Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Bánh xe quay ngược

Bánh xe quay ngược

Hè chưa đến, những đứa trẻ đã đuổi bắt nhau từ sáng đến chập choạng tối. Khu tôi ở, từ ngày mới xây đến bây giờ chưa bao giờ lại náo nhiệt như vậy. Trước đây trong khu này chỉ có thằng Ken, cách nhà tôi vài căn, quậy phá cả xóm. Khi đi làm về, tôi luôn cẩn thận lái thật chậm khi gần đến nhà. Thằng Ken rình sẵn từ ngõ ngách nào, bất chợt lao ra, đuổi theo xe tôi. Nó còng lưng đạp xe, như con chó đuổi theo chủ. Tôi lái xe cầm chừng để thằng nhỏ khỏi phải lột dên. Hai đứa con tôi, ngồi băng sau, tròng cặp kính bơi chọc quê thằng hàng xóm. Thỉnh thoảng nó đến dộng vào cửa nhà tôi, rủ hai đứa con của tôi ra đường chơi với nó. Tôi ra mở, mắt cứ ngó lên trời hỏi quanh. Thằng Ken cố nói lớn mà tôi vẫn không nghe. Đâm chán, nó bỏ đi. Hôm nào bà xã tôi ra mở cửa, nghe tiếng hắng giọng “Who is a troublemaker out there?” là thằng Ken đã cong giò bỏ chạy trước khi tiếng cửa mở lạch cạch.
Thằng Ken lên trung học thì khu nhà tôi yên tĩnh hẳn. Thỉnh thoảng cũng có đôi ngày hơi náo nhiệt vì cậu hàng xóm rủ vài đứa bạn đến tán gẫu trước nhà. Cả bọn mặt áo thun đen, quần jean đen, tóc nhuộm đủ màu. Xe tôi chạy ngang qua, nó chỉ đưa cặp mắt bám theo bảng số. Xong trung học, mái tóc dài như bờm ngựa của nó cứ thưa dần, rồi hói hẳn trước khi bước vào lứa tuổi 30. Thỉnh thoảng tôi gặp nó ở trạm đổ xăng, tôi trêu đùa “How are you Frank (tên của ba nó)?” Nó chỉ nhìn tôi cười trừ “thiệt hết biết” (chắc nó nghĩ vậy). Frank về hưu đã hai năm nay. Từ khi Covid bùng phát năm ngoái, tôi không qua đó tán dóc về chuyện thể thao và chuyện thị trường chứng khoán. Đến tháng ba năm nay, hai vợ chồng Frank ly dị, rồi bán nhà. Tôi không còn gặp thằng Ken nữa. Vài lần lái xe qua nhà nó, thấy cái bảng bán nhà, nỗi trống trải không đâu cứ lởn vởn bám theo tôi …
Độ hai tuần sau thì sân cỏ trước nhà đó được cắt tỉa lại. Tấm bảng bán nhà đã được thay bằng tấm bảng cao hơn “Watch out for children”. Đang làm việc trong nhà, tôi thoáng nghe tiếng gọi nhau ơi ới, những tiếng cười đứt quãng. Tôi lên lầu cầm cái remote control để tắt ti vi, thì lại nghe tin tức oang oang. Rõ lạ. Tôi vừa mở chứ không phải tắt ti vi. Tôi xuống phòng ngủ, tìm IPad. Có lẽ bà xã tôi mở nghe nhạc mà quên tắt. Tìm mãi chẳng thấy. Bên kia phòng làm việc, tiếng của sếp đang hội họp. Tôi vừa ngồi xuống trước laptop thì thấp thoáng thấy mấy cái đầu nhỏ bên dưới lòng đường trước nhà. Tôi mở cửa bước ra thì thấy 4 đứa nhỏ từ hai đến tám tuổi đang rượt nhau trên lề cỏ. Tôi ngó quanh mà không gặp bố mẹ chúng đâu. Tôi ngồi xuống bậc thang trước nhà, nhìn tụi nhỏ chơi đùa và trông chừng xe cho chúng. Mặt mũi đứa nào cũng dễ thương và lanh lợi. Tự nhiên tôi nhớ đến hai đứa con của tôi khi chúng còn ở tuổi này. Tụi nó chẳng bao giờ được cho phép chơi ngoài đường, như thằng Ken năm nào. Được gần cả tiếng thì tôi thấy người thiếu phụ trẻ trong nhà cũ của Ken bước ra, gọi đám con vào nhà. Tôi vẫy tay chào làm quen. À, thì là vậy. Cuối tháng Ba, Covid vẫn còn. Bọn trẻ phần lớn vẫn còn học ở nhà. Không khí của khu tôi ở dường như thay đổi sau một năm bó gối trong nhà. Đã hai mươi năm từ ngày thằng Ken bước lên trung học, tiếng trẻ con nô đùa lại vang lên từ trước căn nhà đó. Lần đầu tiên người da đen đến ở khu này. Chắc sẽ có vài thay đổi.
Được vài tuần thì đám con của hai vợ chồng Terry đã chiêu mộ thêm vài đứa bạn mới. Lúc đầu chỉ một, hai đứa. Đến tháng Năm đã thành cả bọn mười mấy đứa. Cứ khoảng 10 giờ sáng là bọn trẻ đã chạy thình thịch, đến dộng cửa nhà nhau, rủ nhau phá làng, phá xóm. Bắt đầu là chạy đuổi nhau, đua xe đạp, rồi đá banh, chơi bóng chày… Cứ khoảng 10 giờ sáng, tôi lại ra nhổ mấy cây cỏ dại trước nhà. Loài cỏ dại thật là bướng bỉnh, tôi nhổ chỉ cầm chừng. Mắt của tôi đảo quanh, ngó chừng xe cộ. Nhìn những đứa nhỏ hồn nhiên nô đùa bên nhau, tuổi thơ của tôi tự dưng trở lại. Mấy đứa bạn trong hẻm cụt … tiếng tạt lon … tiếng nhảy cò cò … tôi ngồi … nhìn về kỷ niệm nhòa trong nước mắt. Lạ thật, tự dưng tôi dễ xúc động vậy sao! Thấy trong lòng không yên, tôi chạy ra Walmart mua chồng safety cone bỏ dọc con đường nhà tôi để xe đi qua thận trọng hơn. Tôi nói chuyện với vài người hàng xóm. Chúng tôi gởi email đến ban quản trị khu vực, yêu cầu họ thông báo cho mọi người nên lái xe thật cẩn thận trên con đường này vì có nhiều trẻ nhỏ. Chỉ tuần sau cả khu đồng ý cấm hẳn xe đi lại trên đường này từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Đám trẻ từ những con đường chung quanh cũng đến đây nhập bọn. Mỗi ngày tôi cũng xách còi ra làm trọng tài cho bọn chúng đá banh. Hàng xóm đôi ba nhà mở cửa ra nhổ cỏ, hóng gió và tán gẫu với nhau. Khu tôi ở đã hoàn toàn lột xác.
Đám trẻ chơi đến bến. Khi bị cha mẹ gọi về, chúng thường bỏ quên vài thứ đồ chơi: xe đạp, skateboard, găng tay, chày đánh bóng … Vài cha mẹ trở lại nhặt đồ chơi của con mình. Nếu không, mấy đứa nhỏ ngày hôm trở lại chơi tiếp. Chẳng bao giờ tôi nghe chúng thân phiền bị mất đồ chơi, kể cả những chiếc xe đạp còn mới toanh hay chiếc skateboard đắt tiền. Khi đi bộ chung quanh, thỉnh thoảng tôi nhặt những món đồ chơi dưới lòng đường để lên ven cỏ hay sân trước của nhà nào đó. Tối đến xe chạy qua đâu thấy được. Làm vậy cũng an toàn cho người lái. Bà xã tôi ban đầu cằn nhằn là tôi chỉ thích làm những chuyện không đâu “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Thấy nói vài lần không thay đổi được tôi, sếp cũng góp tay. Đi bộ khỏe được cái chân, lượm đồ thon thêm cái bụng. Ờ, cũng có lý.
Đến giữa tháng 7, tin tức lại dồn dập về Covid. Delta variant mang đến bao hoang mang lo sợ. Nghe ti vi loan tin các bệnh viện quanh đây đã đầy hết rồi, kể cả bệnh viện nhi đồng. Tôi lái xe quanh vài bệnh viện và vào cả bên trong. Chắc họ vừa cho nhiều bệnh nhân Covid xuất viện. Nghe nói Sài Gòn bị giới nghiêm từ mấy tuần nay và người chết nhiều lắm. Tôi cũng đâm lo. Tôi gọi về người chị cả ở ngoài thành Sài Gòn. Nghe tôi sụt sịt đầu dây bên này, chị tôi đâm hoảng. Tôi bảo chỉ bị dị ứng với cây cỏ thôi. Chị vẫn không an tâm. Đến khi tôi bảo là tôi đã chích ngừa Covid từ tháng Ba và tôi đã đi thử Covid vài hôm trước. Chẳng có gì. Chỉ thiếu Corona beer. Chắc chị nghe không kịp câu nói đùa. Chị thở phào rồi bảo
Chị cũng vừa khỏi Covid em ạ. Cái thứ mới, hay lây lan đấy. Chỉ sổ mũi như ốm vờ hai hôm. Khi nào có thuốc chủng ngừa của Mỹ thì chị đi chích cho an tâm hơn. Còn thuốc của thằng Trung Quốc thì cho tiền cũng chẳng thèm.
Nghe chị nói tôi cũng phì cười.
Mấy tuần nay tôi tập cho đứa cháu gái lái xe. Nó rụt rè thấy rõ. Nỗi sợ sệt, căng thẳng hiện trên bộ mặt. Sau khi đã lái qua những con đường hơi đông xe, quanh co hay xe chạy nhanh tôi đều bảo cháu đậu xe vào chỗ an toàn rồi chuyện trò cho nó bớt căng thẳng. Hoá ra nỗi sợ sệt của cháu tôi là phải trở lại trường để học. Nó sợ bị lây bệnh. Tôi bảo
Hồi tháng Giêng ba và em của con bị Covid, chỉ hai hôm thì khỏi. Con đã chích ngừa rồi thì đâu phải sợ gì. Nếu chưa thấy an tâm thì cứ đeo khẩu trang. Con không nhớ bạn bè và muốn trở lại cuộc sống như trước sao?
Con học ở nhà quen rồi. Sang năm vào đại học, con cũng muốn học như vậy. Con ngại đám đông và tiếp xúc với người lạ.
Tôi ngồi lặng người. Không lẽ chỉ hơn một năm mà mấy đứa trẻ như vậy sao?
Trở về con đường trước nhà tôi, bây giờ cũng vắng lặng tiếng trẻ con. 10 giờ sáng tôi không ra trước nhà để nhổ cỏ dại nữa. Tôi gom những safety cone để tạm ở góc đường, về chất chồng lên chiếc xe cút kít còn xẹp bánh. Chiếc còi, tôi treo chung với mấy cái mũ và áo lạnh. Chắc tôi sẽ chẳng cần dùng đến nó. Sát lòng đường còn vài món đồ chơi. Bên ven cỏ, chiếc xe đạp chồng ngược gần hai tuần mà vẫn chưa có ai đến lấy về. Chiều đồ mưa tầm tả. Tôi đội mũ và khoác chiếc áo không thấm nước đi bộ quanh khu ở. Gió rít từng hồi. Lọn tumbleweed lăn vòng giữa bãi cỏ thênh thang ráp giới công viên. Tôi thấy lòng mình cuộn nhào theo nó. Đến trước nhà cũ của thằng Ken, hai bánh xe chổng ngược bị những cơn gió xoay vòng. Nước mưa va vào chúng bị hất về phía tôi. Tôi bước chậm từng bước… cho đến khi lằn nước mưa chạm mũi.
Tôi đang nhìn cặp bánh xe quay ngược. Mưa từng giọt… mặn môi.
Khù Khờ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...