Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Đường về

Đường về

Vừa ra khỏi xa lộ 66, Kenneth tăng tốc độ rẽ vào xa lộ 29 đi về hướng Nam của tiểu bang Virginia. Vỗ tay trên cần lái của chiếc xe van, Kenny nói lớn như trút đi cái bực tức dồn nén trong khoảng đường kẹt xe ban nãy:
- Sperryville, here we come!
-Hy vọng chúng ta đến đó trước khi trời mưa. Hôm qua tin khí tượng tiên đoán trời sẽ mưa lớn.
Anh ngồi dán mặt vào khung cửa kính, mải mê nhìn những đám rừng thưa chạy dọc xa lộ. Qua Washington, D.C. đã ba hôm để đi họp chuyên khoa, từ hôm thứ tư, anh vẫn chưa quen với giờ giấc miền Ðông. Hồi sáng anh đã thức giấc theo giờ California. Giờ nầy chỉ độ 9 giờ sáng Cali là cùng. Anh quay lại nhìn Nicole:
-Tôi cũng mong như thế. Tôi không muốn ngày thứ bảy tiêu tán.
-Dầu sao thì thứ hai các anh mới bắt đầu lớp học mà. Chúng ta còn trọn ngày chủ nhật nữa.
Nicole ngồi cùng băng ghế với anh, rất gần. Anh có thể ngửi được mùi phấn thơm tỏa ra từ người cô, át cả mùi nệm của chiếc xe mới. Người đàn bà có làn da thật trắng, mịn lắm. Với mái tóc thẳng đen mượt, ôm ngang cái cổ cao, làn da ấy càng thêm trắng nõn.
- Anh có biết khoảng rừng ngoài kia ngày xưa là những nông trại không?
-Không. Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế?
-Tất cả đều đã chết trong thời kỳ nội chiến.
Kenneth trả lời thay cho Nicole. Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của kiếng chiếu hậu, anh chỉ nhìn thấy được hoặc cặp kiếng mát, hay hàm râu quai nón che lấp cả miệng của hắn . Còn sau màu nâu đậm của kiếng, và hàm râu rậm ấy, hắn đang nhìn thấy, suy nghĩ những gì, anh không rõ. Anh quay nhìn rừng cây đang chạy thụt lùi. Không biết khi nào trời sẽ mưa, nhưng lúc nầy ánh nắng gắt giữa trưa vẫn không đủ xuyên thấu những bóng râm, với những con lạch cạn nước thay nhau mất hút vào bên trong.
- Trận đánh Gettysburg đẫm máu xảy ra gần đây thôi. Anh có thể tưởng tượng người ta đánh xáp lá cà, giết nhau bằng dao găm, những mũi giáo ngâm phân người và động vật hay không?
Nicole góp chuyện. Cô khoanh tay trước ngực. Ðôi vú tròn dường như được nâng cao hơn bởi vòng tay, căng cứng dưới làn áo thun mỏng, cổ áo cắt rộng để lộ một phần ngực, bên ngoài, khoát thêm một chiếc áo sơ mi bằng vải xanh nhạt, không cài nút, vạt áo bỏ ra ngoài quần. Nhìn Nicole co rút cổ, lắc đầu, ghê sợ, anh cũng lạ tại sao người đàn bà nầy có thể là một bác sĩ giải phẫu được. Cô vẫn bảo, mổ một người bệnh đã ngủ như mổ một xác chết, không có gì đáng sợ. Năm y khoa một, Nicole và anh ở cùng nhóm thực tập giờ cơ thể học. Lần đầu tiên thấy cái xác chết của một người đàn bà Mỹ đen nặng khoảng 300 pounds được trục lên từ cái hòm kẽm ngâm formalin, cô đã thốt lên: "Oh my God", và xỉu ngay. Nếu anh không kịp thời ôm lấy, thì cô đã ngã bịch xuống sàn. Có lẽ anh đã quen mùi nước hoa của Nicole từ dạo đó, vì nó giúp anh quên đi cái mùi nước formalin ngâm xác, quyện thành cái mùi bất tử mà tụi anh đã gọi đùa là Chanel Eau de Cadavère. Riết rồi cũng quen, cuối tuần, nửa khuya, dù có lệnh cấm, bọn anh vẫn đem cà phê, bánh mì sandwich vào phòng thực tập, vừa ăn, vừa ôn bài, vừa vọc xác chết. Có thằng còn vác cả cánh tay hay cái đầu đem về cất tủ lạnh để...học dần. Không có mùi bất hủ ấy, đời sinh viên y khoa như thiếu một cái gì.
- Ở nước tôi ngày xưa, người ta cũng đã từng giết nhau như thế. Thời đại nào người ta cũng nghĩ ra cách để giết nhau cho hữu hiệu.
Anh nói thật. Thật mơ hồ về một ngày xa xưa nào đó. Tưởng là chuyện lịch sử nhưng vẫn sống mãi trong anh. Vậy mà lúc nào anh cũng nghĩ là xưa lắm. Lẩn quẩn. Anh đang nghĩ đến những Tết Mậu Thân với hầm chôn tập thể, những Cỗ thành Quảng Trị với Ðại Lộ Kinh Hoàng, những An Lộc và Bình Long...
- Nhưng ở Việt Nam người ta chết cho một chính nghĩa.
Anh không cãi Nicole về chuyện ai có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Không muốn phiền lòng bạn.
- Nhưng Ken, nội chiến Mỹ xảy ra có phải vì bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ?
-Không đúng hẳn. Kẻ thắng trận bao giờ cũng đúng, cũng có chính nghĩa vì họ đã viết lại lịch sử. Người chiến bại bao giờ cũng là kẻ hèn kẻ xấu. Vấn đề nô lệ chỉ là cái vỏ bề ngoài. Hãy xem, các đấng cha đẻ của hiến pháp Mỹ, một mặt kêu gào sự bình đẳng nhân quyền, mặt khác vẫn nuôi nô lệ trong nhà và có con với nô lệ. Bình đẳng mà... Thực sự ra, miền Bắc không muốn miền Nam tách rời khỏi Hợp Chủng Quốc, vì miền Nam quá giàu. Thí dụ, trong thời nội chiến, như một sự cưỡng hiếp, người ta đã ngày đêm quay súng đại bác chĩa vào Maryland vì sợ tiểu bang nầy theo Conferderate của miền Nam thì chết toi Wahsington D.C. Ngày xưa, người ta, nhất là người miền Nam, vẫn coi Abe Lincoln là tên khát máu đã nướng cả trăm ngàn thanh niên hai miền Nam Bắc. Dù dưới danh nghĩa nào đi nữa đó là cuộc chiến huynh đệ tương tàn trong lịch sử Mỹ.
Kenneth thao thao bài giảng lịch sử Hoa Kỳ. Anh nghĩ đến mấy triệu sinh mạng người Việt Nam, ai là người chịu trách nhiệm? Nội chiến hay chiến tranh giải phóng dân tộc?
- Lịch sử thay đổi theo thời gian.
-Có lẽ. Nhưng phải cần một thời gian khá dài. Khi mà những người què cụt, mù lòa vì chiến tranh đã chết đi thì người ta mới tạm quên đi những đau xót của cuộc chiến để lại, và giai đoạn lịch sử ấy được thần thánh hóa trở thành một bản hùng ca chung cho dân tộc. Chỉ tiếc một điều, những điều tàn bạo của lịch sử vẫn cứ lập đi lập lại. Mày hãy xem người ta đang giết nhau ở Croatia và Bosnia...
-Tao nghĩ đó là bản chất của con người, vẫn thích đi lại những vết lăn tàn bạo của lịch sử. Có người đã nói một điều trớ trêu là văn minh loài người không thể tiến nếu không có chiến tranh. Thế giới không có chiến tranh là thế giới không có thực và sẽ không bao giờ tìm thấy được. Có đúng thế không?
- Kenny, Coi chừng exit 211 nhé.
Thấy không khí tranh luận có vẻ căng thẳng, một đề tài có lẽ cô không thích mấy, Nicole cắt ngang câu chuyện của hai người đàn ông. Anh ngồi co mình lại, im bặt. Kenneth bẻ gắt tay lái cố vào exit vế phía tay trái mà hắn đi hơi quá. Chiếc xe chao đi. Nicole chới với mất thăng bằng, đầu cô ngả vào lòng anh. Những cọng tóc lòa xòa quất vào mặt anh. Nicole chỏi đôi giầy cao ống cố gượng ngồi dậy.
-Kenny! Anh lại đi lạc cái exit kia nữa rồi.
-Sorry.
Như đánh trống lảng, hắn tiếp lời:
- Không biết vợ chồng Rafa có xuống đây đúng hẹn.
-Rafa là ai?
-Rafael Alfredo, bác sĩ nội khoa. Họ vẫn xuống nông trại của tao ở Sperryville chơi vào cuối tuần. Nikki thích Jeannie, vợ của Rafa lắm. Nhân tiện gặp lại mày lúc ghi danh hôm thứ sáu, tao rủ họ đến chơi cho vui.
Kenneth rẽ vào một khu rừng nhỏ dọc ven đường xa lộ 522. Nông trại của Kenny cách đường xa lộ khoảng hai dặm. Xe dừng trước một cái cổng sắt thấp. Bên kia hàng rào mươi con bò sữa đang gặm cỏ, ngơ ngác ngẩn đàu nhìn chiếc xe, rồi tiếp tục cúi đầu ăn cỏ, như đã quen với người trong xe lắm.
- Oh, my babies.
Nicole xuýt xoa. Cô mở cưa xe, nhảy xuống đất, thắt chặt vạt áo sơ mi ngang lưng rồi tiến lại mở cổng cho xe vào. Trong chiếc quần jean bó sát, đôi mông tròn, cặp giò cao, trông cô như một dân cao bồi thứ thiệt của miền Texas. Lối vào là một con đường nhỏ trải sỏi chỉ vừa đủ cho bánh xe lăn bánh khỏi đè nát lên cỏ. Dưới đám cây redwood cao lêu nghêu, một tòa nhà trắng hai tầng hiện rõ dần. Ngôi nhà nhỏ được kiến trúc leo lối cổ thời colonial, tuy nhiên nhìn kỹ đã có sự tùng tru khéo léo, với tường vôi mới. Tuy vậy phía khuất mặt trời, đám rêu xanh vẫn bò ngổn ngang chiếm một nửa khoảng tường bên trái. Ngay phía sau nhà là một khu vườn độ mươi cây táo và dăm cây cherry. Cuối vườn, gần phía bìa rừng là chuồng ngựa và nhà kho của trang trại. Mọi người xuống xe.
- Ðẹp quá.
-Tao biết là mày sẽ thích.
Kenny vỗ vai anh, rồi ưỡn ngực, vươn vai hít một hơi thở sâu. Hắn giới thiệu về trang trại hiện được trông nom bởi một người hàng xóm.Từ chỗ bọn anh đứng là một bãi cỏ rất rộng, ít lắm là 10 mẫu tây, thoáng đãng không khác gì một sân golf chạy vòng một ao cá khá lớn. Cỏ có lẽ vừa mới được cắt hãy còn bay mùi nồng. Bao bọc chung quanh khoảnh đất là rừng thưa dùng làm hàng rào nhân tạo ngăn chia quyền sở hữu. Ven rừng, một vài cây cổ thụ trốc gốc, nằm phơi xương trên đồng cỏ.
- Mầy có thích đi săn không? Có nhiều lúc tao ngồi đây uống bia, có thể thấy nai chạy từng bầy ngoài kia.
-Có khi còn có cả bò rừng nữa đấy. Em vẫn thường đi cởi ngựa vào đám rừng thưa bên kia đồi.
Nicole thêm vào.
-Mà thôi, quý ông hãy vào rửa mặt đi đã.
Kenneth lịch sự bảo bạn vào nhà trước. Anh lên lầu, dùng phòng tắm trên. Trên lầu có ba phòng nhỏ. Hai phòng ngủ và một phòng làm việc. Mọi thứ được sắp đặt ngăn nắp. Ðang mải mê ngắm nhìn những món đồ cổ bày biện ngoài hành lang thì Nicole đã tiến gần anh từ đằng sau tự lúc nào.
- Vào đây em cho anh xem cái này.
Không để cho anh kịp phản ứng, cô kéo tay anh dẫn vào một phòng ngủ nhỏ, nằm riêng biệt ở gần cầu thang. Căn phòng sáng sủa, ngăn nắp.
-Phòng ngủ của em và Ken?
-Không. Của riêng em, những lúc em muốn có những giây phút riêng.
Cô thò tay dưới gối, lấy ra một cuốn sổ nhỏ.
-Anh đọc đi.
-Nicole cho phép?
-Em muốn anh đọc. Nhưng anh đừng cười nhé.
Anh ngồi xuống giường. Nicole nằm sấp mình ôm gối nhìn anh mở lần trang sách. Những dòng chữ viết tay nghiêng nghiêng lấp lánh hiện ra dưới ánh nắng.
- " Kia những ngọn đồi xanh uốn mình trải dài đi khắp hướng, chạy xa tít tận chân trời. Trên những ngọn đồi đó, anh hãy xem những cây sồi cao ngất, với những cánh lá non đang run rẩy trong nắng sớm mong manh. Và dưới chân đồi anh có nhìn thấy những thung lũng của ngàn hoa dị thảo muôn màu, của những thảm cỏ non vừa mới khoát lên mình một màu xanh tươi mới. Rồi anh hãy nhìn lên bầu trời xanh thẳm kia, mặt trời chói chang đang chiếu ngự, truyền xuống thế gian những tia nóng như những lời thì thầm hỏi han nồng ấm. Tất cả, anh ạ, là một thế giới mới khai sinh để cho đôi tình nhân kia được rong chơi trong thung lũng nhiệm mầu. Tay trong tay, họ nhún nhảy với ngàn hoa dại, với tiếng cười, với niềm hoan lạc chất ngất tự cõi lòng. Họ không cần nhớ họ đã từ đâu tới, và từ đây, không cần biết họ sẽ đi về đâu. Ừ, tại sao phải thắc mắc đến những điều có thể làm hoen ố niềm vui nơi vùng đất địa đàng nầy. Họ sẽ gieo mình xuống thảm cỏ xanh kia, hiền hòa mát lạnh, rồi cười vang với niềm vui sướng vì tất cả không gian này giờ đây la của riêng họ. Và rồi, vòng tay khép kín, với những vuốt ve âu yếm, với những nụ cười hiền hòa đổi trao góp lại lành tiếng cười vang dội, với hai đôi mắt mở cửa cho hai linh hồn hòa vào nhau là một thể. Ỏ đây không còn sợ hãi. Có chăng là tự do, là những giấc mộng yên lành, với những nụ hôn nồng thắm đổi trao trên hai cơ thể rung động. Những rung động tận cùng cung bậc của hai hạt nhân đang hòa vào nhau làm một, rồi lại chia đều trên thể hợp nhất mới, lan tràn ra mặt đất, đuổi nhau lên tận đỉnh những cành cây cao, để rồi nổ tung trên bầu trời xanh thẳm....Còn lại đây vừa là một khoảng chân không , cũng vừa là một bầu trời hạnh phúc bất tận. Còn lại đây là một tình yêu, duy nhất, nguyên thủy, trong sáng như được nhìn qua lăng kính của đôi mắt của trẻ thơ. Còn lại đây là một tình yêu cuồng nộ âm ỉ..."
- Anh không ngờ em lãng mạn như thế. Hay lắm Nicole ạ.
Anh đóng cuốn nhật ký lại, thẩn thờ phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa, xuống thảm cỏ xanh chạy dài ra phía rừng cây. Phải chăng đây là vườn địa đàng của Nicole? Người đàn bà cười hãnh diện. Vẫn đẹp. Ðã sáu năm rồi từ ngày còn học chung trường, cô vẫn thế, vẫn như năm nào, trẻ và đẹp. Cha cô gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ người miền Nam nước Ý. Dân Ý và Ái Nhĩ Lan ưa lấy nhau có lẽ vì nền văn hóa gần giống nhau, đa số là tín đồ Thiên Chúa giáo. Anh đã gặp ông bà thân sinh của Nicole một lần nàng đưa anh đến nhà ăn cơm tối nhân dịp Lễ Tạ Ơn. Nicole giống mẹ nhiều hơn. Cô có mái tóc đen, vành môi trái tim của mẹ, còn đôi mắt sâu, tròn của bố. Sau nầy anh mới hiểu, đối với người Mỹ, đem bạn trai về nhà vào Lễ Tạ Ơn cũng hệ trọng như người Việt ta đem bồ về ra mắt bố mẹ vào ngày Tết.
- Còn nữa...những bài thơ em viết cho..
Cô giằng lại cuốn nhật ký từ tay anh, lật thêm vài trang kế tiếp. Mái tóc đen óng mượt lúc lắc trên vải nệm trắng tinh. Anh nghe một niềm ham muốn vu vơ...Bỗng có tiếng máy xe vừa trờ tới. Nicole kéo màn nhìn ra cửa sổ:
- Rafa và Jeannie đã tới.
Mọi người đem thức ăn ra sân. Dưới những tàn cây phong, hai người đàn bà dọn cho cả bọn bánh mì, thịt jambon nguội, một ít salad. Dưới cái nóng hẩm báo hiệu một cơn mưa sắp chuyển mình, mọi người ăn vội vã. Rafael nốt cạn ly rượu vang trắng, rồi rót đầy thêm một ly nữa. Mọi người đã thấm hơi men, trừ vợ của Rafael, đang có thai. Jeanie vỗ nhẹ lên bàn tay chồng, âu yếm nhắc nhở, một cử chỉ dễ thương:
- Uống vừa thôi nhé, tí còn lái xe về nữa..
Nàng không đẹp, nhưng phúc hậu trong cái áo rộng sọc ca rô lớn dành cho phụ nữ đang mang thai. Cô ngồi xếp tay lên đùi, khép nép bên cạnh chồng. Gia đình Jeannie người miệt Louisianna. Jeanie là y tá. Nàng gặp Rafael trong thời gian anh làm bác sĩ nội trú bệnh viện. Ða số các bác sĩ phải lòng y tá trong thời gian thực tập. Rafael không vượt qua hiện tượng gần như định luật ấy.
- Chừng nầy thấm gì. Hồi còn ở Santo Domingo...
-Kể cho mọi người nghe đi Rafa !
Kenneth khuyến khích, tay mở hộp cigar mời anh và Rafael. Anh nhặt một điếu. Dù không thích hút cigar cho lắm, anh vẫn thích mùi thơm của lá thuốc. Anh đưa điếu cigar lên mũi hít nhè nhẹ. Anh nhớ có lần, Kenneth và anh đi thăm bệnh buổi sáng, hắn đã không tiếc lời nạt nộ một người bệnh bị ung thư phổi về hậu quả tai hại của việc hút thước. Lúc vào phòng giải lao, Ken thản nhiên đốt một điếu thuốc, hít hà thỏa mãn.
Rafa cắn điếu thuốc chưa đốt bên khóe miệng, tháo đôi mắt kiếng, dùng khăn lau, như thể đôi mắt kiếng sáng rất cần cho câu chuyện mà hắn sắp kể. Y có nước da ngăm ngăm bánh mật của người dân miền biển Carribéan, nổi bật trên sơ mi trắng sọc nâu ủi thẳng tắp. Nhìn cách cắt của cổ áo, anh đoán đây là loại áo đắt tiền hợp thời trang. Rafael có khuôn mặt nhỏ, thỉnh thoảng y cười, nheo mắt láu lỉnh, khoe cái lúm đồng tiền lún xuống từ đôi gò má đầy chân râu lún phún dù có lẽ đã được cạo kỹ từ lúc sáng. Anh không nghĩ Rafael lớn tuổi hơn anh nhiều lắm, hắn ra trường sau anh, nhưng với đầu tóc đã hói trông hắn già hẳn, đạo mạo như một người y sĩ từng trải.
- Bull. Không biết mấy người học y khoa ở Mỹ ra sao chứ ở xứ tụi tôi... bullshit.. mấy thằng cha thầy chết tiệt. Tối ngày cứ chực đánh rớt sinh viên chỉ để làm cho mình cao giá. Cứ mỗi lần thi cử là tụi nầy thức trắng đêm. Mà muốn thức thì phải nốc amphetamine vào. Mỗi lần tới mùa thi, tụi tôi gọi điện thoại khắp các nhà thuốc ở Santo Domingo, tìm không ra một hột. Túng thế có đùa vào phòng mổ hít đỡ gas đánh thuốc mê. Tới ngày thi, chúng tôi đi đứng như những cái thây ma. Còn anh?
Rafa xuống giọng. Nếu bệnh nhân mà nghe hắn kể câu chuyện trên, không biết họ nghĩ gì về người bác sĩ đáng kính của họ. Anh không biết sau những năm tháng dài của trường thuốc, bọn anh còn bao nhiêu tế bào não chưa hư hại để phục vụ bệnh nhân. Anh lắc đầu:
- Ngày xưa ở Việt Nam tôi chắc cũng thế...
Lại chuyện ngày xưa. Thật ra anh không rõ ngày xưa trường thuốc ở Việt Nam ra sao cả. -...Ở Mỹ...chúng tôi, Nikki, Ken, và tôi chỉ uống những viên thuốc caffeine với nồng độ cao. Sau mùa thi thì... giải độc bằng ...rượu.
Anh hướng về Nicole, đang ngồi yên lặng bên cạnh Jean. Anh cố đón bắt ánh mắt của cô, nhưng Nicole đang cúi nhìn đăm chiêu xuống sàn nhà, tay vân vê ly nước trà đá. Trông cô thật suy tư, xa vắng, miệng đang cắn cọng rau thơm được vớt ra từ ly nước. Có lẽ cũng như anh, cô đang nhớ đến mùa thi năm y khoa hai. Hôm ấy, bọn anh kéo nhau ra biển giải độc như mọi khi. Mọi người mang xe vào sát bãi biển, mở tung cửa xe, rồi vặn nhạc mạnh. Bọn anh chuyền tay nhau những lon bia lạnh. Anh kéo Nicole rảo bộ một khoảng dài trên bãi biển. Ðó là một buổi hoàng hôn đẹp nhất trong đời anh, khi mặt trời chìm dần xuống mặt biển như một thỏi thép hồng đang được nhúng vào nước, tỏa ra những tia vàng đỏ bắn tung lên bầu trời xanh đậm. Từ chỗ gặp nhau của trời và biển như thuở hồng hoang trời đất mới khai sinh, những màu chàm, đỏ loãng tan trên sóng. Anh không rõ có một nơi nào trong dãy ngân hà kia có trời đất đẹp như thế nầy không? Rồi những nụ hôn ngấu nghiến. Rồi vật lộn đùa nhau trên cát mềm. Buổi tối anh đưa Nicole về. Cô hỏi anh có muốn vào nhà chơi không? Hôm ấy trời cũng mưa dai dẳng nửa khuya. Anh đã vào nhà với Nicole, và, quên đường về cho tới mải sáng hôm sau.
- Tôi muốn đi ngựa một lát. Có ai muốn đi theo không?
Nicole đặt ly nước đá chanh xuống ghế. Không ai muốn trả lời. Trên trời mây đen đã dần dần kết tụ. Không khí đã nặng nề lại thêm nặng vì trong dạ, đồ ăn và rượu cũng đã thấm trong mạch máu mọi người.
- Vậy thì để tôi đi với em.
Anh tình nguyện. Một phần vì tò mò về chuyện cởi ngựa. Kenneth đang ngồi gác chân trên ghế, phì phèo điếu cigar. Hắn đưa tay gãi râu cằm, che miệng ngáp:
- Nhớ mang theo dù kẻo trời mưa.
Nicole dẫn anh xuống chuồng ngựa. Anh lặng lẽ nhìn cô thắng yên cho hai con ngựa.
- Anh đã cởi ngựa bao giờ chưa?
-Chưa. Nhưng anh không muốn như tài tử Christopher Reeves bị té ngựa gãy cổ như hôm tuần rồi đấy nhé.
-Không sao. Cứ đi chậm. Có em bên cạnh anh đừng lo. -Cô trao dây cương cho anh.
-Con ngựa của anh thuộc giống Ả Rập đấy. Nó tên là Cindy.
-Ngựa cái! -Anh cười diễu cợt.
-Thì đã sao. Anh là đàn ông thì phải cởi ngựa cái chứ. Mà chưa chắc là anh đã chinh phục nổi Cindy đấy nhé.
-Thế tên con ngựa của em là gì?
-Bí mật !
Nàng ghé miệng thì thầm vào tai con ngựa, một bí mật riêng tư nào đó của hai bên. Con ngựa gục gật ra điều hiểu biết. Khuôn mặt của Nicole giờ đây có vẻ trẻ thơ.
-Anh có biết ngựa thích những lời dịu ngọt thì thầm vào tai chúng?
Không trả lời, anh quay qua Cindy. Con ngựa lực lưỡng khỏe mạnh, lim dim để cho anh vuốt ve bộ lông óng mượt của nó. Nicole giúp anh leo lên yên ngựa. Nhìn anh vắt cây dù dài cán ngang yên ngựa, nàng bật cười ngặt nghẽo:
-Trông anh giống như mọt hiệp sĩ đang tới cứu một nàng công chúa bị giam trong lâu đài
Lúng túng, anh đánh trống lảng.
-Lông ngựa đẹp quá.
-Anh có biết rằng Cindy và em dùng chung một loại xà phòng tắm không?
-Thật à.
- Xà phòng tắm của ngựa có nhiều chất protein làm tốt tóc.
Vẫn còn đứng dưới đất, cô lúc lắc dầu tóc óng mượt như để biện chứng cho lời nói của mình. Anh cúi xuống se sẻ đưa tay luồn vào tóc của nàng, vân vê những sợi tóc thẳng mịn màng chảy trong kẻ tay. Nàng ngẩng đầu nhìn anh. Một cảm giác tội lỗi thoáng qua. Như một tên móc túi bị bắt quả tang giữa chợ, anh rụt tay lại:
-Mình đi thôi Nicole, trước khi trời mưa lớn.
Anh lặng lẽ thúc ngựa theo Nicole. Vì sợ anh không quen, cả hai đi thật chậm về phía bìa rừng, xuyên qua những cây redwood đang thay lá và những đám thông già cao lêu nghêu. Qua một đoạn đường trải sỏi, để ngựa nghĩ chân hai người lại xuống ngựa. Anh nắm dây cương dẫn Cindy đi sóng bước bên cạnh Nicole. Cả hai im lặng, ngoại trừ tiếng bước chân của người lẩn ngựa sột soạt trên đường.
- Tại sao em thích ngựa.
Anh hỏi chỉ để mà hỏi. Ngày xưa, Nicole đã từng kể cho anh về ông nội của cô, một người miền Tây Ái Nhĩ Lan đã "nghèo vì ngựa", vì quá yêu ngựa. Sở thích nuôi ngựa có lẽ được di truyền trong dòng máu, cho dù cha của cô không thích ngựa cho lắm. Bất chấp những trừng nguýt của vợ, ông đã từng đùa với anh là ông thích đàn bà hơn.
-Ngựa và đàn ông là hai thứ em thích nhất. Nicole cười chúm chím.
-Tại sao thế?
-Anh không thấy là cả hai giống nhau hay sao? Thứ nhất vẻ đẹp về thể xác..
-Anh đồng ý là về thể xác, ngựa là một sinh vật đẹp, còn đàn ông cỡ như Ken và anh thì so với ngựa là đồ bỏ. Còn lý do thứ hai?
- Là ngựa không quên đường về. Một giống vật khó thuần dưỡng nhưng rất thủy chung.
-Vì thế người ta vẫn nói ngựa quen đường cũ.
-Ðúng thế!
-Ngựa bị che mắt chỉ biết một đường đi. Còn người...người có quyền lựa chọn.
-Có lẽ...có lẽ đó là lý do tại sao...anh...
Nicole ngập ngừng. Anh chột dạ. Nàng cột ngựa vào một gốc cây cạnh con suối nhỏ. Anh làm theo. Tìm một tảng đá lớn, họ ngồi xuống bên nhau, im lặng. Hồi lâu, anh hỏi:
- Tại sao em và Kenny chưa làm đám cưới. Em đi với Ken đã lâu rồi.?
-Chưa tới lúc. Hơn nữa đám cưới có làm thay đổi một quan hệ tình cảm hay không?
-Em còn chờ gì nữa. Hay Ken nghĩ gì khác?
-Không. Ken biết chuyện anh với em từ lâu. Chuyện ngày xưa...Em đã kể cho Ken nghe và Ken chấp nhận tất cả.
Nàng cúi mặt lầm lì bức đám rêu quanh chỗ ngồi, rồi liệng xuống suối. Anh ngại ngùng nhìn lên trời. Những mây đã tụ về đen kịt. Cơn mưa đổ xuống không mời gọi. Anh giăng dù che cho Nicole. Cả hai cùng ngồi yên lặng, lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp, gõ đều trên vải. Anh nhìn xa xăm ra con suối cạn. Con nước nhỏ chuyển mình sống dậy từ những khô cằn tiềm ẩn. Anh nghe hơi thở của Nicole thật gần. Bàn tay nàng quàng qua lưng anh, níu chặt. Anh nghe nụ hôn ấm phớt nhẹ bên mang tai. Hơi thở từ đêm năm xưa trở về theo cơn mưa bảo. Anh nghe hơi thở của Lan Anh, của vợ, anh cảm thấy nụ hôn bé bỏng lên má, của Trâm Anh, của con. Anh nhớ đến cú điện thoại kéo dài đến nửa đêm hôm qua:-" Mẹ nói chuyện với bố cả giờ rồi, mẹ phải cho con nói." Trong tiếng mưa rơi, tiếng Nicole thì thào trong hơi thở "- You know that I love you always, don't you? Why did you leave me?" Trong tiếng sấm, tiếng con gào qua điện thoại vì mẹ chưa kịp buông ống nói nhường cho bé. " We love you Daddy. Bố, mẹ và con thương bố nhiều lắm." Nàng cắn nhẹ trên vành tai của anh. "Con ưng bố về bố đọc The Lion King cho con, nghe bố."
Anh lắc đầu, nghe mình nói như với chính mình:
- Không được, mình điên mất rồi....
Maryland, 1995
Vũ Thư Nguyên
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...