Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Ru nắng chiều xuân

Ru nắng chiều xuân

Nhân đọc Thơ tình Ngô Văn Cư, Nxb HNV 2023
Tình yêu là vị thần bình đẳng của mỗi người trong từng thời điểm. Nhờ có tình yêu mà con người luôn kết nối và sẻ chia. Với thơ là tiếng lòng tha thiết tin yêu nhất.
Chủ đề Thơ tình Ngô Văn Cư cũng là tên tập thơ thứ bảy (vừa in xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2023), trong 15 tập sách đã xuất bản với nhiều thể loại khác nhau. Vinh danh Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu cho ba tác phẩm với ba thể loại Truyện ngắn, Tản văn và Thơ. Thơ tình Ngô Văn Cư vẹn nguyên như thuở ban đầu. “Ru nắng chiều xuân” là cụm từ trong câu thơ “Ru nắng chiều xuân mà lệ rơi”(Tình cũ)* cái tình cũ không rủ cũng tìm về nồng ấm yêu thương với 70 bài, kể cả Lời đầu sách viết bằng bài Đường luật thất ngôn bát cú mà cặp câu kết ngỡ nhẹ tênh:
“Muốn quên nhưng dạ càng thêm nhớ
Ghi lại chút tình để đọc chơi”
Nhưng dư âm lại man mát, buồn vương, luyến tiếc của người bước vào tuổi thất thập. Chút xao xuyến, ung dung mà chạnh lòng đón nhận xuân sang của đất trời, “Chợt nghe hương vị mùa xuân/ Trong làn khói mỏng rưng rưng ngậm ngùi” (Lời khấn ngày xuân)*. Nhịp thời gian cứ từng ngày trôi qua, tầm tay khó với, những nuối tiếc (Mỗi mùa thêm lỗi nhịp, Lỡ nhịp giêng hai, Những mối tình xưa ấy,…)* đâu nguôi.
Xuyên suốt Thơ tình Ngô Văn Cư là dấu mốc thời gian. Cái hiện hữu của thực tại là trăn trở theo mùa. Mùa nhớ thương đồng vọng khi bắt gặp cảnh vật, con người hiện ra trước mắt đã đành, mà sâu trong tiềm thức khơi nhịp trái tim thi nhân, trăn trở và dằn vặt món nợ tình chưa trả hết. Đến với Bên bến sông quê* ta thấy nỗi cô đơn dập dờn con nước, cháy bỏng ngậm ngùi:
“Tôi ngồi với cát quạnh hiu
Gió hôn rát bến cô liêu bềnh bồng
Ai mang nỗi nhớ sang sông
Một chiều nắng cháy rực hồng tàn tro”
Nếu như Thơ tình Ngô Văn Cư chỉ dành riêng cho tình yêu nam nữ cháy bỏng dại khờ, thì giá trị văn chương của tác phẩm chưa trọn vẹn. Bởi trong cuộc sống đời thường của mỗi cá thể luôn có mối quan hệ ràng buộc gia đình và xã hội. Cái tình quê ấm áp, lắng đọng:
“Con về đây! Hỡi mẹ ơi!
Bỏ sau lưng những cuộc chơi sắc màu
Co về cây lúa trồng rau
Chiều âm vọng nhịp quê nghèo bình an”
(Chiều âm vọng nhịp quê nghèo)*
Chiều âm vọng nhịp quê nghèo hay là tiếng quê hương không ngừng thôi thúc bước chân lãng tử thi nhân từ cõi mộng về thực tại gia đình, làng xóm, người thân bạn bè. Nơi đã từng nuôi dưỡng chăm chút tuổi thơ anh, để rồi giờ đây những ngày rời bục giảng về hưu, thầy giáo nhà thơ Ngô Văn Cư tự phát vấn trải lòng chân tình biết bao:
“Lẽ nào ta đã “muôn năm cũ”
Gặm nhấm đời ta rất thất thà
Một phút ngoái nhìn về quá khứ
Hạt mầm thuở ấy đã bung hoa”
(Thầy cũ thăm trường xưa)*
Và đến mỗi tứ thơ trong Thơ tình Ngô Văn Cư còn là liệu pháp tâm hồn kết nối niềm vui, sự thân thiện để thấy tình yêu mãi bền vững, sinh động biết bao khi con ngời biết chọn thơ văn làm điểm tựa xóa ranh giới mầm mống cô đơn, chôn vùi bất hạnh, biết nâng niu kỉ niệm đẹp, kết nối yêu thương từng ngày cho cuộc sống đầy ý nghĩa, còn thay vào đó là sự sáng tạo không ngừng nâng cao giá trị thẩm mỹ về nhân cách con người.
Chú thích:
* Các bài thơ trong tập.
30/4/2023
Nguyễn Thị Phụng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...