Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Thơ Đỗ Thu Hằng với khát vọng giải tỏa và quán chiếu

Thơ Đỗ Thu Hằng với
khát vọng giải tỏa và quán chiếu

Tiếp cận và tìm hiểu các tác phẩm của Đỗ Thu Hằng xuất bản trong suốt mười năm qua, nhận thấy sự nhất quán trong suốt quá trình sáng tạo thi ca của nữ nhà thơ này! Nguồn mạch thơ, tư duy thơ của Đỗ Thu Hằng từ những bài thơ ở tập thơ đầu tiên cho tới những sáng tác hôm nay, luôn được nâng cấp liên tục bằng những tìm tòi, những kiến giải bởi trí tuệ trong từng cung bậc cảm xúc!
1. Một kiếp chữ trong cõi văn.
Trong cõi thơ vài mươi năm trở lại đây, thơ Việt Nam trở nên đa chiều, đa dạng và tràn ngập bởi những biến đổi, những nhu cầu từ nhiều nguồn, nhiều phía! Trong đó, phải kể đến cái nhu cầu chia sẻ và giải tỏa bằng thơ ca của người Việt Nam thì luôn chiếm ở vị trí độc tôn!
Tuy nhiên, trong cái nguồn mạch thơ ca Việt Nam đang cực kỳ sôi động kia, số lượng những người viết đến với thơ ca để mong lập ngôn, lập ngôi cho câu chữ thơ mình thì lại không nhiều! Và trong cái số “không nhiều” ấy, để tìm được những gương mặt thơ nữ mới mẻ, có tư duy lao động văn chương nhất quán, tạo nên hệ thống trong sáng tạo nghệ thuật của mình, thì lại càng khó và hiếm!
Nữ nhà thơ Đỗ Thu Hằng sinh năm Kỷ Mùi, 1979, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện chị đang là giáo viên dạy văn ở Thủ đô. Với nhiều người viết, thì nghề văn, nghề giáo ấy, sẽ ám động rất mạnh vào nghiệp chữ bằng những khuôn mẫu, những quy chuẩn từ bục giảng nhìn xuống, hay từ trang giáo án nhìn ra! Thế nhưng, đọc thơ của nữ sỹ họ Đỗ này, rất khó để nhận ra chân dung một nhà giáo trong những ngôi chữ mà chị đã lập thành cho những trang thơ của mình!
Tiếp cận và tìm hiểu về thơ Đỗ Thu Hằng qua các nền tảng mạng xã hội, qua báo chí và đặc biệt là đọc một số tác phẩm thơ đã xuất bản của chị, thấy trong thơ ấy là một tư duy sáng tạo luôn làm chủ được cảm xúc một cách liên tục, rõ nét! Mạch thơ Đỗ Thu Hằng được bồi tụ và nâng cao, làm mới liên tục bởi tư tưởng và góc nhìn tỉnh thức, đó là kết quả từ sự quán chiếu cuộc sống của một tâm hồn thơ hiện đại!
Bài viết này, chúng tôi tiếp cận và tương tác cùng những trang thơ quán chiếu và giải tỏa ấy của nữ sỹ Đỗ Thu Hằng qua bộ ba tác phẩm đã xuất bản của chị, đó là: Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai, Nxb Lao động, 2018; Tái sinh, Nxb Lao Động 2020 và gần đây là Vách đêm, Nxb Hội Nhà văn 2024.
2. Những trang thơ tỉnh thức và giải tỏa!
Cái khó nhất của một cây bút thơ chuyên nghiệp là tạo ra hệ thống tư tưởng nhất quán và liên tục trong quá trình sáng tạo của mình! Tức là trong việc sáng tác, người làm thơ phải sáng tạo, quản lý và sử dụng ngôn ngữ thơ của mình bằng cách tạo ra những mật mã chữ như thế nào, để nó phải chở được cái ý tưởng, cái góc nhìn của mình. Rồi khi những câu thơ ấy được tiếp nhận và xử lý bằng sự cảm ứng của tâm hồn khác, nó tạo ra những chiều không gian khác cho câu thơ ở các tầng thức cao hơn. Có được ý thức ấy thường xuyên trong việc sáng tác và thẩm thấu thơ ca qua mỗi thời kỳ là không phải dễ đối với bất kỳ nhà thơ nào, kể cả với những nhà thơ đã “có số má” ở một thời kỳ nào đó!
Tôi đọc thơ Đỗ Thu Hằng ở những Quán văn, ở những hội nhóm văn chương trên cõi mạng của mươi năm về trước, gặp trong thơ ấy nét lãng đãng sơ khai từ phía ngộ năng, giờ gặp lại ở đây, thấy cái nét ngộ năng ấy đã hội tụ khá đậm nét trong lối viết của một nhà thơ nữ:
Muốn vùi trong gió nằm yên
Nghe câu kinh vọng từ miền thiên thu
Nghe vườn khuya mọc cỏ mù
Tiếng xanh tưới mát những âm u đời.
(Cuối trời vài cánh chim sa).
Cái cách xây dựng cấu tứ ở tập thơ đầu tiên của nữ sỹ này đã hứa hẹn một tư tưởng thơ nhân văn, một nguồn thơ đầy sự hiếu sinh:
Vài tiếng ghi ta chậm
Rơi trên vách cô sầu
Hiên nhà dăm chú sẻ
Ngơ ngác chiếc lá nâu
Tiếng chuông chùa xa vọng
 Chênh chao áng mây ngàn
 Xin đời bình yên đấy
Hoang mang nào đừng vang!
(Chiều).
Làm thơ, trước hết là để giải tỏa những nỗi niềm trong bản thể của chính tác giả, ấy là nguyên lý hình thành của thi ca ở mọi thế thời! Cho nên, mọi sự vay mượn cảm xúc, đều cho ra những sản phẩm na ná thơ mà thôi, cho dù câu chữ làm nên sản phẩm ấy có bóng mượt, có uyên áo bởi sự hàn lâm, hay có xù xì, có sắc lẹm đến đâu chăng nữa! Nữ sỹ họ Đỗ làm thơ, trước hết là làm cho chính mình, lấy thơ để giải thoát những nỗi niềm trong tâm hồn của một nữ thi nhân, đang gánh những mùa người trên đôi vai bé nhỏ:
Bao nhiêu năm, ừ, một ngày ngoảnh lại
Không ngờ ta mụ đồng nát vui buồn
Ngổn ngang ngắm một kho tàng kỷ niệm
Phong thư đau sao chẳng nỡ tro tàn.
(Góc hồn giờ còn lại đóa phôi phai).
Trong nghề thơ, sự ngộ năng cho người ta những con chữ mới lạ, còn sự minh định từ ý thức, cho người ta cái tư duy thơ nhất quán! Đỗ Thu Hằng phải minh định lắm, dũng cảm lắm, mới dám định danh cho những vui buồn trong ký ức kia là một mớ đồng nát! Đó chính là sự sáng tạo, đó chính là một chuẩn mực từ góc nhìn của thi ca, bởi cái quan trọng nhất của mọi thế, thời, mọi mối quan hệ là sự sống và hạnh phúc của con người!
Các tập thơ của Đỗ Thu Hằng
Thơ, hay bất cứ thể loại văn học nghệ thuật nào, dù đổi mới, dù ảo diệu đến đâu, cũng đều phải lấy con người và những nỗi niềm người làm trung tâm, làm đối tượng, để mà tương tác và chia sẻ.
Buổi sáng mỏng tựa cánh chuồn
Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai
Gió hiền như sợi tóc mai
Mơn man thổi những ngày dài thành mây.
(Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai).
Tinh tế lắm, câu thơ “trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” rất độc đáo, nó đa chiều, thức gợi và đầy chiêm nghiệm. Bởi vậy chị chọn câu thơ này làm cái tên cho cả tập thơ là rất có nghiệp thơ! Người thường, không dễ để nhận ra sự sâu sắc và tinh tế trong tám chữ ấy! Ừ, hoa nở, là lúc sự dâng hiến mạnh mẽ nhất, là lúc những thanh khiết nhất, những khao khát nhất được lan tỏa vào vũ trụ, là lúc một mùa quả đang đợi để sinh thành! Bởi vậy nỗi buồn làm sao còn căn cốt để tồn tại trong sự dâng nở đơn giản mà đầy linh thức của nhành hoa kia? Đấy chính là Đạo của vũ trụ vậy!
Với một người thơ chuyên nghiệp, để viết nên mươi bài thơ, hay cả trăm bài thơ đọc được không phải là khó lắm, nhưng để tạo nên một tư duy sáng tạo thơ ca có hệ thống, có tư tưởng nhất quán trong mạch sáng tác của mình theo thời gian, thì không hề dễ một chút nào. Ở tập thơ Tái sinh và Vách đêm của Đỗ Thu Hằng, vẫn thấy hiển hiện tâm thức và tư duy sáng tạo ấy, vẫn thấy cái tư tưởng thơ nhất quán và liền lạc của chị làm chủ những cung bậc câu chữ ấy.
Lấy một tiếng thở dài làm ba-ri-e
Ghìm nỗi nhớ xăm xăm đi lạc
Vọng từ một chiều mưa lãng mạn
 Những rung ngân, im lặng khóa rồi 
 Lấy hững hờ làm ba-ri-e
Vài kỷ niệm chẳng cần đặt tên nữa
 Có nghĩa gì khi người ta không muốn đọng
 Thôi tình cũng chỉ lá khoai!
(Quên rồi).
Trong thơ, sự tỉnh táo của trí tuệ ở các tầng thức cao không dễ thấy, bởi nó được mã hóa bằng ngôn ngữ thơ. Nhờ cái đặc trưng ấy, thì thơ mới có đất sống ở mọi cuộc người được! Như cái “lá khoai” trong câu thơ của nữ sỹ họ Đỗ trên đây, nó không đơn thuần chỉ là một cách nói, mà nó còn được dẫn gợi từ thực tế, từ ý của một câu thành ngữ Việt: Nước đổ lá khoai. Đó là một sự sáng tạo rất Việt Nam trong thơ Việt đương đại.
Những nhãn tự mang tính chất kế thừa và tiếp nối như thế xuất hiện khá nhiều trong thơ Đỗ Thu Hằng, nó làm nên sự hàm ngôn cho câu thơ, nó nâng ý thơ lên những tầng thức mới bằng sự giải tỏa của trí tuệ, của sự ngộ giải. Như trong một cung thơ dưới đây, những niềm vui ngỡ bé mọn nhỏ nhắn, khi được ấp ủ nâng niu chân thành, mới làm nên sự an nhiên của hạnh phúc:
Con thuyền nhỏ đã rời xa bến cũ
Chân trời mơ đã khép mộng bao giờ
Bàn tay ấm ủ niềm vui bé mọn
Xin an nhiên trong bếp lửa chiều tà.
(Phai).
Mỗi nhà thơ là một thế giới tâm thức biệt lập, tức là ở trong ấy, tư duy và góc nhìn của mỗi tác giả sẽ tạo ra một hệ thống ngôn ngữ thơ khác nhau. Người làm thơ chuyên chở tư duy của mình vào cuộc sống bằng một dạng văn bản vô cùng đặc biệt, ấy là Thơ!
Niềm vui chỉ tạm trú thôi
Nỗi buồn chính chủ, hẳn rồi, ai hay
Tin không hộ khẩu đây này
Trong vầng mây tím giữa ngày thu phai.
(Giật mình tiếng gió thở dài)
Phật dạy: “Đời là bể khổ”, với nhà thơ Đỗ Thu Hằng, từ góc nhìn của chính mình, chị đã khai phóng cái “khổ” ấy bằng cách thi ca hóa những nỗi niềm người ấy, nâng chúng lên những tầng thức mới của tư duy, để từ vị trí ấy, chúng ru đỡ những nỗi người, mà trước hết là giải tỏa và ru đỡ chính mình qua những chênh chao giữa bể phù sinh này!
3. Tư tưởng thơ và khát vọng quán chiếu.
Ở phần trước, chúng tôi tiếp cận và tương tác với thơ Đỗ Thu Hằng qua hai tập thơ Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai và Tái sinh của chị đã xuất bản trước đây. Theo mạch chữ ấy, tư duy thơ ấy, chúng tôi tiếp tục khai thác những nét mới trong ngôn ngữ thơ, cùng sự nhất quán trong tư tưởng thơ của Đỗ Thu Hằng qua tập thơ Vách đêm – Ấn phẩm thơ mới nhất của chị!
Vách đêm là tập thơ được tập hợp từ những sáng tác của chị trong vài năm trở lại đây! Đối với văn học nghệ thuật, thời điểm sáng tác của tác phẩm đôi khi rất quan trọng, bởi cảm xúc của văn nghệ sỹ thường bị tác động rất mạnh từ cuộc sống và thời thế! Đặc biệt là các nhà thơ, tâm hồn họ vốn mẫn cảm với những biến động từ thời thế và cuộc sống, cho nên, trong những sáng tác của họ chắc chắn luôn có những nổi chìm từ cuộc sống ánh xạ vào bóng chữ!
Đời đâu thiếu những vương triều sụp đổ
Quán trọ trăm năm mỏi mệt cũ nhàu
Con chèo bẻo biết tu mình thinh lặng
Xin nỗi buồn thôi nhé thoát thai nhau.
(Phù du một khúc).
Đọc thơ Đỗ Thu Hằng, không khó để nhận ra những biến động của thế thời, những dịch chuyển liên tục từ cuộc sống quẫy động trong những câu thơ của chị. Chị lấy góc riêng của mình mà quán chiếu nên cả sự tương phản, sự phân cực của hai thế hệ mẹ – con trong thời đại hôm nay:
Con toàn nghe Zen Z
Mẹ cố mãi mới nghe được Đen Vâu
…/…/
Con không đọc thơ
 Mẹ chìm trong câu chữ
Truyện nghìn trang không đứa nào dòm ngó
Mẹ một mình trong cõi sách mênh mông!
(Hai thế hệ).
Tư tưởng thơ, tư duy sáng tác, sẽ định hướng cho câu chữ, cho góc nhìn của mỗi nhà thơ. Người làm thơ càng đốn ngộ ở tầng thức cao, thì càng ngôn ngữ thơ càng lay thức khi tiếp cận người đọc. Dĩ nhiên, sự lay thức ấy không bao giờ hiện hữu ở tất cả người đọc. Bởi có thể cùng một bài thơ, nhưng sự thấu cảm và tiếp nhận sẽ tạo ra những giá trị khác nhau trong mỗi giai tầng độc giả.
Người với người tự rụng rơi
Chìm trong bể nhạt hết vơi lại đầy
Cuối cùng sẽ cập bến mây
Xem hư vô nở trên tay màu gì.
(Không đề).
Thơ có tư tưởng, là loại thơ hướng tới sự vi tế trong các tầng cảm thức của con người, từ đó thơ tiếp cận những xung đột, những bất thường ở các tầng thức đó bằng sự ngộ giải và chia sẻ. Bởi vậy nên, thơ hay cốt ở cái tư tưởng, ở góc nhìn và cách nhìn của tác giả trước những vấn đề của con người trong thời đại của họ. Giá trị của thơ Đỗ Thu Hằng cũng được minh định bởi điều này ở thời điểm hiện tại. Mời đọc:
Anh là Em hay Em là Anh?
Giữa ánh trăng trong veo một nỗi nhớ gọi mời
Giữa ánh trăng treo một nỗi nhớ diệu vợi
Nhiều khi Em nhớ Anh hay là nhớ tâm hồn của chính mình?
(Ánh trăng treo một nỗi nhớ diệu vợi).
Cách tiếp cận cuộc sống của thi ca luôn biến đổi theo sự phát triển trong đời sống tâm hồn của con người, có biến đổi như thế, thì thơ ca mới không bị con người bỏ lại! Trong vài mươi năm trở lại đây, đời sống tâm hồn của người Việt với hàng loạt những quan điểm, những quy chuẩn vể văn hóa, đã thay đổi và tự nâng cấp liên tục để hội nhập cùng thế giới. Bởi vậy, thơ ca thời nay đang phải tự làm mới, làm khác mình, để tiếp cận, tương tác và minh định những cung bậc cảm xúc cực kỳ phong phú của con người hôm nay!
Tìm hiểu về thơ của nữ sỹ Đỗ Thu Hằng, qua các tập thơ chị đã xuất bản, nhất là ở tập thơ Vách đêm, nhận thấy chị đã định hình rõ nét một tư duy thơ hiện đại, thơ chị tiếp cận và giải thoát những nỗi niềm người bằng sự quán chiếu và khai phóng đầy nhân bản. Mời đọc mấy đoạn thơ như thế được tách ra từ Vách đêm:
Đời ngắn lắm, con người đâu phải chủ nhân
 Của thiên nhiên của mạch nguồn sự sống
Nên mấy mươi năm ở đời khách trọ
Biết ơn nhiều không khí, nước và hoa!
(Ta là khách của trần gian tráng lệ).
Sắp xếp lại từng ngày
Nghe tiếng chuông giác ngộ
Thương lượng với chính mình để hạnh phúc hồi sinh.
(Thương lượng).
4. Lời kết 
Trong sự sôi động và đa dạng của thi ca Việt Nam hôm nay, những người làm thơ chuyên nghiệp luôn cố gắng, luôn ý thức để tạo cho thơ mình một lối riêng, lối riêng ấy có thể là sáng tạo và xây dựng một hệ thống ngôn ngữ thơ, hoặc thiết đặt một tư tưởng, một góc nhìn nhất quán cho thơ… Nói thì đơn giản chỉ vài dòng vậy, nhưng để thi triển đủ các hạng mục trong mấy dòng đơn giản này là phải qua cả vạn cuộc vật lộn cùng tư duy và câu chữ sau rất nhiều năm! Vật lộn như thế, mà chắc đâu đã thành công, vậy nên văn chương mới thành cái khổ, cái nghiệp, mới thành kiếp chữ mà ám lấy kiếp người!
Tiếp cận và tìm hiểu các tác phẩm của Đỗ Thu Hằng xuất bản trong suốt mười năm qua, nhận thấy sự nhất quán trong suốt quá trình sáng tạo thi ca của nữ nhà thơ này! Nguồn mạch thơ, tư duy thơ của Đỗ Thu Hằng từ những bài thơ ở tập thơ đầu tiên cho tới những sáng tác hôm nay, luôn được nâng cấp liên tục bằng những tìm tòi, những kiến giải bởi trí tuệ trong từng cung bậc cảm xúc!
Hơn mười năm, khoảng thời gian chưa phải là dài để một nhà thơ tạo lập và minh định nên con đường thơ của riêng mình, nhưng nữ sỹ họ Đỗ đã tạo được một phong cách thơ bằng cảm xúc và trí tuệ mang chất riêng của chị! Cái chất riêng ấy là sự chia sẻ, giải tỏa và quán chiếu đầy nhân bản từ tâm hồn thơ của Đỗ Thu Hằng vào cuộc sống!.
7/9/2024
Nguyễn Thế Kiên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...