Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Cua

Cua

1. Tôi tên Phiên. Tôi đang ở trong một siêu thị khá nổi tiếng nằm trên con đường sầm uất nhất của thành phố đông người Việt nhất ở nước Mỹ.
Bây giờ là chín giờ sáng ngày mồng một tháng Giêng. Buổi sáng của ngày đầu năm không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Bầu trời thì xám xịt, và tôi thì không được khỏe lắm. Nhất định là mấy chai bia tối hôm qua ở chiếc bàn ngoài hiên một quán ăn ở khu Westminster có liên quan đến điều này. Hoặ? chính cái cảm giác tôi có vào lúc chia tay với người bạn đêm qua vẫn còn đeo đẳng cho đến bây giờ. Chúng tôi đã la cà khá lâu ở quán ăn đó, hai tiếng đồng hồ thuộc về năm cũ và phần còn lại thuộc về năm mới. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn nhỏ ngoài hiên quán, nhìn ra con đường nhựa mỗi lúc mỗi thưa dần xe cộ, nói chuyện lung tung, và đã có một lúc tôi cười thực to. Nhưng cái cảm giác khó chịu vẫn ở đó, lẩn lút một cách kiên nhẫn dưới những nụ cười, trong những ngụm bia uống vội, đàng sau cái tranh tối tranh sáng của hiên quán, rồi bất ngờ xồ ra như tiếng vo ve của một con nhặng quái ác. Tiếng vo ve lớn dần trên đường ra bãi đậu xe. Khi tôi về đến căn nhà nhỏ của mình ở phía Đông Bắc của thành phố thì đã gần một giờ sáng. Bây giờ thì tôi hoàn toàn một mình. Con nhặng biết điều đó. Tiếng vo ve của nó vang đến từ mọi ngóc ngách của căn phòng, bám vào phía trong sọ não của tôi, và tôi biết chỉ có một điều duy nhất tôi có thể làm để xua đuổi nó đi. Tôi bước đến chỗ đặt máy điện thoại và bắt đầu bấm vào những nút số. Cuối cùng tôi đã thực hiện được điều tôi muốn làm, không phải chỉ mới ngày hôm nay, không phải chỉ mới ngày hôm qua, mà đã từ lâu lắm và đã chọn không làm. Con nhặng quái ác vô hình vô tướng kia bỗng im bặt khi tiếng chuông điện thoại vang lên từ đầu giây phía bên kia. Tôi đếm từng tiếng chuông reo, bàn tay cầm ống nói run lên. Một, hai, ba,..., sáu, bảy, tám. Có tiếng lích kích ở đầu dây bên kia rồi tiếng người trả lời. "Rất tiếc tôi không có ở nhà. Xin bạn hãy vui lòng..." Bây giờ là một giờ sáng ngày đầu tiên của một năm. Ở một nơi nào đó, những đôi tình nhân và bạn bè của họ đang tụ họp trong một căn phòng ồn ào, tràn ngập bia rượu và tiếng nhạc. Đời sống có nhiều niềm vui để người ta tìm đến, tại sao tôi lại cứ muốn kéo họ quay về? Tôi đặt ống nói xuống trước khi lời nhắn tin chấm dứt.
Khu chợ vắng hoe. Vắng đến độ tôi có thể nghe được tiếng rần rật của máu từ trái tim mệt mỏi của mình đang dồn lên hai thái dương. Tôi nghĩ mình sẽ tốn rất ít thì giờ để mua một vài món cần thiết trong khu chợ này. Tôi không có ý định la cà ở đây. Tôi không có ý định la cà ở bất cứ đâu. Tôi không có ý định gặp ai. Tôi không có ý định bắt chuyện với ai. Đi chợ xong tôi sẽ về lại căn nhà nhỏ của mình. Tôi sẽ lăn ra giường và ngủ một giấc cho hết một ngày, cho dù đó là ngày đầu năm, để bù lại một đêm thức trắng. Đã có những ngày như thế trong đời sống của tôi. Sẽ có những ngày như thế trong đời sống của tôi, những ngày mà tôi và những điều xảy ra chung quanh tôi không có chút liên hệ gì với nhau. Hoặc ít nhất tôi nghĩ vậy. Và muốn như vậy. Hôm nay là một ngày như thế.
Người đàn ông chận tôi lại trên lối đi nhỏ gần khu bán nước chấm. "Ông mua giùm tôi bốn con cua đi." Bốn con cua? Con nhặng quái ác từ một xó xỉnh nào đó trong khu chợ bỗng xồ ra, vo ve, vo ve.
2. Tôi là Hoa, còn ảnh là chồng của tôi. Tính ảnh lúc nào cũng vậy, hễ không vừa ý thì chửi, mà toàn là chửi bậy! Tôi cằn nhằn ảnh về chuyện này hoài, tôi sợ thằng con bảy tuổi nghe quen rồi bắt chước. Vậy mà cứ chứng nào tật nấy không chừa.
Sáng nay ảnh hối tôi đi chợ sớm mua đồ ăn về làm tiệc. Ảnh mời bạn bè khách khứa đến nhà ba giờ chiều nay. Hai vợ chồng ông Long chủ hãng tiện chỗ ảnh làm, còn lại là mấy người bạn nhậu của ảnh, cả thảy là bảy người. Ảnh khoe với họ là tôi làm cua rang muối ngon lắm. Lúc còn ở nhà nghe quảng cáo trên đài chợ này có bán cua tươi với giá rẻ, ảnh chở tôi đến đây. Ai dè họ chỉ bán mỗi gia đình có bốn con mà thôi. Ảnh nói như vậy thì không đủ, phải ít nhứt tám con mới đủ. Tôi chắc ảnh tính bảy người khách cọng với ảnh là tám, còn tôi lúc đó lẩn quẩn trong bếp chắc cũng không ăn uống gì. Thằng Toản, con chúng tôi thì ăn những món khác cũng được, đỡ phải ngồi đó lột vỏ cua hay đập càng đập ngoe cho nó. Ảnh định nhờ mấy người khách đi chợ mua giùm bốn con nữa. Tôi cản, nói người ta bán như vậy là muốn để dành cho người khác. Mình mua hết rồi mấy người tới sau lấy gì mua. Thiếu thì mình đi chợ khác mua thêm hay là làm món gì đó thế vào cũng được. Ảnh gạt đi, nói thây kệ người ta, ai biểu đến trễ làm chi. Với lại mình mua trả tiền đàng hoàng chớ có cướp giựt của ai đâu! Vậy là ảnh chận người ta lại nhờ mua cua. Ai dè gặp cái ông khách khó tính, không chịu mua giùm. Vậy là ảnh chửi người ta là đồ chó đẻ. Bị người ta cự lại ảnh xốc tới làm um sùm, xô đẩy người ta làm bể đồ bể đạc để quản lý chợ kêu cảnh sát vào thu hết giấy tờ, bắt khai báo đủ thứ. Lỡ mà bị bắt nhốt thì khỏi có tiệc tùng gì hết chiều nay. Thiệt là hết chỗ nói!
3. Tôi là Thuận, làm việc ở sở Bưu Điện gần đây. Vợ chồng tôi có ba đứa con, thằng lớn nhất mười tuổi. Hai đứa kia tám tuổi, sinh đôi mà! Hôm nay là Tết tây, tôi được nghỉ ở nhà. Mấy đứa nhỏ thì được nghỉ hai tuần, bắt đầu từ hôm trước lễ Giáng sinh lận. Tụi nhỏ đòi đi chơi biển, nhưng trời đất âm u như thế này, ra đó lỡ chúng nó bị cảm lạnh thì khổ. Tôi cũng muốn đưa chúng đi biển chơi lắm, đã lâu rồi vì bận rộn công ăn việc làm tôi không có thì giờ đưa chúng đi đây đi đó. Tôi còn nhớ năm ngoái đưa cả nhà ra bãi biển Redondo. Tụi nhỏ đòi ăn cua luộc, tôi mua cho hết cả nhà, mỗi người một con bự. Nhà hàng phát cho mấy cái búa gỗ và một mớ giấy báo cũ. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn gỗ dài gần mé biển, chỗ người ta đến câu cá, vừa ăn vừa cười giỡn với nhau thật là vui. Vui lắm.
Sẵn nghe đài quảng cáo cua tươi đại hạ giá, tôi lái xe đưa vợ tôi ra chợ này mua cua về luộc ăn với muối tiêu chanh. Tôi gởi tụi nhỏ cho bà chị dâu bên cạnh, dặn tụi nhỏ ở nhà ngoan ngoãn, ba má đi mua cua về làm đồ ăn cho cả nhà xong buổi chiều sẽ đưa đi xem phim. Chợ bán cua tươi và rẻ, đúng như họ đã quảng cáo. Ngặt một nỗi họ giới hạn mỗi nhà chỉ mua được có bốn con thôi. Tôi hơi thất vọng. Tôi tính mỗi đứa nhỏ hai con, phần vợ chồng tôi mỗi người một con cũng vừa. Bây giờ chạy đi chỗ khác mua thêm thì chưa chắc đã có, mà có thì cũng chưa chắc ngon và rẻ như ở đây. Tôi nghĩ chỉ có cách nhờ ai đó mua giùm thêm bốn con nữa là tiện nhất. Chắc không có ai nỡ từ chối. Lúc nãy tôi chỉ mất có hai phút để mua bốn con cua thôi mà. Tôi nhìn thấy một người khách đang nhẩn nha ở khu bán xì dầu nước tương. Tôi nghĩ mình có thể nhờ ông ta giúp được. Tôi đến gần và hỏi ông ta có thể mua giùm tôi bốn con cua hay không. Ông ta khinh khỉnh trả lời là không có thì giờ. Cách trả lời và khuôn mặt khó đăm đăm của ông ta làm tôi có cảm tưởng bị khinh thường. Tôi chưa thấy ai ích kỷ và đáng ghét như ông ta. Ông ta làm hư hết những dự định của tôi. Ông ta làm hư hết niềm vui của mấy đứa con tôi. Tôi giận quá, chỉ muốn đấm vào mặt ông ta!
4. Tôi tên Quỳnh. Tôi sẽ còn ngủ mê mệt nếu không phải dậy sớm đưa Caroline ra phi trường. Trên đường về, tôi ghé vào khu chợ này để mua một bó rau muống. Tôi thích ăn rau muống xào tỏi. Đêm qua chúng tôi đi ăn tối với nhau ở một quán ăn vùng Tustin gần khu tôi ở và làm việc. Ở đó, tôi đã thổi ngọn nến nhỏ trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn mà Caroline đã mua cho tôi khi ghé lại một tiệm bánh ở khu chợ gần đó. Chúng tôi tiêu phí phần còn lại của đêm cuối cùng của năm cũ trong một quán rượu nhỏ của thành phố bên cạnh. Trên đường về, tôi cám ơn Caroline đã đến. Tôi sẽ cảm thấy trơ trọi ghê lắm nếu nó đã không vội vã bay đến với tôi chiều tối ngày hôm kia. Caroline nghiêng người qua từ phía bên phải, hôn lên má tôi và nói không có gì đâu cưng, mày biết tao yêu mày mà. Tất nhiên là tôi biết Caroline yêu tôi, theo cách của nó. Tôi còn biết nó sẽ hôn môi tôi nếu được phép, nhưng điều này đã không hề và sẽ không bao giờ xảy ra.
Caroline lăn ra ngủ ngay trên chiếc sô pha khi về đến căn apartment một phòng nhỏ xíu của tôi. Nó cần phải giữ sức khỏe cho chuyến bay tám giờ sáng ngày mai ở phi trường Los Angeles. "Gấp quá, không tìm được vé về phi trường John Wayne," nó nói như xin lỗi. Tất nhiên điều đó là thừa, tôi không cảm thấy phiền hà gì hết khi phải đi thêm bốn mươi dặm nữa để đưa đón nó, tôi bảo nó như vậy. Tôi vào phòng mình và lập tức nhào đến chiếc bàn đêm nơi đặt chiếc máy điện thoại. Chỉ có một lời nhắn tin trong máy. Tôi đoán là của Frank. Tôi đã đoán đúng. Lời chúc sinh nhật lịch sự và dễ thương, như con người của Frank. Tôi xóa ngay ra khỏi máy lời nhắn của Frank sau khi nghe xong và thả mình xuống giường, vói tay tắt ngọn đèn ngủ. Bóng tối tràn ngập căn phòng, và cùng với nó, niềm chua xót. Cú điện thoại tôi chờ đợi suốt ngày hôm nay đã không đến. Lầ? sinh nhật năm ngoái nó cũng không đến. Lúc bấy giờ tôi và Frank còn sống chung với nhau. Frank đã cố gắng mang đến cho tôi một ngày sinh nhật thực vui vẻ. Đêm hôm đó, căn phòng của chúng tôi tràn ngập tiếng nhạc và tiếng cười cho đến khuya. Nhưng Frank hiểu ra là anh đã thất bại khi căn phòng chỉ còn lại hai đứa chúng tôi. Tất cả chỉ vì cú điện thoại tôi chờ đợi đã không hề đến. "Tôi không hiểu được bố em. Ông ấy luôn làm hỏng mọi việc." Frank ném hai tay lên trời, than thở.
Frank không bao giờ hiểu được bố. Frank chưa hề là một đứa bé sáu tuổi mười mấy năm về trước đã lênh đênh cùng bố trên chuyến tàu vượt biển hôi thối và đầy nghẹt những người, chỉ ba tuần sau khi người mẹ bệnh hoạn được chôn cất ở một nghĩa địa tồi tàn vùng ngoại ô Sài Gòn. Frank chưa hề có lần hồi tỉnh vào lúc ba giờ sáng sau một cơn sốt cao độ trên chiếc giường ở khu cấp cứu của bệnh viện để nhận được chiếc hôn của bố trên vầng trán vẫn còn nóng hâm hấp của mình. Frank chưa hề cùng với bố thổi tắt những ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn vào mỗi đêm cuối năm. Frank chưa hề biết được cái cảm giác tôi đã có khi bố cúi xuống hôn lên tóc, hơi thở bố len qua những kẻ tóc phả lên da đầu ấm áp, và tiếng bố, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng và sắp được ăn, "Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố." Tôi luôn luôn là "Quỳnh của bố," và Frank không bao giờ hiểu được phải cần có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu gian nan, bao nhiêu nụ cười và nước mắt để ba tiếng giản dị này có được cái ý nghĩa của nó. Vậy mà chính là Frank, cùng với tôi, đã khiến tôi không còn là Quỳnh của bố. Ít nhất là bố đã nghĩ và tin như vậy.
Một tuần trước ngày nhập học của năm cuối cùng của chương trình Đại học, tôi bảo với bố là tôi sẽ dọn ra ở với Frank. Chúng tôi sẽ đi về một tiểu bang miền Đông và sẽ tiếp tục công việc học hành ở đó. Đây là một tin vô cùng bất ngờ cho bố. Bố ngồi lặng đi, một bên khóe môi giần giật. Nhất định tôi đã làm bố đau lòng ghê lắm. Nhất định bố đã không hề chuẩn bị cho việc Quỳnh của bố sẽ ra đi. Nhưng tôi đã quyết định. Tôi có trước mắt cả một thế giới rộng lớn, và tôi có Frank luôn luôn bên cạnh. Sẽ không có gì ngăn cản được tôi. Cánh cửa của căn nhà nhỏ đóng lại thực nhanh sau lưng tôi khi Frank đến đón tôi cùng ra phi trường. Bố đã không hề mở miệng khi tôi bảo là tôi sẽ gọi về cho bố khi đến nơi.
Tôi quen Caroline và những người bạn khác ở ngôi trường mới. Tôi luôn có Frank bên cạnh, lúc nào cũng lịch sự, cũng dễ thương, cũng chiều chuộng. Tôi sẽ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc nếu bố thỉnh thoảng liên lạc với tôi. Nhưng điều này đã không hề xảy ra. Khi tôi gọi về cho bố để báo tin mình đến nơi bình yên, bố đã lạnh lùng cắt ngang cuộc điện đàm. Tôi ngơ ngác nhìn chiếc ống nghe đang phát ra một tràng u u vô duyên, và để cơn giận tràn ngập lấy mình. Tôi thề sẽ không bao giờ gọi về cho bố nữa. Về sau, tôi vẫn thỉnh thoảng gởi cho bố những tấm bưu thiếp mỗi khi có dịp đi chơi xa với Frank hoặc trong những dịp lễ. Tôi luôn cẩn thận kèm theo địa chỉ và số điện thoại của mình, hy vọng sẽ nhận được hồi âm của bố. Điều này đã không hề xảy ra. Không một bức thư, không cả một lần điện thoại cho Quỳnh của bố!
Frank và tôi chia tay không lâu sau đêm sinh nhật đầu tiên không có bố bên cạnh. Tôi nhìn khuôn mặt ngơ ngác của Frank khi tôi bảo anh điều này và tin rằng mình đã quyết định đúng. Tôi cho rằng mình có thể hiểu Frank rất nhiều trong khi anh giỏi lắm chỉ có thể chạm vào lớp vỏ ngoài của tôi. Bên dưới cái vẻ ngoài rất "Mỹ" của tôi là một mớ bòng bong những suy nghĩ phức tạp về những giằng co, những phản ứng tâm lý mâu thuẫn của mình, những điều tôi có thể cảm nhận được nhưng luôn luôn thất bại khi tìm cách lý giải. Tôi cũng sẽ thất bại như thế khi tìm cách giải thích điều này cho Frank. Bởi vì Frank sẽ không hiểu gì hết. Đó không phải là lỗi của Frank. Chúng tôi khác nhau, như là một định mệnh. Chúng tôi không thể thay đổi định mệnh của nhau.
Tôi ra trường ít tháng sau đó và tìm được việc làm ở vùng Irvine, ba mươi dặm về phía Nam của thành phố Westminster. Tôi biết tại sao tôi đã cố tình chọn công việc này trong số những đề nghị khác. Đêm qua tôi đã thèm muốn quá đỗi, trước khi rơi vào giấc ngủ ngắn ngủi, hơi thở ấm áp của bố phả trên da đầu và lời chúc sinh nhật ngọt ngào của bố bên tai.
Khu chợ rất vắng, rau cỏ ê hề, nhưng không có rau muống. Bố thích rau muống xào tỏi, và tôi thích theo bố. Khi tôi đủ lớn để quấy rầy bố trong căn bếp nhỏ xíu, bố dạy tôi nấu ăn. Món đầu tiên tất nhiên phải là rau muống xào tỏi. Tôi đã cười đến vỡ bụng nhìn bố vừa bỏ vào mồm những cọng rau muống cong queo và đen xỉn vừa khen "Quỳnh của bố" nấu ăn giỏi quá. Vậy mà hôm nay lại không có rau muống! Tôi thất vọng, rời khu hàng rau, nhìn quanh quất tìm một món gì đó để mua. Tôi thường không quen ra về tay không. Vào lúc tôi đang phân vân giữa hai bình sữa đậu nành nóng hoặc lạnh, tiếng chai lọ đổ loảng xoảng lẫn với tiếng người ồn ào làm tôi giật mình. Tôi quay lại và nhìn thấy ông ta.
Ông đang ngồi bệt dưới sàn, hai chân bẹt ra trông rất thảm hại. Những chai xì dầu, nước mắm nằm vương vãi chung quanh, có ít nhất một chai bị vỡ, giòng nước nâu sẫm từ đó chảy ra, loang dần trên nền gạch men nhớp nháp. Ông ta cầm chai xì dầu vỡ lên, ngắm nghía. Có vẻ như ông ta không gấp gáp để đứng dậy. Có vẻ như ông ta chỉ muốn ngồi mãi ở đó, suy ngẫm về một điều gì đó, một điều rất quan trọng.
Khi ông ta ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy đôi mắt buồn thảm của ông. Tôi giật bắn người, quay mặt đi thực nhanh, nhưng đã trễ. Ông ta nhất định đã bắt gặp tôi đang quan sát ông tự nãy giờ. Nhất định là ông không muốn tôi hay bất cứ ai bắt gặp mình trong một hoàn cảnh như thế. Tôi cảm thấy bứt rứt quá đỗi như thể đã làm một điều gì vô cùng tàn nhẫn. Tôi cầm đại một bình sữa đậu nành nguội lạnh, quay người đi như chạy về phía quầy tính tiền. Tôi chần chờ ở đó vài phút, lòng dạ rối tung. Tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này ngay lập tức, và trong cùng một lúc, tôi biết mình không thể bỏ đi. Tôi hít vào một hơi thực sâu, vòng trở lại khu bán nước chấm, bước những bước ngắn, khẽ khàng đến nơi ông ta đang ngồi dạng chân dưới đất. Nhẹ nhàng quỳ xuống bên cạnh ông, tôi đặt bình sữa đậu nành qua một bên, nhặt những chai nước chấm đủ loại đang lăn lóc trên sàn chợ đặt lên kệ, cố gắng giữ vẻ bình thản như thể không có ai đang ở bên cạnh. Cố gắng của tôi chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng. Tôi len lén quan sát từng cử chỉ của ông. Từ một góc mắt, tôi có thể nhìn thấy ông ta né người qua một bên, chống hai tay lên sàn, xoay mình lại và cuối cùng thẳng người lên trong tư thế quỳ tương tự như tôi. Ông ta nhặt một chai nước mắm còn nguyên vẹn đặt lên kệ và quay lại nhìn tôi. Tôi để cho ông tha hồ ngắm nghía một nửa khuôn mặt bên phải của mình, trái tim chùng xuống trong nỗi chờ đợi. Ông sẽ nói với tôi điều gì? Ông sẽ cám ơn tôi đã giúp ông thu nhặt những chai nước chấm vương vãi dưới sàn chăng? Hơn mười giây trôi qua, ông vẫn không mở miệng. Tôi không còn chịu đựng được nữa, thu hết can đảm quay lại nhìn thẳng vào ông. Đôi mắt ông âm u như màu trời ngoài kia. Một bên khóe môi ông rung rung, nhưng vẫn không có âm thanh nào phát ra từ đó.
Có tiếng nói phát ra từ phía sau, "Tôi có thể làm phiền ông một chút hay không?" Chúng tôi cùng giật mình quay lại. Đó là một viên cảnh sát trẻ, cao lớn. Cùng với anh ta là một người đàn ông trung niên, có lẽ là nhân viên quản lý của khu chợ. Bây giờ thì ông ta chịu lên tiếng, nhưng không phải với tôi. "Tôi có thể làm được gì cho ông, thưa ông cảnh sát?" Giọng ông cứng cỏi, mang nặng âm sắc của người học nói tiếng Anh khi đã lớn tuổi. "Chúng ta có thể lại đàng kia một chút hay không? Tôi cần hỏi ông vài câu." Viên cảnh sát lễ độ trả lời, tay chỉ về phía một góc vắng của khu chợ. Viên quản lý cúi xuống nhặt những mảnh chai vỡ trên sàn, cám ơn tôi đã giúp thu dọn chỗ này. "Cô ngưng tay đi nhé, nhân viên của tôi sẽ lo việc này." Tôi đứng lên, hấp tấp bước theo hai người kia. Tôi đã không hề tự hỏi mình đi theo ông ta để làm gì. Tôi chỉ muốn đi theo ông ta.
Người vợ, đang cúi xuống nói gì đó với người chồng, đột ngột đứng thẳng lên, hai tay thỏng xuống nghiêm chỉnh khi viên cảnh sát đến gần. Người chồng, ngồi bó gối trên sàn chợ dơ bẩn, ngoảnh mặt nhìn ra phía quầy tính tiền, vẻ bướng bỉnh. Lúc này một vài người khách đi chợ sớm kéo đến và dừng lại ở một khoảng cách vừa phải, nhìn. Viên cảnh sát chỉ tay về phía người chồng và hỏi ông khách. "Có phải người này đã hành hung ông khi nãy không?" "Không!" Ông ta trả lời một cách dứt khoát, và gần như quyết liệt. Nhất định ông đã suy nghĩ về câu trả lời trên đường đến góc chợ này. Viên cảnh sát, và tôi nữa, nhìn ông, chờ một lời giải thích. "Người này và tôi có một cuộc thảo luận ngắn về... cua. Chúng tôi không đồng ý với nhau về việc cua thực sự có bao nhiêu càng và ngoe. Vậy thôi." Tôi chưa thấy ai nói dối dở như ông ta. Có lẽ viên cảnh sát cũng có cùng nhận xét. Anh ta nhăn mặt như thể bị xúc phạm, đưa tay chỉ vào những vệt bẩn loang lỗ trên quần áo ông ta, hỏi, "Thế thì những vệt bẩn này từ đâu ra?" "Tôi sơ ý ngã vào ngăn kệ đựng mấy thứ nước chấm, một vài chai bị vỡ." Ông ta thoáng có vẻ lúng túng, tôi nghĩ vậy. Thực không dễ dàng khi phải nói dối hai lần trong vòng một phút. Viên cảnh sát lên tiếng một cách chán ngán, "Vậy sao?" Anh ta tiếp, cố tình không che dấu vẻ tinh quái trong giọng nói, "Cám ơn ông, ông thật là hữu ích cho bản báo cáo của tôi." Tự dưng tôi cảm thấy bực bội. Tên cảnh sát non choẹt này làm chỉ giỏi làm bộ làm tịch! Riêng ông ta thì chẳng có phản ứng gì đặc biệt. Có vẻ như ông biết mình muốn gì. "Này ông cảnh sát, ông định làm gì với chàng trẻ tuổi này vậy?" Ông ta vừa hỏi vừa nghiêng đầu về phía người chồng. "Chỉ giữ ông ấy lại làm biên bản thôi. Nếu ban quản lý khu chợ này khiếu nại, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa." "Khiếu nại về chuyện gì?" "Về tội hành hung khách hàng và gây tổn thất hàng hóa của cơ sở thương mại này." "Hành hung? Tôi đã xác nhận với ông là không có chuyện đó mà! Tôi nghĩ ông không nên làm khó dễ người ta chỉ vì một chuyện hiểu lầm. Anh này phải là một người tốt. Người xấu không hối hả đi chợ vào buổi sáng sớm ngày đầu năm để mua thức ăn cho con cái mình." Lý luận của ông thực buồn cười. Làm sao ông ta biết được người ta có con. Tôi tự hỏi không biết ông ta đã làm điều gì tệ hại với người ta rồi bây giờ phải cất công bênh người ta chầm chập để chuộc lỗi như thế. Viên cảnh sát trẻ, tuy vậy, có vẻ hơi bất ngờ bởi câu nói của ông ta. "Thế còn những món hàng bị hư hỏng thì sao?" "Đó là trách nhiệm của tôi mà. Tôi sẽ giải quyết ổn thỏa với nhân viên ở đây." Ông ta nói tiếp, giọng thấp hẳn xuống như thể xấu hổ vì đang xin xỏ cho chính mình một điều gì đó, "Cho anh ấy đi về đi, làm ơn..." Viên cảnh sát trẻ tuổi hơi ngần ngừ, có thể bởi vì anh ta không muốn bị thuyết phục dễ dàng bởi một di dân nói tiếng Anh cứng như gỗ. Tôi bước tới một bước, lập lại câu nói của ông ta với viên cảnh sát, "Let the man go, please..." Tất nhiên là tiếng Anh của tôi gần như hoàn hảo, và đầy tính thuyết phục. Có ít nhất vài người đàn ông đã bảo tôi như vậy.
Trên đường trở lại quầy tính tiền, ông ta xoay người nhìn vào mắt tôi. Ông ta vẫn không chịu mở miệng, nhưng đôi mắt ông rõ ràng đang nói với tôi một hay nhiều điều gì đó. Có lẽ ông ta đang cám ơn tôi đã đứng về phe ông. Có lẽ ông ta đang hỏi tôi tại sao lại ở đây, một mình. Nhất định là ông không tin rằng tôi sống một mình, đã từ lâu. Nhưng tôi không thể đứng mãi ở đây với bình sữa đậu nành vô duyên trên tay và suy đoán mãi về một hay nhiều ý nghĩa có thể được hay không được gởi theo cùng ánh mắt của ông. Tôi cần phải đến khu bán hải sản ngay lập tức, may ra... Và tôi ù té chạy vào phía trong.
Tôi bắt kịp ông ta ở bãi đậu xe. Ông nghiêng đầu qua nhìn tôi, vẻ dọ hỏi. Tôi đoán ông muốn hỏi bao giờ thì tôi mới chịu buông tha cho ông. Nếu quả thực ông nghĩ vậy thì đừng hòng, tôi nói thầm. Tôi nâng túi giấy trong tay lên, liến thoắng khoe với ông là tôi mua được hai con cua. "Chỉ còn có hai con cuối cùng thôi đấy nhé. Thực là may mắn!" Ông vẫn không chịu mở miệng, chỉ gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Tôi ấm ức trong lòng, nhưng cố gắng không để lộ ra ngoài. Tôi làm ra vẻ tươi tỉnh, nói tiếp là ông ta cũng may lắm bởi vì tôi sẽ chia cho ông một con. Nhịp đi của ông ta bỗng chậm lại, mặt lộ vẻ hoài nghi. Tất nhiên ông ta có quyền nghi ngờ. Mấy con cua mắc dịch từ sáng đến giờ đã làm phiền ông không ít. "Thực đấy." Tôi ngưng đúng hai giây rồi tiếp "Chúng ta sẽ ăn cua luộc chấm muối tiêu chanh. Luộc xong là ăn ngay, nóng hôi hổi!" Tôi tin rằng lúc này thì ông đã hoàn toàn bị thuyết phục. Bởi vì ông đột ngột dừng lại, và trời đất ơi, ông đang nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười làm không những khuôn mặt ông mà cả bầu trời Westminster âm u bỗng như sáng lên rực rỡ. Cùng với nụ cười là đôi cánh tay ông, dang rộng, mênh mông. Trong không đầy một sát na, tôi thấy mình đang ở trong lòng ông, mặt dúi vào ngực ông, khóc rấm rứt. Rồi tôi bỗng nhận ra ông đang cúi xuống hôn lên tóc mình, hơi thở của ông len qua những kẻ tóc phả lên da đầu tôi ấm áp. Và cuối cùng điều tôi mong đợi, không phải chỉ từ lúc gặp ông sáng nay, không phải chỉ suốt ngày và đêm hôm qua, mà từ đã lâu lắm rồi, đang xảy đến. Tiếng ông vang lên, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng nếm qua, ấm áp hơn ngọn lửa của tất cả những ngọn nến sinh nhật tôi đã từng thổi tắt, "Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố!".

1/2002
Phùng Nguyễn
Thep https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...