Tôi nhận ra Tân ngay dù chỉ nhìn thoáng qua sau tấm cửa kiếng
màu trà. Người trợ lý của tôi hướng dẫn anh đến phòng khách để chờ tôị Dù biết
Tân là bạn thân nhất của tôi thì anh ta cũng không dám báo giữa lúc tôi đang chủ
trì cuộc họp quan trọng với bên đối tác. Cuộc họp khá căng thẳng và lúc thấy
Tân là lúc tôi đang phát biểu. Không khó khăn gì để nắm bắt được yêu sách của
những vị khách hàng. Họ rất cần sản phẩm của chúng tôi nhưng bề ngoài cố tỏ vẻ
hờ hững với nó, luôn tìm những khuyết điểm nhỏ nhặt để chê bai hầu đạt được mục
đích là hạ giá sản phẩm theo mỗi lần ký hợp đồng. Mềm mỏng nhưng kiên quyết. Đó
là tiêu chí trong kinh doanh của tôi, mà muốn đạt được thành công theo hướng
này thì hàng hoá của công ty tôi phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và độc đáo
về mẫu mã. Tôi tin mình sẽ làm được điều đó. Họ có cách cò kè bớt một thêm hai
của họ thì tôi cũng có bản lĩnh của tôi buộc họ phải chấp nhận mức giá mà tôi
cho là hợp lý. Tôi cần biểu hiện bằng một hành động cụ thể nào đó vừa lịch sự
nhưng cũng vừa để họ nhận ra một cách tế nhị rằng sản phẩm của công ty đang là
lực hút của nhiều đơn vị khách hàng. Chính lúc ấy tôi đã thấy Tân. Viện lý do
mình còn cuộc họp với đại diện công ty mỹ nghệ của một nước Tây Âu, tôi xin
phép được vắng mặt và giao quyền quyết định lại cho vị Phó Giám đốc. Trong phép
ngoại giao hành động này có thể bị xem là bất lịch sự, nhưng ở trường hợp này
tôi biết nó sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.
Không biết giữa tôi và Tân có sự ràng buộc nào đó trong định số mà anh luôn xuất
hiện thật đúng lúc, nếu hiểu theo nghĩa rộng của từ này, và sự xuất hiện của
anh luôn là một bước ngoặt tốt đẹp trong đời tôị Tuy vậy từ trong sâu kín tâm hồn
tôi vừa mong nhớ Tân nhưng cũng vừa sợ phải gặp anh. Tôi không lý giải được điều
này dù rất nhiều lần vật vấn mình để luôn luôn đi đến kết luận là tôi và Tân vẫn
là bạn tốt của nhau. Tôi chưa hề có hành vi nào để người đời dựa vào đó mà cho
rằng tôi là thằng phản bạn, dù chỉ trong ý nghĩ.
Tám năm rồi, kể từ ngày Tân rời khỏi công ty, đây là lần đầu tiên anh trở lại.
Tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng anh suốt đời sẽ không bao giờ đặt chân đến đây nữạ
Bởi vậy, tôi thật sự bất ngờ và rất mừng khi gặp anh.
- Ông trốn chỗ nào kỹ quá, chẳng nghe thấy tăm hơi?
Tôi hỏi khi anh đã ngồi yên vị trong chiếc Fiat mà sau một lúc giằng co đến mức
nhận ra tôi chân tình nài nỉ anh mới bằng lòng. Nhận chìa khoá từ tay tài xế,
tôi cười bảo với cậu ta rằng hãy yên tâm về nhà ngủ với vợ, tôi muốn tự mình
lái xe đưa người bạn chí cốt tìm một nơi thanh vắng để tâm tình. Thái độ ấy của
tôi đã làm anh xúc động.
- Mình về quê vợ, Thạnh Lộc, Chương còn nhớ không?
- Trời đất, ông mà cũng có vợ nữa sao? - Tôi cố tình nhấn mạnh cái vế
"cũng có vợ nữa sao?", cụm từ mà ngày xưa chúng tôi thường đùa yêu với
những đứa bạn thân. Tôi và Tân cười ha hả.
Tôi bật ra câu đùa ấy là để tránh phải trả lời câu hỏi của Tân. Thật lòng tôi
không quên Thạnh Lộc, thậm chí nơi ấy còn thường trực trỗi dậy trong tôi, dù rằng
tôi không muốn nhớ. Nhưng tự thú với Tân là không thể, bởi chúng tôi hiểu về
nhau và về nơi ấy quá nhiều. Thấy trước mình là một cuộn dây có nhiều mối, thà
không chạm tay đến chứ khi dã mở một mối thì buộc phải động đến bao mối khác.
Tránh vẫn hơn.
Hai cô gái xinh xắn dẫn chúng tôi vào một căn phòng loại đặc biệt nhất của
quán. Sau khi gọi những món cần thiết tôi bảo hai nàng có thể tự do, để chúng
tôi tự phục vụ. Mắt hai cô ả cụp xuống, nhưng cái nháy mắt của tôi đã nhanh
chóng vực dậy vẻ tươi tắn, hai nàng vội ra khỏi phòng. Cái nháy mắt với ngầm ý
quen thuộc của tôi mà các nàng móng đỏ ở đây đều thuộc nằm lòng: "Yên tâm
đi, sẽ không mất phần bo của các em đâu". Tôi tự tay khui chai Napoleon và
rót vào hai ly có chân đế. Đến lúc đó, vẻ mặt Tân mới giãn ra lấy lại vẻ tự
nhiên. Tôi thừa biết anh không quen và không hề thích kiểu "chiều
khách" của những nơi chốn này.
Chúng tôi chạm cốc và cạn ly. Không cần nói lời nào, chỉ ngã người ra lưng ghế
nhìn vào nhau rồi cười sảng khoái. Tân vẫn gầy như xưa nhưng trông có vẻ đen
đúa hơn, phong trần hơn. Còn tôi, có lẽ trong con mắt của Tân cũng không có gì
thay đổi cho dù dáng vẻ bề ngoài có chút đẫy đà hơn.
- Anh vẫn còn giận ông Lưu?
Tân cười xoà:
- Tôi có giận ông ấy đâu? Nhưng nói vậy thật khó tin, có khi Chương cho rằng
tôi làm bộ quân tử Tàu. Thật ra lúc đầu tôi có giận nhưng rồi nó qua nhanh.
Nhưng nếu bảo rằng tôi quên chuyện ấy thì là nói dối. Tôi không quên được vì nó
đã trở thành dấu ấn khắc sâu trong đời tôi.
- Vậy sao anh rời khỏi không ty? Anh đi rồi, chỉ một thời gian ngắn công ty lún
nợ. Ông Lưu cũng đã nhận ra mình sai lầm.
Tân nhìn xoáy vào tôi, cái nhìn làm tôi thấy chột dạ.
- Từ lâu tôi vẫn có quan niệm xem thủ trưởng vừa là cấp trên nhưng cũng vừa là
bạn. Về tuổi tác tôi gọi ông Lưu bằng chú nhưng trong thâm tâm tôi vẫn coi ông
là người bạn vong niên. Chính vì vậy nên khi nhận ra giữa chú ấy và mình khác
xa nhau về quan niệm kinh doanh, về sự tồn tại của công ty, mà lúc ấy chú lại lấy
quyền cấp trên áp đặt, nói thì chú ấy không nghe, còn im lặng làm theo thì tôi
không làm được. Biết ở lại chỉ là sự cản trở, vướng chân nhau, với lại đã đến lúc
tôi cần thực hiện một việc rất quan trọng của cả cuộc đời tôi.
Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Không biết tại sao mình lại vụng về đến vậy dù ngay từ
lúc Tân bắt đầu nói tôi đã có ý thức kìm nén. Có lẽ điều anh nói đã vượt ra
ngoài suy nghĩ của tôi. Lâu nay nghĩ về việc của anh lòng tôi luôn cảm thấy xốn
xang. Hình như trong sâu thẳm ý nghĩ mình có phần có lỗi trong chuyện này cứ
len lỏi, chực trồi lên dù ngay tức khắc nó bị bao nhiêu lý lẽ khác lấn át.
Không, tôi đã lo hãọ Tân vẫn như xưa, sắc sảo và nhân hậu, trực tính và ngây
thơ trước cuộc đờị Xét cho cùng thì tôi không hề có lỗi gì trong chuyện này.
Chính cá tính anh đã quyết định cuộc đời anh. Anh làm vậy để được gì hả Tân?
Lúc Tân là Phó Giám đốc kiêm trưởng phòng sáng tác mẫu của công ty Mỹ nghệ Trường
Lưu, tôi chỉ là cấp phó của anh. Chúng tôi đã là bạn thân nhau từ trong kháng
chiến với biết bao kỷ niệm mà chắc rằng trong mỗi chúng tôi không thể nào quên.
Cũng là học sinh ngoại thành có chút năng khiếu về hội hoạ, vào vùng giải phóng
chúng tôi được phân về nhà in làm công việc sửa morát và khắc gỗ cho những bản
minh hoạ báo. Tân khắc đẹp, đường nét sắc sảo hơn tôi. Mấy anh hoạ sĩ bên tiểu
ban văn nghệ sang in báo hoặc tạp chí cưng anh lắm. Những lúc rảnh rỗi các anh
thường hướng dẫn chúng tôi vẽ. Không lâu sau, Tân minh hoạ được truyện ngắn những
khi các họa sĩ bên tiểu ban văn nghệ đi chiến trường về chưa kịp. Nhưng với Tân
nỗi đam mêm lớn nhất là lĩnh vực mỹ nghệ. Ở lĩnh vực này, tài năng anh bộc lộ
thật mạnh mẽ và độc đáo. Bất cứ vật gì rơi vào tay anh: từ một mảnh nhỏ của xác
máy bay hoặc cái tút đạn 105 ly của Mỹ đến những miếng gáo dừa khô chị nuôi quẳng
ở xó bếp chưa kịp chụm, thậm chí những trái dừa điếc tình cờ nhặt được, qua bàn
tay anh cũng biến thành những chiếc kẹp tóc hình con bướm, chiếc lá hoặc bình cắm
hoa, chiếc gạt tàn thuốc duyên dáng, độc đáo mà cuộc sống gian khổ ở rừng thì
chẳng mấy khi dùng đến.
Có một lần, chúng tôi được Ban Tuyên huấn điều về giao nhiệm vụ trang trí hội
trường chuẩn bị cho Hội nghị. Lần ấy anh đã đem đến sự bất ngờ và xúc động cho
tất cả các đại biểu, khi nhìn bức chân dung Bác. Khác với thông lệ thay vì bức ảnh
đen trắng được in trên giấy là một bức tranh ghép bằng gáo dừa cẩn trên tấm be
mỏng được xả ra từ thân cây dừa lão. Cả khung tranh cũng được làm từ chất liệu ấy.
Những mảnh gáo dừa khô đen mun, óng ả xen lẫn với những mảnh vừa mới rám ngả
vàng hoặc cứng cạy màu trắng đục đã tạo nên những độ đậm nhạt của ánh sáng. Tất
cả được tôn lên bởi màu đỏ thẫm vẻ uy nghi, lẫm liệt.
Để hoàn thành được bức tranh, Tân phải tỉ mỉ làm mấy tháng trờị Kể thật công bằng
thì trong việc này cũng có công tôi. Tôi đã phục vụ với anh cưa lọng từng mảnh
gáo, cạo gọt, mài bóng bằng miếng chai bể và giấy nhám rồi sắp xếp, ghép lại
theo bức chân dung anh phóng to từ bức ảnh Bác được in trên báo. Tác phẩm của
anh được các anh hoạ sĩ hết lời khen ngợi, không ngờ với vài dụng cụ thô sơ mà
chúng tôi đã làm được một công trình như vậy. Gần một tháng sau, chúng tôi được
lệnh về Ban Tuyên huấn, mang theo bức chân dung Bác để chuẩn bị cho cuộc hội
nghị toàn ban sắp tới.
Sau giải phóng, tốt nghiệp trường Mỹ thuật công nghiệp, chúng tôi cùng về công
ty Trường Lưụ Đây là công ty Mỹ nghệ duy nhất của tỉnh được thành lập từ tổ mỹ
nghệ của Sở Văn hoá thông tin. Tài năng Tân đã nhanh chóng mang lại tiếng tăm
và sự lớn mạnh của công ty. Hàng loạt những mẫu mã do anh sáng tác đã tạo ra những
mặt hàng lưu niệm được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng. Rồi liên
tiếp những khách hàng ở các nước Âu, Mỹ đến đặt chúng tôi với số lượng lớn.
Nhưng cũng chính thời điểm này mâu thuẫn giữa anh với Giám đốc xảy rạ Ngoài thị
trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng nhái theo mẫu của công ty mà giá lại hạ của
một vài tổ hợp thủ công lén lút nào đó làm cho hàng công bị chựng lại. Tiếp
theo là những đơn vị đối tác nước ngoài viện đủ mọi lý do bắt chẹt đòi hạ giá
thành sản phẩm, nếu không họ sẽ cắt hợp đồng. Giám đốc Lưu cho rằng trong tình
thế khó khăn này muốn công ty trụ được phải tạm thời chấp nhận yêu sách của
khách hàng để cầm chân họ. Còn Tân ngược lại, anh nói muốn giữ vững công ty,
hơn lúc nào hết trong lúc này lãnh đạo không được xuống nước, dao động. Tất cả
các mặt hàng không thể giảm giá, nhưng đồng thời phải giữ vững thậm chí nâng
cao hơn về chất lượng. Những sản phẩm bên ngoài nhái mẫu dù sao cũng thô thiển
hơn, rất dễ nhận thấy, khách hàng sẽ nhanh chóng nhận rạ Đồng thời công ty sẽ
không ngừng cải tiến, tung ra nhiều mẫu mã mới tinh xảo hơn. Về điểm này, Tân sẵn
sàng chịu trách nhiệm.
Giữa tình thế gay go đó tôi hiểu rất có thể nếu có ý kiến tôi tác động vào ủng
hộ Tân thì ông Lưu sẽ xiêu ngaỵ Nhưng tôi im lặng. Thật lòng tôi thấy giải pháp
tình thế của Tân là đúng, hợp với suy nghĩ của tôi nhưng ai biết được, dù xác
suất thất bại chỉ một phần trăm đi nữa thì nó cũng có thể xảy rạ Giám đốc nắm
quyền quyết định, thành hay bại ông sẽ chịu trách nhiệm, nhất là giải pháp của
chính ông đưa rạ Vả lại ý kiến lúc này dù đứng về ai đi nữa cũng có lợi gì cho
tôi. Thành công thì không nói gì (biết đâu Giám đốc sẽ thành kiến nữa nếu tôi ủng
hộ Tân), còn như thất bại thì hậu quả làm sao lường trước. Ủng hộ ông Lưu ư? Một
giải pháp chông chênh như người men theo miệng vực trong đêm tối. Và Tân sẽ
nghĩ về tôi như thế nào? Đằng nào thì lợi cũng bất cấp hại. Thôi thì tôi cứ gắng
sức làm tốt chuyên môn của tôi, sản phẩm làm ra vượt thời gian và đạt tiêu chuẩn
chất lượng, còn mọi chuyện khác im lặng là hay hơn cả. Rồi Tân ra đi vì không
thể ở lại để chứng kiến sự phá sản của công ty mà anh đã thấy hiển hiện trước mắt.
Tính anh là vậỵ Rồi ông Lưu bị kỷ luật, về hưụ Tôi được đề bạt làm Giám đốc và
mạnh dạn thực hiện giải pháp của Tân. Nhiều đêm nghĩ về Tân tôi lại tự dằn vặt
mình. Nhưng suy cho cùng đâu phải lỗi do tôi. Tôi vẫn quý và trân trọng tài
năng của anh.
Chuông điện thoại di động reọ Người phó giám đốc báo cho tôi biết cuộc họp với
bên đối tác đã thành công ngoài dự kiến. Anh cười thật vui bảo với tôi rằng
không ngờ chuyện tôi đột ngột bứt khỏi cuộc họp - một việc hy hữu đến anh ta
cũng cảm thấy lúng túng - đã tác động mạnh vào tâm lý của các vị khách hàng. Họ
đã đồng ý ký kết không những với số lượng như cũ mà tăng thêm một phần ba,
ngoài ra còn hợp đồng thêm những mặt hàng mới như giỏ cắm hoa khô, chao đèn,
búp bê bằng gáo dừa... Tôi ờ.. ờ giọng bình thản rồi cúp máy.
- Anh Tân nè, lúc nãy anh nói khi ấy anh cần thực hiện một việc quan trọng,
chuyện gì vậy? - Tôi hỏi sau khi chạm cốc và uống hết ly rượu cũng là tự chúc mừng
kết quả đã đạt được. Tân chỉ nhấp một chút.
- Khoan, chuyện đó nói sau. Tôi muốn Chương giúp tôi một chuyện.
- Trở lại công ty đi, anh Tân. Tôi nói thật nhanh, thật lòng mà cũng là đoán ý
của anh. Tân cười:
- Thời mình đã qua rồi. Tôi muốn gửi con Linh - con gái của mình vào công ty.
Nó có năng khiếu, tay nghề vững. Thi đậu Tú tài nó ham thi vô trường Mỹ thuật
công nghiệp nhưng tôi không đủ khả năng lo cho con. Mẹ nó lại đau yếu luôn. Tuy
không qua trường lớp chính quy nhưng tôi đã truyền hết kiến thức cũng như kinh
nghiệm của mình lại cho nó trong lĩnh vực mỹ nghệ - Tân mở chiếc túi du lịch lấy
ra tập album trao cho tôi, rồi nói tiếp - Đây là những sản phẩm mẫu do cháu nó
làm, Chương xem đi.
Tôi chỉ lật qua loa vài trang ảnh lồng giữa tập để anh yên tâm, và chỉ chừng ấy
cũng đủ khẳng định tác giả của những hình mẫu này có trí tưởng tượng thật phong
phú và một đôi tay vàng. Những sản phẩm bằng chất liệu gáo dừa như con cua, con
tôm dùng để trang trí trong tủ búp-phê hay trên tường phòng khách, hoặc những
con rồng cuộn, rồng bay gắn làm bìa lịch được cách điệu đến mức thanh thoát, rất
ấn tượng. Cần nói thêm rằng, sở dĩ tôi chỉ lật qua loa cho có lệ vì tôi hiểu và
tin ở Tân. Anh rất tự trọng nên chưa từng nhờ vả ai nếu việc ấy chỉ có lợi cho
riêng anh. Giả sử Linh có kém cỏi tôi cũng sẵn lòng, tôi định bụng như vậỵ
Nhưng thật không ngờ, chỉ lướt qua vài ảnh mẫu trong đầu tôi loé lên: Vàng đấy,
Chương ơi! Những ngón tay vô tình dừng lại ở cạnh bìa cứng, tôi lật phơi ra. Ảnh
một cô gái tóc dài, đôi mắt buồn trên gương mặt có những nét vừa lạ vừa quen.
Thắc mắc trong tôi bùng vỡ:
- Con gái anh sao? Việc là việc hệ trọng mà anh nói...
- Là về sống với Thuỳ. Mình yêu Thuỳ từ lâu, lúc nhà in đóng ở rừng Thạnh Lộc.
Khi về nhận làm cha thì bé Linh tròn 17 tuổi. Thuỳ sanh nó năm 1974, lúc ấy tụi
mình đang dự khoá tập huấn trên khu, khi về thì cơ quan đã chuyển lên Tân Hậụ
Chương nhớ không? Rồi lao vào chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tụi mình có
hay biết gì về Thùy đâu!
Tân còn nói nhiều, kể nhiều về những năm tháng ấy, nhưng hầu như tôi chẳng nghe
gì. Trong tôi cuộn lên sự xao động, ngạc nhiên và đầy nghi vấn. Chỉ nhớ rằng
trong hàng loạt thông tin vừa như mới mẻ vừa như xưa cũ, vừa thân quen mà cũng
vừa xa lạ với tôi kia có một điều đã mắc lại ở lòng tôi rồi nhanh chóng biến
thành nhát cắt ngọt lịm, chưa kịp nghe đau mà chỉ là trạng thái thảng thốt kín
kẽ. Thuỳ không còn trên đời vì một nguyên nhân thoạt nghe tưởng như trò đùa của
y học. Một mảnh trọng pháo bé xíu, có lẽ còn nhỏ hơn hạt gạo ghim vào phần mềm
phía lưng từ đời tám hoánh nào, không hành hạ đau đớn, thậm chí ngoài da cũng
không còn thấy vết sẹo, đã không chịu nằm im, nhích dần từng chút, từng chút một
cách nhẹ nhàng, êm ái vào thẳng buồng tim. Để rồi khi bộc phát đau đớn quặn người,
phát hiện ra thì những bậc hậu duệ của Hoa Đà cũng đành chịu bó tay.
Bé Linh đã mười bảy tuổi rồi Tân mới về nhận làm cha. Vậy là Thuỳ đến với Tân từ
những năm tháng ấy sao? Sự thật Tân nói ra rõ ràng như vậy nhưng sao nó không
chịu rõ ràng với riêng tôi. Hỏi ai? Tân thì thú nhận bằng sự chân thành trong lời
nói và bằng hành động đã được hợp pháp hoá với đủ mọi khía cạnh của lương tâm,
tình yêu và tinh thần trách nhiệm rồi còn gì. Hỏi Thuỳ ư? Câu trả lời đã vĩnh
viễn theo nàng xuống huyệt. Nhưng nếu Thuỳ còn liệu tôi có đủ can đảm hỏi nàng
không, nhất là vào thời điểm này? Tôi sợ phải đối diện trước sự thật qua sự khẳng
định của nàng điều mà bây giờ trong tôi chỉ là linh cảm mơ hồ.
Chuyện của tôi và Thùy lúc ấy chỉ có Tân là người biết rõ. Cho đến bây giờ tôi
vẫn thầm cám ơn anh không hề hé lộ với ai, mà bằng sự kín miệng ấy đã âm thầm
vun quén cho cuộc tình của chúng tôi. Thật lòng tôi không thấy hành vi nào của
anh chen vào như một mối tình tay ba thường có. Tôi tin ở Thùy và tôi cũng tin ở
Tân. Có thể anh cũng yêu nàng nhưng chẳng qua đó chỉ là tình yêu đơn phương.
Thuỳ lúc ấy đã hoàn toàn thuộc về tôi và đối với Tân nàng chỉ xem anh như người
anh trai. Thuỳ thường nhận xét về Tân: "Anh ấy hiền, có tài nhưng đạo mạo
như ông cụ non".
Phải thừa nhận rằng Tân tài năng hơn tôi nhưng mẫu người của anh không "hấp
dẫn" phái nữ. Tân xấu trai. Cái dáng lòng khòng, gương mặt góc cạnh, mắt
lúc nào cũng như đăm chiêu, suy tưởng một điều gì cộng với bản tính ít nói tạo
cho mọi người đối diện với cái ấn tượng là một anh chàng khô khan, khó gần. Còn
tôi, bù lại sự khiếm khuyết về nét tài hoa nghệ thuật không bằng Tân tôi lại rất
điển trai. (Ơn trời, tôi thừa hưởng được vẻ đẹp của mẹ - hoa hậu làng An Hội, nổi
tiếng một thời). Tính tôi thì phong lưu, lãng mạn tí chút tuy không có thói ba
hoa, đủ tạo duyên gây "ép phê" cho các nàng. Nhưng đó là sau này chứ
lúc ấy tôi và Thuỳ đến với nhau cũng vì một kỷ niệm của chiến tranh.
Tôi và Tân được cử đi tiếp nhận một tấn chữ chì. Cũng như mọi lần người hướng dẫn
chúng tôi cắt rừng đến nơi nhận hàng là Thùy - một cô gái có nước da bánh mật,
mặt chữ điền không đẹp nhưng có duyên nhờ hai lõm đồng tiền thật sâu trên má.
Theo kế hoạch xuồng chở những con chữ được đóng gói vuông vức xếp ở dưới, phủ
lên trên là muối hột, nằm sâu trong con rạch cạn giữa những đám lá dừa nước.
Hôm ấy nước ngoài sông ròng sát, xuồng nằm trên bãi bùn, phải chờ nước lớn xuồng
nổi mới chèo đi được. Trong lúc chờ nước chúng tôi lội dọc theo bờ rạch tìm
hang bắt cá thòi lòi. Bỗng có tiếng máy baỵ Chiếc đầm già quần đảo mấy vòng rồi
bắn pháo điểm phía bìa rừng, sau đó ba chiếc phản lực đến nã trọng pháo và dội
bom. Khi thấy những trái bom tròn xoay tít tôi nằm rạp xuống bãi bùn thì nghe
như có một vật gì đè nặng lên lưng đồng thời cánh tay ai móc ngược người tôi lật
nghiêng. Tiếng nổ kinh hồn, tai tôi điếc đặc. Tôi vùng đứng dậy thấy nửa người
phía dưới Thuỳ bị một tảng bùn to lấp lên:
- Tớ bị đứt làm hai khúc rồi!
Sau này những lúc bên nhau nhắc lại câu ấy chúng tôi không nhịn được cười chứ
lúc ấy Thuỳ nói mình có cảm giác như vậỵ Nàng nói không ai khờ như tôi, tránh
bom mà nằm sập xuống bãi bùn, không chết vì miểng cũng chết vì sức ép. Lúc tôi
moi tảng bùn ra mới phát hiện trên lưng Thuỳ chảy máu. Một mảnh pháo nhỏ ghim
vào đó chỉ như một vết đứt tay.
Chúng tôi gần nhau được một năm. Đầu năm 1974 tôi và Tân về khu dự lớp tập huấn,
sau đó về Tân Hậu cho đến ngày giải phóng. Hoà bình, công việc mới bộn bề cuốn
hút, tôi không có dịp về Thạnh Lộc để gặp Thuỳ. Chắc nàng đã yên bề gia thất.
Tôi nghĩ chuyện giữa chúng tôi như kỷ niệm một thời - cái thời tuổi trẻ trong
cuộc chiến tranh. Vả lại Thuỳ cũng không tìm tôi hoặc có lời nhắn nhủ.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tân. Bây giờ nghĩ lại tôi mới nhận ra việc gửi gắm
Linh cho tôi là sự chuẩn bị cho chuyến ra đi vĩnh viễn của anh. Linh nói với
tôi rằng kết quả xét nghiệm trước đó đã cho Tân biết anh đã mang trong người khối
u ác tính. Sao anh chẳng nói gì với tôi. Thì ra đối với tôi, Tân là con người đầy
bí ẩn.
Chứng kiến Linh vật vã đau đớn trước quan tài tân lòng tôi chợt nhói đau. Tôi
hiểu ra nhiều điều được mất của kiếp người như anh, như tôi nhưng chắc rằng sẽ
không bao giờ tôi biết được sự thật cho dù Linh chính là huyết thống của tôi. Nguyên Tùng Thep https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét