Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Cửa sổ

Cửa sổ

Không có gì khá hơn ở ngoài đó. Khung cửa sổ đã sờn cũ. Bốn thanh gỗ bợt bạt áp vào bốn bức tường đã ruỗng mọt. Trên đó lỗ rỗ những chấm đen. Hằng đêm, thậm chí cả ban trưa, tiếng mọt nghiến gỗ kiên nhẫn.
Đương nhiên không thể có gì khác ngoài những thứ đã quá cũ. Cây bàng già chậm chạp nghiêng những cành trần truồng sần sùi như cố thu vén dáng vẻ đồ sộ cũ kỹ của mình qua bao tháng năm phôi pha với sương gió. Em có thể không cần lắng nghe, không cần áp cái nhìn qua ô cửa sổ căn buồng ẩm tối này cũng thấu được tiếng thở dài trầm đục và buồn bã của những chiếc chồi non chưa thức giấc trên thân thể cây bàng cổ kính ấy. Em ngồi trong bóng tối, lưng dựa vào bức tường lạnh giá loang lổ những mảng lở lói, gục đầu vào giữa hai gối, say sưa ngủ. Từ ngày thôi không đến trường, em giam mình trong căn phòng nhờ nhợ tối với giấc ngủ chập chờn miên man nối nhau vô tận.
Mẹ vẫn chưa về, nếu mẹ về thì vòi nước ở cạnh cửa ra vào sẽ tuôn xối xả. Tiếng xoong chảo sẽ va vào nhau lanh canh, mẹ sẽ nói rất to, quát mắng ầm ĩ lũ nhện sao lại chăng tơ ở cửa toalét, hay lũ gián can cớ gì mò vào chạn bát. Mẹ sẽ càu nhàu, quát tháo, làm cho căn nhà tĩnh lặng tuyệt đối ấy rung lên bởi những thanh âm ồn ã của cuộc sống náo động mà mẹ mang từ ngoài phố về. Những thanh âm loảng xoảng ấy sẽ ngưng bặt khi bước chân nặng chịch của bố vang lên ngoài hành lang hẹp. Bố về đấy, mẹ sẽ chuyển tất cả những câu chuyện không có chủ ngữ, không có người đối thoại sang bố. Thôi thì đủ thứ trên trời dưới biển, từ lão ăn xin giả vờ què chân đến bà cô lên đồng không chồng mà chửa.... Sau rốt, mẹ cười nịnh bợ đến bên bố thẽ thọt xem hôm nay bố có đắt khách không, cả ngày làm được mấy cuốc xe ôm và số tiền cụ thể bố kiếm được trong ngày có nhỉnh hơn hôm qua chút đỉnh. Bố lột hết mấy túi quần sờn cũ đưa kỳ hết những tờ giấy bạc nhàu nhĩ, cáu bẩn. Mẹ vồ lấy hoan hỉ, rồi thở dài tiếc rẻ. Với mẹ, tiền không bao giờ đủ. Tiền lúc nào cũng quý báu và ít ỏi, để nuôi cuộc đời nghèo túng của cả nhà em. Bố thả người xuống một góc nhà kê chiếc bàn gỗ vẹo vọ trong góc dựng chiếc điếu cày. Bố lọ mọ tẩy điếu, thong thả véo nhúm thuốc lào, dém thật chắc thật kỹ vào nõ điếu. Với cái bật lửa để trên bàn, bố quẹt vào cái đèn dầu vặn bấc cho lửa lên ngọn, khi đó mới thong thả nhón một chiếc đóm dui lửa thắp cho cháy lên châm điếu cày, rít một hơi sâu lẻm rồi đổ kềnh bên góc nhà nhả khói. Mẹ quay ra, hai tay quạt khói thuốc lào lại tiếp tục câu chuyện dở dang ngoài đường ngoài chợ cho đến khi thằng Ngọc, đứa em trai duy nhất của em chạy bầm bập từ ngoài cửa vào, vứt xoạc cái cặp sách xuống ghế thì mẹ mới ngừng nói. Mẹ chạy lại ôm chặp lấy Ngọc, mừng húm lên, xoa xoa cả người nó nựng rối rít. Thằng Ngọc đã lớn, nó cao hơn mẹ tới nửa cái đầu, năm tới nó thi vào đại học rồi, thế mà mẹ coi nó y như đứa trẻ lên ba.
Nhưng bây giờ là miên man yên tĩnh. Mẹ chưa về. Em ngồi tựa lưng vào tường, hơi lạnh ẩm ướt từ ngoài bức tường thấm vào làn áo mỏng làm cho cả người em giá như một thỏi kem. Có lần, mẹ em về nhà giữa buổi bắt gặp cảnh tượng ấy, mẹ bước tới giang tay tát bốp vào mặt em. Mẹ cười óng ánh, đôi mắt đầy nước. Mẹ nói, làm như thế cho em đỡ mê. Cho em tỉnh trí lại. Mẹ đứng dậy mở cửa sổ, vén màn và bế em lên xe rồi đẩy em đến bên khung cửa sổ. Mẹ nói để con nhìn thấy biết bao chuyện của người khác mà không chán khi cả nhà đi vắng. Mẹ chỉ sợ em buồn, em không là em nữa khi sơ sểnh đôi cánh tay của mẹ. Từ đó mẹ đi kiếm những cuốn sách cho em. Những cuốn Đôrêmon đã mất đầu mất cuối, chắc mẹ nhặt được từ bãi rác góc đường ai vứt ra, hay xin của trẻ con hàng xóm. Cả những cuốn sách không có tên đã giữ em ở mãi tuổi thơ.
Nhưng có gì lạ ở bên ngoài cửa sổ đâu. Mùa đông làm cho cây bàng già trơ trụi lá. Mùa đông phả những cơn gió buốt lạnh qua cửa sổ vào căn buồng của em khiến em run rẩy. Thỉnh thoảng, gió rứt từ ngoài xa những chiếc lá xà cừ còn biếc xanh thả lên bậu cửa sổ. Những chiếc lá không kịp chết trước khi bị tước đi cuộc sống của chính nó, giẫy lên dưới ánh nắng trong ngơ ngác. Lũ sẻ nâu chán cãi nhau ở cây bàng già lại về chíu chít trên vòm xà cừ rỉa mỏ cho nhau. Chúng gù gù trong nắng hanh, trong gió lạnh, hệt như tiếng thở than của người già trong thời tiết lạnh ghê người.
Thấp thoáng sau vòm xà cừ kia là những ô cửa sổ có rèm che. Mỗi ô cửa sổ giấu sau đó những cuộc đời, những con người và những số phận. Là em đoán thế bởi ít ra, có vô số những gương mặt khác nhau xuất hiện nơi ô cửa sổ. Mẹ nói đúng, quan sát cuộc sống của người khác cũng thú vị. Nhưng em sẽ làm gì khi sau một ô cửa có một gương mặt đàn bà muộn phiền đang khóc. Hay một gương mặt đàn ông nhàu nhĩ bên chiếc đèn bàn mỏi mệt ngủ vùi...
Nhưng, dưới gốc bàng già nua ấy, sau tán lá xà cừ sum sê ấy có một người hay dừng xe đứng đợi. Người ấy như chỉ chờ em mở cửa sổ ra để ngước nhìn lên. Người ấy hay mặc áo trắng, quần màu ghi, trước giỏ xe vắt vẻo chiếc cặp lớn đựng đầy sách (là em đoán vậy). Người ấy không đeo kính cận như thằng Ngọc, không đội mũ lưỡi trai như bố. Dưới vòm trời đầy nắng, người ấy hay ngước nhìn lên ô cửa sổ nhà em, hay chăm chú nhìn em và đôi lúc như thể là mỉm cười. Từ đó em vụt lớn lên. Những cuốn truyện Đôrêmon không giữ được em, cô bé 19 tuổi, ở mãi tuổi thơ...
"Thằng Ngọc đỗ đại học rồi Lành ơi! Em con đỗ một lúc cả ba trường đấy". Đó là tiếng loan báo náo động của mẹ. Mẹ về. Mẹ ào vào, giật tung cửa sổ, hét to lên sung sướng: "Em con đậu một lúc cả ba trường đại học. Con thử nghĩ xem em con nên chọn trường nào nhỉ. Ôi thôi, phải chờ bố chúng mày về. Chỉ ông ấy mới quyết định được". Nói rồi mẹ lại ào ra. Mẹ đi làm cơm, mẹ tíu tít với niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Bố lệt xệt trở về. Đôi chân đi chừng ấy dặm đường hẳn đã mỏi mệt lắm. Lần đầu tiên mẹ không kể chuyện ngoài phố. Mẹ không hỏi tiền bố kiếm cả ngày được bao nhiêu. Mẹ khóc cười sang sảng, rối rít. Bố lại ngồi bệt nơi góc nhà, mó chiếc điếu cày thong thả rứt một nhúm sợi thuốc vàng tơ từ đùm nilông giắt trên túi áo. Tiếng rít thuốc lào của bố em nghe mạnh và sâu hơn rất nhiều lần trước. Bố ngã vật ra nền nhà say lơ mơ. Mẹ đỡ bố dựa lưng vào tường cười như sấm: "Ông cứ bắn vài điếu say cho nó đã, rồi đợi tôi làm cơm". Bố bước vào căn buồng của em khẽ khàng đến mức làm em giật mình. Đôi mắt của bố nhìn em lạ lắm. ánh mắt của một người đàn ông ít lời bao giờ cũng ẩn chứa quá nhiều điều. Bố lẳng lặng bước đến bên khung cửa sổ. Hoàng hôn buông sẫm trên từng tán xà cừ đong đưa. Bóng bố in lên nền trời xám nhạt mơ hồ và hiu hắt. Lâu lâu, bố quay mặt về phía em, cất tiếng như chỉ để mình bố nghe. "Chỗ này em con sẽ đặt chiếc máy tính để con muốn viết gì tuỳ thích. Bố thấy con thích đọc, hẳn con cũng sẽ thích viết. Đấy là sáng kiến của em Ngọc con nhân ngày sinh nhật con tròn 20 tuổi. Em nó nói, con có thể ôn thi vào đại học với chiếc máy tính này mà không cần ai phải giúp đỡ. Em con muốn con cũng thi đỗ đại học như nó".
Nước mắt em rơi trong veo vào bóng tối.
Cửa buồng đã mở. Ngọc lễ mễ bưng vào một chiếc máy tính. Nó nhìn em và háo hức: "Nó cũ một tý thôi nhưng chị sẽ thấy thật tuyệt vờí". Mẹ cũng vào buồng há hốc mồm. "Trời ơi! Tiền đâu ra mà mua thế này?". Không ai trả lời mẹ. Bố và Ngọc lụi hụi tìm chỗ kê máy tính cạnh khung cửa sổ.
Ngọc lầm lì như chưa hề xảy ra điều gì đáng kể để có thể làm xáo động được cuộc sống xưa nay của nó. Em nghe Ngọc thở dài khe khẽ: "Chị hãy viết đi, viết những gì chị nhìn thấy, tưởng tượng ra". Ôi trời ơi! Thay vì việc mang về cho em những cuốn Đôrêmon cáu bẩn thì bố đã dành lại, chắt chiu những đồng tiền còm cõi để mua cho em món quà khi em tròn 20 tuổi. Món quà này là do thằng em trai lầm lỳ ít nói của em nghĩ ra. Em lần đến bên khung cửa sổ. Em đã thèm khát biết bao được tự do bay vào trời xanh. Dưới kia, người ấy lại đang ngước mắt nhìn lên. Hình như người ấy đang mỉm cười với em đấy. Người ấy có biết không, ngày hôm nay em tròn 20 tuổi.
Đây là tự truyện đầu tiên chị tôi viết bằng chiếc máy tính cũ kỹ tôi mua bằng số tiền dành dụm được trong suốt cả cuộc đời lam lũ của bố. Khi đọc nó, tôi đã không thể cầm được nước mắt. Tôi mang đến cho một tòa soạn báo văn học. Ông nhà văn già giương mục kỉnh nhìn tôi lạ lẫm. "Của cậu à?" "Không". "Thì là của ai, già hay trẻ". "Của một người viết trẻ ạ". Ông nhà văn già cười khằng khặc: "Tôi biết ngay mà. Đích thị là một sáng tác đầu tay của người viết trẻ. Thứ văn học này chẳng có một tý tư tưởng nào sất. Hãy về bảo với bạn cậu cố lên, viết thật nhiều vào, phải có vốn sống, phải lăn lộn thực tế thật nhiều hơn nữa để khi cầm bút cho nó chín chắn.Truyện ngắn là một lát cắt của đời sống hiện thực, một lát cắt của tiểu thuyết, nhớ phải là lát cắt ấy đầy ám ảnh đấy nhé. Truyện thiếu tính tư tưởng, đó là điểm yếu của những người viết trẻ".
Tôi đành mang nó trở về căn gác xép của mình. Ngoài khung cửa sổ căn buồng của chị tôi, những lộc non đã líu ríu đâm chen trên thân bàng khẳng khiu. Lũ sẻ non rí rích nhảy loi choi giữa những cụm lá vừa kịp mở đôi mắt non ngơ ngác. Nắng ấm nồng rót nhựa lên những tay bàng vươn cao giữa trời xanh. Nhưng ở dưới đó, người đàn ông vẫn hay ngắm nhìn chị tôi không bao giờ còn xuất hiện ở đó nữa. Anh ta đã cưới được người con gái kiêu kỳ thường bắt anh phải đợi ít nhất một tiếng đồng hồ dưới sân trước khi đi chơi. Và trong khoảng thời gian đợi người yêu mặc quần áo, trang điểm, người đàn ông ấy đã ngắm nhìn và quan sát mọi thứ xung quanh. Trong vô số thứ anh ta quan sát có gương mặt trong veo của một người tật nguyền là chị tôi, mà anh ta không bao giờ biết chị tôi sống được là nhờ những tưởng tượng, và trong số ấy, có cả anh.
Chị tôi không tiếp tục học để thi vào đại học như tôi đã thầm nghĩ. Chị cũng không trở thành một người làm vi tính văn phòng thật giỏi để sau này có cái nghề cầm tay mà sống như mong đợi của bố, khi bố mẹ không còn mãi trên đời để lo cho chị được nữa. Chị như chiếc lá xanh gió trời tàn nhẫn rứt xuống ném vào khung cửa sổ ngôi nhà của tôi. Và mẹ tôi không sao hiểu nổi chị không vĩnh viễn ở tuổi thơ để sống cùng với mẹ, để được mẹ được thương xót cưu mang suốt đời và mãi mãi. Chị trở thành người viết văn xuất sắc. Một người viết không cố cho mình có tư tưởng. Tôi không biết chị tôi cần phải đi những đâu, học những gì để trở thành một người giàu tư tưởng, khi cái quý giá nhất từ trang viết của chị đã rút ruột hết mình với những tự truyện mang dấu ấn của đời sống mà chị đang đi qua. Mỗi một tự truyện của chị là những mảng sáng tối của cuộc đời mà chị đã sống cùng tưởng tượng và trải nghiệm. Không một ai trong gia đình tôi hình dung được điều này.
Như Bình
Thep https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...