Ðêm trăng tròn trên đảo. Trăng mười sáu vừa ló dạng lên đỉnh núi. Trăng đứng giữa
trời, tròn vạnh nhưng không tỏa rạng. Chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống
mặt biển nghiêng nghiêng, nhạt nhòa thành những đường vàng nhạt, tan loãng trên
sóng. Trăng vẫn tròn, trong sáng, và tươi trẻ như mọi khi nhưng núi và đảo thì
đã tiêu điều, tiều tụy, già cỗi như cái bóng đổ, đùn đùn, gấp khúc nhăn nhăn
trên sóng. Ðám rừng cây từ trên đỉnh núi kéo dài qua bên mạn Ðông Ðảo người ta
đã đốn trụi trong suốt mười mấy năm qua. Ðám cây non lớn không kịp thay thế lũ
cây già đã ngã quỵ. Khu trại phía Nam Ðảo người ta phóng hỏa đốt bỏ hôm tuần rồi.
Ngọn lửa thiêu rụi toàn khu trại bằng mái lá dừa, không đầy nửa buổi. Tối đến
mưa phùn đổ xuống trên đống tro tàn, than và lọ nghẹ nhuộm đen bãi biển, sền sệt,
nhão nhẹt. Và, suốt tuần qua, mỗi đêm, ánh trăng trải ánh sáng vàng vọt trên đống
tro tàn cũ, tạo ra cái vẻ hoang vu, ma quái. Người ta vẫn giữ cái giếng ở Nam Ðảo,
chưa lấp lại, vì cái giếng ở Trung Ðảo quá đông người. Những sinh hoạt quanh miệng
giếng Nam Ðảo tối nay vẫn xảy ra bình thường như mọi đêm. Các cô gái đợi đêm xuống
mới kéo nhau ra giếng để tắm giặt, vì ban ngày cái giếng ấy là của cánh đàn
ông. Bọn họ kháo với nhau rằng cái giếng ấy có ma.
1. Buổi tiệc tàn. Trong cái dĩa sành, lơ thơ vài con tôm khô nằm mắc cạn chen lẫn
với vài miếng ớt hiểm cùng vài mẩu chanh vắt. Ngoài kia sóng biển vẫn ì ầm, thủy
triều rướn mình lên bãi cát sau mỗi đợt sóng, lấp lánh dưới ánh trăng tròn treo
chênh chếch bên kia đỉnh ngọn núi Aur sừng sững. So với ánh đèn mờ mờ của thành
phố Mersing cuối chân trời và ngọn đèn dầu heo hắt giữa bàn tiệc, ánh trăng kia
có lẽ là nguồn sáng mạnh nhất, trải ánh sáng mập mờ trên những mái lá của khu
trại Q, Nam Ðảo. Phúc vươn vai, xoay người khỏi ghế, rồi quăng mình xuống bãi
cát. Hơi rượu có lẽ đã thấm vào từng thớ thịt cuồn cuộn, vạm vỡ của người thanh
niên chài lưới. Tay xoa xoa cái bụng phẳng lì như tấm phản, Phúc nhìn lên trời
sao, rống cổ: " Con ở miền Nam ra thăm lăng..."
- Nghe mày hát mà tao mắc...
Quang lên tiếng phê bình. Phúc không phiền lòng vì Quang chê mình hát ẹ, có vẻ
hãnh diện là đằng khác, bâng quơ chửi thề một câu cho xong chuyện:
- Mắc... thì cứ đi...thăm, tao hát thì kệ tao..
Xa xa về phía Trung Ðảo, chơ vơ trên sóng biển dăm ba căn nhà hư ảo ma quái rải
rác trong bóng tối ngai ngái, bóng soi vào vách núi chập chờn với ánh đèn néon
lúc tắt, lúc mở như gần đứt hơi. Quang chưa kịp trả đũa, dì Trang đã lên tiếng
can:
- Ðừng có cãi nữa. Tối ngày cứ hết cãi tới đánh lộn. Chán quá!
- Dì Trang...
- Bữa nay là tiệc tiễn đưa Thịnh đi Mỹ. Ngày mai Thịnh đi rồi. Không thấy Miên
nó sắp khóc kia kìa.
Im lặng. Một cơn gió mạnh. Ngọn đèn dầu tắt phụp. Cái tim vải cháy xém, chết đuối
trong đáy chai xá xị ngập dầu xà lách. Những chai xá xị, hoặc chai bia được bọn
tôi dùng dây cước cưa làm đôi, mài lên cát cho nhẵn, đáy chai dùng làm ly uống
nước, hay đựng dầu nấu ăn làm đèn để đốt. Bóng tối chìm xuống thêm một chút
quanh cái bàn tiệc đóng bằng gỗ đẽo ra từ những thân cây dừa non. Khum bàn tay
che gió, tôi mồi thuốc, khó khăn lắm mới mồi được điếu thuốc. Qua ánh lửa xập
xòe, tôi không rõ Miên có khóc hay không. Em ngồi đầu bàn bên kia, đối diện, mặt
quay ra ngoài phía đất liền, thỉnh thoảng đưa tay vén những sợi tóc mai lòa xòa
trên má.
- Hay để Thịnh đàn cho Miên hát đi. Dì Trang đề nghị.
- Phải đó. -Phúc và Quang nhao nhao.
- Thôi dì Trang à. Miên quay lại chống chế.
Tôi ngồi im lặng. Im lặng nhất trong bữa tiệc đêm nay. Tiệc tiễn đưa tôi. Ngày
mai tôi đi Mỹ rồi. Vui lên chứ. Sao lại buồn nhỉ. Tám tháng trên đảo tưởng như
dài lắm, bây giờ đã là quá khứ. Tương lai hứa hẹn đang chờ tôi bên kia bờ đại
dương. Tôi phải vui lên chứ. Sao lại buồn nhỉ?
- Ðể tao vào lấy cái đàn.
Phúc đứng dậy, phủi cát. Không ai trả lời, nhìn theo bước chân của Phúc lảo đảo,
bóng khuất dần sau tàn lá dừa che kín lối vào trại. Khi Phúc mang đàn trở ra,
Quang đón lấy, dạo nhạc, những ngón tay dài thoăn thoắt trên cần đàn. Một lát
sau, Miên nhè nhẹ cất tiếng hát theo:
- "Ðêm qua chưa, mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang....
Mộng về một đêm xuân sang, em thì thầm ngày đó yêu... "
Tiếng hát của Miên dứt ngang, tắt tịt, xuống nhịp bằng tiếng "phập" của
con dao găm phóng xuống giữa bàn tiệc. Lưỡi dao cắm ngập vào khoảng gỗ mềm.
Miên kinh ngạc nhìn cán dao run run, cái bóng nghiêng nghiêng của lưỡi dao chập
chờn kéo dài thành một vệt chạy xéo ra tận góc bàn. Bất thần từ góc bàn ấy, một
cái bóng đen khác to sầm, rung chuyển dội trả lại, nuốt chửng lấy cả hình lẫn
bóng của lưỡi dao mỏng đang run rẩy khiếp sợ. Ðó là một người đàn ông trung
niên khá lực lưỡng đang đứng sau Quang tự lúc nào. Khuôn mặt nhỏ, cằm lẻm, quai
hàm run lên bần bật. Ðôi mắt hắn trợn ngược, trắng bảnh nổi bật trên da mặt đỏ
bầm dưới ánh trăng. Tôi liên tưởng đến một người mắt kinh phong, một người
điên, hay một con chó dại đang gầm gừ nhìn mình từ đầu đến chân. Bất động. Yên
lặng đến ngột ngạt. Tôi có thể nghe rất rõ tiếng gió thổi ù ù qua mang tai. Người
mới đến nhảy phóc lên bàn, giằng mạnh lưỡi dao khỏi mặt bàn. Ðó là một con dao
săn, làm bằng thép đen, hình dáng như một loại đoản đao thu nhỏ. Một bên dao có
răng cưa, bên kia lưỡi dao mài bóng loáng, mũi dao nhọn hoắt. Có lẽ đã được mua
lậu của tụi lính Mã đem qua từ Mersing. Chúng tôi như những pho tượng hóa đá ngồi
quanh bàn tiệc, nhìn tên phù thủy lắc lư, múa máy dưới bóng trăng với con dao lấp
loáng trong tay. Hắn ta sẽ cắt tiết ai trong chúng tôi? Tôi. Hắn tiến về phía
tôi. Mùi thép lạnh của mũi dao nhọn dí vào cổ. Mẩu thuốc lá gần tàn lụi vì thiếu
hơi, rời khỏi miệng. Gió thổi bạt, tàn lửa bay chập chờn như con đom đóm kiệt sức,
tan biến vào bóng tối.
Mũi dao ấn mạnh hơn tí nữa. Con dao nhọn lắm. Cái nhọn cứa sâu vào da cổ, nẩy mầm
thành trăm ngàn mũi nhọn khác lan tỏa ra khắp người, nhột nhạt dưới cái áo sơ
mi của Liên Hiệp Quốc viện trợ. Một sự nóng bức ngột ngạt làm tôi khó thở. Cổ
tôi cứng đờ.
Thời gian và không gian giờ đây lắng đọng lại và hội tụ vào một điểm, bất động.
Tôi đếm khẽ trong đầu...một....hai....Thời gian nặng nề. Một giây là trăm năm...
2. Tôi đếm khẽ trong đầu...một....hai....ba... Theo tiếng sóng vỗ mạn tàu.
Ðứa con gái ngồi bên cạnh mụ Tàu béo, nhìn tôi, đờ đẫn, vành môi nó giờ đây nhợt
nhạt, vẫn xinh xắn, nhưng không cười tươi, liếc mắt với tôi như hôm xuống tàu
tuần trước. Ðầu nó lúc lắc, không còn sự kiểm soát của chiếc cổ trắng mảnh mai,
lúc va vào thành tàu, lúc ngã vào vai mụ béo ngồi bên cạnh, theo từng đợt sóng
nhồi lên xuống. Mẹ con gì mà khác nhau một trời một vực. Một nàng Kiều bên cạnh
một mụ tú bà? Không biết khi con nhỏ về già nó có xấu như mẹ nó hay không. Khi
khác thì tôi đã cười với ý tưởng ngồ ngộ ấy. Lúc nầy thì không. Cổ tôi khô đắng.
Con tàu lắc lư trên sóng. Ðã hơn năm ngày qua nằm dưới hầm tàu, tôi chỉ được
nhìn thấy nước qua những lỗ thông hơi nhỏ. Cái lỗ thông hơi lắm lúc bị che kín
bởi đầu tóc rối bù của người đàn bà Tàu ngồi đối diện. Ðã năm ngày qua tôi đã
không được uống nước như hồi còn ở nhà. Tôi khát lắm. Bỏ mặc con nhỏ, tôi đưa mắt
nhìn quanh. Chúng tôi được dồn lên tàu, sắp lớp như cá mòi, lên đường "về
nước" theo diện người Hoa. Nước nào thì tôi không biết. Chắc không phải là
Việt Nam nữa. Mà không biết tôi có thể đến được cái nước nào đó hay không. Miễn
sao tôi có thể sống qua đêm nay. Ngoài kia dông tố ấm ì. Con tàu chao đi. Mặt
nước chồm lên từng hồi như muốn ào vào những lỗ thông hơi nhỏ bé. Ào vô đi, cho
ướt mình cái mụ béo và đứa con gái đẹp của mụ. Tại sao tôi lại có thể chết vô cớ
như hôm nay. Tôi chưa làm gì nên tội mà.
Ðứa con gái chợt mở mắt như sực nhớ một điều gì. Nó lục lọi túi xách kẹp ở giữa
cặp đùi tròn của nó. Một bình bi đông nước! Loại bình đông nội hóa dành cho học
trò tiểu học. Chút nước đọng ở đáy bình chỉ đủ một hớp cuối cùng. Nó mở nắp
bình, run rẩy đưa lên miệng. Bố khỉ, gần chết đến nơi rồi. Tôi nhũ thầm. Uống
đi. Uống nữa đi, rồi tí nữa chết chìm, tha hồ mà uống nước muối nhỏ ạ. Tôi nuốt
nước bọt. Không được. Cổ tôi khô đắng. Ðắng như một người bệnh nặng lâu ngày.
Ðau như ngày xưa bị sốt rét rừng gần chết. Bất chợt, con nhỏ ngần ngừ, ngưng lại
khi bình đông vừa chạm môi, nó mạnh tay chìa bình đông trước mặt tôi. Mặt nước
trong bình sóng sánh.
- Uống tí đi. Có chết cũng đỡ. Tí nữa tha hồ mà uống nước biển.
Nó cười, miệng méo xệch, miệng hơi rộng một tí, nhưng bù lại được cái hàm răng
khá đều. Với tôi chưa có một nụ cười của một người con gái nào đẹp hơn lúc đó.
Tôi ân hận. Nó đã đọc được ý tưởng trù ẻo của tôi dành cho mẹ con nó lúc nãy.
Tôi đón lấy bình nước, ngần ngừ, đưa lên miệng. Một hớp nhỏ, vừa đủ ướt môi
thôi. Tôi trả bình nước lại cho nó. Ðứa con gái uống nốt phần còn lại. Ngụm nước
ngọt ngào đang thấm xuống cổ họng của tôi, và nó. Môi tôi đã chạm môi nó, qua
chiếc bình nước. Có phải chúng tôi vừa hôn nhau hay không? Chưa có một nụ hôn
nào mát và ngọt lịm hơn thế không? Tôi nhoẻn miệng cười. Lát có chết xuống âm
phủ cũng sướng. Nó nhìn tôi cười lại. Chắc nó lại đọc được ý tưởng của tôi...
- Xuống. Ð.M. xuống. Lên đây làm con c. gì.
Người tài công quát tháo, chân đạp vào mặt, cố xua tôi xuống hầm tàu. Họ sợ nếu
mọi người đều tràn lên bong tàu thì tàu sẽ dễ chìm hơn. Cũng lạ, tôi không thấy
đau tí nào. Tôi không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ. Trườn mình ra
khỏi hầm tàu, tôi cố ngoi lên bong. Thành tàu chòng chành ngang bằng với mực nước.
Bây giờ tôi mới nhìn thấy nước, toàn là nước, nước biển đen ngòm trong đêm tối,
nước từ đại dương mênh mông tràn lênh láng xuống hầm tàu, nước từ bầu trời đen
kịt tuôn xối xả xuống con tàu tròng trành như chiếc lá khô trên biển. Cơn bão
gào thét. Gió gầm gừ xua những làn sóng tiếp tục ụp lên sàn tàu. Tiếng sóng, tiếng
sấm long trời. Tiếng người lớn gào, tiếng trẻ con thét. Tiếng kẻ kêu Phật, tiếng
người gọi Chúa. Hỗn loạn. Cố trườn. Tôi cố trườn mình lên tí nữa. Mưa vẫn tuôn
xối xả như những lằn roi quất xuống mặt. Tôi nằm xoải tay ngửa mặt lên trời hả
miệng hớp lấy nước mưa. Ôi những giọt nước ngọt ngào. Tôi có thể chết đuối
nhưng không chết khát. Những người lái tàu bắt đầu quăng những hành lý trên mui
tàu xuống biển. Họ quăng tất cả những gì nằm trong tầm tay có thể vơ lấy được.
- Ðồ của tui...
- Vàng của tui...
- Chết chìm tới nơi mà vàng với bạc.
- Xích qua bên trái đi bà con, nước tràn vô bên phải rồi...
- Tát nước lẹ lên...
Tôi lịm đi trong tiếng người ta gào thét...
- Dậy. Bộ muốn nằm đó chết hay sao cha nội.
Tôi mở bừng mắt khi gả tài công đá mạnh vào mạng sườn. Trời đã sáng. Bầu trời
xanh, cao thăm thẳm. Gió hiu hiu mát lạnh. Sóng đong đưa vỗ nhè nhẹ lên mạn
thuyền như không có chuyện gì xảy ra đêm hôm trước. Tôi tính lên tiếng trả đũa
thì có tiếng la hớt hải trên mui tàu:
- Ðất, đất, thấy đất liền rồi.
Mọi người nhao nhao dưới hầm tàu. Một lát, lại có tiếng rú:
- Tàu. Tàu Mỹ bà con ơi. Tàu Mỹ vớt.
Thật ra đó không phải là tàu Mỹ mà là một chiếc tuần dương của hải quân Mã Lai.
Chúng tôi đã đến Mã Lai! Một người thông thạo Anh ngữ được đề cử điều đình với
bọn lính Mã. Hắn quay lại yêu cầu những ai còn vàng góp lại để hối lộ cho bọn
lính. Nếu không, tàu của chúng tôi có thể bị kéo ra khơi. Con tàu tơi tả nầy sẽ
không chịu nổi sức kéo của chiếc tuần dương ấy. Những chiếc nhẫn, những đôi
bông tai được chuyền tay. Thương lượng qua lại cả ngày trước khi con tàu được
kéo vào đảo. Buổi chiều hôm đó trời mưa lâm râm, cả tàu được phép lên bãi, trừ
một người phụ nữ đã qua đời đêm hôm qua có lẽ vì sợ.
Trời lại chuyển mưa nặng hạt. Chỉ trừ phụ nữ và trẻ em được phép vào bên trong
trại, bọn đàn ông phải sắp hàng trên bãi cát. Tôi đưa mắt nhìn quanh đảo. Từng
dãy nhà lợp bằng lá dừa được dựng sát vào vách núi. Chỉ một vài trại barrack
đóng bằng gỗ gần trung tâm là có đèn điện, số mái lá còn lại leo lét đèn dầu.
Xa xa tiếng vọng cổ từ một cái máy cassette nào đó vọng lên buồn đứt ruột. Tôi
muốn khóc nhưng sợ người trên đảo đang nhìn chúng tôi sẽ cười. Họ không cười,
chỉ trỏ, có vẻ lo ngại về một điều gì đó sắp xảy đến cho chúng tôi. Bọn lính Mã
lục soát từng người một, lấy cớ tìm vũ khí. Tôi trố mắt nhìn người đàn ông đứng
bên cạnh run rẩy tháo cái đồng hồ có vẻ đắt tiền, đưa cho tên lính Mã. Thằng
lính cầm cái đồng hồ trong tay cười khoái trá. Nụ cười chợt tắt khi ánh mắt của
hắn bắt gặp ánh mắt tò mò của tôi. Một bạt tai nẩy lửa xán vào mặt, theo sau là
một cú đá thốc vào bụng. Tôi gập người xuống trên bãi cát, chỉ kịp thấy loáng
thoáng từ trong hàng hiên barrack, "con nhỏ trên tàu" đưa tay ôm mặt.
Tôi khóc tức tữi. Hạt mưa vẫn rơi ướt đầu tóc rối. Tôi nhớ cú đá vào mặt đêm
qua. Tôi khóc òa như một đứa bé lên ba. Mặc cho trời mưa, tôi thiếp đi trên bãi
biển. Mặt đất chòng chành, lắc lư như con tàu còn trên biển.
3. Buổi sáng, tôi đi lang thang khắp các dãy trại như một người mất trí. Ðã hơn tuần
lễ không tắm rửa, tôi nghĩ thân hình tôi chắc thê thảm lắm. Người ta nhìn tôi e
dè, cố lánh xa như một người cùi hủi. Họ nhận diện ra tôi là người mới đến dẽ
dàng. Tôi cũng biết như vậy. Tôi tóc ngắn, họ tóc dài, dài tới cổ lận. Tôi quần
dài, họ quần cụt, áo mặc phanh ngực. Bây giờ tôi mới nhìn rõ khu tại tị nạn,
hơn hồi chiều hôm qua. Ðây là những dãy nhà lá lợp bằng lá dừa chạy dọc theo
bãi biển. Mỗi căn độ ba mươi thước bề dọc, và tám thước bề ngang. Các dãy nhà
không ngăn vách. bốn bề trống trơn. Mỗi gia đình chiếm ngụ một cái sạp nhỏ,
trên dưới 10 mét vuông, như kiểu sạp bán hàng ngoài chợ. Ði một đỗi, có một người
đàn bà, độ ba mươi, khuôn mặt nhỏ, lông mày mỏng, cánh mũi hẹp, dễ nhìn, ngồi
đong đưa trên cái võng may bằng vải bao bố, tỏ vẻ thương hại:
- Có phải cậu bị Mã Lai đánh hồi hôm không?
- Dạ.
- Tội chưa.
Người thiếu phụ hỏi ba điều bốn chuyện về chuyến hành trình của tôi. Chuyện tôi
sắp chìm tàu, mất hết quần áo. Chuyện Sài Gòn mưa hay nắng. Chuyện kinh tế mới.
Chuyện đổi tiền. Chuyện sắp hàng mua nhu yếu phẩm. Nhắc tới đồ ăn, như sực nhớ,
bà hỏi tôi:
- Cậu đói không? Chắc đói lắm. Tôi có nồi cơm nấu hồi sáng còn nóng, để cậu ăn
với cá mòi.
- Dạ.
Tôi đáp nhỏ nhẹ, mừng rơn vì đã đói lắm rồi.
- Ây mà không được.
Chưng hửng, ruột tôi thót lại.
- Cậu nhịn đói cả tuần rồi, không nên ăn cơm. Ðể tôi đi nấu cháo cho cậu ăn.
Cháo hay cơm gì cũng được, có ăn là mừng lắm rồi. Bà chủ nhà rời khỏi chiếc
võng, đi chụm củi nấu cháo. Từ ngày giải phóng vào Sài Gòn đến nay, quen ăn bo
bo với khoai mì, tôi chưa bao giờ được ăn tô cháo gạo ngon như thế. Tôi nghĩ vẩn
vơ đến những chuyện cổ tích được nghe khi còn bé. Ðây có lẽ là bà tiên của tôi
đây mà. Bà tiên nầy không lộng lẫy, nhưng hiền lành. Nhìn tôi ăn gần sạch nồi
cháo, bà ta ngăn không cho ăn nữa, sợ tôi lăn ra chết bất tử:
- Ăn rồi ra giếng tắm đi.
Chắc là tôi hôi hám lắm. Tôi hỏi đường ra giếng công cộng. Ðó là một cái giếng
khá lớn đào ngay giữa lối giao thông qua các dãy trại. Như một cái giếng làng,
nơi tắm rửa, giặt giũ của dân tị nạn. Tôi vừa quay lưng, bà tiên của tôi gọi giật:
- Cậu à. Cậu không nhà không cửa. Ở gian bên cạnh có mấy cậu độc thân ở. Tối cậu
trở lại đây tôi nói giùm cho. May ra mấy cậu đó cho cậu ở chung.
Tôi gặp lại "con nhỏ trên tàu" ở ngoài giếng với má nó. Tôi mượn được
gàu xách nước. Nó ngồi chồm hổm cạnh miệng giếng, chìa cho tôi miếng khăn mặt
nhỏ xíu:
- Lau mặt đi.
Không trả lời, tôi xối nước cho nó rửa chân tay. Bà Tàu cằn nhằn:
- Ðồ ăn hại. Chỉ biết lo cho trai. Làm mất của tao cả trăm cây.
- Người ta biểu liệng thì tui liệng. Ai biết. Ai biểu đưa cái giỏ to tui làm
chi.
Người đàn bà hứ hó nhưng đột ngột im lặng khi tất cả ánh mắt của mọi người từ
chung quanh miệng giếng đang đổ dồn về phía bà ta.
Rửa mặt xong, tôi ra bãi biển lãnh cá. Con nhỏ lại xách giỏ lẽo đẽo theo tôi.
Chúng tôi không nói với nhau một lời suốt con đường về trung tâm đảo nơi phân
phát thực phẩm.
Tàu lương thực đến từ Mersing vào ba buổi sáng. Vì sợ người ta giành giật, nó
chỉ đậu từ đàng xa hơn một trăm thước. Những bao cá được quăng đại xuống biển,
người nhận lãnh phải lội ra ngoài để nhặt vào. Ða số là thanh niên con trai,
chúng tôi như những con cá sấu được nuôi trong hồ, bơi vùng vẫy mỗi khi một bao
cá nhỏ được quăng xuống mặt nước. Tôi quơ vội hai bao cá. "Con nhỏ trên
tàu" lóng ngóng trên bờ. Lên cạn, nhớ đến hớp nước hồi đêm, tôi quăng cho
nó một bao cá, lên bãi cát. Nó cúi xuống nhặt. Thảng thốt:
- Anh Sung ơi, anh bị đứt chân rồi. Máu chảy ra cát kìa kìa.
Tôi cúi xuống ngạc nhiên. Thật sự tôi không thấy đau gì cả khi một mảnh san hô
đã cứa đứt lòng bàn chân phải. Ðứa con gái luống cuống, chụp lấy bàn chân của
tôi, mong cầm máu. Bàn tay của nó mềm mại, mát lạnh. Tôi ngồi phệt xuống bãi
cát, ngượng nghịu gỡ nhẹ bàn tay của nó ra:
- Không sao đâu... Mà tôi không phải tên Sung.
- Ai biết. Thấy người ta gọi tên anh lúc xuống tàu là Lâm Sung.
- Còn...tên gì?
- A Phấn...Mà không, tên thiệt là Miên.
Một ý nghĩ ngộ nghĩnh vụt qua trong đầu, tôi thốt lên:
- Lâm Sung đại hiệp nầy rất hân hạnh được diện kiến Phấn Phấn nương nương!
- Quỷ!
Con nhỏ tát mạnh vào đầu gối của tôi. Nó cười, mặt đỏ bừng trong ánh nắng.
4. Tôi quen dì Trang và đám bạn "trại cu” từ chiều hôm đó. Bọn chúng tôi hãy
còn trẻ. Tôi là tên trẻ nhất trong bọn. Phúc con nhà chài lưới ở Phan Rang. Da
đen mun, tóc quăn tít như Mã Lai, bắp thịt cuồn cuộn, chắc nịch. Hắn lái tàu
cho người ta đi vượt biên rồi đi theo luôn. Nghe đâu Phúc để dành được mớ vàng
tiền bán tàu. Phúc đến đảo sớm nhất nhưng vẫn chưa đi, vì không có thân nhân bảo
lãnh. Chúng tôi hay đùa gọi Phúc là chúa đảo. Còn Quang là con trai độc nhất của
một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Quang đang học Y Khoa Minh Ðức năm thứ hai trước
giải phóng. Sau giải phóng Quang bỏ học, bán chợ trời một thời gian, thì có mối
vượt biên như tôi. Quang rất nghệ sĩ, đi vượt biên, trong khi người cùng tàu
mang súng và lựu đạn sợ chạm trán Công An, anh chàng lại na theo cây đàn
guitar, đàn địch cà rịch cà tang suốt từ bến Bạch Ðằng ra tận cửa biển, không
ai xét hỏi.
Cuộc sống trên đảo dần quen với tôi. Tôi cắt cụt ống quần, mang dép Nhật. Tôi mặc
áo viện trợ, phanh ngực rông thùng thình. Tôi để tóc dài chấm vai. Tôi giống
như mọi người trên đảo. Ðây là một hòn đảo hẹp, mọc ra từ một dãy núi lửa đã tắt
lâu đời của biển Thái Bình Dương. Ðường kính lớn non 10 cây số. Dân ti nạn vào
khoảng 10 ngàn người, sống tập trung vào ba khu: Bắc Ðảo, Trung Ðảo, và Nam Ðảo.
Trung Ðảo là trung tâm văn hóa và chính quyền, được coi là phố của đảo. Chính
giữa đảo là một hòn núi lớn, triền núi dốc về phía Ðông, thủy triều vào tận
vách núi. Vì thế không có ai ở phía Ðông Ðảo, quang cảnh còn hoang vu. Ngày
ngày bọn chúng tôi vác cưa, leo lên núi, qua Ðông Ðảo, đốn cây, thả xuống triền
núi, rồi bơi theo khúc cây về Nam Ðảo. Sau đó chúng tôi cưa cây ra từng khúc,
chẻ nhỏ, đem bán 50 xu tiền Mã một bó. Lúc đầu bọn Mã chưa cấm, với kinh nghiệm
làm nhà học được hồi còn ở vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân, chúng tôi đốn cây làm
nhà bán cho những gia đình người Hoa giàu có, muốn có nhà riêng. Một cây vàng
cho mỗi căn độ hai mươi thước vuông. Có tiền chúng tôi rủ nhau xuống Trung Ðảo
uống cà phê. Chúng tôi mặc đồ của nhau, chia nhau từng điếu thuốc. Tôi tập tành
hút thuốc, đủ mọi thứ, tùy theo tình trạng tài chánh, trong túi có rủng rỉnh xu
hào hay không. Hồi đầu hút thuốc lá thơm của Mã, bẻ đầu lọc cho
"phê". Khi có tiền tôi xoay qua hút ngoại. Lúc hết tiền chúng tôi leo
lên võng kháo chuyện đời. Chúng tôi ngủ trên võng là vì dưới sạp, đầy rệp, chỉ
dùng để sắp đồ đạc mà thôi. Bốn cái võng bằng bao bố được giăng chéo bốn góc cột
theo thứ cấp với hai cái sau cùng được treo song song nhau ở hai cạnh xa nhất của
gian nhà lá.
Cái võng thứ tư ? "Em gái" Miên của tôi dọn đến ở với chúng tôi một
tuần sau khi lên đảo. Bà Tàu mập không phải là má của cô. Chỉ là người quen đi
cùng. Bà vẫn còn hận Miên chuyện cô quăng mất hơn trăm lạng vàng xuống biển.
Nhưng không sao, Miên bảo tôi, bà ta hãy còn nhiều vàng, lót trong hông tàu,
ngay sau lưng chỗ tôi ngồi hôm trước. Hèn nào hôm mới xuống tàu, bà ta cứ nhìn
chòng chọc vào tôi. Lúc ấy tôi tưởng bà ta sợ tôi sẽ "làm gì" "con
gái" bả. Tôi giới thiệu với mọi người, Miên, là em gái. Có Miên, chúng tôi
như những chú lùn được Bạch Tuyết lo cơm nước, có khi giặt giũ quần áo cho vì
chúng tôi lười, mặc đồ cho đến khi lên mùi mới thôi. Bù lại chúng tôi dựng thêm
một nhà tắm, lát lá dừa che bằng vài bố kín đáo, và chịu khó ra giếng xách nước
về cho Miên tắm gội. Trước mặt con gái chúng tôi bớt chửi tục, ngược lại, bọn
tôi tỏ vẻ đạo mạo ra hàng anh lớn. Chúng tôi cấm em gái Miên xuống Trung Ðảo một
mình, nhất là vào buổi tối. Ði đâu cũng phải có..anh Thịnh hộ tống. Miên phải về
nhà trước 8 giờ tối để học anh văn với...anh Thịnh, v.v... Nhiều khi tôi tin cô
là em gái của tôi thật. Có những khi cô đi ngang qua trại hàng xóm, một gã đàn
ông hay suồng sã chọc ghẹo:
- Hủ len à.
Nghe được, tôi vác rìu bửa củi, chạy qua tính bổ thằng đểu một nhát, nếu không
có Phúc và Quang đè ra, can ngăn kịp thời.
5. Hôm đó là chiều ba mươi tết. Tôi ở đảo đã hơn bảy tháng rồi. Ði lang thang
"dạo phố" cả ngày dưới Trung Ðảo không biết làm gì, tôi mua vài trái
táo đem về nhà thắp nhang cúng tết, cúng xong, chong đèn học bài lấy hên cho
năm mới. Mọi người trong trại đều "xuống phố" đón giao thừa. Lều trại
trống hoang. Gió lồng lộng thổi đong đưa mấy chiếc võng trống. Quang, và Phúc
kéo nhau lên Bắc Ðảo uống cà phê. Miên nói đi thăm ông chú họ ở Trung Ðảo. Tự
nhiên, tôi thấy ghen tương vô cớ. Thường thường đi đâu cũng có tôi theo cơ mà.
Lỡ cô ấy có thằng nào khác thì sao? Vì ghen mà tôi đã ở nhà một mình không xuống
phố như mọi người. Vô duyên thật, tôi lẩm bẩm một mình.
Ðọc báo Time cũ để học anh văn, hoài cũng chán, tôi ra giếng xách nước về tắm
giao thừa. Xách hơn mười mấy đôi nước đổ đầy thùng phi, vẫn chưa thấy mệt, tôi
thích thú nhìn bóng mình chập chờn tuôn chảy trên mặt nước, với những bắp thịt
đang lớn dần trên tay, trên vai, và trên ngực. Thành quả của những ngày bửa củi,
đốn cây, bơi lội chuyển củi và lãnh cá từ tàu lương thực, chả bù với lần bị sốt
rét ở Thanh Niên Xung Phong, phải đưa về bệnh viện hậu cần, ốm tong ốm teo, da
vàng như nghệ. Tắm xong, tôi leo lên võng của Phúc nằm châm thuốc hút. Tôi
thích võng của Phúc vì nó ở trên cao. Ðong đưa võng, cố nhái giọng Duy Khánh,
ra vẻ thảm thiết tôi hát một mình. Hát hết bài nầy đến bài khác, hết tân nhạc
Duy Khánh, rồi đến vọng cổ Minh Vương, cho đến khi khàn cả giọng, tôi khóc một
mình, lăn ra ngủ lúc nào không hay.
Tôi thức giấc, nằm yên. Có một bàn tay mềm mại nắm lấy bàn tay của mình. Mái
tóc dài lòa xòa trên mặt. Hơi thở thật gần. Ðã một lần trong cơn mê sốt ở bệnh
viện hậu cần vùng kinh tế mới, tôi đã thức dậy với một bàn tay dịu dàng nắm lấy
bàn tay của mình, với một bàn tay khác vuốt ve đầu tóc rối đẫm mồ hôi, một mái
tóc xõa lòa xòa, và hơi thở thật gần trên mặt. Cũng như thế. Sáng hôm sau tôi
leo cửa sổ, na theo bịch nước biển còn treo tòn ten trên tay, trốn khỏi bệnh viện,
không một lời cám ơn cô y tá chưa hề biết tên đã săn sóc mình suốt đêm qua.
Ma. Ý nghĩ như làn điện xẹt trong óc. Ma của người đàn bà chết trên tàu đêm nọ.
Số là khi người ấy chết, người ta lấy lá cờ trắng có thêu chữ thập đỏ, quàng
xác cô, rồi đem ra khơi thủy táng. Nghe nói người xấu số ấy chưa có chồng. Tôi
vồ ngay lấy lá cờ đem về giặt nước biển sạch sẽ, dùng làm mền đắp. Hàng xóm đi
ngang mỗi đêm thấy tôi phủ lá cờ trắng kín mít, nằm đong đưa kẽo kẹt trên võng,
lắc đầu cho tôi là gan lì, không biết sợ ma. Bây giờ tôi mới sợ. Tôi nằm cứng đờ,
nghe gió biển ù ù thổi. Ðêm ba mươi trời tối lắm. Một hồi lâu, tôi mới để ý là
bàn tay ấy rất mềm mại, ấm áp. Không phải là bàn tay lạnh ngắt ma quái mà mình
đã tưởng tượng. Bàn tay chạy dần từ ngực, xuống lần phía dưới. Một nỗi im lặng
kinh hoàng trùm phủ làm tôi sợ hãi, phân vân, và phải lâu lắm tôi mới lờ mờ ý
thức được rằng mình đang ở trong một giấc mơ. Rồi trong mơ, tôi lại thấy mình
đang mơ, và hình như đã mơ giấc mơ này nhiều lần. Tôi thấy mình nằm trên một mặt
phẳng lảng đãng hương. Màn hương thơm dịu xâm nhập, mơn trớn những cảm khoái
nhè nhẹ trên da thịt, thổn thức một niềm hạnh phúc râm ran trong cổ. Tôi vẫn nằm
im nghe nỗi khoái cảm mơ hồ rủ nhau từ bốn nẻo chân tay, kết tụ vào tâm điểm rồi
lại ứa trào ra xâm chiếm toàn thân thể. Chưa bao giờ tôi thấy thoải mái như vậy,
một sự thoải mái kỳ lạ dồn ép từ suốt những tháng năm, trở về thời điểm mình ý
thức được sự hiện hữu của mình. Dường như sự sung sướng đã luôn thường trực bị
đè nén, áp chế trong từng khoảnh khắc, theo từng nhịp điệu của cuộc sống mà bây
giờ tôi mới nhận ra nó. Một nỗi trống trải dìu dịu, khắc khoải vô cớ cứ bám riết
lấy đầu óc, chen lấn với một nỗi đau đớn nhè nhẹ, nó loang rộng ra mãi, miên
man xâm nhập từng cơ bắp, làm buột bạt mọi cố gắng ý thức ngoại vật. Tôi đang
mơ. Nhưng không. Tôi không mơ. Tôi còn nghe sóng biển xa xa, tiếng sóng vỗ nhè
nhẹ róc rách trên ghềnh đá, tiếng sóng đùa trên cơ thể lăn tăn, kéo mình ra xa
tít rồi nhận chìm xuống đáy biển sâu. Từ vực sâu, tung lên, tung lên cao. Những
bụi hoa bay. Những bụi hoa bay âm thầm. Không gian trắng xóa. Tôi chới với...
6. Lúc nầy tinh thần xuống dốc, buồn và thấy cô đơn kinh khủng, tôi bệnh rất nặng,
bệnh sốt rét tái phát, lại thêm kiết lỵ và dị ứng vì ăn đồ biển lâu ngày. Thuốc
men thì thiếu thốn. Thêm nữa, công việc làm ăn không suôn sẻ như xưa. Bọn Mã cấm
đốn cây. Hôm trước có thằng coi thường lệnh cấm, đi củi, bọn Mã bắt được, nó quỳ
lạy trối chết mà chúng vẫn không tha, đánh hội chợ đến gục ngã trên bãi biển.
Ngoài ra lớp người tị nạn mới đến không may mắn và giàu có như lớp cũ. Những
con tàu mới đến mỗi ngày càng thêm xơ xác tiêu điều, rách nát. Mỗi lần xuống bến
đón tàu, chúng tôi đều có nghe những tin đồn về những chiếc tàu kém may mắn bị
Công An võ trang bắn chìm, xác chết nổi lềnh bềnh như cá đuối. Thoát được Công
An võ trang lại rơi vào tay hải tặc cướp bóc. Tôi đã thấy những phụ nữ trần truồng
đi ngơ ngáo trên bãi biển từ Bắc xuống Nam Ðảo. Tôi đã thấy những chiếc thuyền
đẫm máu với thây ma sình thối ập đến mỗi ngày. Cái đày đọa triền miên cứ tuôn đổ
xuống trên đầu thuyền nhân tị nạn khốn khổ. Chúng tôi không nỡ lấy tiền của họ,
không lý mình đi làm thổ phỉ bóc lột người mình thêm một lần nữa hay sao? Nhiều
lúc chỉ đem củi cho không mà thôi. Có khi tôi còn móc túi cho thêm lũ trẻ con nữa.
Tuy thất nghiệp, tôi vẫn thích dậy sớm qua Ðông Ðảo mỗi ngày, nhiều lúc chỉ để
ngắm mặt trời lên, thật đẹp, xong, thả mình lội về Nam Ðảo như mọi khi.
Sáng nay sương mù che kín triền núi phía Ðông. Sương thật thấp che kín những
tàng cây, sà xuống long lanh trên cỏ. Trước mặt, cả một vùng biển mênh mông như
hòa tan vào màn sương mỏng. Dọ dẫm lần theo con đường cũ quen thuộc, tôi lần xuống
một tảng đá lớn gần mặt nước hơn. Ngồi thừ tha đó như mọi khi, tôi nhìn ra
ngoài màng sương mờ mịt, nghe sóng róc rách trên ghềnh đá, để nhớ đến sóng vỗ mạn
tàu, bến phà Rạch Miễu trước lúc ra đi. Buổi sáng hôm đó tôi đón xe đò xuống Mỹ
Tho. Chúng tôi phải ở lại đó thêm vài ngày nữa. Ðể giết thì giờ, tôi xuống phà
Rạch Miễu, đi qua, đi lại, hết Bến Tre rồi Mỹ Tho, hết Mỹ Tho lại Bến Tre. Ðây
là lần thứ hai tôi xuống thành phố nầy. Hồi trước giải phóng, tôi đã từng theo
nhà trường xuống thăm ông đạo Dừa. Sau giải phóng, có người nói ông bị đi học tập,
hay bị quản thúc đâu đó. Tôi nhớ đến cái bản đồ Việt Nam đúc bằng xi măng nổi
trên sàn nhà của ông đạo Dừa. Chuyện ông đạo sáng đặt giương ngủ ở Hà Nội, trưa
Huế, tối Sài gòn. Ước mơ của một người được nhìn thấy Huế, Sài Gòn, Hà Nôi một
ngày không còn xa. Bây giờ quê hương đã thống nhất, tôi đã thấy Huế, thấy Sài
gòn, nhưng chưa nhìn thấy Hà Nội, lại bỏ ra đi. Nhìn dòng nước đục ngầu sôi cuồn
cuộn phía sau cánh quạt của chiếc phà, tôi nhớ đến sông Hương, sông Hàn, nước
trong hơn vì ít phù sa của miền "nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi
đá". Tôi chưa thấy sông Hồng. Tôi không biết nước sông Hồng đỏ như thế
nào, có đỏ như màu máu của mười vạn quân Thanh chết chìm trên đường rút chạy?
Trong tiếng máy tàu, tôi mơ màng tiếng trống Hà Hồi như những lần nghe trống
tan học ở trường làng...
Quê hương thống nhất rồi sao tôi lại bỏ ra đi? Hồi đó mới trốn ở vùng kinh tế mới
về, tôi còn lý tưởng lắm, thường hay tự hỏi mình như thế. Lý tưởng cho đến trước
hôm ra đi, hãy còn lải nhải lời hát: " quê hương ta sao đành bỏ ra
đi, đem thân chôn nơi xứ lạ quê người, một đời phụng sự cho ai? Sao đành bỏ ra
đi? Bỏ sao đành, Việt Nam? " Tôi phải đi. Muốn sống tự do thì phải ra
đi trong cái chết. Câu trả lời như là một khẩu hiệu cũ mèm, nhưng, không còn
câu trả lời nào khác hay hơn thế....
Sóng róc rách trên ghềnh đá, sương tan dần nhưng trời hãy còn lạnh. Chắc sáng nầy
không bơi được rồi. Tôi nhón người khỏi tảng đá.
- Thịnh...
Tôi quay lại. Từ trong màn sương, bóng người đàn bà tuột thật nhanh xuống triền
dốc. Sợ người ấy té, tôi chồm lên.
- Dì Trang?
Dì Trang theo đà rơi gọn vào vòng tay của tôi. Thân thể của dì nóng ấm, mềm
nhũn trong vòng ôm. Ngực của dì chạm sát vào ngực của tôi, mềm mại. Tôi nghe
hơi thở nóng ấm phà lên mặt. Ðặt dì xuống tảng đá, tôi hãy còn bẽn lẽn, má nóng
bừng.
- Thịnh hay qua đây mỗi ngày à.
- Vẫn...dì ạ.
- Làm gì?
- Ngồi một mình...
Ðứng ưỡn ngực lên, tôi chỉ tay ra ngoài:
- Bữa nay sương xuống hơi nhiều. Mọi khi mặt trời mọc đẹp hơn nhiều. Bữa nào dì
qua lại đây coi...
- Thì bữa nay Trang qua đây rồi. Sương mù cũng đẹp lắm Thịnh ạ.
- ....
Không trả lời. Tôi vẫn biết dì còn quá trẻ cho chúng tôi gọi dì là dì. Trang chỉ
trên dưới 30 tuổi là cùng. Chuyện chồng của dì đã ngoài 50 lấy được dì Trang
hãy còn trẻ, ra sao tôi không được rõ. Dì Trang không hề nói cho chúng tôi hay.
Họ lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con cái gì. Tuy dì còn trẻ, chúng tôi vẫn gọi
dì bằng dì, vì đã quen kêu chú và xưng cháu với ông chồng.
- Thịnh có vẻ thích mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, có phải không?
- Phải...sao dì biết?
- Biết chớ sao không, Thịnh vẫn thường rủ Miên đi dạo trên biển chờ mặt trời lặn
mỗi ngày ...
Miên và tôi. Có những buổi chiều chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau từ Trung Ðảo về
Nam Ðảo. Có khi chúng tôi dừng chân nghỉ trên một ghềnh đá để nhìn những cánh
chim hải âu bay xa tít chân trời về phía Bắc mờ xa khi hoàng hôn tắt dần trên
biển. Nhiều lúc nhìn Miên cười nói huyên thuyên, tôi muốn cầm tay em lắm. Nhưng
chưa dám, một lần.
Tôi cười thẹn thùng như con gái. Dì Trang cười lại. Tôi nghĩ là dì có nụ cười rất
đẹp. Tôi nghĩ đến bà tiên của tôi hôm mới đến đảo. Ngoài kia mặt trời đã lên dần,
nóng ấm...
Sóng biển bồng bềnh. Từng thảm bụi vàng óng ánh từ ngoài khơi xô nhau chạy vào
bờ. Sóng vỗ rì rào dưới chân những ghềnh đá lớn. Trẻ con chơi đùa trốn tìm tìm,
chạy lăn tăng trên bãi cát. Người lớn quây quần kể chuyện. Người ta kể lại,
ngày xưa, gần mười tám năm trước, trong số những người thuyền nhân đầu tiên đến
đảo nầy, có hai anh em nhà kia, một trai và một gái. Cậu con trai vừa trên tuổi
đôi mươi, lớn hơn người em gái đôi ba tuổi gì đó. Họ đến ở gần một cặp vợ chồng,
chồng già vợ trẻ. Người vợ chưa quá 30 tuổi. Người vợ trẻ và người con trai ấy
phải lòng nhau sao đó...
Thời gian và không gian giờ đây lắng đọng lại và hội tụ vào một điểm, bất động.
Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....Tại sao lại lẩm cẩm như thế. Tôi nhũ
thầm. Phải đếm lại từ đầu. Một..hai..ba..
Mắt tôi dán chặt vào đôi mắt của kẻ cầm dao kia. Ðôi mắt bây giờ không trắng dã
như tôi đã nghĩ, mà đỏ ngầu, sòng sọc. Tôi nghe mùi rượu nồng nặc thở òa vào mặt.
Tôi sợ. Ánh mắt tôi cố tránh tròng mắt không còn nhân tính ấy. Tôi liếc nhìn
Miên. Em kinh ngạc, sững sờ. Mắt em long lanh. Nước mắt lưng tròng, nhỏ xuống
đôi gò má tái xanh.
Không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ....
Tôi vung tay.....
Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....ba... bốn...
Không ngủ đêm đó. Ðã hai giờ sáng rồi, chỉ còn vài tiếng nữa tôi sẽ xuống tàu
đi Mersing. Buổi sáng tinh mơ như lần xuống tàu ở Mỹ Tho. Không ai tiễn đưa. Tàu
chạy độ nửa tiếng trước khi vào đất liền. Bến tàu Mersing lờ mờ ánh đèn diện. Một
chiếc xe buýt nhỏ cũ kỹ đang nổ máy chờ đợi. Khói trắng tuôn ra khỏi ống cuồn
cuộn hơi nước đọng trong buổi sáng lạnh lẽo. Chiếc xe chạy ngoằn ngoèo trong
đêm tối, qua những màn sương dầy đặc, qua những đường sỏi đá gập ghềnh rồi dừng
lại ở một khu ngoại ô thành phố Kuala Lumpur khi trời vừa rạng sáng. Trước mắt
tôi là một khoảng đất chật hẹp trên sườn đồi. Những cái lều bằng nylon xanh
căng san sát trên khoảng đất nhỏ ấy. Người ta chen chúc lẫn nhau trên những lối
đi chật hẹp. Xuống xe tôi tìm được một người quen xin tạm trú. Ðây là trại chuyển
tiếp, nơi chúng tôi sẽ qua mọi thủ tục hành chánh, trước khi mỗi người mỗi ngã
lên đường đi đến những nơi khác.
Buổi sáng thứ sáu, người ta lại lùa chúng tôi lên một chiếc xe buýt cũ kỹ khác.
Tôi ngồi nhìn lơ đãng ra ngoài khu trại một lần cuối. Mùa Xuân đã đến. Ðám hoa
dại trên đồi trổ bông vàng tươi đong đưa trong nắng, nổi bật trên những tấm lều
xanh phập phồng lên xuống trong gió sớm hiu hiu, lành lạnh. Lần tay vào túi áo,
tôi định lấy thuốc hút. Không có thuốc. Hôm ra đi vội vã tôi đã bỏ quên gói thuốc.
Tôi còn nguyên cây thuốc lá để lại cho lũ bạn, dự định chỉ đem đi gói thuốc lẻ
đang hút dở mà thôi. Lại quên. Ðang lần mò túi trên rồi túi dưới thì có người
quăng một gói thuốc lá chưa khui vào lòng:
- Quang!
- Ê Thịnh.
Quang đứng dưới mặt đường, bộ đồ mới tinh, điển trai, cười hì hà. Hàng ria mép
mở rộng ra như đôi cánh chim hải âu, đểu như Omar Sharriff
- Tao tưởng mày đi rồi.
- Sắp. Mày mới tới? Coi mày bộ đồ mã xịnh ghê.
- Mày cũng thế. Chỉ có một bộ cho chuyến đi xa mà. Còn sợ không? Tội nghiệp dì
Trang. Trước hôm tao đi còn hỏi thăm mày?
- Còn Miên?
Ðưa tay xoa cổ, tôi nghĩ đến Trang. Tôi nghĩ đến Miên. Ðêm tiễn đưa, hai người
đàn bà đã khóc vì tôi. Không biết giờ nầy Trang làm gì? Có qua Ðông đảo ngắm mặt
trời lên? Còn Miên, chiều nay em có ra biển một mình ngắm vừng hồng mặt trời
đang lặn tắt trên biển, để thấy vắng tôi, để nghĩ đến tôi. Hay nghĩ đến chuyện
của tôi và Trang?
Xe lăn bánh. Bóng Quang vẫy chào mờ dần sau đám bụi đỏ. Tôi ước gì đó là Miên
chứ không là Quang đang vẫy chào từ biệt. Tôi thèm được nhìn Miên lần cuối. Ðể
ôm em vào lòng. Ðể nghe Miên khóc thủ thỉ trên vai. Ðể nghe em hát tiếp bài hát
dang dở, cho một mình, một mình tôi nghe thôi: " Mộng về một đêm Xuân
sang, em thì thầm ngày đó yêu anh"...
Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....ba... bốn...
Không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ....
Tôi vung tay.
Lưỡi dao nhọn lấp loáng, cứa sâu thêm vào da thịt. Quay nhìn Miên. Miên ôm mặt
òa lên khóc, chạy biến ra khơi, phía thủy triều. Ngước mặt nhìn trăng. Trăng
treo đỉnh trời. Xoay nhìn sóng biển. Biển đỏ ngầu gào lên tận đỉnh trời nuốt chửng
lấy trăng sao. Tôi nghe tiếng Trang gọi tên mình, bồng bềnh trên sóng, vang xa
tới tận chân trời, theo tôi về đến bờ biển quê hương, về đến dòng sông Tiền,
sông Hậu, và sông Hồng. Tôi đã thấy sông Hồng đỏ thắm. Ðỏ thắm... phù sa... xa
tít.
Thời gian và không gian từ một điểm bất động bắt đầu xoáy chuyển.
Bổng nhiên, trong cái không gian chuyển vận lặng lờ của ảnh thể xuất hiện những
tiếng xao xác. Những tiếng động không thực, từ đâu đó rất xa, nhưng trong cõi
im lìm trắng xoá, nó sói dài như những vết xước, gây cảm giác nhói đau trong ngực.
Một nổi sảng khoái dịu dàng chợt vụt qua. Ðầu óc tôi minh mẫn lạ thường.
Bốn...năm...sáu...
Thời gian và không gian xoay chuyển cuồng loạn.
Bảy...bảy..
Xoáy tròn. Xoáy tròn vào vực sâu....
- Rồi sao nữa .
Một đứa bé gái đang ngồi xổm, cất tiếng hỏi, mắt lấm lét nhìn quanh những cành
cây chao động nhè nhẹ quanh miệng giếng. Những nhánh cỏ vươn dậy thành những
cánh tay lửa khổng lồ uốn éo. Những gương mặt lẩn khuất sau mỗi nhánh cỏ, ẩn hiện
như ú tim. Nó tì hai khuỷu tay lên đầu gối, rụt cổ lại, trông giống như con gà
tây mà nó đã thấy được trong cuốn sách hình. Không hiểu sao nó rất thích nghe
câu chuyện nầy, dường như một chuyện đã biết từ lâu, chỉ chờ đến đoạn kết. Nó
thích nghe chuyện ma quái, huyễn hoặc. Tại sao nó thích? Tuổi thơ của nó có vẻ
nhàm chán và bị gò bó trên cái đảo nhỏ nầy. Tự bản năng, nó cần phải thêu dệt
thêm, bù lắp vào những cái lỗ hổng của trí tưởng tượng đang phát triển. Nó cần
một quá khứ để nhìn vào tương lai cho sự phát triển được cân bằng. Tương lai và
quá khứ đều mờ mịt với cái đầu óc và tầm mắt bé nhỏ của nó. Nó đã đọc được một
số truyện kinh dị từ ngoài gửi vào. Chuyện về những tiếng chó tru man dại dưới
ánh trăng. Nó cố tưởng tượng ra tiếng chó tru, nhưng chịu. Nó lắc đầu. Nó chưa
bao giờ nhìn thấy con chó chạy ngoài đường cả. Thấy ma còn dễ hơn thấy chó. Nó
nghĩ như thế. Dễ. Có những buổi tối, nó và lũ bạn rủ nhau đi rình ma ở bãi tro
tàn. Có thấy gì đâu, chỉ tiếng gió lùa ào ạt từ ngoài khơi thổi vào như tiếng
rên rỉ của những oan hồn vất vưởng của những thuyền nhân xấu số từ những năm về
trước. Biết đâu, chính bọn trẻ chúng nó là được tái sanh từ những oan hồn kém
may mắn ấy, mong được một cơ hội thứ hai, đến miền đất tự do. Cơ hội ấy lại quá
mong manh. Và, biết đâu phải đợi tới một đợt tái sinh lần sau nữa, nó mới thoát
khỏi hòn đảo và vùng đại dương nầy. Nó đã được sanh ra và lớn lên ở đảo nầy. Thời
gian chờ đợi được đi định cư trở thành diệu vợi. Tám tháng, mười tám tháng, rồi
tám năm trôi qua biền biệt. Chưa thấy được nước thứ nhất thì làm gì có nước thứ
ba. Nó mơ hồ nghe nói về một nước Việt Nam nào đó, nhỏ xíu trên bản đồ, với những
làng, những xã, những con sông, êm đềm uốn quanh. Và, ở xa đâu đó, huyền thoại
về một dòng sông, nước đỏ phù sa, đỏ như màu máu của bao nhiêu vạn quân xâm lược
đã chết chìm dưới đáy. Với nó, cái đảo nầy là làng là xã của nó. Cái giếng nầy
trở thành cái giếng làng, nơi nó thích được nghe những câu chuyện truyền lại từ
những người lớn tuổi.
Tám...tám...
Tôi không thể chết đêm nay được. Tương lai đang chờ tôi ngày mai. Tôi không thể
chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ...
Và, vẫn trong sự lặng im lảng đãng, tôi nhận ra những gương mặt quen quen. Tôi
mải miết gọi và theo đuổi ai đó, vừa gọi vừa ôm chặt lồng ngực ứ đầy, nghẹt thở.
Tôi bổng thấy mình lơ lửng, chậm chậm rơi trong khoảng không lặng lờ những ảnh
lửa. Một dòng điện chạy suốt thắt chặt lấy thân thể làm tôi không sao cử động
được, và trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy cái chết trong một nỗi sợ hãi
kinh hoàng. Niềm tiếc nuối trào lên, hàng ngàn gương mặt chạy qua, hàng ngàn điều
muốn nói thôi thúc mình chống cự quyết liệt, nhưng chân tay dường như bị bó chặt,
và cái cảm giác chìm dần chìm dần càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi tuyệt vọng cho
những nỗ lực bám víu lấy sự sống.
- Rồi sao nữa.
Con bé dục,
- À...một hôm, người chồng già say rượu đã dùng dao cắt cổ người thanh niên ấy,
từ mép tai này sang đến mép tai kia. Người ta kể, đầu gần đứt lìa khỏi cổ, máu
tuôn có vòi, nhuộm đỏ cả bãi biển phía Nam, cậu thanh niên ấy chết. Một người bạn
can thiệp cũng bị lụi luôn một dao, ruột đổ lòng thòng, chết theo. Người ta đem
xác họ thủy táng ngoài khơi phía Mersing .
Chín!
Ðột nhiên, một luồng sáng xẹt qua. Thở dốc. Một cảm giác yên tâm sung sướng xâm
nhập, mách bảo rõ ràng về sự tồn tại của bản thể. Ðang sống, và đang nhìn cái
sinh thể kia chìm xuống. Dưới kia là vực thẳm. Vực thẳm mông mênh, hun hút những
tàn lửa. Cái sinh thể đang chìm xuống ấy là tôi, và như bị thôi miên, tôi nhìn
nó chìm xuống với một niềm khao khát đầy khoái cảm. Vươn rộng hai cánh tay, tôi
sung sướng đón nhận những cánh hoa tràn ngập trong ánh sáng...
Ối chào. Có người kêu lên thảng thốt.
Con bé im lặng, không lấy làm lạ cho lắm. Còn nhỏ, nhưng nó dửng dưng về chuyện
người ta cãi vã, giết chóc lẫn nhau. Hôm tuần trước, nó đã thấy người ta mổ ruột,
đâm họng tự sát để chống lại việc hồi hương. Nó biết máu tuôn có vòi ra sao, ruột
đổ lòng thòng như thế nào rồi.
Người ta nói đến chuyện đóng cửa trại tị nạn, bỏ rơi thuyền nhân. Thế giới bên
ngoài đã nhàm chán chuyện thuyền nhân. Người ta bảo đừng nói đến chuyện thuyền
nhân nữa. Cũ lắm rồi. Ngay cả lớp thuyền nhân cũ, có mấy ai còn nghĩ đến những
thuyền nhân khốn cùng của ngày hôm nay? Một số thuyền nhân lên đường hồi hương,
dù muốn dù không, tự nguyện hay không tự nguyện. Số khác, phải chuyển trại, tập
trung vào những hòn đảo khác lớn hơn, tiếp tục cuộc sống mỏi mòn vô vọng.
Nó hỏi tiếp, chuyện muốn biết:
- Thế còn con ma?
- Ồ, người ta còn kể rằng cứ nửa khuya trăng tròn, có một người đàn bà xõa tóc
đi lang thang từ miệng giếng nầy, băng qua khu trại cũ từ phía Nam Ðảo, ra đến
sườn núi về phía Trung Ðảo. Có những đôi tình nhân hò hẹn, còn thấy con ma ấy ở
bên kia Ðông Ðảo những buổi sáng sương mù dầy đặc. Gần đây bóng ma ấy thường
khóc tỉ tê trên đống tro tàn những đêm trăng sáng. Có người không tin chuyện ma
quỷ, cho rằng ấy chỉ là một người đàn bà điên mà thôi.
- Người ấy là ai?
- Không biết, không ai còn nhớ cả. Chỉ biết một trong hai người đàn bà đã nhảy
hoặc bị xô xuống giếng nầy, chết ngộp, ít ngày sau vụ thảm sát ở Nam Ðảo. Còn
người kia, đi định cư ở Mỹ, bây giờ không biết ở đâu.
Maryland, 3/1995 Vũ Thư Nguyên Thep https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét