Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Vũ Hoàng Chương trong mắt bạn bè

Vũ Hoàng Chương trong mắt bạn bè

Những ngày gần đây giới yêu văn chương, thơ ca nước nhà đã rất bất ngờ khi nhà thơ Vũ Hoàng Chương có mặt trong 100 cái tên đề cử Nobel Văn chương vào năm 1972. Theo đó danh sách đã được công bố sau 50 năm tiểu thuyết gia người Đức Heinrich Böll chiến thắng.
Đây cũng là dịp đặc biệt để độc giả trong nước nhìn lại đời thơ của “thi bá” họ Vũ.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (trái) đem tới cho thi ca Việt Nam một tiếng thơ “giàu nhạc, giàu văn, nhiều khi kiểu cách nhưng rất đỏm dáng, dềnh dàng một cách có duyên”. Ảnh tư liệu
Quá trình sáng tạo
Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976) sinh tại Nam Định, trong một gia đình khoa bảng giàu có. Cha ông giữ chức tri huyện nhỏ, sành sỏi văn học. Mẹ ông cũng có tài năng nghệ thuật, hay chữ và biết chơi đàn. Có lẽ vì phông nền này mà ông đã được tiếp xúc với Hán văn từ sớm. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu học tiếng Pháp và năm 1930 đỗ vào trường trung học Albert Sarraut, Hà Nội.
Năm 1938 ông học Luật, nhưng sớm thôi học và ra làm việc cho ngành hỏa xa. Năm 1940, tập Thơ say đầu tiên của ông ra đời, gây tiếng vang lớn, và liền sau đó là những tác phẩm ấn tượng như Mây, Rừng phong, Hoa đăng, Trời một phương… Ngoài thơ ông cũng viết kịch thơ, từng cùng Nguyễn Bính và Chu Ngọc thành lập ban kịch ở Hà Nội và diễn các tác phẩm như Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp, Lên đường, Thằng Cuội…
Ngoài các tác phẩm trong nước thì thơ của ông cũng được dịch sang các tiếng nước khác. Năm 1960 ông cho xuất bản tập Cảm thông (tựa tiếng Anh Communion) với 6 bài mới sau cuộc Âu du và 9 bài cũ tiêu biểu của mình. Những năm sau đó, Tâm tình người đẹp (1961, tựa Pháp: Les 28 Étoiles), Thi tuyển (1963, tựa Pháp: Pòemes choisis) kèm theo bản dịch của nữ thi sĩ người Bỉ Simone Kuhnen de La Coeuillerie cũng được ra mắt.
Năm 1964 ông tham dự hội nghị Văn Bút Á châu (PEN Asia) họp tại Bangkok. Giai đoạn 1969 – 1973, ông giữ chức chủ tịch tổ chức Văn bút Việt Nam. Có thể từ đây mà Thang Lang (nhiều người cho rằng là lỗi đánh máy của nhà phê bình Thanh Lãng) đã đề cử ông vào danh sách xét duyệt Nobel Văn chương. Hồi ký Ta đã làm chi đời ta là tác phẩm cuối cùng của ông, xuất bản vào năm 1993 gần đây cũng được tái bản trở lại.
Theo nhà nhà thơ – nhà giáo Bàng Bá Lân trong tập Văn thi sĩ hiện đại, thì thơ của Vũ Hoàng Chương “giàu nhạc, giàu văn, nhiều khi kiểu cách nhưng rất đỏm dáng, dềnh dàng một cách có duyên. Thơ anh nửa cũ nửa mới, lời già dặn, chữ dùng khá bạo nhưng không ‘Tây đặc’ […] nên vẫn giữ được vẻ đài các trang nhã của Đông Phương”. Ông cũng cho rằng Thơ say là tập thơ “thành thực nhất” của Vũ Hoàng Chương mà trong đó, “nguồn thi hứng chính là mối tình đầu lỡ dở và cái thú đi gió về mây”.
Mối tình dang dở
Trong tập Thơ say, ta có thể thấy những suy tư rất riêng của “thi bá” họ Vũ trong chuyện tình yêu. Đi từ tổ khúc Say vô cùng hoang dại với những điệu nhảy để quên tình buồn, ông cũng viết các tổ khúc khác như Mùa, Yêu, Cưới nói về tình yêu ở thuở ban sơ còn nhiều vụng dại cũng như ngây thơ với em Vân (đề tặng trong Mùa), Kiều Thu (tên khác của Vân trong tổ khúc Yêu). Rồi đây cũng chính vì mối tình này mà sự nghiệp ông đã rẽ sang một hướng khác.
Tập thơ “Say” của Vũ Hoàng Chương
Trong Văn thi sĩ hiện đại, tác giả Bàng Bá Lâng đã tả chân dung họ Vũ vô cùng sống động. Theo đó vào mùa xuân 1941, bộ ba Nguyễn Bính, Tô Hoài và Vũ Hoàng Chương đã đến thăm ông. Ông viết “Nguyễn Bính quần áo lôi thôi đúng gã ‘giang hồ vặt’, Tô Hoài non choẹt bạch diện thư sinh, Vũ Hoàng Chương ăn vận bảnh bao, dáng dấp phong lưu công tử, phóng túng và hưởng lạc”. Từ những dòng này ta có thể thấy một nghệ sĩ tính có phần thật thà và bất cần đời đến từ họ Vũ.
Ông cũng tiết lộ vì sao Vũ Hoàng Chương xuất bản văn thơ. Theo đó họ Vũ đã trần tình rằng: “Thơ tôi làm khá nhiều và đã từ lâu, nhưng chưa hề có ý định in. Tại Lưu Trọng Lư có nợ tôi ít tiền, y không trả được liền gán cho tôi số giấy bản mà y đã trữ tính để in thơ. Thế là bỗng tự nhiên tôi có giấy, lại sẵn thơ, vì vậy Thơ say ra đời”. Tuy thế cảm hứng đến với sáng tác không hề vô tình, mà có ý định và bắt nguồn từ một cuộc tình dang dở của ông.
Trong tập Mười chân dung nhà văn cùng thời, nhà văn Vũ Bằng cũng đã chép lại một cuộc phỏng vấn tâm tình (interview sentimentale) với họ Vũ về chuyện tình này. Khi được hỏi trong 10 thi tập mình thích tập nào, Vũ Hoàng Chương bảo rằng mình “thích tập Mây, còn kịch thơ thì thích Vân Muội”. Vũ Bằng cũng khá tinh ý để rồi hỏi tiếp “Mây có sức mạnh gì ám ảnh anh như thế?” Họ Vũ tinh quái trả lời: “Hỏi vớ vẩn quá. Đấy là chuyện riêng. Nhưng thôi, cánh mình đã nói thật với nhau thì phải nói cho hết câu nói thật. Đúng là tôi hay nói về mây. Là vì mây là cả một tâm sự của tôi” và tiết lộ thêm “Mây ấy tên là Tố Vân” trong lúc cười buồn và cúi đầu xuống suy nghĩ một giây.
Nói về những nỗi vui buồn của cuộc tình duyên, họ Vũ kể rằng “Tôi biết Tố Vân từ lúc nàng còn đi học ở trường Hàng Cót (Brieux). Nàng là con gái một nhà khá giả, đậu bằng Cơ thủy, hỏng Tú tài phần nhất. Tình yêu giữa Tố Vân và tôi có ghi trong thơ Mười hai tháng sáu in trong cuốn Mây.” Thật vậy, ta có thể thấy những câu thơ sầu trong các bài thơ “khóc nàng”.
Ví như trong bài Mười hai tháng sáu: “Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương. / Là thế, là thôi, là thế đó, / Một năm thôi thế mộng tan tành. /Mười năm trăng cũ ai nguyền ước”. Hay Bài ca hoài Tố, in trong tập Rừng phong xuất bản vào năm 1954: “Giọt lệ chiều nay đẫm máu, / Gọi hồn em ngày – chưa – tháng – sáu – mười – hai / Ta đã mất em rồi Kiều Thu ngày xưa, Hào quang đã phai rồi, tóc mun dòng thơ”.
Hỏi thêm Tố Vân giờ đây ra sao, thì Chương đáp lời “Ở Hà Nội. Trước khi vào Nam, tôi có gặp nàng lần chót. Bà cụ thân ra nàng sang Pháp, còn nàng và gia đình ở lại. Cũng như trong những truyện cổ tích Âu Tây, lúc tôi từ giã nàng, nàng sống sung sướng và có nhiều con. Nhưng mười lăm năm nay rồi, tuyệt mù tin tức, không biết còn sống hay đã mất”. Sự mất mát ấy cũng được Bàng Bá Lân ghi lại sau khi gặp lại họ Vũ lần thứ hai.
Ông viết về lần gặp thứ 2 năm 1943 khi thơ Mây vừa được xuất bản: “Chất ma túy đã tàn phá cơ thể anh nhanh chóng. Chàng thanh niên khá khỏe mạnh, lanh lợi, có vẻ ăn chơi của Thơ say […] giờ gầy nhom, nét mặt hốc hác, xúng xính trong bộ nam phục nhàu nát (áo dài kép bằng nhiễu tam giang, quần chúc bâu vàng khè, bít tất nhăn nhúm) […] tóc dài lõa xõa che kín cả gáy lẫn tai càng làm cho gương mặt ốm yếu, da bọc xương” Bởi ông rơi vào hố sâu tuyệt vọng, nên “nàng thơ nâu” – những chất thức thần và thú ăn chơi, đã kịp tiến đến và ám ảnh ông.
Bàng Bá Lân viết: “Anh lao mình vào thú vui vật chất để tìm say và mượn rượu để quên lãng. Nhưng tửu lượng không được hào, mà còn gây kết quả trái lại, dẫn đến đi tìm những thú say khác: giọng hát, tiếng đàn, khiêu vũ – thú vui Tây phương vừa mới nhập cảng, quyến rũ, lôi cuốn khiến anh bê trễ cả việc nhà ga, và rồi bỏ việc”. Cũng chính nơi hỏa xa đó mà cả hai đã có những lần “nằm võng mắc ở hiên nhà ga, anh đọc thơ cho tôi nghe, mơ màng nhìn chiều xuống chầm chậm, tai lắng thâu từng âm thanh dìu dịu của lời thơ mà hồn tôi phiêu phiêu như bay vào xứ mộng”.
Thật cụ thể hơn, có lần chua chát họ Vũ nói rằng: “Khi mình định bỏ học ra làm việc ở sở Hỏa Xa thì ‘người ta’ không phản đối. Đến lúc mình đi làm rồi, thì ‘người ta’ lại tuyên bố là không thích người làm ga! Và ‘người ta’ đi lấy chồng làm ông huyện […] cái chua xót của câu thơ không phải ở lấy chồng quan mà là chẳng một lời”.
Như vậy có thể thấy rằng chính mối tình đầu thiết tha nhưng lỡ dở đã ám ảnh Vũ Hoàng Chương suốt đời và là nguồn thơ phong phú nhất của ông. Tuy đầy đau đớn nhưng cũng từ đó mà những áng thơ bất hủ đã được ra đời, và còn sống mãi với những thế hệ yêu thơ dẫu ở thời nào.
17/4/2024
Minh Anh
Nguồn: Tạp chí Người Đô Thị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...