Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

XXXXVô gia đình 4

Vô gia đình 4

Chương XXVIII

Bài học nhạc

Tôi thành ra có bạn làm mỏ. Cái tai họa chung đã đoàn kết trái tim chúng tôi. Cùng một đau thương, cùng một hy vọng đã tạo cho chúng tôi một tình thân.

Ông An-Thiện và nhất là Giáo-sư tỏ lòng quyến luyến tôi lắm. Còn Kỹ-sư tuy không chịu chung nỗi đau khổ ở hốc hầm than cùng tôi, nhưng cũng yêu thương tôi như một đứa con bị bệnh trọng được cứu thoát.

Kỹ-sư mời tôi về nhà chơi. Cô con gái Kỹ-sư cũng muốn nghe chuyện tôi. Tôi không thể tiếc công mà không kể lại cho cô nghe những nỗi hiểm nghèo mà tôi đã chịu đựng trong khi bị chôn vùi dưới mỏ.

Ai ai cũng muốn tôi ở lại Văn-Xá.

Ông An-Thiện nói:

- Ta sẽ tìm cho con một chân thợ cuốc. Như vậy chúng ta không phải xa nhau.

Kỹ-sư cũng nói:

- Nếu con muốn làm văn phòng, ta sẽ dành cho con một chỗ.

Ông An-Thiện cho rằng nếu tôi ở lại làm mỏ cũng là một việc tự nhiên, không có gì lạ, cũng như ông, mai đây ông sẽ trở xuống hầm cũ, thản nhiên như các bạn ông hằng ngày đã quen mạo hiểm. Còn tôi, tôi không chủ tâm ở lại làm nghề đẩy goòng. Mỏ than hay thực, lạ thực đấy, tôi đã sung sướng được xem một lần rồi. Thế là đủ, tôi không muốn trở xuống lần thứ hai để tìm đến hốc than nữa.

Thực vậy, tôi không bẩm sinh để làm việc ở dưới đất. Đời sống khoáng đạt ngoài trời, dù nắng mưa, sương tuyết cũng thích hợp với tôi hơn. Đó là những lý lẽ mà tôi trình bày với ông An-Thiện và Giáo-sư. Giáo-sư nghe tôi nói vậy rất lấy làm ngạc nhiên, còn An-Thiện tỏ vẻ buồn vì tôi không có cảm tình với nghề làm mỏ. Thấy tôi không làm nghề đẩy xe với hắn, Cao-Dĩ bảo tôi là một đứa nhát gan.

Đối với Kỹ-sư, tôi không chối là tôi không thích làm dưới đất, vì ông hứa cho tôi một chân ở văn phòng và sẽ dạy thêm nếu tôi muốn học. Không muốn để ông mếch lòng, tôi đem hết tất cả sự thực nói lại cùng ông.

Ông nói:

- Nếu con thích sống ngoài trời, thích phiêu lưu và tự do ta không nài ép con. Cứ theo đường cũ của con!

Quả thực, tôi thích đời sống khoáng đãng, nhất là trong những ngày tôi bị giam hãm dưới hang sâu, tôi lại càng thấy đời sống ngoài trời thật sung sướng.

Trong khi người ta cố giữ tôi ở lại Văn-Xá, Mã-Tư có vẻ buồn rầu, tôi hỏi tại sao thì Mã-Tư nói là vẫn như thường không có chuyện gì cả. Đến lúc tôi báo tin cho anh biết trong ba ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường, anh liền nhảy lên, ôm lấy tôi và thú thực nỗi buồn của anh.

Anh hỏi tôi:

- Anh không bỏ tôi chứ?

Tức mình, tôi thụi cho anh một quả để dạy anh từ nay không nên ngờ tôi và cũng để giấu nỗi cảm xúc vì tiếng gọi của tình bạn đã rung động trái tim tôi. Tiếng gọi đó phát ra do tình hữu ái chứ không phải bởi lòng lợi kỷ. Mã-Tư không cần đến tôi để sinh nhai, anh có thể kiếm ăn một mình được.

Về điểm này, anh có nhiều thiên tài mà tôi không có. Trước hết, anh sử dụng các thứ nhạc khí rất thạo, anh hát, nhảy lại giỏi và đóng được trò. Anh lại có tài làm cho các “khán giả khả kính” – theo danh từ của ông Vỹ-Tiên – mở rộng túi tiền. Với nụ cười có duyên, với đôi mắt dịu hiền và hàm răng trắng nhỏ, với nét mặt dễ yêu, anh đã làm rung động cả đến những trái tim trơ trắn. Anh không phải xin, tự nhiên người ta thích cho anh. Có thể nói được rằng: người ta thích cho để anh thích. Thực vậy, trong thời gian tôi vắng mặt, cuộc tuần du mới rồi của anh và con Lãnh-Nhi đã thu lượm được 18 phật-lăng, đó không phải là một món tiền nhỏ. Một trăm hai mươi tám phật-lăng, hiện ở trong quỹ, với số 18 phật-lăng của Mã-Tư vừa kiếm được cộng thành một trăm bốn mươi sáu phật-lăng, như thế chỉ thiếu 4 phật-lăng nữa, thì mua được bò mong ước.

Mặc dầu tôi không muốn làm thợ mỏ, nhưng khi rời Văn-Xá tôi không khỏi bùi ngùi vì tôi phải chia tay An-Sinh, chú An-Thiện và Giáo-sư. Nhưng cũng là một việc thường vì số phận đã định cho tôi cứ phải xa rời những người yêu thương tôi và tôi quyến luyến.

Tiến lên!

Cây đàn khoác lên vai, túi đeo trên lưng, chúng tôi lại ra đi trên đường cái. Con Lãnh-Nhi sung sướng lăn mình trong đám bụi. Tôi xin thú thực rằng chính tôi cũng sung sướng được ra khỏi tỉnh Văn-Xá, được bước ròn rã trên con đường không lội lặm như ở hầm mỏ. Mặt trời chói lọi. Cây cỏ xanh tươi!

Trước ngày khởi hành, Mã-Tư và tôi, chúng tôi đã bàn cãi về lộ trình sắp phải theo. Tôi đã dạy anh biết xem bản đồ, anh không cãi rằng quãng đường đi trên đất dài hơn quãng đường trên bản đồ đi bằng ngón tay từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau khi đã cân nhắc lợi hại, đáng lẽ đi thẳng tới Ích-Sơn rồi từ đó về Văn-Ông, chúng tôi nhất định đi lối khác qua Kiến-Sơn, không xa hơn mấy nhưng có thể tạt vào mấy thành thị có suối ấm để diễn trò vì đang độ nhiều người đến dưỡng bệnh. Ngày ở mỏ, Mã-Tư được gặp một người làm xiệc rong có gấu, mách rằng diễn trò ở tỉnh này có thể kiếm ăn được. Mã-Tư muốn kiếm thêm tiền, anh bảo trăm rưỡi phật-lăng không đủ mua bò.

Chúng tôi có nhiều tiền hơn, con bò sẽ đẹp hơn, bà Bảo-Liên sẽ vui lòng hơn: và bà Bảo-Liên vui lòng hơn thì chúng tôi sẽ sung sướng hơn.

Vì thế, chúng tôi nhất định đi lối Kiến-Sơn.

Trước đây, trong khi đi từ Ba-Lê về Văn-Xá, tôi đã bắt đầu dạy Mã-Tư học đọc và học những điều sơ yếu về âm nhạc. Bây giờ từ Văn-Xá về Kiến-Sơn, tôi lại tiếp tục dạy anh. Một là tôi không phải là một Giáo-sư tốt – điều này có thể lắm – hai là Mã-Tư không phải là người học trò tốt – điều này cũng có thể lắm – cho nên về tập đọc, kết quả rất chậm và khó như lời tôi đã nói. Anh không nhớ được và đọc ra những cái quái quỷ gì mà anh chế ra. Đôi khi, mất bình tĩnh, tôi đấm tay vào sách kêu rằng óc anh tối quá. Không giận gì, anh nhìn tôi bằng đôi mắt hiền lành, mỉm cười và nói:

- Quả thực óc tôi tối lắm, có đánh vào đầu tôi như Phú-Lợi đã làm thì may ra mới sáng ra.

Anh nói vậy thì tôi giận làm sao được? Tôi bật cười và chúng tôi lại tiếp tục làm việc.

Nhưng về âm nhạc, thì những nỗi khó khăn không còn nữa. Ngay buổi đầu, anh học tấn tới và mau chóng khiến tôi phải kinh ngạc. Rồi anh hỏi những câu làm tôi phải lúng túng, lắm khi đâm bí.

Tôi thú thật rằng điều đó làm tôi bực tức và mất thể diện. Tôi trịnh trọng tự coi tôi là một Giáo-sư và lấy làm nhục không thể trả lời học trò được. Tôi nghĩ cách: phải ngụy biện.

Học trò tôi chẳng tha tôi, cứ hỏi tôi luôn những câu:

- Tại sao người ta lại không viết âm nhạc bằng một thứ “khóa”?

- Tại sao người ta lại dùng những dấu “thăng” khi lên giọng và những dấu “giáng” khi xuống?

- Tại sao tiết đầu và tiết cuối của một bài hát, số nhịp lại không đều nhau?

- Tại sao người ta lại hòa dây vĩ-cầm bằng những “nốt” này mà không bằng những “nốt” khác?

Về câu hỏi cuối cùng, tôi hãnh diện trả lời rằng:

- Vĩ-cầm không phải là thứ nhạc khí của tôi, nên tôi không cần biết người ta phải lên dây thế nào.

Mã-Tư không vặn được nữa.

Cách trả lời này không thể áp dụng với những câu hỏi trên được vì những dấu “thăng”, dấu “giáng” thuộc về lý thuyết của âm nhạc, tôi là “nhạc sư”, tôi phải biết, nếu không thì – tôi nghĩ thế - mất cả uy quyền và thể diện, mà uy quyền và thể diện là hai điều tôi rất chú trọng.

Vì thế, khi tôi không biết phải trả lời thế nào thì tôi dùng cách thoát kiểu ông An-Thiện, như khi tôi hỏi than đá là gì, đã trả lời tôi một cách quả quyết:

“Than đá là một thứ than rắn như đá.”

Theo cách đó, khi tôi bí; tôi cũng không kém quả quyết, trả lời Mã-Tư rằng:

- Nó như thế bởi vì nó phải như thế. Đó là một định lệ.

Mã-Tư không có tính phản đối những định lệ, nhưng lúc đó, anh giương mắt và há mồm nhìn tôi làm cho tôi phát ngượng.

Chúng tôi rời Văn-Xá đã được ba ngày. Khi Mã-Tư hỏi tôi một câu “tại sao” thuộc loại nói trên, đáng lẽ tôi phải trả lời: “Tôi không biết” thì tôi lại tự đắc đáp rằng: “Bởi vì nó phải như thế”.

Từ đó, lắm lúc anh tỏ vẻ đăm chiêu, suốt ngày không nói một câu gì, trái hẳn với tính mau mắn của anh, vì lúc nào anh cũng láu táu và cười đùa. Tôi hỏi anh mãi, sau cùng anh phải nói:

- Anh Minh ạ. Anh quả là một Giáo-sư ưu tú. Tôi nhận thấy không có một người nào dạy tốt hơn anh về những điều mà tôi đã học được. Tuy nhiên…

Anh ngừng lại.

- Tuy nhiên, thế nào?

- Tuy nhiên, cũng có những điều mà anh không biết. Cả đến những nhà thông thái lắm khi cũng không biết, có phải không anh? Vì thế, khi anh trả lời tôi: “nó như thế vì nó phải như thế”, tôi nghĩ tất còn những lý do khác mà anh không bảo tôi được vì người ta đã không bảo anh. Vì những lẽ ấy, tôi nghĩ – nếu anh muốn – giá mà chúng ta tìm mua được, không đắt đâu, một quyển sách âm nhạc trong đó ta sẽ có đủ những điều ta muốn biết.

- Anh nói đúng lắm!

- Có phải không? Tôi cũng nghĩ rằng anh sẽ đồng ý. Anh thông minh thực, nhưng anh không thể thấu triệt vì anh không được học ở trong sách.

- Một ông thầy khá còn hơn là sách tốt nhất.

- Ý kiến đó hay lắm. Nếu anh bằng lòng thì tôi sẽ hỏi tất cả những điều mà tôi không biết.

- Sao anh không đi học ngay lúc anh ở một mình ở Văn-Xá?

- Vì học những thầy “ra thày” thì phải trả tiền. Tôi không muốn lấy tiền của anh để tiêu về việc của tôi.

Tôi hơi chạnh lòng vì câu “thầy ra thày” nhưng lòng tự ái rất kém đó tự nhiên mất ngay khi tôi nghe đến câu cuối cùng.

Tôi nói:

- Anh là người bạn chân tình. Tiền của tôi là tiền của anh, vì anh kiếm tiền bằng tôi, lắm khi hơn tôi. Anh muốn học bao nhiêu buổi thì học. Tôi cũng sẽ đi học với anh.

Rồi tôi can đảm thú nhận cái dốt của tôi:

- Như vậy, tôi cũng thế, tôi có thể học thêm những điều tôi không biết.

Ông thầy mà chúng tôi kén không phải là những ông thầy vườn ở nhà quê, chỉ biết đánh đàn cho người ta múa, mà phải là những nghệ sĩ, những nhạc sĩ hẳn hoi, chỉ có ở những thành phố lớn. Tôi coi bản đồ thì chúng tôi sắp qua thành phố Măng-Đê, không biết Măng-Đê có phải là một thành phố lớn không? Nhưng coi tên in bằng chữ lớn, tôi biết đó là thành phố quan trọng. Chúng tôi nhất định đến Măng-Đê sẽ học một vài buổi âm nhạc dù phải tốn tiền. Những ngày gần đây, chúng tôi đi qua những làng nhỏ và nghèo ở vùng núi Lô-Diên nên không kiếm được mấy. Dù sao, tôi cũng không muốn nguyện vọng của Mã-Tư phải chậm thực hiện.

Chúng tôi qua miền hoang dã Mê-Dương, một vùng xơ xác, thê lương nhất, không rừng, không nước, không hoa màu, không làng mạc dân cư; một vùng vắng vẻ, bao la, họa may, những khách đi nhanh trên xe ngựa có thấy đẹp chăng, chứ đối với chúng tôi thì chán lắm.

Sau cùng chúng tôi tới thành phố Măng-Đê.

Chúng tôi tới nơi vào lúc sẩm tối, nên không thể đi học ngay được, vả chúng tôi còn mệt nhọc lắm.

Tuy nhiên, Mã-Tư thấy thành phố này không to lắm, nóng lòng sợ không tìm được chỗ học, nên khi ăn súp, anh hỏi ngay bà chủ tiệm rằng:

- Ở đây có Giáo-sư nào dạy âm nhạc không?

Bà chủ tiệm trả lời, bà rất ngạc nhiên về câu hỏi của chúng tôi, vậy chúng tôi không biết Giáo-sư Phi-Nam à?

Tôi đáp:

- Chúng tôi ở xa đến.

- Ở xa lắm à? Nơi nào?

Mã-Tư nói:

- Từ Ý-Đại-Lợi đến đây.

Bà hết ngạc nhiên vì những người ở xa lắm có thể không biết ông Phi-Nam, chứ những người ở gần như Mác-Xây, Ly-Ông mà không biết Giáo-sư Phi-Nam thì bà cho là những người ít giáo dục, bà không cần trả lời.

Tôi nói với Mã-Tư bằng tiếng Ý:

- Mong rằng chúng ta sa vào đúng chỗ.

Mắt bạn tôi sáng ngời lên. Chắc chắn ông Phi-Nam sẽ trả lời cho tất cả những câu hỏi của anh và chắc chắn Giáo-sư không lúng túng về câu hỏi “tại sao” người ta lại dùng những dấu “thăng” khi lên và những dấu “giáng” khi xuống giọng.

Có một điều làm cho tôi lo: một Nhạc sư danh tiếng như thế không biết có bằng lòng nhận dạy những học trò khốn nạn, nghèo túng như chúng tôi?

Tôi hỏi:

- Ông Phi-Nam có bận lắm không?

- Bận lắm chứ. Chắc thế. Sao lại không được.

- Không biết ngày mai ông ấy có tiếp chúng tôi không?

- Có chứ. Ông ta tiếp tất cả mọi người miễn là người ta có tiền trong túi.

Chúng tôi có tiền trong túi, nên rất yên tâm. Trước khi đi ngủ, mặc dầu nhọc mệt, chúng tôi bàn định rất lâu về những câu định sẵn để hôm sau đến hỏi Giáo-sư danh tiếng đó.

Sáng hôm sau, sau khi đã ăn mặc chỉnh đốn – chỉnh đốn đây có nghĩa là sạch sẽ; vì ngoài bộ quần áo chúng tôi đang mặc không còn bộ nào mới đẹp nữa – chúng tôi lấy nhạc khí, Mã-Tư mang vĩ-cầm, tôi đeo thụ-cầm, cùng nhau ra phố tìm đến nhà Giáo-sư Phi-Nam. Con Lãnh-Nhi cũng muốn theo đi, sợ đem cả chó đến nhà một Nhạc sư trứ danh không tiện nên chúng tôi phải buộc nó vào chuồng ngựa nhà trọ.

Khi chúng tôi đến trước cửa nhà Nhạc sư mà người ta đã chỉ cho, chúng tôi ngờ ngợ vì trước cửa nhà đó có treo hai cái đĩa cạo râu bằng đồng, những vật này không phải là biểu hiệu của một nhà Nhạc sư.

Chúng tôi đứng ngắm, nhà đó có vẻ là một hiệu thợ cạo. Chợt có một người đi qua, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Phi-Nam ở đâu? “Ở đây”, họ vừa nói vừa chỉ vào hiệu cạo. Tôi nghĩ một nhạc sư sao lại không được ở cùng nhà với người thợ cạo?

Chúng tôi bước vào. Trong hiệu chia làm hai phần đều nhau: phần bên phải, ở trên những cái giá gỗ, có các thứ như lược, bàn chải, dao, kéo, nước hoa, xà phòng; phần bên trái, có bày hoặc treo các thứ nhạc khí như đàn, sáo, kèn lớn, kèn con.

Mã-Tư hỏi:

- Ông Phi-Nam!

Một người đàn ông mau mắn và linh lợi như con chim, đang cạo mặt cho một người nhà quê ngồi trong cái ghế bành, đáp bằng giọng trầm:

- Chính tôi.

Tôi đưa mắt nhìn Mã-Tư có ý bảo ông thợ cạo nghệ sĩ này không phải là người chúng ta tìm để học và nếu học ông ta thì chẳng khác chi đem tiền vứt qua cửa sổ. Nhưng đáng lẽ hiểu ý tôi và nghe tôi, Mã-Tư lại đến ngồi luôn vào một cái ghế tựa ở bên và nói bằng một giọng cứng cát:

- Khi cạo xong, ông có thể cắt tóc cho tôi được không?

- Được. Em đợi một chút.

Tôi bực quá, không hiểu Mã-Tư định làm gì. Anh đưa mắt nhìn tôi có ý bảo hãy rán đợi một chút, đừng vội giận anh.

Lát sau, cạo mặt cho người khách xong, Phi-Nam tay cầm cái khăn quàng to lại chỗ Mã-Tư.

Trong khi người thợ cạo quấn khăn quàng vào cổ anh, anh hỏi:

- Thưa ông, tôi và bạn tôi vừa cãi nhau xong, nhân biết tiếng ông là một Nhạc sư trứ danh, nên chúng tôi muốn phiền ông giải thích giúp những điều đã làm cho chúng tôi bối rối.

- Các em hãy cho tôi biết sơ những điều đã làm các em bối rối.

Tôi hiểu ngay dụng ý của Mã-Tư thế nào rồi. Trước hết anh muốn xem ông thợ cạo nghệ sĩ có thể trả lời được những câu hỏi của anh không, sau nếu ông ta trả lời được tức là anh chỉ phải trả bài học đó bằng cái giá cắt tóc cho một người. Anh thật tinh khôn.

Mã-Tư hỏi:

- Tại sao người ta lại hòa dây vĩ-cầm bằng một “nốt” này mà không dùng đến những “nốt” khác?

Tôi tưởng ông thợ cạo – lúc đó đang đưa cái lược vào mái tóc Mã-Tư – cũng lúng túng và sắp trả lời như kiểu tôi cho xuôi. Tôi cười thầm thì ông thợ cạo cất tiếng nói:

- Cái dây thứ hai bên trái của vĩ-cầm phải lấy nốt “la” ở âm giai thường. Rồi những dây khác phải lựa âm trình sao cho dây thứ tư là “sol”, dây thứ ba là “ré”, dây thứ hai là “la”, dây thứ nhất là “mi”, tông cao hơn hết.

Bây giờ không phải tôi cười, mà Mã-Tư cười. Anh cười vì cái bộ mặt ngơ ngác của tôi chăng? Hay anh sung sướng được biết những điều anh muốn học mà cười? Anh cứ cười to và cười hoài. Thời giờ cắt tóc dài bao nhiêu thì câu hỏi của anh cũng nhiều bấy nhiêu. Bất cứ câu gì Mã-Tư hỏi, ông Phi-Nam cũng trả lời một cách dễ dàng và đích xác như về môn vĩ-cầm. Nhưng sau khi đã trả lời nhiều rồi, ông ta lại tự hỏi mình thì ông ta hiểu ngay ý định của chúng tôi đến để làm gì.

Ông liền cười ha hả và bảo chúng tôi rằng:

- A! Những đứa trẻ này ranh thực! Coi ngộ quá!

Rồi ông bảo Mã-Tư – trông thực ngộ hơn tôi – đánh một bản cho ông nghe. Mã-Tư mạnh dạn cầm cây vĩ-cầm và đánh một bài khiêu vũ xoay tròn.

Anh đánh xong, ông Phi-Nam vỗ tay và hỏi anh một cách tự nhiên như quen biết đã lâu:

- Em chưa biết nốt nhạc à?

- Vâng.

Trên tường, ở bàn có treo và bày rất nhiều nhạc khí như tôi đã nói trên. Mã-Tư đánh vĩ-cầm xong lấy luôn cái kèn xuống và nói:

- Tôi cũng thổi được kèn nhỏ và cả kèn có “bít-tông” nữa.

Ông Phi-Nam bảo:

- Thổi đi coi.

Anh lần lượt thổi tất cả các thứ kèn treo trên tường, mỗi cái một bài.

Ông Phi-Nam kêu:

- Ô! Em bé này là thần đồng hẳn! Nếu em muốn ở đây với ta, ta sẽ luyện cho em thành đại nghệ sĩ, em nghe chưa, đại nghệ sĩ! Sáng sáng em cạo râu cho khách với ta, đến chiều, ta sẽ dạy em âm nhạc. Em đừng yên trí rằng ta không phải là một ông thầy có thể dạy em được vì ta là thợ cạo. Người ta ai cũng phải sống, phải ăn, uống, ngủ; con dao cạo rất tốt cho ta về việc đó. Dù có làm nghề cạo râu cho người, ông Giát-Manh ngày xưa vẫn là thi sĩ trứ danh của nước Pháp, không kém. Tỉnh A-Giăng có Giát-Manh, thì tỉnh Măng-Đê cũng có Phi-Nam.

Khi ông Phi-Nam giảng thuyết xong, tôi nhìn Mã-Tư. Anh sẽ trả lời ra sao? Tôi sắp mất chăng, một người bạn đường, một người bạn thân, một người em, như tôi đã lần lượt mất những người mà tôi thương yêu? Lòng tôi se lại.

Tuy nhiên, tôi cố dẹp tình cảm của tôi về một bên.

Trường hợp này giống như trường hợp của tôi và ông Vỹ-Tiên đứng trước bà Mỹ-Lưu muốn giữ tôi. Tôi không muốn tôi phải oán trách tôi bằng những lời mà tôi đã oán trách ông Vỹ-Tiên ngày xưa.

Tôi nghẹn ngào nói:

- Anh Mã-Tư ơi! Anh nên nghĩ về phần anh trước.

Nhưng Mã-Tư chạy lại cầm tay tôi mà nói:

- Phải bỏ bạn tôi? Tôi không thể làm được. Tôi hết lòng cảm ơn ông.

Ông Phi-Nam lại nhấn mạnh rằng khi Mã-Tư học hết những điều yếu lược, ông sẽ tìm cách cho anh đi học ở Tu-lu rồi đi Ba-Lê vào trường “Quốc gia Âm nhạc học viện” nhưng Mã-Tư nhất định từ chối.

- Tôi không bao giờ bỏ Lê-Minh, bạn tôi.

Ông Phi-Nam nói:

- Em ơi! Vậy thì ta muốn có một vật gì để cho em, ta muốn tặng em một quyển sách, trong đó em sẽ học hỏi những điều em không biết.

Nói xong, ông ta tìm các ngăn kéo. Một lúc lâu, ông đem ra một quyển sách nhan đề là “Âm Nhạc lý thuyết” sách này đã cũ và nhàu nát, nhưng có cần gì? Rồi ông lấy bút, ông đề vào trang nhất như sau:

“Tặng em bé, sau này thành tài, đừng quên người thợ cạo thành Măng-Đê”.

Tôi không biết ở thành Măng-Đê, ngoài ông phó cạo Phi-Nam còn có nhạc sư nào khác không, nhưng chỉ có ông Phi-Nam là người mà chúng tôi biết và không bao giờ quên được.

Chương XXIX

con bò của ông hoàng

Tôi đã yêu Mã-Tư khi đến Măng-Đê, tôi lại càng yêu Mã-Tư khi rời thành phố này. Trong tình bằng hữu không có cái gì cao đẹp hơn, êm ái hơn là khi ta cảm thấy những người bạn ta yêu đã yêu ta một cách chân thành, Mã-Tư đã từ chối lời đề nghị của ông Phi-Nam nghĩa là đã vứt bỏ hết các sự an nhàn, sung sướng, sự ích lợi về việc học bây giờ và sự phú quý mai sau để đi với tôi, chung sống một cuộc đời trôi giạt thiếu thốn, không có tương lai và có lẽ không có cả ngày mai nữa, đó chẳng phải là chứng cớ hiển nhiên, đã tỏ lòng thân ái của anh đối với tôi hay sao?

“Bỏ bạn tôi!”, câu nói của anh đã làm tôi vô cùng cảm động. Đứng trước ông Phi-Nam, tôi không thể biểu lộ được chân tình cùng anh, nhưng khi vừa ra khỏi, tôi liền nắm tay anh thật chặt và nói:

- Anh em ta sống chết có nhau, có phải không?

Anh nhìn tôi cười và nói:

- Tôi nghĩ thế đã lâu.

Mã-Tư vốn không thích đọc sách, nhưng từ khi có quyển “Âm nhạc lý thuyết” của tác giả Kuhn thì anh chăm xem và tấn tới lắm. Tiếc rằng tôi không thể giúp anh học nhiều như ý muốn của anh được vì chúng tôi phải đi suốt ngày, hết độ nọ đến độ kia để chóng qua miền Lô-Diên và miền Ô-Việt là những miền khô khốc cho những phường hát và diễn trò rong. Ở đây, người dân quê kiếm được ít, nên ăn tiêu rất dè dặt. Họ xem các trò với vẻ lãnh đạm. Đến khi sắp quyên tiền là họ lảng xa hoặc đóng chặt cửa túi lại.

Sau cùng chúng tôi đến miền suối ấm, là mục đích cuộc đi của chúng tôi. Quả như lời người làm xiếc có con gấu đã mách Mã-Tư. Qua những tỉnh Buốc-Bun và Mông-Đô chúng tôi kiếm được nhiều tiền.

Cho được công bình, tôi phải nói kết quả đó được tốt đẹp là nhờ ở tài nghệ và sự khôn khéo của anh Mã-Tư. Còn tôi khi nào khán giả đến đông tôi chỉ biết lấy đàn ra gảy, gắng sức gảy nhưng kém quan sát. Mã-Tư không dùng lối quá cổ thế. Đối với anh, đợi cho khách đến đông cũng chưa đủ, còn phải để ý nghiên cứu các khán quan xem có nên diễn hay thôi hoặc phải diễn những trò gì.

Ở “Trường Phú-Lợi”, một trường chuyên khai thác bằng đại quy mô lòng trắc ẩn của xã hội, Mã-Tư đã học được những bí quyết của một kỹ thuật rất khó khăn là kỹ thuật nài ép lòng thương hại và tính rộng rãi của mọi người. Lần đầu tiên, tôi gặp anh ở căn gác phố Lục-Sinh, tôi đã lấy làm lạ khi nghe anh nói những mánh khóe để người ta cho tiền, bây giờ tôi lại lạ hơn nữa khi trông thấy anh thực hiện phương pháp đó.

Chính ở trong những tỉnh có suối ấm, mà anh Mã-Tư đã trổ hết tài nghệ trước một số đông khán giả là người Ba-Lê về dưỡng bệnh – những khán giả cũ mà anh đã quen tính nết lại được tái ngộ ở đây – và anh đã thu được khá tiền.

Khi thấy một thiếu phụ có tang đang thơ thẩn trong vườn Cúc-Thanh, anh bảo tôi:

- Chú ý! Chúng ta đánh những bản buồn, để bà ta âm thầm nghĩ đến người đã mất. Nếu bà ta khóc là chúng ta ăn tiền…

Rồi chúng tôi đánh những bản rất nỉ non, ai oán, đã làm thiếu phụ phải lau nước mắt.

Ở ngoại thành Mông-Đô, trên những đường tản bộ, có những đám cây râm mát, gọi là “trường hội hữu”, khách thừa lương thường tụ tập ở đó để hóng gió. Mã-Tư đã dò biết và chúng tôi đến tận những nơi đó để đàn hát và diễn trò.

Khi chúng tôi thấy một người ốm xanh xao, mắt hốc, má lõm, ngồi buồn rầu trên một cái ghế tựa, chúng tôi không dám đến gần sợ làm ngắt cái buồn tư lự của bệnh nhân. Chúng tôi dừng lại xa xa, đàn hát vui chơi với nhau, nhưng phải làm cho hết sức hay. Chúng tôi đưa mắt nhìn, nếu người đó nhìn chúng tôi bằng con mắt giận dữ thì chúng tôi cuốn gói, nếu họ chú ý nghe thì chúng tôi lại gần. Bấy giờ, Lãnh-Nhi có thể hăng hái chìa cái bát gỗ không sợ bị đá đít đuổi đi.

Tuy vậy, những cuộc diễn gần những trẻ em đem lại cho chúng tôi nhiều kết quả hơn.

Tiếng đàn của Mã-Tư đã khéo mời cho chúng khiêu vũ và nhất là cái cười của anh đã làm cho chúng phải cười lây, đến cả những đứa trẻ nét mặt kém vui nữa. Anh đã làm cách gì? Làm thế nào? Tôi không biết. Nhưng sự thực là như thế: anh làm cho mọi người thích, người ta yêu anh.

Kết quả của cuộc chu du của chúng tôi đến đây thật rực rỡ. Trừ các khoản ăn tiêu rồi, chúng tôi còn 68 phật-lăng.

Sáu mươi tám phật-lăng này với một trăm bốn mươi sáu phật-lăng trước, cộng lại là 214 phật-lăng. Thế là đã đến lúc mà chúng tôi phải về làng Tả-Văn-Ông, không được trì hoãn nữa.

Người ta bảo ở Ích-Sơn là nơi chúng tôi sắp phải đi qua có một chợ trâu bò.

Chợ trâu bò, may quá cho chúng tôi. Chúng tôi có thể mua được một con bò cái tốt với số tiền chúng tôi đã chịu khó ăn nhịn, để dành. Con bò mơ ước đó, một lần nữa, lại hiển hiện trong óc chúng tôi: Mã-Tư muốn con lông trắng, tôi thích con lông đỏ để nhớ lại con Hồng-Ti ngày xưa. Dù sao, cũng phải là con bò hiền lành. Ít ăn và có nhiều sữa. Chúng tôi bàn đi bàn lại mãi không chán.

Nhưng bao giờ biết sự mơ ước đó thành sự thực, đó là cả một việc khó khăn cho tôi.

Chọn thế nào được con bò có đủ tất cả những đức tính mà chúng tôi muốn? Thực là một việc rất quan trọng. Tôi không biết xem tướng bò tốt xấu, mà Mã-Tư cũng mù tịt như tôi.

Lại còn điều này làm cho chúng tôi buồn thêm. Đó là những mẩu chuyện về việc bán bò mà chúng tôi nghe được ở các quán trọ khi chúng tôi có ý muốn mua bò. Nói đến lái ngựa, lái bò là nói đến những mưu mô lừa bịp quỷ quyệt. Nào chuyện người nhà quê đi chợ mua được một con bò đuôi đẹp và dài chấm đất, với cái đuôi đó, ai cũng biết, con bò có thể đuổi ruồi đến tận mũi, rất lợi. Anh ta đắc chí đánh bò về nhà vì con bò hiếm có thế mà giá mua không đắt. Sáng hôm sau, anh ta vào chuồng xem thì con bò quý của anh đã cụt đuôi. Thì ra lái bò đã khéo chắp một túm lông dài vào khấu đuôi cụt. Nào chuyện người này mua phải con bò sừng giả, người khác lúc mua thì bò đầy vú sữa, về đến nhà thì vắt bảy ngày không được một chén con. Vì người lái quỷ quyệt đã thổi cho bầu sữa phồng lên.

Chúng tôi không muốn bị bịp như thế.

Về việc đuôi giả, Mã-Tư không sợ, anh sẽ đánh đu vào đuôi các con bò muốn mua, nếu là đuôi chắp thì phải tuột ngay. Về vấn đề bầu vú thổi, cũng chẳng khó gì, chỉ dùng một cái kim to và dài đâm vào là biết ngay.

Hai cách thử này thực là hiệu nghiệm đối với những con bò đuôi giả, vú giả, nhưng nếu đem áp dụng cho những con bò lành lặn, sợ rằng nó bị đau sẽ không nể gì mà không đá vào mặt những người đã kéo đuôi nó hoặc châm vào vú nó.

Ý nghĩa về cái đá đã làm cho Mã-Tư im lặng. Tuy nhiên chúng tôi rất băn khoăn, chỉ lo nhỡ biếu bà Bảo-Liên phải con bò không có sữa hoặc không có sừng thì buồn quá.

Trong những chuyện kể trên, có chuyện một anh lái bò bị một viên thú y lột mặt nạ giữa phiên chợ và phải dắt bò mà chạy. Chúng tôi nghĩ nên nhờ một viên Thú-Y giúp đỡ, tuy có tổn phí nhưng chắc chắn mua được con bò vừa ý và không phải bị lừa bịp. Chúng tôi đồng ý về điểm này và không bàn định thêm gì nữa. Chúng tôi tiếp tục đi, vui vẻ và nhẹ nhàng.

Từ Mông-Đô về Ích-Sơn đường không dài lắm. Chúng tôi đi không đến hai ngày, tới Ích-Sơn còn sớm.

Có thể nói được rằng tôi đã về xứ tôi rồi, và chính ở Ích-Sơn, nơi mà tôi đã đóng trò và ra mắt công chúng lần thứ nhất trong bản “Người đầy tớ của Ngài Hảo-Tâm” và chính ở Ích-Sơn này, ông Vỹ-Tiên đã mua cho tôi đôi giầy thứ nhất, đôi giầy đế đinh đã làm cho tôi sung sướng vô cùng.

Ôi! Còn đâu nữa con Hảo-Tâm với bộ mũ áo của Đại-Tướng Anh? Còn đâu nữa con Hiệp-Nhi hăng hái và con Thùy-Nhi dịu dàng? Còn đâu nữa ông Vỹ-Tiên, thầy tôi, với cái dáng đi đặc biệt, đầu thẳng, ngực ưỡn, chân bước nhịp nhàng, miệng thổi sáo mở đường cho chúng tôi tiến bước.

Trong bọn sáu chúng tôi bấy giờ, ngày nay chỉ còn có hai sót lại: tôi và Lãnh-Nhi. Vì thế, tôi thấy đau lòng khi đặt chân vào thành phố Ích-Sơn. Tự nhiên tôi tưởng tượng như nhìn thấy bóng cái mũ phớt của ông Vỹ-Tiên ở mỗi đầu phố và một tiếng gọi quen thuộc như văng vẳng bên tai: “Tiến lên!”

Tôi chợt đi qua của hàng bán đồ cũ mà ông Vỹ-Tiên đã đưa tôi vào mua quần áo năm xưa, tôi nhìn thấy vẫn có mấy cái áo cũ có lon vàng treo ở ngoài cửa, và ở trong tủ kính vẫn bày những súng cũ và những đèn gỉ.

Tôi cũng tìm đến chỗ tôi diễn trò lần đầu tiên chỉ cho Mã-Tư coi: con Lãnh-Nhi nhận ra ngay và chạy đến ve vẩy đuôi.

Chúng tôi lại vào nhà trọ của ông Vỹ-Tiên ngày trước. Sau khi đã gửi đồ đạc đâu đấy, chúng tôi đi tìm nhà một Thú-Y. Đến nơi chúng tôi trình bày ý muốn thì ông Thú-Y cười lớn mà bảo rằng:

- Ở đây, không có giống bò để làm xiếc!

- Không phải chúng tôi mua bò để làm xiếc mà để lấy sữa.

- Và nó phải có một cái đuôi thật.

Mã-Tư nói thêm vì lòng anh vẫn băn khoăn về cái đuôi chắp.

- Thưa ông Thú-Y, chúng tôi đến xin ông làm ơn đem cái khoa học của ông giúp chúng tôi mua bò khỏi bị lừa bịp.

Tôi nói câu đó, bắt chước bộ điệu đứng đắn và giọng nói quan trọng của ông Vỹ-Tiên hay dùng đến mỗi khi muốn chinh phục người nghe.

Ông Thú-Y hỏi:

- Thế các con mua bò để làm gì?

Bằng mấy câu vắn tắt, tôi cắt nghĩa cho ông nghe mục đích việc mua bò của chúng tôi.

Nghe xong, ông nói:

- Các con là những đứa trẻ tốt. Sáng mai ta sẽ theo các con ra chợ. Ta có thể nói trước với các con rằng con bò ta sẽ chọn không có đuôi giả đâu!

Mã-Tư nói:

- Không có sừng giả?

- Không có sừng giả.

- Không có vú đựng hơi?

- Ta sẽ tìm cho các con con bò tốt và đẹp. Nhưng trước hết phải có tiền để mua chứ?

Không trả lời, tôi mở luôn gói mùi xoa đựng tất cả các tài sản của chúng tôi cho ông xem.

- Tốt lắm! Bảy giờ sáng mai, các con sẽ lại đây đi với ta.

- Thưa chúng tôi phải trả hầu ông bao nhiêu?

- Không phải trả gì cả. Ai lại lấy tiền của những đứa trẻ có lòng tốt như các con!

Tôi bối rối không biết lấy gì trả ơn ông Thú-Y đáng kính ấy thì Mã-Tư có một ý kiến. Anh hỏi:

- Thưa ông, ông có thích nghe âm nhạc không?

- Có chứ!

- Ông vẫn thường ngủ sớm?

Thấy câu hỏi rời rạc không nghĩa lý gì, nhưng ông cũng vui vẻ trả lời:

- Độ chín giờ.

- Cảm ơn ông. Bảy giờ sáng mai, chúng tôi xin nhớ.

Tôi hiểu ý Mã-Tư nên lúc ra tôi hỏi anh:

- Anh muốn hiến ông Thú-Y một cuộc hòa nhạc?

- Phải đấy. Một cuộc hợp tấu trước khi ông ta đi ngủ. Đó là một cách đối với những người mà ta yêu.

- Ý kiến hay đấy. Chúng ta về nhà trọ để sửa soạn cuộc hòa nhạc đó. Người ta có thể làm dối trá đối với những người trả tiền, nhưng một khi chính mình là người trả tiền thì mình phải làm hết sức.

Hồi chín giờ kém ba phút, chúng tôi đã đến cửa nhà ông Thú-Y. Mã-Tư xách vĩ-cầm, tôi đeo thụ-cầm. Đường phố tối đen. Vì lát nữa có trăng, nên người ta không phải thắp những cột đèn lồng. Các cửa hàng đều đóng cửa. Người đi lại đã thưa.

Tiếng chuông đồng hồ vừa điểm thì chúng tôi bắt đầu dạo đàn. Trong quãng phố hẹp và tĩnh mịch, tiếng đàn chúng tôi ngân vang như ở trong một căn phòng kín. Các cửa sổ đều mở tung, những đầu đội mũ len, trùm mùi-xoa hoặc khăn quàng lố nhố thò ra và cửa sổ này sang cửa sổ khác, người ta sửng sốt hỏi nhau.

Ông bạn Thú-Y của chúng tôi, nhà ở đầu phố, một cửa sổ trên lầu mở ra, ông bạn cúi nhìn xem ai đàn thế.

Ông nhận ra ngay chúng tôi và biết mục đích của chúng tôi, ông xua tay làm hiệu cho chúng tôi im.

Rồi ông nói:

- Ta cho mở cửa, các con vào trong vườn chơi.

Tức thì cửa vào mở rộng. Ông ra bắt tay chúng tôi và nói:

- Các con là những trẻ có nhiệt tình, nhưng vô ý quá. Các con không sợ cảnh binh bắt về tội làm huyên náo phố sá ban đêm à?

Vườn nhà ông không rộng lắm, nhưng có một giàn dây leo trông rất u nhã. Chúng tôi lại bắt đầu gảy đàn.

Gia đình ông có hai vợ chồng và năm, sáu đứa con. Mọi người đều ra xem. Người ta treo đèn ở dưới giàn hoa. Chúng tôi hết sức trổ tài. Hết mỗi bài, người ta lại vỗ tay và đòi bài khác. Quá mười giờ, nếu ông không bảo chúng tôi nghỉ thì có lẽ các con ông còn bắt chúng tôi đàn hát đến nửa đêm.

Ông bảo các con ông:

- Để cho các anh ấy về nghỉ, mai còn đến đây sớm.

Không để chúng tôi về không, ông thết chúng tôi một bữa ăn rất ngon lành. Để cảm ơn ông, tôi bảo Lãnh-Nhi ra diễn một trò vui nhất. Các con ông thích quá, reo cười không ngớt. Mãi gần mười hai giờ, chúng tôi mới ra về.

Thành phố Ích-Sơn ban đêm yên tĩnh bao nhiêu thì sáng ngày huyên náo bấy nhiêu. Mới rạng đông, chúng tôi đã nghe thấy tiếng xe chạy trên đường cái cùng tiếng ngựa, bò, cừu và tiếng cười nói của những người nhà quê ra phiên chợ.

Chúng tôi bước ra, thấy sân nhà trọ để đầy những xe bò, cái nọ liền cái kia. Lại có nhiều xe ngựa vừa đỗ. Những người nhà quê ăn mặc chững chạc đang giơ tay đỡ vợ ở trên xe xuống. Mọi người đều phủi quần áo, những người đàn bà vuốt lại mái tóc và sửa lại y phục cho gọn gàng. Trong phố, người đi như nước chảy về phía chợ. Lúc đó mới sáu giờ, chúng tôi rủ nhau đi chợ xem bò và chọn thử trước.

A! Có biết bao nhiêu là bò cái: Con nào cũng hay, cũng đẹp. Có đủ các sắc và đủ các cỡ. Có con béo, có con gầy, có con vú chấm đất, có con kèm cả bê non.

Trong chợ cũng có những ngựa, lừa và ngựa con. Những con lợn béo chũi mõm đào đất. Những con lợn sữa kêu eng éc như đang bị chọc tiết. Lại có rất nhiều gà mái, gà sống, vịt, ngỗng, chim câu. Nhưng có cần gì. Chúng tôi chỉ để ý đến chỗ bán bò. Những con bò cái, mặc chúng tôi dòm nom, mắt lờ đờ, đưa đi đưa lại, cứ điềm nhiên nhai lại bữa cỏ ban đêm, không biết rằng từ nay sẽ không được ăn những ngọn cỏ non ở cánh đồng cũ là nơi chúng đã sinh trưởng.

Sau khi xem xét độ nửa giờ, chúng tôi chọn được mười bảy con vừa ý: con này có nết này, con kia có nết nọ, ba con vì nó hồng, hai con vì nó trắng. Vì việc dự chọn này, Mã-Tư và tôi đã bàn cãi nhau nhiều lắm.

Đúng bảy giờ, chúng tôi đến thì ông Thú-Y đã đợi ở cửa. Chúng tôi lại cùng ông ra chợ. Chúng tôi nhắc lại cho ông biết ý chúng tôi định mua một con bò thế nào và có những nết gì. Tóm lại, con bò phải có hai điều cần thiết: ăn ít và nhiều sữa.

Mã-Tư vội chỉ con bò trắng và nói:

- Con bò này cũng tốt.

Tôi chỉ một con lông đỏ, nói:

- Con bò này tốt hơn.

Ông Thú-Y liền “xử hòa” nghĩa là không hỏi đến con rằn của Mã-Tư và cũng không hỏi đến con đỏ của tôi. Ông dừng lại chỗ con thứ ba: một con bò nhỏ, chân mảnh, lông đỏ, tai và má màu nâu, chung quanh mắt đen và có vòng trắng chung quanh mõm.

Ông nói:

- Đây là giống bò Dung-Yên, rất hợp ý các con.

Một người nhà quê, bé nhỏ, cầm dây. Ông Thú-Y hỏi giá, anh ta nói:

- Ba trăm phật-lăng.

Chúng tôi đang thích con bò nhỏ nhắn, lanh lợi, tướng mạo tinh khôn ấy thì câu trả lời đó làm cho chúng tôi thõng cả tay xuống. Ba trăm phật-lăng kia à? Quá sức của chúng tôi. Tôi liền ra hiệu cho ông Thú-Y tìm con khác. Ông bấm tôi có ý bảo phải từ từ.

Cuộc mà-cả bắt đầu. Ông Thú-Y trả 150 phật-lăng, người nhà quê hạ 10 phật-lăng. Ông trả thêm 170 phật-lăng, người lái rút xuống 280 phật-lăng.

Đến chỗ này, chúng tôi đang phấp phỏng thì ông Thú-Y thôi không trả thêm nữa. Ông bắt đầu xem con bò từng bộ phận; chân yếu quá, cổ hơi ngắn, sừng hơi dài, phổi hơi nhỏ, bầu sữa không xứng.

Người nhà quê đáp:

- Là chỗ hiểu nhau cả, tôi bằng lòng bán với giá 250 phật-lăng để con bò được về tay chủ tốt.

Nghe ông Thú-Y nói vậy, tôi sợ con bò đó xấu thực, liền giục ông:

- Ta đi xem con khác.

Thấy tôi nói thế, người lái bò bớt cho mười phật-lăng rồi lần lượt, rút xuống 210 phật-lăng rồi giữ giá.

Ông Thú-Y lấy khủy tay thích vào tôi, ngụ ý bảo những lời ông chê đó không đúng đâu và con bò này tốt, mua được. Nhưng hai trăm mười phật-lăng nhiều quá! Một món tiền lớn cho chúng tôi!

Trong khi đó Mã-Tư lượn về phía sau con bò rứt một cái lông đuôi, con bò liền đá anh một cái. Thấy thế, tôi nhất định mua.

Tưởng thế là xong, tôi nói:

- Được, tôi bằng lòng 210 phật-lăng.

Tôi giơ tay để cầm dây, nhưng người nhà quê không đưa.

Anh nói:

- Còn quà cho mẹ cháu nữa chứ?

Chúng tôi lại bắt đầu bàn cãi. Cuối cùng tôi thuận trả 20 xu tiền quà. Chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn có 3 phật-lăng. Tôi lại đưa tay ra lấy dây. Anh ta cầm tay tôi bắt rất thân thiết. Vì thân thiết, tôi phải nghĩ đến quà cho con gái anh ta, mất thêm 10 xu nữa.

Lần thứ ba, tôi đưa tay lấy thừng, thì người nhà quê, bạn thân của tôi, bảo tôi “hượm đã” và hỏi:

- Bạn có đem sẵn vòng cổ cho bò không? Tôi bán bò chứ không bán vòng cổ.

Vì là chỗ anh em cả, anh ta để rẻ cái vòng cổ đó cho tôi có 30 xu thôi.

Cần phải có vòng buộc cổ bò, vì thế tôi phải bỏ ra 30 xu, trong túi chỉ còn 20 xu nữa thôi. Thế là hết tất cả 213 phật-lăng rồi. Tôi giơ tay lần thứ tư.

Anh ta lại hỏi:

- Dây thừng của bạn đâu? Tôi bán cho bạn vòng cổ bò, chứ không bán dây thừng.

Chiếc dây thừng đó giá vốn là 20 xu, 20 xu cuối cùng của chúng tôi.

Sau cùng, người nhà quê trao bò và cả vòng cổ, dây thừng cho chúng tôi. Chúng tôi có bò, nhưng chúng tôi không có một xu dính túi, không có một đồng nào để nuôi bò và để nuôi cả thân chúng tôi nữa.

Mã-Tư nói:

- Chúng ta đi làm vậy. Các tiệm cà-phê đều đông người. Chúng ta chia nhau có thể đi khắp các tiệm ấy được. Chiều nay tất có xu tiêu.

Sau khi đã đánh bò về nhà trọ và buộc kỹ bò vào chuồng, chúng tôi chia nhau, mỗi người một ngả, đi đánh đàn ở các tiệm cà-phê. Chiều về Mã-Tư được 4 phật-lăng rưỡi, tôi được 3 phật-lăng.

Với bảy phật-lăng rưỡi trong tay, chúng tôi giàu rồi! Nhưng cái vui kiếm được 7 phật-lăng rưỡi so với cái vui đã tiêu mất 214 phật-lăng thì còn kém nhiều.

Chúng tôi nhờ người ở gái nhà trọ vắt sữa bò, chúng tôi ăn bữa tối bằng sữa: chúng tôi chưa từng được ăn thứ sữa nào ngon như thế. Mã-Tư khen sữa ngọt và thơm như hoa cam, giống thứ sữa anh đã được uống ở nhà thương ngày nào, mà có phần ngon hơn nữa. Trong lúc vui sướng ấy, chúng tôi nhảy nhót và ôm lấy đầu con bò và hôn trán nó, hình như nó cũng thông cảm đưa lưỡi ra liếm vào mặt chúng tôi, chúng tôi rất cảm động.

Than ôi! Mã-Tư và tôi là những đứa trẻ cô độc, có bao giờ được trìu mến như những trẻ có mẹ có cha, nay lấy sự thân yêu với con bò này làm an ủi, thực đáng thương vậy!

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm cùng với mặt trời. Chúng tôi lên đường đi luôn Văn-Ông. Tôi rất mang ơn anh Mã-Tư, nhờ công anh khó nhọc, chúng tôi mới nhặt được món tiền lớn 214 phật-lăng đó. Vì thế tôi nhường cái thú dắt bò cho anh. Anh đắc chí kéo con bò đi trước, tôi và con Lãnh-Nhi theo sau. Khi ra ngoài thành phố, tôi mới đi ngang anh để nói chuyện và có thì giờ ngắm kỹ con bò của chúng tôi. Tôi chưa từng trông thấy con bò nào đẹp như thế. Vẻ dịu dàng, dáng đi thong thả, chững chạc như một con vật tự biết giá trị của mình.

Bây giờ tôi không cần xem bản đồ như khi mới ra khỏi Ba-Lê. Tôi biết lối đi rồi. Mặc dầu cách đây đã mấy năm, kể từ ngày tôi đi với ông Vỹ-Tiên, tôi vẫn còn nhớ những khúc khuỷu của con đường.

Không muốn để con bò của chúng tôi mỏi mệt và cũng không muốn đến Văn-Ông vào một giờ muộn quá, tôi định sẽ nghỉ lại ở làng năm xưa, ông Vỹ-Tiên đã đưa tôi vào một nhà trọ, ngủ đêm thứ nhất của tôi trên ổ cỏ khô; thấy tôi buồn khóc, con Lãnh-Nhi đã đến đặt chân nó vào tay tôi để an ủi tôi. Rồi sáng hôm sau, từ làng đó chúng tôi sẽ về nhà mẹ nuôi tôi sớm.

Nhưng số phận từ trước đến giờ vẫn may mắn cho chúng tôi, bây giờ lại tráo trở và đảo lộn cả cái chương trình của chúng tôi.

Chúng tôi chia ngày đường của chúng tôi làm hai phần, khoảng giữa dùng vào việc ăn trưa và nhất là để cho bò của chúng tôi ăn cỏ non ở hai bên ria đường.

Lúc đầu, tôi phải giữ dây cho bò ăn, nhưng thấy nó hiền lành và chăm chú gặm cỏ nên tôi quấn dây chung quanh sừng nó và ngồi ăn bánh mì bên cạnh cho thảnh thơi.

Lẽ tất nhiên là chúng tôi ăn xong trước bò. Ngắm mãi con bò cũng chán, chúng tôi rủ nhau đánh bi. Xin độc giả chớ tưởng tượng rằng chúng tôi là những người đạo mạo và nghiêm trang chỉ lo kiếm tiền. Mặc dầu chúng tôi sống một đời khác với những trẻ bằng tuổi chúng tôi, chúng tôi vẫn có những tính tình và sở thích của tuổi thơ, nghĩa là chúng tôi thích chơi như các trẻ khác và không ngày nào là chúng tôi không đánh bi, đá cầu hay nhảy cừu. Thường thường, bất thình lình và vô lý, Mã-Tư hỏi tôi:

- Chơi không?

Thế là bỏ túi, bỏ đàn xuống, chúng tôi chơi ngay ở dọc đường. Nhiều lần, nếu tôi không có đồng hồ, thì đã ham chơi đến tối. Nhưng cái đồng hồ nhắc cho tôi biết: tôi là đoàn trưởng, tôi phải làm việc, phải kiếm tiền để sống. Nên tôi lại khoác đàn lên vai đau nhức. Tiến lên!

Chúng tôi đã đánh bi xong mà con bò vẫn còn gặm cỏ. Thấy chúng tôi đến gần, nó đưa dài lưỡi ra vơ cỏ tỏ cho tôi biết là nó hãy còn đói.

Mã-Tư bảo:

- Chúng ta hãy đợi một chút.

Trong khi đợi, chúng tôi sửa soạn túi và nhạc khí của chúng tôi.

Mã-Tư là người hiếu động, không mấy lúc để yên chân tay, hỏi tôi:

- Tôi thử thổi kèn cho bò chúng ta nghe. Ngày nọ ở gánh xiệc Gát-Sô có con bò thích nghe âm nhạc lắm.

Và không hỏi hơn nữa, anh liền phùng má thổi một bài nhạc “điểm binh”.

Nghe mấy tiếng đầu, con bò chúng tôi ngẩng đầu lên nhìn, rồi bất thình lình, tôi không kịp chạy lại tháo dây ở sừng nó để cầm, nó vùng chạy và nhẩy quớ như ngựa phi.

Chúng tôi lập tức cũng phi hết sức như nó để đuổi theo. Tôi gọi Lãnh-Nhi chạy bắt nó lại, nhưng không ai có đủ mọi tài: nếu là con chó săn súc vật thì nó đã nhảy lên mũi con bò để hãm lại, nhưng con Lãnh-Nhi là con chó diễn trò, nó chỉ biết nhảy lên chân con bò thôi, làm cho con này càng chạy già.

Chúng tôi cứ chạy như thế, bò trước người sau, lại thêm con chó sủa ầm ĩ. Vừa chạy, tôi vừa mắng Mã-Tư:

- Đồ ngu!

Mã-Tư vừa chạy, vừa thở, đáp:

- Anh sẽ đập vào đầu tôi. Tôi đáng tội lắm.

Chỗ chúng tôi nghỉ để ăn cách một làng to ở trước mặt đến hai cây số. Chính con bò của chúng tôi chạy về phía ấy. Cố nhiên, nó vào làng trước chúng tôi. Vì đường thẳng, nên tuy cách xa, chúng tôi đã nhìn thấy người ta chắn lại và bắt được nó.

Lúc đó chúng tôi chạy chậm lại, yên trí bò không mất. Chúng tôi sẽ hỏi những người tử tế đó xin lại, họ sẽ giao trả chúng tôi. Chúng tôi càng đến gần, càng thấy đông người xúm vào chung quanh con bò. Có đến hai mươi người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con, lào xào bàn tán và đứng nhìn chúng tôi chạy đến.

Tôi đinh ninh rằng tôi chỉ việc xin bò rồi đi. Nhưng đáng lẽ trả bò cho chúng tôi, người ta quây lấy chúng tôi hỏi dồn:

- Chúng mày từ đâu đến?

- Chúng mày có con bò này từ hồi nào?

Câu trả lời của chúng tôi rất giản dị và dễ dàng, nhưng người ta không tin. Có hai hay ba tiếng thét lên:

- Chúng nó đã ăn trộm, bò lạ nên mới chạy.

- Bắt giam chúng nó lại để điều tra!

Tiếng “giam” làm cho tôi hết hồn. Tôi xám mặt lại và nói lúng túng. Lại vì chạy nhọc quá nên không sao chống cãi được.

Đương lúc ấy, có một người Hiến binh đến. Bằng một vài câu vắn tắt, người ta kể đầu đuôi câu chuyện cho người Hiến binh nghe. Thấy việc khả nghi, người Hiến binh tuyên bố rằng: bò bắt về sở còn người thì tống giam để chờ xét xử.

Tôi toan cãi, Mã-Tư muốn phân trần, nhưng người Hiến binh không cho nói. Lúc đó, tôi nhớ đến tấn kịch ông Vỹ-Tiên với người Cảnh sát ở Tu-lu nên bảo Mã-Tư im đi mà theo người Hiến binh.

Tất cả làng theo chúng tôi đến trụ sở Xã, cạnh đấy có nhà giam. Người ta vây lấy chúng tôi, người ta ép, người ta xô, người ta đẩy, người ta lăng mạ chúng tôi. Tôi tưởng nếu không có người Hiến binh ở đó, người ta đã ném đá vào chúng tôi, coi như những kẻ phạm tội giết người hay đốt nhà. Thực ra chúng tôi có tội gì đâu! Nhưng quần chúng vẫn hay làm thế, họ có thói xét đoán ở bề ngoài, hay buộc chết những người nghèo, không cần người ta đã làm gì, có tội hay không tội.

Đến cửa nhà giam, tôi thấy có chút hy vọng. Người gác trụ sở Xã kiêm việc Cai ngục và xã tuần, lúc đầu không muốn nhận chúng tôi. Tôi nghĩ bụng đó là người có lòng tốt. Sau người Hiến binh nói mãi, cai ngục mới nghe. Ông ta đi trước chúng tôi. Cửa nhà giam đóng kín bằng cái khóa to và hai then sắt. Ông ta mở cửa, tôi trông vào mới hiểu tại sao lúc đầu ông ta không thuận. Chỉ vì ông ta đã đem hành sang phơi nhờ khắp nền nhà.

Người ta lục soát trong người chúng tôi. Người ta lấy tiền, lấy dao, lấy diêm của chúng tôi. Trong khi đó người Cai ngục vun gọn hành của y vào một đống. Rồi để chúng tôi trong đó, người ta đóng sầm cửa lại, nghe rất ghê tai.

Chúng tôi bị ngồi tù rồi! Không biết trong bao lâu?

Tôi đang nghĩ thế thì Mã-Tư đến trước mặt tôi, giơ đầu ra và nói:

- Đánh đi! Cứ đánh vào đầu tôi đi! Đánh mạnh cho tôi nhớ mà chừa đi!

Tôi nói:

- Anh làm trái, tôi cứ để anh làm. Như thế tôi cũng có lỗi như anh.

- Tôi thích anh đập vào đầu cho tôi một cái. Tôi sẽ bớt đau lòng… con bò của chúng ta, con bò của ông Hoàng!

Rồi anh khóc òa lên. Lúc đó, tôi lại phải dỗ anh, cắt nghĩa cho anh biết tình thế không trầm trọng lắm, chúng tôi không làm gì, việc minh oan rất dễ: chỉ một mình ông Thú-Y Ích-Sơn làm chứng cho chúng tôi là đủ.

- Nếu người ta buộc cho chúng ta đã đi ăn cắp để lấy tiền mua bò thì làm thế nào?

Anh Mã-Tư nói rất phải.

Rồi anh lại vừa khóc vừa nói:

- Nếu ta được tha và người ta trả lại bò cho chúng ta rồi, chúng ta có chắc tìm thấy bà Bảo-Liên không?

- Sao lại không chắc!

- Anh xa bà Bảo-Liên đã lâu, có lẽ bà đã mất rồi!

Nghe anh nói tôi giật mình. Phải. Bà Bảo-Liên có thể chết được. Mặc dầu bà chưa già lắm, nhưng tôi đã kinh nghiệm rằng người ta hay mất những người thân yêu. Tôi chả mất ông Vỹ-Tiên là gì! Tại sao trước kia tôi không nghĩ thế nhỉ?

Tôi hỏi Mã-Tư:

- Tại sao anh lại không bảo tôi sớm?

- Vì khi tôi sung sướng, tôi chỉ có những ý tưởng vui trong óc xuẩn của tôi; đến lúc tôi khổ, thì tôi lại có toàn những ý tưởng buồn. Vì thế khi tôi nghĩ đến việc biếu bà Bảo-Liên con bò, tôi như trông thấy bà sung sướng, nên tôi cũng sung sướng, say đắm và không biết gì.

- Anh Mã-Tư ơi! Óc anh không xuẩn hơn óc tôi, vì tôi cũng nghĩ như anh và cũng như anh, tôi sung sướng, say đắm và không biết gì.

Mã-Tư vẫn khóc và nói:

- Ôi! Con bò của ông Hoàng!

Thình lình anh đứng dậy, giơ tay nói:

- Nếu bà Bảo-Liên mất rồi! Nếu lão Bảo-Liên độc ác còn sống! Nếu lão chiếm lấy bò của ta! Nếu lão bắt cả anh nữa thì làm thế nào! Anh ơi!

Sở dĩ chúng tôi có những ý tưởng bi quan ấy là do ảnh hưởng của nhà giam sinh ra, ảnh hưởng của những tiếng gào thét của dân chúng, ảnh hưởng của Hiến binh, của những tiếng khóa sắt, then sắt nghiến kèn kẹt khi người ta nhốt chúng tôi.

Mã-Tư không những nghĩ cho chúng tôi, anh nghĩ cả đến con bò nữa.

- Ai cho nó ăn? Ai vắt sữa cho nó?

Chúng tôi ngồi lo nghĩ như thế rất lâu. Thời giờ càng đi, chúng tôi càng chán nản.

Tuy nhiên, tôi cố làm cho Mã-Tư vững lòng, cắt nghĩa cho anh biết người ta sắp thẩm vấn chúng tôi.

- Vậy chúng ta sẽ trả lời thế nào?

- Cứ thực mà khai.

Nếu thế, người ta sẽ giao anh cho lão Bảo-Liên. Hoặc bà Bảo-Liên ở nhà một mình, người ta cũng sẽ hỏi bà để biết thực hư; như vậy, chúng ta sẽ mất cái thú làm cho ngạc nhiên.

Sau cùng, cửa ngục mở ra với những tiếng kèn kẹt ghê người, một ông già tóc bạc vẻ nhân từ bước vào, phong độ hòa nhã của ông làm cho chúng tôi hy vọng.

Cai ngục nói:

- Này! Nhãi con! Ông Thẩm-Phán trị an đã đến. Đứng dậy để khai đi!

Ông Thẩm-Phán ra hiệu cho Cai ngục để mặc ông và nói:

- Được lắm! Được lắm!

Rồi ông chỉ vào tôi mà nói:

- Ta hỏi em này trước. Thầy Cai hãy đưa em kia ra một chỗ, lát nữa sẽ hỏi đến.

Tôi nghĩ trường hợp thế này thì phải báo cho Mã-Tư biết cách trả lời.

Tôi nói luôn:

- Thưa ông Thẩm-Phán, cũng như tôi, anh bạn tôi sẽ xin trình bày sự thực, tất cả sự thực.

Ông Thẩm-Phán nói ngay như để ngắt lời tôi:

- Được lắm! Được lắm!

Mã-Tư ra nhưng đủ thì giờ đưa mắt cho tôi biết là anh đã hiểu.

Ông Thẩm-Phán nhìn thẳng vào mặt tôi mà hỏi:

- Người ta đã thưa em về tội ăn trộm bò.

Tôi đáp:

- Thưa ông Thẩm-Phán, chúng tôi đã mua con bò cái ấy ở chợ Ích-Sơn, có ông Thú-Y ở đấy chứng kiến.

- Việc này sẽ điều tra.

- Tôi rất mong ông điều tra cho, vì sự điều tra đó sẽ chứng minh chúng tôi vô tội.

- Em mua con bò đó để làm gì?

- Để đưa về làng Văn-Ông biếu bà mẹ nuôi tôi, để tỏ lòng biết ơn bà và cũng để nhớ lại những ngày thơ ấu của tôi ở bên cạnh bà.

- Tên bà ta là gì?

- Bà Bảo-Liên.

- Có phải vợ một ông thợ nề, mấy năm trước đây làm ở Ba-Lê bị ngã què chân?

- Thưa ông Thẩm-Phán, vâng.

- Việc này cũng sẽ điều tra.

 Về câu này tôi không trả lời như câu trước nói về ông Thú-Y.

Thấy tôi lúng túng, ông Thẩm-Phán giục giã, tôi phải nói thật rằng:

- Nếu Tòa hỏi bà Bảo-Liên, chúng tôi mất hẳn cái thú làm bà ngạc nhiên khi chúng tôi về với bò.

Tuy nhiên, trong sự bối rối của tôi, tôi có một niềm vui thích vì ông Thẩm-Phán biết bà Bảo-Liên và muốn hỏi bà để rõ thực hư, tức là bà còn sống.

Tôi lại có một điều mừng hơn nữa, là trong cuộc thẩm vấn đó, ông Thẩm-Phán cho tôi biết mới rồi ông Bảo-Liên đã trở về Ba-Lê.

Hai điều này làm cho tôi phấn khởi, tôi trả lời rắn rỏi khiến ông Thẩm-Phán phải tin rằng lời cung khai của ông Thú-Y Ích-Sơn đủ tỏ là chúng tôi không phải là những kẻ ăn trộm bò.

- Thế tiền mua con bò ấy, em lấy đâu ra?

Đó là một điểm mà Mã-Tư sợ nhất và đoán rằng thế nào cũng bị hỏi đến.

- Bằng cách gì? Ở đâu?

Tôi liền cắt nghĩa cho ông Thẩm-Phán biết từ Ba-Lê đến Văn-Xá và từ Văn-Xá đến Mông-Đô, chúng tôi đã diễn trò kiếm được và ky-cóp từng xu.

- Em làm gì ở Văn-Xá?

Câu hỏi này làm cho tôi kể lại nạn lụt, khi ông Thẩm-Phán nghe đến chỗ tôi bị chôn sống dưới hầm mỏ Thụy-Khê, ông bảo tôi ngừng lại.

Rồi bằng một giọng ôn tồn và gần như thân ái, ông hỏi:

- Trong hai người, em nào là Lê-Minh?

- Thưa ông Thẩm-Phán, tôi.

- Có gì làm bằng chứng? Hiến binh nói em không có giấy tờ gì cả.

- Thưa ông Thẩm-Phán, không.

- Vậy, em hãy kể nạn lụt ở Văn-Xá xảy ra thế nào. Ta đã đọc tường thuật trên các báo. Nếu em không phải là Lê-Minh thật thì em không đánh lừa ta được. Ta chú ý nghe đây. Phải cẩn thận.

Giọng nói vui vẻ của ông làm tôi thêm can đảm, tôi nhận thấy ông không phải là người khắc nghiệt.

Khi tôi kể xong chuyện, ông nhìn tôi bằng đôi mắt cảm thương. Tôi tưởng ông sắp tha chúng tôi, nhưng không. Ông không nói gì cả. Ông để tôi ngồi đấy. Có lẽ ông đi hỏi Mã-Tư xem hai lời khai của chúng tôi có phù hợp với nhau không.

Tôi ngồi nghĩ ngợi khá lâu. Chợt ông trở lại với Mã-Tư.

Ông nói:

- Bây giờ ta cho người đi lấy tin tức ở Ích-Sơn. Nếu đúng như chuyện các em vừa kể, ta mong thế, sáng mai ta sẽ cho các em ra.

Mã-Tư hỏi:

- Và con bò?

- Người ta sẽ trả bò cho các em.

Mã-Tư nói tiếp:

- Thưa ông Thẩm-Phán, không phải thế. Tôi muốn nói: “Ai cho bò chúng tôi ăn? Ai vắt sữa cho nó?”

- Ranh con, cứ yên tâm.

Mã-Tư yên tâm, mỉm cười và bảo tôi:

- Nếu người ta vắt sữa bò cho chúng ta, không biết người ta có cho chúng ta hưởng không? Nếu được sữa dùng bữa tối thì tốt quá!

Khi ông Thẩm-Phán đã đi xa rồi, tôi báo cho Mã-Tư biết hai tin mừng đã làm tôi quên cái khổ ở nhà giam: bà Bảo-Liên còn sống và ông Bảo-Liên hiện ở Ba-Lê.

Anh nói:

- Con bò của ông Hoàng sẽ ngang nhiên về làng.

Anh thích quá nhảy và hát, tôi cũng sung sướng cầm lấy tay anh, con Lãnh-Nhi buồn nằm ở góc nhà cũng chạy ra, len vào giữa tôi và Mã-Tư, đứng bằng hai chân sau, chúng tôi cùng nhau khiêu vũ rộn rịp. Người Cai ngục hoảng hốt – có lẽ vì đống hành – vào xem có phải chúng tôi “khởi loạn” không?

Ông ta bắt chúng tôi ngồi im. Lời nói của ông ta xem chừng đã bớt dữ tợn, không như lúc ông ta cùng vào với ông Thẩm-Phán.

Do đó, chúng tôi hiểu hiện tình của chúng tôi không đáng ngại lắm. Quả nhiên, chúng tôi có một chứng cớ cụ thể là có người mang vào cho chúng tôi một liễn đầy sữa – sữa của bò chúng tôi. Nhưng chưa hết, lại còn đèo thêm một tấm bánh mì trắng và miếng thịt bê ướp. Người hầu nói đó là những thức ăn của ông Thẩm-Phán gửi cho chúng tôi. Không bao giờ những phạm nhân lại được ưu đãi như thế.

Vì thế, khi ăn bánh và uống sữa, tôi lại có một quan niệm mới về nhà lao. Thực vậy, nhà lao không đến nỗi xấu như óc tôi tưởng tượng mấy lần trước. Đó cũng là ý kiến của Mã-Tư nữa vì anh cười và nói to:

- May quá! Có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng mà lại không phải trả tiền!

Tôi muốn dọa anh một chút. Tôi nói:

- Này! Anh Mã-Tư! Nếu ông Thú-Y chết bất thình lình thì ai là người làm chứng cho chúng ta?

Anh không tức giận, trả lời:

- Người ta chỉ có những ý tưởng đen tối đó lúc người ta khổ. Nhưng bây giờ không phải là lúc đó.

Chương XXX

mẹ nuôi

Chúng tôi nằm trên cái bục gỗ không đến nỗi khổ lắm. Ở ngoài trời, lắm đêm chúng tôi còn ngủ những chỗ khổ hơn.

Mã-Tư nói:

- Đêm tôi nằm mơ thấy con bò ông Hoàng về làng.

- Tôi cũng thế.

Khoảng 8 giờ sáng, cửa mở, ông Thẩm-Phán và ông bạn Thú-Y của chúng tôi bước vào. Ông Thú-Y muốn thân đến cho chúng tôi ra. Về phần ông Thẩm-Phán, lòng tử tế của ông đối với những kẻ tù phạm vô tội, không thu hẹp ở trong bữa ăn đãi chúng tôi tối hôm qua, mà còn biểu lộ bằng một tờ giấy có dán tem, ông cầm đến trao cho chúng tôi.

Ông nói một cách thân mật:

- Các em dại dột quá. Đi xa như thế mà không có giấy má gì. Ta đã nói với ông Xã-Trưởng cấp cho các em các giấy thông hành này để hộ thân trong những cuộc lữ hành của các em. Thôi, chúc các em lên đường may mắn! Chào các em.

Rồi ông Thẩm-Phán bắt tay chúng tôi và ông Thú-Y hôn chúng tôi trước khi trở về Ích-Sơn.

Chúng tôi hôm qua vào làng một cách khốn nạn, hôm nay ra một cách vẻ vang, mặt cao hãnh, tay dắt bò theo sau. Những người nhà quê đứng ở cửa nhà, họ nhìn chúng tôi bằng con mắt tử tế.

Mã-Tư nói:

- Tôi chỉ tiếc một điều là người Hiến binh bắt chúng ta hôm qua, nay không có mặt ở đây, để nhìn chúng ta dắt bò đi.

- Người Hiến binh đã nhầm nhưng chúng ta cũng có lỗi là không bao giờ nghĩ đến những giấy tờ cần thiết để đi đường. Ở Ba-Lê xin những giấy đó rất dễ.

Chúng tôi đã lĩnh một bài học quá bổ ích nên từ nay không lúc nào dám rời dây con bò: con bò của chúng tôi nó lành thực đấy, nhưng nó có tính dát.

Không bao lâu chúng tôi đến làng năm xưa, tôi đã ngủ ở đấy với ông Vỹ-Tiên. Từ đấy, chỉ còn phải qua một bãi hoang và một ngọn đồi nữa là đến làng Tả-Văn-Ông.

Khi qua phố chính của làng ấy, đến đúng cái nhà mà con Hiệp-Nhi vào cướp miếng bánh mì ngày xưa, tôi chợt có một ý kiến vội bàn với anh Mã-Tư:

- Tôi có hứa với anh về nhà mẹ nuôi tôi, chúng ta sẽ ăn bánh tráng. Nhưng muốn có bánh tráng phải có bơ, bột và trứng.

- Chắc là ngon lắm.

- Ngon lắm. Nhưng có lẽ nhà bà Bảo-Liên không có bơ và bột vì bà không lấy gì làm giàu có. Nếu ta mang được về thì hay.

- Đó là một ý kiến rất hay.

- Vậy anh giữ bò, nhớ đừng bỏ dây. Tôi vào hiệu tạp hóa này mua bơ và bột. Còn trứng, nếu nhà không sẵn, bà Bảo-Liên sẽ sang vay hàng xóm. Ta đem về sợ vỡ mất.

Tôi vào hiệu mà Hiệp-Nhi đã cướp bánh ngày trước mua một cân bơ và hai cân bột, rồi chúng tôi tiếp tục đi. Tôi không muốn thúc bò đi nhanh, nhưng tự nhiên tôi cứ rảo bước. Còn mười cây số nữa. Còn tám. Còn sáu cây số nữa thôi. Lạ quá. Con đường về nhà tôi sao bây giờ thấy dài thế mà ngày xưa tôi bỏ ra đi thì nó ngắn và chóng hết thế. Ngày đó trời lại mưa lạnh, tôi còn nhớ cả.

Chốc chốc, tôi lại lấy đồng hồ ra xem.

Tôi hỏi Mã-Tư:

- Vùng này đẹp đấy chứ?

- Đẹp, nhưng tôi không trông thấy những cây to.

- Khi chúng ta sang sườn đồi bên kia để vào làng, anh sẽ nhìn thấy nhiều cây to, những cây đẹp, những cây sồi, cây dẻ.

- Và hạt dẻ?

- Mà ở sân nhà tôi, có một cây táo cong tôi vẫn giả làm ngựa để cỡi, quả nó sai và to bằng này này, ngọt và thơm lắm. Anh về mà xem.

Mỗi khi tôi tả cho anh nghe, tôi lại thêm điệp khúc bất hủ “về mà xem”. Tôi chân thành tưởng tượng đang đưa Mã-Tư vào một thế giới kỳ quan. Dù sao, đó chẳng phải là một thế giới kỳ quan cho tôi hay sao? Ở đấy, mắt tôi đã được mở nhìn ánh sáng. Ở đấy tôi đã có ý thức về cuộc sống, ở đấy tôi đã được sung sướng. Ở đấy tôi đã được yêu thương. Tất cả những ấn tượng thời thơ ấu, của ngày vui đã qua, từng nổi bật lên trong những ngày đau khổ gian truân bây giờ lại hiện ra ngổn ngang, dồn dập trong tâm trí tôi, mỗi bước tôi về tới làng. Khí trời của quê hương hình như thơm ngát, làm tôi say sưa, nhìn thấy cái gì cũng đẹp, cũng vui.

Cái không khí quê hương đó làm Mã-Tư say sưa lây. Bằng tưởng tượng, anh đã trở về nơi anh sinh trưởng.

Anh nói:

- Bao giờ anh về Lục-Ca, làng tôi, tôi sẽ cho anh xem nhiều cái đẹp.

- Chúng ta sẽ cùng nhau về Lục-Ca sau khi đi thăm Lệ-Hoa, Yến-Chi và Bằng-Mai.

- Anh cũng thích Lục-Ca chứ?

- Anh cùng tôi về thăm mẹ nuôi tôi. Lẽ nào tôi không cùng anh về thăm mẹ anh và Tuyết-Nga, em bé anh. Tôi sẽ ẵm Nga, vì Nga cũng là em tôi.

- Ô!

Anh không nói lên được nữa vì anh cảm động quá.

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa vui chân, không mấy lúc đến đỉnh đồi, còn vài khúc đường nữa là đến nhà tôi. Kìa cái mỏm đá năm xưa, tôi xin phép ông Vỹ-Tiên lên đó để nhìn lại lần cuối cùng ngôi nhà yêu dấu của tôi mà tôi tưởng không bao giờ trông thấy nữa.

Tôi bảo Mã-Tư:

- Anh dắt bò cho tôi.

Rồi tôi nhảy phắt lên mỏm đá.

Thung lũng không thay đổi, phong cảnh vẫn như xưa. Ở giữa hai chòm cây cao, tôi nhìn thấy nhà tôi.

Mã-Tư hỏi:

- Anh làm gì thế?

- Kia kìa!

Anh lại cạnh tôi, nhưng không leo lên vì con bò đang ăn cỏ ở dưới chân mỏm đá.

Tôi chỉ tay về phía nhà tôi và bảo anh:

- Kìa là nhà tôi, kia là cây táo, còn chỗ kia là vườn của tôi.

Mã-Tư không nhìn bằng trí nhớ như tôi, có lẽ chẳng trông thấy gì hay chỉ thấy lờ mờ nên anh đứng im.

Ngay lúc đó, có một cuộn khói vàng bốc lên trên mái bếp, vì lặng gió nên cột khói cứ tuôn thẳng lên trời, song song với sườn đồi. Tôi đoán: “Bà Bảo-Liên có nhà”.

Một trận gió nhẹ thổi vào đám cây to, khua tan cột khói và thổi bạt vào mặt chúng tôi; khói đó sực mùi lá sồi khô.

Tự nhiên, nước mắt tôi tràn ra. Tôi nhảy xuống đám cỏ, ôm lấy anh Mã-Tư hôn. Lãnh-Nhi nhảy đến chỗ tôi, tôi bế nó lên lòng và xoa đầu nó. Anh Mã-Tư cũng lại vuốt ve con bò.

Tôi nói:

- Ta xuống đồi, nhanh lên!

Mã-Tư bảo:

- Nếu bà Bảo-Liên ở nhà, thì ta xếp đặt cuộc đưa bò về thế nào cho hay?

- Anh vào trước một mình. Anh bảo rằng Ông Hoàng sai tôi đến biếu bà con bò. Khi bà hỏi ông Hoàng nào thì tôi sẽ hiện ra.

- Tiếc quá, ta không thể rước bò về bằng âm nhạc được! Nếu được thì đẹp quá!

- Anh đừng nghĩ nhảm.

- Không, anh cứ yên tâm. Tôi không dám tái diễn việc thổi kèn nữa đâu! Tuy nhiên, giá mà con vật man rợ kia thích nhạc thì cuộc về của ta rầm rộ, vui vẻ biết chừng nào!

Đến chỗ ngoẹo, đúng ở trên nhà bà Bảo-Liên, tôi trông thấy cái mũ trắng hiện ra trong sân: chính mẹ tôi đấy, bà đang mở cổng, ra đường và đi về phía trong làng.

Chúng tôi liền đứng lại, tôi chỉ bà cho anh Mã-Tư coi. Anh nói:

- Bà không có nhà thì sắp đặt cuộc ngạc nhiên thế nào?

- Chúng ta sẽ nghĩ cách khác.

- Cách nào bây giờ?

- Tôi chưa nghĩ ra.

- Hay là tôi gọi bà lại?

- Ừ! Phải đấy, nhưng thôi, thôi!

Lòng tôi muốn gặp bà lắm, nhưng tôi phải nén lại. Đã bao nhiêu tháng trời tôi sắp đặt một cuộc về ngạc nhiên để cho mẹ tôi mừng. Trong một phút tôi không thể bỏ uổng công trình đó.

Lát sau, chúng tôi đến cổng nhà cũ. Biết bà hay khép cửa mỗi khi ra ngoài, chúng tôi đấy cửa vào tự nhiên như ngày xưa tôi vẫn ra vào. Trước hết phải tìm chỗ để bò. Chuồng cũ vẫn còn, nhưng bây giờ để chứa củi. Chúng tôi vội xếp củi vào một góc, làm cũng không lâu lắm vì số củi bà trữ ở đây cũng không mấy. Xong, chúng tôi buộc bò và khép cửa chuồng lại…

Tôi bảo Mã-Tư:

- Bây giờ ta lên nhà. Tôi ngồi vào một góc, bên lò sưởi để bà nhìn thấy tôi ngay. Khi bà đẩy cổng vào, nghe tiếng kẹt cửa, anh đủ thì giờ ngồi nấp ở sau giường với Lãnh-Nhi. Bà sẽ chỉ nhìn thấy tôi, chắc bà sẽ ngạc nhiên không thể tả được!

Các việc đều xếp đặt như thế. Chúng tôi vào nhà. Tôi ngồi cạnh lò sưởi, chỗ mọi khi tôi vẫn ngồi trong những buổi tối mùa đông. Tóc tôi dài quá, tôi giấu vào trong cổ áo, ngồi khom khom, hết sức thu mình bé lại cho giống như Lê-Minh ngày xưa, Lê-Minh bé nhỏ của bà. Từ chỗ ngồi, tôi có thể trông suốt ra hàng rào, không sợ bà bắt gặp chúng tôi đang lúng túng.

Tôi đưa mắt nhìn chung quanh tôi, tôi tưởng tượng như mới vừa rời nhà từ hôm qua vì mọi thứ đều ở nguyên chỗ cũ không thay đổi, cả đến miếng giấy và tấm kính cửa sổ tôi đánh vỡ ngày xưa cũng vẫn thế mặc dầu ám khói vàng ra. Nếu tôi dám bỏ chỗ ngồi đi ra, tôi sẽ sung sướng được nhìn gần mọi vật, nhưng sợ bà có thể về bất cứ lúc nào, nên tôi đành phải ngồi xa mà ngắm.

Chợt tôi trông thấy cái mũ trắng ở ngoài hàng giậu rồi nghe có tiếng kẹt ở ngoài cổng.

Tôi vội bảo Mã-Tư:

- Nấp nhanh lên!

Tôi ngồi thu mình lại cho rõ nhỏ.

Cửa giữa mở ra, từ ngoài hiên, bà đã nhìn thấy tôi.

Bà hỏi:

- Ai thế kia?

Tôi nhìn bà không trả lời. Bà cũng nhìn tôi.

Thình lình hai tay bà run lên:

- Chúa tôi! Hình như Lê-Minh, phải không?

Tôi choàng dậy chạy lại ôm lấy bà:

- Mẹ ơi!

- Con tôi! Chính con tôi!

Phải mất bao nhiêu phút chúng tôi mới ngớt cảm động và lau nước mắt.

Bà nói:

- Nếu ta không nhớ đến con luôn thì không sao nhận ra được con, con trông lớn hẳn và khỏe ra.

Một tiếng khịt mũi nho nhỏ nhắc tôi còn hai bạn đang nấp ở sau giường. Tôi gọi Mã-Tư, anh lù lù đứng lên.

Tôi nói:

- Đó là Mã-Tư, em trai con.

Bà kêu lên:

- A! Vậy con đã tìm thấy cha mẹ con rồi sao?

- Không. Con muốn nói là bạn con, bạn thân của con. Và kia nữa là Lãnh-Nhi cũng là bạn con, bạn thân của con, Lãnh-Nhi! Lại chào bà mẹ của ông chủ đi!

Lãnh-Nhi liền đứng hai chân sau, một chân đặt vào ngực, cúi rạp xuống trước mặt bà Bảo-Liên, bà bật cười lên và nguôi cơn khóc.

Mã-Tư còn sáng suốt, không bị chìm đắm trong niềm mừng tủi như tôi, liền ra hiệu cho tôi để nhắc một việc khác.

Tôi bảo mẹ tôi:

- Mẹ đưa con ra sân xem cây táo cong queo của nhà ta mà con thường khoe với Mã-Tư.

- Và cả cái vườn của con nữa. Từ ngày con đi, ta vẫn để nguyên như cũ, đinh ninh thế nào cũng có ngày con trở về. Mặc ai nói sao thì nói, ta vẫn tin rằng thế nào ta cũng gặp con.

- Những củ cúc-vu con trồng, mẹ ăn có ngon không?

- Thế chính con đã trồng đấy à? Ta cũng ngờ thế, vì con hay bày trò ngạc nhiên.

Đã đến lúc.

Tôi nói:

- Còn chuồng bò có thay đổi gì không, từ khi vắng con Hồng-Ti đáng thương, ngày ấy nó cũng như con chẳng chịu ra đi!

- Không. Bây giờ dùng để củi.

Lúc đó, chúng tôi đang ở cửa chuồng bò, bà liền kéo cánh cửa. Con bò ở trong đang đói, tưởng có người cho ăn, liền rống lên mấy tiếng giật mình.

Bà giật lùi lại kêu lên:

- Ô! Con bò cái! Con bò cái ở trong chuồng!

Không nhịn được nữa, Mã-Tư và tôi cười ầm lên. Bà sững người, nhìn chúng tôi.

Tự nhiên lại có một con bò ở chuồng nhà bà, thực là vô lý! Dù chúng tôi cười, bà cũng chẳng hiểu sao cả.

Tôi nói:

- Đó là một trò ngạc nhiên! Có lạ hơn cúc-vu không? Mẹ hả?

Bà nhắc đi nhắc lại:

- Một trò ngạc nhiên!... Một trò ngạc nhiên!...

- Con không muốn về thăm mẹ tay không. Mẹ đã hết lòng thương con, thằng Minh, đứa con bỏ rơi. Con tìm xem thứ gì có ích cho mẹ. Con tưởng chỉ có một con bò cái để thay thế cho con Hồng-Ti là làm cho mẹ vui lòng. Nên ngày phiên chợ Ích-Sơn, Mã-Tư và con đã mua con bò ấy với tiền chúng con kiếm được.

Bà hôn tôi và nói:

- Ô! Giỏi quá! Con quý của mẹ!

Xong mọi người đều vào chuồng bò để bà nhìn kỹ con bò của chúng tôi, bây giờ là con bò của bà. Mỗi một điểm hay bà nhận thấy, bà lại sung sướng và kêu khen:

- Con bò đẹp quá!

Xong, bà quay ra nhìn tôi rồi hỏi:

- À! Thế bây giờ con giàu rồi à?

Mã-Tư cười và đáp thay tôi:

- Vâng có lẽ đúng. Chúng con chỉ còn có 58 xu trong túi.

Bà lại nhắc lại điệp khúc của bà nhưng bằng giọng khác trước:

- “Các con” giỏi quá!

Tôi cảm thấy một niềm vui êm ái vì lần này bà đã nghĩ đến Mã-Tư và bà kết hợp chúng tôi lại trong trái tim bà.

Trong khi đó con bò cứ rống hoài, Mã-Tư nhắc:

- Nó giục vắt sữa đấy.

Không đợi ai bảo, tôi chạy vào nhà tìm cái thùng con bằng sắt tây, ngày xưa dùng để lấy sữa con Hồng-Ti, vẫn thấy treo ở chỗ cũ mặc dầu đã lâu nhà bà không nuôi bò nữa. Tôi đem nạo rửa sạch sẽ rồi múc về một thùng nước để rửa những bầu sữa con bò vì đầy cát bụi.

Bà vui sướng biết bao khi thấy chúng tôi lấy được ba phần tư thùng sữa nổi lên những bọt trắng, trông rất ngon lành.

Bà nói:

- Ta xem con bò này nhiều sữa hơn con Hồng-Ti.

Mã-Tư nói:

- Thưa bà, sữa ngon và thơm như hoa cam.

Bà Bảo-Liên nhìn Mã-Tư như muốn hỏi thế nào là hoa cam.

- Đó là thứ sữa rất ngon người ta được uống ở Nhà Thương khi người ta ốm.

Mã-Tư có tính mau mắn, anh biết điều gì hay, anh không muốn giữ lấy một mình.

Lấy sữa xong, chúng tôi thả bò ra sân cho nó ăn cỏ. Chúng tôi lại vào nhà, ở đó khi lấy thùng đựng sữa tôi đã để sẵn trên bàn gói bơ và gói bột của chúng tôi.

Khi bà Bảo-Liên bước vào lại thấy chuyện mới lạ và kêu lên:

- Kỳ quá! Bơ, bột ở đâu thế này?

Chúng tôi lại cười ầm lên lần nữa. Tôi nói:

- Những thứ này chúng con cần đến hơn mẹ. Chúng con đói lắm và chỉ muốn ăn bánh tráng. Mẹ, còn nhớ ngày lễ Tuần Thánh năm nào, việc làm bánh phải bỏ dở và chút bơ mẹ đi vay hàng xóm đã dùng để xào hành không? Lần này mẹ con ta không bị ngăn trở.

Bà hỏi tôi:

- Con đã biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê à?

- Vâng.

- Và con cũng biết ông ta đi Ba-Lê về việc gì rồi chứ?

- Không.

- Việc của con đấy.

Tôi sợ hãi hỏi:

- Việc con?

Bà im lặng nhìn Mã-Tư như có ý không muốn nói trước người lạ.

Tôi nói:

- Mẹ cứ nói, không ngại gì. Con đã bảo anh Mã-Tư như em con. Cái gì liên quan đến con thì cũng liên quan đến Mã-Tư.

Bà nói:

- Câu chuyện đó nói ra thì dài lắm.

Thấy bà e ngại tôi không muốn hỏi gạn, sợ nếu bà từ chối thì mất lòng Mã-Tư nên tôi định đợi lúc khác sẽ hỏi bà.

Tôi nói:

- Ông Bảo-Liên sắp về chưa?

- Không. Chắc thế.

- Vậy chả có việc gì phải vội. Mẹ làm bánh cho chúng con đi. Rồi lúc nào rỗi mẹ sẽ cho con biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê về việc gì. Bây giờ không sợ ông trở về bắt xào hành nữa, mẹ con ta thừa thì giờ làm. Nhà có trứng không mẹ?

- Không. Nhà không có gà đẻ.

- Chúng con không mang trứng về vì đi đường sợ trứng vỡ. Hay mẹ đi vay cho nhanh?

Bà hơi bối rối. Tôi hiểu có lẽ bà đã vay nhiều rồi, vay nữa không tiện.

Tôi nói:

- Thôi để con đi mua cũng được. Mẹ ở nhà nhào bột với sữa. Hàng ông Sáu-Kê vẫn bán trứng đấy chứ? Con chạy ra mua. Mẹ bảo Mã-Tư chẻ củi. Anh ấy chẻ củi khéo lắm đấy!

Đến hàng Sáu-Kê tôi mua được 12 quả trứng và mua thêm cả một miếng mỡ lợn nữa.

Khi tôi về, bột đã nhào với sữa rồi. Bây giờ chỉ còn việc đập trứng cho vào. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi không có thì giờ ủ cho bột nở, vì chúng tôi đói lắm, không đợi được. Bột sẽ khó tiêu, nhưng dạ dầy chúng tôi tốt cả không sợ gì.

Bà vừa đánh bột vừa nói với tôi:

- Con nhớ mẹ, sao con không cho biết tin tức gì. Con có biết không, nhiều khi mẹ tưởng con mất rồi, chứ con còn sống thì con đã viết thư, lúc đó mẹ lại buồn.

- Mẹ không phải chỉ có một mình, vả mẹ không biết chữ để xem thư của con. Bên cạnh mẹ còn có ông Bảo-Liên ghê gớm kia là chủ cái nhà này, ông ta đã dùng quyền đó để bán con cho ông già Vỹ-Tiên lấy 40 phật-lăng.

- Thôi, con còn nhắc đến chuyện đó làm gì!

- Không phải là con phàn nàn mà để trình bày rằng sở dĩ con không dám viết thư là vì thế. Con sợ nếu người ta biết con ở đâu, người ta sẽ bán con lần nữa. Mẹ ơi! Con không muốn bị bán lần thứ hai. Vì lẽ đó, khi ông già Vỹ-Tiên đáng thương tiếc là thầy con mất đi, con không dám gửi thư về.

- A! Thế ra ông già diễn trò chết rồi à?

- Vâng. Con đã khóc ông nhiều lắm. Vì ngày nay nếu con biết được một vài điều, cũng là nhờ ơn ông, thầy con dạy bảo, gây dựng. Sau đó, con gặp một gia đình tử tế có lòng nuôi con và con làm giúp cho họ. Nhưng lúc ấy nếu con viết về: “con là thợ làm vườn ở trại…”, liệu người ta có khỏi đến tìm con không? Liệu người ta có khỏi sách nhiễu gia đình đó về tiền tài không? Con không muốn xảy ra việc trên cũng như việc dưới.

- Con nói phải. Mẹ hiểu lắm.

- Nhưng dù sao con cũng không quên mẹ. Lúc nào con cũng nghĩ đến mẹ. Những khi con gặp tai nạn, điều đó xảy ra luôn, thì con lại khóc và gọi mẹ để cứu con.

- Đến ngày con được sống tự do nghĩa là được tự lập, con nghĩ đến việc tìm về mẹ ngay. Nhưng không thể về ngay được, thực vậy, người ta thường không làm được những điều người ta muốn vì ý định của con phải khó khăn mới thực hiện được. Trước khi về thăm mẹ, con phải làm sao mua được con bò, nghĩa là phải kiếm tiền. Số tiền đó không thể một ngày rơi ngay vào túi con những đồng bạc đẹp. Chúng con phải diễn trò, phải đánh đàn, khúc vui cũng như khúc buồn, phải phiêu lưu, phải đổ mồ hôi nước mắt, phải vất vả, phải đói rách! Nhưng người ta càng khó nhọc bao nhiêu, người ta càng sung sướng bấy nhiêu có phải không anh Mã-Tư?

- Cứ tối đến chúng con lại đếm lại số tiền thu được trong ngày hôm đó, chúng con đếm cả lại số tiền trước xem có hóa gấp đôi không.

- A! Các con giỏi quá! Các con thực giỏi quá!

Trong lúc nói chuyện, bà Bảo-Liên quấy đều bột bánh, Mã-Tư chẻ củi, còn tôi thì dọn đĩa, thìa, cốc lên bàn, rồi xách lọ ra bể lấy nước.

Lúc trở vào, tôi trông thấy chậu bột đã nổi vàng và bà đang cọ chảo bằng búi cỏ khô. Trong lò, một ngọn lửa sáng bừng đưa lên, Mã-Tư đang bỏ những cành củi con vào. Lãnh-Nhi ngồi chồm chỗm bên cạnh bếp nhìn mọi người. Lửa nóng rát, thỉnh thoảng nó lại co chân này hoặc nhấc chân kia và kêu kít kít. Lửa bếp cháy to soi sáng khắp căn nhà. Tôi nhìn thấy những hình người vẽ trên bức màn gió ở giường cũ của tôi nhảy nhót như vui mừng. Ngày tôi còn nhỏ, trong những đêm trăng, khi sực tỉnh giấc những hình ảnh đó đã làm tôi kinh sợ.

Mẹ tôi đặt chảo trên bếp, lấy đầu dao khều một miếng bơ trút vào chảo, bơ chảy tan ra.

Mã-Tư cúi đầu trên chảo không biết nóng, kêu:

- Thơm quá!

Bơ bắt đầu sôi xèo xèo.

Mã-Tư kêu:

- Nó hát! Tôi phải hòa đàn theo mới được.

Đối với Mã-Tư, bất cứ cái gì cũng phải có nhạc cả. Anh lấy vĩ-cầm, lựa dây rồi kéo những tiếng lâm râm theo khúc ca chảo mỡ.

Mẹ tôi không thể nhịn cười được. Nhưng giờ phút long trọng đã đến làm lấn áp cả tiếng đàn không hợp thời của Mã-Tư: mẹ tôi lấy thìa múc bột lỏng ở chậu lên, nó vãi xuống như những dòng chỉ bạc, mẹ tôi đổ vào chảo, bơ rãn ra nhường chỗ cho “khối nước lũ” trắng đó, rồi vây nó bằng một vòng vàng sém.

Đến lượt tôi lại cạnh bếp xem. Mẹ tôi lấy giẻ lót, cầm cán nhấc chảo ra, hất một cái chiếc bánh tung lên cao. Mã-Tư lác cả mắt. Nhưng không việc gì, chiếc bánh sau khi đã lên chơi trên không một tí rồi lại trở về chảo, mặt dưới lộn lên trên trông vàng ngậy. Tôi vội chạy lấy đĩa. Mẹ tôi trút bánh sang. Chiếc này phần Mã-Tư. Anh bỏng cả tay, cả môi, cả lưỡi và cả cổ, nhưng có hề chi vì anh quên nóng rát.

Mã-Tư nhồm nhoàm nói:

- Ngon ghê!

Lại đến lượt tôi chìa đĩa và đến lượt tôi bỏng mồm. Nhưng cũng như Mã-Tư, tôi chẳng biết bỏng là gì.

Chiếc bánh thứ ba đã vàng. Mã-Tư chạy đến, nhưng có tiếng ăng ẳng nhộn lên, đó là con Lãnh-Nhi nó đòi phần nó. Rất công bằng Mã-Tư nhường luôn cho nó. Thấy vậy, bà Bảo-Liên rất không bằng lòng vì bà quen thói lãnh đạm của dân quê đối với gia súc và bực mình sao lại cho chó ăn bánh của ngày Lễ. Để bà nguôi lòng, tôi phải cắt nghĩa cho bà nghe, con Lãnh-Nhi là một nghệ sĩ đại tài đã có công giúp chúng tôi kiếm tiền để tậu bò; vả nó cũng là bạn tôi nó phải được ăn như chúng tôi, ăn cùng với chúng tôi.

Đợi cho chúng tôi hết đói, hết tham ăn thì lâu quá. Chúng tôi đồng lòng mời bà ăn, nếu bà không ăn thì chúng tôi cũng “tuyệt thực”, vì thế bà phải cầm một chiếc.

Xong đến lượt chúng tôi rán lấy mà ăn, tôi làm trước, Mã-Tư làm sau; cho bơ vào chảo, đổ bột vào sau, việc này rất dễ. Nhưng đến lúc lật bánh thì là cả một sự khó khăn, cả là một nghệ thuật. Tôi bị một chấm tro, Mã-Tư bị một chiếc nóng bỏng rớt vào tay.

Khi chậu bột hết rồi, Mã-Tư tinh ý biết bà Bảo-Liên không muốn nói chuyện riêng trước mặt anh, anh thoái thác là muốn ra sân xem bò làm gì từ nãy đến giờ, cốt để bà Bảo-Liên và tôi được tự do trò chuyện. Tôi vẫn nóng lòng đợi lúc vắng vẻ này, nhưng vì mải mê về bánh thành ra tôi nhãng đi.

Nếu ông Bảo-Liên ở Ba-Lê, theo tôi nghĩ, chỉ là để tìm ông Vỹ-Tiên đòi tiền mấy năm công của tôi mà ông Vỹ-Tiên chưa thanh toán dứt. Về việc này tôi khỏi lo. Ông Vỹ-Tiên mất rồi, ông ấy không trả được, lý nào ông Bảo-Liên lại đòi tôi. Nhưng nếu ông Bảo-Liên không đòi tôi được, ông rất có thể bắt tôi đem về cho mấy người khác thuê miễn là ông lấy được tiền. Điều này làm cho tôi băn khoăn lo sợ. Tôi định nếu ông Bảo-Liên ác nghiệt kia có ý bắt tôi, tôi quyết rời nước Pháp để sang nước Ý với anh Mã-Tư nếu cần, sang Mỹ hay chỗ cùng cực thế giới cũng được.

Lý luận như vậy, tôi nghĩ cũng nên dè dặt với bà Bảo-Liên; không phải là tôi không tin bà, một người mẹ đáng kính đã yêu dấu tôi, đã hết lòng thương tôi, mà vì bà nhu nhược trước mặt chồng, như tôi đã từng trông thấy. Nếu tôi nói nhiều quá, vô tình bà sẽ đem chuyện kể lại với chồng khác nào vẽ đường cho ông Bảo-Liên tìm tôi nghĩa là bắt tôi. Như thế là lỗi tự tôi. Tôi phải thận trọng. Khi Mã-Tư ra sân, tôi hỏi bà Bảo-Liên:

- Bây giờ không có ai, mẹ có thể bảo cho con biết ông Bảo-Liên đi Ba-Lê về việc con, là thế nào?

- Ông ấy đi về việc con, mẹ rất mừng.

“Rất mừng”! Tôi sợ quá!

Trước khi kể chuyện, bà nhìn ra cửa. Chắc chắn không có ai, bà quay về phía tôi, nét mặt tươi cười, bà nói nhỏ:

- Hình như gia đình con đang tìm con.

- Gia đình con?

- Phải, gia đình con, con ơi!

- Con có một gia đình, con? Mẹ ơi! Con có một gia đình, con, một đứa trẻ bỏ rơi?

- Con nên tin rằng không phải người ta định tâm bỏ con, từ đó đến giờ người ta vẫn tìm con.

- Ai tìm con? Ô! Mẹ ơi! Nói đi! Nói nhanh lên cho con nghe.

Chợt tôi thấy trong người tôi hóa điên, tôi kêu to lên:

- Nhưng không thể có thế được. Chính ông Bảo-Liên đang đi tìm con?

- Phải, chính ông ấy đang đi tìm con, cho gia đình con.

- Không. Ông ấy tìm cho ông ấy. Ông ấy tìm để bắt con, để bán con lần nữa. Nhưng không đời nào con chịu để ông ấy bắt con.

- Ô hay! Minh, con ơi! Sao con lại ngờ cho mẹ đồng lòng làm những việc như thế?

- Ông ta đánh lừa mẹ đấy.

- Con ơi! Hãy tĩnh tâm lại, nghe mẹ kể; đừng sợ hão huyền.

- Con còn nhớ…

- Con hãy nghe những điều chính tai mẹ đã nghe thấy; như thế thì con tin mẹ chứ?

- Đến thứ hai này là vừa đúng một tháng, hôm đó mẹ đang lúi húi làm trong lò bánh, có một người đàn ông, hay gọi đúng hơn, là một thân sĩ vào nhà và gặp ngay ông Bảo-Liên. Ông ta nói giọng người không phải ở nước ta, hỏi rằng: “Chính ông đã trông thấy đứa trẻ bỏ rơi ở đại lộ Bảo-Tương, Ba-Lê và ông đã rước về nuôi? Phải – Vậy bây giờ nó ở đâu? Xin ông cho biết. – Ông cần hỏi để làm gì? Xin ông cho biết?”

Tuy tôi ngờ lòng thành thực của bà Bảo-Liên, nhưng nghe câu trả lời lễ phép của Bảo-Liên thì tôi biết những lời bà nhắc lại là đúng.

Bà nói tiếp:

- Con phải biết ở bên lò bánh nghe rõ như ở đây vậy, vả lại là việc của con nên mẹ hết sức nghe. Vì thế, mẹ lại gần để nghe rõ hơn, mẹ giẫm phải một cành củi khô, nó gẫy đến cắc một cái.

- Người lạ mặt hỏi: “Nhà có người à? Đó là vợ tôi. – Ở đây bức quá, nếu không bận gì, mời ông ra ngoài chơi và nói chuyện một lát”. Rồi hai người cùng nhau đi. Ba, bốn giờ sau, ông Bảo-Liên mới về một mình. Mẹ có ý tò mò hỏi xem ông khách lạ kia là ai, đến hỏi gì và có phải là cha con không. Nhưng ông Bảo-Liên không trả lời câu hỏi chính của mẹ, ông chỉ nói người đó không phải là cha con, người đó được gia đình con ủy thác việc tìm con.

- Thế gia đình con ở đâu? Gia đình con thế nào? Con có cha mẹ à?

- Chính mẹ cũng hỏi ông Bảo-Liên như con. Ông nói ông không biết gì cả. Rồi ông nói thêm rằng ông phải đi Ba-Lê tìm ông già diễn trò đã thuê con ngày xưa và để địa chỉ ở phố Lục-Sinh, nhà một người dạy đàn tên là Phú-Lợi. Mẹ cố nhớ những tên ấy, con cũng nên ghi lấy kẻo quên.

- Các tên đó, con biết cả, xin mẹ yên tâm. Từ ngày ông Bảo-Liên đi, không có tin tức gì về cho mẹ à?

- Không. Có lẽ ông đang tìm. Ông khách lại trao cho ông Bảo-Liên 100 phật-lăng bằng tiền vàng và sau đó, có lẽ người ta còn cho nữa. Tất cả những việc đó với những tã đẹp bọc con buổi đầu tỏ ra cha mẹ con là những người giàu có. Vì thế khi mẹ nhìn thấy con về ngồi bên lò sưởi, mẹ tưởng con tìm thấy cha mẹ con rồi và Mã-Tư là em ruột con.

Lúc đó Mã-Tư đi qua cửa, tôi gọi anh vào:

- Anh Mã-Tư ơi! Cha mẹ tôi đang tìm tôi! Tôi có một gia đình, một gia đình thật rồi!

Nhưng lạ quá! Mã-Tư điềm nhiên không tỏ chi chia xẻ nỗi vui mừng của tôi. Tôi liền nhắc lại câu chuyện bà Bảo-Liên vừa kể, cho anh nghe.

Chương XXXI

gia đình cũ và gia đình mới

Đêm đó tôi ngủ ít quá. Trên cái giường cũ yêu quý của tôi, ngày còn nhỏ, đã bao lần tôi thấy sung sướng được nằm êm ấm dưới cái chăn đắp đến cằm không buồn dậy! Đã bao lần khi tôi ngủ ngoài trời, nằm dưới ánh sao! Than ôi: Những sao đó không phải bao giờ cũng sáng, và cũng đã bao lần gió đêm rét đến tận xương, sương sớm buốt cắt thịt! Vì thế tôi vẫn nhớ đến cái chăn êm ấm kia!

Đêm đó đặt mình xuống là tôi ngủ ngay vì cái nhọc phải đi ban ngày và nhất là cái đêm phải nằm ở nhà lao. Nhưng chẳng bao lâu tôi chợt thức giấc rồi không sao nhắm mắt được nữa: lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá. Tôi có một gia đình.

Khi tôi nghĩ đến gia đình đó, dần dần tôi thiếp đi. Trong khoảng thời gian ngắn tôi chợp mắt ấy, tôi chiêm bao thấy một gia đình, nào cha, nào mẹ, nào anh em, nào chị em. Trong mấy phút, tôi sống với những người mà tôi không quen biết bao giờ, với những người mà tôi trông thấy lúc đó là lần thứ nhất. Mà kỳ diệu thay! Mã-Tư, Lệ-Hoa, bà Bảo-Liên, bà Mỹ-Lưu, cậu An-Tuyên đều có mặt trong gia đình và ông Vỹ-Tiên là cha tôi. Thầy tôi đã sống lại. Thầy tôi giàu lắm. Con Hiệp-Nhi, con Thùy-Nhi cũng ở đó, không phải chúng nó bị chó sói ăn thịt. Tôi tưởng ít có một giấc mơ trong một thời gian ngắn, người ta đã sống lại bao nhiêu năm qua và người ta đã đi bao nhiêu đường đất. Ai cũng nhận thấy lúc tỉnh dậy, cái ảo giác vẫn còn sức mạnh và in sâu vào óc người ta. Vì thế, khi tôi thức dậy. Tôi còn rõ mặt tất cả những người mà tôi vừa mê thấy, hình như tôi mới cùng ngồi với họ buổi chiều hôm trước. Lẽ tất nhiên, tôi không sao ngủ được. Nhưng dần dần những ảo giác trong giấc mơ nhạt dần, sự thật lại hiện ra trong óc tôi làm cho tôi tỉnh táo hơn trước.

Gia đình tôi đang tìm tôi!

Tôi muốn gặp gia đình tất nhiên phải nhờ đến Bảo-Liên. Ý nghĩ đó làm tôi kém vui. Nếu Bảo-Liên không dính dáng vào việc này có phải sung sướng cho tôi biết bao không. Tôi quên sao được những lời Bảo-Liên đã nói với ông Vỹ-Tiên năm xưa trong lúc bán tôi: “Nếu tôi không nghĩ đến cái lợi đó thì hơi đâu tôi rước nó về”. Ngay từ hồi đó, tôi đã có cảm tưởng rất xấu đối với Bảo-Liên.

Không phải vì thương tôi mà Bảo-Liên “nhặt” tôi ở ngoài phố, cũng không phải vì thương tôi mà Bảo-Liên rước tôi về nuôi, chính vì tôi được bọc trong những tấm khăn đẹp, chính vì một ngày kia cha mẹ tôi đến tìm thì có lợi. Cái ngày hy vọng đó đến chậm quá, nên Bảo-Liên mới đem bán tôi cho ông Vỹ-Tiên, bây giờ lại sắp sửa bán cho cha tôi. Tính nết ông chồng và bà vợ cách nhau một vực một trời. Bà Bảo-Liên thương tôi không phải vì tiền. A! Giá mà tôi có thể tìm được phương kế gì khiến có lợi cho bà và truất phế được Bảo-Liên thì hay quá!

Tôi trằn trọc trên giường hàng giờ mà nghĩ mãi không ra. Chịu, không có kế gì cả. Buồn quá! Bảo-Liên sẽ đưa tôi về cho cha mẹ tôi, Bảo-Liên sẽ được ơn, sẽ được thưởng công.

Sau cùng, tôi nghĩ nữa vì không thể làm thể nào khác được. Đành ghi gói trong lòng và đợi khi nào khá giả tôi sẽ cảm ơn và trả ơn bà Bảo-Liên.

Hiện giờ, tôi phải theo rõi Bảo-Liên nghĩa là tôi phải đi tìm ông ta, vì ông ta không phải như những người chồng khác đi đâu xa phải cho vợ biết chỗ để thăm hoặc tìm, nếu cần đến. Bà Bảo-Liên cho biết ông chồng đi Ba-Lê, có thế thôi. Từ ngày ông ta đi không hề có viết thư về và cũng không nhắn ai cả, mặc dầu vẫn có người làng làm ở Ba-Lê về quê luôn. Chú ý đến gia đình không phải là nết của ông ta.

Ông ta ở đâu bây giờ? Trọ nhà ai? Bà không biết đích xác để gởi thư. Bà chỉ biết tên hai, ba chủ nhà trọ ở phố Mục-Tảo mà chồng bà thường lui tới.

Vì vậy tôi phải thân hành đi Ba-Lê để tìm người đang tìm tôi. Có một gia đình, thực là một tin vui mừng lớn mà tôi không ngờ đến, nhưng cái vui vẫn còn trắc trở do hoàn cảnh gây nên.

Tôi vẫn tưởng khi về Văn-Ông, tôi sẽ ở lại vài hôm, sung sướng bên cạnh bà Bảo-Liên và cùng anh Mã-Tư chơi đùa như ngày tôi còn nhỏ, nào ngờ sáng hôm sau chúng tôi sẽ phải lên đường.

Trước tôi định thăm bà Bảo-Liên xong, tôi đi ra bờ biển ở Yến-Nam thăm cô Yến-Chi. Bây giờ đành phải bỏ cuộc du hành đó, tôi rất tiếc không được gặp cô, một người chị đã săn sóc và yêu thương tôi.

Sau khi thăm cô Yến-Chi, tôi sẽ đến Mộc-Văn cho cô Lệ-Hoa biết tin tức anh và chị cô. Bây giờ đành phải bỏ cả, không được gặp Lệ-Hoa cũng như Yến-Chi.

Suốt đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được, lúc tôi nghĩ không nên bỏ Yến-Chi và Lệ-Hoa, lúc tôi nghĩ trái hẳn lại, nên về ngay Ba-Lê để sớm gặp gia đình tôi. Tôi chưa quyết định bề nào thì tôi ngủ đi mất. Đêm đó, đáng lẽ là một đêm êm ái, sung sướng nhất đời tôi, lại thành ra một đêm bứt rứt và xao xuyến nhất mà tôi còn nhớ mãi.

Sáng dậy, cả ba người: bà Bảo-Liên, Mã-Tư và tôi hội họp bên cạnh lò sưởi, chung quanh những chén sữa nóng, bàn bạc về việc của tôi. Tôi phải làm thế nào bây giờ? Tôi liền đem những nỗi phiền não, sự phân vân của tôi ra hỏi ý kiến bà Bảo-Liên và Mã-Tư.

Bà Bảo-Liên nói:

- Con phải đi ngay Ba-Lê, cha mẹ con đang tìm. Không nên để cha mẹ con phải đợi lâu.

Rồi bà viện nhiều lý lẽ và giải thích cho tôi nghe. Tôi cho bà nói rất phải.

Tôi nói:

- Thế thì con phải đi Ba-Lê.

Mã-Tư ngồi im không nói gì, và trông có vẽ lạnh lẽo.

Tôi liền hỏi anh:

- Anh thấy rằng tôi không nên đi Ba-Lê, sao anh không cho biết lý do như mẹ tôi vừa nói?

Anh lắc đầu.

Tôi nói:

- Trong lúc tôi bối rối thế này, anh cũng nên góp ý kiến giúp tôi.

Lúc đó, anh mới nói:

- Tôi nghĩ rằng những ngày mới không nên làm lu mờ những người cũ. Cho đến ngày nay, gia đình anh là Lệ-Hoa, Yến-Chi, là An-Sinh và Bằng-Mai, đó là anh em và chị em của anh. Những người ấy đã quyến luyến yêu thương anh. Bây giờ một gia đình mới hiện ra. Gia đình này anh không biết và đã chẳng làm gì cho anh hơn là việc vứt anh ra ngoài đường. Đùng một cái, anh bỏ rơi những người đã tử tế với anh để theo những người chưa biết tử tế hay không nhưng đã thấy vẻ không tốt. Tôi cho rằng như thế không là công bình.

Bà Bảo-Liên ngắt lời Mã-Tư:

- Không nên đổ cho cha mẹ Lê-Minh vứt bỏ con mình như thế đâu! Có lẽ Lê-Minh bị người ta bắt trộm. Cha mẹ Lê-Minh đã thương nhớ và ngay từ ngày ấy đã cho người ta đi tìm.

- Tôi không biết. Tôi chỉ biết ông An-Thanh đã nhặt anh Minh hấp hối ở cổng ngoài, đem về cứu chữa và nuôi nấng như con đẻ và các con ông ấy An-Sinh, Bằng-Mai, Yến-Chi và Lệ-Hoa cũng thân yêu anh Minh như tình ruột thịt. Tôi có thể nói rằng những người đã nuôi anh Minh – trừ bà ra – cũng có quyền nhận lòng cảm mến của anh cũng như những người hoặc định tâm hoặc vô ý đã để mất anh. Ở gia đình ông An-Thanh mà tôi biết, mối tình của mọi người yêu thương anh là một tình thành thực phát tự đáy lòng. Đối với anh Minh, họ không có bổn phận gì cả.

Trong khi nói những câu đó, anh hầm hầm tức giận, không nhìn tôi và cũng không nhìn bà Bảo-Liên. Tôi rất buồn, nhưng xét ra những điều anh nói không phải là không hợp lý. Vả lại tôi là người có tính do dự, thường hay về phe với người nào nói cuối cùng.

Tôi nói:

- Anh Mã-Tư nói phải. Nhưng không phải là vô tình mà định đi Ba-Lê trước khi tôi đến thăm Yến-Chi và Lệ-Hoa.

Bà Bảo-Liên nhắc lại:

- Nhưng còn cha mẹ con!

Tôi quyết định bề nào, bèn hòa giải như sau:

- Chúng ta không thể đi thăm Yến-Chi được vì thế thì lâu quá. Vả lại Yến-Chi biết đọc và viết, chúng ta biên thư cho cô vậy. Nhưng trước khi đi Ba-Lê, chúng ta hãy rẽ vào Mộc-Văn ở Đơ-Di thăm cô Lệ-Hoa. Việc này làm cho ta chậm, nhưng không đến nỗi chậm lắm. Vì Lệ-Hoa không biết viết nên tôi quyết vì Lệ-Hoa mà định cuộc hành trình đó. Gặp cô tôi sẽ kể chuyện của An-Sinh. Bây giờ tôi viết thư và bảo cô Yến-Chi trả lời tôi về địa chỉ Mộc-Văn, tôi sẽ đọc thư của cô Yến-Chi cho cô Lệ-Hoa nghe.

Mã-Tư tươi cười nói:

- Hay lắm!

Chúng tôi nhất định sáng hôm sau khởi hành. Rồi cả buổi sáng, tôi ngồi viết thư cho Yến-Chi, cắt nghĩa cho cô biết tại sao tôi không đến thăm cô được như lòng tôi hằng mong.

Đến sáng hôm sau, lại một lần nữa, tôi chịu cái sầu biệt ly ở ngôi nhà này. Nhưng không đến nỗi đau khổ như ngày tôi rời làng Văn-Ông để theo ông Vỹ-Tiên. Tôi có thể hôn từ biệt bà Bảo-Liên và hứa một ngày kia sẽ cùng cha mẹ tôi tới thăm bà.

Suốt cả buổi chiều hôm trước, chúng tôi chỉ có một việc bàn sẽ nên biếu bà một vật kỷ niệm gì cho phải: tôi chả sắp trở nên giàu có là gì?

- Lê-Minh, con ơi! Không còn vật gì quý hơn con bò của con nữa.

- Tất cả những tiền của con cho ta khi con giầu có không làm cho ta sung sướng hơn và không thể nào bằng những vật cho ta lúc còn hàn vi.

Còn con bò nhỏ của chúng tôi nữa, chúng tôi cũng phải từ giã nó. Mã-Tư vuốt ve đầu nó mãi, con bò như cũng hiểu biết thè lưỡi liếm tay anh.

Đàn, túi lên vai, chúng tôi ra đi, Lãnh-Nhi chạy trước chúng tôi. Chúng tôi vui chân bước đều trên đường cái. Không hiểu sao thỉnh thoảng tôi lại rảo bước. Mã-Tư theo tôi một lúc rồi gọi tôi, anh bảo:

- Nếu cứ đi nhanh thế này thì không bao lâu, chúng ta không còn sức mà đi nữa.

Tôi đi chậm lại được một lúc rồi lại quen chân bước dài.

Mã-Tư vẻ mặt rầu rầu, hỏi tôi:

- Anh đi vội thế?

- Phải. Tôi tưởng anh cũng thích đi vội vì gia đình tôi là gia đình anh.

Anh lắc đầu. Tôi rất buồn nhìn bộ điệu đó mà tôi đã nhận thấy nhiều lần từ khi anh biết tôi có gia đình.

- Hai chúng ta chả phải là anh em hay sao?

- Ô! Giữa chúng ta thì như thế vì tôi không ngờ vực lòng anh, hôm nay tôi là em anh, ngày mai tôi vẫn là em anh. Điều đó tôi đã tin chắc và đã cảm thấy.

- Nhưng sao?

- Nhưng tại sao anh lại muốn tôi là anh em với các anh em anh, nếu anh có và là con của cha và mẹ anh?

- Vậy thì nếu tôi về Lục-Ca, tôi không phải là anh của Tuyết-Nga, em gái anh hay sao?

- Có lắm chứ!

- Vậy sao anh lại không muốn là anh em với anh, chị em tôi, nếu tôi có?

- Bởi vì không giống nhau, giống thế nào được, giống thế nào được.

- Về phương diện gì thế?

Mã-Tư nói:

- Vì tôi không được bọc trong những cái tả đẹp.

- Cái đó có “làm gì”?

- “Làm gì” lắm chứ. “Làm gì” nhiều chứ! Anh thử nghĩ mà xem. Nếu anh về Lục-Ca – nhưng bây giờ tôi trông thấy không bao giờ anh đi được – anh sẽ được những người nghèo tức là cha mẹ tôi mừng rỡ đón tiếp vì họ cũng nghèo như anh bây giờ. Nhưng nếu những cái tã đẹp nói thực, nếu lời đoán, bà Bảo-Liên đoán đúng và điều đó tất nhiên đúng, thì cha mẹ anh là những người giầu có và có lẽ sang trọng nữa. Còn tin sao được những người đó đón tiếp niềm nở một đứa trẻ khốn nạn như tôi?

- Còn tôi là cái gì, nếu tôi không phải là đứa trẻ khốn nạn như anh?

- Bây giờ thì thế. Nhưng mai kia anh sẽ là con nhà giầu sang, tôi sẽ vẫn là đứa trẻ khốn nạn như hôm nay. Người ta sẽ cho anh đi học, tìm thầy dạy cho anh. Còn tôi, tôi sẽ thui thủi một mình tiếp tục lang thang nay đây mai đó. Lúc đó, không biết anh còn nhớ đến tôi không? Lê-Minh còn nhớ đến Mã-Tư không?

- Ồ! Anh Mã-Tư thân mến, sao anh lại nghĩ vậy?

- Tôi nghĩ sao nói vậy. Vì thế, tôi không được hoàn toàn sung sướng trong sự vui thích của anh, nhất là vì chúng ta sắp phải xa cách nhau. Anh Minh ơi! Anh có biết đã bao lần tôi tưởng tượng, tôi mơ ước chúng ta sẽ sống với nhau suốt đời như bây giờ. Ồ! Nhưng không phải như bây giờ là những kẻ hát và diễn trò rong khốn nạn. Chúng ta cùng nhau học hỏi thêm, chúng ta sẽ trở nên những nhạc sĩ xứng đáng, có thể trổ tài trên những vũ đài xứng đáng và không bao giờ lìa nhau.

- Anh Mã-Tư ơi! Nguyện ước của anh vẫn không uổng. Nếu cha mẹ tôi giầu là giầu để cho tôi và cho anh. Nếu người ta cho tôi đi học, anh cũng sẽ đi học với tôi. Chúng ta ở bên nhau và học tập với nhau. Chúng ta không rời nhau, chúng ta đều lớn lên, và chung sống với nhau như ý muốn và cũng như lòng tôi mong ước một cách nhiệt liệt như anh. Tôi xin nói chắc với anh như thế.

- Anh phải biết lòng anh cũng mong ước như thế nhưng anh không phải là chủ gia đình như bây giờ anh là đoàn trưởng.

- Đây, anh hãy nghe tôi: nếu cha mẹ tìm tôi, tức là người thương tôi, phải không anh? Người thương tôi, người sẽ yêu tôi. Nếu người yêu tôi, người sẽ không nỡ từ chối những điều tôi xin. Và tôi sẽ xin những gì? Không ngoài việc trả ơn những người đã cứu vớt tôi, thương yêu tôi khi tôi bơ vơ lạc lõng: đó là bà Bảo-Liên, ông An-Thanh cùng các con ông là Yến-Chi, An-Sinh, Bằng-Mai, Lệ-Hoa và anh nữa. Ông An-Thanh sẽ được giúp đỡ để ra thoát chốn lao tù. Lệ-Hoa sẽ được cha mẹ tôi đưa về nuôi, chữa bệnh và cho đi học. Còn anh, anh sẽ học cùng một trường với tôi. Tôi tin rằng mọi việc sẽ được thực hành như thế. Nếu cha mẹ tôi giầu, tôi rất lấy làm thích vì cha mẹ tôi giầu là để gây dựng cho chúng ta.

- Về phần tôi, tôi thích cho cha mẹ anh nghèo.

- Anh ngu lắm.

- Có lẽ đúng.

Rồi anh không nói gì nữa, quay lại gọi Lãnh-Nhi. Lúc đó đến giờ nghỉ để ăn bữa sáng. Anh bế con chó lên tay nói chuyện với nó như với người:

- Có phải không? Lãnh-Nhi cũng thích cho cha mẹ Lê-Minh nghèo, phải không?

Nghe nhắc đến tên nó, Lãnh-Nhi nhẩy xuống kêu kít kít và để chân trước vào ngực.

- Với cha mẹ nghèo, chúng ta tiếp tục sống cuộc đời tự do, chúng ta tha hồ muốn đi đâu thì đi, và chúng ta chỉ lo có một việc làm sao cho các “quý khán giả” của chúng ta được vui thích.

- Ẳng ẳng!

- Trái lại, với cha mẹ giầu, Lãnh-Nhi sẽ bị nhốt vào một cái chuồng ở trong sân và chắc chắn là phải mang xích, cái xích mạ kền, nhưng cũng là cái xích, bởi vì những con chó không được phép vào những căn phòng lịch sự.

Tôi lấy làm giận Mã-Tư lắm, sao anh lại chúc cha mẹ tôi nghèo, đáng lẽ anh phải chia sẻ niềm vui của tôi, cầu nguyện cho giấc mộng của tôi thực hiện mới phải. Nhưng nghĩ lại, tôi rất lấy làm sung sướng nhận ra và hiểu thấu nguyên do nỗi buồn của anh – đó là một tình bạn chân thành, đó là cái đau đớn của cuộc phân ly sắp tới. Nếu chỉ vì thế mà anh buồn thì tôi nỡ nào lại trách anh vì anh đã biểu lộ lòng quyến luyến, dạ yêu thương tôi. Mã-Tư đã quyến luyến tôi, anh chỉ nghĩ đến tình yêu thương, anh không muốn chúng tôi phải xa rời nhau.

Nếu chúng tôi không phải kiếm tiền độ nhật, thì mặc Mã-Tư kêu ca, tôi cũng cứ đi nhanh. Nhưng chúng tôi phải dừng lại ở các làng lớn mà chúng tôi đi qua để diễn trò. Và trong khi chờ đợi cha mẹ tôi chia sẻ tiền bạc cho chúng tôi, chúng tôi hãy cứ tạm nhặt đó đây từng đồng xu nhỏ, kiếm một cách khó khăn và ưa may.

Thành ra từ Văn-Ông đến Mộc-Văn đi mất rất nhiều thì giờ hơn là chúng tôi đã tính trước. Vả lại, ngoài việc ăn hằng ngày, còn một lý do nữa khiến chúng tôi phải cố kiếm tiền thêm cho thực nhiều. Tôi không quên câu nói của bà Bảo-Liên, khi nhận bò đã bảo tôi:

“Tất cả những của cải con cho khi giầu có, không làm ta sung sướng bằng những vật con cho lúc con hàn vi”.

Và tôi cũng muốn cô bé Lệ-Hoa của tôi cũng được sung sướng như bà Bảo-Liên. Tôi sẵn lòng chia sẻ phú quý cho Lệ-Hoa. Nhưng trong khi chờ đợi, nhưng trước khi tôi trở nên giầu có, tôi muốn đem đến cho cô Lệ-Hoa một tấm quà mua bằng tiền tôi kiếm được, theo lời bà Bảo-Liên là thứ quà lúc hàn vi.

Vì thế khi qua tỉnh Đê-Sĩ, tôi liền mua một con búp-bê và một bộ đồ chơi, may sao không đến nỗi đắt bằng con bò.

Từ Đê-Sĩ đến Mộc-Văn, chúng tôi có thể đi gấp được vì những làng chúng tôi đi qua phần nhiều nghèo túng, người dân không dư tiền để đối xử rộng rãi với phường hát rong như chúng tôi. Từ tỉnh Sa-Long, chúng tôi đi ven bờ sông đào. Hai bên bờ, cây cỏ rậm rạp như rừng, nước chảy lững lờ, mấy chiếc xà lan do ngựa kéo nhẹ nhàng lướt trên mặt sông.

Cảnh tượng đó đã làm tôi nhớ lại thời sung sướng ở với bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên trên thuyền Thiên-Nga, tôi đã được chu du trên sông đào. Bây giờ, con thuyền Thiên-Nga ở đâu? Đã bao lần mỗi khi sang sông hay đi dọc bờ sông, tôi từng dò hỏi người ta xem có con thuyền du lịch nào có hiên, có buồng diễm lệ và thanh lịch, như thuyền Thiên-Nga qua đó không. Nhưng không ai biết cả. Có lẽ cậu An-Tuyên đã khỏi bệnh, bà Mỹ-Lưu cùng con đã trở về Anh-quốc rồi. Việc này có thể đúng và tin được. Tuy nhiên, lúc đi trên bờ sông Niên, tôi cứ với trông những con thuyền xa xa và tự hỏi không biết đó có phải là thuyền Thiên-Nga đang tiến về phía chúng tôi không?

Lúc đó là mùa thu. Những ngày đường của chúng tôi ngắn hơn về mùa hè. Chúng tôi phải tính toán đi sao cho tới những làng trước khi trời tối để tìm chỗ trú. Chúng tôi thường phải rảo bước, thế mà trong đoạn đường cuối cùng, đến tối chúng tôi mới tới Mộc-Văn.

Muốn đến nhà bà Cát-Tường, chúng tôi phải theo dọc bờ sông vì chồng bà giữ việc coi đập sông ấy. Nhà bà ở ngay bên cạnh đập, chúng tôi tìm thấy ngay. Ngôi nhà đó ở đầu làng giữa cánh đồng cỏ, xa xa có nhiều cây cao lềnh bềnh trong đám sương mù. Tim tôi hồi hộp khi đến gần ngôi nhà đó, một ánh sáng đo đỏ ở lò sưởi chiếu qua cửa xuống mặt đường.

Chúng tôi đến nơi nhà đã đóng cửa rồi. Nhưng nhìn qua cửa sổ không cánh chớp, không màn che, tôi thấy Lệ-Hoa ngồi trước bàn ăn cùng bà Cát-Tường, một người đàn ông có lẽ là chồng bà ngồi quay lưng về phía chúng tôi.

Mã-Tư nói:

- Nhà đang ăn. Rất hay cho ta.

Tôi, một tay ra hiệu cho anh im, một tay vẫy Lãnh-Nhi về phía sau tôi, không được sủa. Nhắc cây thụ-cầm trên vai xuống, tôi sửa soạn để gẩy.

Mã-Tư thì thầm:

- Phải đấy! Anh có ý hay! Dạo một khúc đàn xem sao!

Anh để một mình tôi gẩy.

Rồi tôi bắt đầu gẩy bài “Tình-ca”, tôi không hát vì sợ lộ tiếng của tôi.

Trong khi tôi đánh đàn, tôi nhìn Lệ-Hoa. Cô chợt ngửng đầu lên, tia mắt chiếu ra như một luồng chớp. Tôi cất tiếng hát. Cô vội tụt xuống ghế, chạy ra cửa. Tôi vội đưa đàn cho Mã-Tư xong, thì Lệ-Hoa đã ở trong cánh tay tôi.

Người ta mời chúng tôi vào nhà. Bà Cát-Tường hôn tôi, rồi dọn hai xuất ăn lên bàn.

Tôi xin bà bày thêm cho một xuất thứ ba.

Tôi nói:

- Thưa bà, chúng tôi còn có một người bạn gái nhỏ nữa đi theo.

Rồi tôi lấy ở trong hành lý ra một con búp-bê xinh đẹp, tôi đặt ngồi bên cạnh Lệ-Hoa. Lệ-Hoa nhìn tôi, cái nhìn đã nói rất nhiều, tôi không bao giờ quên được, tôi còn trông thấy bây giờ.

Chương XXXII

bảo liên

Nếu tôi không vội đi Ba-Lê, tôi sẽ ở lại lâu, rất lâu với Lệ-Hoa. Chúng tôi có nhiều chuyện nói với nhau, và chúng tôi có thể nói rất ít lời bằng cách đàm thoại mà chúng tôi vẫn dùng.

Lệ-Hoa kể lại cho tôi nghe từ ngày về Mộc-Văn, cô, chú đã chiều mến thế nào. Ông bà Cát-Tường đã sinh hạ năm đứa con, ngày nay chẳng còn đứa nào chỉ vì bà Cát-Tường cũng như phần đông phụ nữ miền này hay bỏ nhà để ra Ba-Lê làm vú em. Vì thế Lệ-Hoa được cô chú coi như con đẻ. Lệ-Hoa lại kể những công việc hằng ngày cô phải làm và những cuộc giải trí của cô: câu cá, bơi thuyền và vào rừng chơi vì cô không đi học nên rất rỗi.

Còn tôi, tôi hỏi cô có nhận được tin tức của cha cô không, và kể cho cô nghe những việc xảy ra sau ngày chia tay cô: tôi suýt bị vùi trong mỏ nơi An-Sinh làm thế nào và khi về thăm mẹ nuôi tôi, cho tôi biết gia đình tôi đang tìm tôi; vì thế tôi không thể đi thăm Yến-Chi như tôi mong muốn.

Lẽ cố nhiên, tôi nói về gia đình tôi nhiều hơn cả, nhà tôi giàu và tôi nhắc lại cho cô nghe cả những điều tôi đã nói với Mã-Tư. Một khi tôi khá giả, tôi nguyện làm cho mọi người sung sướng: cha cô, anh chị cô và nhất là cô.

Lệ-Hoa không được lịch duyệt sớm như Mã-Tư và tốt nghiệp ở trường huấn luyện Phú-Lợi ra, nên cô tin rằng những người giàu có là những người sung sướng nhất đời và tiền của là một đạo bùa mầu nhiệm như trong các chuyện thần thoại – có thể thỏa mãn lập tức những gì người ta ao ước.

Phải chăng, chỉ vì nghèo khổ mà cha cô phải vào nhà lao? Phải chăng chỉ vì nghèo, mà gia đình cô phải tan tác? Dù là tôi giàu, dù là cô giàu, cái đó không cần lắm vì kết quả vẫn là một: Chúng tôi được sung sướng. Và cô chỉ để tâm có hai điều này: đoàn viên và hạnh phúc.

Chúng tôi không những ngồi nói chuyện bên đập sông, nước chảy rì rào qua những cánh ngăn, chúng tôi còn cùng nhau đi ngoạn cảnh trong rừng, ngoài ba chúng tôi còn có hai bạn nữa là Lãnh-Nhi và cô Búp-bê lúc nào cũng ở cạnh chúng tôi.

Trong những cuộc chu du của ông Vỹ-Tiên cùng tôi qua khắp nước Pháp và trong những cuộc đi vừa rồi của tôi và anh Mã-Tư, tôi chưa từng được xem cảnh nào đẹp mắt hơn chỗ chúng tôi đang ở bây giờ. Rừng rậm bao la, có đồng bát ngát, nào núi đá, nào đồi cây, nào hang thạch nhũ, nào thác gieo bọt trắng, nào hồ phẳng lặng như gương. Trong thung lũng hẹp hơn bên sườn núi đứng thẳng như những bức tường, giữa chảy một dòng nước quanh co như rắn lượn.

Phong cảnh thực ngoạn mục. Người ta chỉ nghe thấy tiếng suối chảy, tiếng chim ca, tiếng gió thổi qua những cành lá rì rào.

Mấy năm trước đây, ở trại trồng hoa tôi đã được xem phong cảnh thung lũng Bích-Giang và đã lấy làm đẹp. Thì ra nơi nào tôi cùng dạo chơi với Lệ-Hoa là nơi ấy có nhiều cảnh thơ mộng. Vùng Niên-Khê diễm lệ này in sâu vào trí óc tôi không bao giờ phai lạt được.

Chiều đến, những khi trời xấu, chúng tôi ở nhà, những lúc sương sa chúng tôi họp chung quanh lò sưởi. Để đẹp lòng Lệ-Hoa, tôi gẩy thụ-cầm, Mã-Tư kéo vĩ-cầm hoặc thổi kèn. Nhưng Lệ-Hoa thích nghe thụ-cầm hơn khiến tôi rất hào hãnh. Trước khi chia tay để đi ngủ, Lệ-Hoa thường yêu cầu tôi cho nghe khúc Tình-ca. Tôi lại cất tiếng hát khiến cho buổi tối đã đầm ấm lại êm đềm hơn.

Ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Tôi sắp sửa phải từ biệt Lệ-Hoa và từ biệt miền này để đi Ba-Lê. Tôi vẫn ao ước có một ngày phong lưu. Ngày ấy sắp đến, có thể nói là đã đến. Bây giờ tôi chỉ ấp ủ một nguyện vọng mong sao chóng được thực hiện.

Câu cuối cùng của tôi, “ra hiệu” nói với Lệ-Hoa đã biểu lộ cái mộng tưởng chân thành của tôi:

- Tôi sẽ đem xe bốn ngựa về đón cô!

Cô hiểu lắm, cô lấy tay ra hiệu quất ngựa vì cô trông thấy xe ngựa đó cũng như chính tôi đã trông thấy. Tuy nhiên, trước khi đi xe bốn ngựa về Mộc-Văn, tôi phải “cuốc bộ” trên đường từ Mộc-Văn về Ba-Lê, và nếu không có bạn Mã-Tư thì tôi đậu rất ít ở các làng cốt kiếm sao cho qua ngày để cho mau chóng tới Ba-Lê. Vì tôi nghĩ bây giờ cần gì phải làm việc nhiều; chúng tôi không cần phải mua bò, mua búp-bê nữa, miễn sao cho túc dụng hàng ngày. Không phải việc tôi phải đem tiền về cho cha mẹ, nhưng Mã-Tư không đồng ý với tôi về điểm đó.

Mã-Tư bắt tôi phải cầm lấy đàn và bảo:

- Chúng ta có thể kiếm được bao nhiêu, ta cứ kiếm. Chắc đâu về Ba-Lê tìm thấy ngay Bảo-Liên.

- Nếu ta không tìm thấy ông ta buổi trưa thì đến hai ba giờ cũng tìm thấy, vì phố Mục-Tảo không dài lắm.

- Nếu ông ấy không còn ở phố Mục-Tảo nữa thì sao?

- Chúng ta tìm chỗ mới của ông ta.

- Nếu ông ấy lại trở về Văn-Ông thì sao? Lúc đó lại phải viết thư và đợi trả lời. Trong thời gian đó, chúng ta sẽ sống bằng gì, nếu trong túi không có tiền? Anh cũng chưa quen đường ở Ba-Lê lắm. Anh đã quên lò đá Gentilly rồi hay sao?

- Không.

- Tôi, tôi cũng không quên bức tường Nhà Thờ Thánh Mê-Đa, tôi đã tựa lưng vào tường đó để khỏi ngã gục vì tôi lả - Tôi không muốn nhịn đói ở Ba-Lê.

- Chúng ta sẽ ăn no khi đến nhà cha mẹ tôi.

- Đã chắc đâu tìm ngay được. Chúng ta nên làm việc như là chúng ta cần mua một con bò đem về cho cha mẹ anh.

Đó là một lời khuyên rất khôn ngoan. Nhưng xin thú thực, tôi hát kém đi, không cố gắng bằng lúc phải mua bò cho bà Bảo-Liên hay mua búp-bê cho Lệ-Hoa.

Mã-Tư bảo tôi:

- Nếu anh giàu có, anh sẽ thành lười biếng.

Đến tỉnh Cốt-Bây, chúng tôi lại ra con đường mà trước đây sáu tháng chúng tôi đã theo con đường ấy để đi từ Ba-Lê về Văn-Ông. Và trước khi tới Villejuif, chúng tôi rẽ vào cái trại có đám cưới mà chúng tôi đã giúp vui trong bước đầu của chúng tôi. Chú rể và cô dâu nhận ra chúng tôi và yêu cầu chúng tôi hòa nhạc cho hai vợ chồng khiêu vũ. Người ta cho chúng tôi ăn ngủ trong đêm đó.

Sáng hôm sau, từ trại ấy chúng tôi vào Ba-Lê. Tính ra đúng sáu tháng mười bốn ngày, chúng tôi lại được trở về Kinh Đô.

Nhưng ngày về khác hẳn ngày đi. Trời u ám và lạnh. Người ta không thấy mặt trời, ở hai bên bờ đường, hoa đã tàn và cỏ cũng kém màu xanh. Nắng hè đã hết phận sự, đến lượt những áng sương đầu thu. Không còn những cánh hoa đinh hương ở nóc tường gieo xuống đầu chúng tôi nữa mà là những chiếc lá khô ở trên những cành vàng úa rơi xuống. Cảnh buồn nhưng lòng “chúng tôi” vẫn vui. Tôi nói “chúng tôi”, như thế không đúng vì chỉ có tôi cảm thấy vui, một mình tôi thôi. Tôi nghĩ sắp đến lúc được người mẹ, người mẹ thực sự và người cha gọi tôi là con, hôn tôi, ấp ủ tôi thì cảm xúc trong lòng tôi cuồn cuộn dâng lên.

Còn Mã-Tư, càng về gần tới Ba-Lê trông anh càng ủ dột, lắm lúc hàng mấy tiếng đồng hồ, anh không hề nói một câu nào. Tuyệt nhiên anh không thổ lộ nỗi buồn về cuộc phân ly sắp tới. Tôi không muốn nhắc lại những lời tôi đã nói với anh bao nhiêu lần là mẹ tôi sẽ không bao giờ lại chia rẽ anh và tôi. Mãi đến lúc chúng tôi nghỉ để ăn bữa sáng, anh ngồi trên hòn đá vừa cầm miếng bánh ăn vừa thổ lộ cho tôi nghe những điều mà tôi đã thắc mắc:

- Anh có biết lúc bước chân vào Ba-Lê này, tôi nghĩ đến ai không?

- Đến ai?

- Đến một người. Người đó là Phú-Lợi. Không biết hắn đã mãn hạn tù chưa? Khi người ta cho tôi biết là hắn bị tù, tôi quên không hỏi thời hạn. Rất có thể hắn đã được tha và bây giờ đang ngồi lù lù ở nhà phố Lục-Sinh. Chúng ta phải đến hẻm Mục-Tảo tìm Bảo-Liên thì hẻm này ở ngay trước cửa nhà Phú-Lợi. Vô phúc chúng ta gặp hắn thì làm thế nào? Hắn là thầy tôi, là chú tôi, hắn có quyền bắt tôi và tôi không sao trốn được nữa. Anh, trước kia anh sợ Bảo-Liên thế nào thì bây giờ tôi cũng sợ Phú-Lợi như thế. Trời ơi! Sẽ khổ cho cái đầu của tôi! Cái khổ đau đầu còn chịu được nhưng cái khổ không được nhìn thấy anh nữa thì ghê gớm biết nhường nào? Còn điều này nữa, cuộc chia rẽ tôi với gia đình tôi không nói làm gì, nhưng cuộc chia rẽ anh với gia đình anh thì khốn khổ đến mực nào! Vì rất có thể Phú-Lợi bắt cả anh và giáo dục anh như những học trò của hắn bằng roi, bằng nhịn đói. Chắc anh không muốn vào trường đó và tôi cũng không muốn làm bạn học với anh. Vậy anh tính thế nào?

Cái hy vọng lớn lao của tôi đã làm cho tôi quên hẳn Phú-Lợi. Tất cả những điều Mã-Tư vừa nói có thể xảy ra được. Phải tránh cái nguy hiểm đem nộp mình cho Phú-Lợi.

Tôi hỏi anh:

- Ý anh thế nào? Anh không muốn vào Ba-Lê?

- Tôi không muốn đến hẻm Mục-Tảo sợ chạm trán Phú-Lợi.

- Nếu anh không muốn đến phố ấy, tôi sẽ đến một mình. Anh đợi một chỗ nào đó. Độ bẩy giờ tối thì tôi trở lại đón anh.

Chúng tôi hẹn đợi nhau ở đầu cầu Nhà Chung sau Nhà Thờ Đức Bà. Bàn định xong, chúng tôi tiến vào Ba-Lê.

Đến công trường Ý-Đại-Lợi, chúng tôi chia tay, cảm động như không bao giờ tái ngộ nữa. Anh cùng Lãnh-Nhi xuống vườn Bách-Thảo, còn tôi đi về phố Lục-Sinh, cũng ở gần đấy.

Là lần thứ nhất trong sáu tháng nay, tôi đi một mình không có Mã-Tư, không có Lãnh-Nhi bên cạnh. Tôi cảm thấy trống rỗng và buồn tênh. Nhưng tôi dẹp ngay được mối buồn đó, tôi chả sắp được gặp Bảo-Liên và do Bảo-Liên được thấy gia đình tôi hay sao?

Tôi đã ghi vào mẩu giấy tên họ và địa chỉ những chủ trọ của Bảo-Liên. Nhưng không cần đến vì tôi đã thuộc lòng những tên và chỗ ấy: Hai-Giô, Ba-Bô và Tư-Chớp.

Tôi vào hẻm Mục-Tảo, qua nhà Hai-Giô trước tiên. Đó là một hàng cơm nhơm nhếch ở từng dưới một ngôi nhà gác có đủ giường phản. Tôi mạnh bạo bước vào. Nhưng bằng giọng run run hỏi:

- Ông Bảo-Liên, có ở đây không?

- Bảo-Liên là ai nhỉ?

- Bảo-Liên ở làng Văn-Ông.

Rồi tôi ta hình dáng Bảo-Liên, cái hình dáng ngày xưa của ông ta khi mới ở Ba-Lê về: mặt khắc nghiệt, đầu vẹo sang bên phải.

- Không có ai như thế. Tôi không biết.

Tôi đi xa hơn chút nữa tìm đến nhà Ba-Bô là một lữ quán có phòng đủ đồ đạc cho thuê. Lại có bán thêm hoa quả nữa. Tôi nhắc lại câu hỏi ở quán trọ trước.

Mới đầu, tôi hỏi chẳng ai nghe thấy gì. Người chồng đang bán bánh đúc và cắt bằng cái dao như dao thợ nề, người chồng mải cãi nhau với một khách hàng vì họ bớt một xu. Tôi hỏi đi hỏi lại đến lần thứ ba, người chồng mới trả lời:

- À, phải, Bảo-Liên… đã lâu có ở đây. Đến bốn năm rồi!

Người vợ cải chính:

- Đã năm năm chứ lại. Hắn ta còn nợ nhà này một tuần lễ tiền trọ, chưa trả. Vậy bây giờ, hắn ở đâu, thằng vô lại ấy?

Hắn ở đâu? Chính tôi cũng đang đi hỏi mà người ta lại hỏi tôi. Chán quá. Tôi chỉ còn biết hỏi Tư-Chớp nữa thôi. Nếu người này không biết nốt thì tìm đâu cho thấy Bảo-Liên bây giờ?

Cũng như Hai-Giô, Tư-Chớp bán hàng cơm. Khi tôi vào nhà, ông ta đang làm bếp và dọn ăn cho một bọn người đang ngồi bàn.

Tôi lại hỏi Tư-Chớp, lúc ông ta tay cầm vá đang múc súp cho khách ăn.

Ông ta trả lời:

- Bảo-Liên à? Ông ta không ở đây nữa.

Tôi run lên và hỏi:

- Thế bây giờ Bảo-Liên ở đâu?

- Ai biết được!

Tôi choáng voáng, trước mắt tôi, những cái soong như nhẩy rập rờn trên bếp.

Tôi nói:

- Tôi biết tìm ông ta ở đâu bây giờ?

- Ông ta không để lại địa chỉ.

Mặt lộ một vẻ thất vọng đáng thương, một người khách đang ăn ở bàn bên cạnh bếp, hỏi tôi:

- Em tìm Bảo-Liên có việc gì?

Tôi không thể nói thực và kể chuyện riêng của tôi ra. Tôi nói:

- Tôi vừa ở Văn-Ông quê ông ta, đến đây. Để báo tin tức nhà cho ông ta biết, vợ ông ta bảo tôi đến tìm ông ta ở đây.

Tư-Chớp bảo người khách vừa hỏi tôi:

- Nếu ông biết, ông chỉ giúp cho em bé này, nó không có chuyện gì hại cho Bảo-Liên phải không?

- Thưa ông, không.

Tôi tỉnh người, hy vọng.

- Bảo-Liên bây giờ tất ở khách sạn Khang-An đường Hốt-Linh, vì cách đây ba tuần lễ, tôi có gặp ông ta ở đấy.

Tôi cảm ơn và đi ra. Chỗ ấy gần phố Lục-Sinh, tôi nghĩ nên rẽ vào hỏi dò tin tức Phú-Lợi cho Mã-Tư. Tôi đi vài bước tìm ngay thấy lối vào nhà ngày xưa tôi đến với ông Vỹ-Tiên. Cũng như lần trước tôi thấy một ông già, ông già năm xưa đang mắc những giẻ rách vào tường ngoài sân. Có lẽ ông ta chỉ làm một công việc này từ mấy năm nay.

Tôi hỏi:

- Ông Phú-Lợi đã về chưa?

Ông già nhìn tôi rồi ho xù xụ một hồi không trả lời tôi. Tôi nghĩ nên làm như tôi biết rõ Phú-Lợi ở đâu rồi, nếu không thì “ông già giẻ rách” kia không chịu rỉ răng.

Tôi làm ra bộ đắc chí nói:

- Phú-Lợi còn ở trong ấy, có lẽ buồn lắm nhỉ?

- Buồn, nhưng thì giờ cứ việc đi chứ!

- Nhưng thì giờ đi nhanh cho chúng tôi hơn là cho ông ta.

Ông già toan cười về câu khôi hài của tôi, nhưng lại bị một cơn ho dài hơn bật ra trước.

Đợi cho ông ta hết ho, tôi hỏi:

- Ông có biết chừng nào ông ta về không?

- Ba tháng.

Phú-Lợi còn ngồi tù ba tháng nữa. Mã-Tư sẽ dễ thở, vì trong ba tháng nữa, cha con tôi đủ thì giờ tìm cách ngăn cản kẻ hung ác không được hành hạ cháu.

Tôi vui vẻ đi tìm khách sạn Khang-An, tôi vào ngõ Hốt-Linh, chứa chan hy vọng và có một ý tưởng khoan hồng về Bảo-Liên.

Dù sao, Bảo-Liên cũng không đến nỗi độc ác như bộ mặt ông ta, không có ông ta, có lẽ tôi đã bị chết đói, chết rét ở lề phố Bảo-Tương. Ông ta có dứt tôi ra ở trong lòng bà Bảo-Liên để bán tôi cho ông Vỹ-Tiên thực đấy, nhưng lúc đó ông ta không có cảm tình với một đứa trẻ lớn lên mà ông ta không nhìn thấy bao giờ, vả lại khi người ta nghèo khó thì người ta hay nghĩ quẩn và làm những việc không hay. Bây giờ ông ta đang tìm tôi, tôi phải biết ơn ông ta. Tôi phải quên cái oán thù đã dung dưỡng trong đầu óc tôi từ ngày ông Vỹ-Tiên kéo cổ tay tôi lôi đi, mới phải. Đối với ông ta, tôi phải tỏ ra tri ân. Nếu không phải là một bổn phận phải yêu thương ông ta như đối với bà Bảo-Liên thì cũng là một bổn phận phải tử tế với ông ta mới không trái với lương tâm.

Không mấy lúc tôi đã tìm đến khách sạn Khang-An, gọi là khách sạn nhưng chỉ là một lữ điếm tồi tàn. Chủ nhà là một bà cụ già vừa có bệnh run gân vừa nặng tai.

Khi tôi hỏi, bà ta đưa cái ống nghe lên tai và bảo tôi nói lại. Bà nói nhỏ:

- Tôi hơi nghễnh ngãng.

- Tôi muốn gặp Bảo-Liên, Bảo-Liên ở Văn-Ông. Ông ta trọ ở đây. Phải không?

Không trả lời, bà ta giơ cả hai tay lên trời một cách bất thần làm cho con mèo nằm ở đầu gối bà nhẩy bổ nhào xuống đất.

Bà kêu:

- Trời ơi!

Bà hỏi tôi:

- Mày là đứa con phải không?

- Đứa con nào?

- Đứa con người ta tìm.

Nghe câu này, tôi cuống quít. Tôi kêu:

- Ông Bảo-Liên…

- Quá cố. Phải gọi là ông “Bảo-Liên quá cố”.

Tôi đứng không vững phải tỳ lên cây thụ-cầm. Tôi xúc động quá, giọng nghẹn ngào, cố kêu to lên cho bà ta nghe rõ:

- Ông ta chết thật à?

- Đã tám hôm nay, ở Nhà Thương Thánh Ăng-Toan.

Tôi mê mẩn như người mất hồn.

Bảo-Liên chết rồi! Làm thế nào tìm được gia đình tôi? Làm thế nào gặp được cha mẹ tôi?

Bà già nói tiếp:

- Thế mày là đứa con nhà giầu mà Bảo-Liên định tìm để đưa về cho cha mẹ mày à?

Tôi tỉnh ngay lại, bám riết vào câu nói đó, tôi nói:

- Bà biết rõ à?

- Ta biết những lời ông ta kể, ông Bảo-Liên tội nghiệp ấy. Ông ta nói ông ta bắt được một đứa con bỏ đường đem về nuôi, bây giờ nhà mất con muốn chuộc lại. Ông ta về Ba-Lê tìm đứa con ấy.

Tôi thở dồn như người hết hơi và hỏi:

- Thế còn gia đình? Gia đình tôi?

- A! Thế ra chính cậu là đứa con? A! Chính cậu? Chính là cậu?

Hỏi xong bà lung lay cái đầu, trố mắt nhìn vào mặt tôi. Nhưng tôi không để bà nhìn mãi, tôi hỏi:

- Thưa bà, xin bà kể hết cho cháu nghe.

- Nhưng tôi không biết gì hơn là những câu vừa kể lại cho cậu nghe, cậu ạ, cậu công tử ạ.

- Xin bà cho cháu biết tất cả những điều Bảo-Liên đã nói, những điều dính dáng về gia đình cháu, thưa bà, bà hãy nhìn xem cháu rất cảm động, bối rối và lo buồn.

Không trả lời tôi, bà lại vụt tay giơ lên trời, nói:

- Này câu chuyện lạ quá!

Lúc đó có một người đàn bà ăn mặc như người ở vào chỗ tôi đang hỏi chuyện, bà già bỏ tôi, quay ra khoe với người đàn bà ấy rằng:

- Này câu chuyện lạ quá! Cậu bé này, cậu công tử này, chị coi, chính là đứa con mà Bảo-Liên nói chuyện hôm nọ. Đứa con tìm đến mà Bảo-Liên đã đi đời rồi! Có kỳ không?

Tôi nói:

- Bảo-Liên có bao giờ nói đến gia đình tôi không? Thưa bà.

- Đến hơn hai mươi lần, hơn trăm lần rằng: gia đình ấy giầu nứt đố đổ vách.

- Gia đình ấy ở đâu? Tên là gì?

- Ấy đó. Bảo-Liên không bao giờ nói đến cả. Cậu có hiểu không? Ông ta giữ bí mật. Ông ta muốn hưởng một mình. Đó cũng là lẽ công bình. Nhưng ông ta cũng quỷ quái lắm.

Than ôi! Tôi có hiểu. Tôi hiểu lắm: Bảo-Liên đã đem theo tất cả cái bí ẩn về nguyên ủy của tôi xuống suối vàng rồi!

Tôi đã đi gần tới đích rồi mà trật. Thôi rồi mộng đẹp! Thôi rồi hy vọng!

Tôi lại hỏi bà già:

- Bảo-Liên còn kể chuyện với ai nhiều hơn bà nữa không?

- Bảo-Liên không ngu mà nói với mọi người. Kể ông ta cũng hơi ác!

- Bà có thấy ai là người nhà tôi đến tìm Bảo-Liên không?

- Không thấy ai cả.

- Chắc Bảo-Liên cũng có bè bạn biết chuyện.

- Ông ta chẳng có bạn bè nào.

Tôi lấy hai bàn tay đỡ trán, nhưng nghĩ mãi không tìm thấy gì để tự hướng dẫn. Vả tôi xúc động quá, bối rối quá không sao nghĩ sâu rộng hơn được nữa.

Nghĩ ngợi một lúc lâu, bà già nói thêm:

- Có một lần ông ta nhận được một bức thư, bức thư bảo đảm.

- Ở đâu đến?

- Tôi không biết. Người phu trạm trao tay cho ông ta. Tôi không nhìn được con dấu.

- May ra người ta có thể tìm được lá thư đó.

- Khi được tin ông ta chết. Tôi đã tìm khắp nhà xem ông ta có còn để lại gì không. Không phải là tò mò, nhưng để báo tin cho vợ ông ta biết. Nhưng chẳng tìm thấy gì là di tích của ông ta cả. Ở Nhà Thương cũng không. Người ta tìm ở túi ông ta, cũng không thấy một giấy tờ gì. Nếu lúc vào ông ta không khai là ở Văn-Ông, có lẽ người ta cũng không biết đâu mà báo tin cho vợ ông ta.

- Thế bà Bảo-Liên tất nhiên được biết tin dữ đó?

- Ai mà biết được.

Tôi đứng ngẩn ra, chẳng nói được câu gì. Nói gì bây giờ? Hỏi gì bây giờ? Người ta đã nói hết cho tôi nghe những gì người ta biết. Người ta không biết hơn gì nữa. Vì Bảo-Liên cốt giấu kia mà. Tôi cảm ơn bà chủ khách sạn rồi đi ra.

Bà già gọi giật tôi lại:

- Cậu định đi đâu bây giờ?

- Tìm người bạn tôi.

- A! Cậu có một người bạn?

- Có chứ.

- Bạn cậu ở Ba-Lê?

- Chúng tôi mới đến Ba-Lê sáng nay.

- Nếu các cậu chưa có chỗ trọ, các cậu có thể ở đây được. Ở đây dễ chịu, tôi có thể khoe thế, đây là một nhà thật thà. Cậu nên nghĩ xa một chút. Nếu gia đình cậu đợi lâu không thấy tin tức Bảo-Liên, tất nhiên phải lùng đến đây, chứ không đến chỗ khác. Lúc đó, cậu sẵn sàng ra đón tiếp gia đình cậu, thế có hay không? Nếu cậu đi, thì gia đình cậu biết đâu mà mò? Tôi nói thế là có lợi cho cậu, cậu nên nghĩ kỹ. Thế bạn cậu bao nhiêu tuổi?

- Bạn tôi kém tuổi tôi.

- Cậu hãy coi xem. Hai trẻ thơ dại ở đất Ba-Lê này, có thể gặp nhiều người không tốt. Có những lữ quán chứa toàn phường vô lại. Không được yên ổn như ở đây đâu, cậu nhìn ra phố thì biết.

Tôi không đồng ý lắm là phố này yên ổn. Nói gì thì nói, khách sạn Khang-An chỉ là một quán trọ bẩn thỉu và tồi tàn vào hạng nhất mà tôi từng thấy. Tuy nhiên, trong những ngày phiêu lưu của tôi, tôi còn trông thấy những quán trọ khổ hơn thế nhiều. Nhưng lời bà chủ khách sạn vừa nói nghe cũng xuôi tai. Hơn nữa, bây giờ cũng không phải là lúc để tôi tỏ ra khó tính; tôi chưa tìm thấy gia đình tôi, gia đình giầu có của tôi, để tôi được ở những khách sạn đẹp nhất trên các đại lộ hay ở trong những tòa lâu đài lộng lẫy nếu cha mẹ tôi cư trú ở Ba-Lê. Nếu tôi định ở khách sạn Khang-An này thì không phải trả nhiều tiền, tôi phải nghĩ đến các khoản tiêu mới được. Anh Mã-Tư thực là người lịch duyệt, anh đã khuyên tôi phải kiếm tiền từ Mộc-Văn đến Ba-Lê là phải. Nếu chúng tôi không có 17 phật-lăng trong túi, thì chúng tôi bây giờ sẽ trở nên thế nào?

Tôi hỏi bà chủ:

- Bà cho thuê bao nhiêu tiền buồng một ngày?

- Mỗi ngày mười xu, không đắt chứ?

- Vậy chiều nay tôi và bạn tôi sẽ dọn đến.

- Nên đến sớm thì hơn. Đi khuya ở Ba-Lê hay có chuyện bực mình.

Trước khi trở về đây, tôi phải đi đón Mã-Tư ở chỗ đã hẹn. Vì còn sớm nhiều, tôi không biết phải làm gì, nên tôi thẫn thờ ra vườn Bách-Thảo, đi tản bộ chán, tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế dài. Chân tôi đau nhừ, óc tôi như dại. Tôi vừa bị rớt xuống thình lình, bất ngờ và thật lực. Vậy ra tôi phải chịu tất cả những tai biến, hết nạn nọ đến nạn kia và mỗi lần tôi giơ tay ra để bám víu, cái cành mà tôi vớ được lại gẫy cắc dưới tay tôi làm cho tôi ngã xuống, và cứ bám cứ ngã luôn luôn như thế. Trong lúc mà tôi cần đến Bảo-Liên, Bảo-Liên vì mục đích làm tiền, cố ý dấu tên người – có lẽ là cha tôi – đã ủy thác ông ta tìm tôi, cái chết đột nhiên của Bảo-Liên phải chăng là một sự rủi ro tàn khốc cho tôi?

Mắt cương lệ, ngồi một đầu ghế dưới bóng cây xanh, tôi đang nghĩ gần nghĩ xa, chợt có một ông và một bà lịch sự đến ngồi vào chiếc ghế đối diện với ghế của tôi. Một em bé kéo cái xe ngựa con, lẽo đẽo đi sau. Người cha gọi con, em bé bỏ xe chạy lại, giơ hai cánh tay vào cha, người cha ôm lấy con hôn vào tóc rồi đẩy sang chỗ người mẹ. Người mẹ lại ôm lấy con và hôn đúng đám tóc người cha vừa hôn. Em bé cười như nắc nẻ, lấy bàn tay trắng mập vỗ vào má người cha và người mẹ một cách rất yêu thương.

Trước cảnh đó, trước cái sung sướng của hai cha mẹ và cái vui của đứa con, tôi thấy nguồn lệ trong lòng dâng lên và không cầm được nước mắt. Tôi chưa bao giờ được yêu dấu như thế. Chính bây giờ tôi đang hy vọng có ngày được yêu dấu như thế. Một ý nghĩ chợt nẩy trong óc tôi. Tôi cầm đàn và đánh nhẹ nhàng một bài khiêu vũ cho em bé nhẩy chơi. Người cha lại gần đưa cho tôi một đồng bạc trắng. Tôi từ chối một cách rất lễ phép. Tôi nói:

- Thưa ông, cháu không dám lấy. Xin ông cho cháu một dấu thương yêu cũng như ông vừa cho em bé xinh tươi kia, cháu rất sung sướng.

Ông lấy làm lạ, nhìn tôi và chưa kịp nói gì thì người coi vườn vừa đến. Mặc dầu ông khách can thiệp, anh ta đuổi tôi ra khỏi vườn ngay nếu không tôi sẽ bị ngồi tù về tội đánh đàn kiếm tiền trong vườn Bách-Thảo.

Tôi đeo đàn lên vai và đi ra, thỉnh thoảng lại ngoảnh lại nhìn cha mẹ em bé, hai người cũng theo dõi tôi bằng con mắt thương hại. Lúc đó chưa đến giờ đón Mã-Tư, tôi lượn quanh bến xem nước chảy.

Đêm đến. Đèn phố đã thắp sáng. Tôi nhìn về phía Nhà Thờ Đức-Bà, hai ngọn tháp đen đen đâm lên trên nền trời đỏ tía của buổi hoàng hôn vừa tắt. Đằng sau Nhà Thờ có chiếc ghế dài, tôi liền chạy đến ngồi nghỉ vì hai chân đã mỏi rời. Chưa bao giờ tôi thấy mệt và chán nản như thế. Lòng tôi buồn, cảnh vật chung quanh cũng tẻ ngắt. Ở giữa kinh đô đầy ánh sáng, huyên náo và tấp nập thế mà tôi thấy trơ vơ, lạc lõng hơn là những nơi đồng rộng rừng sâu.

Những người qua lại trước mặt tôi thường ngoảnh lại nhìn tôi. Họ tò mò hay họ thương tôi, tôi cũng chẳng cần biết, vì chẳng ích lợi gì cho tôi.

Tôi chỉ có một thứ để giải buồn là ngồi đếm những tiếng đồng hồ đánh ở chung quanh tôi và tính còn bao nhiêu nữa sẽ được gặp Mã-Tư. Nghĩ đến sắp được trông thấy đôi mắt trìu mến và nét mặt tươi cười của Mã-Tư, thì lòng tôi phấn khởi hẳn lên, tình hữu ái của anh đã là nguồn an ủi cho tôi vậy.

Gần bảy giờ, tôi vẳng nghe có tiếng chó kêu, trông xa thấy một vật trăng trắng tiến lại chỗ tôi. Tôi chưa kịp phân biệt thì Lãnh-Nhi ở đâu xổ đến nhảy lên đầu gối tôi và liếm vào tay tôi. Tôi ôm chặt nó vào lòng và áp má lên đầu nó. Mã-Tư chưa tới nơi đã gọi to:

- Thế nào?

- Bảo-Liên chết rồi!

Anh liền chạy đến bên tôi. Bằng vài câu vắn tắt, tôi nhắc lại cho anh nghe những việc tôi đã làm và những điều tôi đã thu lượm được. Anh tái người, thất vọng. Tự nhiên tôi thấy êm ái trong lòng, tôi cảm thấy dù anh có sợ gia đình tôi sẽ ngăn cách anh, nhưng lòng anh vẫn chân thành mong cho tôi tìm thấy cha mẹ tôi.

Bằng những lời êm ái và thân yêu, anh cố dỗ tôi và khuyên tôi chớ vội thất vọng. Anh nói:

- Nếu cha mẹ anh nhờ Bảo-Liên, đợi lâu không thấy tin tức gì, tất phải tìm Bảo-Liên. Đã tìm Bảo-Liên thì thế nào cũng phải đến khách sạn Khang-An. Chúng ta cứ đợi ở khách sạn đó, có chậm chỉ vài ngày thôi rồi cũng ra mối.

Ý kiến của anh cũng là ý kiến của bà lão tai điếc đầu lắc lư đã khuyên tôi. Nhưng những lời đó phát ra từ miệng, từ lòng Mã-Tư làm cho tôi tin tưởng hơn. Phải đấy, chỉ chậm vài ngày thôi, có làm sao mà tôi đã lo, đã nản như một đứa trẻ con. Tôi liền yên dạ. Tôi kể cho Mã-Tư nghe về tin tức Phú-Lợi.

Anh reo lên:

- Còn ba tháng nữa à!

Rồi anh vừa hát vừa nhảy múa ngay trên phố. Lát sau, anh bảo tôi:

- Gia đình người nọ khác hẳn gia đình người kia. Anh buồn vì mất gia đình; tôi mừng vì không thấy gia đình.

- Một ông chú không phải là gia đình, nhất là ông chú như Phú-Lợi. Nếu anh mất tích Tuyết-Nga, em anh, anh có nhảy hát không?

- Ô! Anh đừng nói thế!

- Tôi vẫn nghĩ đến gia đình anh.

- Tôi cũng thế.

Theo bờ sông, chúng tôi về phố Hốt-Linh. Trong người tôi đã thư thái, nên tôi nhìn sông Xen đẹp thực; trăng tròn gieo xuống mặt nước những mây bạc, long lanh trên mặt nước như một tấm gương to lay động.

Khách sạn Khang-An tuy là một nhà trọ thật thà nhưng không sạch sẽ và đủ tiện nghi. Người ta đã dành cho chúng tôi một căn phòng trên gác, soi sáng bởi một đèn dầu lắm khói. Phòng hẹp thấp quá, đến nỗi cứ một người muốn đứng dậy thì người kia phải ngồi xuống giường. Đây không phải là thứ buồng mà tôi mơ ước và những cái khăn trải giường bằng vải vàng nhem nhuốc kém xa những tấm khăn bọc mà mẹ nuôi tôi thường nói.

Những miếng bánh mì và phó-mát Ý người ta dọn cho chúng tôi ăn không phải là những món cao lương mà tôi tưởng tượng sẽ được thết Mã-Tư.

Nhưng cũng được, tôi chưa mất hy vọng, chỉ cần đợi một thời gian thôi. Nghĩ thế rồi tôi ngủ lúc nào không biết.

Chương XXXIII

thăm tìm

Sáng hôm sau, tôi viết cho bà Bảo-Liên một lá thư, báo những tin mà tôi đã biết. Công việc cũng không phải dễ cho tôi.

Nói thế nào cho bà biết cái chết của ông Bảo-Liên? Bà vẫn yêu thương chồng lắm. Hai người đã ăn ở với nhau trong bao nhiêu năm trời. Nếu tôi không tỏ lòng thương tiếc, chia buồn cùng bà, bà sẽ khổ tâm.

Không biết dở hay, tôi cũng cố viết cho xong bức thư, tôi nhắc đi, nhắc lại nhiều lần là xin bà tin tưởng vào lòng quý mến thành thực của tôi. Tôi cũng báo tin cho bà biết nỗi lo buồn và lòng hy vọng hiện thời của tôi. Thực ra, chính về điểm này tôi nói nhiều và kỹ hơn hết. Cuối cùng tôi dặn bà hễ có thư nào hỏi tin tức ông Bảo-Liên thì bà báo ngay cho tôi biết và chuyển địa chỉ người viết thư ấy cho tôi ở khách sạn Khang-An, Ba-Lê.

Bổn phận này làm xong, tôi còn một bổn phận nữa là bổn phận với ông An-Thanh. Khi từ biệt Lệ-Hoa, tôi có hứa với cô khi về tới Ba-Lê tôi sẽ vào thăm cha cô ngay, báo cho ông biết là gia đình tôi đang tìm tôi, nếu cha mẹ tôi giàu, tôi sẽ nói với cha mẹ tôi chuộc ông về và tôi sẽ vào đón ông ở khám ra. Đó là mục đã ghi vào chương trình dự định trong lúc vui sướng, trước khi vào Ba-Lê: ông An-Thanh trước tiên, rồi đến bà Bảo-Liên, đến Lệ-Hoa, đến Yến-Chi, An-Sinh và Bằng-Mai, còn Mã-Tư, người ta đãi tôi thế nào, thì tôi cũng đãi anh như thế, và anh sẽ sung sướng vì tôi được sung sướng. Nhưng bây giờ vào nhà lao với hai bàn tay không và thăm suông ông An-Thanh cũng như ngày từ giã ông, không giúp ông được việc gì để trả ơn ông thì buồn biết là nhường nào?

May sao tôi có những tin tức các con ông đem đến cho ông và cả những cái hôn mà Lệ-Hoa cùng An-Sinh đã gửi, ông sẽ được vui sướng thì tôi cũng bớt phàn nàn.

Mã-Tư muốn xem nhà lao thế nào, cũng theo tôi đi. Tôi cũng muốn anh biết mặt người mà trong hơn hai năm trời đã coi tôi như con. Vì tôi đã biết thể thức để xin vào thăm ở nhà lao Kích-Chi, nên chúng tôi không phải đợi lâu ngoài cổng như lần đầu tôi đã xin vào.

Người ta cho chúng tôi vào phòng nói chuyện. Lát sau, ông An-Thanh ra ngay và giơ hai tay đón tôi.

Ông vừa hôn, vừa nói:

- Con tốt quá! Lê-Minh!

Tôi cho ông biết ngay tin tức của Lệ-Hoa và An-Sinh. Sau tôi cắt nghĩa cho ông tại sao tôi không đi thăm Yến-Chi ngay được, ông ngắt lời tôi và hỏi:

- Thế cha mẹ con?

- Ông cũng biết tin tức đó à?

Ông liền kể rằng cách đây mười lăm hôm, Bảo-Liên có đến nhà giam này thăm ông.

Tôi nói:

- Ông ta chết rồi!

Theo lời ông An-Thanh thì Bảo-Liên sở dĩ đến nhà lao là để hỏi tin tức tôi. Thoạt tiên, Bảo-Liên tìm đến Phú-Lợi ở Ba-Lê, nhưng không thấy, phải về tại một nhà lao ở tỉnh xa mới được gặp ông ta. Phú-Lợi cho Bảo-Liên biết là ông Vỹ-Tiên đã chết rồi và tôi được một người thợ trồng hoa tên là An-Thanh nuôi. Bảo-Liên lại trở về Ba-Lê đến trại trồng hoa hỏi thì biết ông An-Thanh đang ở nhà lao Kích-Chi.

Bảo-Liên vào nhà lao tìm ông An-Thanh. Ông An-Thanh cho biết là tôi đang lang thang trong nước Pháp để diễn trò, vì thế không đích xác tôi ở tỉnh nào. Nhưng thế nào cũng có ngày tôi tạt vào thăm các con ông. Vì thế ông An-Thanh đã viết thư cho tôi và gửi địa chỉ các con ông. Khi ở Mộc-Văn tôi không nhận được, chắc là thư đến chậm.

Tôi hỏi:

- Bảo-Liên có nói cho ông biết gia đình con thế nào không?

- Ông ta chỉ bảo rằng cha mẹ con dò hỏi sở Cảnh-sát ở Ba-Lê biết con đã bị bỏ rơi ở Đại lộ Bảo-Tương, và được một người thợ nề quê ở Văn-Ông tên là Bảo-Liên đem về nuôi. Cha mẹ con đến nhà ông ta tìm con nhưng không thấy. Cha mẹ con nhờ ông ta tìm giúp.

- Ông ta có nói tên cha mẹ con? Và có bảo cha mẹ con đâu không?

- Khi ta hỏi Bảo-Liên câu ấy thì ông ta bảo sau này sẽ nói kỹ. Ta có ý căn vặn, ông ta không chịu nói, ta biết ông muốn giữ kín sợ cái lợi sẽ bị chia xẻ. Vì ta có chút công nuôi con, ông sợ ta nhận phần chăng. Ta tức giận đuổi ông ta ra, từ đó không thấy ông ta trở lại nữa. Không ngờ ông ta lại chết thình lình như vậy. Thành ra, con tuy biết có cha có mẹ, chỉ vì lòng tham của Bảo-Liên, mà không biết cha mẹ là ai và ở chỗ nào.

Tôi cắt nghĩa cho ông nghe: tôi còn đôi chút hy vọng. Ông cũng tin chắc như thế mà nói:

- Vì cha mẹ con đã biết Bảo-Liên ở Văn-Ông, vì Bảo-Liên đã biết Phú-Lợi và tìm được ta, rồi thế nào người ta cũng tìm thấy con ở khách sạn Khang-An. Con cứ ở yên đó.

Những lời ông nói làm cho tôi yên trí và vui vẻ.

Xong tôi kể chuyện Lệ-Hoa, An-Sinh và chuyện tôi chết hụt trong mỏ cho ông nghe.

Ông nói:

- Thực là một nghề nguy hiểm! Thương hại cho An-Sinh! Giá được trồng hoa tử-la như xưa có phải sung sướng hơn không?

Tôi nói:

- Rồi cũng có ngày.

- Con ơi! Còn nhờ trời!

Lưỡi tôi ngứa ngáy chỉ muốn nói luôn rằng cha mẹ tôi sẽ can thiệp để chuộc ông ra. Song tôi dẹp được ngay, biết rằng không nên khoe trước những việc hay mà mình định làm. Tôi đành nói rằng ông cứ yên trí, mai kia ông sẽ được về sớm với các con ông.

Lúc tôi ra đường rồi, Mã-Tư bảo tôi:

- Trong khi chờ đợi ngày tốt đẹp đó, bây giờ ta không nên bỏ phí thì giờ và phải làm để kiếm tiền.

- Nếu chúng ta dùng ít thì giờ để kiếm tiền từ Văn-Ông đến Mộc-Văn, từ Mộc-Văn đến Ba-Lê, thì chúng ta đã đến Ba-Lê sớm hơn, may kịp gặp Bảo-Liên.

- Phải đấy. Tôi cũng nghĩ thế, anh không phải nói, tôi đã tự mắng tôi rất nhiều vì đã làm cho anh lỡ việc!

- Anh Mã-Tư ơi! Tôi có trách anh đâu. Không có anh thì làm gì có con búp-bê biếu Lệ-Hoa, không có anh thì bây giờ chúng ta phải đói mà lê trên vỉa hè Ba-Lê.

- Nếu anh coi ý kiến kiếm tiền của tôi hôm nọ là phải, thì bây giờ chúng ta thực hành theo lời tôi vừa nói. Vả lại chúng ta không còn có nghề gì hơn là đàn hát và diễn những bản trò có của chúng ta. Trong khi chờ đợi xe ngựa, chúng ta hãy cứ đi bằng chân đã. Ở Ba-Lê như ở nhà tôi, tôi biết hết những chỗ tốt, dễ kiếm tiền.

Thực vậy, anh biết hết những công trường, những tư gia, tiệm giải khát, là những nơi có nhiều quý khán giả. Tối đến trước khi đi ngủ, chúng tôi đếm tiền, lại được mười bốn phật-lăng. Lúc đó, tôi nằm và nghe lại câu nói của ông Vỹ-Tiên: “Của cải cứ đến cho những người không cần tiền”.

Dễ kiếm tiền! Chắc hẳn đó là một điềm hay báo cho ta biết mai mốt cha mẹ ta sẽ đến tìm.

Tôi tin tưởng như thế nên sáng hôm sau tôi định ở nhà đợi tin, nhưng Mã-Tư ép tôi phải ra phố hát và diễn trò, vì thế hôm đó lại được mười một phật-lăng.

Mã-Tư mừng rỡ nói:

- Nếu ta không được hưởng giầu có của cha mẹ, ta tự làm giầu lấy, như thế chẳng hay lắm sao!

Ba ngày trôi qua như thế và không xẩy ra sự gì mới lạ. Bà chủ tiệm vẫn cứ một câu ấy để trả lời chúng tôi:

- Không có ai đến hỏi Bảo-Liên cả, cũng không có thư cho các cậu hoặc cho Bảo-Liên.

Đến hôm thứ tư, bà ta đưa cho tôi một phong thư. Đó là thư của bà Bảo-Liên trả lời tôi, hay nói cho đúng, là thư bà đã nhờ người ta viết cho tôi vì bà không biết đọc và biết viết.

Bà nói bà đã nhận được tin buồn trước thư tôi. Trước ngày chồng bà mất, bà có nhận được một bức thư của ông Bảo-Liên, nay bà gửi cả lên cho tôi xem, may ra có ích gì không vì trong đó có nói đến gia đình tôi.

Mã-Tư kêu to:

- Nhanh lên! Nhanh lên! Chúng ta hãy xem thư của ông Bảo-Liên trước.

Tôi vừa bóc vừa cảm động, tay run run, tôi đọc:

“Gửi cho vợ tôi, bà Bảo-Liên,

Tôi hiện nay ở Nhà-Thương, ốm quá không thể dậy được. Nếu tôi còn sức thì tôi nói rõ tại sao tôi bị bệnh, nhưng việc đó không ích gì, tôi cần nói đến những việc cấp bách, nghĩa là nếu tôi không qua khỏi, bà viết thư ngay cho Sở Greth and Galley, Green Square Lincoln’s Inn tại Luân-Đôn. Đấy là những luật gia phụ trách việc tìm Lê-Minh. Bà nói cho họ hiểu, chỉ có một mình bà là có thể cho họ biết đúng tin tức của đứa con, và bà cần đòi một số tiền xứng đáng. Số tiền đó bà sẽ dùng để an dưỡng tuổi già.

Muốn biết tin tức Lê-Minh, bà cứ biên thư hỏi người thợ trồng hoa tên là An-Thanh hiện ngồi tù nợ ở nhà lao Kích-Chi, Ba-Lê. Các thư từ nên nhờ Linh-Mục giúp cho vì việc này không nên tiết lộ cho người ngoài biết.

Nếu chưa nhận được tin tôi chết thì đừng làm gì cả.

Tôi hôn bà lần cuối cùng.

Bảo-Liên

Tôi chưa đọc hết chữ cuối của lá thư thì Mã-Tư đã nhẩy lên kêu:

- Đi Luân-Đôn! Chúng ta phải đi Luân-Đôn!

Tôi đang bị xúc động vì những lời trong thư, nên cứ nhìn Mã-Tư và không hiểu anh nói gì.

Anh nói tiếp:

- Thư của Bảo-Liên nói rằng những luật gia Anh phụ trách việc tìm anh, như vậy cha mẹ anh đích là người nước Anh rồi, phải không?

- Nhưng…

- Anh không thích là dân Anh?

- Tôi muốn là người Pháp, cùng một tổ quốc với Lệ-Hoa và các con ông An-Thanh.

- Còn tôi, tôi muốn anh là người nước Ý.

- Nếu tôi là người Anh, tôi sẽ đồng hương với An-Tuyên và bà Mỹ-Lưu.

- Còn phải “nếu” gì nữa? Chắc chắn anh là người nước Anh. Nếu cha mẹ anh là người Pháp, thì không khi nào lại nhờ những luật gia Anh tìm ở đất Pháp một đứa trẻ lạc? Vì anh là người nước Anh, cho nên chúng ta phải sang Anh-quốc. Đó là kế hay hơn hết để được gặp gia đình anh.

- Tôi viết thư cho những luật gia đó có được không?

- Để làm gì? Đến tận nơi mà nói có phải dễ hiểu hơn là thư không! Khi chúng ta mới đến Ba-Lê, chúng ta chỉ còn có 17 phật-lăng. Rồi chúng ta kiếm dần được 14, 11 và 9 phật-lăng. Tổng cộng 51 phật-lăng. Trừ các khoản chi là 8 phật-lăng, chúng ta còn 43 phật-lăng, thừa đủ để sang Luân-Đôn. Chúng ta sẽ đi Boulogne để xuống tàu thủy sang Luân-Đôn, phí tổn không mất mấy đâu.

- Anh đã đi Luân-Đôn bao giờ chưa?

- Tôi chưa đi bao giờ. Nhưng tôi có quen hai người bạn làm hề ở gánh xiếc Gát-Sô là người Anh. Họ thường nói chuyện với tôi về Kinh Thành Luân-Đôn và dạy tôi một ít tiếng Anh để nói chuyện riêng với nhau không cho người vợ chủ rạp, tò mò như mặt vọ, biết chúng tôi nói gì. Lắm khi chúng tôi nói tiếng Anh chế nhạo trước mặt mụ ta, không sợ mụ ta thù. Tôi sẽ đưa anh đi Luân-Đôn.

- Tôi cũng biết ít tiếng Anh do ông Vỹ-Tiên dạy tôi ngày xưa.

- Phải, nhưng đã ba năm nay, anh có thể quên rồi. Còn tôi, tôi vẫn nhớ, đấy rồi anh xem. Không phải tôi có thể giúp đỡ anh mà tôi còn cố theo anh sang Anh-quốc, còn một lý do nữa khiến tôi muốn sang Luân-Đôn với anh, tôi xin nói thực.

- Lý do gì?

- Nếu cha mẹ anh tìm thấy anh, ở Ba-Lê, anh, cha mẹ anh rất có thể từ chối không cho tôi theo về Anh. Còn như, một khi tôi ở đất Anh rồi, lúc đó chắc cha mẹ anh không nỡ bỏ tôi.

Ý tưởng đó của anh làm cho tôi chạnh lòng thay cho cha mẹ tôi. Nhưng nghĩ cho kỹ thì anh lo xa như vậy cũng không phải là vô lý. Tôi nghĩ nên đi Luân-Đôn với Mã-Tư. Tôi nói:

- Chúng ta đi đi!

- Anh bằng lòng chứ?

Trong hai phút, hành lý của chúng tôi đã sửa soạn xong, chúng tôi cùng nhau xuống gác. Bà chủ tiệm thấy chúng tôi sắp đi, liền nhún vai và kêu:

- Kìa công tử – tức là tôi – không đợi tin gia đình à? Nên ở lại thì hơn – khi tìm đến, gia đình cậu sẽ mừng thấy cậu được săn sóc tử tế ở đây.

Nhưng lời khéo nói đó cũng không làm chuyển lòng tôi. Sau khi trả xong tiền trọ, tôi bước ra định đến chỗ Mã-Tư và Lãnh-Nhi đang đợi tôi.

Bà chủ tiệm hỏi tôi:

- Còn địa chỉ?

Xét ra để địa chỉ có lợi, nên tôi ghi địa chỉ tôi vào cuốn sổ của bà.

Bà kêu:

- Đi Luân-Đôn à? Hai trẻ con cùng nhau đi Luân-Đôn? Xa xôi quá và phải qua biển?

Trước khi lên đường đi Boulogne, chúng tôi phải vào chào ông An-Thanh.

Cuộc tạm biệt không buồn. Ông An-Thanh rất sung sướng được tin tôi sắp gặp gia đình. Tôi cũng vui vẻ hẹn ông rằng thế nào cha mẹ tôi và tôi cũng sẽ đến cảm ơn ông.

- Con ơi! Chúc con gặp nhiều may mắn. Nếu con không trở lại đây sớm được thì con viết thư cho ta.

- Thế nào con cũng đến.

Ngày hôm đó, chúng tôi đi một mạch đến Moisselles không nghỉ. Đêm đến, chúng tôi ngủ nhờ trong một cái trại vì phải dành tiền để đi tầu biển.

Vừa đi đường, Mã-Tư vừa dạy tôi tập nói tiếng Anh. Tôi rất băn khoăn không biết cha mẹ tôi có hiểu tiếng Pháp hay tiếng Ý không? Nếu cha mẹ tôi chỉ nói được tiếng Anh thôi thì chúng tôi hiểu nhau làm sao được? Nếu tôi có anh, chị em thì tôi nói chuyện làm sao? Nếu tôi không thể nói chuyện được với anh chị em tôi, khác nào tôi là một người ngoài! Nghĩ đến đó, tôi lại buồn.

Khi nghĩ đến ngày trở về ngôi nhà của cha mẹ, từ lúc rời Văn-Ông, tôi đã tưởng tượng một khung cảnh vui vẻ sum vầy, nhưng tôi không hề tính tới chỗ ngôn ngữ bất đồng nếu cha mẹ tôi không phải là người Pháp. Ở đời thường xẩy nhiều sự oái oăm.

Từ Ba-Lê đến Boulogne, chúng tôi phải đi mất 8 ngày, vì phải nghỉ lại ở những thành thị mà chúng tôi đi qua để hát và diễn trò.

Khi chúng tôi đến Boulogne, trong túi còn 32 phật-lăng, thừa tiền để đi tầu.

Vì Mã-Tư chưa từng thấy biển bao giờ nên chúng tôi dạo ngay ra bến chơi. Mã-Tư nhìn dám sương mù trên mặt biển thăm thẳm mãi đến tận chân trời, anh tặc lưỡi và kêu là cảnh biển xấu quá và buồn quá.

Một cuộc tranh luận nổi lên giữa hai chúng tôi. Tôi vẫn thường nói đến biển, cho biển là một cảnh ngoạn mục nhất, tôi bảo thủ ý kiến đó.

Mã-Tư nói:

- Anh nói rằng biển đẹp có lẽ là khi nói nó xanh như là ở Cette, còn ở đây nước toàn một mầu vàng và lục, trên trời sắc xám, lại thêm nhiều đám mây đen, như thế sao gọi là đẹp được. Không những không đáng thưởng thức mà còn không buồn vượt qua nữa.

Mã-Tư và tôi, chúng tôi thường đồng ý nhau, hoặc anh hoan nghênh ý kiến tôi, hoặc tôi biểu đồng tình với anh. Nhưng lần này tôi cố cãi và cho rằng mầu nước biển lục lẫn sương mù và mây đen trông rất ngoạn mục hơn một biển xanh dưới bầu trời xanh.

Mã-Tư nói:

- Anh nói như thế vì anh là người Anh-quốc, anh yêu cái biển xấu này vì nó là biển của xứ anh.

Tàu đi Luân-Đôn sẽ rời bến hôm sau hồi bốn giờ sáng. Khoảng ba giờ rưỡi, chúng tôi đã xuống tầu và tìm chỗ ngồi ở cạnh đống két hàng để tránh những ngọn gió bắc ẩm và lạnh. Dưới ánh sáng mấy ngọn đèn dầu tỏa khói, người ta chuyển hàng xuống tầu: tiếng ròng rọc kêu kin kít, tiếng két hàng va vào nhau lục đục ở dưới hầm tầu, tiếng thủy thủ gọi nhau ơi ới, đồng thời, hơi nước phùn phụt đưa lên những làn khói trắng theo chiều gió cuốn đi. Chợt tiếng chuông leng keng. Tức thì dây buộc tầu bỏ xuống. Con tầu từ từ rời bến.

Chúng tôi khởi hành, khởi hành về quê hương tôi. Tôi thường nói chuyện với Mã-Tư, không gì thú bằng du hành trên thuyền. Người ta lướt nhẹ nhàng trên mặt nước không biết mình đang đi, người ta thấy khoan khoái như sống trong cảnh thần tiên.

Đó là cái thú tôi từng được hưởng khi ở trong thuyền Thiên-Nga trên sông Nam. Nhưng biển không giống sông. Khi chúng tôi rời khỏi bến một lúc thì con tầu hình như chúi xuống biển rồi lại nhô lên, xong lại chúi sâu và nhô cao hơn nữa, cứ rập rờn như thế đến bốn năm lần. Lúc đó hơi nước phụt ở ống khói ra kêu như xé rồi lại tắt ngay. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bánh xe đập nước, khi bánh bên phải khi bánh bên trái tùy theo con tầu nghiêng ngả.

Mã-Tư nói:

- Cuộc trượt tuyết đẹp quá!

Tôi không thể trả lời Mã-Tư được vì tôi không hiểu sự lái tầu biển thế nào. Nhưng tầu lắc lư không cứ là do tay lái phải gối sóng mà còn do biển động nữa.

Tôi hỏi:

- Anh sao thế?

- Tầu tròng trành quá, tôi lộn cả ruột gan.

- Đó là anh say sóng.

- Tôi cũng nghĩ thế.

Lát sau anh chạy ra bám chặt vào cạnh tầu. Khốn nạn cho Mã-Tư, anh ốm rồi! Tôi liền ôm anh vào lòng, ép đầu anh vào ngực tôi nhưng anh cũng không đỡ. Anh rên rỉ, thỉnh thoảng anh lại vùng dậy, bước choạng vạng đến tỳ vào bao lơn. Lát sau anh lại lảo đảo trở vào, miệng lẩm bẩm:

- Cái biển này ác quá!

Trời đã sáng. Không có mặt trời. Một thứ ánh sáng nhợt chiếu xuống qua làn sương mờ. Trước mặt tôi xa xa đã trông thấy một dẫy bờ đá trăng trắng hiện ra. Lác đác có mấy chiếc tầu không buồm đứng im không động đậy.

Tầu chúng tôi đã bớt tròng trành, đi nhanh hơn và lướt trên làn nước gần phẳng lặng như ở sông con.

Chúng tôi không ở biển nữa. Hai bên xa xa những giải bờ xanh um lờ mờ trong đám sương mai: chúng tôi đã vào sông Ta-Mi.

Tôi bảo Mã-Tư:

- Tới nước Anh rồi!

Lãnh đạm với tin mừng đó, anh nằm sóng sượt trên sàn và đáp:

- Để cho tôi ngủ.

Tôi chịu sóng, không mệt nên không ngủ. Tôi đỡ anh nằm lại cho hẳn hoi rồi tôi trèo lên ngồi trên đống két hàng cao nhất. Lãnh-Nhi cũng theo lên nằm dưới chân tôi. Có lẽ nó đã cùng ông Vỹ-Tiên đi biển quen và biết nhiều hơn chúng tôi.

Ngồi chỗ đó, tôi nhìn được khắp sông: hai bên bờ, phía trước và phía sau. Bên phải là một bãi cát rộng, bọt nước đọng ở ven chân thành một đường viền trăng trắng. Bên trái mờ mờ như mặt biển, nhưng không phải, một lát sau bờ sông xanh xanh hiện ra và tôi nhìn rõ bãi bùn.

Giữa sông, một “đội thuyền” bỏ neo đậu, hơi nước tỏa lên như những đám mây. Những chiếc tầu dắt ở phía sau thi nhau nhả những cuộn khói đen. Biết cơ man nào là tầu! Cơ man nào là buồm! Tôi chưa bao giờ tưởng tượng có một con sông lắm tầu đến thế. Sông Ga-ron đã làm cho tôi lạ mắt, sông Ta-Mi lại làm cho tôi kinh dị hơn!

Nhiều tầu sửa soạn để nhổ neo. Người ta thấy những thủy thủ leo trong đám cột bườm bằng những thang dây trông xa như là những tơ nhện.

Tầu chúng tôi vẫn tiến, để lại phía sau một luồng bọt trắng trên mặt nước vàng, trong đó nổi bập bềnh đủ thứ rác vụn: củi, gỗ, cành cây, xác loài vật trương phềnh, nút chai, cỏ úa. Thỉnh thoảng có những con chim cánh lớn sà xuống những tàn vật đó rồi bay lên, tiếng kêu oang oác, mỏ ngậm mồi ngon.

Sao Mã-Tư lại thích ngủ thế? Chẳng dậy mà xem; một cảnh lạ mắt vô cùng. Tầu càng tiến, cảnh càng kỳ hơn và đẹp hơn. Đây là những tầu buồm, tầu chạy bằng hơi nước, những tầu lớn ba buồm, những khí thuyền khổng lồ vừa ở ngoại quốc về, những thuyền chứa than đen sì, những thuyền chở cỏ khô lù lù như những đống rạ trôi trên mặt nước, những thùng tròn đủ các màu trắng, đen, đỏ nổi lềnh bềnh và xoay tròn trên mặt nước. Còn ở hai bên bờ, nhà cửa hiện ra rõ ràng, nhà nào cũng quét sơn diêm dúa; những đồng cỏ xanh, những chòm cây sao, những đầu tàu nhô ra đến bãi bùn, những cột sơn, những dấu hiệu về nước thủy triều.

Tôi đứng rất lâu, yên lặng ngắm nhìn.

Chỗ này, trên hai bờ sông Ta-Mi, nhà cửa san sát thành dẫy dài đỏ ối. Trời tối lại. Khói và sương mù hòa trộn với nhau. Chợt ở giữa những cây đồng, ở giữa những loài vật đang ăn trong ruộng cỏ, một rừng cột buồm đâm lên tua tủa: tầu đi trong cánh đồng!

Không chịu nổi cảnh lạ đó, tôi nhẩy xuống đánh thức Mã-Tư dậy. Anh đã khỏi đau và không cáu nữa. Tôi bảo anh cùng leo lên đống két xem tầu. Anh lóa cả mắt và dụi mãi để nhìn cho rõ. Thì ra ở trong cánh đồng đó, những con sông đổ ra sông Ta-Mi, những con sông đó cũng ăm ắp những tầu thuyền.

Sương mù và khói mỗi lúc thấy dầy thêm. Thỉnh thoảng có chỗ hở mới nhìn được xa. Càng đi sâu vào, chúng tôi càng nhìn không rõ.

Sau cùng, con tầu chạy từ từ rồi tắt máy hẳn. Dây tầu quăng lên bến: chúng tôi đã đến Luân-Đôn. Chúng tôi lên bến giữa đám đông người chòng chọc nhìn chúng tôi và không nói gì.

Bây giờ là lúc Mã-Tư phải dùng đến tiếng Anh đây. Anh không ngần ngại gì, mũ cầm tay đến gần một ông râu đỏ lễ phép hỏi đường đến Thanh-Viên (Green square).

Thấy anh cắt nghĩa mãi cho ông kia nghe và ông kia bảo anh nói lại một vài tiếng, tôi giữ vẻ tự nhiên, không để ý đến sự lúng túng của anh. Lát sau anh trở lại.

Anh nói:

- Dễ lắm, ta cứ đi dọc bờ sông, theo bến tầu thì đến nơi. Nhưng ở Luân-Đôn không có bến – nói hồi tôi qua đó – nhà cửa làm ra sát bờ sông. Chúng tôi đi theo những phố ven bờ sông.

Những phố đó tối tăm và lầy lội. Trên đường xe cộ đã đông lại thêm những két, những bao, những kiện hàng để ngổn ngang làm cho chúng tôi khó tìm lối để lên, mà đi mãi không hết.

Tôi vừa đi vừa cầm dây dắt Lãnh-Nhi, nó lon ton chạy theo. Mới có một giờ chiều mà các cửa hàng đều thắp đèn “gaz” sáng chói.

Chúng tôi cứ đi. Thỉnh thoảng Mã-Tư lại dừng lại hỏi khách qua đường xem “Lincoln’s Inn” còn xa hay gần. Rồi anh quay lại bảo chúng tôi cứ đi thẳng và phải qua một cửa cuốn chắn ngang. Tôi lấy làm lạ và nghĩ thầm có lẽ anh nghe nhầm.

Nhưng anh không nhầm. Chúng tôi tới một cửa cuốn rất cao cất ngang đường cái, hai bên có hai cửa con: đó là Temple Bar. Chúng tôi lại hỏi đường, người ta bảo rẽ sang bên phải. Chúng tôi không ở trong một phố huyên náo và tấp nập nữa. Chúng tôi vào những phố hẹp và vắng, ngang dọc như bàn cờ. Chúng tôi đi quanh co tưởng chừng như xoay tròn trong một mạng nhện.

Một lúc sau, chúng tôi đang lúng túng, chợt trông thấy phía trước có một nghĩa trang, trong có rất nhiều nấm mồ, những phiến đá nổi lên đen sì như ám khói hay quét hắc ín: đó là Thanh-Viên.

Một bóng người đi qua, Mã-Tư chạy theo hỏi. Tôi đứng dừng lại để giữ cho tim khỏi đập mạnh. Tôi không thở được nữa và phát run lên. Rồi Mã-Tư giục tôi đi. Chúng tôi đứng trước một biển đồng và đọc: Phòng Cố vấn Pháp luật “Greth and Galley”. Mã-Tư lại gần và kéo chuông.

Tôi vội giữ tay anh lại.

Mã-Tư hỏi tôi:

- Anh đau hay sao? Trông anh xám người như thế?

- Đợi tôi một chút để tôi trấn tĩnh lại.

Anh kéo chuông và chúng tôi được vào. Lúc đó tôi bối rối quá, không nhìn rõ xung quanh tôi. Hình như chúng tôi đang ở một văn phòng, có hai hay ba người cúi xuống bàn và đang viết dưới ánh sáng những ngọn đèn “gaz” vừa cháy vừa reo vo vo.

Mã-Tư đến bên cạnh một người ngồi bàn đó và hỏi thay tôi. Trong câu anh hỏi, tôi nghe thấy lộn đi lộn lại mãi những tiếng familly, boy, Barberin, tôi hiểu anh muốn nói tôi là đứa con mà gia đình tôi đã nhờ ông Bảo-Liên đi tìm. Tên Bảo-Liên vừa nói lên như có hiệu quả ngay. Người ta nhìn tôi. Rồi người vừa tiếp Mã-Tư đứng dậy mở cửa đưa chúng tôi sang phòng bên cạnh. Phòng này xếp toàn những sách và các tập giấy cao. Một ông chững chạc ngồi ở bàn giấy. Một ông nữa vận áo đen đội tóc giả, tay cầm những cái túi xanh đang nói chuyện với ông kia.

Người dẫn chúng tôi vào giới thiệu bằng mấy câu vắn tắt. Lúc đó, cả hai ông nhìn chúng tôi suốt từ đầu xuống chân.

Ông ngồi giữa bàn giấy hỏi tôi bằng tiếng Pháp:

- Trong hai người, ai là đứa con được Bảo-Liên nuôi?

Nghe câu hỏi tiếng Pháp, tôi vững dạ và tiến lại nói:

- Thưa ông, tôi.

- Bảo-Liên đâu?

- Ông ta chết rồi!

Hai ông đều đưa mắt nhìn nhau, không nói gì. Rồi ông mặc áo đen xách chùm túi ra.

Ông hỏi tôi lúc đầu, lại hỏi thêm:

- Các em đến đây bằng cách gì?

- Chúng tôi đi bộ đến bến Boulogne. Từ Boulogne sang Luân-Đôn đi đường biển. Chúng tôi vừa ở dưới tầu lên.

- Bảo-Liên đã cho các em tiền lộ phí đấy chứ?

- Chúng tôi không gặp mặt Bảo-Liên.

- Thế tại sao các em biết đây mà đến.?

Tôi liền kể lại chuyện về Ba-Lê cho ông nghe. Rồi hết sức nói vắn tắt, cố mau cho xong để hỏi tin tức gia đình tôi. Nhưng tôi không có thì giờ.

Ông ta bắt tôi kể lại từ đầu. Tôi được Bảo-Liên đem về nuôi thế nào, tôi bị bán cho ông Vỹ-Tiên thế nào, rồi Vỹ-Tiên mất, tôi được gia đình ông An-Thanh nuôi làm sao, và sau khi ông An-Thanh bị tù nợ, tôi lại trở về nghề cũ như thế nào. Tôi kể đến đâu thì ông ta biên vào sổ đến đấy, và ông ta cứ cau mặt nhìn tôi, làm tôi khó chịu quá. Mặt ông ta trông khắc nghiệt và cái cười có vẻ giảo quyệt.

Nghe tôi nói xong, ông ta cầm quản bút chĩa chiếc ngòi nhọn về phía Mã-Tư như muốn phóng một mũi tên và hỏi tôi.

- Em này là thế nào?

- Một người bạn thân, một người em trai.

- Tốt lắm. Gặp nhau ở dọc đường, phải không?

- Nhưng rất thương yêu nhau.

- Tôi không nghi ngờ điều đó.

Bây giờ đến lượt tôi hỏi ông ta, vì từ nãy giờ ông ta cứ áp chế tôi.

- Thưa ông, gia đình tôi ở nước Anh?

- Hẳn thế, gia đình em hiện ở Luân-Đôn.

- Tôi có thể thăm gia đình tôi?

- Trong giây lát, em sẽ gặp gia đình, tôi sai người đưa em đến.

Ông ta bấm chuông gọi.

- Thưa ông, tôi xin hỏi một câu nữa, tôi còn cha chứ?

- Không những còn cha, có cả mẹ, có cả em trai, em gái.

- A!

Tôi cảm xúc quá, không nói lên được. Bỗng cánh cửa mở, tôi nhìn Mã-Tư, hai hàng nước mắt tôi cứ chảy ra.

Ông ta bảo người vừa vào bằng tiếng Anh, tôi đoán là ông ta sai đưa chúng tôi đi.

Tôi đứng dậy.

Ông nói thêm:

- A! Tôi quên: Họ em là Điệp-Công, cha em tên là Điệp-Công-Tích.

Mặc dầu trông ông ta khắc nghiệt, tôi muốn chạy đến hôn ông ta nếu có đủ thì giờ, nhưng ông ta chỉ tay ra cửa giục chúng tôi đi.

Chúng tôi liền ra.

Hector Malot

Hà Mai Anh dịch

Theo http://vietnamthuquan.eu/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXKhông gia đình 2

Không gia đình 2 Chương 9 Một thành phố đen Chúng tôi lại lên đường, không đói không mệt với hai mươi tám phrăng trong túi nhờ sự đón ti...