Hai sáu Tết tôi về quê ngoại thắp hương cho các cụ. Lúc tôi
chuẩn bị ra Mả Mộc - bãi tha ma của làng, mẹ tôi tần ngần một lát trước bàn thờ,
rồi rút thêm mấy nắm nhang, dúi vào túi xách của tôi, giọng bà chùng xuống:
- Con nhớ qua bên mộ thằng Phúc...
Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ. Chỉ mới hơn một năm trước, mỗi khi có ai nhắc đến tên
Phúc với bà, bà sẽ quày quả lắc đầu: “Không, không! Tôi không liên quan gì đến
nó. Nó họ hàng máu mủ gì với tôi mà...”. Cũng chính bà từng gọi bốn chị em
chúng tôi lại, gay gắt: “Mai sau tao có chết đi, cũng cấm cửa cái quân trắng mắt
ấy đến nhà”. “Quân mắt trắng” ở đây cũng chính là Phúc... Như đọc được thoáng
băn khoăn trong mắt tôi, mẹ bảo:
- Con ạ, các cụ dạy “nghĩa tử là nghĩa tận”. Người chết rồi thì không còn có tội.
Mình ngoảnh mặt đi, vong linh nó cũng tủi cũng hờn. Mà ông bà với hai bác dưới ấy
cũng chẳng ngậm cười...
Hiểu mẹ, tôi lặng lẽ đi, không hỏi gì thêm. Dường như bà sống nặng về phần âm.
Mồ mả các cụ, ông bà tôi và các bác, bà lo chu đáo lắm. Căn nhà của mẹ còn cũ kỹ,
nhưng ngôi mộ nào trong họ cũng được mẹ lo xây dựng khang trang. Mẹ vẫn bảo “trần
sao âm vậy”. Cái chức con dâu trưởng khoác lên mẹ trăm nghìn nghĩa vụ. Người bà
ngày một quắt đi, nhưng gương mặt lúc nào cũng tươi tắn như đang cười, như thể
cả cuộc đời, bà gặp toàn may mắn, ngọt bùi...
Chưa đi đến cổng làng, tôi đã thấy thằng Hiển con anh cả chạy theo, vừa thở hổn
hển, vừa gọi ầm ĩ. Đến nơi nó nói hụt hơi: “Bà sai... bà sai... cháu... cháu...
dẫn cô đi”. Tôi phì cười: “Năm nào tao chả về hương khói cho các cụ mà bà còn
lo lạc đường, nhầm mộ”. Thằng bé cười toét, khoe hàm răng sún đến hai phần ba:
“Cô ạ, bãi Mả Mộc bây giờ nhiều mộ mới lắm”. Tôi thảng thốt: “Sao lại thế”. Nó
hồn nhiên: “Thì lắm người chết mà. Vừa hôm nọ ông Văn sứt môi xóm trước cũng chết
đấy...”. Bước chân trở nên trĩu nặng hơn, tôi chợt cảm thấy lòng mình nhoi
nhói. Cứ mỗi lần về quê lại thấy làng vắng đi mấy người, dĩ nhiên đa phần là
các cụ già. Toàn những người quen thuộc cả, bởi làng chỉ bé tẻo teo. Lớp trẻ lớn
lên lại là những đứa mình chẳng thuộc mặt, biết tên. Có phải vì thế mà quê
hương lại dần trở nên xa lạ? Thằng Hiển nắm tay tôi lắc lắc, hỏi một câu lạnh
người: “Cô ơi, cứ chết dần như thế, thì đến lúc hết cả người cô nhỉ?”. Tôi rút
tay, cốc nhẹ lên đầu nó: “Chỉ bậy bạ! Người này mất đi thì người khác được sinh
ra chứ. Mà không nói chuyện linh tinh nữa. Dạo này cô giáo còn kêu cháu làm
toán chậm nữa hay không?”. Thằng bé rụt cổ cười hì hì nhưng chưa chịu rứt khỏi
câu chuyện sống - chết: “Cứ người này chết đi, người khác sinh ra làm gì hả cô.
Cứ giữ nguyên như cũ có phải hay không. Để không ai phải chết ấy mà”. Chẳng hiểu
sao mỗi lời nói của thằng cháu tám tuổi đều làm tôi thấy gai gai người. Ma xui
quỷ khiến thế nào tết nhất đến nơi rồi, nó lại lẵng nhẵng hỏi chuyện chết chóc,
đành lấy “chức vụ” làm cô mà nạt nộ: “Cô đã bảo không hỏi linh tinh nữa cơ mà.
Học thì lười, chỉ được cái hay vặn vẹo”. Thằng bé thôi không hỏi nữa. Đến bãi Mả
Mộc, nó ton tót đi trước có vẻ thông thạo lắm, vừa đi vừa liến thoắng: “Mộ cụ nội
phía đằng này, còn cụ ngoại mãi tít bên kia cơ. Cô phải xắn quần lên, tí nữa phải
lội qua mương nữa. À, bà dặn cháu phải đưa cô sang mộ bác Phúc. Hôm đám ma bác ấy
cô không về...”. Lại quay về chuyện đưa ma, chuyện chết, tôi phải gạt đi ngay:
“Mày xách hộ cô túi hoa quả này. Cẩn thận kẻo rơi đấy”. Thắp hương hết cho các
cụ, các ông bà nội ngoại, tôi theo thằng Hiển ra mộ anh Phúc. Một nấm đất sơ
sài, cỏ vẫn chưa kịp phủ kín những vầng đất mới. Ai đó trồng lên mộ cây hoa
cúc. Mùa này mà nó cũng ra được hai bông hoa còi cọc, hoe vàng. Tấm bia tạm hơi
nghiêng: 1968 - 2000. Ba mươi hai tuổi, đúng là quá ngắn ngủi. Có lẽ đến năm
sáu năm nay rồi, tôi và Phúc chưa hề giáp mặt. Mọi thông tin về anh, tôi hoàn
toàn nghe qua mẹ, qua họ hàng, người làng. Mẹ tôi đã tuyên bố cấm cửa, từ mặt
anh từ dạo xảy ra vụ việc chị Phương bỏ nhà, sang Trung Quốc kiếm ăn, rồi bị lừa
bán cho một lão già dân tộc tuổi đã quá 60...
Phúc là anh con bác ruột tôi. Bà ngoại tôi sinh ra được sáu người con, ba trai,
ba gái. Mẹ tôi là út, còn bác Vận bố anh Phúc là con cả. Chiến tranh chống Mỹ,
cả ba anh em trai đều lên đường nhập ngũ. Được đúng hai năm bảy tháng thì có giấy
báo tử về làng. Mới đầu là bác Số hy sinh, chưa đầy trăm ngày sau, tin bác Sanh
vĩnh viễn nằm lại Khe Sanh lại bay về. Bà ngoại phát điên phát dại, ốm hàng
tháng trời, đầu rụng trụi cả tóc. Ông ngoại nén đau, bảo bà: “Cả làng, cả xã
này còn khối người có con hy sinh. Ông Nhẽ có mỗi mống con trai chưa kịp vợ con
gì, đi bộ đội cũng không về nữa. Bà Lựu thì bốn thằng đi, bốn giấy báo tử về.
Đánh giặc, cả nước đau thương chứ riêng gì nhà mình. Bà im đi không lại làm
hoang mang đến nhà khác. Ai mà chẳng có con đi bộ đội, bà khóc thế quá bằng xát
muối vào lòng người ta”. Bà nghe ra, thôi không khóc to, nhưng đêm nào cũng nuốt
nước mắt, lẩm bẩm một mình như bị dở người: “Cha tiên nhân bố thằng Mỹ chứ. Cơn
cớ gì nó lại đánh nhau với mình. Mình thì trêu ghẹo, thù hằn gì với chúng
nó...”. Tối nào bà cũng thắp hương, lẩm bẩm cầu khấn bác Vận về. Trước khi lên
đường, bác Vận đã kịp lấy vợ và đẻ một lèo hai cô con gái là chị Yên, chị Yến.
Từ ngày nhận giấy báo tử của bác Số, bác Sanh, thỉnh thoảng bác Loan vợ bác Vận
lại chạy sang nhà bà ngồi khóc rấm rứt vô cớ. Bà rầu rĩ bảo: “Ông giời cũng phải
có mắt chứ. Mày đừng làm cho u rối ruột, rối gan lên nữa”. Thế rồi bác Vận về
thật. Có điều hai bàn chân và một cánh tay của bác đã để lại chiến trường. Bà hết
cười lại khóc, sờ nắn khắp người bác, đụng đến vết thương, cái sẹo nào, bà lại
giật lên như phải bỏng. Bác Vận phải nằm điều trị tại trại điều dưỡng thương binh,
nhưng tháng nào cũng trốn về ít ngày. Cứ nhìn bác lết chiếc nạng gỗ khó khăn bằng
một cánh tay còn lại, bà lại khóc và chửi đến năm đời, mười đời thằng Mỹ. Bác Vận
về, bà giục bác Loan đẻ lấy thằng cu để nối dõi. Như bao người vợ, người mẹ,
người bà trong làng bà chỉ mong có đứa cháu đích tôn. Làng tôi vốn phong kiến,
nhà ai không có con trai, coi như là “lép vế”. Họ nào không có suất đinh thừa kế,
hương hỏa, họ đó bị xóa sổ. Người ta buộc phải có con trai bằng mọi cách. Cái cảnh
những bà vợ cả chạy đôn chạy đáo tìm cưới vợ hai cho chồng không phải là hiếm
trong làng. Không đẻ được con trai, người ta nghiễm nhiên khoác cái tội lỗi ấy
cho người phụ nữ. Và những người phụ nữ lam lũ làng tôi cắn răng chấp nhận, như
một quy luật bất biến. Nếu có con gái, gả chồng rồi, các bà mẹ vẫn còn thấp thỏm
chờ xem con mình có đẻ được con trai hay không... Cho đến bây giờ, người già
làng tôi vẫn kể lại một câu chuyện đau lòng. Nhà ông Cố quét rác ở chợ làng
nghèo lắm, vợ ông gầy rớt, ba bận đẻ ba cô con gái là ba bận suýt chết vì hậu sản.
Cả làng, không cô gái nào muốn về làm vợ hai ông Cố để đẻ cho ông đứa con trai,
kể cả những cô đã quá lứa, nhỡ nhàng. Ông Cố bèn bắt vợ đẻ thêm. Bà vợ bảo: “Đẻ
thêm đứa nữa thì tôi chết mất”. Ông khóc tu tu, quỳ xuống lạy bà như tế sao:
“Tôi van bà. Bà cứ đẻ đi, đẻ ra thì một mình bà chết, chứ không đẻ nữa thì cả
tôi, cả cái nhà này, cả họ nhà tôi chết. Bà thương tôi với”. Thế là bà Cố lại
có mang. Đến ngày sinh, bà chết trong đau đớn khi đứa con trai mơ ước vừa mới
chào đời vài phút. Ông Cố sướng phát cuồng vì có con trai, nhưng hai ngày sau
ông phát cuồng thực sự bởi cậu con trai đỏ hỏn cũng trút hơi thở cuối cùng. Ông
ôm xác con chạy khắp làng rồi cứ gào lên man dại, không ra tiếng người. Chôn
con xong, ông thắt cổ tự vẫn ngay trên cây đa ngoài nghĩa địa... Kể lại câu
chuyện về ông Cố, người già làng tôi ngậm ngùi, nhưng chẳng ai chịu nhận ra rằng
“con nào cũng là con, gái hay trai đều vậy”. Ai cũng lo đến một ngày kia mình
chết đi, không kẻ chống gậy, không người hương khói, cúng thờ, rồi cũng thành
ma đói lang thang vạ vật... Các cụ già chỉ có thể yên lòng sống nốt quãng đời
còn lại nếu đã có sẵn ba thứ, đó là: một vuông đất xí sẵn ngoài Mả Mộc, một cỗ
quan tài gác trên xà nhà và một thằng cháu đích tôn. Bởi thế, bà tôi cứ ráo riết
giục bác Loan, bác Vận đẻ con trai. Bà làm như hễ có ý định đẻ con trai, thể
nào đứa trẻ trong bụng cũng phải là con trai. Bà cứ lấy mình ra làm gương: “Tôi
đẻ sáu bận, ba trai, ba gái, thế là cân. Cái lần có chửa thằng bố Vận đầu tiên
đây này, tôi cứ nghĩ mình phải đẻ con trai để cho yên tâm. Thế là con trai. Còn
chửa con Tâm, tôi lại nhủ: “Có con trai rồi, giờ cứ thêm đứa con gái nữa cho có
nếp có tẻ, có đứa chấy rận...”. Thế mà cũng có người tin, phục lăn tài đẻ của
bà. Thậm chí cô Mây hàng xóm, đẻ một lèo ba con vịt còn lân la sang học hỏi
“kinh nghiệm đẻ” của bà. Chẳng hiểu bà “truyền bá” thế nào, cô lại đẻ thêm con
vịt nữa. Bà giậm chân bảo: “Hỏng! Quan trọng là ở cái tâm của mình, chứ ông giời
ông ấy mất gì mà so đo, dè sẻn, không cho lấy một mụn con giai”. Nghe đâu sau vụ
ấy, mất mấy năm bà với cô Mây không nhìn mặt nhau dù ngày nào chả vài mươi lượt
đi chung con ngõ nhỏ... Lúc bác Loan vợ bác Vận có cái bụng lùm lùm, bà chăm đi
chùa hơn, để cầu đứa trẻ là con trai. Bà còn khăn gói theo các vãi già làng bên
đi tận chùa Hương, xoa đầu tượng cậu. Người ta cười bảo: “Thiên hạ đến cầu con
chứ ai cầu cháu”. Bà cãi: “Cháu mà không phải cầu à? Cháu còn quan trọng gấp mấy
lần con. Nó còn thờ cúng mình về lâu về dài chứ”. Rồi bác Loan sinh con trai thật.
Bà hồ hởi coi đấy là chiến công của mình. Bà đi hết làng trên xóm dưới để khoe
mình thành tâm cầu khấn ra sao. Bà còn bắt bác Loan sang ở hẳn với bà để “tao
còn chăm thằng cháu vàng của tao”. Bác Loan không sang vì còn vướng việc nhà thế
là bà le te ôm quần áo sang ở hẳn bên ấy. Mọi bệnh tật của bà tự dưng khỏi sạch.
Bà đặt tên cho cháu đích tôn là Phúc, gạt hết mọi cái tên mà ông và bác Vận đưa
ra. Phúc lớn lên trong sự chăm bẵm của cả đại gia đình, nhất là của bà, dù hoàn
cảnh chiến tranh, cuộc sống lúc ấy vẫn đầy những gieo neo. Bà bắt cả nhà kiêng
khem cho anh đủ thứ. Thậm chí bà còn bán anh cho chùa để dễ nuôi. Tên khai sinh
của anh là Phúc nhưng ở nhà bà bắt gọi tên anh là Bùn, bảo tên xấu cho ma chê
không bắt. Anh Phúc được coi như là một ông vua nhỏ. Năm anh lên ba, chị Phương
vừa ra đời thì bác Vận mất. Anh lên bảy thì ông mất. Bà chuyển sang ở hẳn với
bác Loan. Có đồng lương liệt sĩ nào, bà lại đưa dần cho anh Phúc ăn quà hoặc muốn
mua gì thì mua. Cái gì bà cũng bảo “của thằng Phúc”. Bác Loan hơi nặng lời với
anh, bà đã mắng cho như tát nước. Bà bảo: “Giống má nhà tao, chúng bay đừng có
mà động đến nó”. Không ít lần bác Loan và bà cãi nhau, lục đục vì anh Phúc. Ai
cũng khuyên bà đừng chiều quá kẻo cháu hư, bà cứ khăng khăng: “Hư là hư thế
nào”. Bà vốn đáo để và lắm lời nên ai cũng ngại. Đến mẹ tôi và bác Tâm, bác
Vĩnh là con gái về khuyên, bà còn chửi cho mất mặt. Bà bảo: “Tao chỉ nhìn vào
thằng Phúc mà sống thôi”.
Thế nhưng càng lớn, anh Phúc càng trở nên khó bảo, ngang ngạnh. Dưới sự bao bọc
của bà, anh tự cho mình trên hết. Lên mười, anh đã ném chiếc bát vào mặt chị
Yên trong lúc ăn cơm bởi rang tôm cho anh mặn quá. Vết sẹo trên thái dương của
chị Yên từ đận ấy vẫn còn đến tận bây giờ.
Chị Phương út ít, gầy gò như con mèo hen thì hay bị anh mang ra làm trò tiêu
khiển, trêu chọc, đánh đập, kỳ bao giờ chị Phương khóc thét lên, anh mới cười
khì khì chạy đi. Bao lần bác Loan quỳ lạy bà: “Bà để con dạy cháu, cho nó nên
người”. Bà gào lên: “Ối giời ơi! Chị đừng đổ tiếng ác cho tôi. Chị có con thì
chị dạy. Con chị nhưng cháu tôi. Dạy thế nào thì dạy, chứ chị mà động đến cái
lông chân của nó là không xong với tôi đâu nhá”. Càng cuối đời, quan hệ của bà
và bác Loan càng trở nên tồi tệ. Bác Loan cũng chán, đành tặc lưỡi làm ngơ. Bà
mất năm anh Phúc mười sáu tuổi. Bà cố dặn lại: “Đừng làm khổ thằng bé. Phải cho
nó bằng bạn bằng bè”. Rồi bà dúi cho anh Phúc năm chỉ vàng mà bà ki cóp suốt cuộc
đời, xong mới chịu nhắm mắt.
Tốt nghiệp cấp ba, năm chỉ vàng của bà giúp anh Phúc có một tháng vi vu tận Hà
Nội, vừa thi đại học, vừa ăn chơi thoải mái. Anh chọn thi toàn trường oai: báo
chí, mỹ thuật, dĩ nhiên là trượt cả hai. Ở nhà anh lao vào đàn đúm với tụi
thanh niên lười lao động và chăm gây gổ. Cuộc đánh nhau nào trong làng trong xã
cũng có mặt anh Phúc, cũng do anh là chủ trò. Lúc này, bác Loan được “tự do” dạy
dỗ anh nhưng bác đã trở nên bất lực. Mẹ tôi sang khuyên, anh dửng dưng: “Kệ
cháu. Cô về mà dạy cái lũ con cô ấy”. Mẹ tức tím mặt, còn bác Loan chỉ biết ôm
mẹ khóc. Không ngày nào nhà không có chuyện vì anh Phúc. Hơi một tí là anh ấy đập
phá, hơi một tí là anh chửi bới. Hôm đám cưới chị Yên, anh còn vác ghế đập toác
trán một thanh niên bên họ nhà trai, chỉ vì một câu nói đùa nào đó. Còn chồng
chị Yến cũng một lần bị anh đuổi: “Vác xác về nhà mày mà lên lớp với cả họ nhà
mày” khi được khuyên giải là đừng nên gây gổ đánh nhau. Hai ông anh rể thề với
nhau không bao giờ thèm nhìn đến thằng em vợ trời đánh nữa.
Mọi chuyện về anh Phúc trở nên tồi tệ hơn khi bác Loan ngày một yếu, còn anh cứ
nằng nặc đòi bán nhà, bán đất lấy tiền ra phố huyện để mở cửa hàng. Bác Loan
không chịu, anh hằn học: “Tôi mới là đứa thừa tự nhá. Đất của tôi, nhà của tôi,
chứ đất nào của bà mà bà ngăn cấm. Bà tôi dặn thế nào, bà có nhớ không?”. Bác
Loan uất đến ngất đi. Anh Phúc cứ ngang nhiên rêu rao bán đất, bán nhà, nhưng
không ai dám mua. Anh còn rao bán cả đất của ông bà nơi có nhà thờ họ. Mẹ tôi,
bác Tâm, bác Vĩnh kéo về làm tanh bành một trận: “Mày chỉ có quyền thừa kế của
bố mẹ mày, chứ làm gì có quyền thừa kế của bố mẹ tao mà vớ vẩn. Đụng đến đất hương
hỏa tổ tiên, chúng tao đập chết đấy. Láo nó vừa vừa thôi”. Nhìn bốn ông em trai
lực lưỡng con các cô, anh Phúc đâm chờn, chỉ dám hậm hực lầm bầm gì chẳng rõ.
Nhưng bắt đầu từ đó anh không bao giờ đến nhà tôi cũng như nhà bác Tâm, bác
Vĩnh. Rồi gặp mẹ tôi và các bác ngoài đường, anh cũng không chào nốt, coi như
người dưng không biết. Khi bác Loan ốm nặng, mẹ tôi đi chợ về ghé vào cho bác đồng
quà, thấy anh Phúc vẫn lem lẻm chửi mẹ vì tội không chịu bán đất lấy tiền cho
anh mở cửa hàng. Bực quá, mẹ mắng anh và tát anh một cái. Thế là anh đạp tung
quang gánh của bà ra sân, chửi luôn: “Bà cút đi, bà cút khỏi nhà tôi. Không cô
cháu gì cả”. Chị Phương ra can, anh vồ đòn gánh phang chị hai phát, làm chị ngã
dúi dụi, mẹ lăn vào can, vết đòn đánh đập trúng tay bà, đau đến rụng rời. Cả
xóm kéo đến xem, anh chửi tất. Thế rồi chỉ hai ngày sau bác Loan qua đời.
Không còn ai ngăn cản việc bán đất bán nhà, anh Phúc lại tiếp tục rêu rao. Anh
phát giá thật rẻ, thế là có kẻ nhảy vào mua. Mẹ tôi lại lọm cọm đến nhà anh chàng
mua đất, nỉ non phải trái, đại ý khuyên anh ta chớ mua. Mẹ lo bán nhà rồi, chị
Phương sẽ bị đẩy ra lề đường. Anh chàng mua nhà cười nhạt: “Thuận mua vừa bán rồi
bác ạ. Mà... đất của bác đâu mà bác giữ. Cháu không mua thì có đứa khác mua”. Mẹ
đành lủi thủi ra về. Rồi chuyện ấy cũng đến tai anh Phúc. Anh tới tận cổng nhà
tôi chửi đổng: “Ai khiến mà cứ can thiệp vào chuyện gia đình nhà người ta. Rõ
là cái quân rỗi hơi”. Mẹ tôi lại bầm gan tím ruột, còn anh Phong tôi thì cáu um
nhà: “Mẹ thấy chưa? Con đã bảo mẹ đừng mua dây buộc mình nữa...”.
Anh Phúc bán được nhà, ôm tiền ra phố huyện thuê một ki-ốt để kinh doanh hàng
điện tử. Chị Phương theo ra được ít ngày không hiểu sao lại tìm về, đến nhà
khóc với mẹ tôi xin ở nhờ để còn lo việc đồng áng. Mẹ gặng: “Nó lại đánh mày phải
không? Sao mày không báo công an để người ta bỏ tù cái quân bạc ác đấy đi?”. Chị
chỉ khóc, rồi sau mới sụt sùi: “Cháu nghĩ anh em bố mẹ đẻ ra, khúc ruột trên,
khúc ruột dưới, ai nỡ đẩy nhau đi tù...”. Chị ở nhà tôi được đến mùa. Lúc thu hoạch
lúa xong xuôi, anh Phúc sấn sổ về túm tóc chị: “Mày ra ngay ngoài huyện. Ai cho
mày về đây. Thóc lúa đâu rồi?”. Rồi anh lu loa với mẹ tôi: “Mồ hôi nước mắt của
anh em tôi, bà đừng có nuốt không”.
Non tấn thóc được chở hết đi, mẹ tôi gạt nước mắt nhìn chị Phương lủi thủi bước
ra khỏi cổng. Ít lâu sau thì được tin chị bỏ đi mất tích. Rồi lại hơn năm sau,
mẹ tôi nhận được lá thư nhòe nước mắt gửi về từ Trung Quốc của chị Phương. Chị
kể không chịu được ông anh tàn nhẫn nên đã theo người ta đi buôn biên giới, ngờ
đâu rơi vào tay lũ buôn người. Giờ chị phải làm vợ một lão già hơn sáu mươi.
Thôi thì xác định sống lay lắt quê người, chết cũng làm ma xứ lạ. Chị chỉ van
xin mẹ tôi đến ngày giỗ bố mẹ chị thì ra mộ thắp giùm chị nén hương. Mẹ tôi đọc
thư, lại khóc rưng rức cả tuần dù ra ngoài bà vẫn làm ra vẻ nhẹ nhõm, tươi tỉnh...
Anh Phúc chết năm ngoái, rất đột ngột. Không quen kinh doanh buôn bán, anh thua
lỗ, tiêu đến đồng tiền cuối cùng rồi vất vưởng lang thang không cửa không nhà.
Mẹ tôi, bác Tâm, bác Vĩnh lại một lần nữa thử tìm gặp cháu nhưng chỉ nhận được
cái phẩy tay: “Tôi không quen các bà”. Nghe nỉ non hơn thiệt chán, anh trừng mắt
quát lại cả ba bà cô: “Cũng tại các bà, tôi mới khốn nạn thế này. Không có các
bà tôi vẫn sống, cô cháu gì”. Cả ba bà cô ra về trong lời thề dứt tình lần thứ
mấy mươi chẳng rõ. Nghe đâu sau đó anh Phúc lang thang với toàn dân trộm cắp
ngoài thị trấn. Chưa kịp bị công an bắt thì vì uống rượu say trổ tài phóng xe
máy lao vào gốc cây bên đường bẹp cùng xe máy. Chính ba bà cô bị chối bỏ lại là
những người đứng ra lo ma chay và đền tiền chủ chiếc xe máy. Tôi bận không thể
về được, chỉ nghe anh Phong kể lại: “Mẹ đến lạ! Cứ khóc ầm ầm như mưa. Lúc sống,
anh ta coi mẹ ra gì...”. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại thở phào. Thôi, thế cũng
xong một kiếp người...
Tôi và thằng Hiển thắp hương xong đã gần trưa. Trên đường về thằng bé hỏi: “Cô
ơi, bà cứ bảo cháu là: Con người sống phải có cái Tâm, cái Đức. Thế cái Tâm,
cái Đức là gì hở cô”. Tôi giảng giải cho nó: “Cái Tâm, cái Đức là tất cả những
gì tốt đẹp nhất mà con người có được. Nó là sự hướng thiện, biết tránh xa cái độc
ác, xấu xa. Biết yêu thương nhau và nghĩ đến người khác. Tóm lại cả cuộc đời
không được làm điều xấu”. Thằng bé băn khoăn: “Thế thì khó nhỉ, cô nhỉ!”. Tôi
nghiêm trang: “Khó nhưng vẫn làm được. Mình tốt với người khác thì người khác sẽ
tốt với mình”. Thằng Hiển gật gù hệt ông cụ non: “Cháu hiểu rồi cô ạ”. Nhưng nó
lại giật tay tôi lắc đầu: “Thế như cháu đã là người tốt chưa hả cô?”. Nguyễn Thị Việt Nga Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét