Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Nghệ thuật của cái nhìn

Nghệ thuật của cái nhìn

Nghĩa là, chừng nào con người ta đánh mất đứa trẻ trong mình thì chừng đó cảm xúc trong họ trở nên bão hòa xơ vữa, tức là không còn “sự ngây thơ hồn nhiên của giác quan”, như cách nói của triết gia Nietzsche. Họ không thể có được sự mơ mộng như thi sĩ Nguyễn Bính: tôi đi ngửa mặt trên hè vắng/ xem những cành cây nó cưới nhau, hay sự hồn nhiên trong trẻo như nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ: ta thành trái mà hồn còn như lá/ cứ xanh hoài xanh chồi biếc thuở non tơ. Đúng như nhà văn Antoine de Saint-Exupéry đã viết trong Hoàng tử bé: “Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.”
Nhà văn Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) đưa ra quan niệm, tác phẩm văn chương là cách mà chủ thể viết nhìn thế giới bằng ngôn từ; để có thể thấy thế giới thật diệu kì và lắm vẻ ngạc nhiên, anh ta cần sở hữu sự lạc quan của một đứa trẻ nhìn thế giới lần đầu tiên. Nhà văn Konstantin Paustovsky minh giải, sở dĩ có thứ văn chương buồn chán dường như được viết ra bởi những người khiếm thị là vì chủ thể viết mang cặp mắt lạnh tanh; để sáng mắt cần phải học lấy cách nhìn. Nhà văn Kawabata Yasunari (Nobel văn học 1968) đoan quyết, muốn nhìn được thế giới ở chiều cạnh tích cực nhất, thì chủ thể viết phải biết “sửa soạn tấm lòng sao cho thật trong sáng và đẹp đẽ”.
Tiểu thuyết Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami có đoạn:
“Tớ thực sự thích cậu, Midori à. Thích lắm.”
“Lắm là bao nhiêu?” “Là như một chú gấu mùa xuân.” Tôi nói.
“Một chú gấu mùa xuân ư?” Midori lại ngẩng lên. “Thế nghĩa là sao? Một chú gấu mùa xuân.”
“Cậu đang bước đi trên một cánh đồng, chỉ có một mình, vào một ngày xuân, và chú gấu con bé nhỏ đáng yêu ấy, với bộ lông mượt như nhung và cặp mắt nhỏ sáng ngời chạy tới đi cùng với cậu. Và nó nói ‘Xin chào tiểu thư. Có muốn lộn nhào với tôi không?’ Thế là cậu với chú gấu chơi với nhau cả ngày hôm đó, quấn quýt trong tay nhau, lăn mình xuống triền đồi phủ đầy hoa cỏ ở đó. Hay chưa nào?”
“Ờ. Thật là hay.”
“Tớ thích cậu đến như vậy đấy.”
Thiết nghĩ, nếu không có đôi mắt được phát quang đến trong veo, nếu không có tấm lòng được dọn dẹp đến tinh sạch, thì Murakami khó có thể nhìn thế giới bằng ngôn từ một cách xuân mởn như thế.
Phải, chỉ người có tâm hồn như trẻ thơ mới vào được nước Thiên đàng – Kinh thánh Tân ước đã viết như thế. Hãy nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ – nhà thơ Xuân Diệu đã viết như thế. Khóc được nữa ư em? Mắt hết ấu thơ rồi – nhà thơ Đặng Đình Hưng đã viết như thế.
Nghĩa là, chừng nào con người ta đánh mất đứa trẻ trong mình thì chừng đó cảm xúc trong họ trở nên bão hòa xơ vữa, tức là không còn “sự ngây thơ hồn nhiên của giác quan”, như cách nói của triết gia Nietzsche. Họ không thể có được sự mơ mộng như thi sĩ Nguyễn Bính: tôi đi ngửa mặt trên hè vắng/ xem những cành cây nó cưới nhau, hay sự hồn nhiên trong trẻo như nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ: ta thành trái mà hồn còn như lá/ cứ xanh hoài xanh chồi biếc thuở non tơ. Đúng như nhà văn Antoine de Saint-Exupéry đã viết trong Hoàng tử bé: “Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.” Cũng chính vì sở hữu tâm hồn như trẻ thơ mà nhà văn Murakami luôn nhìn ra tính chất lạ thường của thế giới. Ông rất thích chi tiết. Khi mô tả chi tiết rất nhỏ, nhà văn phải tập trung gần hơn gần hơn nữa, và kết quả là sự vật trở nên siêu thực. Đó là điều ông đặc biệt muốn làm. Một sự vật được quan sát càng gần thì càng ít thật. Khi tập trung ở khoảng cách cực gần ta sẽ vượt qua ranh giới hiện thực, nhờ đó mỗi ngày tầm thường hay sự sáo rỗng tầm thường lại trở nên lạ lẫm. Trong tiểu thuyết Biên niên kí chim vặn dây cót, ông để cho nhân vật cảm thán: “Thật là một thế giới chật hẹp, một thế giới đứng yên, bất động. Nhưng nó càng chật hẹp càng tĩnh tại thì hình như lại càng đầy ắp những sự vật và con người chỉ có thể gọi là kì lạ. Dường như từng ấy vật và người luôn rình sẵn trong bóng tối, đợi đến khi tôi dừng lại.” Tức, thế giới chỉ thật sự mở ra một cách sinh động kì thú, khi con người đưa mắt nhìn và biết cách nhìn.
Trở lại với quan niệm nghệ thuật của nhà văn Konstantin Paustovsky. Theo ông, thường đọc xong một truyện ngắn, một truyện vừa hay thậm chí một cuốn tiểu thuyết dài thượt, cảm giác không còn lại chút gì trong kí ức. Tuy đề tài có mang tính hiện đại, vẫn nhận ra sự vô bổ toát ra từ những gì được miêu tả bằng một cường lực giả vờ, sản phẩm của cặp mắt lạnh tanh, của thứ máu lạnh chảy trong huyết quản của nhà văn – dấu hiệu dữ dội nhất báo hiệu cái chết lâm sàng của anh ta. Chất liệu chỉ cần thiết cho nghệ thuật khi chất liệu ấy chiếm được vị trí trong trái tim chủ thể sáng tạo. Chỉ có sự hội lưu hữu cơ giữa thi ca và văn xuôi, hay nói đúng hơn, khi văn xuôi thẩm thấu đầy đủ bản chất của thi ca – thứ mật ngọt sáng tạo của nó, làn không khí trong vắt trong veo, quyền năng cầm tù của nó – đó mới là hạnh phúc chân chính, là hiện tượng cao cả, mang sức thuyết phục nhất trong văn học. Với sức mạnh không cưỡng được, thi ca vẫn sẽ nâng con người lên cao và đưa con người xích tới gần trạng thái khi nó thực sự trở thành vàng bạc của trái đất, hoặc như cha ông chúng ta đã nói một cách mộc mạc mà chân thật, trở thành “vòng hoa của sự sáng tạo”.
Chẳng có câu hỏi nào bức bách/ bằng những câu dại khờ – nữ sĩ Wyslawa Szymborska (Nobel văn chương 1996) trong bài thơ Cuối thế kỉ đã viết như thế. Chỉ có những câu hỏi hồn nhiên nhất mới là thực sự nghiêm chỉnh – nhà văn Kundera trong tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham cũng đã viết như thế.
Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhận thấy, trong sự nghiệp viết lách của nhiều người, tác phẩm xuất sắc nhất có khi là tác phẩm đầu tay, khi họ còn khá ngơ ngác, trước cuộc đời, và trước văn chương.
Nhiều bạn đọc tinh anh đã bày tỏ sự thích thú đối với Những đêm trắng của Dostoevsky. Tác phẩm này được viết năm 1848, khi nhà văn mới 27 tuổi. Những kiệt tác như Tội ác và hình phạt, Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám… ra đời mấy chục năm sau đó. Tuổi trẻ của nhà văn, sự trong trẻo tinh khôi của một cây bút mới đã khiến cho Những đêm trắng có lẽ là thiên truyện đẫm chất thơ và giàu cảm xúc nhất trong những sáng tác của Dostoevsky.
Xác lập được điểm nhìn chính là đã tìm được đường đi cho tiểu thuyết – nhà văn Mạc Ngôn từng khẳng quyết. Và nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy đã chỉ ra, người kể chuyện và đồng thời mang tiêu điểm trong nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn là trẻ thơ, nếu là người lớn thì tâm hồn cũng đã được trẻ thơ hóa. Khởi đầu là Đậu Quan trong Gia tộc cao lương đỏ, tiếp theo là Thượng Quan Kim Đồng trong Báu vật của đời, Tiểu Giáp trong Đàn hương hình, La Tiểu Thông trong 41 chuyện tầm phào, Lam Ngàn Năm Đầu To trong Sống đọa thác đày…, tất cả đều là những đứa trẻ không chịu lớn như nhân vật Oskar trong Cái trống thiếc của Gunter Grass. Trẻ thơ thường không mang thiên kiến. Vậy nên từ điểm nhìn của chúng, lịch sử, chính trị, chiến tranh, tôn giáo, đạo đức, tình yêu, tình dục… đều được nhìn nhận, tái hiện một cách khách quan, hồn nhiên, trần trụi và chân thực. Từ những điểm nhìn tự thuật này, Mạc Ngôn đã có thể lí giải những vấn đề lớn lao, nặng nề của lịch sử và nhân sinh.
Quả đúng như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng phát biểu: “Trẻ con tìm thấy tất cả ở những nơi chẳng có gì. Còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả.” Theo nghĩa này, một chủ thể sáng tạo sở dĩ có được sự “năng sản”, trữ lượng sung mãn, cảm hứng bay bổng không vơi cạn, là do anh ta biết cách “bảo lưu” vĩnh viễn đứa trẻ trong mình. Thử nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Thực ra tôi nghĩ thật sâu một cách nghiêm túc thì tôi chỉ là một cậu bé và bị thế giới này, thế gian này, đời sống này quyến rũ. Cậu ấy chạy trên một đôi chân trần mà không ngại gì ở dưới chân mình, là gai góc hay đá sỏi hay vực sâu. Và cánh đồng, dòng sông, nếp nhà, mây bay, gió thổi, chim hót, hoa nở và những câu chuyện, tất cả đều quyến rũ cậu bé. Cậu bé chỉ là một kẻ được hưởng thụ điều đó, được chìm đắm ở trong điều đó và cất tiếng lên về những điều đó. Vẫn luôn có một cậu bé như vậy của mấy chục năm trước chạy trong con người tôi. Cho nên tôi bước vào cái gì cũng đầy hào hứng đầy hồi hộp và đầy niềm đam mê.”
Thì ra, tình yêu khiến con người ta trẻ con hơn. Hay nói như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, tình yêu khiến tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ trong sạch như một lần sự thật. Cũng cần nói thêm, phải sở hữu một tâm hồn “trẻ con” thì con người ta mới đến được “tình yêu”. Nghĩa là, nói như nhà văn Nam Cao, nếu con người ta mang “đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”, hay nói như nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nếu con người ta mắc “bệnh tỉnh”, nhìn ai cũng thấy chẳng có gì đáng yêu, thì làm sao có thể mở cửa trái tim để yêu và ấp iu tình yêu được. Hãy lắng nghe lời của một người con gái đang yêu trong tiểu thuyết Tên tôi là đỏ của nhà văn Orhan Pamuk: “Nghe nè Shekure, trái tim tôi đã thực sự bảo tôi, anh ấy không chỉ đẹp trai, hãy nhìn vào mắt anh ấy, anh ấy có trái tim của một đứa trẻ, tinh khiết như thế, cô đơn như thế: hãy cưới anh ấy đi…”
Nhà viết kịch Shakespeare thấu thị: “Một người tươi cười không có nghĩa là họ không có nỗi buồn. Điều đó có nghĩa là họ có khả năng đối phó với nỗi buồn đó.” Nhà văn Romain Rowland (Nobel văn chương 1915) xác quyết: “Thế gian chỉ có một chủ nghĩa anh hùng, đó chính là vẫn luôn yêu đời dù đã tận mắt chứng kiến chân tướng cuộc sống.” Nhà văn Thạch Lam cũng viết: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ. Vì chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống.” Và văn chương, không phải là cách đem đến cho người ta sự thoát li hay sự quên, cũng không phải hướng người ta đến sự lạc quan tếu, mà là kích hoạt và tiếp truyền năng lượng tích cực để người ta biết tìm vui trong cái khổ.
Quả thật, trong đời, thà làm người lạc quan, đôi khi có nhầm lẫn, còn hơn làm người bi quan mà lúc nào cũng đúng – như nhà văn Mark Twain đúc kết. Cùng lắng nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bộc giãi, để đồng cảm, để rồi thấy hoặc càng thấy yêu quá đời này: “Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Ðó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.”
Nhà văn Luigi Pirandello (Nobel văn chương 1934) đề cao thái độ thành thực ngưỡng mộ cuộc sống của các nhà văn, theo ông, đó là điều quyết định sự nghiệp của mỗi người. Nhà văn Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) cũng chia sẻ, rằng cảm giác thanh thản chính là điều quan trọng nhất ông muốn truyền tải trong các tác phẩm của mình; ông hi vọng độc giả có thể “tìm thấy sự bình yên” trong hoặc từ các sáng tác của ông.
Phải, được sống là đặc ân. Và ích dụng thiết thực nhất, “vị nhân sinh” nhất của văn chương là góp phần giúp con người tìm thấy niềm vui sống. Bởi, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì, cuộc đời trôi đi đơn giản, văn chương cứ day đi dứt lại mà làm gì.
8/9/2024
Hoàng Đăng Khoa
Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...