Đất và nước
Đây chỉ là sự pha trộn thực tại và tưởng tượng. Xin đừng đặt
vấn đề.
Nắng đổ xuống hai dãy phố xô lệch và bụi bặm. Xe cộ nối đuôi, ì ạch gầm gừ tiến
lên vài tấc rồi phanh khựng lại. Mấy chiếc Honda lách ngang lách dọc, mon men
tiến về phía trước, nhưng đành chịu thua trước đám đông ù lì, làm ngơ. Người đổ
xô ra đường, ngơ ngác, dò hỏi... Cửa tiệm vàng khép vội hai cánh cửa sắt, chủ
nhân đứng trong thế phòng vệ. Bụi và khói xăng mù, khét, khó thở. Tiếng họ hục
hặc và tiếng xe rồ ga sợ tắt máy dang dở. Tiếng còi đục và nghẹn hú vang, nhưng
xe cộ vẫn mắc nghẽn.
Mọi người nhìn dồn về phía núi lở. Trên ấy vẫn bình thường. Trời thì xanh thật
xanh. Nơi sườn đá hoen màu tím sẫm, mấy hàng dây điện giăng ngang qua mặt lộ,
chênh chếch về phía tân cảng. Dãy nhà cất sát theo dọc núi loang lỗ dấu đạn,
khép nép sợ bóng nắng. Vẫn bình yên. Vẫn ngoan ngoãn, vẫn ẩn nhẫn. Vẫn quen như
từ bao giờ : đời sống tỉnh lẻ thu mình để sống bình yên qua bao nhiêu cuộc đổi
thay, thay đổi. Con đường sắt vẫn song song đồng hành. Bánh xe những chuyến tàu
chở vật liệu xây cất cho hãng RMK lăn hai lần mỗi ngày không đủ làm bóng mặt đất.
Đường tàu vẫn song song. Chưa lệch một chiếc ốc, hoặc cong nghiêng trên một hố
mìn.
Nhưng bên nầy con đường sắt bụi bay mù và trời đổ lửa. Nóng nực. Khói khét lẹt.
Xe rú ga và nhấn còi. Người lao xao bu quanh...
Tránh xe. Tránh xe. Người ta làm ngơ. Cái gì vậy bà ? Thằng nhỏ... Chưa trả lời
hết câu, bà ta chen thêm tới chút nữa. Có người nhễ nhại mồ hôi chui từ trong
ra. Gì vậy ông? Trời ơi, hết chỗ nói. Sao mà ác nhơn ác đức vậy chớ. Mà cái gì
ác đức? - Tụi nó bắn thằng nhỏ chết tươi. Ai bắn? Tránh xe. Tránh xe. Còi xe
mười bánh át tiếng trả lời. Người đàn ông hả miệng khoa tay trong khi tiếp tục
lấn ra ngoái. Sao bà biết nó học trò ? - Trời, thì cái quần xanh, cái áo trắng.
Quyển sách Anh văn với tập vở đó kìa. Có ai đi báo cảnh sát chưa ? Như đậu đen.
Sao cái gì như đậu đen ? Ruồi bu trên đống não, khiếp, thôi tao không dám ăn
chè nữa. Dóc tổ. Mầy mà chừa ăn hàng. Lâu chưa ? Không ai đỡ nó xuống, để treo tội
nghiệp thằng nhỏ. Cái gì vậy bà con cô bác ? Vô mà coi. Cái gì ? Không tin sao,
tay nó còn kẹp điếu thuốc. Con nít đời giờ hút thuốc tràn đìa coi cái gì, vô
duyên. Mô Phật, con người ta chết mà cha nội còn nói cà rỡn. Chắc chiều nó có
giờ Anh văn hở mầy ? Chưa chắc. Tao thấy có quyển English for today màu vàng.
Ngã cách sao mà quần móc chặt vào cây sắt vậy ? Mẹ nó người miệt Bình Thới. Mỹ
đen hay Mỹ trắng ? Hổng biết, không phải Đại Hàn. Xe có sao trắng rõ ràng.
Nóng bức. Khói khét lẹt. Xe rú ga và nhấn còi. Người ta lao xao. Trong cái hỗn
mang vô trật tự ấy, Nguyễn trở thành hòn sỏi. Đã có kẻ đạp lên chân, suýt ngã.
Đằng sau đẩy tới, đằng trước xô lui. Thân thể đu đưa, nghiêng ngã, cứ tự nhiên
lắc lư mà chuyển dần tới trước. Qua quá trạm xăng, người thưa hơn, mọi việc trở
nên thứ tự. Trân liếng thoắng hỏi: Mầy nhìn thấy xác chưa?
- Chưa, đứa nào vậy?
- Thằng bé học lớp sáu trường mình.
- Nhưng sao mà chết?
- Mỹ bắn.
- Sao vậy?
- Ai biết được. Mấy người ở ngả ba bảo tụi nó bị mất cắp, nghi ngờ mấy đứa nhỏ
nên bắn đại cho hả giận.
- Nhưng mấy đứa nhỏ làm gì cho tụi nó nghi?
- Làm gì đâu ? Ba bốn đứa đi học sớm ngồi trên hàng rào tán dóc. Thằng nhỏ bị
bay cả chóp não, ngã liền. Quần dính trên cây móc sắt đó nên treo lủng lẳng.
Kiểng đánh báo hiệu vào lớp. Đám học trò nhỏ lơ láo, ôm sách
vở chạy ùa vào trong, mắt còn nhìn ngoái lại. Một nhóm nhỏ vờ như không nghe thấy
tiếng kiểng, bu quanh hai đứa ở trần, mặt mày thất sắc. May cho mầy, phước lớn
dữ a. Mầy ngồi sát bên nó không ? - Sát chớ. Tụi tao đang nói chuyện mà. Máu nó
văng đỏ cả áo tao. Giặt không kỹ, chiều má mầy la chết. Ngu, quá ngu. Má nó
nghe chuyện thì mừng hết lớn chớ la gì. Quăng áo đi mầy. Dính máu người là có
ma rồi.
Kiểng đánh lần nữa, gấp gấp thôi thúc. Mấy cậu nhỏ chạy vào phòng học. Học sinh
các lớp 10 và lớp 11 vẫn lơ lửng ngập ngừng. Giám thị và giáo sư vẫn đứng ở
hành lang nhìn ra cổng. Bên ngoài, tụi thằng Lý, Sum, Vĩnh, Sự vừa vô vừa bàn
tán. Nguyễn nhập bọn và lên phía văn phòng.
Ông giám thị hỏi hờ hững :
- Chưa vào lớp cho rồi mấy em?
Sự đáp :
- Tụi nó không chịu vào, đứng canh xác.
Thầy Linh hỏi :
- Cảnh sát đã lên chưa? Có ai lập biên bản không?
Thầy Vũ hỏi ông giám thị :
- Sao, bây giờ cứ dạy hay cho tụi nó nghỉ ? Xôn xao quá dạy dỗ gì được.
Ông giám thị nhìn ra cổng, trả lời mau :
- Nhờ mấy thầy cho học sinh vô lớp dạy như thường. Sợ ở ngoài ồn ào.
Cả bọn học sinh nhao nhao phản đối :
- Học sao được thầy. Tụi nó bắn chết bạn mình, xác còn nằm đó. Học sao được.
Nói vậy, nhưng cả lớp vẫn lửng thững lên cầu thang. Số học sinh ở ngoài cổng vội
vã chạy nhập bọn.
Chỉ còn khoảng vài chục người trong phòng 11. Vĩnh xuống xin thầy Vũ cho học
sinh vài phút bàn riêng chuyện nội bộ. Trân ra cổng gọi nốt số còn lại vào lớp.
Lý băn khoăn hỏi:
- Tụi bay định làm gì vậy? Nguyễn đáp:
- Để anh em đông đủ hãy hay. Phải làm một cái gì. Không thể chịu được. Đây đâu
phải là lần đầu.
Sum vẫn ngồi yên, mắt lạc thần :
- Nước mẹ gì. Rồi chả đi đến đâu hết.
Vĩnh dưới cầu thang chạy nhanh lên, reo :
- Thầy Vũ đồng ý rồi. Nào, anh em.
Vĩnh nhảy lên bục cao, giọng sang sảng :
Có ai can đảm học nữa không ? Hô chung dưới cuối lớp: Không có ai còn chịu đựng
nổi cảnh này nữa. Thằng nhỏ chết tức tưởi như vậy, mình còn lòng dạ nào ngồi học.
Thằng nhỏ sẽ khinh mình là bất nghĩa. Đồng bào khinh mình là bọn bất nhân. Tụi
Mỹ khinh mình là bọn hèn nhát, bạn bị bắn chết mà còn cố gằm đầu vào sách. Ai
có can đảm hãy đọc bài lên coi :
Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn
xuân mộng bâng khuâng.
Cả lớp cười ồ. Không khí náo nhiệt, vui vẻ. Nguyễn hỏi:
- Đồng ý. Phải làm cái gì. Nhưng làm cái gì? Làm thế nào?
Trân lúc bấy giờ cùng một số bạn bè lớp 10 ùa lên, la to:
- Biểu tình. Xuống đường anh em ơi.
Phòng học trở nên nhốn nháo khác thường. Bốn năm người cùng nhảy lên bục, và
người nào cũng gào to những câu không ai nghe rõ. Vĩnh mặt đỏ bừng, xô tất cả
xuống, hét lớn:
- Im hết. Cho tôi nói. Biểu tình, đồng ý. Nhưng chiều này học sinh trường mình
học ít quá, mấy lớp nhỏ không có giờ. Nên phải kêu gọi các trường khác hưởng ứng.
Anh em đồng ý không? (Đồng ý. Chí lý. Đồng ý là cái chắc). Cảm ơn anh em.
Bây giờ nghe tôi phân công : Trân, có xe Honda, chạy xuống chợ mau vải và sơn kẽ
khẩu hiệu. Thằng Nguyễn, cô hái mơ của thầy Vũ (cả lớp cười) làm Nguyễn Trãi
thảo hịch (đồng ý) Sum thì xuống vận động các lớp 8 và 9 tham gia biểu tình.
Sum la lớn: Không, ồn ào. Ê, thằng Sum rét rồi. Thỏ. Sum nhảy lên bục, đứng
ngay trước mặt Vĩnh, mở nút cổ áo và xăn tay :
- Đứa nào nói tao thỏ, nói lại thử tao nghe (Lao xao rồi im lặng) Tao không
ngán đứa nào hết. Tụi bay là đồ con nít. Tao là huynh trưởng Phật tử, đã bị bắt
chung với thầy Vi và Thụ kỳ Phật giáo tranh đấu năm 1966. Tao đã bị đập dập
mũi, bị đưa lên Pleime quan sát chiến trường. Tao trải qua hết. Chịu nhiều đòn
rồi. Thất vọng nhiều rồi. Tao sợ lời tụi bay khích sao? Tao không làm, vì biết
chẳng đi đến đâu. Làm cái gì vô ích, tao không làm.
Lửa hơi hạ. Vĩnh lúng túng. Nguyễn nói:
- Chưa làm đã bảo là không ích. Chờ đến lúc nào mới làm? Không được gì, thì
cũng được một tiếng chuông gióng. Còn hơn là bặm môi nín lặng.
Lửa lại bừng. Đúng. Đồng ý. Xuống đường gấp. Sum bỏ ra. Vĩnh lại tiếp :
- Thôi, ai muốn về thì về.
Lý dợm đứng dậy. Tiếng Vĩnh lại sang sảng :
- Nhưng tôi tin anh em ở đây không ai là kẻ hèn nhát.
Lý lại ngồi im.
Nên tôi phân công tiếp. Lớp 8, 9 khỏi cần vận động chắc sẽ tham gia khi mình
giăng cờ, biểu ngữ ra trước lớp. Sự, đem kháng thư thằng Nguyễn thảo đến các
trường cho ban đại diện. Được không hay từ chối như thằng Sum?
- Cũng được. Lý cương quyết đứng dậy :
- Để tôi lãnh công tác đó. Tôi có xe Honda.
Vĩnh hơi lúng túng, nhưng nói bừa :
- Thôi giao cho cả hai cậu. Miễn đừng nhân cơ hội bỏ về.
Trân vào nhanh như lúc ra đi, ôm vải và sơn. Cả lớp ùa ra hành lang, tranh nhau
viết biểu ngữ. Trân khoe :
- Tao lách qua lách lại một chút đã trở về. Xin tiền thầy giám thị đó. Hôm nay
vui quá xá.
Tiếng cãi vả về nội dung câu khẩu hiệu át tiếng Trân. Lon sơn đen đổ vươn vãi
trên nền xi măng. Nguyễn từ bên phòng 12 cầm tờ giấy vở chạy đến, hét to :
- Xong rồi. Đây, anh em im đi. Để tôi đọc to, ai đồng ý thì ký tên vào :
Học sinh trường trung học... kính gửi tất cả học sinh công tư toàn quốc.
Hồi 14 giờ chiều ngày 7-12, một học sinh lớp 6 trường chúng tôi tên Nguyễn văn
Minh, 12 tuổi, trong khi đang ngồi trước cổng trường chờ giờ học, vô cớ bị một
lính Mỹ dùng súng M16 bắn chết. Thi thể nằm ngay trước mặt chúng tôi, óc vọt ra
ngoài, khiến chúng tôi vừa vô cùng thương xót vừa vô cùng phẫn nộ.
Hằng ngày, một số đông lính Mỹ vô kỷ luật đã phá phách tài sản đồng bào, đập vỡ
kính xe, chọc ghẹo bộ hành... Nhưng lần này, cái chết của một học sinh nhỏ tuổi
vô tội đã khiến chúng tôi không còn có thể giữ mãi im lặng.
Toàn thể học sinh trung học... cực lực tố cáo tội ác kể trên của một quân nhân
Hoa kỳ, một nước vẫn thường tự hào về truyền thống tôn trọng phẩm giá con người
và trật tự xã hội. Toàn thể học sinh trung học ... cương quyết đòi hỏi chính phủ
Việt Nam Cộng hòa trừng trị đích đáng kẻ gây tội ác.
Chúng tôi kêu gọi sự hưởng ứng nồng nhiệt của các bạn, để đòi hỏi chính đáng của
chúng tôi được chính phủ lưu ý, để người bạn đã khuất của chúng tôi không thẹn
là một học sinh VN, và để tất cả chúng ta còn hãnh diện là người có liêm sỉ
không khuất phục trước tội ác.
Khá lắm. Cả đám ồ lên. Nguyễn nhắc lại :
- Ký nhanh vào cho hai thằng Lý Sự đem đi. Nhớ đề rõ tên.
Có tiếng phản đối :
- Cần gì đề tên.
- Ký đại diện được rồi.
Nguyễn hỏi :
- Sợ hả.
- Đ M Thằng này chuyên nói móc. Mầy ký trước đi.
Tờ giấy chuyền qua trả lại. Vĩnh bực mình sừng sộ :
- Chuyện gì tụi bây sợ dữ vậy. Thằng Nguyễn viết tự nhiên nó ký rồi. Đưa tao ký
thử có chết không.
Sự và Lý lãnh sứ điệp ra đi. Số còn lại theo Vĩnh và Nguyễn hò hét mang khẩu hiệu
ra đường. Xác chết hạ xuống, đặt trên cái xe mui trần. Bốn đứa mang biểu ngữ
chăng ngang đường cái chận hết xe cộ lưu thông. Chiếc xe xác qua phố phường đổ
nắng. Cuộc biểu tình bắt đầu. Mười phút sau, cổng trường đóng, chỉ còn đám ruồi
bu đen trên vũng óc và máu đặc.
Hơi xác chết làm lạnh xương sống và nóng hai thái dương. Cuộc
xuống đường quấy động thành phố lên cơn sốt.
Trên hiên trường, chỉ còn cụ già, Nguyễn và thầy Vũ. Xác Minh nằm co quắp trên
cái bảng đen đặt trên hai bàn học, phủ bằng cái mền cũ. Chỏm tóc bết máu ló ra
phía trên còn phía dưới lòi hai bàn chân xanh đá và ốm o.
Trong trường vắng, tuy cổng để mở. Mấy người lạ đứng ngoài hàng rào e sợ nhìn
vào, rồi bỏ đi. Cách khoảng vài phút, một chiếc Honda rú ga leo qua cổng trường
dốc, phanh gắt trước hiên. Hai ba học sinh vào, nhìn tò mò, rồi im lặng lên yên
rú ga trở về phố. Thân nhân em bé đã lo mua đồ liệm chỉ còn ông ngoại yếu ớt ở
lại bên xác cháu.
Từ hơn một giờ đồng hồ, hai thầy trò ngồi bên xác chết, im lặng không nói. thỉnh
thoảng Nguyễn lấy cây đập mạnh lên bảng đen, xua mấy con ruồi vo ve. Thầy Vũ nắn
lại mấy ngón chân xác chết cho khỏi co quắp nhưng vô vọng. Lần đầu hai thầy trò
đối diện với dự lạnh lẽo mênh mông của nỗi chết, tâm hồn rã rời. Thầy Vũ lên tiếng
trước :
- Các em làm có kết quả lắm. Tỉnh hội giáo giới, hội đồng tỉnh đã lên tiếng bằng
tuyên cáo hôm qua. Nghiêm nghị lên án. Đồng thanh kiến nghị. Cương quyết yêu cầu.
Cả thành phố đã sôi lên rồi. Tối hôm qua, giáo sư trong trường cũng đã ra bản
tuyên cáo nầy.
Thầy Vũ đưa cho Nguyễn đọc :
Chúng tôi, giáo chức trường trung học ... vô cùng xúc động khi nghe tin một học
sinh lớp sáu trường ... bị một quân nhân Hoa kỳ vô cớ bắn chết lúc 14 giờ ngày
7-12-70. Đây không phải là lần đầu tiên một số quân nhân Hoa kỳ vô kỷ luật đã
xem thường mạng sống của luông dân VN. Vì vậy, chúng tôi tán thành mục tiêu
tranh đấu của học sinh trong ngày 7-12-70 nhằm lên án hành động dã man của một
số quân nhân Hoa kỳ. Đồng thanh quyết nghị :
1) Yêu cầu chính quyền địa phương bày tỏ thái độ hành động sát nhân nầy.
2) Yêu cầu giới chức thẩm quyền tức khắc truy tố thủ phạm và công bố bản án cho
toàn thể đồng bào biết.
3) Yêu cầu chính quyền áp dụng mọi biện pháp để những quân nhân Hoa kỳ vô kỷ luật
chấm dứt mọi hành động xem thường tính mệnh và tài sản lương dân V.N.
Tuy nhiên chúng tôi cũng không chấp nhận những hành động đáng tiếc có phương hại
đến tài sản và trật tự chung.
Nguyễn mỉm cười khi đọc xong. Thầy Vũ hỏi :
- Sao em cười ?
- Dạ vì các thầy cẩn thận quá. Trong kháng thư, em viết :
Hằng ngày, một số đông lính Mỹ vô kỷ luật đã phá phách tài sản của đồng bào. Tụi
bạn đòi bỏ chữ VÔ KỶ LUẬT vì như vậy là có ý bào chữa cho thanh danh quân đội Mỹ.
Em bảo không nên vơ đũa cả nắm. Bây giờ, đọc tuyên ngôn của các thầy, em mới thấy
mình còn sơ hở.
- Em đã trải qua những biến động tâm cảm nào vậy Nguyễn? Em nói như một ông
già.
- Bây giờ em lớn bằng tuổi em, cộng tuổi một buổi chiều dài nhận rõ mặt anh em,
và 12 tuổi xác chết. Thầy tha lỗi, có phải các thầy định phân biệt hai loại đồng
bào. Các thầy bảo : Này nhé, chúng tôi nói rõ nhé, chúng tôi long trọng xác nhận
trước quí vị, là chúng tôi chỉ phản đối sự xem thường mạng sống của lương dân,
còn đối với bọn cộng sản, bọn sống với cộng sản, bà con thân thuộc với cộng sản,
nộp thuế tải thương cho cộng sản, thì, xin các ông tùy ý.
- Em tàn nhẫn. Có lẽ em khó hiểu nổi tâm trạng lớp người trước. Tâm hồn thầy
như một mặt ao, dấu dưới bóng tre già. Viên sỏi vô tình nào rơi xuống cũng gợn
những vòng xao động. Cực nhất là đối diện tra hỏi mình. Biến cố hôm qua là viên
sỏi ấy.
Vĩnh và một người bạn lạ đèo Honda vào trường. Mặt mày hớn hở và sạm nắng. Dựng
vội chiếc xe trên cát lún, Vĩnh chạy về phía thầy Vũ.
- Chúng em đã quấy động cả xứ. Thầy coi mấy số báo ở Sài gòn :
Đứng trước cổng trường chờ giờ học bị Mỹ kiều bắn vỡ sọ. Học sinh khiêng xác đồng
môn diễn hành khắp phố.
Đoàn biểu tình võ trang gậy gộc gạch đá, đòi đập phá các cơ sở quân sự Hoa kỳ ở
thị xã. Quân Mỹ cấm trại 100%.
Sinh hoạt tê liệt. Tình hình nghiêm trọng. Biểu tình tiếp diễn dữ dội. Nhiều xe
Mỹ bị đốt. Cảnh sát dã chiến được tăng cường từ Sài gòn ra.
Theo tin bổn báo đặc phái viên gửi về, mặc dầu cảnh sát dã chiến bắn hàng trăm
lựu đạn cay để giải tán biểu tình, nhưng nhiều quân xa đồng minh đã bị học sinh
biểu tình đốt cháy, những người Mỹ và Đại Hàn ngồi trên xe bị ném đá dữ dội.
Một khách sạn bị đập phá. Trực thăng được huy động để di tản lính Mỹ lánh nạn.
Tổng hội sinh viên Sài gòn phát động tuần lễ chịu tang.
Thầy Vũ trả mấy tờ báo, hướng về phía Vĩnh:
- Các em thành công trên tro tàn và gạch vụn. Nhưng có chắc thành công không?
Người bạn lạ của Vĩnh cướp lời:
- Chắc chắn. Không phải chúng em tranh đấu cho một mình xác chết nầy.
Nguyễn gay gắt hỏi :
- Có phải ý mầy không Vĩnh ? Từ đêm qua, tụi bây chở xác thằng Minh về bỏ nằm
đây. Không có lấy một nén hương. Không nói với tang gia lấy một lời an ủi. Tụi
bây đèo nhau trên Honda, đến, nhìn, chạy xuống phố hò hét, rồi khi thấy hào khí
hạ, lại trở lên nhìn lấy hứng.
- Mày xuyên tạc. Thằng Minh chỉ là một cá nhân. Từ hôm qua đến nay, mình đòi
cái gì? Đâu phải đòi phép tiên cho thằng Minh sống lại. Nói chết, yên phận nó.
Nhưng mình làm thế nào để nhờ nó không có một ao chết tức tưởi thêm. Muốn thế
phải làm gì? (Vĩnh hướng về phía thầy Vũ) các thầy trách tụi em bạo động. Em
đọc kỹ tuyên cáo của các thầy. Các thầy chỉ tán thành mục tiêu tranh đấu của tụi
em, và không chấp nhận những hành động đáng tiếc có phương hại tài sản và trật
tự chung. Thưa các thầy cực lực lên án, đồng thanh quyết nghị, nhưng cuối cùng
nhỏ nhẹ yêu cầu. Các thầy có thể thành công, nhưng tụi em? Xin yết kiến Đại tá
tỉnh trưởng. Rất tiếc. Đại tá bận. Xin yết kiến ông cố vấn Sorry. Xin gặp ông
phó: Chú muốn gì? Thỉnh nguyện thư hả? Họa hoằng lắm cái chết thằng Minh mới
được đăng nơi trang ba, trong mục Xe Cán Chó.
Nguyễn không kém giận dữ:
- Mày hãy lấy gương mà soi. Dám nói thẳng đi. Mày say mê hò hét hay nhiệt tình
với bạn? Bây giờ lo liệu xác thằng Minh sao đây ? Hãy tìm cách giúp đỡ thân
nhân khâm liệm tống táng.
Người bạn Vĩnh lên tiếng, rắn rỏi:
- Không chôn cất gì hết. Để đó. Chôn xong là xẹp hết.
Nguyễn trừng trừng nhìn người bạn Vĩnh:
- Cái xác đã bắt đầu bay mùi. Ai xa lạ với ngôi trường này không có quyền chen
vào việc tẩm liệm một học sinh trường nầy. Chúng ta tranh đấu vì lý tưởng tuổi
trẻ, không phải bọn buôn xác. Vĩnh, tao biết rõ mày sửa năm sinh sau khi thi hỏng
Tú tài. Có cứng hãy đứng đầu gió. Mầy phải để yên xác chết. Để yên cho thằng bé
về Trời.
Vĩnh thoạt bậm môi, rồi xuôi tay bỏ ra phía để xe. Ngoài đường, còi hụ uất nghẹn
và loa phóng thanh tuyên bố giới nghiêm Hai bốn trên hai bốn.
Xe tang đi trong mưa rả rích và gió buốt. Trên chiếc GMC quan
tài của Minh nằm dọc theo lòng xe. Chỉ có ông ngoại, người cậu và một bà dì được
cảnh sát thông báo và đón đi đưa tang. Bên này có Vĩnh, Nguyễn, Sum, Trân và thầy
Vũ. Xe quân cảnh mở đường, tiếp đến xe Đại tá tỉnh trưởng, xe tang và sau chót
xe cảnh sát dã chiến. Mặt trời chưa mọc. Phố xá nằm chết trong giới nghiêm. Tiếng
động cơ gầm gừ át tiếng gió thổi và giọng khóc nỉ non. Ra khỏi ngả ba, xe dẫn đầu
rú ga. Xe cảnh sát ở sau hụ còi. Chiếc GMC lại gầm gừ rồi đột nhiên lao mạnh. Mọi
người ngồi hai bên quan tài suýt ngã, cây nến trên nắp quan tài gẫy đổ tắt lịm,
ông ngoại Minh định cúi xuống thắp lại nhưng xe dằn mạnh khiến ông cụ sợ sệt
bíu hai tay vào thành xe.
Xe dừng ở một nghĩa địa ngoại ô. Toán cảnh sát dã chiến và quân cảnh nhảy xuống
đến vây quanh xe tang. Tất cả xúm nhau khiêng quan tài ra gần huyệt. Ông tỉnh
trưởng, ông chủ tịch hội đồng tỉnh, viên cố vấn trưởng đến gần, chia buồn lần
cuối với tang gia. Mưa vẫn rơi rả rích. Gió vẫn thổi bay tạt hàm râu trắng của
ông ngoại. Ông tỉnh trưởng đăm chiêu. Nét mặt cố vấn thành kính, mắt hư không.
Khi hạ huyệt, ông tỉnh trưởng hỏi :
- Cậu nào đọc điếu văn?
Vĩnh định tách khỏi đám nhưng rụt rè do dự, đưa mắt nhìn Lý. Lý nhìn thầy Vũ.
Thầy Vũ chưa biết chỉ ai, chợt thấy Nguyễn lấy tay che mặt. Thầy nói :
- Thưa Đại tá, có em Nguyễn, đại diện học sinh đọc điếu văn. Qua phút bối rối,
Nguyễn tiến đến trước huyệt. Anh bắt đầu nói, một mình:
Minh em,
Anh biết nói gì bây giờ.
Anh chưa biết mặt mũi em.
Anh chưa biết cha mẹ em.
Anh chưa thấy khu vườn lá xanh và mái nhà nhỏ nơi em chào đời.
Anh chưa thấy con đường làng dẫn em ra ngôi trường đầu tiên để bập bẹ mấy tiếng
A B C làm vốn liếng tìm hiểu nét đẹp cuộc đời.
Anh chưa tưởng tượng nổi cảm tưởng của em, khi ngỡ ngàng bước chân vào trường
trung học, hí hửng trả lời My name ia Minh khi cô giáo hỏi What's your name?
Anh chỉ biết em, nằm treo trên đó, óc đổ trên trang sách, tay víu vào đất mẹ.
Anh chỉ biết em, nằm queo trên sàn xe, lang thang dạo chơi khắp phố phường ngập
ngụa tiếng la ó phẩn nộ lẫn tiếng hò reo tở mở.
Anh chỉ biết em, khi em đã thành đề tài trên đầu môi chót lưỡi.
Nghĩa là anh biết em quá trễ, khi em vĩnh viễn xa đất mẹ xa sách Anh văn, xa
mái tranh và cánh đồng, xa mẹ cha cô dì chú bác...
Minh, tất cả mọi người thương tiếc em.
Nguyễn trở về chỗ cũ. Mọi người không ai nói với ai lời nào, lẳng lặng vốc đất
ném xuống huyệt rồi trở về xe. Thầy Vũ nắm tay Nguyễn. Nguyễn nói nhỏ:
- Thưa thầy.
- Gì hở Nguyễn?
- Hôm qua, thầy bảo tâm hồn thầy như mặt ao dấu dưới khóm tre già?
- Ừ, rồi sao?
- Thầy còn may mắn hơn em. Viên sỏi vô tình nào đó còn làm thầy xao xuyến. Ánh
trăng lọt qua khe lá còn làm mặt nước gợn sóng vui. Còn em, đầu óc rỗng không
như mộ huyệt. Biết bao nắm đất ném xuống, do những người chí tình. Tâm hồn em vẫn
trơ trơ.
- Nguyễn, em không giống các bạn rồi! Hãy xem tất cả, tất cả như cơn mưa rào,
làn gió thoảng, chút nắng rớt. Đừng để cho rã rời, hoài nghi.
Nguyễn không trả lời. Thầy Vũ không nói thêm. Xe lại chạy trở về phố trong gió
lạnh.
Nguyễn Mộng Giác
Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét