Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Chồng ngoại - Truyện ngắn của Bùi Thu Hằng

Chồng ngoại - Truyện ngắn
của Bùi Thu Hằng

Xem ra, mọi chuyện lại may mắn hơn so với những gì mà Nhuyên và cả nhà tưởng tượng…Nhuyên lấy chồng hơn 6 tuổi, có căn hộ chung cư ở vùng ngoại ô, nửa công nghiệp nửa nông nghiệp, nên cũng dễ kiếm sống.
Tin Nhuyên lấy chồng Hàn quốc chẳng mấy đã lan khắp cái xóm nghèo ven đê này. Nhuyên năm nay đã bước vào tuổi băm, ở nhà thì coi như “ê sắc” rồi, trong lúc rỗi rãi, lang thang trên mạng, Nhuyên làm quen với một công ty trên Hà Nội chuyên môi giới hôn nhân lấy chồng người nước ngoài. Mọi chuyện mang tính thủ tục rồi cũng suôn sẻ, chỉ có điều mấy người hàng xóm bảo với bà Thi, mẹ của Nhuyên rằng: “Cưới chồng, mà nhất là cưới chồng ngoại thì nó may rủi như canh bạc, cái này mình không tính được!”. Nhưng, Nhuyên đã quyết thì làm thôi, cứ nhắm mắt đưa chân, may nhờ rủi chịu, biết đâu nó có xác suất…
Chồng Nhuyên làm nghề lái xe trong nhà máy thực phẩm, Nhuyên đi làm công nhân, mẹ chồng thì làm nghề trồng trọt, hái rau và bắt cá…
Sáng sáng, chồng giao tiền cho Nhuyên đi chợ mua thức ăn trong ngày, đi chợ về, Nhuyên mới đi làm, mẹ chồng tranh thủ nấu nướng…Nhuyên lần lượt sinh được hai con trai bụ bẫm kháu khỉnh, gia đình chồng phấn khởi lắm, chiều Nhuyên hết mực…
Chuyện Nhuyên may mắn có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng Hàn Quốc giờ trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong cái xóm nghèo. Những người nhiều tuổi thì khen ông bà Thi tốt số, vừa gả được con gái vừa có hy vọng đổi đời, còn đám con gái thì tỏ vẻ ngưỡng mộ, ao ước được như Nhuyên, đám con trai thì cười, bảo nhau: “Cái Nhuyên đang ế chồng bỗng dưng có thằng nó rước, bực nhất cái bọn con gái giờ cứ chê lũ con trai xóm mình đã nghèo lại còn lêu lổng!”…
Còn bà Thi thì phải nói, mát mặt, hãnh diện lắm…Hai vợ chồng ông bà  có bốn đứa con, hai trai hai gái, anh trai cả lấy vợ, ở chung với ông bà trong ngôi nhà chật hẹp, cô con gái út  làm dâu xóm bên nhưng chồng thì chơi bời đề đóm, quanh năm nghèo túng…Từ khi Nhuyên lấy chồng Hàn Quốc thì cuộc sống gia đình bà mới thay đổi…Nhuyên gửi tiền về đều đặn hằng tháng, cứ vài chục triệu một lần, tích cóp lại, bà Thi cũng có vài trăm triệu mua cho con trai chiếc xe tải để đi chở vật liệu thuê, cho con gái út tiền sửa nhà, mua xe máy, còn lại bà gửi sổ tiết kiệm. Bà lại sang hàng xóm cho mỗi người một ít, khi là hộp bánh, sang hơn là lạng nấm linh chi, bà khoe là con gái gửi về biếu bố mẹ dùng thử. Trong lúc nhiều người còn bán tín bán nghi thì bà Thi thông báo đi làm hộ chiếu sang Hàn Quốc chơi với con gái. Bà đi rồi thì tất cả mọi người tin thật, họ khẳng định: “Cứ nói lấy chồng Hàn quốc thì rủi ro này kia, nhưng nhìn gương nhà bà Thi thì ai cũng muốn cho con lấy chồng Hàn Quốc!.”
Bà Thi đi Hàn Quốc chơi hai tháng với con gái thì về, nhưng bà không về một mình, mà có cả con gái, con rể và cháu ngoại hộ tống. Cái xóm nhỏ lại được dịp chứng kiến niềm vui của gia đình bà Thi, nhiều người hiếu kỳ còn sang nhà bà để ngắm trai Hàn quốc và trẻ con Hàn Quốc, lại còn được quà…
Chỉ có ông Thản, chồng bà Thi là ít thấy mặt…cũng không thấy vợ chồng Nhuyên chuyện trò với bố. Đã từ lâu, ông Thản bà Thi không còn được hạnh phúc, họ ăn riêng ở riêng khi Nhuyên lấy chồng. Trong mọi cuộc cãi vã xô xát, Nhuyên đều bênh mẹ vì cả nhà nghi ngờ ông Thản có  mối quan hệ bên ngoài, đã nhiều năm nay, ông Thản bà Thi mâu thuẫn chủ yếu về chuyện kinh tế, tiền bạc. Trước, có bao nhiêu lương và thu nhập, ông Thản đưa hết cho vợ chi tiêu, nhưng giờ, ông Thản không còn quan tâm chia sẻ gánh vác mọi việc như xưa nữa. Người nhiều chuyện thì rỉ tai bà Thi rằng, đàn ông giữ tiền chỉ để nuôi gái thôi. Nghe vậy, bà Thi và cả Nhuyên  tức lắm, cứ có việc gì xảy ra cãi cọ, kể cả những việc lặt vặt giời ơi đất hỡi, kể cả do bà Thi gây sự thì Nhuyên cũng đứng về phía mẹ, thậm chí có lời hỗn láo xúc phạm ông Thản. Giận con hỗn hào, bất lực với sự dung túng của vợ, hôm Nhuyên đi lấy chồng và xuất ngoại, bố con đã không một lời từ biệt.
Một thời gian ổn định việc hôn nhân bên Hàn Quốc,  Nhuyên đã gửi tiền về, nhưng mọi khoản tiền Nhuyên gửi đều qua tài khoản của mẹ chứ chưa một lần Nhuyên gọi điện hay hỏi thăm bố. Bà Thi luôn ý thức được “thế mạnh”, càng tỏ vẻ đắc thắng, đi đâu cũng kể xấu chồng và tự khen mình, khen con gái. Bà Thi muốn chứng minh cho cả làng cả tổng biết rằng, không có ông Thản, bà vẫn sống khỏe, sống ngon. Ông Thản chẳng một lời thanh minh, cả hai sống chung một mái nhà mà như hai cái bóng  xa lạ.
Suốt  thời gian vợ chồng Nhuyên về thăm nhà, bà Thi tất bật cơm nước, tiếp khách, đưa con về quê, hai mẹ con như hình với bóng, còn vai trò của ông Thản thì trở nên mờ nhạt, ông thành người thừa.
***
Đã năm, sáu tháng nay kể từ ngày Nhuyên trở về Hàn Quốc với chồng con, người ta ít thấy bà Thi xuất hiện chỗ đông người, cũng không sang hàng xóm chơi bời kể chuyện khoe khoang về con gái như trước. Thỉnh thoảng, bà tất tả đến nhà cô út, rồi lại to tiếng với anh con trai cả. Hôm thứ bảy tuần trước, bà Thi dẫn người về định bán cái ô tô tải mà bà vừa mua cho con trai, sau đó xảy ra cuộc cãi vã vì vợ chồng anh ta không chịu bán, anh ta bảo giờ xe mang tên chủ sở hữu là hai vợ chồng anh, bà không có quyền. Thế rồi, bà cứ tất tả ngược xuôi như kiểu phải chạy vạy lo lắng điều gì nghiêm trọng lắm.
Thấy bà khóc lóc sụt sùi, ông Thản ngồi xuống bên cạnh, ôn tồn hỏi:
– Sự việc đã đến nước như thế này, bà định giấu mọi người đến bao giờ?
– Không việc gì đến ông, sao tôi lại khổ đến thế này, chồng chẳng ra gì, con cái cũng vậy! Bây giờ, chồng cái Nhuyên sinh thói cờ bạc, đi làm thì lại gây tai nạn cho người ta, không có tiền đền thì người ta kiện mất việc, có khi còn đi tù, mẹ con ở nhà mà ôm nhau chết đói à? Không khéo rồi bế nhau về đây thì nhục… hu hu!
– Chiều con cho lắm vào, giờ thì sướng chưa! Bà đã thấy cái hậu quả của cách dạy dỗ con chưa? Ông Thản đay nghiến, cái âm điệu chưa từng có ở một con người có vẻ ngoài hiền lành cam chịu trước đây.
– Thôi, ông đừng có gào lên nữa, việc tôi tôi lo, ông còn có bao việc ngoài kia, thiết gì đến mẹ con tôi nữa, mà ông còn coi nó là con nữa đâu! Bà Thi rên rỉ trong nước mắt.
– Tưởng là hớp được của người ta được ngay mà cứ vênh vang, giờ thì mát mặt nhỉ! Ông Thản vẫn chưa muốn dừng sự đay nghiến
Mấy đứa con đứng ngẩn tò te chứng kiến hai ông bà chuẩn bị lao vào cuộc chiến “một mất một còn” như mọi khi. Khuôn mặt ông Thi đỏ bừng giận dữ, rồi ông không thèm nói gì, vào thẳng buồng trong nằm. Lúc sau, ông lại ngồi dậy, đi đi lại lại, nghĩ ngợi điều gì nung  lắm.
***
Vừa xong cuộc điện thoại với Nhuyên từ bên kia gọi về, dư âm của những lời kể lể khóc lóc vẫn đè nặng trong lòng bà Thi. Biết chạy đâu ra ngần ấy tiền để gửi cho nó đền người ta, số tiền quá lớn so với bà… Bà nhẩm mấy khoản tiền mà Nhuyên gửi trước đây, cộng với chút lãi ngân hàng cũng chỉ đủ một phần ba thôi…Bà ôm mặt, rung rung trong tiếng nấc nghẹn, vài sợi tóc bạc rủ xuống bờ vai gày gò. Ngôi nhà chìm trong không khí buồn bực và u ám, đứa con dâu định bấm nhau về thì  ông Thi bước từ buồng ra , trong tay là cái hộp sắt hình chữ nhật.
-Việc đâu còn có đó, kiểu gì chả có cách giải quyết, bà cứ rối lên! Ông Thản hạ giọng trầm đục, khuôn mặt dài ra, hốc hác vì mất ngủ.
“ Tiện có cả nhà ở đây, tôi có việc muốn nói!” Ông ngập ngừng, giọng khẽ xuống: “Đây là toàn bộ số tiền tôi dành dụm, bà với các con đã nghi ngờ vì không biết tôi mang tiền đi đâu, tôi đã giữ lại vì không muốn bà nướng vào mấy trò lô đề, để bà có ý thức tiết kiệm hơn. Nay lại xảy ra cái họa này thì phải tìm cách gỡ cho nó, nó vốn là đứa biết nghĩ đến gia đình, lúc làm ăn được thì nó tằn tiện gửi tiền về, nay nó gặp nạn…”
“ Ôi trời ơi, gửi về thành tiền Việt thì nó to, chứ giờ gửi sang thành tiền Hàn thì có chắc đủ cho vợ chồng nó trả nợ không?” Bà Thi rên rỉ, hình như bà cố tỏ vẻ không quan tâm lắm đến cái việc ông đang làm vì bà nhìn thấy ánh mắt ngỡ ngàng trách móc của những đứa con hướng vào bà.
– Đủ hay không thì nó cũng phải vận động thêm, chứ ở bên này, mình làm tròn trách nhiệm với nó là mình cũng thanh thản đôi phần!”
Ông Thản mở chiếc hộp sắt. Những tập tiền được buộc gọn xếp ngay ngắn gần đầy cái hộp. Không ngờ, ông lại có số tiền lớn như vậy. Bà Thi nhìn trộm chồng rồi lảng sang chỗ khác, bà khẽ nói:
- Vậy mà từ lâu tôi cứ nghĩ ông chỉ biết dành cho tấm thân ông thôi, tôi xin lỗi!
Ông Thản vỗ vai cậu con trai:
- Còn cái ô tô, giờ có bán đi cũng chả được bao nhiêu, vả lại nó là đồ kiếm sống của cả nhà, con cố giữ để đi làm!
Tất cả thở phào, nhìn ông Thản, ông quay sang nhắc vợ:
-Việc dừng lại thế thôi, bà đừng có mà lại đem đi khoe hàng xóm, không hay ho gì đâu!
– Giờ mà ông còn đùa tôi được à!? Bà Thi lườm chồng.
Cả nhà ngồi quay quần bàn bạc việc gửi tiền sang bên Hàn Quốc cho vợ chồng Nhuyên trả nợ, không ai nói ra nhưng đều biết, đây thực sự là một quãng thời gian đầy khó khăn gian nan. Nhưng, trong cái rủi lại có cái hay, mọi thành viên trong gia đình ít ra cũng có chung với nhau một nhiệm vụ quan trọng nhất sau đổ vỡ, để họ xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Còn trong lòng bà Thi, đan xen những cảm xúc khó tả, vừa mừng, vừa buồn, vừa ngượng, bà lẩm bẩm: “Hừm, mang tiền gửi sang trả nợ cho con rể, có nằm mơ  bà cũng chưa nghĩ tới, giờ thì là sự thật rồi nhé! Chuyện này mà hở ra ngoài thì còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người….”.
8/9/2024
Bùi Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...