Trên chuyến phà cuối năm từ Đức sang Thuỵ Điển, tôi tình cờ gặp
một đồng hương: bác sĩ Vũ Xuân Lộc. Mùa đông Bắc Âu, ngày rất ngắn. Mới khoảng
ba giờ chiều mà cảnh vật đã xám ngắt, nhất là bên ngoài mưa phùn mãi không tạnh.
Để đỡ sốt ruột chờ tàu cặp bến, bác sĩ Lộc kể cho tôi nghe một câu chuyện dị
thường. Dù chuyện diễn ra khá lâu, mà lúc thuật lại, ông vẫn không giấu được
nét xúc động,bởi đây là chuyện của chính ông, chuyện thật của người trong cuộc,
là một kỷ niệm sâu đậm mà ông không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Tôi xin phép
ông để được tường trình lại cùng bạn đọc, hy vọng không làm mất đi sự lôi cuốn
qua diễn tiến mà ông tỉ mỉ nói riêng với tôi chiều hôm đó. Được sự đồng ý của
bác sĩ Lộc, tôi tạm đặt tựa đề là " Đêm trong căn nhà hoang ", cho
sát với nội dung câu chuyện. Bây giờ, mời bạn đọc cùng tôi đi sâu vào thế giới
âm u của một đêm không trăng sao, ngủ tối trong một căn nhà đã lâu không có người
dám ở.
Ngay từ thuở mới lớn, khi còn ngồi ghế trung học. Lộc đã tỏ ra cứng cỏi, không
tin có ma qủy. Sau này tốt nghiệp y khoa, chàng lại mạnh dạn hơn, giải thích mọi
sự đều chỉ bằng cặp mắt khoa học. Đối với Lộc, những chuyện ma mà lâu lâu chàng
nghe kể, thật ra chỉ là do ảo giác hoặc do óc tưởng tượng của người ta thêu dệt.
Ai nói gì thì nói. Lộc thường chỉ lắc đầu cười. Cho nên đừng có ai dại mà đem
ma ra nhát Lộc! Bà mẹ Lộc thì khác. Gia đình vốn theo đạo Thiên Chúa, ít tin dị
đoan, ấy thế mà có lần mẹ Lộc bảo:
- Có chứ con! Có ma chứ! Chính Thánh Kinh cũng đã chép lại câu chuyện người ta
đem đến cho Chúa một người bị qủy ám để nhờ Chúa chữa! Con quên rồi hay sao?
Bên đạo mình gọi là qủy ám. Dân gian thì quen gọi là ma nhập. Cả đời mẹ chưa gặp
ma bao giờ, nhưng mẹ vẫn tin là có ma. Chỉ có điều là không phải ai cũng thấy
ma! Phải có thần giao cách cảm. Ma lựa người mà hiện hình. Có người mong gặp ma
mà suốt đời chẳng bao giờ gặp!
Lộc nửa đùa nửa thật đáp:
- Vâng! Con đây chứ ai! Chính con có lúc muốn gặp ma xem nó ra làm sao, mà đợi
mãi chả thấy!
Bà mẹ dè dặt khuyên:
- Con đừng có nói thế! Con người có linh hồn và thể xác. Vũ trụ có cõi âm và
cõi dương. Mẹ biết con tin vào khoa học, nhưng thiếu gì việc không thể dùng
khoa học mà cắt nghĩa được.
Lộc không muốn tranh luận với mẹ, nên chỉ ậm ừ cho qua. Bà cụ lại thêm:
- Có điều là ma qủy dù có hiện về thì cũng chỉ làm cho người ta sợ chứ không giết
được người ta!
Bẵng đi một thời gian rất lâu. Lộc lớn dần và ra trường, chuyện ma qủy chưa bao
giờ làm bận tâm Lộc, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cho đến hôm nay, chàng từ Sài
Gòn đáp xe về miền Tây, nhận nhiệm sở mới ở bệnh viện dân sự tỉnh, lần đầu tiên
chàng mới phải đương đầu với cảm giác rờn rợn xâm chếm tâm hồn, cái không khí
kinh dị bủa vây thân xác, bắt chàng dù muốn dù không cũng phải đặt vấn đề.
Xuống đến thị xã, việc đầu tiên là Lộc phải thuê một căn nhà, vừa để ở, vừa để
mai này có thể mở phòng mạch tư, khám bệnh thêm ngoài giờ hành chánh dành cho
nhà thương. May quá, lúc ngồi trên xe đò, có người mách cho Lộc một căn nhà gạch
cũ khang trang, mái ngói đã phủ rêu xanh, toạ lạc ngay ngắn dưới tàn cây me cổ
thụ. Nhà đẹp lại mát mẻ, nằm gần khu dân cư khá giả, có sân trước vườn sau
khoáng đạt, quanh năm rợp mát. Lộc mừng lắm, xách va-li dọn vào. Chủ nhân nhận
tiền, mở khoá giao cho chàng rồi vội vã bỏ đi như chạy trốn. Lộc không vào nhà
vội. Trời chiều thoảng gió. Mặt trời đã lặn hẳn sau dãy nhà bên kia đường.
Chàng đứng chống nạnh trên hè, gật gù quan sát cảnh vật chung quanh. Bên cạnh
chàng, sát chân cây sột gỗ là chậu mai chiếu thuỷ cao bằng đầu người nhưng đã
chết khô vì không ai chăm sóc. Mảnh sân rộng trước mặt, cỏ mọc bừa bãi, lan ra
cả lối đi lát gạch đỏ và che khuất hết hàng rào lưỡi mắc cáo. Lộc tặc lưỡi và tự
nhủ: Chẳng sao! Chỉ cần một buổi dọn dẹp là sẽ trở thành căn nhà lý tưởng. Kể
cũng lạ! Nhà đẹp như thế này mà lại bỏ trống để chờ chàng xuống mướn. Âu cũng
là duyên may! Lộc tự nhủ và gật gù mỉm cười đắc ý.
Nhưng bỗng Lộc giật mìnhthấy hàng xóm tứ phía đều thập thò nhìn chàng bằng cặp
mắt hết sức hiếu kỳ. Bên kia con đường đất rộng, mấy cái đầu già trẻ vừa từ
trong cửa sổ căn nhà đối diện, thò ra trố mắt đăm đăm nhìn Lộc. Bên trái cũng
thế. Một cô gái đang giặt quần áo, ngẩng lên trông sang, quên cả công việc, để
nước xà bông tràn ra đầy ngoài chậu. Ánh mắt ai cũng toát ra cái vẻ ngạc nhiên
và sợ sệt như rình rập một kẻ xa lạ vừa lạc bước vào thế giới biệt lập của họ.
Lộc bâng khuâng bước hẳn vào trong để tránh sự soi mói của thiên hạ. Chàng đứng
giữa phòng khách, hài lòng vì đồ đạc tương đối đầy đủ đúng như chủ nhà cho biết.
Tất cả đều bị phủ một lớp bụi dầy, mạng nhện giăng khắp nơi, chứng tỏ đã lâu lắm
không có người ở. Bộ salon nặng chình chịch bằng loại gỗ quí màu nâu đậm kê sát
vách. đối diện là cái sập gụ rộng rãi có cái gối mây đặt ở một góc. Rồi đến cái
tủ đứng cẩm lai, trên nóc để bát nhang lạnh ngắt, mấy cọng que màu đỏ cắm trong
cái bát đựng đầy cát, cháy tan chỉ còn thừa ra khoảng vài đốt ngón tay. Trong
cùng, gần khung cửa ăn thông vào buồng ngủ. Lộc thấy cái rương gỗ màu đen rộng
ngang, dài hơn một thước, có nẹp sắt han rỉ viền quanh là cái khoá to bằng nắm
tay, móc hờ vào ổ, nhưng chưa khoá. Cái rương loại hải tặc ấy, vừa có thể dùng
làm ghế ngồi, hoặc có thể dùng làm kệ để những thứ lặt vặt lêm trên. Nay mai,
khi mở phòng mạch, Lộc sẽ cho dẹp hết đồ đạc, chỉ kê mấy cái ghế cho bệnh nhân
ngồi đợi và các dụng cụ y khoa mà thôi. Lộc đặt va-li, nhìn quanh tìm cái chổi lông gà hoặc thứ gì có
thể phủi bụi được. Tình cờ quay ra, chàng giật mình vì thấy ngoài đường trẻ
con, người lớn vẫn thấp thoáng đi qua đi lại cả chục người, ai cũng chăm chú
nhìn vào bằng ánh mắt nghi ngại. Người ta xầm xì bàn tán, chỉ trỏ.Có người chỉ
lướt nhanh qua, rồi ngoái đầu lại. nhưng cũng có người đứng hẳn lại tròn mắt
làm Lộc vừa ngạc nhiên vừa bực bội. Cái đám dân tỉnh lẻ này sao lại bất lịch sự
như vậy? Chẳng lẽ họ chưa thấy người Sài Gòn bao giờ hay sao? Lộc vờ đi, quay
vô dọn dẹp tiếp. Chỉ nay mai họ sẽ biết chàng là ai! Tuy nghĩ thế, nhưng bất chợt
lâu lâu liếc ra. Lộc vẫn thấy người ta cứ thay phiên nhau kéo đến để tiếp tục
theo dõi chàng. Nhịn không được, chàng bước hẳn ra thềm, đứng chống nạnh, hầm hầm
nhìn thẳng vào mặt họ như thách thức. Họ chỉ tản mát một chút rồi túm tụm ở mỗi
gốc cây, vừa nói chuyện xầm xì, vừa nhớn nhác đưa mắt nhìn vào căn nhà của Lộc.
Bà cụ hàng xóm tay cầm cái chổi dài, mom men tiến lại góc sân tiếp giáp phía
nhà Lộc và dè dặt hỏi:
- Cậu mướn căn nhà đó hả?
Lộc mạnh dạn gật đầu:
- Vâng, có gì không bác?
Bà cụ vội lắc đầu:
- Đâu có gì! Tui hỏi cho biết vậy mà!
Lộc toan quay vào, thì bà cụ lại hỏi:
- Cậu là người Sài Gòn hả? Ai chỉ cho cậu mướm căn nhà vậy?
Lộc bước lại gần và đáp:
- Vâng, cháu vừa ở Sài Gòn xuống, tình cờ cháu gặp bà chủ nhà này trên xe
đò....
Bà hàng xóm ngắt lời:
- Chủ nhà nầy có tiệm vải ngoài chợ. Tiệm vải Kiến An. Cậu gặp bả trên xe đò hả?
Cậu mướn bao nhiêu? Có mắc không?
Lộc tò mò hỏi lại:
- Cháu xin lỗi bác, nhưng tại sao bác hỏi cháu về căn nhà này kỹ vậy? Bộ nhà
này ở không được hay sao? Mái bị dột nước, hay là....
Bà cụ vội xua tay lắc đầu nhắc lại:
- Đâu có! Hỏi cho biết vậy mà. Bị cậu là người lối xóm....
Bà bỏ dở câu nói và rút ngay vào nhà. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Người hiếu
kỳ vẫn thập thò ngoài lề đường. Lộc bực bội lắm, nhưng không biết làm ghì để phản
đối đám người tò mò ấy. Chàng thở dài rồi quay vào nhà và khép hờ cánh cửa gỗ lại.
Đang với tay tìm nút bật đèn thì một bóng đen kêu thết lên rồi lao vút từ nóc tủ
xuống đầu Lộc. Chàng giật mình né sang một bên, tim muốn ngừng đập. Nhưng định
thần lại, thì hoá ra chỉ là con mèo đen khá lớn của nhà ai vừa lẻn rất nhanh ra
ngoài. Lộc đứng yên, nhắm mắt lại, đặt bàn tay lên ngực và thở mạnh. Ngẫm nghĩ
một chút, Lộc buột miệng than thành tiếng:
- Lạ nhỉ! Từ lúc mình bước vào nhà, đâu có thấy con mèo này! Nó ở đâu, bất
thình lình hiện ra là làm sao?
Nói thế, nhưng Lộc bình thản nhún vai, mỉm cười rồi bỏ vào buồng trong. đó là
căn phòng ngủ gọn ghẽ có chiếc giường nệm kê giữa nhà, nhưng lạ nhất là vẫn
buông mùng. Cái mùng trắng toát khẽ bay phất phơ theo luồng gió nhẹ lùa qua khe
cửa sổ. Chàng vén mùng lên. Từng lớp bụi bay tung làm chàng quay mặt đi và hắt
hơi mấy cái liền. Chàng cần dọn dẹp qua loa rồi ra chợ kiếm cái gì ăn tối. Sáng
mai sẽ đến bệnh viện trình diện nhận việc. Chàng cầm cái gối phủi bụi trên giường,
rồi đi sâu xuống bếp. Trời mùa đông tối mau, từ cửa sổ trông ra, mảnh vườn cây
cối um tùm đang bắt đầu ngã sang màu xanh thẫm. Dưới gốc cây xoài cổ thụ sát đường
mương. Lộc thấy cái miếu nhỏ bằng gỗ, lá khô phủ gần ngập lên tới nóc. Chàng
ngó quanh một lúc, rồi quay lên nhà trên. Chàng đưa tay đẩy rộng cánh cửa chính
để lấy thêm ánh sáng, và bực mình thấy đám người hiếu kỳ vẫn tụ tập ngoài cổng
nhìn vào. Nhưng chàng bỗng ngạc nhiên thấy một cô gái mặc bộ đồ trắng, rẽ đám
người tò mò ấy, xăm xăm từ ngoài đường bước vào sân và tiến hẳn trên thềm. Cô mỉm
cười gật đầu chào Lộc. Chàng ngơ ngác bước ra đón khách. Cô gái có làn da trắng
muốt không son phấn, làm nổ bậc mái tóc dài đen nhánh thả xuống qua vai. Chàng
vẫn nghe nói ở tỉnh lẻ có những cô gái rất đẹp và hiếu khách. Đây là lần đầu
tiên chàng được tiếp xúc trực tiếp. Cô gái thản nhiên nhập đề:
- Chào ông ạ! Ông chắc mới ở Sài Gòn xuống?
Lộc gật đầu đáp:
- Vâng! xin lỗi cô là ai?
Cô gái thân mật giải thích:
- Em ở ngay đây. Đi ngang ghé vào nói chuyện với ông, vì dù sao ông cũng từ xa
đến....Ông đừng lấy làm lạ là tại sao người ta kéo nhau lại nhìn ông. Không phải
người ta nhìn ông đâu! người ta nhìn căn nhà này đấy. Tại căn nhà đã mấy năm
nay không ai dám ở. Bây giờ bỗng thấy ông dọn vào, thì người ta tò mò.
Lộc ngắt lời:
- Tại sao không ai dám ở hả cô? À, mà quên, xin lỗi cô tên là gì? Tôi là Lộc,
bác sĩ Vũ Xuân Lộc, mới về bệnh viện tỉnh. Mời cô vào nhà chơi!
Cô gái đứng yên, ngần ngại nhìn vô. Lộc giục hai ba lần nữa, cô vẫn đứng tại chỗ
và bảo Lộc:
- Cám ơn bác sĩ. Đứng ngoài này được rồi. Em sợ lắm, không dám vào đâu!
Lộc thấy bên hàng xóm và người ngoài đường vẫn lấm lét nhìn mình, nên chàng cười
trấn an cô gái:
- Có tôi mà cô sợ gì! Mời cô vào nhà, đứng ngoài này bất tiện lắm! cô thấy đấy,
bao nhiêu người theo dõi cô với tôi.
Cô gái đành miễn cưỡng bước theo Lộc. Cô đưa mắt nhìn quanh phòng khách bằng
ánh mắt sợ sệt rồi bảo:
- Bác sĩ thấy không? Bụi bám đầy nhà. Nhà này bỏ hoang hơn hai năm rồi. Đúng ra
là hai năm tám tháng!
Giọng cô run run khiến Lộc lại phải cười cho bớt không khí căng thẳng:
- Sao cô nhớ rõ vậy?....À, mà oti6 vừa mới hỏ, tên cô là gì?
Chàng chỉ ghế salon và nói:
- Cô ngồi tạm đây! Cô gái dè dặt ngồi ghé xuống ghế salon và đáp:
- Em là Tâm. Thanh Tâm.....thưa bác sĩ, ở đây ai cũng biết là căn nhà này bỏ trống
đã hơn hai năm, chứ không phải mình em. Thì bác sĩ thấy đấy. Bác sĩ dọn vào, ai
cũng ngạc nhiên!
Lộc càng thắc mắc. Chàng nhíu mày nhắc lại:
- Cô bảo không ai dám ở. Tại sao vậy cô?
Cô gái ngồi nghiêng, đầu hơi cuối xuống để suối tóc chảy dài một bên vai. cô ngẩng
lên nói nhỏ:
- Tại vì người ta đồn rằng căn nhà này có ma.
Lộc càng cười lớn rồi nói cứng:
- Tưởng gì chứ ma thì tôi không sợ. Tôi chỉ sợ người thôi!
Cô gái nghiêm mặt hỏi:
- Chủ nhà không nói cho bác sĩ biết hay sao?
Lộc nhún vai:
- Không! Bà ấy có nói gì đâu! Mà dù có nói, toi6 vẫn thuê như thường! Thứ nhất
là trên đời này không có ma. Thứ hai là dù có ma, thì ma cũng không đáng sợ! Ma
sợ tôi chứ tôi không sợ ma!
Cô gái đứng dậy và nói:
- Nếu bác sĩ không sợ thì tốt.....Không sợ thì bác sĩ cứ ở! Em chỉ nói trước
cho bác sĩ biết vậy thôi....Thoi6 em về đây. Tối rồi, em đường đột ghé vào thăm
bác sĩ, vì sợ rằng bác sĩ sẽ thắc mắc tại sao thấy bác sĩ dọn vào căn nhà này
mà hàng xóm cứ xúm lại nhìn!
Lộc hài lòng đáp:
- Vâng, thế thì cám ơn cô. Tôi hiểu rồi. Từ nãy đến giờ tôi cứ tự hỏi mình có
cái gì lạ lắm hay sao mà ngưởi ta phải theo dõi!
Cô gái bước ra cửa và nhắc lại:
- Em chào bác sĩ, em về!
Lộc tiễn khách và nói:
- Cám ơn cô nhiều lắm, cô Thanh Tâm. Mai kia tôi dọn nhà xong, mời cô lại chơi
nhé. Tôi mới về đây, chả quen ai. Nếu được cô coi như người quen, thì hân hạnh
cho tôi lắm!
Cô gái bước xuống thềm và đáp nhỏ:
- Em mới là người hân hạnh....Thôi, em về. Thỉnh thoảng em sẽ gặp lại bác sĩ.
Lộc theo Thanh Tâm ra hẳn ngoài lộ. Đám người hiếu kỳ vội vàng tản mác hết. Lộc
hoan hỉ đứng nhìn theo cô gái, cho đến khi cái bóng trắng nhỏ dần và khuất hẳn
sau một khúc rẽ, chàng mới quay vào. Chàng phủi bụi khắp lượt, lấy khăn lau bàn
ghế và quét nền xi măng bóng láng. Cái tin chàng mướn lầm căn nhà ma không làm
chàng bận tâm chút nào. Chàng chỉ nghĩ đến Thanh Tâm và thầm cám ơn đời đã cho
chàng cái may mắn bất ngờ ấy: người đầu tiên chàng làm quen ở miền đất lạ này lại
là một cô gái thật đẹp. Quét dọn xong, chàng ra sau nhà rửa tay. Ở góc vườn
phía tay trái, có một thân cây cổ thụ đã chết khô nhưng vẫn sừng sững đứng
nguyên. Những nhánh cây cong queo vươn tay đan chằng chịt vào nhau, tạo thành
những hình thù ma quái làm Lộc chợt thấy rờn rợn không dám nhìn. Chàng lau tay
vội vã, rồi toan quay vào thì bỗng dưng cái cây khô ấy ngã ập xuống đường
mương, đè lên một hàng cây nhỏ phía dưới, mặc dù lúc ấy trời không có gío. Lộc
lặng người đứng ngó một lúc rồi quay gót chui vào nhà, khép cửa cài then lại. Vẫn
biết đó có thể là một sự tình cờ: cái cây khô kia đã mục gốc từ lâu, và đến lúc
nó phải đổ. Nhưng Lộc vẫn hoang mang linh cảm thấy căn nhà này kỳ bí lắm, nhất
là từ khi cô hàng xóm Thanh Tâm tiết lộ cho Lộc biếtđây là căn nhà ma. Chàng cố
gắng xua đuổi mọi ý nghĩ đen tối trong đầu, khoá cửa thả bộ ra phố ăn tối và
mua sắm vài thứ lặt vặt, trong đó cái đèn pin là cần nhất bởi vườn sau không có
điện mà phòng tắm với cầu tiêu nằm ở tuốt mãi sát đường mương cách nhà bếp đến
gần trăm thước.
Lộc đi quanh một vòng thị xã, lúc trở về đã quá 9 giờ tối.Con lộ nhỏ vắng lặng
không có đèn đường, thấp thóang lúc mờ lúc tỏ nhờ những ánh điện leo lét trong
những căn nhà hai bên hắt ra, bị che lấp bởi từng lùm cây dày đặc. Lộc rọi đèn
pin, bật đèn phòng khách. Hai ngọn đèn tròn đã đứt mất một bóng giữa trần, chỉ
còn một ngọn gắn trên vách, toả ánh sáng vàng úa xuống cái bàn gỗ kê sát tường.
Lộc ngồi vào bàn, mở va-li đặt mấy cuốn sách y khoa bên cạnh, rồi lấy giấy bút
viết vội lá thư để sáng mai gửi về thành phố, thông báo địa chỉ cho gia đình. Một
cơn gió bất ngờ thổi ập đến, làm cánh cửa gỗ đang khép hờ mở tung ra. Lộc giật
mình đứng dậy khép cửa cài then, rồi trở lại bàn cặm cụi viết. Mới được vài
hàng thì chàng bỗng cảm thấy như có một luồng hơi lạnh ở sau lưng, rọi thẳng
vào ót rồi lan nhanh xuống xương sống làm chàng rùng mình. Như một phản xạ tự
nhiên, chàng buông bút, vòng cánh tay ra phía sau xoa gáy. Chờ một lúc, hơi lạnh
tan đi, chàng lại viết tiếp. Nhưng chỉ được một phút chàng lại thấy dường như
có một sức mạnh vô hình nào đó bắt chàng phải quay lại sau lưng, vì hình như có
ai đang đứng nhìn mình! Bấy giờ chàng mới nhớ ra những lời dặn của Thanh Tâm:
- Nhà này có ma, không ai dám ở! Bỏ hoang đã hai năm, tám tháng! Chàng không tin! chẳng lẽ giữa khu dân cư đông đúc này mà lại
có căn nhà ma. Nhưng chắc là ít ra có một điều bí mật nào đó trong căn nhà này,
dù không phải là ma. Bởi nếu không thì hàng xóm đâu có kéo đến nhìn chàng bằng
ánh mắt sợ sệt lúc chiều. Và nhất là Thanh Tâm, cô gái tỉnh lẻ hiền lành kia
đâu có phải tội nghiệp chàng mà tìm đến thông báo cho chàng biết trước. Nghĩ thế,
Lộc nín thở quay phắt lại! Dĩ nhiên là không có gì! vẫn bộ salon nằm im lìm. Vẫn
cái tủ đen với bát nhang lạnh lẽo trên nóc. Lộc nắm chặt bàn tay, đấm nhẹ xuống
sàn và tự cười mình:
- Hoá ra mình cũng sợ ma à! Nhảm nhí!:Làm gì có ma!
Chàng mỉm cười vá tiếp tục viết. Nhưng rõ ràng sau lưng chàng lại có sự thôi
thúc mãnh liệt và dường như có cả tiếng kêu nho nhỏ, toàn là những âm thanh lạ
lùng lắm, như tiếng người sắp chết đuối kêu cứu từ rất xa, lẫn vào tiếng nước
chảy của dòng sông cuồn cuộn. Rồi chỉ một phút sau, tiếng người tiếng nước đều
ngưng hẳn để đổi sang loạt âm thanh rin rít như những móng tay ai cào mạnh trên
sàn gỗ. Lộc quăng bút và bất ngờ quay phắt lại. Chàng nghĩ nếu có ma, thì con
ma sẽ không kịp biến hình. Chàng sẽ nhìn thấy nó! Nhưng vẫn chẳng có gì! Chàng
đứng dậy, cầm cái đèn pin vừa mua, bật sáng, rọi quanh mọi ngóc ngách trong căn
nhà. Rồi chàng mạnh dạn bước vào buồng ngủ và xuống tận nhà bếp. Trong nhà có
ngọn đèn nào, chàng bật lên hết. Chàng lên nhà và cười khẩy tự trách:
- Chỉ lo vớ vẩn! Ma với qủy cái gì! Cái cô Thanh Tâm lắm chuyện này, tự dưng
làm mình bị ám ảnh!
Lộc tắt đèn pin, ngồi vào bàn viết. Ngoài sân, chợt có tiếng mèo kêu vang lên
giữa bóng đêm vắng lặng, như tiếng trẻ con khóc não ruột. Một lúc rồi tất cả đều
trở lại im bặt. Lộc cố xua đi mọi ý nghĩ hoang mang, tập trung vào ngòi bút và
chỉ nghĩ đến gia đình ở Sài Gòn. Những cảm giác rờn rợn vẫn lởn vởn trong trí Lộc,
và sự thôi thúc sau lưng mới lúc nãy biến mất bây giờ lại trở về vây hãm toàn
thân chàng. Ngồi quay mặt vào vách, Lộc cảm thấy chắc sau lưng đang có người
nhìn mình. Hay là qủa thật có những hồn ma từ cõi âm hiện về như mẹ chàng bảo. Hoặc
là căn nhà này quả thật có ma như lời Thanh Tâm kể? Hèn gì bà chủ nhà chiều nay
đưa chàng lại đây, đã có những cử chỉ dáo dác như bỏ chạy sau khi nhận tiền mà
lúc đó chàng không để ý! Còn đang ngẫm nghĩ thì lại nghe tiếng móng tay cào
trên mặt gỗ từ từ lớn dần, rõ dần. Chàng cầm đèn pin, bật lên rồi từ từ xoay
người lại, quét vội vạch sáng khắp phòng. Tim Lộc bỗng thắt lại, và chàng kinh
hãi muốn hét lên vì rõ ràng cái hòm gỗ đen nằm ở sát vách, tuy vẫn đóng chặt,
nhưng có mấy ngón tay trắng toát thò ra, mấp máy ở gần ổ khóa, vùng vẫy như muốn
đẩy tung nắp hòm lên!
Lộc rón rén đứng dậy tại chỗ, nín thở dụi mắt, rồi rọi đèn vào thẳng ổ khóa của
cái hòm, thì mấy ngón tay kia đã biến mất rồi! Tim chàng đập thình thịch! Như vậy
có nghĩa là làm sao? Cảnh tượng vừa rồi, mấy ngón tay từ trong hòm thò ra, chỉ
là ảo giác hay quả thực có người nào đang nằm trong rương, cố gắng đẩy nắp
rương để chui ra? Đắn đo một chút, Lộc lấy lại bình tĩnh, từ từ tiến lại, đèn
pin vẫn bật sáng chiếu thẳng vào cái hòm kỳ bí. Khi còn cách khoảng cái hòm khoảng
một thước, chàng dừng lại, cầm cái cán chổi, chọc mạnh vào ổ khóa. Ổ khoá tuy
chưa bóp lại, nhưng móc vào khuy, rõ ràng nắp rương đóng chặt, không thể thò
bàn tay lọt ra ngoài được! Nghĩa là cảnh tượng vừa rồi chỉ là tưởng tượng do
trí óc sợ hãi mà sinh ra.
Chàng đứng yên suy nghĩ. Hay là trong cái hòm này có người chết đã lâu, bây giờ
chỉ còn bộ xương khô? Chàng lấy cán chổi gõ mấy cái trên mặt hòm, rồi nín thở
bước thêm bước nữa lại gần. Chàng len lén ngồi xuống, hồi hộp tháo ổ khoá ra.
Tháo xong, chàng lùi lại đứng yên vài giây rồi gồng mình lấy can đảm mở bật nóc
hòm lên. Tiếng bản lề lâu ngày han rỉ kêu kèn kẹt. Nắp hòm bật tung lên. Không
có gì trong đó! Chiếc hòm trống rỗng, lộ ra lớp gỗ mộc để nguyên không sơn phết!
Chàng thở mạnh kết luận: mấy ngón tay thò ra lúc nãy chỉ là ảo giác chứ không
có thật! Nhưng lạ một điều là, khi nắp hòm vừa bật lên, thì một luồng hơi lạnh
buốt toát ra, phà vào mặt chàng khiến chàng phải lùi lại, đồng thời bao nhiêu
bóng đèn trong nhà đều phụt tắt và con mèo đen từ nóc tủ lao vút xuống phía
chàng, kêu thét lên trước khi biến mất vào gầm giường. Lộc đứng tim, muốn ngất xỉu. Cả căn nhà ngập trong bóng tối,
may mà ngọn đèn pin le lói chiếu thẳng vào đáy hòm. Lộc nhìn kỹ từng góc cạnh,
rồi với tay đậy nắp hòm lại. Lập tức đèn trong nhà sáng lên như cũ: đầu óc
chàng vốn nặng tính khoa học mà giờ này, trước nhữngvhiện tượng không giải
thích nổi, Lộc đàng phải ngờ ngợ tin rằng quả thật căn nhà này có ma. Ngày mai
chàng sẽ hỏi thăm Thanh Tâm, tìm gặp nàng và năn nỉ nàng kể cho nghe đầu đuôi
những gì đã xảy ra trong ngôi nhàkỳ bí này. Chàng đoán là Thanh Tâm biết rõ hoặc
ít ra nàng nghe người ta kể lại, và chàng lấy làm tiếc đáng lẽ chiều nay chàng
đã phải hỏi rồi, nhưng bởi tánh ương ngạnh không tin chuyện ma, nên khi nghe
Thanh Tâm nói chàng chỉ cười khẩy, tỏ ý khinh bỉ! Chàng cầm đèn oin ra sau bếp,
tìm một ly nước vì cổ họng đang khát khô như người lên cơn sốt. Rồi chàng lên
nhà, trở lại bàn viết. Ngang qua cái hòm đen, chàng dừng lại lột chút và toan mở
thử lần thứ hai xem cái ngọn đèn trong nhà có phụt tắt nữa hay không. Nhưng
chàng lưỡng lự, đăm đăm nhìn rồi lại ngần ngại bỏ sang bàn viết.
Lộc vén tay áo nhìn đồng hồ: đã quá nửa đêm. Không gian hoàn toàn vắng lặng,
không một tiếng bước chân người ngoài đường. Tiếng radio vang vọng lúc nãy từ một
căn nhà xaxăm nào đó, giờ này cũng im bặt. Chỉ có tiếng gió thổi xào xạc qua
khóm lá quanh nhà, từng cơn phần phật như vũ bão rồi lại nhẹ hẳn đi, rì rào như
sóng vỗ êm đềm. Lộc cầm bút lên, viết nốt lá thư đang dở. Nhưng chỉ được mấy
phút, sau lưng chàng dường như lại thấy một luồng hơi giá buốt thổi vào ót làm
chàng dựng tóc gáy lên. Và tiếng móng tay cào trên sàn gỗ nghe rõ mồn một. Lộc
quay phắt lại, nhìn ngay cái hòm đen và chàng giật thót người đánh rơi cây bút
xuống đất: rõ ràng cái nắp hòm vừa kênh lênh một chút, và vẫn cái bàn tay trắng
xanh thò ra, mấy ngón tay ngo ngoe vẫy gọi chàng đến gần. Chàng dụi mắt nhìn lại
cho kỹ, thì ra bàn tay không còn nữa.
Chàng thốt nhớ đến câu chuyện đã đọc trong sách của Thế Lữ: một người âm mưu giết
bạn mình để lấy gia tài, bạn chưa chết nhưng nhất định ấn vào hòm, đóng đinh lại.
Người bên trong vùng vẫy, bật được nắp hòm lên và chui ra giết lại người bạn phản
phúc, bỏ vào hòm! Lộc choáng váng liên tưởng đến cái hòm sau lưng mình, và chợt
hình dung ra một cảnh giết người tương tự như vậy. biết đâu cái hòm kia, sau
lưng chàng, chẳng từng đựng xác ai trong đó, và oan hồn đêm nay hiện ra với
chàng, như đã từng hiện ra với nhiều trước đây, khiến không ai dám ở trong căn
nhà này! Nếu đúng như thế thì mai này chàng sẽ phải quăng bỏ cái rương, hoặc tốt
nhất là đem đốt đi. Với người Phật Giáo, thì cúng kiếng cho linh hồn siêu
thoát. Còn chàng theo đạo, thì xin lễ nhà thờ cầu cho linh hồn người đã khuất,
đồng thời đón cha đến rảy nước thánh làm phép căn nhà này để trừ tà. bất giác Lộc
thò tay vào túi và chợt hối hận không mang theo cỗ tràng hạt có tượng thánh giá
để treo lên trần.
Lộc nhặt cây bút lên, định viết tiếp. Nhưng không viết nổi. Trí óc chàng bây giờ
hoàn toàn bị chi phối bởi cái hòm và những ngón tay thò qua khe, vẫy gọi chàng.
Chàng có cảm tưởng hễ hễ mình quay lại nhìn thì bàm tay biến mất. Nhưng hễ
chàng xoay lưng đi thì mấy ngón tay lại thò ra. Chàng đứng dậy tính xem nên làm
gì. Để cái hòm lù lù trong nhà đêm nay, thì chàng sẽ không thể nào ngủ nổi. Hay
là lôi nó ra quăng ngoài sân? Hoặc giản tiện hơn là lấy cái mền trùm lên, coi
như không có nó trong nhà. Giờ này thì chàng tin chắc cái hòm mờ ám kia phải
liên quan đến một cái chết thảm lhốc. Chàng đứng tần ngần một chút rồi vào buồng
ngủ lôi ra cái chăn dày ở đuôi giường, mở tung, đem ra phủ kín lên cái hòm để
chuẩn bị đi ngủ vì đêm đã quá khuya. Làm xong, chàng để nguyên mọi ngọn đèn
sáng, và mặc nguyên quần áo lên giường buông mùng xuống. Nằm trong buồng, cách
một bức vách, chàng không còn nhìn thấy cái hòm nữa.
Nhưng vừa nhắm mắt được mấy phút thì ở ngoài, tiếng móng tay cào trên sàn gỗ lại
vang lên nho nhỏ rồi cứ thế mà lớn dần, làm chàng run lên bần bật. Chàng mường
tượng ra cái cảnh rùng rợn một người nào đó còn sống bị nhét vào cái hòm này,
những ngón tay vẫy vùng cào cấu chung quanh để thóat ra mà thoát không nổi,
đành chết ngộp trong đó. Nhớ lời mẹ dặn, chàng ngồi dậy đọc kinh và tự an ủi bằng
lời nhận xét của mẹ chàng có lần bảo:
- Ma chỉ làm cho người ta sợ, nhưng không thể giết được người ta.
Chưa bao giờ trong đời Lộc mong trời sáng đến thế! Thời gian trôi quá chậm. Còn
đến mấy tiếng đồng hồ nữa bình minh mới ló dạng. Đọc kinh xong, chàng an tâm nằm
xuống và nhắm mắt quay mặt vào vách, lắng tai nghe ngóng. Tức thì tiếng móng
tay cào gỗ lại nổi lên. Lộc ngồi bật dậy, không dám nằm nữa. Chàng để ý thấy, hễ
chàng nhắm mắt để ngủ, thì oan hồn sẽ đánh thức chàng dậy. Như vậy chỉ còn mộtcách
duy nhất là chàng ngồi thức trắng đêm, can đảm nhìn thẳng vào cái hòm thì hồn
ma mới không hiện hình. Chàng biết trước sáng mai vào nhà thương sẽ mệt nhừ, vừa
khám bệnh vừa ngủ gật! Tính toán một lúc, chàng bước xuống giường, cầm đèn pin
ra phòng khách. Chàng đứng nhìn cái hòm đăm đăm, rồi quyết định lôi nó ra sân.
Chàng khom người cúi xuống, kéo tấm mền quăng lên salon, rồi quay lại nắm cái
quai ở một đầu rương để lôi ra cửa. nhưng chàng không ngờ cái hòm rỗng mà nặng
như có một sức nặng kéo ghì lại. Chàng cố lôi đi và chỉ mới nhích được môt chút
thì cái quai sắt cũ kỹ bật tung ra làm chàng té ngửa tren sàn nhà. Chàng không
bỏ cuộc, quay sang đầu bên kia, nắm cái quai còn lại, kéo lê chiếc hòm trên sàn
xi măng, keu6 lên rin rít như ai oán. hì hục đến hơn nửa giờ, toàn thân mệt
nhoài. Lộc mới đưa được cái rương ra ngoài, đặt trên hiên. Trời khuya thấm lạnh
hơi sương. Gió bất chợt thổi mạnh, rít lên trong các tàn cây rậm rạp. Con đường
trước mặt không một bóng người hay xe cộ qua lại. Lộc bước nhanh vào nhà và
khép cửa, cài then cẩn thận. Đôi mắt cay cay, chàng đưa tay che miệng ngáp và lững
thững vào buồng ngủ. Mọi đèn vẫn để nguyên không dám tắt. Nhìn đồng hồ đã hơn 2
giờ sáng, chàng chui vào mùng và an tâm nhắm mắt lại. Chàng đưa tay làm dấu
thánh giá, cố gắng ngủ vài tiếng cho đỡ mệt vì sáng mai là ngày đầu nhận việc.
Nhưng bỗng chàng giật bắn người ngồi bật dậy: ngoài nhà, tiếng cánh của từ từ mở,
kêu kèn kẹt những âm thanh khô khancủa chiếc bản lề lâu ngày khô dầu mỡ. Rõ
ràng Lộc đã khép chặt, cài cả hai then ngang, không ai có thể thò tay vào và mở
ra được. Chẳng lẽ cái cánh cửa nặng nề ấy tự động mở! Chàng ngồi bất động trong
mùng không dám bước xuống, mắt mở trừng trừng, lắng tai nghe ngóng. Im lặng một
chút, rồi tiếng móng tay cào gỗ lại trở về rất gần như ngay bên tai Lộc. Mồ
hoi6 Lộc vã ra như tắm. Khá lâu, chàng mới vớ cái đèn pin, rón rén chui khỏi
mùng, vịn một bàn tay vào vách và thò đầu ngó ra phòng khách. Chàng buột miệng
kinh hãi kêu lên:
- Lạy Chúa tôi!
Chàng thấy cánh cửa chính mở toang và chiếc hòm nằm lù lù ngay giữa nhà! Chàng lặng người đứng chết cứng tại chỗ, mắt mở trừng trừng
như sắp lạc thần. Tiếng móng tay cào gỗ đã im bặt. Nhưng một luồng gió lạnh thổi
hắt vào làm chàng rùng mình như kẻ cô đơn lạc vô nghĩa địa một mình giữa nửa
khuya để thấy chung quanh toàn là tử khí. Chàng đứng nhìn cái hòm đen một lúc,
rồi men theo bức tường đi ra khép cửa lại. rồi chàng lôi cái hòm đặt lại vị trí
cũ, bởi giờ này thì chàng phải tin rằng oan hồn kia không muốn ra khỏi căn nhà
này. Trong lúc tuyệt vọng, chàng nhìn lên nóc tủ, hy vọng tìm được một cây
nhang còn sót lại để tỏ nỗi lòng đối với người khuất mặt, như bạn bè chàng thường
nói mà trước đây chàng chưa bao giờ tin. Bát nhang lạnh ngắt, chắc đã vài năm
không ai thắp, màng nhện giăng dầy đặc. Cái tủ khá cao. Chàng kéo cái ghế lại
và đứng lên, hy vọng trên nóc tủ còn sót cây nhang nguyên vẹn nào không. Nhưng
nhang không có. Không có gì cả ngoại trừ một cái khung hình lật úp, bụi phủ dày
cộm. Chàng tò mò cầm lên, lật ngửa và thổi lớp bụi đóng trên mặt kính. Rồi
chàng bật đèn pin để xem cho rõ mặt người trong bức hình trắng đen ấy. Chàng thảng
thốt kêu lên một tiếng hãi hùng, rồi mất thăng bằng lạng quạng từ trên ghế té
xuống đất. Trong hình, chính là cô gái chàng gặp hồi chiều trước cửa nhà. Dưới
tấm hình ghi rõ:
" Nguyễn thị Thanh Tâm
Sinh năm 1951, chết năm 1970. "
Ngồi tựa lưng vào vách một lúc khá lâu để thở. Lộc mới lấy lại phần nào điềm
tĩnh, lồm cồm đứng dậy. Mồ hôi toát ra dầm đìa trên trán và hai bên thái dương,
chàng cầm khung hình người quá cố, lấy giẻ lau sạch rồi dựng ngay ngắn trên nóc
tủ. Chàng qùy xuống khoanh tay đọc kinh, xin Chúa cho linh hồn Thanh Tâm về nơi
vĩnh cữu. Nỗi kinh sợ trong lòng giảm hẳn đi. Bây giờ thì chàng biết Thanh Tâm
chết oan, hồn còn phảng phất trong căn nhà này, nên hiện về để báo cho chàng biết.
Chàng xót xa nhớ lại hình ảnh Thanh Tâm chiều nay đến với chàng, nét đẹp hồn
nhiên như thiên thần mà có ngờ đâu lại gặp thảm hoạ ở tuổi 19. Chàng sắp xếp mọi
chi tiết đã xảy ra từ tối đến giờ và đoán chắc Thanh Tâm đã bị nhét vô cái hòm
oan nghiệt kia để chôn sống. Nàng đã vẫy vùng nhưng không thoát khỏi sức mạnh của
kẻ sát nhân. Nghĩ thế, Lộc đứng bật dậy làm dấu thánh giá rồi chạy lại mở nắp
hòm lên, bật đèn pin rọi kỹ từng góc cạnh. Quả nhiên chàng nhận ra những vết
máu còn khá rõ in hằn trên lớp gỗ mộc không sơn phết phía trong rương. Những vết
máu ấy hoặc vừa mới xuất hiện cho chàng thấy, hoặc vốn đã nằm ở đó mà lúc nãy
khi mở hòm lần đầu chàng không chú ý. Chàng thở dài, đậy nắp, ngước nhìn bức
hình trắng đen một lần nữa và thì thầm:
- Cô Thanh Tâm ơi! Xin hãy an nghĩ đừng về nữa. Tôi đã hiểu rồi nỗi oan khuất của
cô! Thôi giã từ! Cô Thanh Tâm nhé!
Rồi chàng bỏ vào buồng ngủ. Quả nhiên từ đó cho đến sáng, cảnh vật hoàn toàn
bình lặng, không còn tiếng động nào đánh thức chàng trong màn đêm u tịch.
Qua mấy tiếng đồng hồ ngủ bình an trong căn nhà lạ, Lộc choàng mắt dậy thì bên
ngoài mặt trời đã lên cao, nắng rọi chan hoà qua các khe hở. Lộc ngồi lên, dụi
mắt và mấy giây sau mới nhớ lại trọn vẹn câu chuyện đêm hôm qua. Chàng lao vội
xuống đất. Việc đầu tiên là chàng chạy ra phòng khách, nhìn lên bức hình Thanh
Tâm trên nóc tủ. Người như thế sao lại chết quá sớm! Lộc bùi ngùi lắc đầu thở
dài rồi quay lại nhìn chiếc hòm đem kê sát vách, từng hành hạ súôt đêm qua. Sực
nhớ ra sáng nay phải trình diện nhận mhiệm sở, Lộc tạm gác chuyện nhà, ra sau
đánh răng rửa mặt để chuẩn bị đến bệnh viện.
Thay quần áo xong. Lộc bước ra thềm. Toan khoá cửa thì chàng giật mình thấy cả
chục người đứng lố nhố thập thò ngoài đường nhìn chàng soi mói. Ai cũng ngạc
nhiên và dường như thất vọng vì sau một đêm trong căn nhà ma, chàng vẫn còn
nguyên vẹn, không sức mẻ gì cả! Chàng khóa cửa rồi quay lại nhìn họ và mỉm cười.
Lập tức họ tản mác ra xa, nhất là khi chàng bước xuống sân để ra đường. Bà hàng
xóm đứng dưới hàng mướp, há mồm nhìn chàng ngơ ngác. Đêm qua cả nhà bà nằm yên,
hồi hộp lắng nghe mà tuyệt nhiên không thấy biến cố nào từ nhà Lộc đánh thức bà
dậy như người ta đồn đãi. Mà chẳng phải người ta đồn đãi. Chính mắt bà chứng kiến
vài người thuê trước đây, hoặc tung cửa bỏ chạy giữa đêm khuya, hoặc sáng sớm
đã phờ phạc dọn đồ ra và đi vĩnh viển. Chỉ có mình Lộc là thản nhiên như không,
còn mỉm cười gật đầu chào bà nữa! Bà tò mò hỏi:
- Cậu Ba hồi hôm ngủ được không?
Lộc biết bà ta đang theo dõi mình, nên điềm tĩnh đáp:
- Dạ, được chứ Bác! Bà không biết nói gì nữa, chỉ trố mắt nhìn Lộc ngạc nhiên. Nếu
thế thì bà tiếc lắm, bởi chủ nhân đã gạ bán rất rẻ cho bà mà ba không dám mua.
Lộc đến bệnh viện gần 10 giờ. Chàng vào trình diện bác sĩ giám đốc, mà đầu vẫn
mang nặng hình ảnh cô gái bạc mệnh. Rất may chàng được ông cho nghỉ thêm một
ngày thu xếp chỗ ăn chỗ ở. Để bù lại thì đêm nay chàng sẽ phải trực bệnh viện
đêm đầu tiên, thay cho một đồng nghiệp xin nghỉ bất ngờ vì gia đình ở Sài Gòn
có chuyện khẩn cấp. Lộc cám ơn rồi vội vã ra phố. Chàng không về nhà mà xhạy
ngay lại tìm bà chủ nhà, có tiệm bán vải ngoài thị xã. Bà tuổi ngoài năm mươi,
buôn bán lâu năm, quen biết gần hết bạn hàng ngoài chợ. Người ta theo thói
quen, lấy tên tiệm để đặt tên cho chủ nhân, nên ai cũng gọi là bà Kiến An,
chánh quán của vợ chồng bà trước khi di cư. Vì là người Bắc lọt vào chung sống
giữa khu sinh hoạt toàn dân địa phương, nên lúc nào bà cũng phải tỏ ra vồn vã với
người chung quanh. Chồng bà ngày trước là sĩ quan tiếp liệu phục vụ ngay trong
tiểu khu, mới giải ngũ được hai năm, về phụ với vợ con đi giao hàng xuống các
chợ quận. Nói chung thì đó là một gia đình rất thành công về mặt kinh tế.
Buổi sáng hôm ấy tiệm vải chưa có khách. Bà Kiến An đang ngồi ở chiếc bàn nhỏ
sát vách bên trong, trước mâm bánh hỏi thịt quay và ly sữa đậu nành, thì Lộc lừng
lững đi vào. Hôm qua từ bến xe đò, chàng có theo bà đến đây, nhưng chỉ đứng ở
ngoài chờ bà vào lấy chìa khoá rồi cùng bà đến căn nhà cũ.
Vừa gắp miếng thịt quay chưa kịp đưa lên miệng thì thấy Lộc xuất hiện, bà Kiến
An sợ quá, mặt tái nhợt, quăng vội đôi đũa và đứng bật dậy chờ đợi. Bà yên trí
là Lộc đến để chửi bà, vì trước khi cho thuê bà đã không nói cho Lộc biết căn
nhà đó có ma. Kinh nghiệm này bà đã trải qua đến ba lần: người mướn chỉ ở có một
đêm rồi đòi tiền lại và bỏ đi. Huống chi dân tỉnh lẻ vốn nể người học thức, biết
Lộc là bác sĩ, bà càng sợ hơn. Nhưng trái với dự đoán của bà, Lộc tiến thẳng
vào, tự tiện kéo ghế ngồi đối diện rồi mệt mỏi hỏi:
- Cô Thanh Tâm là gì của bà?
Bà Kiến An há hốc mồm nhìn Lộc, khá lâu mới ú ớ hỏi lại:
- Làm sao bác sĩ biết nó?
Lộc nhắc lại bằng giọng lạnh lùng hơn:
- Cô ấy là gì của bà?
Bấy giờ bà Kiến An mới bật khóc và nói:
- Nó là con gái đầu lòng của vợ chồng tôi! Nó chết rồi, bác sĩ ơi....chết thảm
lắm! Quân sát nhân nhét con gái tôi vào hòm, định đem đi thủ tiêu. Nhưng con
gái toi6 còn sống, tỉnh dậy trong hòm, giãy giụa vùng vẫy, chúng nó lấy búa đập
cho vỡ đầu! Khổ thân con tôi!...
Ngừng một chút, bà nức nở tiếp:
- Bác sĩ ơi! Hôm ấy trời mưa to. Cả nhà tôi đi vắng. Hai thằng chúng nó rình từ
lâu rồi mà chúng tôi không biết. Đợi cả nhà đi vắng mà trời lại mưa, chúng nó mới
lẻn vào ăn trộm. Trời xui đất khiến giữa lúc ấy thì cháu Tâm ở ngoài chợ về. Thế
là chúng nó túm ngay lấy......
Lộc đưa tay ngăn lời bà, rồi nhắm mắt lại và thở dài. Chàng không muốn nghe nữa.
Bí đát quá! Mọi phỏng đoán của chàng đều đúng cả. Diễn tiến cái chết của Thanh
Tâm, chàng sẽ tìm hiểu sau. Vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ là làm sao để
linh hồn người quá cố được an nghỉ, không trở về nữa. Chàng mủi lòng nhìn bà Kiến
An thương cảm. Ngay từ lúc bước vào, chàng đã ngờ ngợ đoán là bà có liên hệ ruột
thịt với Thanh Tâm bởi Thanh Tâm có khuôn mặt rất giống bà. Gần ba năm nay bà
đã khóc nhiều, nước mắt tưởng đã khô cạn rồi mà hôm nay lại phải trào ra vì câu
hoỉ gợi nhớ của Lộc. Chàng mủi lòng nói nhỏ:
- Vâng! Tội nghiệp cô ấy xinh đẹp thế mà lại yểu mệnh!
Bà Kiến An nâng vạt áo thấm hai bên mắt, rồi mở to mắt ngạc nhiên hỏi Lộc:
- Làm sao bác sĩ biết nó? Vâng! Con bé xinh xắn phúc hậu lắm, mà trời chẳng
thương! Chắc có ai kể cho bác sĩ nghe, phải không?
Chàng chưa kịp đáp thì bà quay vào gọi lớn:
- Liên ơi, dọn mâm xuống. Lấy cho bà bình trà, nhanh lên!
Lộc vội cản:
- Mời bà cứ tự nhiên. Bà vừa ăn sáng vừa nói chuyện cũng được.
Bà Kiến An đan hai bàn tay vào nhau và từ tốn nói:
- Không dám! Hay là để mời bác sĩ ăn quà luôn thể! Lộc xua tay:
- Cám ơn bà. Không dám làm phiền bà!
Chàng vừa dứt câu thì cô người làm từ căn buồng nhỏ ra dọn bàn, đồng thời đặt
khay trà nóng, rót ra hai cái tách nhỏ. Chàng đỡ một ly từ tay bà Kiến An rồi
trở lại câu chuyện cũ. Chàng bùi ngùi nói:
- Chẳng có ai kể với tôi cả. Chính bà còn không kể thì huống chi là người
ngoài. Sỡ dĩ tôi biết cô Thanh Tâm là vì đêm hôm qua tôi gặp cô ấy!
Bà Kiến An ngồi tựa ra thành ghế, đôi mắt nhìn xa xăm rồi giòng lệ từ từ chảy
xuống. Chuyện này với bà không có gì lạ. Con bà đã hiện về với nhiều người, và
người nào cũng phải bỏ căn nhà ấy. Bà sụt sùi nói:
- Con tôi chết oan. Hồn chưa siêu thoát được!
Lộc điềm tĩnh bảo bà:
- Tôi vốn không tin chuyện hồn ma hiện về. Mãi hôm qua thì tôi đành phải tin.
Nhưng tôi hy vọng từ nay con bà sẽ không về nữa đâu.
Bà Kiến An lại thêm một lần ngạc nhiên về câu nói của Lộc. Bà hỏi lại:
- Bác sĩ bảo sao cơ ạ! Con tôi từ nay không về nữa? Sao bác sĩ biết?
Lộc chậm rãi giải thích:
- Tôi cũng chỉ đoán thế thôi. hôm qua tôi đã thử và thấy có kết quả! Tôi đề nghị
thế này: Bà với tôi đem chôn cái hòm đó đi. Tại sao đã hơn hai năm nay mà bà vẫn
giữ cái hòm ấy để làm gì?
Bà Kiến An ngắt lời:
- Thưa tại vì dạo ấy cảnh sát đòi giữ cái hòm ấy lại để làm tang vật. Rồi nhà
tôi cứ để đấy. Mấy lần định đem đốt đi mà rồi chả hiểu sao cứ quên!
Lộc tiếp tục ý kiến của mình. Chàng nói:
- Vâng! Bỏ đi là phải. Nhưng không nên đốt, mà nên đem chôn. Hôm qua tôi tìm thấy
bức hình cô Thanh Tâm bị lật úp trên nóc tủ. Tôi đã lau sạch và dựng lại đàng
hoàng rồi. không có nhang đèn gì cả, nhưng tôi đọc kinh cầu cho linh hồn cô ấy.
Quả nhiên từ ấy cô ta không về nữa. Bà theo đạo Phật thì bà đón thầy đến cúng
cho cô ấy. Còn toi6 là người công giáo, tôi sẽ xin lễ nhà thờ cầu cho cô ấy yên
nghỉ, xong rồi tôi sẽ ở lại căn nhà của bà....
Bà Kiến An cảm động oà lên khóc lớn, rồi đứng dậy bước sang níu vai Lộc:
- Tôi không biết nói lời gì để tạ ơn bác sĩ có lòng đối với con tôi. Vâng! Bác
sĩ dạy thế nào, tôi cũng xin vâng theo. Bác sĩ chờ cho một lát để tôi bảo nó đi
gọi nhà tôi. Ông ấy mới ra chợ ăn hủ tíu. Để tôi cho người đi gọi ngay. Hôm nay
tôi đóng cửa hiệu để lo việc cho cháu Thanh Tâm! Trăm sự nhờ bác sĩ cả!
Dứt lời bà gọi người làm, bảo chạy ngay ra chợ. Còn bà thì lên lầu thay áo dài,
chuẩn bị đám tang lần thứ hai cho con gái.
Qua một ngày bận rộn trăm việc, Lộc chờ đêm đến và quả nhiên căn nhà trở lại
bình thường, không còn tiếng động nào nữa. Thậm chí con mèo đen đêm hôm qua hai
lần xuất hiện, tối nay cũng biến mất hẳn, không quấy rầy Lộc nữa. Bà Kiến An
đem bức hình Thanh Tâm về lập bàn thờ cúng kiến cho con. Còn Lộc thì đến nhá thờ
xin tượng thánh giá treo trên nóc tủ. Hàng xóm chung quanh nhìn Lộc hết sức cảm
phục, kéo nhau đi theo đám tang chôn cái hòm rỗng, cả mấy chục người.
Đêm hôm sau, Lộc có ca trực đầu tiên tại bệnh viện. Chàng thấy lòng mình thanh
thản vì vừa giải quyết xong được một câu chuyện khúc mắc đã mấy năm ở thị xã
này, giúp cho ông bà Kiến An đỡ tủi thân mà vong linh cô Thanh Tâm cũng được
yên ổn bên kia thế giới. Chàng đi một vòng bệnh viện, qua các khu điều trị
chuyên môn, đọc báo cáo của y tá, chữa một vài bệnh nhân khẩn cấp rồi trở về
phòng trực ngồi viết lá thư cho mẹ. Bây giờ thì rất cảm phục mẹ mình. Chàng sẽ
kể tỉ mỉ câu chuyện căn nhà ma mà chàng đang ở để xác nhận với mẹ rằng mẹ chàng
nói đúng: quả thực dương gian có sự hiện hữu của người từ cõi âm. Chàng coi đây
là một kinh nghiệm hiếm có mà chắc sẽ chẳng bao giờ tái diễn lần thứ hai trong
đời. Gần nửa đêm, khuôn bệnh viện bắt đầu lắng đọng. Người vào
thăm nuôi đã ra về hết. Chàng nhờ nhân viên xuống câu lạc bộ mua cho chàng ly
cà phê đá. Trong khi chờ đợi, chàng mở tờ báo cũ cách đây gần ba năm mà ông bà
Kiến An vẫn giữ kỹ trong tủ, bởi tờ báo ấy có đăng bản tin ngắn về cái chết của
Thanh Tâm. " Án mạng rùng rợn: Cướp của giết người. Nạn nhân là một thiếu
nữ 19 tuổi ". Báo chí VN thì thường chỉ làm được một chức năng là thông
tin thôi, chứ ít có trường hợp người ký giả hay phóng viên tự nguyện lao và những
cuộc điều tra rắc rối mà đôi khi đạt được hiệu quả cao hơn cả cảnh sát, như báo
chí bên Mỹ. Lộc đọc lướt qua bản tin, rồi lại chăm chú nhìn lại bức hình Thanh
Tâm in khá lớn bên cạnh. Vẫm là bức hình trên nóc tủ mà hôm qua chàng đã trao
cho ông bà Kiến An đem về nhà lập bàn thờ. Lòng chàng lại nao nao lên một niềm
xúc động khôn nguôi. Chàng gấp tờ báo, cất vào cặp để trả lại cho ông bà Kiến
An. Rồi chàng lấy giấy bút trong ngăn bàn ra viết. Mẹ chàng chắc chắn sẽ ngạc
nhiên vì lần đầu tiên thằng con bướng bỉnh như Lộc mà đành phải tin có ma. Nghĩ
đến đây, bỗng dưng Lộc mỉm cười, ngừng bút, nâng ly cà phê uống một hớp lớn, rồi
đứng dậy bước ra hành lang. Đã quá nửa đêm, sân bệnh viện không còn một bóng
người. Chỉ có những ngọn đèn vàng hiu hắt trong không gian mờ mờ hơi sương.
Chàng đứng một lúc cho thoáng khí, rồi quay vào phòng ngồi viết tiếp. Bỗng có
tiếng gõ cửa. Chàng ngẩng lên nhướng mắt nhìn ra, nhưng không nhận rõ một cô y
tá mặc áo blouse trắng đang đứng ngoài hành lang mờ tối. Cô lên tiếng:
- Xin lỗi bác sĩ!
Lộc dịu dàng nói:
- Không sao! Cô cứ vào đi. Có việc gì đấy!
Cô y tá bước hẳn vào trong, nhưng đứng sát khung cửa, dáng điệu rụt rè có lẽ vì
lần đầu tiên gắp Lộc. Ở bệnh viện nào thì lâu lâu vẫn có những ông bác sĩ rất
khó tính mà nhân viên cũng như bệnh nhân đều sợ. Lộc thoải mái nhắc lại:
- Có việc gì đấy cô?
Vừa nói chàng vừa chăm chú quan sát. Cô y tá còn trẻ lắm, nhưng nét mặt có vẻ
xanh xao mệt mỏi như thiếu ngủ lâu ngày, hoặc có lẽ vì cô chuyên làm ca đêm. Cô
nói:
- Thưa bác sĩ, bên khu nội khoa có bệnh nhân vừa mới chết. Xin bác sĩ xuống chứng
nhận để chuyển qua nhà xác. Lộc gấp vội tờ giấy và đứng dậy nói:
- Vâng! Tôi xuống ngay!
Chàng mở hộc tủ. cất giấy bút vào. Cô y tá nói thêm:
- Thưa bác sĩ! Khu nội khoa, dãy A, giường số 37.
Dứt lời cô quay đi và bước nhanh theo hành lang. Lộc nâng ly cà phê uống cạn, rồi
cũng tất tả ra cửa. Chàng định hỏi thăm cô y tá vài chuyện về sinh hoạt trong bệnh
viện, nhưng cái dáng cao gầy của cô thoăn thoắt bước đi, mới thoáng đó mà đã xa
hẳn Lộc, rồi rẽ sang dãy nhà bên phải. Lộc vào đến dãy A khu nội khoa đã thấy ở
giường số 37 lố nhố dăm ba người đứng vây quanh, gồm y tá` và vài bệnh nhân hiếu
kỳ bên cạnh. Thấy chàng, họ xích ra để nhường lối. Người chết đã được phủ một tấm
khăn trắng kín từ đầu tới chân. Lộc đến gần, cúi xuống lật tấm vải ra để khám
nghiệm lần cuối. Nhưng vừa nhìn thấy mặt người chết, chàng bật lùi lại một bước,
đứng sững và suýt kêu lên thành tiếng. Vì cái người nằm chết trên giường số 37
đó là chính cô thiếu nữ mặc đồ y tá vừa sang tận văn phòng gọi chàng. Nguyễn Ngọc Ngạn Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét