để mau vào đại học (!) May mà con có nghề đan, móc, đóng góp phần lớn trong việc cầm hơi mười con người ta mấy năm dài. Nếu không thì liệu con có vói tới ?
Nhưng rồi đại học con chẳng được vào mà phải đi lao động, rồi bị cắt hộ khẩu, bị cưỡng bức lao động chiến trường, con trốn, con sống ngòai lề xã hội. Gia đình là chỗ dựa duy nhất. Đây là những năm tháng cứa sâu phần hồn con. Mẹ có còn nhớ những đêm con ngồi ôn bài để thi lại đại học, Mẹ đã thổi tắt đèn và không thèm nói năng một lời với con. Con biết rằng Mẹ đã quá mệt mỏi, Mẹ đang nhìn thấy con làm việc Dã Tràng xe cát. Nhưng Mẹ ơi, con cũng đâu biết phải làm gì. Con ngồi học mà nước mắt chảy lộp độp trên trang sách, bụng thì đói cồn cào. Học trong tuyệt vọng khôn cùng, nhưng ít ra nó cũng le lói cho con một niềm hy vọng. Nhưng Mẹ đã không hiểu được con. Mẹ thổi tắt phụp niềm hy vọng cuối cùng của con. Không lẽ Mẹ muốn con chết đi, cho dù đã một lần Mẹ nói như vậy. Con gục đầu xuống bàn khóc, khóc đến khi cạn khô nước mắt. Ngay bây giờ con cũng đang khóc khi viết những lời này. Con không trách Mẹ, sức chịu đựng của Mẹ có giới hạn, con chỉ buồn tại sao đời quá cay nghiệt không cho con một lối thóat, không ai thông cảm cho con, ngay cả Mẹ ruột của con.
Năm lần thi đại học. Năm năm đằng đẵng biết bao nhiêu là tủi nhục. Con không còn cảm thấy xứng đáng làm một con người. Thiên hạ châm chọc con, cả gia đình coi con như gánh nặng. Em út tuy không tỏ thái độ rõ ràng, nhưng tất cả đều coi thường con. Con biết ơn Mẹ, vì đã một lần Mẹ trả lời với một người hàng xóm nhiều chuyện khi bà ta hỏi Mẹ,
- Chị có nhờ gì được ở con Th không ?
- Con Th tôi, nó giúp tôi ở nhà cơm nước và lo may vá cho các em.
Con của Mẹ có bao giờ nấu nướng. Mà thời đó nấu gì khác hơn là nhúm gạo, vài lát khoai, ba khúc sắn đem hấp lên, là xong bữa. May thì ít mà vá thì phần nhiều, khấm khá thì sửa những chiếc áo dài của Mẹ, sơ mi của Ba thành những chiếc áo cho các em mặc đi học. Mầu nhiệm thay, câu trả lời ấy, đã chắp cánh cho con. Hồi phục cho con cái quyền làm người. Xóa tan cái tự ti mặc cảm của kẻ ngồi không ăn bám.
Tuy là con thứ nhì, nhưng tôi đảm nhiệm vai trò chị cả trong gia đình. Chị tôi hơn tôi ba tuổi, không biết vì lý do gì chị bệnh họan từ nhỏ đến lớn. Đầu óc chậm phát triển. Mẹ tôi rất thương chị, và thường nói với chúng tôi rằng, chị đã rước hết phần thiếu sót để cho chúng tôi được mạnh khỏe, hãy nên thương yêu chị. Tôi rất thương chị tôi. Tôi thương chị vì chị là người yếu đuối, vì chị là chị của tôi. Nhưng tôi không ưa cái tính ăn cắp vặt của chị. Chị thích tích trữ viết máy. Mấy đứa bạn của tôi, đứa nào đến nhà tôi học chung thì mười lần như chục đều bị mất viết. Chị không xài, mà đem cất trong bao gối. Tôi hù, tôi dọa mới lấy lại được để đem trả cho bạn.
Mẹ tôi phải chờ cho tôi đủ lớn để đưa cả hai chị em tôi đi học một lần. Tôi lên ba, chị tôi sáu tuổi. Chị tôi học mãi không lên lớp được. Nhờ thế mà cái con em lười biếng việc nhà có cơ hội lười biếng hơn. Cứ mỗi lần tôi giải giùm cho chị một bài tóan thì chị phải rửa bù cho tôi một bữa rửa chén. Mẹ tôi phân chia ba đứa con gái lớn phải thay phiên rửa chén, tôi mạnh khỏe nhất bị đảm nhiệm buổi tối. Chị tôi buổi trưa, còn con em kế buổi sáng. Buổi tối ngòai chén bát, đũa ra, còn có soong nồi, cho nên vất vả nhất. Rửa buổi tối muỗi cắn phù mông, tay dơ đâu có gãi được, tôi hãi thì thôi. Tôi tìm mọi cách né tránh. Buổi tối đứa nào trong lúc ăn mà rớt đũa muỗng thì lượm lại mà ăn, chứ thay cái mới là tôi lườm tôi ngúyt, nên em tôi đứa nào cũng ớn tôi cả. Sổ nợ chị tôi mắc lên cả trang dài. Cho đến khi chị thi rớt vào lớp sáu và không thích học trường tư, thì chị vẫn còn trả nợ cho tôi cả tháng sau đó.
Hết mòi làm ăn với chị, tôi mua chuộc chị bằng kẹo. Chị tôi khóai kẹo lắm, mấy cây kẹo cau, kẹo ú nỏn nà hấp dẫn là chị mê nhất. Thời gian này Mẹ tôi phân phát thêm nhiệm vụ gánh nước cho ba chị em gái tôi. Mỗi đứa một tuần, giao phiên chiều chủ nhật. Ba cái ảng đều phải đầy. Chị tôi lúc nào gánh đầy cũng chứa thêm ở mấy thùng gánh nước, tôi được lợi chỗ đó. Trong tuần phiên của tôi, mấy thằng em không dám rửa tay. Tôi ngồi canh mấy ảng nước. Bi chừ nhớ lại, tôi còn nổi da gà. Múc cho đầy rồi gồng vai quẫy về, chạy lạng quạng thì thùng nó quất vào gót chân, què mấy bữa. Cái chỗ gót chân đó lâu lành lắm. Chị tôi biết đổi vai, còn tôi cứ è một bên gánh đi nghiêng nghiêng ngả ngả, chao ơi mệt thấy ông trời xanh. Có nhiều khi mệt quá kê cái đòn gánh giữa hai chiếc thùng, ngồi mơ màng quên cả trời đất. Chị tôi không có sức khỏe nhưng hảo ngọt nên thân hình lúc nào cũng ú na ú nần. Hai cây kẹo là một đôi nước. Tôi nhịn ăn sáng, đi học lếch bộ, để dành tiền xe mua kẹo thuê chị tôi gánh nước dùm. Mẹ tôi cấm, mắng tôi là đồ lười biếng, buôn chị bán em. Nhưng chờ Mẹ tôi đi chợ là tôi ra tay ngay. Mấy đứa em đâu dám hó hé.
Có lẽ vì thế, Mẹ tôi lo bảo vệ chị sợ tôi ăn hiếp. Sau này mấy đứa em gái tôi cũng được Mẹ tôi sắm sửa, che chở. Còn tôi thì hầu như Mẹ tôi chẳng bao giờ lo lắng cho tôi cả. Tôi qua nhà ngọai phân bì, rằng Mẹ không thương tôi. Tôi có phải là con ruột của Mẹ tôi không ? Thì mấy Dì trả lời là tại vì tôi khôn lanh, nên Mẹ tôi không phải chăm sóc tôi kỹ lưỡng như những đứa con khác. Tôi không bằng lòng nhưng chẳng bao giờ nói ra cái suy nghĩ của mình cho Mẹ nghe. Tôi nhớ lần đứa em kế tôi thi đại học ở Sài Gòn, năm đó tôi cũng thi lại lần thứ ba. Mẹ tôi viết thơ vào Sài Gòn gởi gắm các bà con, cho tiền xe, sắm sửa hành trang cho em tôi, đưa em tôi ra bến xe. Mẹ tôi dường như quên rằng có tôi cũng đi thi. Sau hai lần thất bại, cần Mẹ quan tâm biết bao. Tự ái, tôi cũng vào Sài Gòn thi nhưng sống lây lất với bạn bè. Lần đầu tôi đi thi, Mẹ tôi cũng không buồn nấu cho tôi một bữa ăn ngon, chứ đừng nói chi là đưa tôi lên đường. Chi phí từ hai bàn tay của tôi mà ra.
Những mùa thương khó đã làm khỏang hở giữa Mẹ và tôi càng nới rộng. Cho tới một ngày tôi ra đi, hôm đó Mẹ tôi đang ngủ trưa. Tôi thưa Mẹ con đi, Mẹ tôi nằm xây lưng vô, không thèm quay lại để ừ hử với tôi dù chỉ một cái ậm ừ. Rồi tôi xa gia đình từ đó. Tôi như con kiến tha mồi về tổ trong âm thầm lặng lẽ. Cứ vậy mười năm lặng lờ trôi qua. Làm suốt năm, tết mang về nhà, vào lại tay trắng. Suốt mười năm đó, bao lần té ngã, tôi không bao giờ có ý nghĩ trở về. Tôi khóc không biết bao nhiêu lần trong cơn mơ, thấy rằng Mẹ không thương mình.
Rồi tôi đi xa hơn nữa. Một mình! Tôi cứ tưởng mình như một thứ cỏ hoang, bị bứng khỏi gốc, không bà không con chỉ có bạn bè. Thời kỳ căng thẳng ở trại tỵ nạn, biết bao người đã kết liểu đời mình để khỏi trở về. Tôi cũng vậy. Một là đi đến nước thứ ba, hai là bỏ xác tại trại tỵ nạn, dứt khóat không trở về. Không biết từ linh cảm hay là nghe ai đó nói lại sao đó. Mẹ tôi viết thư qua cho tôi, nói rằng rủi rớt thanh lọc thì trở về với Mẹ. Biết là đôi cánh Mẹ quá mong manh, đã không che chở tôi được khi tôi còn non nớt thì làm sao bao bọc cho tôi được khi tôi đã dày dạn gió sương. Nhưng dù sao lời thơ ấy cho tôi một chỗ để hướng về. Nếu không may tôi phải bỏ xác thì hồn tôi không phải vất vưởng, đã có Mẹ tôi đang lo lắng cho tôi.
Rất may mắn là tôi người có được cơ hội ban phát nhiều hơn là nhận lãnh. Tôi tin ơn trên đã tạo cho tôi khả năng đó. Nhiều lần tôi nghe Mẹ nói yêu thương tôi, nhưng cái đầu óc bệnh họan, trái tim cằn cỗi của tôi đón nhận tình thương đó trong trạng thái ơ hờ, nghi vấn. Tôi mang gia đình về thăm Mẹ. Xây nhà cho Mẹ, tôi phụ cấp Mẹ đủ đầy. Người ta nói, cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. Có phải là như vậy không ? Tôi đang bảo lãnh cho Mẹ qua với tôi, dù tôi biết Mẹ sẽ không ở lại lâu, vì chị tôi rất cần Mẹ. Chỉ mong rằng Mẹ tôi có dịp đi đây đi đó, nở mày nở mặt với chòm xóm. Dưới con mắt của người đời thì tôi là một đứa con có hiếu. Nhưng mà tôi không nghĩ vậy. Tôi có đáng trách khi tôi đã thương Mẹ, chỉ vì Người là Mẹ của tôi. Không hơn không kém. Lởn vởn đó đây trong tôi luôn tự hỏi, Mẹ có thật sự thương tôi không ? Cái tình thương mà tôi cần lúc tôi bị chới với, cái tình thương không chỉ là của người Mẹ đối với con, mà là một con người đối với con người kia.
Hôm nay tôi viết ra những dòng chữ này, lần cuối cùng. Từ nay tôi sẽ quên đi những ngày tháng kinh hòang kia. Mẹ tôi già rồi. Mẹ tôi đã khổ quá nhiều. Nếu không mang lại cho Mẹ nguồn vui, thì không được đem lại cho Mẹ thêm một nỗi đau buồn nào. Quá khứ làm giàu cuộc sống, đừng để nó thiêu rụi thành quả của hiện tại. Mỗi lần chua chát với Mẹ, lửa giận hờn âm ỉ đốt cháy tim gan tôi. Tôi không muốn sống trong hỏa ngục tủi buồn nữa, và tôi cũng không muốn dày vò ai, nhất là người ấy là Mẹ của tôi. Con suối từ nay sẽ cho dòng nước ngọt lịm, bao vẩn đục sẽ chìm lặng , những quãng gập ghềnh khúc khuỷu đã tạo thêm cảnh trí nên thơ của dòng suối Mẹ.
Tôi vẫn còn diễm phúc được mang lên ngực cánh hồng rực rỡ trong mỗi kỳ lễ báo hiếu, nhưng mà tôi hình dung một ngày nào đó tôi sẽ mất Mẹ. Chao ơi! Đau xót nào hơn! Mẹ ơi! Con rất mẫn cảm với những bài thơ, bài hát về Mẹ, nhất là những bài mất mẹ. Con không muốn phải mở đầu bằng hai chữ giá như khi nói về Mẹ. Từ nay và mãi mãi về sau! Mẹ ơi, Mẹ có biết không ? Biết gì ? Biết là, con thương Mẹ không ? Con xin trân trọng mượn câu hát của ĐĐ Thích Nhất Hạnh để nói cùng Mẹ.
Xin tặng những ai không còn Mẹ, bài hát và đọan thơ mất Mẹ mà tôi thích nhất.
Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng
Thích Trường Khánh
Tôi trở về đây thành phố đang sang mùa,
Khung trời đầy mây, ngày tháng đang vào thu.
Bâng khuâng tôi đứng ngắm nhìn mây bay,
Thương cho con nước vơi đầy,
Tình quê lưu luyến bao ngày,
Tháng năm dài con mãi trắng tay.
Bấy giờ mùa thu vàng lá bay bay nhiều,
Khung trời từ ly mẹ đã một lần đi.
Bao nhiêu đau xót nát lòng con thơ,
Me ơi! yêu mến vô bờ,
Trần gian sương khói bơ thờ,
Mất mẹ rồi đời hết ngây thơ.
(Điệp Khúc).
Mẹ hiền ơi! mùa Vu Lan đã về rồi,
Người ta đang say cùng đời,
Hoa hồng đỏ thắm trên môi.
Còn mình con, lang thang nhặt cành hoa trắng,
Nghe cay đắng tìm về trong hồn,
Đời mất vui khi mẹ chẳng còn.
Tháng Bảy ngày trăng mùa Hiếu Vu Lan về,
Hoa hồng người ta cài áo sắc hồng tươi,
Riêng con hoa trắng, trắng mầu xót thương,
Me ơi! thương mến khôn lường,
Nhìn ai mang đóa hoa hồng,
Tủi phận mình mầu trắng đơn côi.
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Bồng Lai
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...