Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc
đến người thầy của bao thế hệ

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà lý luận – phê bình Văn học Lê Đình Kỵ (1923 – 2009), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm “Trăm năm một thuở”. Cuốn sách do nhà nghiên cứu Trần Đình Việt tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu, là lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ.
“Trăm năm một thuở” được xem như một câu chuyện chữ nghĩa của Giáo sư Lê Đình Kỵ và cũng là câu chuyện tình đời, tình người của những người yêu mến, kính trọng giáo sư. Cuốn sách gồm hai phần, có độ dày gần 600 trang. Phần đầu là tuyển tập một số trích đoạn trong các tác phẩm nổi bật của Giáo sư Lê Đình Kỵ như: Tìm hiểu văn học, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Thơ Mới – Những bước thăng trầm…
Giáo sư Lê Đình Kỵ và cuốn sách “Trăm năm một thuở”
Phần thứ hai gồm 30 bài viết của các học giả, người thân, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò về Giáo sư Lê Đình Kỵ như: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Trần Hữu Tá, Mai Quốc Liên, Huỳnh Như Phương, Ngô Kim Long, Trần Khánh Thành, Bế Kiến Quốc, Khuất Bình Nguyên, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Hà, Phan Hoàng, Hà Công Tài, Phạm Quốc Ca, Vu Gia, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Thúy Nga, Trần Thị Phương Phương, Nguyễn Tý, Lê Ly Ly…
Buổi toạ đàm có sự tham dự của gia đình, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ và nhiều thế hệ học trò của người thầy tài hoa
Tại buổi toạ đàm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định: “Hơn 40 năm giảng dạy đại học, bên cạnh đào tạo các thế hệ sinh viên, hướng dẫn luận văn, luận án tiến sĩ, GS-NGND Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan trọng, những bài viết có tính học thuật sắc sảo và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học. GS còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, có tính chất đặt nền tảng, khơi nguồn cho phân môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, có uy tín và địa vị xã hội cao trong các lĩnh vực khác nhau”.
Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1922-2009) là nhà sư phạm và nhà nghiên cứu văn học hàng đầu, được nhiều thế hệ học trò yêu quý, giới văn chương vị nể. Giản dị và thoải mái trong đời thường. Nghiêm cẩn và chuẩn tắc trong công việc. Đó là người thầy của nhiều thế hệ học trò văn chương.
Ông để lại nhiều công trình lớn cho văn chương Việt Nam: Đường vào thơ (1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970); Tìm hiểu văn học (1980); Thơ Tố Hữu (1979); Thơ mới, những bước thăng trầm (1988); Trên đường văn học (2 tập, 1995); Phê bình nghiên cứu văn học (1999); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (1998).
7/4/2023
Huyền Thương
Nguồn: Arttime
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...