Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

"Khác biệt" của Đoàn Hữu Nam: Những câu thơ trôi nổi phận người

"Khác biệt" của Đoàn Hữu Nam:
Những câu thơ trôi nổi phận người

Đọc kỹ Khác biệt một lần nữa tôi thấy sự xoay vần chữ nghĩa, biến hóa khôn lường của Đoàn Hữu Nam. Có lần nhà thơ tâm sự về nghiệp viết với ông là bổn phận rồi như con tằm phải nhả tơ. Không viết được gì thì ông như kẻ mất hồn vẩn vơ thẫn thờ…
Người ta biết đến nhà văn Đoàn Hữu Nam qua những tiểu thuyết ấn tượng gây tiếng vang trong dư luận cũng như trên văn đàn như: Dốc người, Trên đỉnh đèo giông bão; Thổ phỉ; Rễ người; Nhân quả, Nỗi niềm xứ sở… Mấy năm vừa qua ông rinh về nhiều giải cao như tiểu thuyết Rễ người, Nhân quả, tiền thưởng cao ngất ngưởng. Nhà văn sống “ngon lành cành đào”, tậu nhà lầu, sắm xe hơi, đàng hoàng bằng chính ngòi bút của mình. Còn với tập thơ Khác biệt này tôi đồ rằng chỉ là “sân chơi chiếu nghỉ” giữa hai kỳ tiểu thuyết nào đấy. Đọc Khác biệt thấy sự dấn thân, dám “vác xà beng” đục đá mở đường cao tốc thì cũng cả gan!
“ta – con gọng vó lạc loài loi choi giữa dòng trôi loi choi giữa không giữa có/ nhắm mắt/muôn sự buông xuôi… mở mắt/rong rêu kết bè ghềnh thác hùa nhau réo gào được mất…  trong mỗi ngày đầy sự ngược xuôi không biết có ai thương con gọng vó bị bùa mê không mệt mỏi luôn vượt lên và luôn dừng lại trên dòng đời trôi… trôi…trôi… trôi./” – (Với dòng trôi). Phải nói tuột ra một điều rằng nhọc lắm! như muốn đứt hơi vì nhiều trường đoạn không biết dừng nghỉ ở chỗ nào cho phải. Rất kiệm dấu chấm, dấu phẩy, ngắt câu… đó cũng là cái lý của Khác biệt.
“anh đừng ngắt những tháng ngày bỏng rát/ hãy lắng nghe tiếng quạ hát trên đầu/ anh đừng nói lở bồi, đầy vơi, nuối tiếc/ với đớn đau ngọn lửa giữ rừng gianh/ em ba năm vùi nắng mưa lầm lụi/ bây giờ lả tả tro bay” – (Em trách mình như tờ giấy trên lửa).
Và nhiều lắm những khổ thơ như thế. Vừa đọc vừa dừng nghỉ để ngẫm, có khi ngẫm mãi chưa ra ý. Đúng là cái lý Khác biệt, đã nhập vào rồi không vội được đâu. Vậy mà trong cái mớ bòng bong nhập nhoàng sáng tối vẫn tìm ra cái hạnh phúc lớn lao mà thế giới có khi vẫn hoài mong ngước nhìn, bởi biết bằng lòng với những gì mình có: “hạnh phúc chênh vênh như con dê rừng trên vách đá/ mấy chục năm vui buồn đi qua/ ngày mai vợ chồng mình lướt qua nhau tìm về ngày xưa” … – (Ngày mai là chợ Khau Vai).
Nhiều trường đoạn trong Khác biệt tưởng chừng như lạc giữa rừng sâu, quay cuồng trong giông tố, trong sáng tối, của nước và lửa, giữa sinh và tử, giữa quỷ dữ và Thần Phật… Phải thật bình tĩnh, kiên nhẫn, không thối chí thì mới đi hết được đường thơ trong tập thơ. Những triết luận mang tư duy của văn hoá bản địa vùng cao. Của lý lối của người Mông, người Dao, người Hà Nhì, Xa Phó…quấn bện, bền vững. Những tư duy ngôn ngữ ấy được đúc rút trải qua cuộc sống lâu đời mà thành văn hoá dân gian các dân tộc.
Cái tài của nhà thơ đã biết khai thác và dụng công, nâng tầm, biến thành ngôn ngữ văn học để thành tác phẩm thơ song không xa rời quy luật tự nhiên của cuộc sống, của sự tương sinh tương khắc trong thế giới nhân sinh. Từ đó đã hình thành, dựng lên một tư duy chiết tự theo ngôn ngữ lý lối hàng ngày của người vùng cao, nhẹ nhàng thực tế mà vẫn sâu sắc gợi mở đa chiều. Thơ đâu cứ phải vần, luật, nhưng có nhịp điệu: “mẹ bảo chồng già còn hơn khúc gỗ/ con ra sông gặp củi vướng đầu cành”… /mẹ ơi tằm ăn dâu tới tận cuống tận xơ/ con đã thành con trâu già gặm cỏ trên mô đá/ thành chiếc nón đứt quai gió vô hồi thổi tới/ con trơ trọi giữa đồng trốn sao được bão giông…”- (Về với mẹ), đó là thân phận của người phụ nữ của một thời bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược, cũng có thể của bất cứ một hoàn cảnh éo le nào trước giông tố cuộc đời.
Hoặc những câu thơ đọc đi đọc lại vẫn cứ thấy là lạ, rợn rợn, rồi thích thú có thể mê hoặc như bùa ngải: “mỗi lần em về anh ở/ em lấy lá ngải thả vào dấu chân/ hương ngải không tan vào trời/ không tan vào đất/ anh như con trâu măng bị bỏ đói ba ngày mũi rà rà sát đất/ nụ hôn nào cũng vương vấn ngải ơi!” – (Ngải ơi). “Như con trâu măng bỏ đói ba ngày”…, cách nghĩ, nói, cái khao khát yêu thương, nhớ nhung trong tình yêu ở đây không thể giống với bất kỳ trưởng phái thơ tình nào. Chỉ lý lối của cảnh, vật, thiên nhiên con người vùng cao, cách so sánh, hình ảnh độc lạ, đó là cái tài dụng sắp chữ trong Khác biệt.
Cái tình như vừa hoang dã vừa lãng mạn, vừa phồn thực mặn nồng mà gợi mở. Có phải là thơ? Với tôi đấy là những câu thơ hay mà tôi gặp. Thêm một lý nữa để nhận diện của “Khác biệt”. Những câu thơ trên mang đậm văn hoá Gầu plềnh của dân tộc HMông được hoán cải để Kinh hoá, văn minh hiện đại hoá mà không mất đi bản sắc gốc. Tôi lại nhớ đến ý nói của nhà thơ Chế Lan Viên trong cuốn sách “Tâm hồn và tiếng hát H Mông (1984) ông giới thiệu giá trị nội dung nghệ thuật tư tưởng tình cảm đặc biệt tinh tế của tâm hồn người HMông, tâm lý tộc người thể hiện qua dân ca có yếu tố tình cảm, bản năng. Ông nhận định “…có hàng trăm bài có thể không hổ thẹn trong những tập thơ hay của thế giới”.
Không biết những bài thơ trong Khác biệt ở đây có bài nào chạm vào cái ngưỡng chưa?… Tôi đồ rằng sự phá cách thể hiện trong tập thơ này mang cá tính bản lĩnh đậm đặc khám phá pha máu giang hồ xuôi ngược. Có lẽ ở đây đúng với câu nói của nhà văn Nam Cao “sống rồi hãy viết”. Với Đoàn Hữu Nam có 50 năm gắn bó với đồng bào vùng cao, hơn chín năm làm anh “phu lục lộ” với cuốc xẻng xà beng phá đá mở đường, nằm sạp trong lán giữa rừng. Những năm tháng dãi dầu trải nghiệm mặn nhạt ở đời đã tôi luyện để ông có vốn sống, những năm tháng nuôi giữ bản năng sinh tồn nơi rừng hoang núi thắm. Sau này nhà thơ lấy vốn sống từ chính cuộc đời ra mà giãi bầy vào văn thơ “chiếc xe cút kít tự tay đẽo/chở mấy vạn ngày ra tay không…/ chữ nghĩa như lông cừu ké bám/ con đường dài ngắn quá tầm tay/ trót mang cái tiếng người đa sự/ may gạo trên sàng cát dưới nia” … – (Tự sự). Phải là người giầu năng lượng sống lắm, không chịu ngồi yên bó gối bằng lòng như kiểu “Ngẫm về người vô sự” mà vẫy vùng trầy da xước vẩy để thành người.
Là người thích trải nghiệm, tư duy bản ngã luôn ấp ủ khối năng lượng lớn khi có dịp chạm ngòi là bùng nổ. Và khi vào ngưỡng của ký ức luôn hiện về dồn đuổi: “ký ức bám ta như mõ bám cổ trâu/ dẫu trĩu nặng thôi âm thầm khắc khoải/ dọc con đường ngập ngừng hoa và nắng/ mùa màng cõng những niềm vui… ” – (Có thể nào quên). Hoặc những lời dặn con không còn là lời dặn mộc mạc mà trở thành một triết tự văn học: “người vùng rừng hay nhìn xuống đất đặt bàn chân/ liệu con có nhìn xuống gốc/ khi hoa thơm trái chín trên cành/ bếp lửa nhà mình tiếp củi quanh năm/ con đi xa biết tiếp gì cho ấm” … – (Bếp lửa nhà mình).
Tôi đồ rằng “Khác biệt” không phải là sự mò mẫm thử nghiệm, đánh đổi liều lĩnh mà là sự chủ định rạch ròi, vạch rừng đạp núi, vén mây băng thung, đặt cho mình một lối “chơi” nhưng không “ngông” để xem cái chủ thể Tôi đi đến đâu? được mất những gì? Khác biệt một hiện thực lối thơ chiêm nghiệm mang thân phận cuộc đời, có những tự sự đã qua đã trải để dẫn dắt lối chơ riêng. Con đường thơ ấy có thể dẫn đến vinh quang sáng chói, hoan hỉ, ghi tạc, có thể là nhất thời hoặc chông gai, khuất lấp, chưa ai biết chắc điều gì, phải để thời gian phơi, chiếu, chụp, cắt tầng, mở vỉa vỡ ra những góc khuất ẩn ý trong Khác biệt mà cứ thế mà Khác. Tất cả còn ở phía trước, của những “tầm nhìn” tâm huyết với sáng tạo để định dạng một “thực thể”.
Tập thơ “Khác biệt” của Đoàn Hữu Nam
Đọc Khác biệt tôi cảm thấy nhọc nhằn như người leo dốc, không thể vội vã “một đập ăn ngay” mà thủng thẳng vừa đi vừa nghỉ, vừa ngẫm. Thế mới hiểu sự nhọc nhằn của tác giả. Bởi đọc Khác biệt không thể hô tướng lên, tuồn tuột trôi lềnh phềnh như máng trượt. phải ngẫm, nghĩ qua lại có chỗ phải dở xem điển tích xuất xứ. Thích thú nhất là thỉnh thoảng vấp loé lên những câu thơ ấn tượng như tia nắng ấm giữa màn sương mù giá rét để xuýt xoa. Cái tính nhân văn, tình người cứ lấp lánh và ẩn lấp trong nhoi nhói đau thương về những thân phận mà ta gặp dọc đường Khác biệt.
Tôi có cảm giác như nghe thấy ngôn từ những thanh âm vẳng lên như tiếng rên rít cô độc, sự nhọc nhằn của chú ngựa thồ đang ngược dốc và cũng hình dung ra sự suy tư, dằn vặt ẩn vào từng con chữ đầy vơi mà tác giả muốn gửi gắm truyền tải:“ta bỗng thấy bon chen nhặt nhạnh/ nhỏ nhoi mất hút giữa dòng/ ta bỗng thấy trong khung trời hạn hẹp/ hình như gió đã đổi chiều – (Hình như gió đã đổi chiều). “ta ước mình nẩy mầm đâm rễ/ đất đá kia nuôi dưỡng cây xanh này/ hoa rồi quả rồi đêm ngày mưa nắng/ rộng cửa từ giăng mắc một chiều mơ.” –(Giăng mắc một chiều mơ). Đa nghĩa, giối giăng khó hiểu, như đánh đố độc giả, là nghĩ vậy thôi, chứ bỏ thì tiếc, bương vào thì nhọc công lẽo đẽo theo đường hun hút. Có những khúc quanh mang tính mơ hồ ảo ảnh cái mong manh như kẻ mất phương hướng: “mở cửa/ tĩnh động chen nhau/ sóng sánh xa/ ầm ào sóng/ mong manh cảm giác binh yên! …” – (Mong manh cảm giác bình yên).
Trong Khác biệt cũng gặp nhiều bi tráng, cái dằn vặt đau khổ của sự chấp nhận những đeo bám của hủ tục truyền đời, song vẫn toát lên được những nhận biết muốn tiến bộ phải giải phóng cho dù chưa có cách hoá giải, chỉ biết rằng ước ao có ngày sẽ đổi thay phận người lam lũ: “Mười ba tuổi con về làm dâu họ Lý/ đo nương nhà người bằng nước mắt rơi rơi/ mười bốn tuổi con đã là thiếu phụ/ ngồi tẽ ngô tẽ tơi tả đời mình/ mười lăm tuổi cõng con về thăm mẹ/ như trâu be đeo ách giữa nương cằn” …. Con về làm nương nhà người không có chỗ cỏ mọc/ … chuồng nhà người chật chỗ buộc trâu/ nhưng mẹ ơi hãy để các em con như nước tìm đến suối đến khe/ đừng vội đo nương nhà người như con mẹ nhé.” – (Thưa mẹ). Độc giả hình dung ra một thiếu phụ nhỏ bé cõng con nhưng trong lòng bồng nỗi đời buồn đau, những giọt nước mắt rơi dọc dài nương rẫy, cảm thán về số phận con người theo hủ tục tảo hôn. Có phải là những câu thơ vắt ruột gan? Lại xin ngã mũ bái phục nhà thơ ạ!
Và đây nữa những trái ngang bồi lở của kiếp người đây đó song vẫn loé lên những mầm hy vọng.
“ơi khao khát bật mầm từ mặn chát
dấu yêu ơi xin trải tiếp tháng ngày
bên bếp lửa mơ bồng bềnh mây trắng
mơ những sợi lanh quấn chặt đời người – (Đổi mùa)
Và rồi những chấp nhận cuộc đời theo lẽ bổn phận của quy luật, hạnh phúc thật giản đơn cứ tuần tự như muôn đời đã có. “thời gian như bão đuổi mưa dồn/ tôi và em đã da mồi tóc bạc/ góc cột chân giường đã mấy lần lật đất/ đã mấy lần dặn con” …- (con đường từ những núm nhau).
Và rồi cuối con đường ta ngồi ngẫm lại được mất ở đời người, cái may trùm lên cái rủi, năm tháng trôi như nước chảy, một ngày “đến tuổi buông xuôi”. Tự vẽ mặt mình: “Thấm thoát năm mươi năm có lẻ/ dấn thân vào khôn dại dẳng dai/ ra đi nắng vỡ trong bao mắt/ quay về năm tháng đã rêu phong” – (Tự sự).
Đọc kỹ Khác biệt một lần nữa tôi thấy sự xoay vần chữ nghĩa, biến hoá khôn lường của Đoàn Hữu Nam. Có lần nhà thơ tâm sự về nghiệp viết với ông là bổn phận rồi như con tằm phải nhả tơ. Không viết được gì thì ông như kẻ mất hồn vẩn vơ thẫn thờ. Từ ngày nhà văn nghỉ làm công bộc, được về với sự “vạn đại” như được cởi trói, ngày rộng tháng dài bao vốn liếng ấp ủ rừng rú ông đem ra “gieo vãi” trên cánh đồng văn chương và đã gặt hái những mùa trĩu hạt.
Người ta biết đến nhà văn Đoàn Hữu Nam qua những tiểu thuyết ấn tượng gây tiếng vang trong dư luận cũng như trên văn đàn như: Dốc người, Trên đỉnh đèo giông bão; Thổ phỉ; Rễ người; Nhân quả, Nỗi niềm xứ sở… Mấy năm vừa qua ông rinh về nhiều giải cao như tiểu thuyết Rễ người, Nhân quả, tiền thưởng cao ngất ngưởng. Nhà văn sống “ngon lành cành đào”, tậu nhà lầu, sắm xe hơi, đàng hoàng bằng chính ngòi bút của mình. Còn với tập thơ Khác biệt này tôi đồ rằng chỉ là “sân chơi chiếu nghỉ” giữa hai kỳ tiểu thuyết nào đấy. Đọc Khác biệt thấy sự dấn thân, dám “vác xà beng” đục đá mở đường cao tốc thì cũng cả gan! Giữa thời buổi trăm hoa đua nở thơ nhiều như nấm mùa mưa, nhưng thơ cũng chưa bao giờ thơ lại rẻ rúm như hiện nay có phải Khác biệt là sự tìm tòi là Sáng Tạo? Là sự nhân chữ nghĩa dân gian, tri thức bản địa để nâng tầm văn hoá vào thơ bản địa? Nếu được như vậy thì khác gì người khai mở. Nhà thơ Đoàn Hữu Nam đang thiên hướng của kẻ “kéo rào ngược dòng” thoả được cái khát vọng lớn đem văn hoá vùng cao lan toả. Đó cùng là khát vọng góp sức nhân cánh đồng thơ thêm mỡ màu tươi tốt, bồi đắp hạnh phúc, xã hội thơ thêm đa sắc!
Có lẽ thơ đối với ông chỉ là gia vị cho khoảng trống, những nỗi niềm đang xé nhỏ chứa đủ hội tụ, nhưng nó cứ lấp lánh, sáng tối ám ảnh để mà gọi tên. “Khác biệt”. Vẫn phải nói lại một điều đọc khác biệt không thể hô tướng lên được mà đọc bằng cái tâm bằng ý nghĩ. Lại nhớ câu nói của PGS – TS nhà thơ Nguyễn Đúc Hạnh: “Cách viết mới này đòi hỏi cách đọc mới. Vẫn giữ cách đọc các Đại Tự Sự thì vứt …”?!.
Lào Cai ngày siêu bão đang về, 10/9/2024
Công Thế
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...