Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Vài cảm nghĩ khi đọc "Như giọt chuông ngân"

Vài cảm nghĩ khi đọc
"Như giọt chuông ngân"

Nếu với tư cách độc giả, tôi sẽ đọc truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” của nhà văn Hồ Loan, một người con của Quảng Nam, theo cảm hứng và tìm sự đồng điệu. Nhưng với tư cách là đồng nghiệp, không tránh khỏi sẽ có quá nhiều sự chú ý vào tất cả những yếu tố cần thiết làm nên thành công cho tập truyện.
Ở đây, tôi không dẫn giải chi tiết từng cốt truyện mà chỉ nói đến đặc trưng của từng nhân vật điển hình làm nên cốt truyện, và cách biến hoá trong nghệ thuật thể hiện của tác giả. Sự dung hợp ngẫu nhiên được hình thành qua từng nhân vật trong cốt truyện là sự tưởng tượng mĩ cảm và mối liên hệ của nó có thể là hư cấu, cũng có thể là người thật việc thật, với những mâu thuẫn trong gia đình hay ngoài xã hội. Truyện nào cũng được tác giả “ghi chép” lại một cách tỉ mỉ, sinh động.
Đối với nghề viết, việc tạo nên hoặc phá huỷ một nhân vật nào đó mà vẫn luôn gieo được hứng thú và gây ấn tượng thì đó là sự thành công. Hồ Loan với “Như giọt chuông ngân” là một trường hợp như vậy. Hơn thế, Hồ Loan biết cách tân và diễn cảm được cái hay cái đẹp làm thay đổi bộ mặt truyện ngắn. Nói thế có ngoa lắm không? Thưa không.
Hồ Loan dù mới viết tác phẩm đầu tay nhưng đã tạo được nguồn cảm hứng cho người đọc. Tôi thích nghe tiếng chuông ngân từ bến bờ nào xa lắm, vọng về giữa thời buổi cơm áo gạo tiền chật vật, vậy mà, tác giả vẫn có động tác “dang chân đứng giữa trời đất” gởi gắm và lôi kéo người đọc về phía mình. Thế mới biết giọt chuông ngân như thế nào rồi. Thông thường, khả năng sáng tạo ra những nhân vật điển hình sống động và thiết yếu luôn tỉ lệ nghịch trực tiếp với loại hình truyện ngắn, đòi hỏi tác giả phải phân tích nhiều sắc thái về cảm thụ cũng như về mĩ cảm. Và Hồ Loan đã làm quá tốt việc này.
Chủ đề của văn học là cuộc sống. Cuộc sống mà Hồ Loan đã trải nghiệm và viết nên có tác dụng gợi lên những hình ảnh, dáng vẻ cụ thể, xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Bắt buộc ta phải có vốn sống trước khi viết. Hồ Loan với ngần ấy tuổi đời dù sao cũng góp nhặt và tích luỹ được nhiều kiến thức, tích luỹ nhiều vốn sống rồi.
Tác giả hình như chú tâm khá nhiều về sự miêu tả cuộc sống vốn lâu nay con người bị tha hoá làm cho xấu đi, và tác giả đã mạnh dạn viết để giải toả cho mình, cho người, đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hồ Loan đã cảm hoá được nguồn năng lượng dồi dào từ cuộc sống phát tiết ra. 
Với “Như giọt chuông ngân”, bộ mặt thật của từng nhân vật trong truyện nào cũng điển hình cho muôn mặt cuộc sống đời thường. Khi tác giả sáng tạo ra những sự kiện ngẫu nhiên, những lát cắt từ đời sống mà tác giả cũng còn hoài nghi, có lúc cũng bàng hoàng khắc khoải, có khi thì reo vui sảng khoái cho từng số phận tưởng chừng như hụt hơi giữa muôn trùng nghiệt ngã, lại được hun đúc trong cuộc sống đời thực, tác giả hình như đã nhận ra và ghi chép lại.
Với độ dày khoảng hơn hai trăm trang sách, tác giả đã gói ghém được mười sáu truyện. Không chỉ là nói lên quan điểm nghệ thuật, mà còn vượt xa những mẫu chuyện buồn vui, mỗi số phận, mỗi trạng thái của con người, với cái xấu, lẫn lộn với cái tốt được tác giả nguỵ trang, để đi tìm cho các nhân vật một lối thoát, không khéo con người sẽ rơi vào hố thẳm cuộc đời, dễ kéo câu chuyện dần mờ nhạt và đi vào ngõ cụt, nên tác giả đã khôn khéo can thiệp, tách bạch ra khỏi những tàng tịch nghịch lí thành có lý. Thật là một liên tưởng cũng rất đời. Và hình như bằng cách đó, tác giả Hồ Loan muốn an ủi tất cả những nhân vật mang số phận không may, và biết đâu cũng an ủi tất cả bạn đọc chúng ta có một cái nhìn về cuộc sống thấu đáo hơn.
Khi tôi đọc xong, khép tập truyện lại, tôi để nó lên kệ sách, rồi lại lấy xuống đọc lại một lần nữa, nhiều khi cái thích đọc truyện có vơi đi một phần nào đó, tuy vậy trong từng trang viết cũng còn lợn cợn một chút gì đó mơ hồ, nên tôi cố tình đọc để tìm hiểu thêm trong cách xây dựng nhân vật trong cốt truyện có gì mới lạ nhuần nhuyễn không, có hấp dẫn, có lôi cuốn người đọc không, và hơn ai hết là lát cắt tình huống trong cốt truyện có xảy ra bất ngờ không.
Theo tôi, cả hệ thống nhân vật lẫn tính cách nhân vật không có gì mới lạ nhưng tác giả biết cách ngụy trang tạo ra nỗi thống khổ của con người, nên tập truyện này mách bảo cho chúng ta phải đọc phải nhìn và đánh giá mọi hiện tượng trong tập truyện ở nhiều mặt, nhiều chiều. Trên tinh thần đó mới chính là cốt lõi của phép biện chứng.
Nên tôi đâm ra lo sợ khi nhìn một mặt hay đọc một lần, biết đâu sẽ cho kết quả sai. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng trong thực tế khi viết không phải ai, ngay cả đến cái đầu tỉnh táo thông minh, chưa chắc đã ý thức được.
Với tập truyện “Như giọt chuông ngân”, tác giả thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình qua mọi tình huống, mọi khía cạnh khúc mắc vừa ẩn dụ vừa mang sức mạnh của sự thật về con người.
Cảm ơn Hồ Loan đã cho tôi những cảm xúc lạ lùng. Từ những yêu thương vụn vặt đến cảnh ghét bỏ ruồng rẫy. Thế nhưng rất thú vị khi nhắm mắt lại tôi bỗng nghe tiếng chuông ngân vang lên trong cõi ta bà. Buồn và đẹp biết bao…
Rất vui khi biết Hồ Loan là nhà văn nữ gốc Quảng Nam, cùng quê hương với tôi. Một tập truyện ngắn đầu tay chưa thể đánh giá hết được nội lực của một cây bút, vì con đường viết lách của Hồ Loan còn dài.
Chúc Hồ Loan vững tâm toàn ý đi hết con đường nghệ thuật đã chọn!.
27/4/2023
Vũ Khắc Tĩnh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...