Riêng tặng nhà văn Lê Thị Thấm Vân Chuyện xảy ra ở một thành phố lớn trên một miền đất thuộc địa
của Pháp vào khoảng năm 1928.
Mỗi trưa chủ nhật, các nữ sinh nhà trọ Barbet đều được phép ra ngoài. Vì chúng
có người “bảo lãnh” ngụ trong thành phố. Buổi tối chúng trở về no nê điện ảnh
và trà bánh của nhà hàng “La Pagode”, những bể bơi, cùng với du hí bằng ôtô và
trận đo tài quần vợt.
Tôi thì chẳng có ma nào tới rước. Cả tuần lễ, kể luôn chủ nhật, tôi phải ở lại
một mình với cô Barbet. Chúng tôi đưa nhau vào vườn bách thảo. Khỏi tốn xu mà mụ
Barbet lại có thể ghi vào sổ “chi tiêu ngày chủ nhật” để moi thêm tiền mẹ tôi.
Thế nên chúng tôi đã tới nhìn con trăn xơi tái con gà giò của nó trong mỗi ngày
chủ nhật. Những ngày thường con trăn chẳng được nuông chiều tí nào cả. Nó phải
ráng nuốt miếng thịt ôi hay con gà bệnh. Chủ nhật thì khác, nó được tặng cả một
chú gà giò còn sống nhăn, vì cái trò ăn tươi nuốt sống này làm vui mắt khán giả.
Chúng tôi cũng có đi coi cá sấu. Hai mươi năm trước, một con sấu – dám có thể
là một ông bác hay một ông bố của các cậu các cô sấu có mặt trong năm 1928 – đã
xơi tái cái đùi của một chú lính thuộc địa. Nó cắn đứt lìa cái chân của anh
binh nhì đến tận háng làm tiêu tan cả một đời binh nghiệp chỉ vì anh nhà binh
này khi đùa giỡn với nó đã chơi dại lấy chân vuốt ve cái mõm, chẳng ngờ các cậu
các cô này khi đú đởn chỉ thích chơi gọn. Sau hôm đó một hàng rào sắt đã được dựng
lên quanh hồ và bây giờ khách tới xem có thể an toàn đứng ngó cá sấu lim dim ngủ
và oanh liệt mơ mơ màng màng về các chiến công của thời quá vãng.
Chúng tôi cũng có tới ngắm bầy vượn thủ dâm, hay nhìn lũ báo đen từ những khu rừng
đước ngập nước đang mỏi mòn chết khô dần dần trên nền xi-măng và nhất quyết
không thèm ngó ngàng tới cái bản mặt của cái thằng người tàn nhẫn đang đứng thưởng
thức nỗi khổ của chúng xuyên qua các hàng chấn song. Chúng chỉ hướng mắt nhìn
thẳng về phía những cửa sông châu Á xanh um một màu lá biếc và lúc nhúc một bầy
khuyển hầu.
Những hôm tới trễ chúng tôi chỉ được thấy con trăn nằm nửa thức nửa ngủ trên
chiếc giường lông gà. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cứ đứng ì lại khá lâu. Chẳng
còn gì để xem nữa, nhưng chúng tôi biết rõ cái vừa mới xảy ra và chúng tôi cứ đứng
tư lự trước con trăn. Sự yên bình sau giờ sát sinh. Cái tội ác toàn hảo ấy, thụ
hưởng trên tuyết ấm của những chiếc lông, đã khiến cho sự ngây thơ của con gà
có thêm cái phần sự thực rất ư là mê hoặc. Cái tội ác ấy, không để lại một vết
tích nào, không có máu đổ, không có hối hận. Cái trật tự ấy, sau cơn tai biến,
trong sự an bình của căn phòng nơi đã xảy ra án mạng.
Cuộn mình lại, đen trơn, láng bóng một lớp sương tinh khiết hơn những giọt
sương trong trẻo của buổi sáng trên những cánh hoa trà trắng muột, một hình thể
tuyệt mắt, một sự tròn trĩnh phinh phính, dịu dàng, rắn rỏi, một khúc cột bằng
cẩm thạch đen chợt trút cái gánh mệt mỏi từ nghìn năm và chợt cuộn tròn người lại
bất kể sự kiêu hãnh nặng nề cũ, chậm chạp và uốn éo, toàn thân rung gợn bởi cái
sức mạnh ngầm, con trăn nuốt trọn vô bụng và tiêu hoá con gà hết sức dễ dàng và
tuyệt hảo như cát bỏng của sa mạc hút nước, một sự hoá thể diễn ra trong sự trầm
tĩnh thần thánh. Trong sự im lặng nội tại kinh khủng ấy con gà đã biến thành
con trăn. Với niềm hạnh phúc có thể làm cho ta choáng váng, cái xác thịt của
con vật hai chân đã tan chảy vào cái thể xác của con vật không chân, trong chiếc
ống dài đồng dạng. Một hình thể tự hòa đồng, tròn dài và không phương tiện để nắm
bắt mà lại vững chãi hơn cả vuốt, tay, móng, sừng hay nanh, trụi trần như nước
và trụi trần hơn tất cả mọi vật trong cái mênh mông của muôn loài.
Đối với con trăn, mụ Barbet dửng dưng, vì tuổi tác và trinh tiết thâm niên.
Phía tôi cũng phải có cố gắng. Đó là một cảnh tượng khiến tôi đâm hoang mang, mặc
dù nó cũng có thể gây phấn khởi, nếu tôi có được một bộ óc nhanh nhẹn và sung
túc hơn, một tâm hồn đắn đo hơn, một trái tim rộng lượng tha thiết hơn, để có
thể vươn tới Thượng Đế như một đấng tạo hoá và tới sự phân chia tuyệt đối cái
thế giới này giữa thiện và ác, cả hai đều vĩnh cửu, mà sự xung đột là đầu giây
mối nhợ của tất cả; hay ngược lại, tới sự phản kháng chống lại sự lên án các tội
ác và sự vinh danh lòng trong sạch.
Khi chúng tôi trở về nhà trọ, luôn luôn quá sớm theo ý tôi, một tách trà và một
quả chuối chờ chúng tôi trong căn buồng của mụ Barbet. Chúng tôi ăn uống trong
im lặng. Rồi tôi trở lên phòng mình. Chỉ một lát sau mụ Barbet mới gọi giật tôi
xuống. Tôi không đáp lời ngay. Mụ giục:
“Xuống đây mà xem…”
Tôi phải dời gót ngọc. Bằng không mụ sẽ lên tìm tôi. Tôi trở lại căn buồng của
mụ Barbet. Tôi luôn luôn thấy mụ đứng chờ trước khung cửa sổ, luôn luôn tại cái
chỗ đó, mỉm cười, trong chiếc áo ngủ màu hồng hở vai. Tôi đứng trước mặt mụ và
phải nhìn mụ như vậy mỗi chủ nhật, trong một sự thoả hiệp ngấm ngầm, sau khi mụ
đã bỏ công sức dắt tôi đi xem con trăn.
“Em nhìn xem có đẹp không,” Cô Barbet nói, giọng rất êm…
“Em thấy rồi, tôi nói, em thấy rồi, đẹp ghê, vải áo đẹp quá trời…”
“Cô mới mua hôm qua đó. Cô thích loại hàng vải đẹp,” mụ than thở, “càng trọng
tuổi, cô càng mê…”
Mụ đứng thẳng người để cho tôi ngắm, mắt mụ âu yếm cúi nhìn xuống thân hình. Gần
như trần truồng. Mụ chưa để cho ai được thấy mụ như vậy cả, trừ tôi. Nhưng muộn
rồi. Đã ngoài bảy lăm mụ sẽ không phơi bày với ai nữa trừ tôi thôi. Mụ chỉ phơi
bày với riêng mình tôi thôi trong cái ngôi nhà này, và luôn luôn trong ngày chủ
nhật, khi lũ con gái nội trú đều ra ngoài và sau các buổi đi viếng Thảo cầm
viên. Tôi phải nhìn mụ trong cái khoảng thời gian do mụ ấn định.
“Cô thích mấy cái thứ này quá,” mụ nói. “Cô thà nhịn ăn…”
Một cái mùi khủng khiếp toát ra từ cơ thể Cô Barbet. Không thể nhầm lẫn được. Lần
đầu tiên khi mụ phơi bày trước mặt tôi, tôi mới phát hiện được sự bí mật của
cái mùi khó ngửi đó, mà tôi nhận ra được ngay, cái mùi đã phảng phất khắp căn
nhà, cái mùi ở dưới cái mùi nước hoa cẩm chướng mụ tẩm vào người, cái mùi toát
ra từ những chiếc tủ, hoà lẫn với cái mùi ẩm ướt của phòng tắm, cái mùi khó ngửi
đã ứ đọng trong nhà, nặng nề, già hai mươi năm, dọc những hành lang bên trong
nhà trọ, và, ở giờ ngủ trưa, toát ra như được tháo cổng từ cái thân áo trên có
kết ren đen của Cô Barbet, vào cái giờ ngủ trưa đều đặn trong phòng khách sau mỗi
bữa ăn trưa.
“Em phải ghi nhớ điều này: Cái áo lót đẹp rất quan trọng. Lúc cô biết được thì
đã muộn rồi.”
Tôi đã cảm thấy ngay từ lúc đầu. Toàn căn nhà ngửi một mùi chết chóc. Cái tiết
trinh trăm năm của Cô Barbet.
“Ngoài em ra cô đâu còn ai khác để mang áo ra khoe, chỉ có em mới hiểu nổi cô
thôi.”
“Em rất thông cảm.”
“Muộn rồi,” mụ than thở.
Tôi không buồn đối đáp. Mụ chờ một phút nhưng tôi luôn luôn khép kín miệng.
“Đời cô đã hỏng chỉ tại cô,” mụ chờ một lát rồi tiếp. “Chàng sẽ không bao giờ tới…”
Sự khiếm khuyết đó đã gặm nhấm mụ, sự khiếm khuyết về kẻ sẽ không bao giờ đến.
Bộ áo ngủ màu hồng, kết ren “vô giá” phủ lên người mụ như tấm khăn liệm, khiến
người mụ, bị siết chặt bởi cái áo nịt ở giữa, phình lên như một chiếc bình sữa.
Tôi là kẻ duy nhất được mụ phơi bày cái thân thể héo hắt. Mấy đứa con gái kia
thì sẽ thưa lại với bố mẹ chúng. Riêng tôi nếu tôi có kể lại cho mẹ tôi nghe
thì cũng không thành vấn đề. Cô Barbet đã nhận tôi vì mẹ tôi đã nài nỉ. Ngoài
ra chẳng có ai trong cái thành phố này muốn nhận đứa con gái của một giáo viên
của một trường học bản xứ, vì sợ làm xuống cấp nhà trọ của họ. Cô Barbet có cái
lòng tốt của cô. Chúng tôi đã trở thành đồng loã vì vậy. Tôi không già mồm. Cô
cũng không đá động đến chuyện mẹ tôi mặc chiếc áo cũ hai năm, mang đôi vớ vải,
và để trả tiền nội trú cho tôi bà phải bán dần dần các món nữ trang. Như thế,
vì mẹ tôi luôn luôn vắng mặt, và vì tôi không hé miệng về thời gian biểu của
ngày chủ nhật - những buổi đi ra phố không tốn tiền nhưng lại được ghi vào hoá
đơn - vì tôi không bao giờ than phiền, nên tôi rất được lòng Cô Barbet.
“May thay em đã có mặt ở đây...”
Tôi nín thở. Tuy nhiên mụ cũng có cái lòng tốt của mụ. Và tiếng tăm mụ lan khắp
thành phố, trong sạch, như sự trinh tiết của mụ. Tôi nhủ lòng như vậy, mụ ấy đã
già rồi. Nhưng điều đó không quan trọng. Tôi cầm hơi thở.
“Cuộc đời thật đáng chán!...” mụ than thở.
Để kết thúc câu chuyện tôi nói là mụ rất giàu, mụ có bộ áo lót tuyệt đẹp và các
thứ linh tinh khác, rằng dẫu sao thì cũng không quan trọng như mụ tưởng đâu, rằng
người ta không thể sống trong sự tiếc nuối... Mụ không đáp lời tôi, chỉ buông một
tiếng thở dài thườn thượt và mặc lại chiếc áo lót đính ren đen như cái bằng chứng
của cả một tuần lễ lương thiện. Các động tác của mụ rất chậm. Khi mụ cài khuy
tay áo lót tôi biết là đã xong. Tôi sẽ được yên thân cho tới khi hết tuần lễ.
Tôi trở về phòng mình. Tôi bước ra sân thượng. Tôi hít thở không khí. Tôi như
đang ở trong một tình trạng hân hoan tiêu cực gây ra bởi sự tiếp diễn không thể
tránh được giữa hai cảnh tượng, buổi đi dạo trong Thảo cầm viên và sự nhìn ngắm
Cô Barbet. Con đường còn ngập nắng và hàng me cao dọi bóng hắt tạt vào dãy nhà
những bụm hương xanh. Các anh lính thuộc địa đi qua. Tôi mỉm cười nhìn họ với
hi vọng được một anh ngoắc tôi xuống và bảo tôi đi theo anh ta. Tôi đứng đấy rất
lâu. Thỉnh thoảng có một anh lính mỉm cười lại, nhưng chả có anh nào vẫy tay ra
hiệu.
Khi chiều xuống tôi trở vào căn nhà tanh mùi tiếc nuối. Khủng khiếp quá. Chưa
có người đàn ông nào ra dấu cho tôi. Khủng khiếp quá. Tôi đã lên mười ba rồi,
tôi nghĩ là đã muộn nếu chưa ra khỏi nơi đó. Khi đã ở trong phòng riêng, tôi
khoá cửa lại, tôi cởi áo nịt và soi gương ngắm nghía bóng mình. Cặp vú tôi trắng
và sạch. Ấy là cái duy nhất trong đời tôi mà tôi cảm thấy thú vị khi nhìn thấy
trong căn nhà này. Ở bên ngoài thì có con trăn, ở đây thì có cặp vú tôi. Tôi
khóc. Tôi nghĩ đến cái thân hình của mẹ tôi đã phục vụ quá nhiều, cái nguồn sữa
cho bốn cái miệng trẻ thơ tới bú và nó thơm mùi vani như trọn cái thân thể của
bà trong chiếc áo dài mạng vá. Nghĩ tới mẹ đã bảo với tôi rằng bà thà chết chứ
không thể để cho tôi có một tuổi thơ khổ sở như tuổi thơ của bà, rằng nếu muốn
có chồng đàng hoàng thì phải có học thức, biết chơi dương cầm, nói một ngoại ngữ,
có tác phong trong một phòng khách, rằng mụ Barbet là người có đủ tư cách để uốn
nắn dạy dỗ tôi. Tôi tin lời mẹ.
Tôi ngồi đối diện mụ Barbet để ăn tối rồi tức tốc đi thẳng lên phòng mình để
tránh nhìn cái cảnh bọn nữ sinh nội trú lúc chúng trở về. Tôi nghĩ đến cái điện
tín hôm sau tôi sẽ gửi cho mẹ để bảo với mẹ rằng tôi thương bà. Tuy nhiên cái
điện tín đó tôi chẳng bao giờ gửi đi.
Tôi ở lại nhà trọ của mụ Barbet trong hai năm với cái giá của một phần tư đồng
lương của mẹ tôi và sự chiêm ngưỡng mỗi tuần cái tiết trinh bảy mươi năm của mụ,
cho tới cái ngày tuyệt vời khi mà, vì không thể đóng tiền trọ hàng tháng cho
tôi nữa, mẹ tôi trong tình cảnh tuyệt vọng sẽ phải lên tìm tôi, đinh chắc rằng
với cái học dở dang tôi sẽ là cái gánh nặng suốt đời cho bà.
Chuyện ấy đã kéo dài hai năm. Vào mỗi ngày chủ nhật. Trong thời gian hai năm, mỗi
tuần một lần, tôi phải làm khán giả của một cuộc ngấu nghiến hung bạo, với những
giai đoạn và những diễn biến sáng ngời chính xác, rồi kế đến là một cuộc ngấu
nghiến khác, chậm rãi hơn, không rõ nét, đen tối. Cái đó, từ mười ba đến mười
lăm tuổi. Tôi đã phải nhìn cả hai, nếu không thì tôi sẽ không có được một sự
giáo dục khá đầy đủ, nếu không thì tôi sẽ là “nỗi khổ của chính tôi và của mẹ
tôi”, nếu không thì tôi sẽ ế chồng, v.v...
Con trăn ngấu nghiến và tiêu hoá con gà, tiếc nuối cũng ngấu nghiến và tiêu hóa mụ Barbet, và cả hai sự ngấu nghiến ấy tiếp diễn tuần tự và thường xuyên, dưới
mắt tôi, mỗi cái đã mang một ý nghĩa mới, do chính sự tiếp nối liền lạc ấy. Giả
dụ tôi chỉ được chứng kiến một cảnh ngấu nghiến thôi, cảnh con trăn ngấu nghiến
con gà, thì có thể là tôi chỉ giữ lại sự thù hận ghê tởm con trăn vì những nỗi
khủng khiếp nó đã gây ra cho tôi, khi trong tưởng tượng, tôi nghĩ mình là con
gà. Có thể lắm. Và cũng thế, nếu tôi chỉ nhìn thấy mụ Barbet thôi, thì nó cũng
chỉ gây được nơi tôi, ngoài sự trực giác về những tai ương đè nặng kiếp người,
và sự chênh lệch không thể tránh của trật tự xã hội cùng những lệ thuộc do hệ
quả đó. Nhưng không, tôi đã thấy cả hai, trừ một vài khi, cái này sau cái kia,
cùng một ngày, và luôn luôn cùng một thứ tự. Vì sự tuần tự đó, khi nhìn mụ
Barbet tôi liên tưởng đến con trăn, đến con trăn xinh đẹp, trong ánh sáng chan
hoà, trong sức khoẻ dồi dào, ngấu nghiến con gà, và do sự đối nghịch, đã xảy ra
theo một thứ tự rạng rỡ giản dị trong sáng và sự vĩ đại bẩm sinh. Cũng thế Cô
Barbet, sau khi tôi thấy con trăn, đã trở thành sự ghê rợn trên tất cả, đen tối
và bủn xỉn, nham hiểm, ngấm ngầm - bởi vì người ta không thể nhìn thấy sự ngấu
nghiến cái tiết trinh đang diễn ra, người ta chỉ nhìn thấy các hệ quả của nó mà
thôi, chỉ được ngửi cái mùi của nó mà thôi — sự ghê rợn dữ dằn, giả trá và rụt
rè, và trên hết, hão huyền. Làm sao mà tôi có thể lãnh đạm với sự tiếp diễn của
hai cảnh tượng ấy, không hiểu do thứ định mệnh nào, đã cuốn hút tôi, run rẩy và
tuyệt vọng vì không thể thoát ra khỏi cái thế giới khoá chặt của Cô Barbet,
quái vật của ban đêm, không thể vươn tới cái thế giới mà, một cách mù mờ nhờ
con trăn, nó, quái vật của ban ngày, mà tôi đã linh cảm? Tôi tưởng tượng nó,
cái thế giới ấy, trải rộng ra một cách rất tự do và cứng cỏi, tôi tưởng tượng
nó như là một cái vườn bách thảo lớn, nơi ấy, trong sự mát mẻ của các bể nước
và các vòi nước, trong bóng râm đặc dầy của những cây me xen kẽ với những vũng
ánh sáng chói chang, đang xảy ra những cuộc giao hợp xác thịt dưới hình thức ngấu
nghiến, tiêu hoá, những cuộc giao hoan vừa hành lạc vừa yên tĩnh, cái yên tĩnh
của đồ vật từ dưới ánh mặt trời và từ trong ánh sáng, yên tĩnh và lảo đảo trong
cơn say sưa của sự giản dị. Và tôi đứng trên ban-công phòng tôi, tại chỗ hợp
lưu của hai luân lý cực đoan và tôi mỉm cười với các anh lính thuộc địa là những
kẻ duy nhất luôn luôn có mặt quanh cái chuồng trăn vì chẳng phải tốn hao và vì
họ cũng chẳng có gì cả. Tôi mỉm cười như thế, như con chim đang muốn tập bay,
dù không ý thức, suy tưởng đó là cách thích đáng để gặp lại thiên đường xanh
tươi của con trăn ác độc. Đó cũng là do chính bởi con trăn, dù nó có khiến cho
tôi sợ nó, song nó cũng trả lại cho tôi sự bạo dạn và sự lẳng lơ.
Nó can dự vào đời tôi với sức mạnh của một nguyên tắc giáo dục được áp dụng thường
xuyên, hoặc nếu bạn muốn, với sự chính xác định đoạt của một sự hòa hợp của ghê
sợ, khiến tôi chỉ cảm thấy mối ác cảm thực sự trước một thứ kinh khủng nào đó,
mà người ta có thể coi như là một thứ luân lý: ý nghĩ bị giấu giếm, thói xấu được
che đậy, và cũng thế, căn bệnh không thể thú nhận và mọi cái mà nó tự nâng đỡ lấy
nó một cách hổ thẹn và lẻ loi, cho tới mức ngược lại khi tôi không cảm thấy, tỉ
như, sự ghê tởm những tên giết người; mà ngược lại, tôi đau khổ cho những kẻ
trong bọn họ bị giam giữ trong khám đường, không phải vì con người của họ, mà
đúng hơn vì tính tình họ khoan dung và bị bỏ quên, bị khựng lại trong cuộc chạy
đua với định mệnh. Làm sao tôi không gán cho con trăn sự thiên vị mà tôi đã có,
con trăn đối với tôi nay là hình ảnh toàn hảo nhất. Nhờ có nó mà tôi cống hiến
sự thân thiện bất trị của mình cho tất cả những loại sinh vật trên trái đất mà
toàn thể hiện ra dưới mắt tôi như một sự thiết yếu được hòa âm, nghĩa là đến độ
nếu thiếu đi một loại thì sẽ làm què cụt toàn thể một cách vô phương cứu chữa.
Một sự ngờ vực đến với tôi về những kẻ tự cho phép mình tuyên bố những phán quyết
về những loại sinh vật “ghê rợn”, những con rắn “lạnh ngắt và câm lặng”, những
con mèo “đạo đức giả và dữ dằn”, v.v... Chỉ một loại người đối với tôi có vẻ
thuộc về cái ý nghĩ đó của tôi, tất nhiên đó phải là những con điếm. Cũng như
những tên giết người, lũ gái điếm (mà tôi hình dung xuyên qua cánh rừng các thủ
đô lớn săn đuổi những con mồi của chúng rồi nhai nuốt với sự cấp bách và trơ trẽn
của tính định mệnh) tạo nơi tôi một sự ngưỡng mộ tương đương và tôi cũng đau khổ
cho họ vì sự ngộ nhận của con người đối với bọn họ. Khi mẹ tôi bảo rằng bà
không thể tìm ra được một chỗ để gả bán tôi, mụ Barbet lại tức khắc hiện ra
trong đầu tôi và tôi tự an ủi rằng tôi vẫn còn cái nhà thổ, rằng may thay, cuối
cùng cũng còn cái giải pháp đó. Tôi hình dung nó như một ngôi đền của sự phá
trinh, nơi mà, rất trong trắng (mãi rất lâu về sau tôi mới biết được cái khía cạnh
thương mại của mãi dâm), lũ con gái như tôi, không có cơ may lấy chồng, sẽ để
cho những kẻ xa lạ khám phá thân thể của mình, những người đàn ông cũng trong một
trạng thái tương đương với chúng nó. Một thứ đền đài của sự trơ trẽn, nhà chứa
cần phải tĩnh lặng, người ta không nên chuyện trò ở nơi đó, tất cả đều đã được
xếp đặt để khỏi cần phải phát ra một tiếng nói, một sự vô danh thiêng liêng.
Tôi hình dung bọn con gái đeo một chiếc mặt nạ để đi vào cái chỗ ấy. Có thể là
để giữ trọn sự vô danh của chủng loại, nương theo sự vắng bóng hoàn toàn của
“cá tính” của con trăn lý tưởng mang chiếc mặt nạ trơ trụi, trinh trắng, chủng
loại, ngây thơ, chỉ mang độc nhất cái nhiệm vụ của án mạng, án mạng chỉ cần từ
trong thân thể thoát ra ngoài như bông hoa từ thân cây. Nhà thổ, sơn xanh, cái
màu xanh của thảo mộc trong đó đã xảy ra sự ngấu nghiến của con trăn, và của những
cây me cao đã tràn ngập chiếc ban-công của tôi với bóng mát của tuyệt vọng, có
trang bị những hàng ca-bin đặt cạnh nhau trong đó chúng tôi sẽ hiến thân cho bọn
đàn ông, nhà thổ sẽ giống như một bể bơi nơi người ta đến để tắm rửa, tẩy sạch
sự tiết trinh, trút bỏ nỗi cô đơn của thân hình. Tới đây, tôi cần phải nói về một
kỷ niệm từ thời thơ ấu đã yểm trợ cho cái cách nhìn đó. Lúc tôi mới lên tám,
hình như vậy, anh tôi, lúc ấy đã lên mười, bảo tôi để cho anh ấy xem cái đó nó
“như thế nào”. Rồi anh đùng đùng nổi giận tuyên bố với tôi rằng bọn con gái
chúng mày có thể "chết vì đã không biết sử dụng nó và giấu giếm nó sẽ gây
sự tắt nghẽn và tạo ra những chứng bệnh tai hại". Tôi cũng không bị lay
chuyển, không thi hành theo ý anh, nhưng tôi đã sống nhiều năm trong sự nghi ngờ
rất khó chịu, càng thêm khó chịu vì tôi đã không tâm sự được với ai. Và khi mụ
Barbet phơi bày với tôi, tôi nhìn thấy sự chứng minh cho cái điều mà anh tôi đã
bảo tôi. Lúc ấy tôi đã chắc chắn rằng mụ Barbet già héo chỉ là bởi vậy thôi, đã
không phục vụ cho trẻ con có thể bú móm, hay cho một người đàn ông có thể đã
khám phá con người của mụ ta. Có thể là để tránh bị gặm mòn bởi sự cô đơn mà
người ta để cho thân thể của mình được khám phá. Kẻ nào đã phục vụ, phục vụ bất
cứ cho việc gì, như là đã được ngó thấy chẳng hạn, dĩ nhiên đã nhận được sự che
chở. Khi mà một trái vú đã phục vụ một người đàn ông, dù là chỉ để cho hắn được
ngắm nhìn thôi, để hắn nhận thức cái hình thể của vú, sự tròn trịa của nó, vị
trí của nó, khi mà cái vú ấy đã có thể nuôi dưỡng sự ham muốn của đàn ông, nó sẽ
thoát khỏi sự tàn tạ tương tự. Từ quan điểm ấy, tôi đã đặt niềm hi vọng lớn vào
căn nhà thổ, cái chỗ lý tưởng nhất để cho ta được phơi bày.
Con trăn đã chứng minh không kém cái đức tin ấy. Tất nhiên, con trăn đã khiến
tôi sợ hãi với sự ngấu nghiến của nó, tương đương với sự ngấu nghiến mà Cô Barbet
đã là nạn nhân, nhưng con trăn không có cách nào khác hơn để ăn con gà. Cũng thế,
lũ gái điếm cũng không thể ngăn chận việc chúng phải để cho người ta khám phá
thân thể. Mụ Barbet đã lãnh nhận nỗi khổ của mụ vì mụ đã tự loại ra ngoài quy
luật tối cao, vì mụ đã không lắng nghe tiếng gọi, hãy để cho người khác khám
phá mình. Và thế giới cũng vậy, và cuộc đời của tôi cũng vậy, đã mở ra một con
đại lộ hai nẻo, với hai cách lựa chọn. Một bên là cái thế giới của Cô Barbet,
bên kia là cái thế giới khẩn bách, cái thế giới định mệnh, cái thế giới của
sinh vật coi như là thuộc về định mệnh, cái thế giới của tương lai, rực rỡ và
nóng bỏng, ca hát và thét gào, của cái đẹp khó khăn, mà muốn bước vào người ta
phải chấp nhận sự tàn bạo, như người ta phải chấp nhận những con trăn ngấu nghiến.
Và tôi đã nhìn thấy trỗi dậy cái thế giới tương lai của cuộc đời tôi, của cái
tương lai duy nhất của cuộc đời, tôi thấy nó mở ra với những thanh nhạc, sự
trong trẻo uốn lượn của một con trăn, và tôi cảm thấy rằng lúc tôi biết
được cái thế giới ấy, nó sẽ hiển hiện ra y như vậy, trong sự nẩy nở liên tục
huy hoàng, nơi mà cuộc đời tôi sẽ bị vướng mắc rồi lại bị vướng mắc, và đẩy đến
tận cùng, trong những cơn nẩy giật của hãi hùng, của ngất ngây, không ngừng nghỉ,
không mỏi mệt.
Nguyễn Đăng Thường dịch từ nguyên tác tiếng Pháp, “Le Boa”, trong Marguerite
Duras, Des journées entières dans les arbres (Paris: Gallimard 1954,
1982). Marguerite Duras Nguyễn Đăng Thường dịch Thep https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét