Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Dư âm

Dư âm

- Cháu đúng là người tôi gặp trong giấc mơ đêm qua.
Câu nói và ánh mắt là lạ của người đàn bà khiến tôi bối rối. Nhưng tôi là sinh viên trường nhạc. Tôi có quyền bay bổng trong mọi trường hợp, dù trước mặt tôi có thể là một người không được bình thường.
- Trong giấc mơ, bác thấy cháu dễ thương bằng lúc này không? - Tôi tinh nghịch hỏi lại.
Nụ cười khiến khuôn mặt của bà trở lại bình thuờng và tôi nhận ra bà đẹp, có lẽ ngày xưa bà rất đẹp. Và đôi mắt có đuôi kia...Trời...sẽ có một bài hát về đôi mắt có đuôi và không ai ngờ cảm hứng lại bắt đầu từ một bà già. Là la...đồ rê mi fa... Có thể bà không nhận tôi vào làm gia sư. Có thể tôi sẽ tiếp tục dò tìm những mẩu quảng cáo miễn phí rao cần người giúp việc. Có thể ngày mai tôi lại nhá bánh tráng và uống nước suông...Nhưng hôm nay chắc chắn là một tác phẩm, dù chỉ riêng tôi hát cho tôi nghe. Đồ rê mi fa... Tại sao một đôi mắt nửa thực nửa mơ lại hiện diện trên khuôn mặt đầy nếp nhăn kia ?
- Trước cháu đã có vài cô cậu đến đây nhưng vừa gặp họ tôi đã không thích.
Nghĩa là tôi đã lọt vào đôi mắt mơ của bà? Ồ ! Hơn cả một việc làm để kiếm cơm, đây chính là một bài thơ.
- Còn tôi, tôi sợ cháu không đồng ý - Giọng bà bồn chồn - Trong giấc mơ, cháu đã từ chối công việc này.
Lại giấc mơ. Tôi bắt đầu tin rằng đêm qua mình cũng nằm mơ.
- Lúc ấy cháu mặc áo màu xanh da trời - Bà đan tay vào nhau.
Tôi có một cái áo màu xanh lá cây. Nhưng cũng có thể nó đã thay màu mà tôi không biết. Đồ rê mi fa..Có một giấc mơ màu xanh da trời, lung linh ánh mắt sao trời đổi ngôi...đồ rê mi ...
- Cháu hãy hứa....- Người đàn bà nhìn tôi bằng đôi mắt khẩn cầu nóng nảy- Nếu cháu từ chối, hãy thề với tôi là cháu mãi mãi câm lặng.
Trời ! Dù công việc bà sắp giao cho tôi là gì chăng nữa thì cũng hãy để cho tôi viết nốt bản nhạc này. Đồ rê mi fa...Xin dừng khóc, đứng khóc...lặng yên hồ ơi! Xin đừng khóc, đừng khóc, lặng yên sông ơi...
Tôi để mặc bà cầm tay kéo vào nhà, băng qua phòng khách có bộ bàn ghế mây và khung cửa sổ nhìn ra một bờ rào gỗ. Nhà hàng xóm có một cô bé tóc bím đang rình chụp chú bướm vàng. Bà kéo tôi vào phòng trong, hình như có một ông đại úy nghiêm nghị phóng ánh mắt từ trên tường nhìn tôi: "Chào cô bé đến từ giấc mơ", có phải ông nói vậy không nhỉ? Bà kéo tôi lên gác, những ngón tay xiết chặt cổ tay tôi.
- Đau quá ! Tôi kêu lên - Cháu không bỏ chạy đâu mà.
- Xin lỗi - Bà nói và xiết chặt hơn.
Băng qua một căn phòng rộng thêng thang gió, bà dừng lại trước một cánh cửa kín mít.
- Cháu hãy thề một lần nữa đi ! - Bà thều thào.
Mồ hôi ướt đẫm. Bà không điên. Tôi chắc bà không điên. Nhưng có một bí mật khủng khiếp sau cánh cửa này. Ngày xưa, có một hoàng tử bị lời nguyền biến thành sư tử, nếu có cô gái nào thành thật yêu chàng thì lời nguyền sẽ được hoá giải. Một trăm năm trôi qua, một hôm có một nàng thôn nữ hái củi lạc bước ghé qua toà lâu đài hoang phế...- Tôi nhìn bà trân trân.
- Ta chỉ có duy nhất một mình nó. Cháu hãy giúp ta dạy nó những gì nó muốn. Toán cộng, toán trừ, làm thơ...
Sư tử ? Cọp ? Gấu ? Chồn ? ...Nhân danh tình mẫu tử thiêng liêng. Bởi vì bà là mẹ và tôi có một người mẹ, tôi sẽ nói yêu con trai bà dù có phải đợi nghìn năm và hoá đá.
- Xin thề ! - Tôi lắp bắp.
o0o
Rồi mùa đông giá rét đi qua. Vạn vật hân hoan chờ mùa xuân đến...
Hình như cậu bé đã ngủ, tôi gấp quyển truyện cổ tích lại. Nhưng không, giữa khoảng tranh tối tranh sáng của căn phòng giăng đầy những tấm rèm màu thẫm, giọng cậu bé vang lên tỉnh táo:
- Giữa mùa đông và mùa xuân có một đêm gọi là giao thừa phải không chị?
- Phải ! - Tôi gật đầu.
- Đêm giao thừa đẹp lắm phải không chị?
Tôi lúng túng. Và tôi nhận ra cậu thường nhắc đến từ đẹp. Một câu chuyện cổ tích đẹp. Ly nước trà đẹp, và khi canh cửa mở ra, tiếng cửa rít lên nghe rất đẹp.
Tôi rất muốn biết về cái đẹp trong ý tưởng của cậu bé, nhưng thật khó, khó làm sao. Tôi đặt cây bút chì vào tay cậu:
- Nào, em hãy làm bài toán này.
- Những con số thật là xấu xí- Cậu bé miễn cưỡng cầm bút, nhưngngõn tay khẳng khiu lóng ngóng.
Một ngày, hai ngày...Một tuần, hai tuần...Một tháng, hai tháng...Thật vô ích nếu muốn cậu làm đúng một bài cộng trừ hai chữ số.
- Bởi vì toán học là điều vô lý nhất.
Tôi sửng sốt khi nghe cậu nói câu này.
- Tại sao? - Tôi gặng hỏi.
- Vì tuyệt đối là một điều vô lý.
Cậu đọc được ý tưởng này từ đâu? Thậm chí cậu không thể nhớ đủ hai mươi bốn chữ cái. Trong cơ thể bất an này ẩn chứa một điều bí ẩn. Ô! Tạo hoá thật trêu ngươi. Thà cậu bé dốt nát hẳn cho bà mẹ đừng hoài công kỳ vọng. Tôi nghe mình muốn khóc.
- Cháu không làm được gì cả. Xin bác thứ lỗi.
Bà mẹ xoắn tay vào tóc. Hai dòng sông tuyệt vọng nhìn tôi.
- Nó có thể làm được điều gì đó, phải không? Nó không hoàn toàn vô tích sự, phải không?
Tôi khóc. Bà khóc:
Thôi thì chỉ cần cháu ghé đến trò chuyện với nó. Nó thích chuyện trò lắm. Và nó thích ra đường nữa.
Tôi không thể lảnh lương hằng tháng chỉ để chuyện trò, không thể nhận từ tay bà số tiền trích ra từ khoản trợ cấp ít ỏi chỉ để nói "cháu chẳng làm được". Và tôi cũng không biết mình có thể lặng câm trong bao lâu nữa. Bí mật này đè nặng tim tôi. Tôi muốn hét lên cho bạn bè tôi biết, cho mọi nguời biết. Hay chỉ cần một người biết thôi. Cô bé hàng xóm có đôi bím tóc đen nhánh thường thơ thẩn trong vườn khi mặt trời lên. Cô bé có biết bên này, sau khung cửa sổ đóng kín, sau tấm rèm thẫm màu, có một cậu bé buồn buồn mà không thể định nghĩa được ấy là tương tư ?
Đồ rê mi fa... Tôi mang cây đàn đến, biến những buổi học toán cộng trừ thành những buổi hoà nhạc chỉ một nhạc công, một nhạc cụ, một thính giả và một nỗi đau lơ lững giữa thinh không.
- Tiếng đàn đẹp quá ! - Cậu bé thì thầm, mắt môi nhìn tôi.
Một tia sáng xuyên qua đầu tôi. Đẹp ? Tại sao không phải là hội hoạ ? Tôi tung cửa chạy như bay ra phố. Lạy Trời, trêu ngươi chừng ấy đủ rồi, xin đừng thử thách thêm nữa, con sẵn sàng đánh đổi kỳ thi sắp tới để biết định nghĩa đẹp là gì ?
Tôi mang về lỉnh kỉnh bột màu, cọ, giấy...Tim đập thình thịch, tôi đặt tất cả trước mặt cậu và hồi hộp hỏi:
- Em thấy những thứ này...thế nào?
Mắt cậu bé sáng rực. Tạ ơn Trời ! Thật khó khăn để cậu vươn vai như ý muốn, nhưng cuối cùng thì cây cọ cũng đã nằm ngoan trong những ngón tay khẳng khiu.
- Nó làm gì vậy? - Bà mẹ lạc giọng hỏi.
- Vẽ ! - Tôi trả lời như người bị hụt hơi.
o0o
...Một cánh rừng không phải mùa thu mà lá vàng rực. Lá chết từ lộc non, cành chết, thân cây cũng rũ chết. Tối qua tôi mơ thấy một con nai có sáu chân lang thang trên đồi trọc. Con chim có hai đầu, một màu nâu, một màu đỏ. Và một con voi không có vòi, mặt nó nhăn nhở...
- Bác ! - Tôi líu lưỡi.
Người đàn bà đưa tay lên trời:
- Tôi biết ! Nhưng tôi thèm có một đứa con, thèm được đau niềm đau sinh nở. Tôi thật độc ác, phải không?
Tôi ôm vai bà, lặp đi lặp lại lời an ủi vô nghĩa:
- Bác đừng buồn....
Đồ rê mi fa...Có một cánh rừng lộc non vàng chết. Có một chú nai tìm mùa thu lạc bước. Có một dòng sông úa màu, úa màu...Rừng chết, sông chết, người ta không chết ! Dằng dặc thương đau, kiêu hãnh thương đau...Người ta yêu nhau...Đồ rê mi fa...
Tranh la liệt đầy sàn nhà. Tôi cúi nhặt từng bức...Cậu muốn thổ lộ gì đây? Bức tranh tối sầm. Tôi không hiểu gì cả.
- Đây là giao thừa - Cậu bé giải thích.
Giao thừa ? Trời! Tôi đi tìm ý tưởng cao siêu trong khi sự thật giản dị làm sao. Tôi bật cười.
- Giao thừa không có ai phải không chị?
- ...
- Giờ đó, em ra phố, được không?
Bao nhiêu là khát khao chất chứa trong giọng nói thầm thì. Tôi ghìm tiếng nấc nghẹn:
- Không cần đợi giao thừa. Tối nay, chị chở em đi chơi. Chúng ta sẽ vào quán ăn kem, sẽ xem phim...
Cậu rúm người lại:
- Được không?
- Được mà! - Tôi cả quyết gật đầu.
- ...Thôi, đợi giao thừa ! - Giọng cậu xao xuyến.
Ừ ! Thì đợi giao thừa- không phải đợi mùa xuân.
Còn đây? Những mảng vàng đỏ nguệch ngoạc.
- Chị không hiểu bức tranh này - Tôi thành thật thú nhận.
- Đây là - Cậu bé nhìn tôi, mắt lấp lánh- Em vẽ tiếng bước chân của chị. Chị thấy đẹp không?
- ....
- Còn bức tranh này em vẽ tiếng đàn.
Tôi ngơ ngẩn giữa từng phần đời của mình được cậu thể hiện bằng màu sắc ... Đồ rê mi fa...Có một câu chuyện thần tiên màu biếc, dấu chân thiên thần trong đôi hài đỏ. Có ba điều ước chứa trong túi cỏ. Ai nỡ đánh rơi điều ước em tôi. Điều ước màu hồng ai nỡ đánh rơi...Đồ rê mi fa...
- Còn bức tranh này...- Cậu bé bẽn lẽn ngừng lời.
...Đồ rê mi fa..Có một cô bé tung tăng chim én. Xuân về bốn mùa, xuân về tương tư...Bím tóc xinh xinh cho mùa xuân đậu, cho bướm chuyền cành cho người ngẩn ngơ...đồ rê mi...
Cậu bé thiếp ngủ giữa những bức tranh ngổn ngang. Tôi ôm đàn trở về ký túc xá. Ngày mai thi.
Hà Nội, Nha Trang, Huế, Thành phố Cảng...Rồi Paris...Tôi theo đoàn ca nhạc biểu diễn chân trời góc bể. Một vài lá thư vội vàng, rồi thư cũng quá dài cho những giây giải lao ngắn ngủi. Tôi chỉ còn đủ thời gian ký tên vào phía sau những tấm bưu thiếp và bưu điện làm nốt phần còn lại. Rồi cũng phai dần...Bí mật xưa chìm xuống đáy trái tim.
- Có một bà nào muốn gặp cô- Người bảo vệ đoàn báo.
Thỏi son trên tay tôi vẫn miết đều lên môi.
- Bà ấy đòi gặp cô cho bằng được, có vẻ quan trọng lắm.
Từ ngày tôi nổi tiếng, ai đòi gặp tôi cũng tỏ vẻ quan trọng cả. Tôi khoác cái áo choàng bên ngoài bộ trang phục sân khấu, bước ra cổng. Bà lão tóc bạc phơ, mắt đục lờ nhìn tôi:
- Đêm qua tôi mơ thấy cô.
Mơ?...Giấc mơ ... Tôi đã nghe điều này ở đâu nhỉ ?
Bà đưa cuộn giấy trên tay cho tôi:
- Đây là bức tranh cuối cùng con trai tôi vẽ.
- Bức tranh ...?
- Tôi đọc thư cô gửi cho nó nghe và nó vẽ điều cô viết.
Trước khi tôi kịp hiểu ra, bà đã liêu xiêu bên kia ngả rẽ. Chỉ còn lại ánh đèn đuờng lố nhố những bóng nguời trên phố đêm. Ai đó đưa tay trước mặt tôi xin chữ ký.
Ngôi nhà im lặng. Tôi nhón chân trên đôi giày cao gót nhìn lên gác, nơi khung cửa luôn lặng thinh. Cô gái có khuôn mặtdđẹp và mái tóc bờm sư tử xuất hiện bên kia rào. Có phải cô bé tóc bím ngày nào ?
- Nhà này bỏ hoang năm năm rồi, từ ngày con trai bà ấy...
- Chết ? - Tôi lập lại như cái máy.
- Đám tang lạ lùng, chỉ cò cái hòm gỗ, không có hình bóng gì cả. Nghe nói bà ấy bỏ đi tu rồi. Người ta nói đàn bà cao số thường là sát chồng sát con, không đi tu thì làm gì ?
Năm năm ? Năm năm đã biến người đàn bà mắt mơ thành một bà lão. Vậy thì mười ba năm cưu mang sinh nở và nuôi nấng trong âm thầm tuyệt vọng ...Trời !
... Đồ rê mi fa...Có một lá thư, một lời hẹn hò. Một chuyến rong chơi trong đêm giao thừa. Mùa xuân chưa qua mùa xuân chưa đến. Mùa đông rất vội lỗi hẹn, tôi ơi! Có một cuộc chiến vừa đi qua đây. Dấu giày, dấu giày, còn in dấu giày..đồ rê mi...
Đồ rê mi fa... Tôi xé toạt tờ giấy, móng tay đâm vào lòng bàn tay đau buốt,những nốt nhạc vụn vỡ không một tiếng ngân. Đêm nay tôi sẽ không hát, không đàn. Sân khấu đêm nay sẽ là thánh đường cho tôi xưng tội. Tôi sẽ kể cho mọi người nghe về mối tình của một cô thanh niên xung phong và một anh bộ đội. Kể về cánh rừng chết, dòng sông chết, muông thú tan tác. Kể về đứa bé sinh ra từ một tình yêu vượt qua sự hủy diệt. Cậu bé không có tóc, không có trán, không có mũi, không có cổ - cái đầu thật to lọt thỏm giữa hai bờ vai nhỏ thó, đôi chân gầy guộc như chân chim.
Nhưng làm sao kể được câu chuyện về bức tranh cuối cùng loằng ngoằng hai gam màu đen trắng xoắn vào nhau như một sự vùng vẫy tuyệt vọng? và làm sao kể được sự lãng quên của mình?.
1996
Nguyên Hương
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...