Thời gian ở Mỹ không biết có phải bị ma đuổi hay không mà nó
cắm đầu chạy một mạch, không nghỉ, không ngơi, không thèm chờ đợi ai cả. Cứ cuối
tuần rồi lại cuối tuần như bóng câu qua cửa sổ. Qua năm mươi hai cái cuối tuần
là thấy mình già thêm đi một tuổi. Nhiều khi ngẫm lại Huân không ngờ chàng qua
Mỹ đã gần mười năm. Cái nhịp độ sống vẫn trôi đi vội vã, nhiều khi Huân chạy
theo muốn hụt hơi. Cứ chạy theo nó kiểu này có ngày sẽ kiệt lực mà chết như
chơi. Nói có sách mách có chứng. Báo đăng tin người chết tai nạn trên xa lộ chỉ
vì thiếu ngủ. Nếu cứ ngủ đẫy giấc đi thì lấy gì mà ngủ gục khi lái xe. Nhưng
làm còn không đủ giờ nữa thì lấy đâu mà ngủ với nghỉ. Dân Mít tị nạn dần dần
cũng thay đổi cho phù hợp với cuộc sống vội vàng. Cũng hùng hục làm việc. Cũng
xả láng ăn chơi. Thế rồi tâm tính cũng dần dần thay đổi luôn. Biến chất. Cái chết
người ở chỗ nó thay đổi lúc nào mình không hay. Có người chẳng nhận ra sự đổi
thay đấy. Có kẻ may ra cảm nhận được thì lại cho là thức thời. Nhập gia tùy tục.
Không adapt thì chết sao! Không chết mỏi mòn vì cô đơn thì cũng sống chán chường
vì lạc lõng.
Huân cũng nằm trong cái chu kỳ đổi thay đấy. Chỉ khác là chàng thay đổi từ tốn,
chậm rãi như bò ợ cỏ lên nhai lại. Cũng vì sự thay đổi mà thiếu gì chuyện kỳ cục
xảy ra trong cộng đồng người Việt mình. Con người có những phản ứng khác thường
và cử chỉ dị biệt. Cả quan niệm về cuộc sống cũng đổi thay luôn. Chàng ngẫm
nghĩ đến cái thời tiết khắc nghiệt. Nóng lạnh bất thường. Có thể khí hậu cũng ảnh
hưởng đến tâm tính của con người lắm chứ. Mắt thấy tai nghe, chàng mục kích
không biết bao nhiêu là cái đổi thay. Nhiều khi chàng cũng nằm lẫn lộn trong
đám người đấy mà không hay chăng? Có ai nhận thấy mùi hôi của mình đâu! Ngửi hằng
ngày nên quen bố nó mất rồi. Như có lần chàng ngồi ở quán ăn trông ra thấy người
đàn ông từ đàng xa đi lại, vừa đi vừa nhảy lâng câng. Thỉnh thoảng hắn dừng lại
nhìn vào một vật gì cầm ở tay rồi lại nhảy cẫng lên, cười một mình thích thú.
Chàng đánh cuộc với chính mình, đoán xem hắn cầm vật gì trong tay. Có thể hắn mắc
bệnh táo bón tình dục đang thưởng thức một bức hình khích dâm nào đó chăng? Mãi
đến khi hắn tiến lại gần, chàng mới nhận ra vật hắn cầm trong tay là... cuốn sổ
trương mục ngân hàng. Chỉ có mấy con số ở trương mục mà hắn sướng đến vậy sao?
Mà có sướng thì cũng sướng từ từ, về đến nhà rồi sướng có muộn gì lắm đâu! Có
đâu mà nhảy cẫng lên ngoài đường cứ như bị ai thọc vào huyệt...sướng vậy. Cứ mỗi
lần nghĩ đến chàng không khỏi buồn cười. Như hôm nay lúc sắp hàng ở chợ chờ
tính tiền chàng mải nghĩ đến hắn, mãi đến khi có tiếng ai hỏi đàng sau chàng mới
giật mình quay lại:
- Ồ! Xin lỗi, cô hỏi gì?
- Tôi hỏi anh cũng thích đậu phụ à?
Huân nghiêng hẳn người về phía sau để nhận rõ mặt người con gái. Chàng đưa tấm
đậu phụ đang cầm ở tay lên:
- Thì lâu lâu cũng đổi món vậy mà. Tôi rất hảo món này. Còn cô thì sao?
Nàng vuốt tóc trong một cử chỉ làm dáng:
- Tôi cũng vậy. Nhưng anh có nhìn thấy là tiệm này bán đậu phụ ngon nhất không?
Tôi đã mua không biết bao nhiêu tiệm. Chỉ có tiệm này. Miếng đậu trắng tinh. Chắc,
không vữa. Chứ nhiều tiệm bán miếng đậu không thể nấu nướng gì được. Chán hết sức.
Còn ở đây, ngậm vào miệng đã thấy vị ngon ở đầu lưỡi.
Người con gái liến thoắng một thôi về miếng đậu phụ đến nỗi Huân có cảm giác
nàng có phần hùn vào cửa tiệm. Chàng là người nói nhiều, gặp nàng chàng thấy
mình thuộc loại tịnh khẩu. Mặc cho nàng nói, Huân mới có dịp quan sát kỹ hơn.
Trông nàng ngổ ngáo với mái tóc tém. Thường thì tóc tém cắt cũng ngắn vừa vừa,
đằng này tóc nàng lại ngắn quá khổ, ngắn cũn cỡn như chiếc váy màu mỡ gà nàng
đang mặc trên người để lộ cặp đùi thuôn thuôn, dài ngoẵng. Một cái váy quá ngắn
đang cố che phủ đôi chân quá dài trông tương phản một cách quyến rũ chết người.
Đôi guốc cao gót cũng màu mỡ gà ôm gọn lấy đôi bàn chân thon thon, mềm mại.
Nàng đứng bằng một chân thẳng như cái thước đo, còn chân kia hững hờ đong đưa
theo một điệu nhạc vô hình nào đó. Khuôn mặt trái xoan điểm đôi mắt đen láy như
hạt nhãn. Miệng nàng rộng và đôi mắt nàng ăn ý khi nàng nói, để lộ đôi hàm răng
trắng đều như bắp non. Đôi mắt thật linh động kèm theo lối ăn nói duyên dáng của
nàng làm cho người nghe cảm thấy hứng thú trong câu chuyện. Không cần nói, chỉ
nghe thôi Huân đã có cảm tình nhiều với cô gái đang đứng trước mặt chàng. Nếu
người nào không thích đậu phụ, chỉ nghe nàng nói về đậu phụ có lẽ sẽ xuống tóc
nương thân nơi cửa thiền để chỉ được ăn...đậu phụ cả đời. Thế mới biết lối nói
chuyện của nàng mới quyến rũ làm sao! Huân nghĩ thầm, số mình đi mua đậu phụ lại
hên gặp được người tha thiết với đậu phụ. Chàng tự nhủ từ giờ về sau có lẽ
chàng sẽ chỉ ăn đậu phụ để kỷ niệm buổi gặp gỡ hôm nay. Biết đâu từ miếng đậu
phụ tầm thường để đi đến mối tình phi thường giữa Huân và Nàng. Mối tình Tô-
Fù. Nghe hết sức là...đậu phụ, lại mang vẻ thiền nữa. Huân cứ để cho trí tưởng
tưởng đi thật xa và chàng chợt nhớ rằng muốn trở thành mối tình chân thì ít nhất
phải biết tên nàng đã chứ. Vừa tỉnh cơn mơ thì Huân nghe tiếng nàng hỏi dồn bên
tai:
- Anh làm sao vậy? Anh có nghe tôi nói không?
Huân vội vã:
- Có chứ! Cô nói đậu phụ ở đây ngon hơn các nơi khác. Tôi đồng ý với cô. Tôi đã
mua nhiều nơi nhưng chỉ chỗ này là tôi thích nhất.
Điểm này thì Huân nói phét. Chàng tiện đâu mua đấy không nhất thiết phải đến
đây để mua đậu phụ. Cuộc đời chàng vướng nhiều tục lụy nên không xem đậu phụ là
món ăn chính như những kẻ tu hành. Huân chỉ đổi món cho đỡ nhạt miệng vậy thôi.
Rồi chàng đổi đề tài:
- Theo ý cô thì kho hay rán là ngon nhất? À! Cô...gì nhỉ?
- Chi! Còn anh?
- Huân. Sao? Chi cho tôi biết ý kiến đi chứ! Kho hay rán?
- Chi không biết ý anh thế nào chứ Chi tùy bữa. Kho hay rán Chi đều ăn hết. Lâu
lâu nhồi thịt cũng ngon chán.
Thường thường xếp hàng chờ tính tiền ở chợ sốt cả ruột nhưng hôm nay Huân lại
mong cho cái hàng kéo dài ra để còn thì giờ nói chuyện với Chi. Tính tiền xong,
Huân đứng chờ nàng ở cửa và chàng tự nhiên đỡ lấy bọc đồ ở trên tay Chi:
- Chi đưa đây tôi. Xe Chi đậu ở đâu?
- Ơ bên hông chợ. Phiền anh một tay.
Cả hai bước song song ra đến bãi đậu xe. Con đường từ chợ đến bãi đậu xe hôm
nay sao ngắn quá. Thoáng đã đến bên xe Chi. Chàng lên tiếng:
- Chi ở gần đây không?
Chi chuyển cái xắc tay sang bên kia để mở cửa xe:
- Không! Nhân tiện đi shopping rồi ghé đây đi chợ luôn. Anh có rảnh đi với Chi
một lúc được không?
Ôi chao ơi! Ơ trên đời đâu có những cái hên lạ lùng như thế này! Huân không biết
làm thế nào để kéo dài buổi gặp gỡ thì Chi lại đề nghị đi với nàng. Rảnh quá đi
chứ! Không rảnh cũng phải rảnh. Huân hít một hơi dài nén nỗi vui mừng xuống.
Chàng làm ra vẻ tự nhiên:
- Đi đâu vậy Chi?
Lại phải hỏi đi đâu! Hỏi cho có lệ chứ Huân nào cần biết đi đâu. Giờ này nếu
Chi có bảo Huân đi ăn cướp thì có lẽ chàng sẽ đọc kinh...sám hối trước khi lên
đường với Chi.
- Anh bỏ xe đấy. Lên xe với Chi.
Nàng phóng xe ra khỏi bãi đậu. Chiếc Toyota Supra chồm lên phía trước như con
ngựa bất kham. Chi gài số thuần thục. Nàng nhấn ga, sang lane. Thoáng có tiếng
chưởi của tài xế chiếc xe bên hông vì nàng lách sát đầu mũi xe. Chi thản nhiên
như không có gì xảy ra. Nàng điềm tĩnh cầm vô- lăng bằng một tay:
- Lái như rùa bò.
Huân làm ra vẻ tự nhiên nhưng thật sự chàng có đôi chút hồi hộp. Hồi hộp vì
không biết Chi chở chàng đi đâu hay vì lối lái xe bạt mạng của nàng thì Huân
không xác định được. Huân quay sang Chi, cố lấy giọng thản nhiên:
- Bây giờ chúng mình đi đâu đây?
- Chi đưa anh đi ăn cho vui. Chi rất ghét ăn một mình. Hơn nữa, ở đây có món đậu
phụ ngon lắm. Chả biết nó kho thế nào mà ăn xong cứ nhớ mãi. Chi cố bắt chước
mà không được.
Nàng trở lại với lối nói chuyện liến thoắng. Ông bà cụ thường mỉa mai những người
đàn bà miệng rộng và môi mỏng, cho là ăn nói không kịp kéo da non với ngụ ý chê
trách. Chàng nghĩ các cụ quá khắt khe hoặc chưa gặp những người miệng rộng và
môi mỏng như Chi. Bảo đảm nghe nàng nói chuyện là các cụ phải thay đổi quan niệm
liền. Như Huân đây, càng nghe càng thích ở gần Chi để chuyện vãn với nàng. Đến
khi nghe nói là đi ăn, Huân đưa đẩy:
- Tôi cũng vậy. Ăn một mình chán chết.
Điểm này thì Huân thành thật. Độc thân như chàng quanh năm suốt tháng chỉ độc
thực và độc ẩm. Nhiều bữa đi làm về quá mệt, chàng nấu mì gói lên ăn cho qua bữa.
Nếp sống độc thân chán như cơm nếp nát, lâu lâu mới có những hứng khởi bất ngờ
như hôm nay. Chi đưa Huân đến một tiệm ăn tương đối bình dân. Và quả thật món đậu
phụ kho thật tuyệt vời. Cả đĩa đậu phụ rán nữa. Miếng đậu phụ mềm, vàng lưỡm ôm
gọn lấy nhúm thịt băm được xếp đều đặn trên đĩa rau xanh ngát toả ra hình cánh
hoa, chung quanh điểm vài lát cà- chua đỏ loét. Canh đậu phụ nấu với hẹ thơm,
hơi bốc lên ngào ngạt. Huân gắp một miếng đậu, chấm đẫm vào bát nước mắm chanh ớt
tỏi, bỏ vào miệng. Chàng nhắm mắt lại, nhai nhè nhẹ để thưởng thức cho trọn vẹn
miếng đậu phụ trong một bữa cơm đầu tiên có Chi, người con gái với cuộc gặp gỡ
kỳ lạ. Huân nghĩ đến những bất ngờ tình tứ mà chàng may mắn đang hưởng thụ và cầu
mong sẽ có hoài để còn thấy cuộc đời này rất đáng sống. Huân cố dành trả tiền
khi cả hai sửa soạn ra về. Chi nghiêm mặt:
- Chi mời anh thì để Chi trả. Còn nhiều dịp khác để anh trả kia mà. Giành giật
với nhau làm gì!
Chi đưa chàng trở lại bãi đậu xe. Khi Huân xin số điện thoại của Chi thì nàng
cười cười:
- Thôi! Anh cho Chi số phôn của anh đi. Cuối tuần rảnh Chi gọi cho anh.
Huân nghĩ thầm. Nếu Chi đã không muốn cho số phôn thì cho dù chàng nài nỉ thế
nào cũng bằng thừa. Chàng đã thấy sự dứt khoát của Chi khi chàng dành trả tiền ở
nhà hàng. Đưa số phôn cho Chi chẳng mất mát gì mà may ra nàng còn chút gì để nhớ
thì đỡ cho Huân biết bao. Chi đã lên xe đi rồi mà Huân vẫn còn tiếc nuối trông
theo, cứ ngỡ như chàng mới từ Thiên Thai về trần.
Huân tư lự cả mấy ngày nay. Ngồi trong sở cứ thẫn thờ nghĩ đến cuộc gặp gỡ kỳ
thú vừa qua. Thường thì đi làm về chàng lang thang vào các tiệm mua những đồ lặt
vặt, nhưng độ rày Huân siêng ở nhà hơn. Ra sở là chàng chạy vội về nhà ngay để
đợi...phôn. Huân tự trách mình ngu quá quên không đưa số điện thoại ở sở cho
Chi. Vừa nghe Chi hỏi là chàng đã quýnh lên rồi, vội vàng viết ngay số phôn ở
nhà. Không biết viết có đúng hay không nữa? Viết lộn thì bố ai mà mò cho ra! Mỗi
lần cứ nghe tiếng chuông điện thoại reo là Huân giật bắn người. Và chàng hồi hộp
bốc phôn để rồi thất vọng não nề. Biết bao nhiêu câu hỏi xoay vần trong đầu
Huân. Có lẽ Chi làm mất số phôn của chàng chăng? Hoặc nàng đã quên tiệt phút đầu
gặp nhau, tinh tú quay cuồng? Trong những buổi mỏi mòn đợi chờ, Huân nhận được
cú phôn từ một người mà chàng không chờ đợi:
- Hello! Khoẻ không? Chiến đây!
Huân ngờ ngợ một giây, rồi chàng chợt nhớ ra:
- Khoẻ! Vẫn làm ăn phát tài hả ông?
Có tiếng tặc lưỡi trên phôn:
- Gọi là phát tài thì không dám. Nhờ Việt kiều đổ về nước như đi chợ nên văn
phòng tôi làm ăn tương đối khá.
Và Huân nhớ hẳn đến Chiến. Một người mà chàng tình cờ gặp lại vài tuần trước
đây trong một buổi tiệc cưới. Bảy tám năm về trước, Huân và gã có học chung một
vài lớp Anh văn. Chỉ biết nhau qua những giờ nghỉ ngồi uống cà phê tán gẫu. Gã
rất khéo mồm. Nói ngọt lọt đến xương là một trong những sở trường của
Chiến. Buổi tiệc cưới hôm đấy, nhà trai xếp Huân và Chiến ngồi chung với bốn cặp
vợ chồng khác. Hai thằng độc thân ngồi lạc lõng giữa hạnh phúc của nhiều người.
Đi đám cưới là một cực hình đối với Huân, phần vì lễ nghi, phần ngồi vào chỗ với
những người không quen, chả biết nói chuyện gì. Nhưng quan trọng nhất là thấy
phận mình cô đơn, hẩm hiu như cơm thiu. Mẹ kiếp! Bạn bè chúng nó cứ cưới hỏi ào
ào. Có nhiều thằng Huân cứ nghĩ chỉ có ở vậy nuôi con...rơi chứ không thể có em
nào lại dại dột đi nâng khăn sửa túi cho chúng. Vừa xấu người mà lại cả đẫn nữa.
Như Huân vừa nhanh nhẹn, vừa tháo vát mà cũng chỉ ngồi bên bờ sông ngong ngóng
nuốt nước miếng thèm thuồng thì huống gì thân phận những thằng đó. Thế mà chúng
nó vẫn lần lượt lên xe bông về nhà vợ mới oái oăm chứ! Mỗi lần nhận thiệp cưới
là thêm một vết thương trong lòng, não nề. Riêng Chiến thì chẳng có vết thương
lòng nào cả, mặc dù gã vẫn còn độc thân như chàng. Gã vui vẻ phải nói là quá trớn
trong buổi tiệc. Theo lời kể của gã, gã là chủ nhân của một văn phòng du lịch.
Chỉ với dịch vụ lo liệu giấy tờ cho Việt kiều về thăm nhà là gã đã hốt bạc vì số
người về nước ngày càng đông. Nghe đâu gã còn đầu tư vào thị trường ở quê nhà nữa
kia. Chiến ba hoa về một Việt Nam nay đã cởi mở về kinh tế(?), tư tưởng(?) và tỏ
ý khâm phục những thành quả xây dựng ở quê nhà. Khi nghe Huân nói có ý định sẽ
về Việt Nam thăm người mẹ già thì gã xoắn lấy chàng:
- Ông đến văn phòng tôi đi. Discount cho ông.
Rồi gã nói nhỏ vào tai chàng:
- Để tôi cho ông một số điạ chỉ nhé! Về Sàigòn, đến khách sạn Bồng Lai thì đòi
cho được em Phượng. Còn ở Thiên Thai thì em Nhàn. Đi nhậu thì phải đến ở quán
Thanh đường Bùi Viện là nhất. Không thì ông xuống ngã ba ông Tạ mà nhậu thịt
chó cũng thú. Món rựa mận ở đấy vẫn còn đậm đà hương vị lắm.
Huân ậm ừ cho qua chuyện. Chiến trao cho Huân tấm danh thiếp, nói là gọi tôi bất
cứ khi nào cần. Huân nghĩ ngợi đến một số người đại loại như Chiến. Về nước chỉ
sành sõi toàn những chuyện ăn và chơi bời. Đấy là chưa kể đến chuyện về nước
không có nói ra có, có ít nói ra nhiều, có nhiều thì lại huênh hoang trên sự
thiếu thốn và nghèo khổ của đồng bào kém may mắn. Huân càng nghĩ càng chán nản
cho quê hương vốn đã rách nát và lụn bại. Ra khỏi buổi tiệc, tiện tay chàng vò
tấm danh thiếp của Chiến và vứt vào thùng rác ở ngay cửa ra vào. Mãi đến hôm
nay thì gã lại gọi đến:
- Này! Khi nào ông tính về. Nhớ đến văn phòng tôi nhé!
Lại cũng chỉ vì cái vé về quê. Lòng Huân nào có thiết tha gì vì chàng đang mong
tin của Chi:
- Ừ! Hôm nào về tôi sẽ gọi ông ngay.
Rồi chàng cúp điện thoại. Bẵng đi hơn tuần, Huân nghĩ nên quên Chi đi thì hơn.
Dù sao chàng cũng đã có những giây phút thú vị bên Chi. Vào những lúc chàng gần
như quên hẳn thì chuông điện thoại reo. Chàng bốc lên hờ hững:
- Hello!
- Anh Huâân đấy hả? Chi đây! Anh rảnh không? Chi đến anh bây giờ đấy.
Huân gần như rú lên vui mừng. Lại rảnh hay không rảnh. Lúc nào Chi cũng mở đầu
bằng câu ấy, mặc dù nàng biết tỏng là người đối diện phải rảnh. Chỉ đường cho
Chi xong, Huân dọn dẹp sơ sơ lại căn nhà. Chàng ở tương đối ngăn nắp nên cũng
không tốn nhiều thì giờ. Huân nghe tiếng chuông cửa khi vừa dọn xong. Và Chi xuất
hiện trước khung cửa nõn nà và mời gọi như một đóa hoa thơm. Nàng mặc đồ thể
thao, loại đi đánh quần vợt. Huân nghĩ nếu nàng cứ ăn mặc ngắn cũn cỡn như thế
này thì cuộc đời cô trọc của chàng chẳng mấy chốc mà ngắn theo. Chàng sẵn sàng
xin ngắn hẳn đi cho trọn tình trọn nghĩa với nàng. Chi vẫn dựa người ở khung cửa,
kéo thấp đôi kính nhâm xuống, nheo mắt:
- Mời Chi vào nhà đi chứ!
Huân nuốt nước bọt đánh ực:
- Chi...Chi vào nhà!
Chi đi thẳng vào nhà bếp:
- Hôm nay Chi trổ tài nấu món đậu phụ hôm trước chúng mình đi ăn đấy. Anh nhớ
không? Chi vừa ghé ngang chợ mua bọc đậu phụ này đây.
Ăn với không ăn, Huân nào có thiết tha gì! Bụng đói mà nhìn Chi cũng thấy no.
Cho dù cơm hẩm với dưa muối mà có Chi bên cạnh còn hơn nem rồng chả phượng mà lại
ăn uống có một mình. Chi thoăn thoắt bày biện mọi thứ ra bàn để chuẩn bị món đậu
kho. Huân đứng bên cạnh để nàng sai vặt. Chàng không ngờ một buổi trưa có Chi ở
trong căn nhà chật hẹp, đảm đang như một người vợ hiền lành. Hạnh phúc cứ tưởng
đâu xa vời chứ nhiều khi thật đơn giản không ngờ. Một mái ấm, một người đàn bà,
một bữa cơm. Chẳng phải là niềm mơ ước của chàng từ bấy lâu nay sao? Khi mở cửa
tủ lạnh để lấy chai nước, chàng quay lại tình cờ đứng ngay phía sau Chi. Bộ đồ
thể thao thật vừa vặn ôm gọn lấy Chi. Huân tiến lên một bước để nhìn rõ cái gáy
thanh thanh của Chi. Ôi! Cái trũng gáy sâu sâu thật gợi cảm! Chàng nhìn thấy rõ
những sợi lông măng chạy đều dọc theo trũng gáy. Huân bồi hồi hôn nhẹ lên gáy
Chi thật nhẹ nhàng. Chi hơi rụt cổ lại vì nhột. Vẫn không quay lại, nàng cười
khanh khách:
- Anh bạo ghê! Chồng em mà thấy được thì anh chết!
Đang ngường ngượng vì hôn lén Chi, Huân giật bắn người, suýt làm rơi chai nước:
- Cái gì! Chồng Chi???
Chi vẫn chú tâm vào nồi đậu phụ, giọng bỡn cợt:
- Chứ sao! Không lý là chồng anh!
Huân vòng ra phía trước để nhìn rõ khuôn mặt Chi. Chàng nhìn thẳng vào mắt
nàng:
- Chi không đùa đấy chứ? Chi nói cho anh rõ được không?
Chi ngẩng lên, khuôn mặt thật ngây thơ. Nàng chồm người lên phía trước, tát nhẹ
vào má Huân, giọng vui vẻ:
- Gì mà mặt thộn ra vậy?
- Chi vẫn chưa trả lời câu hỏi của anh.
- Chả có gì đáng nói cả. Chồng Chi hay ghen, thế thôi. Nhưng đấy là trước đây
kia. Chứ bây giờ thì Chi vẫn còn độc thân như anh vậy. Thế nào? Yên tâm chưa?
Huân vẫn chưa thỏa mãn lắm với câu trả lời của Chi. Không lý tự nhiên Chi đem
chồng ra để dọa chàng? Mà chuyện đâu phải đùa. Nếu Chi đang có chồng thì dĩ
nhiên chồng nàng có toàn quyền để tóm cổ Huân và cho chàng một trận nên thân vì
tội tán tỉnh vợ người ta. Và quả thật chàng không muốn dây dưa vào những chuyện
rắc rối. Huân có quan niệm thật tự nhiên về chuyện yêu đương nếu không nói là rất
cởi mở nhưng chuyện gì vẫn có giới hạn của nó. Trai chưa vợ, gái chưa chồng thì
có gì mà ngại ngùng? Chàng không dám nghĩ đến một hôm đang đi chơi với Chi thì
bỗng nhiên có thằng đàn ông cha căng chú kiết nào đó chận lại tự xưng là chồng
nàng rồi cho chàng một quả đấm và kết tội chàng về tội quyến rũ vợ nó. Chưa kể
nó kiện ra tòa thì cứ lấy rổ mà úp vào mặt. Người đời sẽ rủa Huân là hết người
hay sao mà rúc đầu vào chỗ vợ chồng người ta đang hạnh phúc. Nhưng Huân lại
nghĩ chuyện không hẳn như vậy vì nếu Chi có chồng thì làm sao lúc nào nàng cũng
đi chơi một mình thoải mái đến thế. Vợ chồng đi đâu phải có đôi chứ. Có lẽ Chi
chỉ đùa nghịch vậy thôi. Và Huân yên tâm ngay với sự suy đoán của mình.
- Sao? Suy nghĩ đủ chưa? Tin Chi chưa?
Năm ngón tay Chi thoăn thoắt xáo nồi đậu kho, miệng cười cười hỏi chàng một
cách trêu chọc. Ôi! Khuôn mặt ngây thơ như thế kia thì làm sao mà không tin cơ
chứ? Huân lại có tật hay tin đàn bà con gái, nhất là đàn bà đẹp. Vì thế Huân vội
vàng:
- Tin quá đi chứ! Chi nói thì anh phải tin.
Từ hôm ấy, Huân và Chi thật sự yêu nhau. Quen nhau chỉ là tình cờ vì Huân xuất
hành trúng giờ "hoàng đạo", nhưng yêu nhau thì không thể gọi là tình
cờ nữa. Huân yêu Chi vì đó là một sự lựa chọn của trái tim còn Chi chấp nhận với
sự lựa chọn đó của chàng. Còn gì đẹp hơn khoảng thời gian yêu nhau. Bạn bè đã
có thằng khen Huân tốt số. Huân cười cười cố che giấu niềm hãnh diện trong
lòng. Mãi đến một hôm, Huân lại tình cờ gặp Chiến ở một quán ăn khi đi ăn trưa
với mấy người bạn. Cái lạ là độ rày gã đâm bổ vào đời sống của chàng nhiều quá
kể từ lần gặp lại ở buổi tiệc cưới chết tiệt kia. Mới đầu, chàng đã muốn tránh.
Gặp những người như Chiến thật sự chả có chuyện gì để nói, cũng như không có
chuyện gì đáng nói, chưa kể đến việc phải nghe những chuyện bực mình. Mãi đến
lúc gần quay đi, gã mở miệng hỏi Huân một câu làm chàng khựng bước.
- Hôm trước, tôi gặp ông hình như đi với con nhỏ Chi phải không?
Huân giật mình:
- Ủa! Ông quen Chi à?
Gã cười cười, giọng chợt nhả:
- Hơn cả quen. Con nhỏ Chi mả lắm đấy!
Khi nói, Chiến nheo nheo mắt, giọng úp úp mở mở. Ra cái điều mình biết rất nhiều
chuyện nhưng không tiện nói ra ở chốn đông người. Chiến bỏ nhỏ một câu về Chi để
cho Huân muốn hiểu sao thì hiểu. Cái chữ "mả" thường thường được hiểu
theo nghĩa xấu. Riêng Huân, chàng nghe vậy thôi chứ chẳng hề một chút bận tâm
vì chàng không mấy tin về con người của Chiến. Chàng buông thõng:
- Mả hay không đối với tôi chả ăn nhậu gì!
Gã bồi thêm:
- Đã khối thằng chết dở vì nó đấy. Ông coi chừng!
Huân cười khẩy, ra vẻ bất cần:
- Cám ơn ông. Tôi sẽ coi chừng!
Rồi chàng bỏ đi. Vậy mà câu nói của Chiến cứ vương vấn mãi trong tâm trí của
chàng. Huân định bụng sẽ hỏi Chi về Chiến cho rõ, vì chàng không nghĩ con người
như Chi mà lại có dan díu gì với gã, nhất là dan díu về tình cảm. Dĩ nhiên chuyện
dan díu trước khi quen Huân thì chả ăn nhậu gì với chàng cả. Đúng ra là Huân
không có quyền thắc mắc về đời tư của Chi trước đây nhưng chàng vẫn cứ ray rứt
khó chịu. Nó vương vướng thế nào ấy. Huân dứt khoát là hỏi cho ra lẽ, chứ để bụng
nó anh ách trông khuôn mặt táo bón không thể tả. Mãi cho đến hôm đưa Chi đi
nghe nhạc, Huân khéo léo đưa đẩy câu chuyện:
- Anh tính có dịp sẽ về thăm mẹ anh một chuyến.
Chi xoay xoay ly nước trong tay:
- Mẹ anh bệnh hay sao vậy?
- Bệnh thì ai đến tuổi già mà không bệnh. Nhưng lâu quá anh muốn về thăm lại
gia đình. Thế Chi đã bao giờ về thăm hai bác chưa?
Chi im lặng một lúc rồi cúi mặt, thở dài:
- Năm ngoái Chi có về một lần để thăm nhà, nhân tiện giải quyết vấn đề tình cảm
luôn. Nhưng thôi, bỏ qua đi. Câu chuyện của Chi thật sự dài dòng lắm.
Huân đánh hơi là mình đã hỏi đúng chỗ, chàng hỏi tới nhưng làm ra vẻ không quan
trọng:
- Có gì đâu mà dài dòng! Nếu không có gì bất tiện thì kể cho anh nghe, có sao
đâu.
Chi ngồi yên bất động. Hình như Chi đang cố nén xúc động đang dồn ứ ở phía
trong. Câu nói của Huân gần như vô tình khơi lại một dĩ vãng đau thương nào đó
mà Chi đang cố quên. Huân không muốn làm cho Chi buồn mặc dù trong thâm tâm
chàng muốn biết rõ thêm chút nữa, may ra giải đáp cho Huân cái thắc mắc bấy
lâu. Yên lặng một lúc, bỗng nhiên Chi đứng dậy, giọng sũng buồn:
- Về thôi anh.
Huân không ngờ một đêm tươi mát bên Chi lại kết thúc đột ngột như vậy. Chàng
cũng không ngờ chỉ vì một câu hỏi mà gợi lại cho Chi những cảm xúc mãnh liệt
trong quá khứ. Khuôn mặt của Chi buồn hẳn. Buồn thiu như thế kia thì dù có ngồi
lại cũng chẳng còn hứng thú gì. Huân đứng lên dìu Chi ra xe không nói một câu
nào. Chàng suy nghĩ mông lung không biết cái quá khứ nghiệt ngã kia ra thế nào
mà Chi lại đau khổ đến thế kia chứ? Chàng tự trách mình là vô tình khơi lại đống
tro tàn để gây buồn phiền cho Chi và phí mất một buổi tối gần như trọn vẹn bên
nàng. Huân phải đưa Chi về nhà chàng vì lúc nào hẹn đi chơi Chi cũng lái xe đến
nhà Huân, để xe lại đó rồi cả hai đi chung xe của chàng. Mãi đến bây giờ mà
Huân cũng chẳng biết Chi ở đâu, ngoài cái số phôn mà nàng cho hơn tháng trước.
Ban đầu, Huân cũng thắc mắc về việc Chi giữ kín chỗ ở của nàng, vì nàng chẳng
bao giờ đả động đến nơi ăn chốn ở cả. Hỏi đến thì Chi cho là không tiện, nhà
Chi luộm thuộm lắm, chứ không ngăn nắp được như anh. Hơn nữa, Chi cũng không muốn
cho ai thấy mặt trái của Chi. Chàng nói với Chi là anh có bao giờ để ý đến những
tiểu tiết đâu. Đối với Huân, duyên dáng và xinh xắn của Chi đã đánh át đi những
cái nhỏ nhặt khác. Vài ba cái lẻ tẻ đó thì sá gì cơ chứ? Nhưng cho dù nói thế
nào Chi vẫn khư khư giữ ý định của mình. Nàng giải thích quen nhau như thế này
chưa đủ sao? Lúc nào anh cần thì Chi đến ngay! Còn gì anh hỏi mà Chi không chiều
anh? Nghe Chi giải thích xong, Huân bỗng thấy mình "cả gan" đòi hỏi
quá nhiều. Từ đó, chàng chẳng bao giờ thắc mắc về chỗ ở của Chi nữa. Cứ hẹn Chi
ở nhà chàng và mỗi lần chia tay là mỗi lần bịn rịn, bồi hồi...
Chi ngồi trầm ngâm, tư lự trên suốt đoạn đường. Vừa bước vào nhà là Chi ngồi vật
xuống sofa, dáng điệu mệt mỏi. Nàng gần như không còn sức lực để bước nữa, như
một lực sĩ đến đích sau một cuộc thi việt dã. Huân ngồi xuống bên Chi, lấy chiếc
gối nhỏ kê lưng cho nàng:
- Để anh lấy cho Chi ly nước cam.
Khi trở lại, Huân thấy khuôn mặt Chi đã nhạt nhoè nước mắt. Nàng đỡ lấy mảnh
tissue từ tay Huân để chậm nước mắt. Huân ngồi xuống bên cạnh Chi, vuốt ve mái
tóc nàng:
- Anh xin lỗi Chi vì đã gợi lại chuyện buồn.
Chi nhỏ nhẹ:
- Không! Anh không có lỗi gì cả. Chỉ tại Chi mau nước mắt.
- Anh không ngờ Chi lại có một quá khứ buồn như vậy.
- Trong đời ai mà không có chuyện buồn, nhưng chuyện buồn này nó đến đột ngột
quá. Nhiều khi nghĩ lại Chi vẫn không ngờ hạnh phúc ngắn ngủi đến thế vì nó chết
tức tưởi chỉ qua một chuyến đi.
Rồi Chi chậm rãi kể cho Huân nghe cuộc tình của nàng. Tình yêu thứ nhất trong đời
đã chuốc lấy thương đau chỉ vì một chuyến thăm nhà của chồng Chi, Trung. Đang sống
đầm ấm với nhau thì Trung bỗng giở chứng đòi về Việt Nam một chuyến, mặc dầu chả
có chuyện gì đáng về cả. Chuyến đi về nước gần tháng của Trung không ngờ đã đạp
cuộc sống của gia đình Chi vào ngõ cụt khi tình cờ nàng đọc được lá thư của một
người con gái gởi cho Trung với địa chỉ ở quê nhà. Trong thơ, Hân - tên người
con gái- ngoài vấn đề hỏi thăm sức khoẻ còn nói đến cái thai đang lớn dần trong
bụng và hỏi Trung gởi thêm tiền bạc để chi phí trong khi nằm chỗ. Hân còn hỏi
giấy tờ bảo lãnh mẹ con em đến đâu rồi? Khi nào thì vợ chồng mình đoàn tụ? Lại
còn thêm vài ba câu như em mong cho con nó giống anh cơ chứ giống em xấu lắm!
Con chúng ta phải điềm đạm và trung tín như anh kia! Những câu nói thành thật của
người đàn bà nhẹ dạ càng làm cho Chi ghê tởm thằng chồng khốn nạn, đã lừa dối một
lúc hai người đàn bà. Chuyện không thể tha thứ được vì một trong hai người đàn
bà ấy là Chi. Nàng âm thầm để bụng chẳng hỏi han gì. Hơn tháng sau, Chi lấy
phép về thăm nhà nhưng thật sự là điều tra hư thực thế nào. Tìm đến địa chỉ của
Hân, Chi nói rõ sự thật và tặng cho hai mẹ con một số tiền. Khi trở lại Mỹ, nàng
đâm đơn xin ly dị sau khi nói thẳng vào mặt Trung mục đích chuyến đi của nàng.
Hơn năm nay, Chi đã gần như nguôi ngoai nhưng mỗi lần nhớ lại nàng vẫn cảm thấy
nhức nhối, tổn thương. Sự chu toàn bổn phận và tình yêu đầy ắp của những người
vợ trong gia đình vẫn không giữ được những người đàn ông cơm no bò cưỡi ở
phía bên này của luân thường đạo lý. Từ đó, Chi thường có thành kiến với những
người đàn ông về thăm quê nhà, nhất là những kẻ có gia đình mà đi về một mình.
Nàng thổ lộ:
- Chi không dám nghĩ anh về thăm nhà để rồi như chồng Chi, nhưng Chi vẫn mang một
cảm giác bất an về chuyến đi của anh.
Huân vội xua tay lia lịa:
- Không! Không! Anh tính vậy thôi, chứ đã về đâu. Mà có về thì anh tin chắc rằng
tình cảm của anh và Chi vẫn không thay đổi khi anh trở lại.
Chi cựa mình cho đỡ mỏi, thở dài:
- Anh nói thì Chi tin vậy, nhưng khó biết trước tương lai lắm anh ơi!
Lần này thì Huân gào lên:
- Thôi! thôi! Anh không về nữa! Chi bằng lòng chưa nào?
- Cám ơn anh! Nhưng chuyện của anh Chi cản thế nào được. Nếu cần, anh cứ việc về
thăm nhà. Đau khổ mãi rồi Chi cũng phải quen đi chứ!
Huân cầm lấy tay Chi, ân cần:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi! Nếu có về thì anh cũng báo cho Chi biết. Buổi tối
nay buồn thế là đủ rồi. Nghe anh đây này. Khi đăng ký về, có phải Chi đến văn
phòng của thằng Chiến phải không?
Chi quay lại nhìn Huân, đôi mắt mở lớn:
- Ủa! Sao anh biết? Bộ anh quen anh chàng đó hở?
- Thì cũng quen sơ sơ. Nó cứ mời anh đến đăng ký ở văn phòng nó hoài đấy chứ!
Nó nói có quen rất thân với Chi.
Chi mỉm cười. Cả buổi chiều nay, Huân mới thấy nàng cười. Huân thấy lòng ấm hẳn
lại khi nhìn thấy nụ cười xinh xắn của Chi.
- Thân cái gì! Thưở Chi đến làm giấy tờ để về thăm nhà, mặc dù biết Chi đang có
chồng, hắn vẫn giở giọng tán tỉnh. Đã chán chồng, Chi càng chán đàn ông thêm. Đến
khi Chi trở lại, không biết sao mà hắn lại biết Chi ly dị nên lại gọi phôn tiếp
tục cái trò bẩn thỉu ấy. Sau Chi nói thẳng vào mặt cho một lần. Rồi từ đó chả
thấy mặt mũi hắn đâu nữa. Thế hắn nói gì về Chi?
Huân thấy lòng nhẹ hẳn:
- Ồ! Hắn nói nửa nạc nửa mỡ chả ra làm sao cả. Tin gì thứ ấy.
Huân ôm lấy Chi, hôn vào môi nàng và lòng tự nhủ sẽ không bao giờ để Chi buồn nữa.
Hạnh phúc mà chàng mong đợi bấy lâu ở ngay trong vòng tay chứ xa xôi gì. Chàng
phóng dự định đi thật xa. Niềm mơ ước về một mái nhà bên Chi dần dần hiện ra rõ
nét trong trí chàng...
Vậy mà cả tuần nay Huân bặt tin Chi. Thường thường chỉ vài ngày không Chi thì
chàng đã gọi nhau ơi ới. Yêu nhau thì phải xoắn lấy nhau chứ. Biết bao nhiêu hỏi
han, biết bao nhiêu lần đi chơi ngoài, không nhà hàng, không sắm sửa thì kéo
nhau vào rạp xinê cũng thú chán. Có tuần nào mà chẳng thấy mặt nhau. Xa nhau mới
vài ngày người đã lờ đờ cứ như bị ma ám. Thế mà gần tuần rồi chẳng nghe giọng
nói ngọt ngào của Chi thì Huân làm sao không bấn lên cơ chứ! Chàng phôn đến nhà
chả thấy ai trả lời cả, chỉ nghe tiếng chuông reo. Chàng cứ sợ Chi đau ốm nằm
liệt giường ở nhà không ai chăm sóc. Hay là nàng bị tai nạn xe cộ nhưng chẳng
có thân nhân. Huân gọi đến ty cảnh sát, phòng cấp cứu ở bệnh viện nhưng không
có tên Chi nào cả. Chàng thở phào yên tâm được một phần. Đến hơn tuần thì chỉ
nghe giọng nói trong máy của hãng điện thoại báo tin chủ nhà đã cắt số phôn. Bằng
một giọng đau khổ, Huân gọi đến sở điện thoại phân trần tình cảnh của chàng
nhưng cô trực tổng đài vẫn khăng khăng một mực không cho số mới, viện lẽ vì yêu
cầu của khách hàng. Huân cuống lên, không biết phải làm thế nào để gặp lại Chi.
Có ngờ đâu lần vỗ về Chi là lần cuối gặp nhau. Huân có cảm giác Chi vẫn còn ở
trong thành phố này nhưng cố tránh mặt chàng. Nàng như con chim bị tên, mang một
thành kiến quá nặng về những người đàn ông về nước thăm quê hương. Sự đổ vỡ của
tình yêu đầu đời đã hằn những đường nét sâu đậm trong tâm khảm Chi, và hầu như
không thể nào gột rửa đi được. Nó tồn tại như một căn bệnh trầm kha không thuốc
chữa. Ôi! Cầu trời cho gặp lại nàng để Huân thề sống thề chết là sẽ không
"dại dột" về thăm nhà nữa. Chàng len lỏi ở những quầy bán hàng, tiệm
ăn với hi vọng thật mong manh. Cả tháng Huân thẫn thờ như người mất hồn. Cuộc đời
còn ý nghĩa gì nữa khi thiếu Chi bên cạnh. Tâm trạng chàng lại háo hức chờ đợi
điện thoại reo như thưở mới quen Chi. Rồi một hôm, trong khi chờ đợi tin Chi,
Huân lại bất ngờ nhận được cú phôn của Chiến, giọng gã vui vẻ:
- Ê! Huân! Lấy giấy viết ra ghi thêm địa chỉ này đi. Mới toanh. Bảo đảm còn
thơm lắm. Đến khách sạn Tiên Cảnh trong Chợ Lớn thì ông cố đòi cho được em
Wòng nhé!. Hải Ngữ Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét