Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Đọc hiểu phóng sự qua "Con gà thờ" của Ngô Tất Tố

Đọc hiểu phóng sự qua
"Con gà thờ" của Ngô Tất Tố

Sự nghiệp sáng tác văn học và báo chí của Ngô Tất Tố gần 40 năm cầm bút đã để lại hàng ngàn tác phẩm với mấy chục ngàn trang viết…
1. Ngô Tất Tố (1893 – 1954) là một hiện tượng đặc biệt trong Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù xuất thân trong gia đình nhà Nho, được học và thi cử bằng chữ Hán nhưng Ngô Tất Tố nhanh chóng học và dùng chữ Quốc ngữ để viết văn, làm báo hiện đại.
Giống như trường hợp Tản Đà, Ngô Tất Tố cũng thuộc lớp người của hai thế kỷ nhưng sự thích ứng, nhạy bén với cái mới đã đưa Ngô Tất Tố vượt lên để tiến xa, tiến kịp và trở thành Nhà văn hiện thực xuất sắc cùng Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao…
Sự nghiệp sáng tác văn học và báo chí của Ngô Tất Tố gần 40 năm cầm bút đã để lại hàng ngàn tác phẩm với mấy chục ngàn trang viết với mấy chục bút danh khác nhau. Sáng tác của Ngô Tất Tố đa dạng về để tài, phong phú về thể loại nhưng thường nhất quán về mặt tư tưởng đó là vạch trần, phê phán những cái xấu, cái ác trong xã hội thực dân nửa phong kiến nhất là ở nông thôn.
Về sáng tác, ngoài các tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng, Ngô Tất Tố còn nổi tiếng với hai tập phóng sự là Tập án cái đình (Phóng sự, 1939) và Việc làng (1941). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề xung quanh việc đọc hiểu tập phóng sự Việc làng, trong đó đề cập nhiều hơn tới chương Con gà thờ, đoạn trích được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn 12, Bộ Chân trời sáng tạo.
2. Để hiểu được tập phóng sự Việc làng trước hết chúng ta cần hiểu được sự ra đời của thể loại phóng sự ở nước ta đầu thế kỷ XX. Về thể loại phóng sự, hầu hết các bộ từ điển cũng như các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng Phóng sự là thể loại giao thoa giữa báo chí và văn học, nó được hiểu như là một câu chuyện kể về những điều mắt thấy, tai nghe, có tính thời sự và có kèm theo sự đánh giá chủ quan của người viết.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến về sự phân biệt giữa Phóng sự văn học và Phóng sự báo chí, mặc dù cùng lấy hiện thực khách quan, người thực, việc thực để phản ánh những Phóng sự văn học thường có sự mở rộng biên độ để bày tỏ ý kiến chủ quan của người viết, thể hiện giọng điệu của người viết. Ở Việt Nam, Phóng sự được manh nha từ cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh ở đầu thế kỷ XX, nhất là trong những năm1932 – 1945.
Trong giai đoạn này cùng với sự phát triển của Tiểu thuyết, thơ mới, Phóng sự cũng có sự phát triển mạnh mẽ với những tên tuổi của “ông vua Phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng với các tác phẩm: Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Một huyện ăn tết.. Tam Lang có Tôi kéo xe, Thạch Lam có Hà Nội băm sáu phố phường, Nguyễn Tuân có Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc… Ngô Tất Tố có Tập án cái đình, Việc làng cùng một loạt các nhà văn khác đều ít nhiều thử sức ở thể loại phóng sự.
*3. Việc làng (1941) gồm 17 phóng sự đăng nhiều kì trên báo Hà Nội tân văn, 1940 – 1941, (Mai Lĩnh xuất bản, 1941), tập phóng sự xoay quanh những hủ tục lạc hậu ở nông thôn đã đeo bám và làm khốn cùng bao gia đình nông dân trước Cách mạng. Việc làng có 17 câu chuyên riêng lẻ nhưng có chung một nhân vật kể chuyện xưng “Tôi”, từ điểm nhìn nhân vật để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ cũng như những nhận xét, bình luận sắc sảo của người cầm bút trước một vấn đề mang tính thời sự.
Có thể nói Việc làng đã phản ánh khá đầy đủ, chân thực những hủ tục nặng nề ở nông thôn trước Cách mạng từ những quan niệm mê tín dị đoan, tâm lí háo danh, phân biệt ngôi thứ đến sự lợi dụng trục lợi của đám chức sắc trong làng xã. Từ đó nhà văn phê phán, lên án những kẻ lợi dụng hủ tục để chè chén, trục lợi đồng thời bộc lộ sự cảm thông với người nông dân, qua đó Ngô Tất Tố cũng khẩn thiết kêu gọi phải thay đổi nông thôn, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Bằng ngòi bút sắc sảo, sự quan sát tỉ mỉ, những sự việc, chi tiết đắt giá khiến bao hủ tục lần lượt hiện ra từ việc ma chay, lên lão, vào ngôi (với dân ngụ cư đã 3 đời), mua hậu, chuẩn bị lợn thờ, gà thờ, mua góc chiếu đình đến cỗ xôi, cỗ oản, xâu lòng thờ, miếng lăm lợn, đến nghệ thuật băm thịt gà đúng như nhà văn tái hiện.
Sự u mê, lạc hậu, mê tín dị đoan cùng tâm lý háo danh, tâm lý đám đông đã làm cho nhiều gia đình điêu đứng, khuynh gia bại sản. Đó là vợ chồng bác L. chăm chỉ làm ăn tích cóp được lưng vốn nhưng vì mua chức Lý cựu và bữa nhậm chức mà rơi cảnh nợ nần chồng chất lại phải đi làm thuê, làm vú già để trả nợ.
Ông Phúc phải dỡ nhà để bán lấy tiền lo cỗ oản tuần sóc theo lệ làng, là bà Tư Tỵ phải bán hết cơ nghiệp, ruộng vườn để mua hậu (để được hương khói sau khi chết vì không có con trai). Ngòi bút phê phán, châm biếm mạnh mẽ nhất của Việc làng có lẽ tập trung vào chương Nghệ thuật băm thịt gà, chỉ với Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn đấu gạo thế mà thằng Mới đóng 23 cỗ, Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một góc đĩa.
Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa không đĩa nào thiếu một thứ nào… sỏ gà pha năm, phao gà pha bốn… Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng.
4. Tác phẩm Con gà thờ được đưa vào SGK Ngữ văn 12, bộ Chân trời sáng tạo, đây là phóng sự thứ mười trong tập Việc làng. Nhân vật chính của phóng sự này chính là ông chủ nhà trọ của nhân vật tôi, cách giới thiệu nhân vật “có vấn đề” ngay từ đầu buộc người đọc phải chăm chú theo dõi câu chuyện: Ở làng V.Đ. Ông chủ nhà trọ của tôi đáng lẽ cũng là bậc sướng. Dẫu không là tay cự phú, trong nhà cũng có gần sáu mẫu ruộng, một con trâu cái, một con lợn nái, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia, tiền bạc tiêu đâu sẵn đó, nếu chỉ bảy tám chục đồng trở lại, dù là việc bất thình lình, cũng không phải vay của ai.
Bên cạnh đó bà mẹ còn khỏe, vợ con chăm chỉ, hiền lành, bản thân ông cũng ít phải đụng vào việc nặng nhọc, ở thôn quê như vậy đã được coi là nhàn hạ, tiên cảnh. Thế nhưng vài tháng lại đây ông lại phải bận rộn, vất vả vì chuẩn bị lên lão, phải chuẩn bị lễ xôi gà ra đình, để có được con gà thờ bằng người ta thì ông phải vất vả ngược xuôi, ngày đêm mất ăn mất ngủ: “Cỗ xôi không quan hệ lắm, miễn được gạo trắng và dẻo, đóng vào đầy một chiếc quả “phù trang” của làng. Quả có con gà thì hơi cầu kỳ một chút. Nó phải là thứ gà sống mã đỏ, chân vàng, vặt lông và luộc chín rồi, còn đủ bốn cân.
Lệ làng định rõ như thế. Thế nhưng ít ai chịu giữ đúng lệ. Người ta đua nhau tự tăng số cân ấy lên, ít nhất cũng là năm cân, nhiều thì có khi sáu cân, bảy cân, hễ gà càng lớn bao nhiêu, ông chủ càng được dân làng kính trọng bấy nhiêu. Thế rồi ông phải lặn lội xuống tận làng Hồ nhiều ngày lùng sục mới mua được đôi gà về nuôi.
Từ khi có gà ông phải vất vả, bận rộn, lo lắng cho gà hơn hết mọi việc, từ việc chuẩn bị chuồng nuôi riêng đôi gà thờ, thả gà, quây vườn, cho ăn uống, che chắn khi gió mùa, dịch bệnh… tất cả đều tay ông làm vì như vậy mới tỏ tấm lòng thành với thành hoàng, ông còn không cho mọi người gọi là gà mà phải gọi là “người”.
Công cuộc nuôi gà của ông vô cùng vất vả, khi có gà nuôi đã phải sửa lễ ra đình báo cáo “đức thượng đẳng” để ngài che chắn cho gà, khi mùa gió bấc làng có dịch gà toi ông lại sai vợ sửa lễ ra đình kêu các đấng “bộ hạ” để phù hộ cho gà nhà mình. Việc chăm sóc gà của ông quần quật suốt ngày: Sớm ra, ông ấy bắt gà ở chuồng xuống lồng, tối đến ông ấy bắt gà ở lồng lên chuồng. Trong tháng đầu, đồ ăn của gà đã xen thêm ngô, mỗi ngày bốn bữa, hai bữa ngô và hai bữa thóc. Từ tháng hai trở đi, hai món ấy đều bị bãi cả, ông ta cho gà ăn cám. Lúc đầu còn là cám nấu với gạo đổ vào chậu sành để gà tự mổ. Hình như nó cũng thấy ngấy không ăn được nhiều, nên sau lại phải dùng theo phương pháp bào chế. Ông ta luyện cám như luyện thuốc tễ và đem viên lại mỗi viên lớn độ bằng đầu ngón tay. Đến bữa ông ấy ngậm nước trong miệng, rồi ôm con gà vào lòng, một tay vành hai mỏ gà, một tay ấn viên cám vào. Sau khi đã mớm cho nó hớp nước, ông ta sè sẽ lấy tay vuốt vào cổ nó, để cho viên cám từ từ trôi xuống dưới diều, mới lại bón tiếp viên khác.
Mỗi con gà, mỗi bữa độ vài chục viên, mỗi ngày độ chín mười bữa, đều do ông ta tự làm, chứ không khiến ai. Thành ra suốt ngày, ông ấy chỉ quanh vào hai con gà mà không lúc nào được nghỉ. Mặc dù bà mẹ ốm nặng ông cũng chỉ giao cho vợ con trông nom, thuốc men còn ông phải bận việc chăm đôi gà thờ, bà cụ cũng biết thân phận nên khi con gọi thầy xem bà làm sao bà cụ cũng gạt đi để ông chuyên tâm chăm gà thờ. Thế rồi gà bỏ bữa, bón mãi không ăn, diều căng như quả bưởi khiến ông vô cùng hốt hoảng, mặt không còn sắc máu rồi ông nổi cơn thịnh nộ, bỏ cơm nước, gắt mắng vợ con cho rằng họ không thành kính với “người” khiến vợ con nem nép lo sợ bị đuổi tống cổ ra khỏi nhà.
Rồi bà vợ lại phải sửa lễ ra đình kêu cầu, anh thợ cày phải tẩy uế chuồng gà bằng gừng rượu cho trai khiết, làng xóm kéo đến hỏi thăm như trước một tai nạn của người ruột thịt. Giữa lúc bà mẹ ông ở nhà trên nổi cơn bệnh nhưng không ai đoái hoài, thăm hỏi, mọi người chỉ hỏi thăm gà.
Thế rồi bệnh gà càng trầm trọng, nó không đứng lên được nữa khiến ông càng lo lắng tợn, cuối cùng ông đành phải theo sự mách bảo của mọi người cho gà uống nước tỏi (giúp tiêu hóa), quả nhiên sau đó gà trở lại bình thường. Khi ấy nhà ông lại vui như tết, ông lại sửa lễ ra đình lễ tạ. Đến trước ngày sửa lễ ra đình, mọi người kéo đến giúp đông đúc, con lợn được bắt ra làm thịt, quá trưa đã la liệt mấy chục mâm cỗ khắp nhà trên nhà dưới.
Sau khi ăn uống xong, mọi người lại tất bật lo đến việc thờ, người đãi gạo thổi xôi, người làm gà, ông quyết định con ốm lễ chùa, con khỏe lễ đình. Đôi gà thờ được các trai tráng làm cẩn thận, chằng buộc hai con gà ngỏng cổ, giương cánh như con phượng ngậm cuốn thư.
Rồi công đoạn luộc gà càng khiến nhân vật tôi tò mò bởi gà to luộc nồi nào cho vừa. Họ bắc đến sáu chiếc nồi ba mươi gần đầy nước, nửa đêm nước sôi, người ta dùng gáo múc nước dội gà liên tục cho đến sáng thì gà vừa chín, thế rồi họ cởi dây chằng buộc gà đặt lên mâm xôi ra lễ đình và lễ chùa, lễ xong con gà của ông cân được 7 cân khiến ông rất sung sướng: “Đời như thế là mãn nguyện!”
5. Phóng sự Con gà thờ được kể ở ngôi thứ nhất, điểm nhìn chính là điểm nhìn của nhân vật kết hợp với lối kể, tả cùng bàn luận khiến cho phóng sự hết sức chân thực, sinh động, mang giá trị hiện thực sâu sắc. Qua phóng sự này, Ngô Tất Tố đã lên án những hủ tục lạc hậu, ăn sâu vào tâm trí người nông dân khiến họ xem đó là điều hiển nhiên phải thực hiện.
Từ đó nhà văn cũng kêu gọi phải thay đổi nông thôn, phải giải phóng người nông dân khỏi những hủ tục nặng nề đang đeo bám, đó cũng chính là tấm lòng cùa Ngô Tất Tố và chiều sâu tư tưởng của phóng sự Con gà thờ. Để khép lại bài viết nhỏ này, tôi xin mượn lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều để đánh giá: “Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến.
Các tác phẩm như: “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” đã truyền tải đến người đọc những thực tế nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Không chỉ là một nhà văn, một học giả, ông còn là một nhà báo sắc sảo, bén nhạy, những tác phẩm của Ngô Tất Tố mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc”.
7/9/2024
Nguyễn Quỳnh Anh
Nguồn: GD-TĐ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVô gia đình 5

Vô gia đình 5 Chương XXXIV Gia đình điệp công Viên thư ký Phòng Cố vấn Pháp luật đưa chúng tôi về nhà cha mẹ tôi là một ông già da mặt n...