Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Đất đỏ

Đất đỏ

Anh phụ lái vỗ đùng đùng vào hông xe, và cái xe than dừng lại một cách khó nhọc, đít xe mở ra xọc xạch, thả xuống hai đứa con gái rũ rượi như hai con bụi đời. Hai bên bờ là rừng cao su đều thẳng tắp, quy củ mà hoang sơ trong trời xám đất đỏ; trước, sau, đường nhựa uốn dốc, tôi và Hà nhìn nhau bối rối: "Sao mới đến mà buồn thế này?"
Hai đứa đi giữa lô cao su, vắng lặng và trơn trợt, Hà chỉ lên cao: "Móng rồng kìa!", rồi chỉ vào gốc cây: "Chén đựng mủ kìa!" xong nhìn tôi thăm dò, xem thử may ra mấy cái vặt vãnh lạ lùng ấy có thể làm tôi vui lên chăng. Tôi chưa từng có một mùa hè vui, hè nào cũng đau ốm, hoặc không thì nhân tình nhân ngãi bỏ, mà chủ yếu là nhân tinh nhân ngãi bỏ. Để đỡ buồn, tôi là vài việc, khi thì học cắt giấy, tỉa tót những nét tranh bằng cái kéo to cộ; khi thì cùng một đám bạn đi sưu tầm các quán cafe và ngồi quán nào cũng thấy buồn...Hè năm nay, một chuyện hiểu lầm vặt vãnh, và Tuyển biến mất, tôi hiểu rằng đó chỉ là một cái cớ và người ta đi chỉ vì người ta chán, vậy nên tôi nằm nhà, lôi một chồng tạp chí cũ ra xem, vừa xem vừa ngủ vật vờ, chán nản. Hà bảo: "Mày thảm quá, xem tao này, tao có buồn đâu nên tao mập!". Tôi cười, nó mập thật, mặt không một nếp nhăn, mắt không một quầng thâm mất ngủ... Rồi nó cười: "Ở Suối Tre, nhà cậu tao, mùa này chôm chôm còn nhiều lắm!..."
Có vườn chôm chôm nào đâu, nhà cậu Hà nằm cô độc trên một khu đất không biết nên gọi là đồi hay u. Một ngôi nhà kiểu Tây đỏ quạch đất bùn, quanh nhà, cỏ mọc ẩm ướt, buồn thảm. Vài đứa trẻ con trông cũng uể oải như cảnh vật, ngồi trên thành xi măng bể nước, dùng mấy cành cây ngó ngoáy xuống mặt đất... Thấy Hà, bọn nó nhảy xuống, rồi nắm níu, rồi hỏi han: "Mẹ đâu, bố đâu?"... ầm ĩ; còn tôi, hoàn toàn dửng dưng, tôi chỉ muốn có ngay một cái giường để ngủ!
Trong nhà đầy trẻ con. Đứa nào cũng lem nhem, tưởng chừng như đất đỏ ngấm vào cả da thịt chúng. Cơm chiều, cả nhà quây quần lại nghiêm túc, mấy đứa bé lâu lâu kêu lên: "Nhặt con đậu đen kìa, cạnh bát canh kìa!"... Hà trấn an tôi: "Đừng sợ, con này không bẩn, không cắn". Cả nhà nhìn tôi có vẻ hơi ngộ nghĩnh rồi lại tiếp tục ăn, chỉ một người, một chị tóc dài, thưa thớt, vàng hoe, mặt thuột ra; chị buông bát đũa, nhìn tôi chăm chú và cười, cười mãi. Mợ Hai đút bát vào tay chị, và chị ăn, chậm rãi, có vẻ ăn cho mợ vui lòng, vậy thôi, còn công việc chính lúc này là phải nhìn tôi, nhìn cái đứa sợ giống đậu đen hiền lành kia, và cười. Hà thầm thì: "Chị Hai đó, ăn đi!", rồi nó ngạc nhiên hỏi: "Hoài đâu?". Cậu mợ thản nhiên: "Nó đi chơi rồi!".
Bọn trẻ con vác bộ cờ cá ngựa ra, giảng giải: "Ở đây tối chẳng có chỗ nào để đi, mưa nữa, bẩn lắm...Sáng mai em dẫn xuống vườn mua sầu riêng... Mấy chị chơi cá ngựa không?" Và cứ hai người một màu ngựa mà đấm mà đá lẫn nhau. Hà trầm ngâm trước bàn cờ: "Bọn này hiếu chiến lắm, mình muốn về chuồng cũng không được. Tao với mày đi thế này nhé, đá là chủ yếu, đừng cho đứa nào qua!". Rồi rình rập nhau, trẻ con cay cú hờn dỗi, người lớn mưu mô, rồi la hét ầm ĩ, giường chiếu run bần bật... Tôi dựa lưng vào cái bàn máy may kê đầu giường, thấy chị Hai đứng đó từ lúc nào, tóc xõa, miệng vẫn cười cười, mắt ngây ngô vô hồn. Tôi bảo: "Ngồi xuống giường này, chị Hai, đứng chi cho mỏi !". Không nói tiếng nào, chị vuốt ve cạnh bàn, ngơ ngẩn... Hà lại hét lên: "Con Thảo sắp về chuồng rồi, bỏ mẹ rồi !", thế là hùynh hụych đuổi theo con ngựa của Thảo, những cục xí ngầu vội vàng tung lên, rơi xuống, bọn trẻ con lại rên rỉ...
Cứ vậy đến đêm, mưa ngoài kia rả rích, đậu đen rớt xuống bàn cờ, tôi quay lại, vô tình tìm thấy chị Hai, và hoảng sợ. Trong ánh đèn nê-ông xanh xao khuất bóng, một khuôn mặt biến dạng, nó dài ra kì lạ, u uẩn như chìm trong một cơn đau dai dẳng. Tôi bấm tay Hà: "Chị Hai kìa !". Hà ngước lên nhìn rồi bình thản bảo tôi: "Tại tụi mình vui quá đó !", quay lại, chị đã biến mất, như ma, và tôi không còn tâm trí đâu mà chặn đường đấm đá với mấy con ngựa nữa.
án cờ kết thúc trong những cái ngáp dài, những bóng dáng trẻ con, người lớn nghiêng ngả dựa nhaụ Hà bảo: "Không có tiền là không thắng nổi"... Bọn trẻ hỏi: "Hai chị ngủ đâu ?". "Cho tao cái giường cạnh cửa sổ, không cần gối, với một ly nước để nửa chừng tỉnh dậy tao uống". Rồi hai đứa tựa thành cửa nhìn xuống khoảng đất dông dốc mờ ảo ngoài kia. Mưa đã tạnh và trời lạnh lẽo, cây lá thả nước lộp độp theo mỗi trận gió, tôi chợt thắt lòng mà nghĩ đến Tuyển, giờ này hẳn đang ngủ, mắt xếch mày dài khép lại, cái mặt luôn hờn dỗi ngoẹo qua một bên gối, và tôi thấy buồn cườị.. Chợt Hà lẩm bẩm: "Vì tình!". Tôi hỏi: "Cái gì?". Nó chỉ về một gốc cây gần bể nước: "Chị Hai!". Chi Hai ngồi đấy, một cái bóng thẳng đuột như một khúc cây trông có vẻ ngây ngô, biếm họa hơn là u uẩn hay mơ mộng. Tôi hỏi Hà: "Lâu chưa? Vì ai vậy?". Nó cười ruồi: "Mấy năm! Thằng cha nào làm bên bệnh viện, không biết. Mà cũng không hẳn vì tình hoàn toàn, xưa kia bả cũng tàng tàng rồi, cái ông quỷ kia chỉ là cái cớ thôi..." Tôi cười: "Tàng tàng mà cũng có người yêu sao?" Hà phì cười: "Yêu hồi nào Bả lên khám bệnh, mê ổng, còn ổng có biết chị Hai tao là ai đâu!"...À thế là điên thật, điên có sẵn! Tôi thấy buồn cười, trước đây tôi vẫn quen với hình ảnh những thiếu nữ thất tình xinh đẹp của tiểu thuyết, đầu đội hoa chẳng hạn, quần áo vẫn sạch sẽ, đi lang thang vơ vẩn giữa những hàng cây, để lại sau lưng những chuyện tình đẹp như truyền thuyết. Còn chị Hai của Hà, một mối tình "độc mã", một gương mặt dài ngây dại, một dáng ngồi thẳng đơ giữa một đêm miền Đông, trong tiếng côn trùng rỉ rả chán đời!
...Hà khép hai cánh cửa sổ ẩm ướt lại: "Ngủ đi, mai còn ra rẫy!". "Có gọi chị Hai vào không?". "Không, hồi nữa tự chị vào, mày ngủ đi!". Tôi chui vào màn, chăn chiếu nồng mùi nước đái, nước rãi trẻ con mê sảng nhả ra trong đêm, thật khó ngủ. Hà cũng vậy, nó xoay xở như con mậy lộn, gãi lưng, gãi cổ: "Có kiến". Cửa lớn vẫn mở hé, gió lùa vào lạnh toát, tôi lay Hà: "Sao không ai gọi chị vào, cảm lạnh chết?". "Gọi thì không vào, mà không ai muốn nhắc đến chị Hai". "Cậu mợ mày không thương chị sao?". Hà thì thào: "Dĩ nhiên cậu tao không thương, mợ tao thương nhưng ngượng, mà chán nữa. Chị Hai là "kỷ vật" của mối tình đầu đó, cậu tao lấy về sau này mới vỡ lở, mà quê thật, tưởng cái kỷ vật ấy nó lãng mạn ra làm sao, cuối cùng lại tòi ra cái của này!" Rồi Hà cười, khịt khịt mũi có vẻ rất vênh váo, bề trên...
Tôi không thích cái lối kể về những ngóc ngách tối tăm của gia đình một cách lạnh lùng như Hà. Tự nhiên tôi sợ, tôi quay mặt vào tường, nghe bên ngoài rào rạt lá, biết đâu sẽ có lúc Hà kể lại chuyện không hay của tôi cho một người bạn thân khác nghe, rồi cũng khịt khịt mũi diễu cợt như đêm nay?
Chúng tôi tỉnh giấc vì qua cửa sổ, nắng chiếu vào thẳng mặt. Ngoài kia, một giống chim gì đó loé choé, kêu chứ không phải là hót. Giường bên kia, một đứa con gái lạ, đầu mới gội, mặt đẹp và ngang tàng nhổ tóc ngứa cho chị Hai. Hà hỏi: "Mày đi đâu bây giờ mới về vậy Hoài?", nó đùa: "Đi ngựa!" rồi hỏi lại: "Hai chị ăn xôi nha! Ăn đi rồi đi vườn chơi!" Hà rỉ tai tôi: "Hoài, em tao, quậy lắm!". "Nó học lớp mấy rồi? ", tôi hỏi, "Đang đợi kết quả rớt đại học! Nó mà học gì! Bồ không hà!". Tôi lại liếc nhìn Hoài, nó cũng nhìn tôi, cười vui vẻ, ý như muốn nói: "Thôi tôi biết tỏng các chị đang thầm thì cái gì rồi! Mà đâu có sao, phải không?". Chị Hai ngồi dưới chân giường, mắt vẫn lờ đờ, miệng cười cười, thỉnh thoảng kêu lên: "Ôi, đau! Nhổ đau quá!". Hoài ấn vai chị "Im để tôi tết lại nào!", rồi nó bảo: "chừng nào em có tóc bạc tới phiên chị Hai nhổ cho em nha!". Tôi nằm, nhìn tóc Hoài đen nhánh che nửa mặt, nửa mặt còn lại trắng như ngọc với mắt rợp, miệng ngang, đẹp như những hình quảng cáo trang họa báo nước ngoàị.. mà nghĩ: "Đẹp thế này làm sao già nổi!"
...Cả lũ kéo nhau vào rẫỵ Trời chợt âm u, đường đi lúc lên dốc, lúc xuống dốc... đến mệt. Hoài khoác tay chị Hai đi cạnh Hà và tôi, mấy đứa em ríu rít sau lưng, bọn nó gọi: "Xuống rẫy ông Cụt nha chị Hoài!". Hoài giải thích cho chúng tôi: "Vào rẫy ông Cụt là thoải mái nhất, vừa bán vừa chọ..", rồi nó dựa vào người chị Hai, cười: "Mốt em có rẫy, cho chị Hai coi việc bán trái cây, nha! Bán được không?" Chị Hai cười, ngơ ngẩn: "Được". Mấy đứa trẻ con kêu lên: "Trời! Ai dám cho bà ở chung, thấy bả, ai dám mua mà bán!". Tôi giật mình, thầm trách sao bọn trẻ con mà độc miệng. Hoài cũng vừa quay lại, nó hất tóc ra sau, không có vẻ gì là giận dữ: "Không ở với tụi mày thì ở với tao!", rồi lại ngả vào chị Hai, cặp chặt tay chị hơn, nó hỏi: "Bà chịu về với tôi không?", chị Hai lại đờ đẫn cười: "Chịu".
Vào đến rẫy thì trời đổ mưa. Cả lũ chạy vào một căn nhà lụp xụp, trong nhà ngào ngạt mùi sầu riêng, một ông già cụt tay đang hút thuốc lào lọc xọc, nhìn tụi tôi, nói: "Mới sáng mà đã mưa há tụi bây!". Trên cái võng mắc chéo ở góc nhà một anh chàng mắt một mí, có vẻ như mới tập để ria, đang nằm. Thấy Hoài vào, anh ta ngồi bật dậy, lúng túng nhường võng. Hoài "Ứ" một cái rồi liếc anh: "Chủ nhật mà không đi chơi sao ông?". "Có ai đâu mà đi". Hoài giới thiệu với tụi tôi: "Anh Lương, bác sĩ bệnh viện công ty". Bọn trẻ con lại nhao nhao với tôi: "Công ty cao su gần nhà đó!"... Mưa tạnh, ông Cụt vô ý dục anh bác sĩ: "Tạnh rồi kìa! Đi lẹ không lại mưa !", anh chàng đến góc nhà, xách một cái túi to đầy chôm chôm, giải thích: "Người nhà anh dưới Saigon lên! Anh về nha!". Hoài lại "Ứ", liếc anh: "Về sao, vậy thôi sao?". Anh bác sĩ hiểu ra, cười: "Em thích gì, lựa đi!". Hoài bảo: "Cho chị Hai lựa sầu riêng đó!", và chi Hai tình ngay vào góc nhà lựa trái, anh bác sĩ sung sướng trả tiền cho người đẹp, lũ trẻ con lem nhem đứng cười rạng rỡ, nghĩ rằng phe ta kì này thế là đã thắng to.
Loanh quanh trong vườn một chút, trời lại mưa, lần này mưa dai dẳng, trời sũng nước, mấy đứa bé sau khi đã ăn chôm chôm mỏi miệng, đòi: "Về luôn đi chị Hoài, không tạnh đâu!". Hà cũng nhìn tôi: "Về luôn nha!". Hoài nhìn trời, ước lượng, rồi "Ừ". Nó bảo ông Cụt: "Bác cho con mượn cái áo mưa, con đưa chị con về, lát hồi con đem qua." Ông Cụt chỉ lên vách: "Có tấm ni-lông với cái nón thôi, tao không có áo!" Hoài cười: "Tốt rồi!", xong gọi: "Chị Hai lại đây!". Nó đội nón cho chị, choàng tấm ni-lông qua vai rồi buộc lại bằng cái nút to tướng ở cổ, nó ra lệnh: "Đưa chân ra đây tôi sắn quần cho không té!", rồi dặn: "Đi từ từ thôi nhe chị Hai!". Chị Hai cười, ngu ngơ, lũ em, tay xách giỏ, tay nắm quần, cùng cười. Cả bọn lại dò dẫm trên con đường về nhà, đất đỏ giờ nhão ra, trơn như sáp. Những lô cao su bên đường vắng lặng, gây cảm giác sờ sợ... Tôi thì thầm vào tai Hà: "Hoài nó thương chị Hai quá ha !". Hà gật đầu, cười: "Ờ, cả nhà được mình nó, hên mà có nó, không có nó, sau này chị Hai biết sống với ai !". Tôi thấy điều này hơi ngây ngô, tin sao được tình cảm một đứa bé mười tám, mười chín, nhất lại là một đứa lang bạt như Hoài ! Vậy nên, tôi chỉ cười nghi hoặc, Hà trợn mắt nhìn tôi: "Thật đó! Nó đi suốt, nhưng nó mà ở nhà đừng có ai hó hé gì với chị Hai", rồi cũng như nghĩ lại, Hà buông một câu: "Mà bây giờ thì thế, sau này còn biết bao nhiêu chuyện, phải không?".
Về thành phố, nghỉ được một tháng, đi học lại được khoảng hai tuần nữa thì tôi nhận được tin Hoài mất. Một cái chết đuối như mọi trường hợp chết đuối khác, rủi ro xảy ra trong một cuộc picnic nào đó trên hồ. Người ta phải đau lòng chờ chực để vớt được xác Hoài, đã căng đầy nước và hồn phách có lẽ đang lang thang ở một góc trời nào đó. Đưa Hoài về, chị Hai hỏi mợ: "Em đâu?", mọi người lại oà khóc, khóc nhiều hơn là khi nghe các câu kể lể, than thở khác. Tôi muốn biết chị Hai có khóc không, Hà bảo: "Tao không hỏi!". Có lẽ cũng không ai để ý đến điều này.
Lại mưa, mùa mưa. Tôi nghĩ rừng cao su, với những chiếc chén đựng mủ đeo bên hông cây, giờ này hẳn buồn lắm. Và trong cái nhà ẩm ướt đỏ quạch màu đất ba gian ấy, chị Hai chắc đang ngơ ngẩn nhìn mưa trong đồi cỏ, tóc dài không ai tết hộ, lại xõa ra, vô hồn.
Phan Thị Vàng Anh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...