Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Chợ phiên trên đỉnh Trường Sơn

Chợ phiên trên đỉnh Trường Sơn

Tôi là người thích sự xê dịch. Điều đó cũng trùng với đặc thù công việc của mình. Tuy được đặt chân tới nhiều vùng miền trên cả nước nhưng khi có người hỏi, thế ông đã đi hết các địa phương trong tỉnh của ông chưa? Câu trả lời một cách ngay và luôn là chưa. Điều đó thật dễ hiểu bởi theo thống kê hiện nay, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với tổng diện tích lên đến 16.493 km2.
Đã nhiều lần được anh em bạn bè thường qua lại, công tác trên đó kể cho nghe về một phiên chợ độc đáo nằm trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, nơi giao thương giữa các dân tộc anh em của hai nước Việt – Lào, lòng tôi cứ nhấp nhổm không yên. Đầu Xuân năm ngoái, sẵn dịp có ông anh công tác ở Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn mời lên và nhận làm hướng dẫn viên đưa đi chơi chợ, tôi gật đầu cái rụp. Từ Đô Lương, gã độc hành là tôi vội nhảy xe đò, vượt quãng đường hơn 180 km để đi lên theo tiếng gọi mời của miền biên viễn bao la.
Tôi phải nghỉ lại một đêm tại thị trấn Mường Xén, thủ phủ của huyện lị Kỳ Sơn. Từ đây lên chợ vùng biên Nậm Cắn còn 24 km nữa. Bữa tối được ông anh chiêu đãi gà, cá sông nướng, xôi nếp, rau rừng, canh măng cùng dăm vài chén rượu làm cho tôi càng thêm ngây ngất, bồng bềnh giữa mênh mang núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Khi tiếng gà gáy sáng từ xa vọng lại, miên man trong gió có cả tiếng gọi ồi ồi của bà con rủ nhau dậy sắm sửa để lên chợ phiên, tôi đã bị ông anh lôi ra khỏi chăn ấm chuẩn bị cho cuộc viễn du.
Hai anh em nai nịt gọn gàng, mặc thêm áo khoác, đi găng tay, chiếc xe máy lao đi khi màn đêm còn bao phủ. Quốc lộ 7 như con trăn núi khổng lồ bò ngoằn ngoèo, có nhiều khúc cua tay áo và cả những con dốc dài miên man, hun hút. Ngồi sau xe, tôi không khỏi rùng mình và thầm khâm phục trình chạy xe của ông anh. Có đoạn lên đến đỉnh dốc, tôi đề nghị ông anh dừng xe để nhìn xuống, con đường lại hóa nhỏ bé, hiền ngoan như sợi chỉ mỏng manh ẩn hiện trong sương sớm. Với độ cao trên một ngàn mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình ở đây chỉ từ 15 đến 200 C, mảnh đất biên viễn Kỳ Sơn từ xưa được ví như một Sa Pa của Nghệ An, điều đó quả thật không sai.
Qua bản Noọng Dẻ rồi tuột dốc Tiền Tiêu, trời đã sáng rõ mặt người. Cái lạnh dường như ngấm sâu hơn vào từng thớ thịt. Lúc này tôi mới cảm nhận được không khí tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp của dòng người đang dồn về bên kia biên giới. Người dưới thung lũng đi lên, người từ trên núi đi xuống chân bước như nhanh hơn để được thỏa nỗi nhớ nhung, mong ngóng. Bà con các dân tộc gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói cười ồn ã đã làm cho vùng đất vốn ngày thường rất yên ả bỗng dưng náo nhiệt hẳn lên. Người gùi hàng, người tay không, người xách gà, xách lợn, người đi xe máy, người xe đạp nhưng chủ yếu vẫn là đi bộ xuống chợ. Từ già đến trẻ đều có thể mang bất cứ thứ gì xuống chợ. Ông anh bảo, dù ít hay nhiều không thực sự quan trọng với bà con, kể cả bán được hàng hay không cũng không thực sự quan trọng nốt bởi tinh thần chơi chợ mới là chính.
Khu chợ phiên đã hiện rõ trước mắt tôi với cơ man nào là sắc màu của thổ cẩm, của hàng hóa, của xanh đỏ tím vàng miên man và ngữ âm hòa quyện của các dân tộc anh em hai nước Việt – Lào.
Nằm lọt giữa hai cửa khẩu Nậm Cắn và Noọng Hét, chợ vùng biên tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng. Thực ra, phiên chợ độc đáo này có rất nhiều tên gọi khác nhau như chợ phiên Nậm Cắn, chợ Đoàn Kết, chợ Hữu Nghị hay chợ Đỉnh Đam. Ông anh bản địa giải thích cho tôi hiểu rằng, sở dĩ có nhiều tên gọi như vậy vì trước đây, chợ nằm ở khu đất trống thuộc xã Nậm Cắn của huyện Kỳ Sơn. Sau khi Nậm Cắn được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế thì chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào theo sự thỏa thuận của hai tỉnh kết nghĩa Nghệ An và Xiêng Khoảng. Chợ vùng biên này được hình thành từ nhiều năm trước đây nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, thương mại của hai quốc gia Việt – Lào. Thời gian họp chợ từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
Để có được một phiên chợ đông vui, ngập tràn sản vật như thế này, hàng hóa từ hai ngả biên giới được chở đến tập kết từ chiều hôm trước. Những chiếc lều, quán được dựng tạm trên nền đất, hàng hóa được bày hẳn trên cỏ hay trên mặt đất nhưng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ông anh dẫn tôi đi giữa mê man sắc màu của những bộ trang phục đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú từ bên Tương Dương, Kỳ Sơn sang hòa lẫn với sắc màu của các bộ tộc Lào anh em khiến tim tôi cứ bung biêng. Có thể nói, chợ phiên Đỉnh Đam là nơi quy tụ nhiều màu sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ mú và Lào… Những sản vật đặc trưng của hai nước từ ẩm thực cho đến trang phục hay đồ dùng vật dụng đều được bà con dân bản mang đến đây đổi trao, mua bán.
Đồng bào hai nước bao đời nay quây quần trên dãy Trường Sơn, chính vì vậy, cuộc sống nơi vùng núi non kỳ vĩ này đã cho họ những sản vật nức tiếng, được du khách gần xa ưa chuộng bởi chất lượng tuyệt hảo, hoàn toàn an tâm khi sử dụng. Lộc của núi rừng biên cương đã có mặt tại chợ phiên một cách phong phú, đa dạng khiến kẻ mới đến đây lần đầu tiên như tôi không khỏi trầm trồ. Nào hoa chuối, cải ngồng, dưa chuột, măng Loi, gạo nếp, măng đắng, lê Lào, hoa gừng Lào cùng các loại rau, củ, quả khác… đến các loại gia súc, gia cầm như gà đen, chó, lợn đen… Dãy bên kia lại bày bán các loại nông cụ phục vụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt gia đình. Tôi trôi theo dòng người qua dãy hàng bán quần áo, vải thổ cẩm, rồi thuốc cây rừng, đồ ngâm rượu cho đến bánh kẹo, hoa quả, thịt, cá, thuốc tây rồi cả sạp hàng bán những chiếc điện thoại đời mới…. Ở chợ này, đồng Kíp của Lào và tiền đồng của Việt Nam đều có thể dùng mua hàng được cả. Các chủ sạp hàng đều có thể nói được nhiều thứ tiếng khác nhau làm cho phiên chợ như một bức tranh đa sắc, vui tươi trên đỉnh mây ngàn.
Dạo chợ mỏi chân, anh em tôi cùng nhau vào khu vực ẩm thực của chợ. Các gian hàng ẩm thực ở đây nằm sát bên nhau, những miếng thịt quay xì xèo mỡ trên lò than rực hồng tỏa mùi thơm nức mũi giữa rét căm căm của những ngày đầu Xuân. Cô gái bán hàng người Lào có tên là Xay Xổng Kham có khuôn mặt xinh xắn, làn da trắng hồng tay thoăn thoắt làm việc nhưng ánh mắt không quên ban cho tôi ánh nhìn mê mết làm gã ngáo ngơ như muốn rụng tim. Sau vài câu giao đãi, máu yêng hùng nổi lên, tôi bèn vận dụng hết vốn tiếng Lào học lỏm được hồi còn học ở trường Đại học có sinh viên quốc tế để đá đưa:
– Năm không vê nui la heng, phú đuông vẽ nu la chượn tề và nậm chay, xa ma khi bò mi vê la chịt chang! (Nước sông Mê kông có thể cạn, núi Thái Sơn có thể mòn, tình đoàn kết Việt Lào không bao giờ phai!). Xay Xổng Kham nghe vậy bèn cười tươi và đáp lại tôi bằng tiếng Việt, chất giọng từa tựa mạn Hà Tây “Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long!”. Câu thơ của Bác Hồ kính yêu được cô sơn nữ của xứ sở Triệu Voi đọc trên đỉnh Trường Sơn làm tôi hết sức ngạc nhiên và càng cảm động hơn về mối tình thủy chung, sắt son giữa hai đất nước Việt – Lào anh em.
Xung quanh chúng tôi, người dân Kỳ Sơn và Noọng Hét ngồi bên nhau cùng ăn uống, nói cười, hỏi thăm nhau như người quen lâu ngày gặp mặt. Những món ăn đặc trưng của hai địa phương được bày la liệt, rượu ngô của người Mông Nghệ An và bia Lào được rót tràn cung mây. Ngoài kia, mấy thanh niên Mông đang say sưa trong điệu khèn quyến rũ, các cô gái dân tộc Việt – Lào với sắc màu sặc sỡ đang chăm chú vây quanh. Đi chợ cũng là đi hội, từ những thanh âm say đắm của tiếng khèn, đã có nhiều cô gái Lào đã nên duyên với các chàng trai Mông của Kỳ Sơn. Bây giờ tôi mới ngẫm lại câu nói của ông anh đêm qua, khi còn ở Mường Xén “Người ta thường gọi chợ phiên Nậm Cắn là phiên chợ thắm tình hữu nghị Việt – Lào!”.
Chia tay miền biên viễn xa xôi để về xuôi, tôi như vừa bước ra khỏi một thế giới khác. Thế giới tràn ngập sắc màu văn hóa bản địa nhưng lại toát lên vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc như chính mảnh đất và con người nơi đây. Chợ phiên Hữu Nghị này không chỉ thuần túy là nơi giao thương, phát triển kinh tế mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người bạn Lào – Việt đã quen và nơi kết thân của du khách bốn phương.
Sự giao thoa văn hóa giữa bà con người Việt và người Lào thông qua phiên chợ đặc sắc này cứ thế mà thêm bền chặt, mà sâu sắc như nước Hồng Hà, Cửu Long…
3/9/2024
Lê Mạnh Thường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...