Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Bốn mắt

Bốn mắt

Ngồi ở phòng giám học nẩy giờ, tôi ra dấu nhiều, mệt lắm. Bà giáo già không tin tôi hiểu những gì bà đã nói, dù đầu tôi luôn gật và miệng thường nói “yes”. Ngồi một lát, chắc để cho tôi thở, bà nhấc máy nói. Tiếng bà oang oang, vọng lại từ cuối hành lang lớp học. Được một chốc một cô gái Á đông bước vào văn phòng. Có lẽ là người Việt. Bà giáo nói với cô ấy đôi câu rồi bỏ đi. Trơ trọi quá tôi xoa tay cười cầu tài. Cô gái chẳng nhìn tôi, dù bằng nửa con mắt. Khẽ hất mái tóc dài ra sau, cô hỏi một tràng tiếng Mỹ. Chẳng cho tôi một vài giây, để nhớ những câu hỏi đó. Lạ thật. Cũng tiếng Mỹ sao cô này nói tôi hiểu hết trơn. Tôi liền trả lời sơ qua về sức học của mình. Dĩ nhiên bằng tiếng Việt. Cô ta cứ lắc đầu nguầy nguậy. Thỉnh thoảng lại bậm môi, chăm mắt có chiều tức giận. Hai đôi mắt tròn đen sau cặp kính đen tròn lớn giống như cái đèn pha soi mói tôi. Tôi có nói gì đâu. Tôi chỉ bảo là ở Việt Nam tôi đã học xong đạo hàm và tích phân. Tôi thích môn hình học và vẽ qũy tích tương đối khá. Nói chung là những câu nói để tăng cái giá trị cuả mình một tí. Cực chẳng đã, cô ta trả lời lại bằng tiếng Việt lơ lớ “Mi đâu có hỏi là người đạo gì mà phải phân tích. Mà tại sao lại nói Mi là qủy.” Trời ơi! Thiệt là ách Thị Kính. Tôi vờ đánh trống lãng “ Cái gì Mi? Trà Mi hay Thảo Mi?” Cô ta chỉ vào người trả lời “Me là đây.” Bây giờ tôi mới thấy quê về cái tài nghe cuả mình. Tôi cười trừ “Cho tớ xin lỗi. Tớ mới qua đây chưa được một tuần.” Tôi biết đến một nhân vật mới - Bốn Mắt.
Vài tuần trôi qua. Những ngày đầu mới vào học, tôi khổ sở với cái trường quá rộng lớn. Số học sinh chỉ vỏn vẹn trên dưới một ngàn. Hàng ngày tôi lầm lũi giữa đám học trò lớn trước tuổi. Ngày mới vào lớp, tôi đến trình diện cô giáo tiết đầu. Cô ta nhìn tấm cạc tôi trình một lúc, rồi gọi vài người nữa, có lẽ là học sinh. Cả bọn phá ra cười. Ít phút sau cô giáo thật mới bước vào. Tôi chưng hửng. Học trò ở đây sao dám ngồi bàn thầy cô. Mặt mũi lại tô son đánh phấn trông chẳng khác người lớn. Có hôm tôi thấy cô giáo văn lù lù sắp bước đến cưả. Tôi khẽ vỗ vào vai tên bạn kế bàn đang say sưa uống môi hồng cô bạn. Hai đứa cứ tự nhiên cho đến khi cô giáo giảng bài. Thiệt là loạn. Thiệt hết phê!
Bữa nọ loa trong trường loan báo gì đó. Đám thiếu sinh quân (ROTC) chạy tới chạy lui, kèn trống rền vang nơi sân cỏ xa đằng kia. Có lẽ họ đang chuẩn bị duyệt binh, hay sửa soạn đón chào ai đó. Nghe phong phanh lát nữa sẽ có ông tướng ghé trường. Rồi tiếng còi hụ inh ỏi. Lớp tôi bỏ màn cửa xuống. Tụi học trò cứ dáo mắt ngó ra qua mành cửa hé mở. Đám thiếu sinh quân chạy thục mạng ra phiá sau. Có lẽ ông tướng đã đổi hướng. Nao lòng quá tôi tung chạy ra khỏi lớp ra phiá sau trường, để xem. Tôi đang ngơ ngác đứng giữa khoảng sân trống, chẳng một ai. Đằng sau từ các lớp học là tiếng reo hò cuả bọn học sinh. Bốn Mắt từ đâu xông ra. Kéo tôi trở lại lớp. Ấn đầu tôi xuống dưới bàn, rồi phóng đến tôi một cái nhìn sắc bén. Được một lúc sau khi còi hụ đã dứt Bốn Mắt mới trách “Tại sao lúc nẫy Tớ chạy ra đó vậy. Gió xoáy (tornado) cuốn chết chứ chẳng chơi.” Tôi ngượng ngùng phân trần “Vậy mà Tớ cứ tưởng là ông tướng (commando) nào tới chứ. Chạy ra xem vậy mà.” Bốn Mắt lắc đầu trở lại lớp cuả mình. Khi đi, mặt thoáng dấu nụ cười.
Mấy tuần nay tôi để ý thấy tụi học sinh bản xứ thích món dồi lắm. Muốn hỏi họ mà tôi cứ ngại. Thấy Bốn Mắt đang ra khỏi phòng ăn, tôi liền chạy đến hỏi “Đó là dồi gì vậy. Thấy họ ăn có vẻ ngon lắm.” Bốn Mắt tự nhiên trả lời “Hot dog đó. Tớ thử cho biết.” Tôi liền le lưỡi “Nhà tớ đạo Phật nên không đưọc ăn thịt chó. Thôi xin miễn.” Bốn Mắt ôm bụng cười nắc nẻ. Mấy cô bạn Mỹ đi cùng, chúi đầu hỏi, rồi cùng lên phá cười. Tôi ngơ ngác. Chẳng muốn bước vào cái nhà ăn này nữa.
Tiếng còi lại ré vang. Thêm một tên bị kéo ra khỏi sân. Cuộc đá banh thiếu hào hứng đang diễn ra giữa lớp 11 và 12. Thời bấy gìờ môn bóng tròn chưa được thịnh hành ở Mỹ, ngay cả ở sân trường trung học. Cái sân cỏ xanh rờn, còn ngon hơn Thống Nhất ở SàiGòn, Trên sân có chục mạng, chỉ đủ để ráp đầy đội hình 11 người mỗi bên. Tên nào tướng tá cũng ngon, quần áo giầy vớ xịn, thể lực tốt, nhưng đá qúa tệ. Mấy tên này chỉ biết chạy thục mạng chứ chẳng biết chuyền banh gì cả. Lâu lâu có một tên đá banh thật cao lên. Đám nữ sing đứng ngoài lại rú lên, la hét ỏm tỏi lắm. Tôi đứng bên ngoài mà máu cứ chạy rần rần, chân tay không khỏi ngưá ngáy. Chịu không nổi nữa, tôi mới chạy đến năn nỉ với thầy huấn luận viên. Ông dạy tôi môn Vật Lý. Trong lớp, ông ta có vẻ khoái tôi, vì tôi làm bài không dùng máy tính (đâu có tiền mà mua), kể cả lấy căn số. Bài tôi nộp có chất lượng hơn, kèm theo một đống giấy nháp, chứ không phải chỉ là một tờ giấy khoanh tròn câu trả lời. Thỉnh thoảng ông hay nhìn về tôi trong giờ học. Tôi hay rút dây giầy làm ảo thuật cho mấy tên ngồi cuối lớp. Mr. Smith, ông thầy, nhìn tôi một lúc rồi khẽ gật đầu. Tôi vội vàng đá phăng đôi giầy, xắn quần jean lên, cởi áo rồi chạy vội vô sân sợ Mr. Smith đổi ý. Đồng đội tôi thì hơi ngơ ngác. Nhưng vẫn tiếp diễn cuộc đấu. Tôi chạy lên, chạy xuống cả chục bận mà không tên nào chuyền bóng về phiá tôi. Đang nản thì trái banh trong đám đông bật bung về phiá tôi. Tôi chạy thục mạng, chân bắt lấy banh, dễ dàng lừa qua cả vài tên đội bạn. Bên ngoài tiếng hò hét cuả bọn con gái vang ầm lên. Chẳng khác nào lửa được thêm dầu, tôi hăng say lừa banh trái, phải và quyết tâm phải làm bàn cho được. Khi tiếng reo hò im hẳn, tôi nghe rõ tiếng lách chách của cái quạt trần trên đầu. Lờ mờ tôi nhận thấy vẻ lo âu cuả … Bốn Mắt. Cô đang dùng khăn ướt để thấm ướt những giọt … có lẽ là mồ hôi, còn tuôn chảy bên mí mắt tôi.
Tôi đang thênh thang trên đường thì nghe tiếng xe thắng rít. Nhìn lại thấy Bốn Mắt đưa tay ra khỏi xe vẫy “Uả, nhà cuả Tớ ở đây hả?” Thấy vẻ thân thiện cuả cô bạn Việt Nam duy nhất trong trường tôi cũng mừng. Có lẽ từ trận đá banh đến nay, cô ta có vẻ dễ chịu với tôi hơn trước. Tôi trả lời “Nhà cuả tớ cách đây chừng bốn năm con đường.” Bốn Mắt tiếp tục hỏi “Vậy Tớ cắt cỏ cho nhà này hả?” Vừa chợt hiểu, tôi đáp “Đâu có. Tớ đi ra hồ để bơi. Không có xe hơi, tớ tập lái xe cắt cỏ cho quen!” Do dự chưa đi Bốn Mắt ngập ngừng “Hồ đàng đó nổi tiếng về cá sấu nhất vùng này.” Tôi quay đầu xe (cắt cỏ) lại “Hèn gì chiều nào thấy tớ bơi, mấy người trên bờ cứ ngoắc tay kêu lên.”
Mấy ngày hôm nay vào lớp mấy đứa bạn ngó tôi bằng cặp mắt lạ lắm. Cả cô thầy nữa. Chuyện trên sân banh xảy ra cả tháng rồi. Một hôm ông thầy toán đưa cho tôi một sấp giấy với những bài toán đủ hình, đủ dạng. Tương đối dễ hiểu vì câu hỏi rất ít Anh Văn. Tan trường tôi ngồi chờ Bốn Mắt để nói một chuyện. Mấy tuần rồi không gặp. Đang ngồi vẽ thì tôi bật giật mình vì cái vỗ bất ngờ trên vai. Bốn Mắt bắt chuyện “Uả, Tớ vẫn nhớ trận đá banh tháng trước sao mà ngồi đây vẽ lại vậy?” Tôi ngượng ngập đáp “Đâu có. Tớ nhớ đến mấy đứa bạn còn ở Việt Nam nên nghuệch ngoạc lại hình ảnh xưa.” Bốn Mắt chỉ vào góc trang giấy hỏi “Vậy ai đang đứng đây xem mấy người đá banh?” “Bốn Mắt chứ ai.” vừa nói tôi vừa khoanh tròn đôi mắt kính to tổ bố. “Tóc cuả Bốn Mắt đâu có ngắn chấm vai như vậy” cô bạn tôi phân bua. Hết biện chữa tôi nói nhỏ “Bốn Mắt để tóc ngắn đẹp hơn!” Bốn Mắt có vẽ hờn dỗi bỏ đi. Tôi chạy theo. “Ờ, tớ có chuyện muốn nói với Bốn Mắt.” Bốn Mắt đi chậm lại chờ đợi. Tôi đưa cuốn kỷ yếu “Tớ vừa viết vài dòng lưu niệm cho Bốn Mắt. Thấy lời lẽ cuả bạn bè trong đây, tớ hãnh diện về Bốn Mắt lắm. Tớ không viết được tiếng Anh nhiều nên viết bằng tiếng Việt. Chừng nào Bốn Mắt biết đọc tiếng Việt, hẳn sẽ hiểu. À, tớ thấy trong đây thiên hạ vẽ nhiều quả tim, nên tớ chỉ vẽ dấu hỏi.” Bốn Mắt nhìn tôi một hồi, rồi khẽ hỏi “Còn câu chuyện Tớ muốn nói?” Tôi gãi đầu, móc túi lấy ra một tờ giấy “Nói cho Bốn Mắt mừng, tớ đậu TOEFL rồi!” Nhìn vào tờ giấy, để tôi mở cờ trong bụng một hồi lâu, Bốn Mắt mới giải thích là điểm thi này chỉ dành cho học sinh “ngoại quốc” như tôi. Các đại học xét đơn dựa vào điểm thi SAT. Tôi mau mắn trả lời “Tớ cũng vừa có kết quả SAT tuần rồi. Anh văn được đến 210. Thiệt cái số cũng hên. Đánh lô tô đại mà cũng trúng 25%.” Bốn Mắt chầm chậm trả lời “Mình bỏ giấy trắng cũng được 200! Tớ phá kỷ lục ở trường này ở cả hai bộ môn trong một kỳ thi đó.” Rồi không đợi tôi hiểu Bốn Mắt nói tiếp “Mấy ngày nay thầy cô nói về Tớ không phải vì môn Anh Văn. Ai cũng dư biết khả năng đó cuả Tớ rồi... Một số thấy điểm cuả Tớ lệch lạc như vậy nên thử Tớ đó.”
Đến gần bãi đậu xe, Bốn Mắt ngập ngừng đưa tôi ba tờ giấy “Đây là bài nói chuyện cho buổi lễ tốt nghiệp tối thứ Sáu. Đọc đi rồi cho Bốn Mắt ý kiến.” Lướt qua bài viết, tôi thật sự hãnh diện về cô bạn cuả mình. Hèn gì báo trường và báo địa phương không ngớt đề cập đến cô học sinh thật ưu tú này trong mấy tuần nay. Tôi đưa ngón cái lên “Số một! Bốn Mắt làm tớ hãnh diện muốn lên mây luôn.” Cô bạn nhẹ nhúng vai “Nhưng Bốn Mắt thấy thiếu cái gì đó trong bài nói chuyện này. Một cái hãnh diện về người Việt. Bốn Mắt viết mấy dòng này giống như cô Mỹ con. Chẳng có gì đặc biệt cả. Chẳng có cái gì để người khác nhớ về mình trong cái ngày đáng nhớ này. Tớ có làm cái gì để thấy hãnh diện không? Tớ có một ước ao nào muốn thực hiện?” Đứng một hồi lâu, tôi mới kể sơ qua mấy việc nhỏ, nhờ làm được, tôi có được niềm vui. Còn ước ao, tôi có nhiều lắm kể không hết trên vài trang giấy. Tôi ngồi xuống bệt xuống vệ cỏ, kể cho Bốn Mắt nghe chuyến đi không may mắn cuả tôi. Ngồi đó, tôi rấm rức lại những cái đau thương tôi đã chứng kiến trên biển cũng như nhìn thấy trên khuôn mặt từ những cái tàu, đến bến chỉ vỏn vẹn còn 5 hay 3 người. Thấy những người vừa vào bờ đã vội cạo đầu, ăn chay, đủ hiểu họ phải ăn gì trong những ngày đói khát trên biển hay trên một hoang đảo bị kéo đến. Trở lại là hình ảnh chúng tôi, hàng chục người, nhảy xuống biển giữa đêm khuya để bơi qua cái đảo nhỏ đối diện trại, không xa. Ở đó có tiếng gào thét cuả phụ nữ trẻ con. Đàng sau bên phía trại là những ngọn đuốc rực sáng, tiếng khua thùng để hỗ trợ sức mạnh cho đám thanh niên quyết tử. Thời gian lúc đó như dừng lại. Tôi đâu còn cái mắc cở, khóc như đưá con nít lên ba vì tủi hận.
Khi chia tay với Bốn Mắt tôi cáo lỗi là sẽ không đến dự lễ ra trường cuả cô được. Mai tôi phải thu xếp để tiếp tục cuộc hành trình về phương tây. Bốn Mắt ngạc nhiên lắm “Sao Tớ mới tới lại đi?” Tôi chỉ vào chân cười “Chân tớ có cái mụn ruồi lớn lắm. Tớ không ở lâu một chỗ được. Bốn Mắt đi học xa, tớ đâu còn quen ai ở cái trường này. Có mấy người bên đảo rủ qua Cali. Nghe nói việc làm bên đó trả cao hơn tiền lượm cam bên này. Hy vọng tớ kiếm được đủ tiền để gởi về gia đình. Mấy đưá em sắp lớn. Tuy nhà nói không cần tiền, nhưng tớ thấy có bổn phận để lo cho mấy đứa em đi vượt biên. Học hành gác lại một năm cũng chả sao. Biết đâu năm sau, điểm Anh Văn cuả tớ khá hơn 210!”
Sáng sớm, tuy sắp hè, nhưng trời vẫn còn mù sương. Cái xứ này vậy đó. Tôi ra xe đang bịn rịn chào bà bảo trợ. Bà ta cứ ôm riết lấy tôi, như người mẹ, không muốn cho con đi xa. Chuyện tôi đã quyết, đâu có ai ngăn được. Xe cuả Bốn Mắt trờ tới. Cô lấy ra cuốn kỷ yếu trao tôi “Thầy cô và bạn bè gởi tặng Tớ.” Rồi không nói gì, Bốn Mắt quay xe, lái đi. Tôi bỏ cuốn kỷ yếu vào thùng, vẫy tay chào bà bảo trợ đi trước khi nắng lên. Chạy ra xa lộ, hình như có xe Bốn Mắt theo tôi một đoạn. Có lẽ cô bạn sợ tôi chưa quen xe hơi từ xe cắt cỏ!
Những năm 85 và 86, bọn trẻ chúng tôi luôn sôi sục về những tin gửi về từ các trại tỵ nạn tại Hồng Kông. Không khí lúc ấy cũng hừng hực như năm 78 lúc quân mọi rợ Pôn Pốt tràn qua mấy tỉnh ráp ranh mỗ bụng những người dân vô tội. Có khác chăng là những người mỗ bụng này tự hại lấy cơ thể họ để không bị cưỡng bức hồi hương. Cái quyết tâm mà những ai đã bỏ mình lênh đênh trên biển mới hiểu rõ được. Những chuyến đi (project Ngọc từ Berkeley) cuả những người trẻ vưà tốt nghiệp để phục vụ đồng bào tại các trại tỵ nạn được hầu hết mọi người ủng hộ. Hàng ngày trên Vietnet (lúc đó chưa có internet) giới thanh niên chuyền nhau những tin tức nóng bỏng nhất gởi về từ các trại tỵ nạn. Biết bao dòng cảm nghĩ nghe nhức nhối, những bài thơ, bài nhạc nghe vụng về mà hay. Trên diễn đàn là những cái tên quen thuộc Hiệu Ngôn, Tự Do, Bất Khuất, … Lâu lâu có vài bài phân tích thật xuất sắc và mới mẻ của Tha Hương, Bốn Mắt. Tôi thích cái suy nghĩ mở rộng của ông bạn bốn mắt từ Harvard. Dân nhà tông có khác. Sang năm 89, cuộc đấu tranh cuả tuổi trẻ hải ngoại chuyển hướng sang luật pháp. Trong một tờ fax Uỷ Ban Cứu Nguy Giúp Người Vượt Biển gởi, chúng tôi thấy rất hãnh diện về tập đoàn luật sư trẻ tham gia LAVAS để khởi tố chính quyền Hồng Kông vi phạm nhân quyền, đồng thời bênh vực cho dân tỵ nạn Việt Nam để được định cư ở quốc gia thứ ba. Trong những gương mặt cương quyết ấy, tôi thấy đôi mắt thật thân quen. Nhưng đôi mắt ấy không đóng khung sau đôi kính lớn. Và mái tóc … giờ chỉ chấm vai. Tôi không tin là như vậy…
Vừa về nhà tôi chạy vội ra nhà xe. Một thùng sách cũ nằm trơ vơ trong góc. Nó theo tôi cả chục năm từ tây sang đông. Vất tung những cuốn sách nằm trên, tôi tìm thấy cuốn kỷ yếu, chưa hề mở. Tôi lật vội tìm người bạn cũ. Nơi đâu cũng thấy khuôn mặt kiều diễm và đôi mắt thật linh động. Ngoài những lời khích lệ cuả thầy cô cũng như những câu chúc tốt đẹp cuả bạn bè tôi chưa quen tên trong 4 tháng ngắn ngủi. Tôi tìm không thấy cái tôi muốn tìm... Một lời chia tay cuả cô bạn đã giúp đỡ tôi thật nhiều. Hơi thất vọng tôi đóng sách lại. Một tờ giấy kẹp ở trang đầu rơi ra. Vỏn vẹn chỉ nửa trang:
“Xin cho con gởi lời cảm ơn đến ba mẹ đã hy sinh rất nhiều để con có ngày nay. Xin ghi ơn các thầy cô đã tận tụy dậy dỗ em suốt 4 năm trường để em đạt được thành quả hôm nay. Cám ơn các bạn với những kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ ôm ấp suốt đời.
Trong cuốn kỷ yếu có bạn đã viết cho tôi như vầy ‘American dream – Harvard, Beauty Queen, Most Popular!’. Thật ra đứng trước quý vị đây tôi thấy thật trống rỗng. Tôi chưa làm được gì ngoài cái tương lai có vẽ đầy hứa hẹn. Có thể là mảnh bằng thuốc từ Harvard như ba mẹ tôi mong đợi. Tôi không ngờ chỉ trong vài giờ đồng hồ mà tôi đã học được những cái mà tôi chưa được biết đến trong suốt mấy năm qua. Bạn có biết một đô la lẻ đủ để nuôi sống một gia đình một ngày, tại những nơi thiếu may mắn như quê hương tôi, Việt Nam. Các bạn có biết, chỉ vài đồng đô la, tuy không trợ giúp được ai lâu dài, có thể mở ra niềm hy vọng. Những người bạn ở quê hương tôi chỉ có một tương lai còn nhiều đen tối. Có ai trong chúng ta hiểu rõ hai chữ tự do, chúng ta lúc nào cũng có. Tôi may mắn học được cái giá trị cuả tự do qua những cái đánh đổi quá to lớn mà những người cùng quê hương tôi phải trả.
Tôi có một ước mong! Tôi cố gắng sẽ làm những gì, nếu chưa đem lại hạnh phúc cho người khác, ít nhất sẽ xoa dịu được phần nào nỗi thương đau. Làm như vậy, tôi mong không phụ lòng trông mong cuả quý vị đã chịu khó ngồi đây nghe tôi hứa hẹn.”
Không ngồi nghe cô bạn diễn thuyết tôi vẫn hình dung ra được những tràng vỗ tay không ngừng, những dòng lệ hạnh phúc.
Cái đẹp cuả người bạn, theo từng hàng chữ… ngấm dần vào tim tôi. Thật là con người đẹp, thật đẹp, thật vẹn toàn như cái tên - Nguyễn Thị Từ Tâm.
Khù Khờ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...