Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Đêm Bạch Tuyết

Đêm Bạch Tuyết

Khi Tuấn, thằng cháu con của bà chị, điện thư cho biết Bạch Tuyết sẽ trình diễn ở San Jose vào ngày 24 tháng Năm, tôi nghĩ ngay không một chút đắn đo hay suy tính, là mình phải có mặt, bằng mọi giá. Tôi thích cải lương, nhưng không mê, nghe thì cũng biết sướng, nhất là nó gợi tôi nhớ tới những ruộng vườn và người dân hiền hoà chân chất của miền Nam, nhưng không có cải lương thì cũng không tới nỗi quay quắt. Tôi nhất quyết phải đi dự Đêm Bạch Tuyết vì một lý do hết sức riêng tư: thấy lại Bạch Tuyết bằng xương bằng thịt sau 27 năm xa cách, nghe lại giọng ca ngọt ngào đã khiến tôi biết thích nghe hát cải lương từ ngày quen biết với Bạch Tuyết.
Tôi đặt mua vé cho cả hai cô cháu, hạng nhất hẳn hoi, cách sân khấu có một hàng ghế, trước cả khi biết chương trình gồm những gì, do ai tổ chức, tại sao bỗng dưng sau một thời gian dài bằng cả một phần tư thế kỷ Bạch Tuyết bỗng dưng xuất hiện ? những câu hỏi thường tôi phải được thoả mãn trước khi quyết định đi hay không, nhất là khi phải lái xe vượt gần 100 miles tới địa điểm trình diễn.
Lần cuối tôi gặp Bạch Tuyết là khoảng thời gian sau khi báo Sóng Thần bị chính quyền Việt Nam Cộng Hoà rút giấy phép xuất bản vào tháng Hai, năm 1975 và trước khi miền Nam bị mất vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Lúc ấy Bạch Tuyết vừa hoàn tất 15 ngày nhịn ăn, chỉ uống nước chanh hoặc nước lã, và tập thể dục theo một số động tác chỉ định, do một người quen truyền dậy. Tuyết bảo tôi, 'Tập đi chị, để lỡ có chạy loạn mà có phải bị đói nhiều ngày cũng còn có sức, nhất là chị còn phải lo cho hai cháu nhỏ.' Lúc ấy cao nguyên đã di tản. Rồi Huế mất, xong đến Đà Nẵng. Những chuyện di tản hỗn loạn bi thảm, với nhiều người lính uất hận vì bị buộc buông súng bỏ chạy, cảnh người dân hốt hoảng thu vén hành trang, gia đình bỏ chạy theo, cảnh cha mẹ lạc con, vợ lạc chồng, cảnh chết đói, chết khát, người ta chen chúc xô đẩy, dẵm lên nhau mà chạy, vv. là câu chuyện đầu môi chót lưỡi của một Sàigòn lên cơn sốt, hoang mang cùng tột.
Tôi đồng ý để Tuyết thu xếp với 'ông thầy' tới truyền dậy cho tôi cách nhịn đói, với Bạch Tuyết nghiêm trang thành khẩn đứng bên. 'Ông thầy' hỏi tôi theo đạo gì, tôi bảo trước kia thì là đạo Thiên Chúa, ông không chờ tôi nói gì thêm, móc trong túi ra một xấp ảnh và lựa một tấm hình một ông thánh, rồi bảo tôi quỳ xuống và bắt đầu khấn. Rồi ông chỉ cho tôi những gì phải làm, những động tác phải tập và tập vào những lúc nào trong ngày. Và ông cử Bạch Tuyết theo giõi tiến bộ của tôi. Được hai bữa thì tôi lặn luôn, vì đói quá chịu không thấu, mặc dù đã được khuyến cáo là mấy ngày đầu sẽ rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều kiên trì để vượt qua. Thêm vào đó là nỗi đứng ngồi không yên, tâm tư bất an. Rồi như bao người dân miền Nam hồi ấy tôi bị cuốn vào cơn gió lốc của thời cuộc, rồi phiêu bạt ra nước ngoài. Ra đi vội vã, không cả kịp nói lời từ biệt với mẹ già? mối ân hận thiên thu của tôi, vì mẹ tôi qua đời một năm sau đó.
Bạch Tuyết và tôi quen nhau qua tờ Sóng Thần, một tờ báo tuy do tôi đứng tên chủ nhiệm nhưng là công của của nhiều người đóng góp qua hình thức cổ phần, những người tin vào chủ trương chống tham nhũng của tờ báo với mục đích làm sạch hậu phương để những người lính cầm súng ngoài tiền tuyến không cảm thấy mình đang chiến đấu vô ích. Bạch Tuyết, cùng với chồng là Tam Lang, là hai trong số những cổ đông hồi ấy. Hai người này thường ghé lại toà báo thăm anh chị em toà soạn và đồng thời để nâng đỡ tinh thần chúng tôi. Song Bạch Tuyết và tôi trở nên gắn bó cũng do một ý kiến của cố nhà báo Chu Tử, chủ biên của tờ Sóng Thần hồi ấy.
Hồi ấy, trước khi xẩy ra biến cố Quảng Trị bị Bắc quân tấn công vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 (ma ?hờ đó Sóng Thần bỗng phất như diều gặp gió nhờ giàn phóng viên của cả ba văn phòng Quảng Trị, Huế và Đàn Nẵng phối hợp lại, khiến tin tức chiến sự của ST trở nên phong phú và nóng hổi), anh chị em Sóng Thần lo xanh người về việc làm thế nào để tờ báo tồn tại vì sự 'đầu tư niềm tin', hơn cả tiền bạc, của nhiều người nơi chủ trương của tờ báo. Tôi cũng vừa 'xâm mình' viết xong cái hôì ký 'Tôi bắn Chu Tử' do Chu Tử đặt hàng sau khi chính ông cuối cùng có dịp tiếp xúc với người đã bắn ông hồi giữa thập niên 1960. Báo chí ở Việt Nam hồi ấy ngoài tin tức, phóng sự loại nóng hổi nhưng cũng nhất thời, thường giữ độc giả bằng những bài nằm, đăng thành nhiều kỳ, có khi cả mấy tháng, trong đó có loại hồi ký và nhất là tiểu thuyết.
Chu Tử là một người có nhiều sáng kiến độc đáo. Trong một buổi họp mặt chuyện vãn, ông đột nhiên đề nghị, 'Hay là chị Trùng Dương viết cái hồi ký đi hát của Bạch Tuyết? Thử tưởng tượng bà chủ nhiệm Sóng Thần viết hồi ký cho Cải Lương Chi Bảo.'
Mọi người ngạc nhiên một cách thích thú khi ông nghe đề nghị như thế. Và người ngạc nhiên đến sững sờ, bối rối, là tôi. Cho đến lúc đó tôi không hề nghe cải lương, nghĩ một cách hời hợt và nông cạn là đây là loại giải trí của giới bình dân, không thích hợp với mình. Nhưng hồi ấy vốn tinh thần lý tưởng rất cao, tôi sẵn sàng làm những gì có thể làm cho tờ báo sống còn. Và thế là có một màn quảng cáo cả tháng trời hay hơn về tập hồi ký 'Nổi trôi theo tiếng hát' của Cải Lương Chi Bảo Bạch Tuyết do tôi viết. Giá tôi hồi ấy là tôi bây giờ thì, thành thực mà nói, là tôi không dám nhận làm cái việc 'điếc không sợ súng' ấy. May hồi ấy tôi còn trẻ, đầy lý tưởng và lắm hoài bão, mà kết quả là nhờ nhữnng tiếp xúc chuyện trò và phỏng vấn với Bạch Tuyết hồi ấy đề chuẩn bị cho tập hồi ký mà chúng tôi trở nên gắn bó, và đây là điều tôi trân quý, vượt lên cả những giòng chữ trong tập hồi ký viết vì nhu cầu bán báo, vàvượt cả thời gian lẫn không gian, ít ra là đối với tôi.
Sau vụ phối hợp để viết cuốn hồi ký với Bạch Tuyết, chúng tôi còn có với nhau thêm một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Khi người chồng tử sĩ của tôi, Đại úy Thiết Giáp Nguyễn Vũ Thiện, bị thảm sát, tôi ghé nghỉ qua đêm ở nhà Tam Lang và Bạch Tuyết ở Thủ Đức để chờ sáng đi lên Long Thành nhận xác chồng, được cả hai cùng thức làm một đêm không ngủ với tôi. Suốt đám tang, Bạch Tuyết không rời tôi nửa bước. Bức ảnh do Ngy Thanh chụp Bạch Tuyết mặc đồ đen ôm vai tôi trong đồ tang mầu trắng khi tôi ném nắm đất xuống huyệt chôn xác Thiện ở Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giữa tiếng kèn bài 'Chiêu Hồn Tử Sĩ' vào một ngày tháng Mười năm 1972 là một hình ảnh sống mãi trong tôi.
Từ sau 1975, Bạch Tuyết và tôi không liên lạc. Tôi chỉ nghe đại khái là Bạch Tuyết đã có một con trai với người chồng về sau này, Charles Đức, có quốc tịch Pháp, mà tôi đã gặp vài lần vào đầu năm 1975. Tôi nghĩ Bạch Tuyết đã thực hiện được điều mơ ước, đó là làm mẹ. Đam mê làm mẹ có lẽ đã cho Bạch Tuyết một lý do vững vàng để khỏi tham gia vào những sinh hoạt trình diễn. Tôi tin là Bạch Tuyết an toàn. Và yên tâm như vậy. Hồi giữa thập niên 1980, tôi nghe tin đồng bào tị nạn ở bên Đức sắp xếp cho một số nghệ sĩ cổ nhạc từ bên nhàsang trình diễn ở bên Đông Đức vượt tuyến xin tị nạn chính trị. Có một nghệ sĩ năn nỉ xin đồng bào trả mình về vơí quê hương với chồng con, đó là Bạch Tuyết. Tôi nghĩ Bạch Tuyết không thể quyết định khác.
Tôi ít khi đi tham dự một sinh hoạt nào mà không lấy cho đầy đủ chi tiết và chương trình liên hệ trước khi lên đường. Vậy mà hôm 24 tháng Năm vừa qua tôi đã tới Le Petit Trianon Performing Arts Center ở San Jose với không một ý niệm gì về chương trình gồm những gì, do ai tổ chức, chỉ biết là tôi sẽ được gặp lại Bạch Tuyết sau 27 năm xa cách. Hoàn toàn do linh tính đun đẩy.
Rạp là một toà nhà xây từ năm 1923 đã thiếu tiện nghi (chẳng hạn, rạp chứa khoảng 400 người nhưng lại chỉ có hai restrooms cho hai giới nam và nữ) thì chớ, chỗ đậu xe lại cách địa điểm trình diễn cả mấy dẫy phố, và tổ chức lại khá tài tử. Ghi trên vé là 7 giờ tối nhưng mãi tới quá 7 giờ rưỡi mới bắt đầu. Lý do: bà con còn đi kiếm chỗ đậu xe nên, theo lời ban tổ chức, một nhóm người Việt thích cải lương ở San Jose, đã yêu cầu ban tổ chức chờ.
Nào đã hết. Hệ thống headphones bị trục trặc làm ảnh hưởng bất lợi tới phần trình diễn của hai trong ba trích đoạn (excerpts) chính của chương trình, đó là trích đọan trong tuồng Lục Vân Tiên (do Bạch Tuyết và hai nghệ sĩ địa phương, Phương Dung và Tuấn Kiệt, trình bầy) và tuồng Tô Đắc Kỷ (với cặp Phương Dung và Tuấn Kiệt). Trong khi chờ đợi chuyên viên kỹ thuật điều chỉnh hệ thống âm thanh, mấy nghệ sĩ cây nhà lá vườn của Thung Lũng Điện Tử phải lên 'cứu bồ', có mấy bài chắc là 'tủ' đã dùng hết, vừa hát vừa ngóng về phía cửa đẫn vào hậu trường trong đó Phương Dung thỉnh thoảng lại lên tiếng 'Bệ... ệ... Hạ...hạ...hạ.. ạ... ạ' để thử xem headphones có bắt vào hệ thống phóng thanh không. Rút cục các nghệ sĩ, kể cả Bạch Tuyết sau đó, đành cầm micro hát, thay vì sử dụng headphones.
Điều đáng ghi nhận là sự kiên nhẫn tuyệt vời của khán giả gồm trên dưới 400 người của Đêm Bạch Tuyết. Mở màn trễ cả trên nửa tiếng đồng hồ, đâu có sao. Tối thứ Sáu mà, có người vừa tan sở làm, cần đảo qua nhà làm một miếng lót dạ, thay cái áo, rước mẹ giàvốn mê nghe Bạch Tuyết hát từ hồi còn Bạch Tuyết - Hùng Cường xưa lận, nên tới trễ, thông cảm. Ấm thanh trục trặc, thỉnh thoảng máy phóng thanh rú lên làm inh tai nhức óc, khiến không nghe được tiếng hát của diễn viên, cũng không hề chi. Nghệ sĩ cây nhà lá vườn lên cứu bồ cũng vẫn được vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt như thường. Ban nhạc bốn người mà chỉ có một cây đàn tranh là nhạc cụ Việt Nam, còn ba nhạc cụ còn lại là vĩ cầm, guitar điện và hạ uy cầm, vậy mà khi họ hoà tấu để lấp vào chỗ trống trong khi chờ đợi hệ thống âm thanh được điều chỉnh, cũng được những tràng pháo tay tán thưởng bột phát, hồn nhiên. Khán giả Đêm Bạch Tuyết thuộc mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn là trung niên, phục sức đơn giản, với đây đó là những cụ ông cụ bà tóc bạc phơ. Không ai la ó, huýt sáo phản đối, than phiền. Tôi có cảm tưởng mình đang bước vào một cái vườn cây trái ở miền Nam trong đó bà con xúm lại làm một buổi văn nghệ cải lương bỏ túi, có chi hát nấy, 'hát hay không bằng hát... dở mà hay hát' như lời một nghệ sĩ cây nhà lá vườn nói, và không đòi hỏi. Bầu không khí có cái gì bột phát, không kiểu cọ, rất Nam kỳ, mặc dù những trục trặc. Và cũng lần đầu tiên tôi được nghe nhiều giọng Nam kỳ như vậy, lao xao, rộn ràng, như đang ở quê nhà ấy thôi.
Khi cuối cùng các nghệ sĩ và ban tổ chức đồng ý là không nên bận tâm đến headphones nữa mà sẽ dùng micro cầm tay, người điều khiển chương trình ra giới thiệu trích đọan cuối (!?) của chương trình, đó là một cảnh trong tuồng 'Hoàng Hậu Hai Vua' và sẽ do Bạch Tuyết trình diễn. Tuồng lấy bối cảnh thuở giao thời giữa hai triều đại nhà Đinh và Tiền Lê vào thế kỷ thứ 10. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, vì con còn nhỏ, đất nước lúc ấy lại bị quân Tầu de dọa, bà hoàng hậu goá đã nhường ngôi lại cho Lê Đại Hành để ông dễ bề vận động quân lính và dân chúng chống ngoại xâm. Sau khi đánh thắng quân Tầu, Lê Đại Hành lên ngôi, lập ra nhà Tiền Lê, phong vợ goá của Đinh Tiên Hoàng làm hoàng hậu. Trích đoạn tả tâm trạng ưu tư của bà hoàng hậu trong khi Lê Đại Hành chinh chiến phương xa.
Trong bộ y phục mầu trắng và hai giải khăn tang dài, một trắng một đen, dưới vòm ánh sáng của dẫy đèn pha mắc trên một khung sắt bắc ngang sân khấu bỏ ngỏ (open) không bài trí, Bạch Tuyết diễn tả cái thao thức khắc khoải của một bà hoàng hậu vì sự sinh tồn của đất nước mà, thay vì tham quyền cố vị, đã trao ngôi vàng và việc triều chính lại cho người có khả năng giữ gìn bảo vệ giang san. Có phải đó là một cố tình khi trích đọan 'Hoàng Hậu Hai Vua' được trình diễn ngay sau trích đoạn 'Tô Đắc Kỷ', một nhân vật của Tầu đa, bằng mọi mưu mẹo nham hiểm, leo tới chức hoàng hậu và làm nghiêng ngửa Trung Quốc một dạo? Bạch Tuyết cho biết cô yêu nghệ thuật cải lương vì tuồng tích cải lương lúc nào cũng chứa đựng những điều nhân nghiã lễ trí tín rất đẹp. Tôi ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy Bạch Tuyết hát vẫn rất ngọt, diễn xuất vẫn rất nhuyễn, cử chỉ dáng diệu vẫn bấy nhiêu thiết tha, thành khẩn. Tưởng như không có cái khoảng gần 30 năm gần như im lặng hoàn toàn vừa qua.
Có lẽ phần chính của chương trình là khoảng một giờ sau phần trình bầy trích doạn 'Hoàng Hậu', trong đó Bạch Tuyết để khán giả yêu cầu bài hát mà họ thích, xen kẽ với những lúc trò chuyện với khán giả. Khi được hỏi nghe nói Bạch Tuyết có đi Anh Quốc học về nghệ thuật trình diễn và có lấy được cái bằng tiến sĩ, thì Bạch Tuyết đáp nhỏ nhẹ, không kiểu cách, bằng một cái giọng ngọt như xoài cát, 'Bạch Tuyết cũng nghe nói dzậy.' Bạch Tuyết kể chuyện hồi du học ở Anh Quốc, sau bốn năm học hành, một dạo Bạch Tuyết bỗng bị nhức đầu liên miên, đi khám bác sĩ thì không thấy có bệnh gì. Bạch Tuyết nói là rất lo sợ vì chả lẽ đi học về mà không làm được cái trò gì mà chỉ ôm cái đầu nhức. Vào một buổi tối mùa đông, 'Bạch Tuyết chạy lên lầu cao, mở tung cửa sổ, rồi vẫn dụng hết sức mình ca nguyên một bài cải lương Dương Quý Phi. Sau đó hết còn nhức đầu,' người nữ nghệ sĩ đã từng ăn chay trường niệm Phật và ngồi thiền mỗi ngày trên 10 năm nay nói bằng giọng tỉnh queo. 'Chắc tại mấy năm ở bên Anh không có dịp ca cải lương nên bị dzậy,' Bạch Tuyết cười rất tươi, nói.
Kết thúc Đêm Bạch Tuyết dài khoảng ba tiếng đồng hồ là màn khán giả được mời lên sân khấu tiếp xúc và chụp hình với Bạch Tuyết. Trước chỉ có lưa thưa vài người lên, sau cả cái sân khấu nhỏ đầy những người, phần đông là các bà các cô. Họ thay nhau đứng quanh Bạch Tuyết để chụp hình, có bà ôm lấy vai Bạch Tuyết cho chắc ăn. Tôi đứng dưới nhìn cảnh đó mà không khỏi cảm động. Ít có khi nào tôi được chứng kiến cảnh nghệ sĩ sau giờ trình diễn tiếp xúc thoải mái và thân mật làm vậy với khán giả. Và có lẽ chưa bao giờ tôi được thấy một nghệ sĩ trình diễn mà sau gần ba thập niên vắng bóng rồi bỗng xuất hiện mà vẫn thu được đầy đủ lòng quý mến của khán giả, như Bạch Tuyết.
Thằng cháu tôi thấy tôi không có vẻ gì là muốn chen chân với các bà các cô đang vây quanh Bạch Tuyết, nên nhẹ giục, ' Cô lên say hi với cô Bạch Tuyết một cái. Chả lẽ đã tới đây...' Tôi nghĩ nó có lý, nên đành làm một màn 'bon chen' lên sân khấu gặp Bạch Tuyết. Thấy tôi, Bạch Tuyết hơi khựng lại, rồi vói tay ấn nhẹ ngón tay chỏ lên chóp mũi của tôi, mỉm cười. Chúng tôi bóp chặt tay nhau một cái thật nhanh. Rồi như lần cuối gặp nhau trong cơn lốc 1975, hai chúng tôi bị làn sóng khán giả của Bạch Tuyết xô giạt xa nhau, không nói với nhau được trọn một câu. Nhưng lần này tôi không tiếc. Tôi biết những gì quý báu nhất giữa chúng tôi vẫn còn đó. Và chính sự im lặng đã giữ giùm tôi tất cả.
Đêm đó trên đường một mình lái xe về nhà, tôi nghe lòng rưng rưng nhẹ nhàng trước một cái gì đó còn nguyên vẹn, không bị thời gian và những bể dâu cuộc đời làm thay hình đổi dạng. Một cái gì đó rất dễ thương, chân chất, hồn nhiên. Như ruộng vườn cây trái và người dân hiền lành của miền Nam. Như quê hương và tình tự dân tộc.
Miền Bắc California
Cuối Xuân 2002
Trùng Dương
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...