Bà Mây được xây tặng ngôi nhà "Tình nghĩa" hai chục
mét vuông. Thân tộc, xóm giềng, cơ quan đoàn thể đến chúc tụng, pháo nổ đì đùng
vui hơn ngày Tết.
Năm nay bà tròn tám mươi. Lấy chồng từ tuổi mười lăm, sinh được hai đứa con
trai. Chồng hy sinh ở Điện Biên khi thằng thứ hai mới lên năm. Năm 62 người con
đầu cưới vợ, được đứa con gái thì đi bộ đội. Sau đó bốn năm, Vũ Văn Bình, cậu
thứ hai thi vào đại học cũng vừa độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Nghe nói Bình đỗ,
nhưng giấy báo điểm về muộn nên anh đã vào quân ngũ. Bà mẹ ngậm ngùi, nhớ
thương nuối tiếc khi chiến tranh thực sự bước vào nhịp độ khốc liệt.
Nhà chỉ còn đàn bà trẻ con. Họ sống chờ đợi cho đến khi cuộc chiến kết thúc.
Song những người đàn ông đều không trở về. Thay vào đó là hai giấy báo tử cùng
đến một lúc! Xã phải bí mật tách làm hai đợt truy điệu cách nhau bốn tháng.
Một năm sau cô con dâu xin đem con về nhà mẹ đẻ rồi lấy chồng bên kia sông
Ninh. Bà mẹ Mây sống độc thân từ thuở ấy. Tuổi sáu mươi trời còn để cho bà sức
khỏe đủ chống chọi với gian truân. Nhưng sang tuổi bảy mươi thì mọi sự đều biến
đổi. Đứa cháu gái lấy chồng ngoài phố huyện cũng ít khi về thăm nom giúp đỡ bà.
Hợp tác xã nông nghiệp suy tàn chẳng còn đủ sức bao cấp cho diện "ưu
tiên" ngày một rộng. Bà sống tùng tiệm bằng mảnh đất phần trăm. Bốn gian
nhà tranh giột nát mỗi năm một thu nhỏ lại đến nay chỉ như một túp lều. Kèo cột,
rui mè mòn mỏi muốn ụp xuống cùng với tuổi già tàn tạ của bà. Họ hàng làng xóm
cũng còn người chạy đi chạy lại. Song người tốt bụng thường lại nghèo nên chẳng
ai cưu mang nổi.
Một hôm có người đàn bà dung nhan tươi tắn, dáng vẻ phúc hậu, áo quần nền nã,
khoác chiếc túi lớn, lần hỏi đến nhà bà. Chị nói giọng miền trong hơi khó nghe.
- Con có công việc buôn bán qua vùng này. Trời gần tối con muốn nhờ bà cho nghỉ
lại một đêm được không ạ?
Bà Mây ngần ngại.
- Nhà tôi nghèo, chiếu manh, giường chiếc. Đêm nằm năm ở, muốn rộng rãi sạch sẽ,
để tôi nói với bà Cầm nhà liền ngõ đây thôi. Còn nếu chị vui lòng nằm chung với
già thì ở đây cũng được.
- Con cảm ơn bác. Thân gái dặm trường con không muốn đến nhờ vả nhà có đàn ông.
Được nằm bên bác là con mừng lắm rồi.
Bà Mây vẫn thấy hơi lạ lùng và có phần nghi ngại. Thời nay thiếu gì kẻ gian lợi
dụng lòng tốt của người khác để lừa đảo kiếm chác. Nhưng nhà mình thì chẳng có
gì đáng để mất nên bà vui vẻ thu dọn cho khách có chỗ nghỉ ngơi tươm tất.
Người khách lạ xin nấu nhờ bữa cơm. Chị có sẵn gạo, thức ăn trong túi. Bà Mây
ra vườn tuốt cho nắm rau ngót. Chỉ một loáng bữa cơm ngon lành đã dọn ra. Gạo
trắng thơm phức. Giò chả, gà luộc, cá thu kho toàn những thứ mà từ lâu lắm bà
Mây chỉ thấy trong ký ức!
- Con mời bác ăn cơm với con!
- Chị cứ tự nhiên, tôi ăn rồi.
Thực ra bà nấu một bữa ăn hai. Còn lưng cơm nguội khô nhăn vẫn trong đáy niêu.
- Con nấu đủ cho hai mẹ con. ít nhiều bác dùng một lưng cho con vui!
Nói rồi chị kéo bà lại ngồi bên mình, rót rượu ấn vào tay, tiếp thức ăn đầy
bát, mời chào đon đả thân tình như con cái trong nhà.
- Chị có tiền mua thức ăn ngon sao không dùng bữa ngoài hiệu cho gọn, mang theo
làm gì thêm lách cách?
- Dạ con ăn trưa ngoài phố huyện, nghe nói đường vào đây còn xa, sợ trong này
không có hàng quán nên phải chuẩn bị tí chút.
- Trong này cũng chẳng thiếu, có tiền là đủ cả... Chắc chị buôn bán kiếm được
nên mới tiêu pha rộng rãi thế này?
Thiếu phụ cười hiền lành.
- Nhà con cũng làm ruộng như quê ta đây thôi. Nhưng gần rừng liền biển nên kiếm
cũng dễ. Con xin thưa thực với bác là con chẳng phải dân buôn. Con đi tìm em
trai con. Cha mẹ mất sớm, chỉ còn hai chị em. Cậu ấy giận vợ chồng con bỏ nhà
ra đi, nghe nói đã lấy vợ, lập nghiệp ngoài này. Con phải chuẩn bị tiền bạc cho
chuyến đi tới đích.
- Thế cậu ấy tên là gì?
- Em con tên là Bình. Vũ Văn Bình.
- Thì ra cùng họ tên với thằng con thứ hai của tôi! - Bà cụ thở dài. - Nhưng em
Bình nhà tôi hy sinh năm 1973 rồi!
Người đàn bà thất sắc, tay run run vội buông bát đũa ngồi chết lặng như người mất
hồn. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi khách.
- Có chuyện gì thế chị?
- Dạ con nghĩ đến em con, nghĩ đến cái chết ở nơi đất khách quê người. - Chị
lau nước mắt cười gượng. - Có lẽ con hỏi thăm nhà cậu Bình mà người ta chỉ tới
đây.
- Theo tôi biết thì làng này không có anh rể ngụ cư nào là Bình. Có thể người
đưa tin hiểu lầm chăng?
- Con cũng nghĩ vậy... song tâm tưởng lại cứ tin chắc là em con đang sống quanh
quẩn nơi đây. Nó mai danh ẩn tích cũng là muốn tránh mặt con thôi. Con sẽ còn
đi lại vùng này, bác cho phép con thỉnh thoảng lưu nhờ đôi ba bữa.
- Chị cứ coi đây là nhà mình. Tôi cũng sẽ dò hỏi giúp mấy làng quanh đây, có
tin gì tôi mách chị.
Đêm đó bà Mây nằm cạnh khách chuyện trò thâu đêm. Lâu lắm bà mới có dịp dốc bầu
tâm sự, chia sẻ buồn vui với một người xa lạ. Thế mà khách lại chăm chú lắng
nghe, hòa chung tiếng cười giọt lệ như người thân trong nhà...
Sáng hôm sau bà tỉnh dậy thì đã thấy chị ta chuẩn bị cơm nước chu đáo bày đặt gọn
gàng mời bà đi dùng bữa. Bà mẹ cảm động và thầm nghĩ: y như cô Tấm trong quả thị
chui ra vậy.
Ăn uống xong chị xin phép bà đi tìm em, gần trưa mới về. Bà hỏi, chị thở dài,
chưa thấy tăm hơi gì. Chị mở túi lấy bộ đồ ướm vào người bà ngắm nghía. Lại có
cả chiếc áo bông dày dặn bằng láng hoa đen.
- Trong ta không có thứ này hay sao mà chị phải ra đây mua?
- Dạ con mua để biếu bác đấy? Bác mặc chiếc áo bông vào xem có vừa không? Con hẹn
với chủ hàng là nếu mẹ tôi mặc không đẹp thì tôi sẽ mang ra đổi chiếc khác?
- Chị mua cho tôi? - Bà ngạc nhiên tròn mắt nhìn người khách lạ. - Ôi tôi không
dám nhận đâu! Tốn phí thế này tôi biết lấy gì đền ơn chị!
Thiếu phụ cười đôn hậu:
- Mấy thứ này cũng rẻ thôi, xin bác đừng bận tâm. Con mà tìm được cậu cháu thì
ơn bác lớn gấp trăm lần chứ bộ quần áo nào so sánh được?
- Nhưng mà... - Bà Mây xúc động nghẹn ngào không nói được.
- Trời Phật xui khiến hay sao mà anh Bình, con mẹ lại trùng họ trùng tên với cậu
em con. Xin mẹ hãy coi con như con gái mẹ.
- Mẹ cảm ơn con! Tên con là gì mẹ chưa biết mà con đã bỏ hàng đống tiền mua quà
cho mẹ... Mẹ thật có lỗi với con.
- Tên con là Huệ mẹ ạ.
Từ đấy bà Mây có cô con nuôi người đường trong. Huệ đi rồi, thu xếp chăn gối bà
thấy một gói tiền khá lớn. Bà tưởng chị quên nên ngong ngóng chờ quay lại nhưng
không thấy. Bà lo lắng đem giấu kín sợ kẻ gian biết đến cuỗm mất thì mang tiếng.
Nửa năm sau chị Huệ quay lại. Mới nhìn thấy chưa kịp hỏi han bà đã vội đi lục
gói tiền mang ra trả. Chị ôm lấy bà mẹ ứa nước mắt.
- Mẹ ơi đấy là số tiền con định đưa biếu mẹ nhưng lại sợ mẹ không nhận. Con đặt
dưới gối để khi cần mẹ tiêu. Thế mà mẹ vẫn giữ đến giờ?
- Mẹ nghèo nhưng con có để bạc triệu thì mẹ vẫn giữ cho con. Tấm lòng con còn
quý hơn vàng!
Từ đấy biếu gì chị phải đưa tận tay, dặn dò kỹ lưỡng. Thấy vách lở chị nhào bùn
trát kín, thấy mái dột chị leo lên dọi lại. Tuy hàng năm chị mới ra nhưng bà mẹ
cảm thấy ấm lòng, còn có người để mà mong đợi mà nhớ thương.
...
Nhưng từ ngày bà được xây "căn nhà tình nghĩa" thì lại không thấy chị
Huệ ra. Bẵng đi một năm rồi, ruột gan bà cứ héo hon buồn thảm. Nhà cao cửa rộng
làm gì khi nỗi nhớ mong cứ chìm trong tuyệt vọng.
Từ khi bà có chốn ở khang trang, cái Tuyến, cô cháu nội lấy chồng trên huyện
cũng năng phóng xe về thăm. Người con dâu tái giá bên kia sông thỉnh thoảng
cũng đáo qua. Nhưng lòng dạ bà vẫn không nguôi ngoai hình bóng người con nuôi xứ
lạ...
Rồi một hôm Huệ dẫn theo một chàng trai cao lớn, dung nhan tuấn tú về thăm.
- Thưa mẹ, hôm nay con đưa cháu Vũ Bình Minh, con trai con ra thăm bà.
- Cháu chào bà ạ?
- Ôi! Cảm ơn con, cảm ơn cháu! Hơn năm qua mẹ mong đỏ mắt chẳng thấy con ra. Mẹ
cứ lo chưa gặp con thì chết không nhắm mắt nổi.
Đêm hôm đó Bình Minh nằm nhà ngoài, Huệ và bà Mây chung giường buồng trong chị
mới kể lại những điều sâu kín của mẹ con mình cho bà Mây nghe.
Năm 87 tiểu đoàn 12 chuẩn bị vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường B6.
Bộ đội được đi phép lần lượt. Bình về thăm mẹ và gia đình để khởi đầu cuộc trường
chinh không hẹn ngày về. Bà Mây thương nhớ con nhưng vẫn động viên anh trả phép
đúng hạn để thay phiên cho những anh em đi sau.
Bình đóng quân ở một làng nghèo ven biển miền trung. Một nửa tiểu đội anh ở nhờ
nhà anh Hạc, một thương binh chống Pháp, cụt chân trái. Hai anh chị chưa có con
nên nhường cả ba gian nhà ngoài cho bộ đội.
Khi Bình về thì bốn anh em còn lại vui mừng giao tất cả quân trang vũ khí cho
anh để đi phép đồng loạt.
Đêm hôm đó anh Hạc rời buồng vợ ra nằm chung với Bình ở nhà ngoài. Hai người
lính của hai cuộc chiến tranh thì thào tâm sự với nhau hết chuyện này sang chuyện
khác.
Hạc cũng người ngoài Nam Hà, cha mẹ mất sớm phải đi ở đợ. Đến tuổi trưởng thành
anh đi bộ đội, vào chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên. Anh bị thương nặng, chuyển
ra khu Bốn rồi về Ty Thương binh. Thời đó Hội Phụ nữ có phát động phong trào
xung phong nhận thương binh nặng về nuôi dưỡng. Nếu thương yêu nhau thì thành vợ
chồng. Còn không hợp thì hết hạn lại chuyển về Ty để chị em khác nhận.
Chị Huệ là cán bộ Phụ nữ huyện, rất hăng hái trong nhiệm vụ này. Thời đó tình
yêu nước, thương yêu bộ đội và tình yêu lứa đôi không minh bạch, rạch ròi, tỉnh
táo như bây giờ. Để làm gương, Huệ viết đơn đầu tiên! Có cả mấy chục chị em
theo nhau "xung phong"! Nhưng cả huyện chỉ được "phân" ba
anh thương binh loại nặng. Huệ chọn hai cô khỏe mạnh nết na theo mình lên Ty
đón về. Đến nơi thì ai cũng thẹn thùng đun đẩy nhau. Là cán bộ, Huệ phải gương
mẫu thu xếp cho êm đẹp.
- Chị nhường hai em lần lượt vào hỏi han, ưng anh nào thì đón. Phần chị thế nào
cũng được, anh nào chị cũng thương!
Hai cô vào trước ngồi bên hai chàng ưa nhìn. Hạc cao tuổi, người miền ngoài,
thương tật cao... tủi thân ngồi chờ. Mải bàn giao giấy tờ với Ty, nửa giờ sau
chị mới vào. Huệ là người xinh đẹp nhất trong ba cô gái khiến Hạc bàng hoàng
xúc động! Anh theo chị về ngôi nhà ven biển trước sự đón chào vui vẻ của xóm
làng.
Tình yêu của mấy cô gái cấp tiến miền trung có vẻ cực đoan, mã thượng, kiêu sa
như khúc quân hành, nhưng cũng mơ mộng, thiêng liêng như những bản thánh ca huyền
diệu.
Chẳng bao lâu Huệ nhận ra rằng làm vợ một thương binh nặng không phải dễ dàng.
Chị xin thôi công tác để ở nhà phục vụ chồng và tự an ủi đây cũng là một công
tác cách mạng vào loại khó khăn nhất.
Anh chị sống với nhau thật thuận hòa êm ấm. Chị khỏe mạnh lo việc đồng áng, còn
anh làm đủ mọi việc vặt trong nhà rất khéo léo gọn gàng nên cuộc sống cũng khá
sung túc. Song có một nỗi buồn không sao vượt nổi là đường con cái. Lấy nhau đã
bẩy năm mà chưa một lần có dấu hiệu hoài thai sinh nở. Vết thương nặng đã biến
anh thành người thiếu khả năng tình dục. Đã nhiều lần anh xin chị li dị để Huệ
kiếm người chồng mới và coi Hạc như anh, nhưng chị không chịu. Trong cảnh ấm
cúng gia đình vẫn tiềm ẩn một mầm bão tố. Hạc lo sau này chồng già vợ yếu biết
trông cậy vào ai?
Bình nghe Hạc kể bỗng thấy thương anh, thương mình, thương cho đời lính chiến.
Đường xa nghĩ bước sau này mà ghê! Hy sinh ngoài mặt trận đã đành chứ rơi vào
trường hợp anh Hạc thì còn tội hơn. Nghĩ vậy nhưng Bình vẫn an ủi người lính
già:
- Anh chị nên tìm lấy đứa con nuôi.
- Không gì bằng chính mình đẻ ra. Anh đã đành nhưng chị còn khả năng sinh đẻ,
còn khát vọng làm mẹ mà phải từ bỏ thì đau khổ biết nhường nào.
Bình yên lặng, còn Hạc thở dài. ít phút sau anh thì thầm vào tai người lính trẻ:
- Bình này... anh chị muốn xin em đứa con... Em có thể giúp anh chị được không?
Bình ngạc nhiên lúng túng không biết trả lời thế nào đành nói lảng:
- Nhưng em đã có vợ con gì đâu mà cho anh chị được!
- Có đấy. Nó đang nằm ở đây này! - Anh cười và đặt tay lên bụng Bình - Em khỏe
mạnh chỉ cần vào với chị Huệ vài lần là kết quả thôi!
- Ôi anh Hạc! Anh nói gì lạ vậy! Anh sai bảo gì cũng được, nhưng chuyện đó thì
không thể...
Hạc im lặng hồi lâu mới nhẹ nhàng nói tiếp:
- Anh biết em là chàng trai trong trắng, đức độ, em không muốn bị hoen ố tuổi
hoa niên... Nhưng thực ra đây là sự hy sinh vì bạn... Huệ đáng tuổi chị lớn của
em, nhưng được cái cũng gọn gàng, sạch sẽ, dễ coi. Giá như cô ấy xấu xí ốm yếu
thì anh cũng không dám nhờ em.
- Không phải chuyện ấy đâu. Em lo về mặt tình cảm... Sau này anh sẽ hối hận đấy!
- Anh đã có nhiều năm trời suy nghĩ, nhiều tháng để bàn đi tính lại với Huệ, cô
ấy mới hơi xuôi.
- Thế thì ở đây thiếu gì đàn ông, anh chị nhờ ai không được?
- Làng xóm cũng chưa hết người, nhưng chỗ quen biết, ra vào gặp nhau, đàn ông họ
hay lấn tới. Mình buông xuôi thì tan cửa nát nhà nhà mình. Mình kháng cự, lộ
chuyện sẽ đổ vỡ gia đình nhà họ. Vì thế Huệ không thể chấp nhận... Còn em quê
quán ở xa, cả đời chỉ qua vùng này một lần. Em lại ít tuổi, sau này hết chiến
tranh lấy cô vợ trẻ , còn chị Huệ lúc đó đã già có gặp nhau cũng dễ kiềm chế!
- Đã xảy ra chuyện đó thì trái đất cũng trở thành nhỏ bé, anh không lường hết
di họa của nó đâu!
- Em là chàng trai thông minh đức hạnh. Anh hy vọng đứa trẻ giống em, anh chị
có phận nhờ. Khi anh tin cẩn quý trọng em thì chắc là sau này em cũng chẳng nỡ
gây đau đớn cho một kẻ tàn tật như anh.
Nghe Hạc nói nước mắt Bình ứa ra. Chàng trai hai mươi tuổi, chưa có người yêu,
tuổi học trò cắm đầu vào đèn sách. Đôi khi cũng có trò trêu đùa gán ghép, nhưng
chạm vào bạn gái là mặt đỏ nhừ lảng tránh. Nay Hạc đề cập một cuộc giao hoan thực
sự thì anh vừa xấu hổ, tự ti, hốt hoảng lại vừa như bị xúc phạm. Như đoán biết
được tâm lý người bạn trẻ, anh Hạc vỗ vai thân tình, dỗ khéo:
- Đừng ngại! Em đâu có quen chuyện này. Lần đầu cũng lúng túng hoảng sợ một
chút. Em không phải nói gì, Huệ sẽ giúp em từ đầu đến cuối.
Nói rồi anh nhổm dậy, tụt khỏi giường lần đôi nạng chống và kéo tay Bình.
- Đi với anh... anh đưa chú vào... cố giúp anh!
- Em sợ chị ấy...
- Anh nói trước với Huệ chiều nay rồi! Xem ra chị cũng quý em đấy. Hãy mạnh dạn
lên! Cả hai đều ưng nhau mới chóng kết quả!
Bình bước theo Hạc như kẻ mất hồn, tim đập rộn... Hạc vén cửa màn đẩy Bình vào
rồi lịch kịch chống nạng đi ra.
Cái buồng miền trung trống tuềnh, cửa không bao giờ đóng. Một lối đi thông từ
nhà ngoài xuống bếp. Chiếc giường đôi ngắn ngủn, ruỗi thẳng không thừa đầu cũng
thiếu chân. Bình nằm co con tôm quay mặt ra ngoài, dán mắt vào khuôn cửa tối sẫm.
Từ nhà ngoài tiếng cốc chén lách cách, hơi rượu tỏa vào không gian. Hạc uống liền
hai chén rồi lên giường nằm. Mười phút sau có tiếng ngáy nhè nhẹ, đôi lúc nấc
lên nghẹn ngào rồi lại dịu đi... Thời gian trôi cồn cào như dòng suối xối qua
ghềnh đá...
Bàn tay mềm mại của Huệ đặt lên vai Bình kéo nhẹ. Chàng trai xoay người lại.
Hơi đàn bà nồng ấm và mùi hương nhu, lá chanh phả vào mặt anh. ánh sao đêm mờ ảo
lọt qua cửa sổ làm nổi rõ một đường cong ngồn ngộn... Nhục cảm bén lửa bùng
cháy. Bình dang cánh tay vạm vỡ cho Huệ gối lên. Hai cơ thể hút vào nhau như cặp
nam châm. Cái nhút nhát ban đầu biến đi nhanh chóng. Tính đàn ông từ dòng máu tổ
tông truyền lại đã hướng dẫn hành động của Bình chính xác và mạnh mẽ, không phải
đợi đến sự giúp đỡ của người đàn bà thuần thục. Mọi chuyện diễn ra êm đẹp trong
bóng tối câm lặng... Họ thức thâu đêm.
Gần sáng Bình quay ra nhà ngoài. Có lẽ Hạc cũng tỉnh giấc từ lâu nên anh hăm hở
hỏi ngay.
- Xong việc rồi chứ em?
- Dạ!
Bình đáp cụt lủn rồi nằm xuống. Hạc vỗ nhẹ lên vai người bạn trẻ như thầm cảm
ơn.
Hôm đơn vị ba lô lên đường, Bình bắt tay từ biệt Hạc nhưng không dám chào Huệ.
Chị đứng trong nhà nước mắt lưng tròng nhìn đám bộ đội tụ tập ngoài sân. Đôi
lúc bắt gặp cặp mắt Bình, chưa nhìn lâu anh đã vội lảng đi. Thế là suốt từ đêm
vào cuộc tới lúc chia tay cả hai chưa nói với nhau lời nào.
Huệ có mang sinh được thằng Minh, kháu khỉnh ngoan ngoãn thông minh đúng như
mong ước. Nhưng trong làng cũng có vài lời bàn tán về sự kiện dị thường này.
Khi thằng Minh vào học cấp ba, anh Hạc mới nói với vợ:
- Lời ra tiếng vào về huyết hệ thằng Minh có thể gây ra tai họa sau này. Thế
gian nghi ngờ không sao chứ để con không tin vào cha mẹ thì nguy hiểm lắm. Nó
có thể đoán người này là cha, tưởng kẻ kia là bố, bọn xấu sẽ vu xằng nhận bậy
làm lẫn lộn vàng thau, trắng đen đảo ngược. Vả lại con nó có quyền biết sự thật
này. Nếu ta dũng cảm tiết lộ thì chính là xây dựng cho nó tình cảm, niềm tin vững
chắc.
- Ôi không được đâu anh! Con còn trẻ quá, nó sẽ mặc cảm tự ti, không chủ động
trong cuộc sống, dễ dẫn đến thất bại trên đường đời. Vả lại ta có đem lại cho
con một người cha khác đâu. Bình cho nó dòng máu, nhưng anh cho nó cuộc đời và
anh thực sự là cha nó. Không có lòng cao thượng của anh thì chẳng có Minh hay bất
cứ đứa trẻ nào khác trong nhà mình. Em xin anh giữ lại điều bí mật này chí ít
cũng đến lúc một trong hai ta qua đời.
- Em nói đúng nhưng chưa hết nhẽ. Chỉ một trong hai ta không đủ sức tạo mềm tin
cho con đâu. Bệnh tật thương tích không cho phép anh nấn ná mãi. Ta phải chuẩn
bị dần đi. Trước tiên em nên đi tìm cho nó người cha. Tìm chứ anh chưa cho phép
em giáp mặt. Nhớ là mình phải đảm bảo hạnh phúc và sự yên ấm cho gia đình Bình
nữa. Sau này tìm cơ hội tốt nhất ta sẽ để cho cha con nó gặp nhau.
Hạc ghi địa chỉ Bình cho Huệ nên chị mới tìm đến được nhà mẹ Mây. Tin Bình mất
làm Huệ đau đớn bàng hoàng. Anh Hạc cũng đau buồn không kém. Tội cho thằng Minh
bé bỏng côi cút mà không hay biết gì. Hạc thấy trách nhiệm người cha dồn cả lên
đôi vai mình. Từ đấy anh cố tạo điều kiện cho vợ ra viếng thăm bà. Tự tay anh
chuẩn bị từ chai mật ong, lạng cao, cặp nhung, chai rượu thuốc... để chị mang
ra biếu mẹ Mây.
Rồi một bữa đau nặng biết mình khó qua. Hạc đã gọi vợ con lại bên, tự mình tiết
lộ cho thằng Minh hay nguồn gốc của nó. Đã vào tuổi thành niên nên Minh nhận thức
được sự kiện này. Nó ôm Hạc kêu khóc thảm thiết. Nó đâu biết thân phụ mình là
ai. Bình dù có thiêng liêng thì cũng chỉ là người cha hư ảo xa vời. Còn Hạc mới
thực sự là người bố thân thiết gần gũi giữa cuộc đời nó.
Hạc mất, hai mẹ con lo việc mai táng cúng bái chu tất. Để tang trọn năm, qua đợt
giỗ đầu Huệ mới đưa con ra bắc nhận quê cha, cho bà nhận cháu.
Nghe Huệ kể, bà Mây vui mừng ứa nước mắt. Bà bắt chị bật đèn lên để nhìn rõ đứa
cháu nội, đích tôn. Nhưng trời đã hửng sáng, bình minh lọt qua khe cửa soi tỏ
khuôn mặt khôi ngô tuấn tú của chàng trai. Bà thì thầm với Huệ.
- Nhìn kỹ mẹ càng thấy đúng là khuôn mặt thằng Bình thuở trẻ!
Sáng ra bà Mây cho mời ông bác, bà cô, anh chị em họ Vũ cùng mấy nhà hàng xóm
thân tình lại để giới thiệu đứa cháu nội con nhà Bình. Nghe xong câu chuyện mọi
người đều trầm ngâm, miệng im như thóc. Ông Bái, bề trên cao tuổi của họ Vũ rít
hơi thuốc lào rồi đĩnh đạc lên tiếng:
- Nghe cụ Mây cho biết chị và cháu ra nhận họ hàng, tìm làng xóm chúng tôi cũng
mừng. Song anh Bình đã hy sinh. Hồi sống cũng chưa thư từ, tâm sự gì về đường vợ
con. Vậy thì chị và cháu có giữ được di vật chứng tích gì của người quá cố
chăng? Thí dụ như lá thư, tấm ảnh hay nét chữ ghi tên cha mẹ, xóm làng cũng được!
Chị Huệ bàng hoàng bối rối chưa nghĩ đến chuyện này và cũng chẳng có gì trong
tay. Giữa hai người chỉ qua một đêm ân ái câm lặng, sao có thể mang ra đây làm
chứng tích. Chị đành nói cho qua chuyện:
- Thưa bác chiến tranh trong con vô cùng ác liệt, nhà cửa cháy đi dựng lại nhiều
lần nên chẳng còn giữ được gì.
- Thì lần này cố về tìm đi. - Ông già cười - Chí ít cũng còn chiếc khăn tay,
manh áo cũ chứ? Người xưa nói "Giữ tàn y lại để dành hơi" mà!
Mọi người cười ồ vui vẻ rồi lục tục đứng dậy cáo lui. Chị Huệ ngượng chín mặt.
Hai mẹ con cảm thấy nhục nhã vô cùng. Bà Mây gạt nước mắt nói với chị.
- Đây là việc nhà mình. Họ hàng tin hay không tin thì Huệ và Minh vẫn là vợ con
thằng Bình, là dâu mẹ cháu bà, đừng nghĩ ngợi làm gì. Trước sau rồi họ cũng sẽ
thông cảm.
Chị Huệ chỉ ở chơi một ngày, hôm sau đưa con về sớm. Mấy lần trước ra thăm vui
vẻ bao nhiêu thì lần này buồn tủi bấy nhiêu.
Mùa đông năm Dậu bà Mây ốm nặng, mẹ con nhà Huệ cũng chẳng biết tin mà ra thăm.
Chắc là chưa tìm được chứng cớ. Thật tội. Chẳng lẽ vì những đòi hỏi oái oăm của
họ hàng mà bà cháu không được nhận nhau? Một tối bà cho gọi thân tộc đến bên rồi
nói:
- Đêm qua thằng Bình hiện về. Nó nói đã cho vợ con về thăm sao họ hàng không nhận.
Tôi hỏi chứng cớ, nó bảo: "Con nói mẹ cũng không tin à?" Rồi nó ôm
tôi mà khóc. Tỉnh dậy tôi mới biết con mình về báo mộng. Tôi chỉ có một nguyện
vọng điện cho mẹ con nhà Huệ ra ngay. Dù cưới xin hay chỉ là con hoang cũng vẫn
máu thịt nhà mình. Nó chẳng bỏ tôi sao tôi lại không được nhận nó. Xin bà con họ
mạc đừng lãnh đạm với mẹ con nó.
Nói rồi bà Mây thanh thoát ra đi. Chôn cất xong, mẹ con Huệ mới ra kịp. Chị xin
được xé khăn tang, ông Bái đồng ý, nhưng Tuyến phản đối. Minh thay mặt mẹ lên
thưa với họ hàng. Lần này chàng trai chủ động tự tin hơn.
- Thưa ông bà cô bác. Khi hấp hối cha cháu mới cho cháu hay cháu là con bố
Bình. Cháu tin vào sự thật này. Dù họ Vũ không thừa nhận thì đây vẫn là cội nguồn
của cháu. Mẹ con cháu ra nhận bà là để hướng về tiền nhân chứ không có ý vụ lợi.
Cái lớn nhất cháu được thừa hưởng là dòng máu ông bà truyền cho bố cháu, giờ
đây đang chảy trong tim cháu. Cháu sẽ giữ gìn để sự sống của người trường tồn với
nhân gian. Mẹ cháu không có di vật nào về câu chuyện tình hai mươi năm trước.
Song pháp luật mới cần bằng cớ chứ tình cảm, lương tâm chỉ cần ở lòng thành.
Thưa chị Tuyến, em hy vọng sớm muộn chị cũng sẽ tin em. Giữa chúng ta không có
gì đáng phải tranh chấp. Em chỉ mong hàng năm mẹ con hành hương về đất tổ cùng
chị thăm viếng mồ mả ông bà, hương khói gia tiên lấy một lần. Nhà em neo người.
Em đi học xa, mẹ em thui thủi một mình trông nom mươi đàn ong, dăm cặp hươu, một
đồi cây cuộc sống chẳng thiếu thốn gì, chỉ mong có bè bạn họ hàng để mà đi lại.
Em tha thiết mời chị vào chơi để thông cảm nhau hơn!
Nghe Minh nói xong Tuyến khóc òa. Cô chạy lại nắm chặt tay cậu em.
- Chị xin lỗi Minh! Chị quen sống nhỏ nhen bủn xỉn. Ngay cả khi nghe bà kể lại
giấc mơ cuối cùng gặp chú Bình chị cũng gạt đi. Ôi chị thật tàn nhẫn và độc ác!
- Có thể vong linh bố em xuất hiện trong mơ. Song em nghĩ vì thương mẹ con em
nên tâm tưởng của người đã biến thành giấc mộng.
- Dù sao giấc mộng cuối cùng của bà cũng là mộng đẹp, mơ lành!
- Vậy chị em mình phải làm sống lại giấc mơ của người trong cõi thực!
Tuyến quay sang ôm lấy chị Huệ:
- Thím ơi, xin thím tha lỗi cho con. Con nghi ngờ thím là con có tội với chú
Bình với em Minh nhiều lắm!
- Tuyến ơi, nghe con nói thím cảm động lắm. Con không có lỗi gì. Mọi niềm tin đều
cần thử thách. Niềm tin càng lớn lao càng phải qua thử thách nặng nề. Giờ đây
chúng ta thực sự có nhau. Nín đi con!
Bà con họ mạc chứng kiến cảnh này đều không cầm được nước mắt.
Cội nguồn, huyết hệ cũng bất biến như lịch sử. Thừa nhận hay chối từ đều vô
nghĩa như nhau. Chỉ có sự thật là tồn hữu.
Ấp Thái Hà, 12/1994 Triệu Huấn Theo https://vietmessenger.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét