Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Đọc thơ Phạm Thị Kim Khánh

Đọc thơ Phạm Thị Kim Khánh

Nhà thơ người dân tộc Mường Phạm Thị Kim Khánh (quê huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, đã gửi đến bạn đọc bốn tập thơ. Đó là Vườn tháng Giêng (2014) Hai ngọn gió (2016), Cõi vọng (2018) và Mùa lá (2021). Tại đây, nói đến hai tập thơ xuất bản mới nhất, do NXB Văn hóa dân tộc và NXB Hội Nhà văn công bố. Riêng Mùa lá đã được PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh có bài giới thiệu rất kỹ lưỡng, in trên đầu sách, nêu hai khía cạnh thơ của tác giả này: “Bản sắc văn hóa Mường là cội nguồn sâu thẳm” và “Chất trí tuệ lấp lánh” trong thơ Phạm Thị Kim Khánh. Là người viết sau, tôi bổ sung một số ý.
1- Hồn thơ
Hồn thơ mang bản sắc văn hóa Mường của Phạm Thị Kim Khánh đã Việt hóa mạnh mẽ trên cơ sở tiếp biến từ văn hóa Mường tới văn hóa Việt. Thơ Phạm Thị Kim Khánh vừa lặng lẽ vừa ào xối cảm thức văn hóa Mường, hiện ra trên văn bản thơ theo hướng văn hóa Việt, nói khác là hiện đại hóa thơ Mường. Hơn thế, không ít trường hợp chị còn vươn tới tính hiện đại trong thơ Việt. Tác giả đã thoát xưa: Ta đi/ Đá ngăn chân vấp/ Ta nhìn/ Đá giăng chắn mặt, mà hồn thơ vẫn còn ngoảnh lại: Ra phố/ không vấp đá/ không núi chắn/ Ta lại nhìn vè phía đá/ Mà trông (tập Cõi vọng).
Đối với bài Ra phố thì người Việt hôm nay, nếu ai có hiểu biết về đời sống người miền cao, cũng có thể có liên tưởng kiểu này, nhưng tác giả viết rất linh hoạt, sáng tạo:
Bọng ong chồng lên nhau cao ngất
Ban ngày ong ra khỏi tổ
Không kiếm mật ngàn hoa mà tìm mật ngoài phố
Mặt trời lặn ong về tổ
Ngàn tổ ong sáng trưng
Tổ ong thành mắt phố
Bạn đọc thấy rõ yếu tố hiện đại – thoát Mường – của thơ Việt ở bài Phá lệ. Bắt đầu bài thơ không tiền lệ/ Không tức cảnh/ Không niêm luật, âm vần, hình ảnh/ Không sáng tạo câu tứ/ Bùng nổ ngôn từ/ Thủ thuật ma mị// Gạt bỏ hoa hương/ Những kiến giải bất ngờ/ Một lối cấu tứ riêng/ Một pho thị liệu roi rói/ Một luận giải cởi trói// Hơn mọi bất ngờ thú vị/ Điều không thể/ Làm nên từ/ Phá lệ/ Tình yêu/ Ta.
Ngay sau bài này, cùng tập Mùa lá, bài Thi pháp tình yêu cũng vươn tới sự sáng tạo mạnh mẽ với mong muốn chạm đến mặt bằng chung của thơ Việt hiện đại. Dù khuôn khổ hạn chế của bài viết, vẫn xin được trích ra đây, sáng tác của một thi sĩ người dân tộc Mường đã đứng trên triền núi caomà nhìn toàn cảnh dáng hình đất nước Việt Nam để thấy yêu thương biết bao Eo Mẹ:
Đúng chỗ chiết eo tượng hình của Mẹ
Nơi núi xô ra sánh biển xanh
Con chim bay ngang qua gành đá xám
Đem mồi dưới biển về vách chông chênh
Rừng miền Trung con hổ con beo làm nơi ẩn nấp
Chim Phương Nam bay ra trú ngụ cành cao
Khúc khuỷu câu ca dao, gập ghềnh điệu ví
Bí mật dưới rừng cây đường thiên lý Bắc – Nam
Nơi eo Mẹ hứng cả mùa bão gió
Giành cho con hai phía bình yên
Thời đánh giặc bom đun đạn gánh
Thuốc diệt sinh vùng trắng rạc lòng
Nào rốn bom, bãi mìn, mắt bão
Những dữ dằn oằn lưng Mẹ bao phen (…)
Ôi rốn lũ là quê ta, eo Mẹ
Ta neo vào kẽo kẹt đòn tre.
“Thắt lưng, thắt ruột”, đã được nói đến về hình ảnh miền Trung. Nhưng Eo Mẹ là mới lạ. Bài này thuộc thuộc số những thi phẩm hay về miền Trung. Xét về phương diện bài thơ, thì thơ Mường lâu nay ít có loại này.
Bìa tập thơ “Mùa lá” của Phạm Thị Kim Khánh
2- Câu chữ
Thơ Phạm Thị Kim Khánh tạo được ấn tượng về ngôn ngữ do dùng nhiều động từ, tính từ, trạng từ gợi cảmđúng chỗ, đúng lúc, chúng góp phần làm nổi bật ý thơ, tứ thơ, hình tượng thơ. Như ở tập Cõi vọng:
– Em ùa vào tháng Hai
Xoay tít một vòng sực nức
– Đêm không lạnh vẫn rùng rùng cơn thống
– Chồi non, chồi non ngơ ngác
Dịu êm, dịu êm nhàn nhạt
Nụ hoa dướn lên gió đông
Mưa bay, mưa bay bỡn cợt
Vu vơ hoa bưởi ngồn ngộn trắng
Hơ hớ phô bày vàng ngọc
– Rưng rức thơ,
– Ngan ngát tím
Ngơ ngáo trắng
– Sương quây đặc màu mây
Mây quyện sương bời bời
– Tiếng gió thốc buốt nhói cầu thang
– Con đường xưa sỏi đá nhói bàn chân
Mẹ ta lụi cụi bạc lưng đồi nắng rát
Tháng sáu trắng trời nương làng rụi hạn
Và ở tập Mùa lá:
– Có lúc lẫm liệt một cuộc giao hoan
Đẫm trong hạnh phúc trần thế
Màu trắng thơm vi diệu
Bông đỏ hương chói lói
– Đóa vàng hương miên man
– Ngoài kia gió đồng bàn bạt
– Mong nhớ rát ruột xót lòng
– Sông quê thác réo
– Xanh thẫm rừng
Trắng xóa thác
Ào ạt thác
– Tiếng đồi rên nỗi trọc
– Cây lúa rùng mình
Bung chuỗi
– Dẫu biết thất bát mùa điếng hạt
Đáng chú ý là thơ Phạm Thị Kim Khánh có rất nhiều cặp đôi câu thơ tạo thế cân bằng (Đường vào có hoa bông páo/ Lối ra có hoa bông trăng; Vía ăn có người ngồi đợi/ Vía chơi có người khen hay) có ở Cõi vọng làm cho nhịp điệu thơ đưa đi đẩy lại, tập trung ở tập Mùa lá, nhất là ở bài Đáp lời trai bản:
– Chiều đến con chim vít vịt kêu
Trưa về nghe con chim côi côi thức
– Nghe anh rủ về, lòng đã thương
Nghe anh rủ lại, lòng vẫn nhớ
– Chết không nói với ma trong đống
Sống đừng kể với ma trong làng
– Như sông không có cá
Như ná không có tên.
Đọc những câu trên, nhớ đến tục ngữ Mường: “Sạch như lòng cây giang/ Quang như lòng cây nứa”. Các dân tộc khác (cả người Việt) cũng có cách nói như thế, nhưng nhìn chung, cộng đồng người miền ngược rất quen thuộc với lối nói này. Nói tóm lại, về mặt ngôn ngữ thơ tác giả Cõi vọng và Mùa lá rất chú ý găm vào trí nhớ người đọc những xúc cảm mà chị muốn nhấn mạnh khi mạnh mẽ Việt hóa thơ trên cơ sở hồn Mường. Nhiều nhan đề bài thơ chỉ có một chữ (Vọng, Vắng, Tanh, Sẹo, Nỗi, Mượn, Đá, Cây, Cầu, Lạc, Quên, Hỏi, Lỡ …), hoặc cách nói khác đối với những bài thơ Mường truyền thống cũng là những ví dụ dễ nhận ra: Tặng lửa, Tí tách, Gửi hương, Nhà riêng thời toàn cầu, Luống tuổi…)
Thơ Phạm Kim Khánh rất đáng để bạn đọc chú ý về một hồn thơ thấm đẫm tình đời trên cơ sở chuyển tiếp từ văn hóa Mường sang văn hóa Việt cùng với, một giọng điệu thơ sáng tươi, khoáng đạt uyển chuyển và tinh tế.
5/9/2024
Phạm Đình Ân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...