Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Đi tìm tứ thơ

Đi tìm tứ thơ

Ghét của nào, trời cho của ấy. Trước đây tôi không ghét thơ. Tôi chỉ tránh thơ. Tránh đọc, tránh nghe, tránh bàn luận. Lý do đơn giản, tôi dốt về thơ. Thời còn ở trung học tôi không thích thi sĩ. Tôi nghĩ họ là những người thiếu thực tế, mơ mộng hão huyền và ở cõi nào đó. Cái định kiến nặng nề như vậy, dù tôi chưa hề tiếp xúc với một thi sĩ nào. Chỉ nghe thiên hạ nói về mẫu người ấy, tôi đã không ưa.
Khi đi học, ai cũng phải học vài bài thơ. Tôi thích thơ Tú Xương vì chỉ đọc qua bất cứ bài thơ nào của ông trong sách giáo khoa, chỉ một lần, tôi đã nhớ. Có lẽ từ ông dùng dội vào lòng người đọc cảm xúc thật mạnh. Thơ của ông sống động như đoạn phim trước mắt.
“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay”
Tôi thử thay chữ chửa, sang chưa, sang chẳng. Tôi thử đổi chữ thế sang chữ vậy. Hai câu thơ bất hủ bị chìm đò. Chắc chẳng còn ai nhớ đến chúng. Tôi nghĩ như vậy nhưng chẳng dám bàn với ai. Tôi đọc vài bài bình thơ của Tú Xương. Không thấy lời phân tích về cách dùng từ của Tú Xương. Dạo đó không thấy hai chữ thi sĩ trước bút hiệu Tú Xương, nên tôi có nhiều thiện cảm với ông, như tôi yêu mến những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn.
Tết đến tờ bích báo của trường thường có hình ảnh của bánh chưng, cây nêu, câu đối và vài câu thơ. Bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên được đọc nhiều nhất trong radio và được ngâm trong tivi trước 1975. Bao người tấm tắc hai câu
“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Quả hai câu ấy là một bức tranh điểm thật rõ nỗI buồn, đọng thật lâu trong lòng của người đọc. Nhưng tôi lại cảm thấy chút gì vu vơ hơn, da diết hơn ở hai câu trong đoạn dưới
“Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
Hai chữ lá vàng làm tôi liên tưởng đến mùa thu. Mà mưa bụi rõ ràng vào tiết xuân ở miền Bắc. Chẳng có từ bắc cầu hai mùa. Cái cảm giác buồn lại đăng đẳng như thế sao? Về sau tôi có tìm đọc vài bài thơ của Vũ Đình Liên. Tác giả dùng lại hình ảnh của ông đồ trong hai bài “Mùa Xuân Cộng Sản” và “Thủy Chung”. Sự gượng ép (có lẽ vì cơm áo) chẳng để lại nuối tiếc. Hình ảnh phảng phất của ông đồ vào ngày Tết đã bị tác giả nhẫn tâm hủy diệt. Tiếc thay!
Vài bài nhạc của Phạm Duy đã làm tôi để ý đến hai bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Thiên Thư. Trong bài ca Thà Như Giọt Mưa, tôi thích nhất bốn câu
“Người từ trăm năm về qua sông rộng
Người từ trăm năm về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng”. Sau ra hải ngoại và được đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi mới thấy 4 câu ngắn hơn, nhưng xa vời hơn
“Người từ trăm năm
về ngang sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng”
Từ mòn kéo dài thời gian đến trăm năm. Từ ngoắc, tưởng đơn giản, nhưng thể hiện một việc liên tục. Từ trùng trùng nghe xa lắc.
Trong bài nhạc Ngày Xưa Hoàng Thị, tôi thích câu cuối
“Ai mang bụi đỏ đi rồi”
Tôi cứ cố nghe, mà phân vân. Có phải 2 chữ buổi đó vì cách luyến láy của ca sĩ Thái Thanh đã nghe nửa chừng như bụi đỏ. Sau tìm đọc bài thơ của Phạm Thiên Thư, tôi không cảm thấy như thế ở 4 câu
“Phố ơi muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quanh quẩn
Ai mang bụi đỏ”
Phạm Duy chỉ thêm hai từ đi rồi và làm bài nhạc kết thúc thật nên thơ.
Trong diễn đàn thơ, thỉnh thoảng tôi nghe người ta nhắc đến tứ thơ. Nghe là lạ. Nghe xa vời. Cái thói lười muôn thuở. Tôi tìm trong Google. Đọc cả mấy chục bài, tôi thấy những người vỗ ngực xưng là thi sĩ, thực chất chỉ là những tên đạo văn. Họ chỉ sửa vài chữ trong bài viết của ai đó và thản nhiên đặt bút hiệu của mình đi trước. Bài viết cũng chẳng có gì đáng để đọc. Toàn những cách đánh bóng để thơ là cái gì cao xa lắm, đỉnh cao của trí tuệ. Hèn gì tôi bị dị ứng với danh xưng thi sĩ. Tôi giở 2 quyển sách phân tích thơ của Nguyễn Hưng Quốc đọc bao nhiêu lần, chừng ấy năm. Tác giả dẫn chứng như đưa thiên hạ lên mây, xuống suối. Những người kém trình độ như tôi cứ thắc mắc … tứ thơ là cái quái gì? Chừng ấy năm tôi cầm đuốc đi tìm lời giải thích thật đơn giản. Tôi đã viết bao bài thơ khi trong lòng trống rỗng và câu hỏi cứ lớn dần. Tôi ngưng làm thơ vì nghĩ mình chưa đủ trình độ. Trước khi quẳng bút tôi có viết bài “Đi tìm hồn thơ”. Vài năm sau tôi lại mon men tập làm quen với nó. Tôi đã làm như vậy vài lần.
Nhận thức của ta thay đổi theo thời gian. Khi còn trẻ, tôi ăn không cần mở mắt. Món ngon thì cứ ăn cho đến khi cứng bụng. Bây giờ chỉ nhìn thấy nhiều món ăn là bụng tôi tự động cứng lại. Tôi thấy ngán dù chưa đụng đũa. Tôi để ý thấy trong các cuộc thi nấu ăn, giám khảo phân tích về vị của món ăn, mùi của thức ăn, độ cứng mềm hay giòn, cách trình bày để món ăn… ngon trước khi đụng đũa. Món ăn với cả tâm hồn của người nấu có thể cảm nhận được. Khi nghe điều này, tôi quả quyết mình từ hành tinh khác.
Vài tuần trước, tôi tình cờ đọc được một bài viết ngắn về tứ thơ. Theo tác giả, tứ thơ là cách sử dụng từ, gói ghém hình ảnh, âm thanh để thể hiện cảm xúc của mình để người đọc có thể cảm nhận được. Đúng là bài thơ có vần dễ nhớ. Đúng là bài thơ có hình ảnh sẽ sinh động. Đúng là từ dùng không cần mỹ miều, trau chuốt có thể tạo được câu thơ súc tích. Khi cảm xúc thật… trào ra khi viết, cách phối hợp từ, tạo âm thanh ở dấu ngắt câu, phác họa bằng ẩn dụ hay hình ảnh thân thuộc, cách bài trí tạo dáng đẹp cho từng khổ thơ… Có lẽ đó là tứ thơ. Nhiều bài thơ được nhắc tới, được nhớ tới nhờ ý đẹp và tứ hay. Nhưng bất cứ sự gượng ép để tạo tứ thơ và cố ghép vào ý thơ sẽ không tạo được bài thơ trong lòng của người đọc. Vì thơ không sống trong giới hạn của không gian, của thời gian, của quy luật. Thơ mong manh như hơi thở… lúc dập dồn… lúc đứt quãng… xa bay.
Khù Khờ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...