Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Điều không dễ hiểu

Điều không dễ hiểu

Ông bà Tiêu xây dựng với nhau đã ngót hai mươi năm. Bà đẹp gái, hồng hào, khỏe mạnh mà lại vô sinh: Ông Tiêu đã phải nhiều phen vất vả tìm hết thầy lang ta, lang tây để chạy chữa bằng được cho bà sinh nở. Nhưng tất cả đều vô hiệu.
Bà cũng đi hết chùa này chùa nọ thành tâm cầu tự. Song… Vậy nhưng hai ông bà vẫn sống hoà thuận. Rồi một hôm trong lúc vui, bà Thạo tươi cười hỏi chồng:
- Tôi sẽ lấy vợ hai cho ông. Ông nghĩ thế nào?
Ông Tiêu nhếch mép, nhìn vợ bằng cử chỉ nghi ngờ. Chẳng hiểu bà ấy đùa, hay… Tính của vợ, ông lạ gì, đôi khi cũng thích bỡn cợt. Hôm nọ mấy bà hàng xóm sang chơi cứ vun vào: “Chị Thạo ơi, kiếm cho ấy dì hai đi, có đứa con sau này nó hầu hạ mình những khi đau yếu, tuổi già, lại còn hương khói nữa”. Bà Thạo cười gằn: “Các cô mối cho ông ấy một nơi, nếu mà được, tôi xin gật cả hai tay”. Một chị dòng dòng nói chen vào: “Nhưng có bà hai, chị em lại giữ chân ông anh hai bốn trên hai bốn”. Bà Thạo lại cười gằn: “Chị dứt khoát xin nhường hẳn chồng, một mình cứ đánh một lèo đến sáng”.
Bà Thạo ghé xuống ngồi sát bên chồng:
- Vậy ông có tin là tôi nói thực? - Bà đập nhẹ bàn tay lên đùi ông - Việc này tôi bàn nghiêm chỉnh đấy.
Ông chậm rãi châm điếu thuốc, đi loanh quanh, vẻ như thờ ơ trước câu nói của bà. Mãi sau ông mỉm cười, đủng đỉnh đáp:
- Tôi với bà sống như thế này cũng được chứ có sao!
Thấy chiều hướng của chồng không hào hứng, bà đâm bực:
- Tôi bàn thực lòng với ông, chứ đâu phải chuyện đùa. Vậy ý ông thế nào. Đây là chuyện hệ trọng cho dòng họ nhà ông.
Có lẽ bà ấy phen này quyết định lấy vợ hai cho mình thật chăng? Ông tự hỏi vậy. Nhưng ông vẫn chưa thể tin được, vì thế gian này đã có mấy người vợ nào tự nguyện tìm vợ hai cho chồng? Ở đàn bà, mọi cái họ sẵn sàng chia sẻ được. Riêng chồng. Một lần cách đây sáu, bảy năm ông có quen một cô, tuổi lỡ thì, thấy hoàn cảnh ông vợ vô sinh, muốn lấy và ông cũng kết cô ta.
Khi bàn với vợ, chưa nói hết câu bà đã sồn sồn gạt phăng: “Tôi lấy ông bao nhiêu năm một lòng một dạ chung thuỷ, giờ ông bạc với tôi ư! Khốn nạn quá!”. Vì nể bà, ông đành ngậm ngùi chia tay cô ta.
- Tôi đã tìm cho ông một nơi, nếu ông mà ưng thuận, tôi cưới liền. Nó hình thức thì không thể bằng tôi. Nhưng được cái là ngoan, gái tơ hẳn hoi.
Lúc này ông mới tin ý định của bà. Bởi đã đến lúc chính bản thân bà nhận ra sự cần thiết phải tìm một người thay thế nghĩa vụ làm vợ của bà. Ông rất mừng rỡ, song bề ngoài vẫn tỏ ra thờ ơ:
- Nếu bà thực sự quan tâm đến dòng họ nhà tôi…?
- Tất nhiên là tôi phải nghĩ tới và, đây cũng là trách nhiệm của tôi nữa.
Vừa nói dứt câu, bà ôm chầm lấy ông khóc thút thít như đứa trẻ. Ông tìm lời lẽ an ủi. Bà lại vùng vằng đẩy ông ra, gục mặt vào hai cánh tay. Sự quyết định lấy vợ hai cho chồng đúng là việc làm táo bạo. Bà phải dằn vặt, giằng xé với chính mình. Ta vun vén hạnh phúc cho họ rồi ta lại mất chồng ư? Ấy vậy, nhưng bà vẫn quyết định đi tìm vợ hai cho chồng.
Sau khi được giới thiệu, hai bên gặp nhau trao đổi, tìm hiểu. Chị ta tên là Miến, người hiền lành, ít nói. Đàn bà như thế là được và ông Tiêu cũng chỉ yêu cầu vậy. Còn Miến thoạt nhìn Tiêu, chị cũng có cảm tình. Ông cao ráo, da dẻ hồng hào, nói năng từ tốn, dễ nghe, tuổi tác tuy có chênh lệch, chẳng sao. Nếu mình đẻ cho nhà họ thằng con trai, chắc chắn sau này…
Đám cưới được tiến hành ngay. Tổ chức đơn giản, vài mâm mời trong họ. Trong lúc cơm rượu no nê, chẳng ai là không có lời khen ngợi bà Thạo.
Ông trưởng họ mặt mày đỏ gay đứng lên dõng dạc:
- Họ Trần ta là một họ lớn, người đông. Riêng chi chú Tiêu hiếm hoi nhất, hai em trai hy sinh trong chống Mỹ, mà chú Tiêu lại là trưởng chi. Vậy nay, thím Thạo nhà ta đã lo đến việc hệ trọng, tìm người nối dõi tông đường cho chi cũng như cho cả dòng họ Trần ta ngày được bền vững. Đây là một việc làm rất cao cả và thiêng liêng của thím.
Buổi tối trước đêm tân hôn, bà Thạo còn nhắc đi nhắc lại điều tối quan trọng với chồng:
- Tôi sắp xếp để dì ấy nằm trong buồng cho tiện, sớm tối ông có ra vào được tự do. Mấy hôm nay dì ta thấy tháng, ông phải kiêng. Vợ mới nên tôi dặn trước, đàn ông mà gặp của lạ thường là bất chấp.
Ông Tiêu mỉm cười gật đầu, nghĩ bà ấy cẩn thận cho mình thế là tốt. Từ ngày làm bạn với nhau phải nói ông luôn luôn được sự quan tâm, chiều chuộng của vợ.
Lo việc đại sự cho chồng xong, chẳng hiểu sao tâm trạng bà Thạo cứ bồn chồn, phấp phỏng, nhiều lúc suy nghĩ lan man, đôi khi lại buồn vô cớ. Bà thấy lo lo, tựa như có điều chẳng lành xảy ra. Một hôm bà thử tìm đến ông thầy xem tướng số. Bà rút tiền đặt quẻ. Thầy ngắm nhìn những ngón tay của bà thon nhỏ rồi chiếu dung nhan của bà, mắt thầy đảo ngang, đảo dọc, hỏi ngày, tháng, năm sinh của bà. Đoạn thầy lẩm nhẩm mấy câu thần chú rồi gọi ra những điều hệ trọng làm bà sửng sốt, mừng rỡ. Bà vẫn chưa tin. Hỏi lại. Thầy nhắc lại lần nữa rõ ràng chậm rãi. Như vậy bà không phải vô sinh, cái số của bà nó muộn. Nay mai bà sẽ có con. Dứt khoát bà sẽ có con. Thật sung sướng! Bà tự trách mình đã không đi xem số từ trước. Ân hận vì đã vội vàng cưới vợ hai cho chồng. Nhưng không sao, bà sẽ có cách để mình không bị thiệt thòi.
Buổi tối hôm ấy trời nổi cơn dông, gió vật vã trên mái nhà, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút. Bà Thạo giục chồng đi ngủ sớm. Hai ông bà ân ái xong, trời vẫn mưa, se lạnh. Bà Thạo kéo tấm chăn chiên đắp. Ông Tiêu mệt rồi cũng thiếp luôn. Thức giấc ông nhìn đồng hồ tay thấy đã gần bốn giờ sáng. Bà Thạo chừng vẫn say giấc nồng. Một thời cơ đã đến với ông, bởi đã bao lần ông thực hiện không được. Tối tối trước khi đi ngủ, bà Thạo lại khoá buồng của Miến, giấu biệt chìa. Biết thế, ông lẳng lặng không nói năng gì. Lặng lẽ đưa hai ngón tay luồn nhẹ dưới lần gối của vợ, ông nậy chiếc chìa khoá. Rời khỏi giường, ông bước thật nhanh vào buồng trong nơi Miến nằm. Mở khoá. Ông nhẹ nhàng đẩy cánh cửa, tay bấm đèn pin. Miến đang nằm ngủ, thân hình trắng lồ lộ trong bộ đồ lót. ông vội vàng ghé xuống, hai bàn tay âu yếm chụp vào má vợ trìu mến hôn. Biết là chồng, Miến níu chặt hai vai ông Tiêu vít xuống áp sát mặt mình vào mặt chồng, thủ thỉ:
- Anh nằm đây với em. Chẳng đêm nào em không mong anh, cứ tầm bốn giờ sáng là em đã thức giấc.
Câu nói tha thiết rưng rưng của Miến làm ông xúc động mạnh, tình yêu dâng tràn trong trái tim. Kể từ ngày cưới, nay đã là bốn tháng rồi ông mới được nằm bên Miến, cảm giác ngọt ngào khác nào đêm tân hôn. Bàn tay ông vuốt vuốt lên thân thể nàng mát mịn và nghe rõ cả tiếng tim nàng đập rộn rã, một trái tim đang khát khao tình yêu. Ông ghé tai Miến thì thào;
- Đêm nay chúng ta sẽ toại nguyện.
- Sao bấy lâu anh chẳng vào với em?
- Anh biết thế, nhưng…
- Nhưng sao cơ chứ! Anh là chồng của em…
Ông Tiêu thấy tủi. Mình đương nhiên là một anh chồng, có quyền ngủ với vợ nào cũng được. Sao phải làm cái trò lén lút vụng trộm thế này! Thật chẳng còn ra sao. Chả nhẽ ông cứ đành chịu cảnh này mãi ư?
Đến bao giờ ông có được đứa con như vẫn hằng mong đợi! Giờ tuy đang nằm bên Miến mà thâm tâm ông vẫn âu lo, phấp phỏng.
Bên ngoài chợt có tiếng động. Hình như tiếng bước chân người. Chắc không phải. Ông bảo Miến nằm im để nghe. Có lẽ đêm hôm chuột bọ đuổi nhau hay sao.
- Anh đóng cửa buồng chưa? - Miến hỏi.
- Anh cài then rồi.
Động cửa. Ông Tiêu chồm dậy. Linh tính như có điều gì chẳng lành xảy ra. Tiếng gọi khẩn thiết từ ngoài vọng vào:
- Anh Tiêu!
Biết là vợ cả gọi, ông Tiêu không thưa. Miến đưa tay bấm chồng nằm xuống, nhưng ông đã lê ra khỏi mép giường, một chân đặt xuống đất.
- Anh Tiêu ra đây tôi bảo. Mau!
Ông đành ậm ừ đáp:
- Dì nó bị cảm, tôi phải vào xem sao.
Bà Thạo gầm lên:
- Tao biết hết rồi. Chúng mày đang vụng trộm với nhau.
Ông Tiêu thấy không thể ổn, mình găng với mụ… và một khi máu ghen của đàn bà… kinh lắm. Cánh cửa mở ra. Một cái tát rất mạnh vào trán ông, hai bàn tay níu chặt vai ông xô đẩy giằng giật, làm ông Tiêu lập cập suýt ngã.
- Tôi xin mình. Tôi… Tôi… - giọng ông líu lại.
Bà Thạo chồm lên, nghiến ngấu:
- Ông đã lừa tôi. Cái quân phản bội. Cái đồ sấp mặt!
Bà chỉ cho ông ngồi xuống ghế và giọng nhẹ hơn.
- Giờ ông có tuổi rồi, phải giữ gìn sức khoẻ. Cái thứ quỷ quái này không thể nào tham được, tham là ông chết!
Ông Tiêu ngồi không nhúc nhích, đầu tóc bơ phờ. Nghĩ mà giận, giận mà không sao nói được. Đêm hôm vợ chồng to tiếng là ông rất sợ:
- Dì hai đâu! Dì hai ra tôi bảo. - Bà Thạo cất cao giọng, tiếng bà đanh đánh, vóng vót vào tận trong buồng.
Miến rầu rầu bước ra, cúi xuống vì xấu hổ. Bà Thạo hau háu nhìn Miến từ đầu xuống chân. Thoáng qua bà hiểu, ông Tiêu chắc cũng chưa làm ăn gì. Cái thứ đàn bà một khi được đực bao giờ mặt cũng ngây ra.
- Dì có hiểu anh Tiêu ốm mấy ngày nay? Là vợ, dì phải biết thương chồng, giữ gìn sức khoẻ cho chồng. Vợ chồng muốn gần nhau thiếu gì lúc.
Miến đứng nép vào góc tường, rụt rè nhìn Thạo. Do bản chất hiền lành, nhút nhát, nên mọi cái thường Miến chỉ biết chấp nhận. Hơn nữa từ khi về đây cuộc sống của Miến hoàn toàn phụ thuộc vào Thạo.
Hôm sawC, bà Thạo vẫn thân mật chị chị em em với Miến, cùng nhau vào quán ăn quà sáng rồi mới ra cửa hàng. Thực tâm bà chẳng hề ghét bỏ gì Miến. Bà hiểu hoàn cảnh của Miến nghèo, lam lũ từ bé, rồi lớn lên chẳng được may mắn. Từ khi về làm hai, bà cũng may sắm quần áo, giầy dép đầy đủ, vì chả gì cũng là vợ ông Tiêu, để nhếch nhác quá ngoài họ chê. Mỗi khi Miến có về thăm bố mẹ, bà Thạo lại mua quà để Miến cầm đi. Có thể nói bà là người chu đáo trong mọi việc.
Trưa hôm ấy bà Thạo đi ăn cỗ cưới một người bạn. Ông Tiêu đoán bà có về ít ra phải hai giờ chiều, chỗ thân tình vui câu chuyện lai rai chưa biết chừng… Yên tâm, ông Tiêu phóng xe máy ra quầy chỗ Miến bán hàng, bảo chị em bên cạnh trông hộ về nhà ăn cơm. Thực ra hai người cũng chẳng kịp ăn uống gì, ông Tiêu kéo màn gió và bảo Miến đóng cửa lại, hai người lên giường. Ông Tiêu hí hởn ghé vào tai vợ:
- Lần này chắc chắn em sẽ cho anh một đứa con. Nếu là trai thì tuyệt.
Miến dịu dàng ngả đầu vào vai chồng:
- Liệu có trúng không anh?
- Sao lại không trúng, dù chỉ một lần.
Ông Tiêu hồi hộp nâng niu tấm thân tròn lẳn đầy hấp dẫn của Miến trong vòng tay, nghĩ đến ngày mai đứa con được tạo ra chính từ giọt máu của ông, một đứa con bằng xương bằng thịt mà gần như cả đời ông khao khát, hy vọng. Hàng ngày trong căn nhà có tiếng trẻ thơ gọi bằng bố. Ôi cái từ “bố” thiêng liêng biết bao, nó ngân vang, lan toả. Và, cái sứ mệnh làm cha cũng cao cả, hệ trọng nhường nào. Có thể nói đời ông được nhàn hạ hơn người, được may mắn hơn người. Chẳng bao giờ phải lo, ấy vậy ông vẫn luôn luôn thấy mình bất hạnh. Và, chính sự bất hạnh này để lại trong ông sự trống rỗng, đau khổ vô vàn.
- Người ta bảo là em mắn đẻ lắm. Nhưng…- giọng Miến ngập ngừng. - Em biết từ khi chị cưới em về luôn luôn chị như sợ em cướp mất chồng. Chị tưởng thế em nào dám, vì em biết phận em đi làm lẽ.
Ông nắm chặt lấy bàn tay Miến cảm thông:
- Em nghĩ vậy là đúng.
- Anh phải tạo cơ hội sao để vợ chồng được gần nhau.
Ông thấy Miến nói có lý. Song… đến bây giờ ông mới nhận ra một điều, con người không dễ dàng hiểu được. Ông cứ nghĩ rằng Thạo tìm vợ hai cho mình để hy vọng có đứa con nối dỗi. Ngờ đâu chính ông lại rơi vào sự kiềm toả nghiệt ngã. Không đêm nào Thạo không bắt ông làm cái chuyện đó. Bà ấy đã rút cạn kiệt sinh lý và thể lực ông. Thậm chí đôi lúc ông chẳng còn chút hưng phấn, nếu không nói là chán chường. Sau mỗi lần ân ái, ông mệt rũ rồi ngủ thiếp đi cho tới sáng. Và, mỗi buổi sáng khi dậy, nhìn Miến phừng phừng bộ ngực tràn trề sức lực, ông không khỏi tiếc nuối và, Miến nhìn ông cặp mắt đầy trách cứ, hờn giận. Ông đành ngậm ngùi im lặng. Nhiều khi ông muốn đôi lời an ủi cùng Miến, rồi lại sợ chạm vào cái điều Miến đang day dứt. Giờ đây, giờ phút thiêng liêng hiếm hoi nhất đã đành cho hai người tận hưởng tình yêu, tận hưởng niềm hạnh phúc, bù lại những ngày đợi chờ, khao khát. Ông ghì Miến và Miến thì thiết chặt ông trong vòng tay thật trìu mến. Từng hơi thở nồng nàn gấp gáp, những cái hôn kéo dài cháy bỏng. Mong sao giờ phút tuyệt vời đừng qua nhanh.
Bên ngoài bỗng có tiếng gõ cửa. Ai nhỉ? Ông Tiêu phấp phỏng chờ đợi thì tiếng gọi chừng giật giọng:
- Anh Tiêu. Sao lại đóng cửa thế này hả?
Hỏng rồi! Nguy hiểm rồi! Tiếng con mụ già ấy… Ông hốt hoảng vơ chiếc quần, bảo Miến nhanh nhanh chạy ra mở cửa. Ông tươi cười hỏi Thạo:
- Mình đã ăn cỗ về đấy à?
Bà Thạo giậm chân đành đạch:
- Trời ơi, ban ngày ban mặt mà ông làm cái trò ma mãnh. Còn nhục nào hơn. Còn khốn nạn nào hơn! Cái nhà này hết phúc rồi sao?
- Sự việc như thế, ông Tiêu thấy mình không thể căng được, dù sao… Biết phận nên ông định chịu nhún là hơn.
- Mình ơi! Tất cả tôi xin mình.
- Tôi không thể chịu nổi cảnh này… nếu các người còn tiếp diễn, tao sẵn sàng đi tự tử. Tao chết để cho chúng mày được tự do. A hà…
Ông Tiêu níu áo vợ van nài…
- Mọi chuyện trong gia đình tôi xin bà bỏ qua cho. Miến trân trân đứng nhìn bà Thạo, con mụ sao dữ dằn, đanh quánh, đôi môi mỏng cong vén lên như mảnh chai, mảnh sành. Lúc này không hiểu sao Miến chẳng sợ hãi gì mụ và thậm chí Miến còn khinh. Chị đàng hoàng bước tới bên bà Thạo, tay bấm mạnh vài thành ghế, bằng giọng mạch lạc:
- Em xin thưa với anh chị, em về đây với nghĩa vụ là vợ anh Tiêu. Chính chị đã tìm em về với anh ấy. Đã là vợ chồng tất nhiên có quyền được gần nhau những khi chăn gối…
Miến chưa nói hết câu, bà Thạo đã cắt ngang:
- Tôi hỏi, nhà này ai cấm dì?
- Chị nên hỏi chị!
- A, dì lại còn hoạch tôi à?
- Vâng. Đến nay em đã hiểu. Nhân đây em xin có nhời với anh chị. Em về làm bạn với anh Tiêu, thời gian tuy chưa nhiều, đến nay cũng gần một năm, giá tốt số thì em cũng có cháu bế. Giờ em xin phép anh chị cho em về bên nhà.
Ông Tiêu chợt run bắn người, vội vàng nắm lấy tay Miến, giọng ông lập cập:
- Em không phải đi đâu, về đâu cả. Em là vợ của anh, một thành viên của gia đình.
Bà Thạo cười khẩy, đôi mắt chao đi rồi chao lại:
- Tôi lấy dì về đây có cưới đàng hoàng, có sự chứng giám của hai họ. Không vì một lý do nào để dì muốn đi, muốn ở là được.
Miến đứng lặng giây lâu, cặp mắt nhìn thẳng bà Thạo bằng cả sự thách đố:
- Không một ai có quyền giữ chân tôi, một khi tôi bị tước quyền làm vợ.
Bà Thạo nhào hẳn người về phía Miến hai bàn tay bổ nhào vào không gian:
- Dì không được phép ăn nói như vậy! Tôi với anh Tiêu là những con người nhân đức. Tôi ăn ở với dì như bát nước đầy. Cũng là phận đàn bà tôi hiểu, dì đang cần một đứa con phải không? Chẳng những dì, anh Tiêu và tôi cũng đang mong.Tôi đây lấy anh Tiêu đã gần hai chục năm, cũng chỉ cầu mong có một đứa con, vậy mà… Phải nói tôi còn khổ hơn dì rất nhiều, cay đắng hơn dì rất nhiều. Bấy nhiêu năm tôi vẫn hàng cắn răng chịu đựng. Còn như dì lấy anh Tiêu mới có một năm, đã chỉ phải nóng vội, mà dì tuổi còn trẻ.
Miến thấy đau buồn quá, mình vội vàng lấy làm hai là dại, thân phận giờ bị trói buộc, không lối thoát. Làm thế nào bây giờ? Tự mình phải cứu lấy mình thôi. Miến tự trách bản thân. Giá như Miến chấp nhận lấy người khác, cho dù anh ta goá vợ nhà nghèo, nhưng một chồng, một vợ, giờ chắc sẽ hạnh phúc. Song vì Miến thương ông Tiêu, muốn ông có đứa con để nỗi dõi sau này. Ai ngờ…!
Ông Tiêu phân trần:
- Bà mong có đứa con, dì ấy cũng vậy. Song chính tôi lại là người mong nhiều nhất. Bà hãy cảm thông cho tôi, nghĩ đến dòng họ nhà tôi. Nếu tôi chẳng may chết đột ngột thì cái phúc nhà tôi cũng mất nốt!
- Ông nên nhớ rằng, tôi sẽ có con. Tôi đẻ rồi đến dì ấy đẻ. Ông không phải lo cái phúc nhà ông mất.
- Bà đã không có khả năng đẻ, ta nhường cho dì ấy. Giờ tôi còn khoẻ may ra được một, hai đứa con. Bà tuy không có công đẻ, nhưng có công nuôi, tất nhiên nó phải nghĩ đến bà nhiều hơn.
Những điều ông Tiêu nói bà cũng chỉ biết vậy. Song lẽ đời khúc khuỷu, quanh co làm sao mà lường hết được. Dù thế nào chăng nữa, đứa con không phải huyết mạch của mình, nó không thể có tình thương bằng chính người đẻ ra nó.
Tài sản, cơ ngơi do bàn tay của bà xây đắp nên, vất vả cơ cực rồi bỗng chốc vào tay nó, khi ấy mình có tuổi đi không vững, hơi sức không còn để mà nói. Bà chợt thấy kinh hãi. Khuôn mặt bà méo mó, teo tóp lại. Bà thở dài nghĩ, mình dốc tâm, dốc lực lo cho dòng họ người ta, đến nay bản thân mình lại làm vào cảnh hoạ vô đơn chí.
Lúc này ông Tiêu mới thấy thương Miến, thương cái phận làm lẽ cả đàn bà.
Giải quyết cho Miến thế nào bây giờ! Chẳng lẽ đành để tình cảnh này kéo dài mãi sao? Miến sẽ chết già, cả cuộc đời chẳng được hưởng chút gì hạnh phúc. Nếu giải phóng cho Miến, may ra Miến có cơ hội lấy được chồng, sau này bản thân mình không phải ân hận. Thôi cũng đành cái gia tộc của ta không có người nối dõi. Nghĩ vậy, ông lại thấy chưa ổn, dù sao Miến vẫn là của ông.
Sau một ngày, một đêm không thấy Miến đâu, bà Thạo tra vấn ông Tiêu quyết liệt:
- Có phải ông tự động cho nó về bên ấy hay con Miến trốn đi. Ông hãy trả lời cho tôi biết?
Ông Tiêu lúng túng nên nói thật hay… Châm điếu thuốc ông đi quành ra phía cửa rồi lại quay vào, ánh mắt buồn buồn nghĩ ngợi.
Bà Thạo sốt ruột khi thấy chồng ý như muốn tảng lờ và không tôn trọng mình. Máu nóng trong bà nổi lên phừng phừng, sấn lại, hai bàn tay của bà cào cấu vào lưng ông làm rách tan cả chiếc áo sơ mi:
- Cái gia đình nay, tôi hỏi, quyền ông hay quyền tôi?
- Chẳng ai có quyền cả! Người ta thân con gái đi lấy chồng, số phận đã muộn màng, lại bị bà o ép, người ta ở vậy làm sao được!
- Ngày mai bằng giá nào ông cũng phải lôi cổ nó về đây cho tôi nghe chưa? Tôi đã có công đi tìm, bỏ tiền của ra cưới xin cho ông, cho cả tôi nữa, tất cả vì cái gia tộc nhà ông. Bây giờ ông làm như vậy nào khác chỉ phỉ vào cái mặt tôi, hả? Trời ơi là trời!
- Tôi không có quyền gọi cô ấy về!
- Vậy ông là cái thằng gì?
- Tôi và cô ta lấy nhau không có giá thú, nên không có gì phải ràng buộc cả.
Bà Thạo bực quá nằm vật ngay xuống giường kêu la.
Ông Tiêu lẳng lặng bỏ đi. Tốt hơn hết là không nên đối chất với mụ ta chỉ thêm căng thẳng mà chẳng giải quyết được việc gì. Mãi khuya ông mới lần về, thấy bà ngồi ở ghế sa lông, có ý đợi chồng. Cặp mắt bà hau háu nhìn chồng, khiến ông phải tránh cái nhìn của bà rón rén đi vào gian trong. Tức khắc bà nhao người ra nắm chặt hai vai ông, ấn xuống chiếc ghế bên cạnh rồi vặn hỏi:
- Có phải ông định đối phó với tôi bằng cách cho con Miến về. Hoặc ông muốn lừa gạt cái già này chăng?
- Tôi chẳng mưu với kế? Tôi sống với bà xưa nay lúc nào cũng rất chân thành. Mong bà hiểu đúng cho tôi.
Bà Thạo chau mày, hai hàng mi dựng đứng:
- Sao tôi lại không hiểu? Ông cho nó về bên ấy là để ông dễ bề qua lại trưa tối gần nhau. Cái mưu của ông khốn nạn lắm. Ngày mai bằng giá nào ông phải điệu con Miến về đây. Chẳng rồi họ hàng nhà ông lai lu loa chửi tôi là con Sở Khanh.
- Nó có chân nó đi. Nếu bà muốn thì tự bà lôi nó về.
- Ông phải là theo ý lệnh của tôi.
- Không bao giờ tôi làm theo ý bà.
- Vậy ông nên nhớ rằng hiện nay ông đang sống trong vòng tay của tôi. Mọi cái ông không thể làm khác được.
Ông Tiêu thấy khó nghĩ, mình thương đời Miến tàn, muốn giải phóng cho cô ta thì lại mang rắc rối vào thân. Lúc này ông tủi phận quá. Gần chục năm nay, từ khi xí nghiệp giải thể, ông phải về một cục. Là anh cán bộ công đoàn, chỉ biết làm theo lệnh, vô lo, vô nghĩ, không nghề nghiệp, không chuyên môn, rời cơ quan chẳng biết làm gì để sống, đành phải ăn bám vợ. Giờ đây ông mới thấy mình đã mất quyền, cái quyền thiêng liêng của anh chồng. Nhục quá!
Rồi ông Tiêu cũng phải đi gọi Miến về.
Vào khoảng hai giờ sáng, bà Thạo hốt hoảng vùng khỏi giường, chạy thẳng vào gian trong gọi giật giọng:
- Dậy mau, dì hai, anh Tiêu…
Miến cũng vừa thức giấc, từ hôm trở lại đây Miến kém ngủ và cũng hay nghĩ vẩn vơ, có lúc ý nghĩ vò nát cả cõi lòng. Do sức ép của bà Thạo quá mạnh nên Miến đành phải nghe theo. Giữa đêm khuya thấy bà Thạo gọi, Miến run sợ:
- Chị ơi, anh Tiêu làm sao? - Giọng Miến như hụt hẫng. Vừa hỏi Miến vừa lao ra. Thấy bà Thạo gục xuống bên cánh cửa, bên mép đang tưới máu tươi, Miến kinh hoàng, bế xốc bà Thạo lên - Chị ơi, chị sao vậy?
- Anh Tiêu bị cảm cấm khẩu - Bà Thạo mếu máo nói không ra hơi - Dì ra gọi xích lô để đưa anh đi bệnh viện ngay.
Dứt câu bà Thạo đưa tay gạt nước mắt, tâm trí vẫn bàng hoàng sợ hãi. Trời ơi, đúng là ta quẫn rồi! Chẳng biết vì sao buổi tối bà lại đi mua bia và mực nướng về đãi chồng. Khi ông đã ngà ngà say bà còn rót tiếp. Mười một giờ hơn, hai người mới lên giường. Ân ái xong, bà vẫn còn hưng phấn mạnh, tuy biết chồng đã mệt, bà vẫn ôm ấp, vẫn vò ông, cặp đùi mập mạp của bà quặp chặt lấy ông, giọng run rẩy: “Anh cho em đứa con, cố đi anh, chỉ một lần nữa thôi. Đêm nay, em cảm thấy thế nào cũng có mang”. Thấy chồng yên lặng, bà bế xốc ông lên bụng, hai cánh tay thít chặt. Hồi lâu thấy ông thở hổn hển rồi lịm đi lúc nào không hay…
- Dì hai ơi, chính tôi… tôi… - Giọng bà ríu lại - Chi họ nhà anh Tiêu từ nay… từ nay…
- Chị bình tĩnh. Em đã có mang ba tháng. Để em đi gọi xích lô, may ra cứu được anh Tiêu.
Nguyễn Hồng Quang
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...