Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

"Ẩn ức nhục tình" và… "Sex" trong thơ Nguyễn Bính

"Ẩn ức nhục tình" và…
"Sex" trong thơ Nguyễn Bính

Trong số các thi nhân thời Thơ Mới, Nguyễn Bính được mệnh danh là “ông Vua thơ tình” bên cạnh “ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Đã nhiều bài viết về thơ tình, người tình của Nguyễn Bính. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ đề cập đôi nét về ẩn ức dục tình trong thơ Nguyễn Bính, đồng thời cũng động chạm đến một vấn đề khá tế nhị, là thơ Nguyễn Bính có yếu tố sex không?
Tản mạn về ẩn ức nhục tình và… sex
Từ lâu người ta đã thừa nhận Sigmund Freud là ông tổ của phân tâm học, người đã xác lập cơ sở lý thuyết cho cái gọi ẩn ức, trong đó có ẩn ức tình dục. Nguyễn Bính chắc chưa đọc Freud, chưa một lần nghe thấy cái gọi là libido (bản năng gốc, hay dục năng). Người viết bài này cũng không thật rành rẽ về lý thuyết của Freud, song cũng đại để hiểu rằng ẩn ức (sinh tâm lý) thường là những ám ảnh, những ức chế sâu trong tiềm thức, vô thức – những khối dày vò bị nén chặt bên trong đáy sâu con người, một khi được giải tỏa sẽ cho một năng lượng lớn. Có ẩn ức xấu cũng có ẩn ức tốt. Những ẩn ức tốt là trữ năng, là nguồn cơn, động lực của hoạt động sáng tạo, trong đó có sáng tạo nghệ thuật. Thơ Hồ Xuân Hương là ví dụ sống động, thuyết phục nhất cho cái gọi là ẩn ức dục tình, hay là “hoài niệm phồn thực” (chữ của Đỗ Lai Thúy).
Quy luật sáng tạo nghệ thuật chỉ ra rằng, những tác phẩm lớn thường là kết quả của một quá trình tích lũy, thai nghén lâu dài, song có khi lại ra đời ở giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ, mà người ta gọi là “xuất thần”. Những cái thuộc về phẩm chất lóe sáng của tài năng này chẳng phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của tích tụ, dồn nén ý tưởng, khơi mào cảm xúc ở mức độ cao. Còn cái “phút huy hoàng” của bùng nổ lại là sự gặp gỡ, tương tác của rất nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, thường được gọi là “cơ duyên”.
Thơ lãng mạn (1930-1945) mang vẻ đẹp sang trọng và quyến rũ riêng có của nó. Lãng mạn được hiểu là một trạng thái tâm hồn, là đẹp là bay bổng, thánh thiện, siêu thoát, nó xa lạ với thực dụng, kỵ giơ với những gì thô thiển. Quan niệm như vậy nên thi ca ở dòng này, tuy rất nhiều tình ái, nhiều yêu đương, xoay quay cái trục “em” và “anh”, “chàng” và “nàng” song lại có rất ít đất dành cho sex, nếu có thì cũng rất hư ảo, bóng gió, xa xôi. Sex ở đây được hiểu là sự ái ân, mang dấu ấn của “ngôn ngữ cơ thể”, có da có thịt, hoặc có “mùi chăn gối”, “mùi giường chiếu”, như là biểu hiện cao độ của dồn nén dục tình, nhục cảm, một khi tìm kiếm đường thoát. Tuy nhiên, chỗ này hay chỗ kia, ở tác giả này hay tác giả khác, vẫn có ít nhiều yếu tố sex.
Xuân Diệu do tố chất bẩm sinh bản thân lại bị ảnh hưởng mạnh của văn học lãng mạn Pháp, nên không khó khi muốn tìm ẩn ức nhục tình trong thơ ông. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thì “Cái gì Xuân Diệu cũng liên hệ đến chuyện trai gái”. Với cách nói hơi “Tây”, ông đã không ngần ngại bộc lộ sự thèm khát hòa hợp thân xác khi  dục tình bùng cháy đến hồi cao độ “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!/ Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!/ Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!/ Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt”. Hãy… hãy… hãy…, cùng một loạt động từ mạnh mang tiết tấu của “ngôn ngữ cơ thể” như “sát”, “trộn”, “riết”, “dâng”, “gắn” ông đã diễn tả các cung bậc của dục tình như nó vốn có, vốn vậy.
Khát yêu, muốn tận hưởng hương sắc trần gian, nhục cảm đã khiến Xuân Diệu thấy nàng xuân rất phồn thực, đầy vẻ khêu gợi, mời gọi “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Bất lực trước việc chiếm hữu, giao hòa với người đẹp, ông đã trút vào nàng xuân tất cả hờn giận cùng sự thống khoái cực độ của mình “hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Tuy bồng bột, mãnh liệt, vồ vập thế, song nhìn chung nàng thơ của Xuân Diệu vẫn mơ hồ, trừu tượng, ẩn danh. Tình yêu của Xuân Diệu vẫn như một kiểu “tình trai”, thiếu vắng nhục cảm trần thế, cái mà người đời suồng sã vẫn chỉ mặt đặt tên là chuyện “giai trên, gái dưới”, hay chuyện gối chăn”,“giường chiếu”.
Ẩn ức dục tình cũng thể hiện khá rõ trong thơ Hàn Mặc Tử, một thi sĩ mang sắc giọng “tôn giáo”, có số phận riêng gắn liền với hai chữ “định mệnh”. Bằng thuật nhân hóa, ẩn dụ hóa, Hàn Mặc Tử đã mượn bóng trăng, ngọn gió để giải tỏa khao khát dục tình của mình “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. Trước cảnh “trăng nằm sõng xoãi trên cành liễu/ Đợi gió xuân về để lả lơi”, trong cơn phấn hứng cao độ ông đã cho trăng thoát y bằng những vần thơ tuyệt đẹp “Ồ kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”. Đây đó, nước mây, cây cỏ cũng nhuốm mùi tình ái và dục tình được diễn tả bằng những động từ mơn trớn khêu gợi, kiểu như “Hổn hển như lời của nước mây”, “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”; hay nhuốm mùi liêu trai ma quái, kiểu như “Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quì/ Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu”. Phấn hứng thế, song vì khao khát vươn lên cái siêu thoát, thánh thiện của tôn giáo, nên tận trong đáy sâu tâm hồn thi nhân vẫn có ý thức giữ gìn, tôn thờ cái tuyết trinh của lòng mình “Vô tình để gió hôn lên má/ Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm… Nghi ngờ tới cái tiết trinh em”.
Là thi sĩ “chân quê”, đứa con của thôn Vân, ngõ Trạm Nguyễn Bính không siêu thực cũng chẳng tượng trưng, mà bằng lăng kính lãng mạn, ông kéo ái tình về gần với những vui buồn của đời thực, hạnh phúc nơi trần gian. Thơ ông không cuống quýt, vồ vập như Xuân Diệu, cũng không ảo siêu, ma quái như Hàn Mặc Tử, song, độ rạo rực cùng sự say đắm, đam mê như sóng ngầm của Nguyễn Bính xem ra chẳng những không kém mà lại như còn có phần dan díu, lăn lóc hơn. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem Nguyễn Bính là sự dung hòa giữa Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, nghĩa là trong thơ ông có cái “vội vàng” của Xuân thi sĩ và cũng có cái “bẽn lẽn” của Hàn thi sĩ.
Nếu không bị dục tình ám ảnh, thì giải thích làm sao cái chuyện đi đâu, nhìn đâu Nguyễn Bính cũng thấy cảnh ái ân chồng vợ, cũng như vì sao các chữ “hôn”, “cưới” xuất hiện nhiều trong thơ thi sĩ này đến thế. Nhìn vào vườn ông thấy chỗ này “hoa vàng với bướm vàng hôn nhau”, chỗ kia là cảnh “bướm ủ hoa”, ngẩng lên trời thì thấy “những cành cây nó cưới nhau”. Xuân đến, ông reo lên như của bắt được “Chị ơi em cưới mùa xuân nhé”. Hạ sang, ông thấy loài sen thanh tịnh cũng xôn xao, rạo rực như lòng ông “Giếng ngọc, hương sen muốn dậy thì”.
Cầu Tràng Tiền trên dòng Hương Giang trong mắt du khách thơ mộng là vậy, nhưng dưới cái nhìn đầy ẩn ức của thi sĩ đã hóa thành một cung nữ tủi hờn sầu hận trong cái câu thúc, ôm ấp của quân vương “Cầu cong như chiếc lược ngà/ Sông dài, mái tóc cung nga buông hờ/ Đôi bờ, đôi cánh tay vua/ Cung nga úp mặt làm thơ thất tình”. Đến một chút “lửa đò” le lói trong cái đêm đen như mực loang ra trên con sông tàn lạnh cũng như khêu gợi, mời mọc “Lửa đò chong cái giăng hoa”. Nhất là cái giăng hoa ấy lại ở trong cái khung cảnh liêu trai, ma mị của “mõ đêm đục đục, canh gà te te” cùng tiếng thở dài não nuột của “Đàn ai chừng đứt dây tình/ Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm”.
Yêu đương, thì hầu như thi sĩ nào trong Thơ Mới cũng yêu, mỗi người đều có một “em”, nào đấy (dù là em thực, có tên tuổi, hay em “hư”, em “ảo”)” lấy làm nàng thơ của mình. Hàn Mặc Tử có Hoàng Cúc “Muốn ôm hồn cúc ở trong sương”. Vũ Hoàng Chương có Kiều Tố “Tố của Hoàng ơi Tố của anh”. Đinh Hùng luôn ám ảnh bởi một em tên Liên “Lạc lõng hương thầm đóa Bạch Liên” … Nguyễn Bính thì “vô địch” các em, các nàng, có tên cũng như không tên. Bởi thế, quá đúng khi có người gọi Nguyễn Bính là “thi sĩ nhiều tình nhân”. Ông còn dành cho mỗi “nàng” một tập thơ: Nàng Oanh là “tâm hồn tôi”, nàng Mai Thơ là “hương cố nhân”, nàng Tú Uyên là “người con gái ở lầu hoa”…Trong cái mê lộ tình ấy, các em, các nàng làm khổ ông, song cũng giúp ông thăng hoa, giải tỏa cái ẩn ức nhục tình bằng việc viết nên những vần thơ não nùng say đắm “Ai yêu như tôi yêu nàng/ Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh/ Chung nhau dựng một trường đình/ Thờ riêng một vị thần linh là Nàng…”.
Yêu quá hóa si mê, trong lúc tương tư ông bắt cả thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Ông thấy ông trời cũng mắc bệnh tương tư như ông, nếu không sao trời lại sinh ra gió mưa. Trước cái chết của một trinh nữ không quen biết, ông bắt cả “châu thành Hà Nội chít khăn xô”. Cả đời lận đận, ông chỉ ao ước xây một cái hồ tình hình bán nguyệt bằng gạch Bát tràng, rồi không thả cá mà thả thuần thơ vào cái hồ tình đó. Khó nhọc thế tưởng để làm gì, hóa ra để… “cho nàng rửa chân”, chứ không “rửa lông mày” như trong ca dao (Chớ rửa lông mày chết cá ao anh). Ông còn hứa hẹn với “chị Trúc” của ông rằng “Bao giờ công việc chu toàn/ Chị về chơi nhé xem nàng rửa chân”. Đôi chân người đẹp đã vậy, đôi tay nàng, đến lượt nó, cũng được ông nâng niu thờ phụng như ngà ngọc. Ông bắt cả vườn dâu nhà ông nó cũng phải “thẹn” như ông “Nàng về làm dâu nhà tôi/ Vườn dâu nó thẹn với đôi tay ngà”. Nàng thơ của thi sĩ từ chỗ ngây thơ, chân chất ngày càng trở lên đỏng đảnh, kiêu sa, sau mỗi bận ông thất tình, hay bị tình phụ “Chao ôi ba bốn tao ân ái/ Đã đủ tan tành một kiếp trai”. Cho đến khi ông ngộ ra rằng “Thì trăm con gái, nghìn con gái/ Nàng cũng là người con gái thôi”, thì ông phẫn chí “Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn”, rồi giở giọng khinh bạc “Uống say cười vỡ ba gian gác/ Ném cái chung tình xuống đáy sông”.
Sau Nguyễn Du, có lẽ là Nguyễn Bính sử dụng hai từ “cố nhân”, với nghĩa là người tình cũ, người xưa, trong thơ nhiều hơn cả. Theo đó, “cố nhân” lúc thì với nghĩa hoài nhớ, nuối tiếc, lúc thì nhiều oán thán, hờn trách và chua chát. Tập thơ “Hương cố nhân”, nghiêng về nghĩa thứ hai này, với câu đề từ cho cả tập: “Xây bao nhiêu mộng, thế mà/ Đến nay phải gọi người là cố nhân…”. Và vì không thỏa mãn, nên suốt đời thơ lãng mạn, Nguyễn Bính đã hóa thành con bướm trắng “… bay thơ thẩn/ Ý hẳn đi tìm hương cố nhân”, nhưng trong cái dòng đời phồn tạp thi sĩ tìm đâu ra cái hương xưa thơm ngát của hồn mình.
Trong nhiều cái “làm khổ” Nguyễn Bính (khổ vì hoàn cảnh riêng, khổ vì nỗi nghèo túng, khổ vì bệnh giang hồ, khổ vì nợ bút nghiên) thì xem ra khổ vì tình mới là cái khổ nhất “Lại mang ân ái vào mình/ Cái yêu làm tội làm tình cái thân”; “Mẹ cha thì nhớ thương mình/ Mình thì thương nhớ người tình xa xôi”. Tình, mà phần nhiều là thất tình, hoặc bị phụ tình, đã như một định mệnh ám ảnh, chi phối cả cuộc đời và thơ ông. “Yêu yêu yêu mãi thế này!/ Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”. Khổ vì tình, hèn vì tình (đã hơn một lần ông phải van “em”, van “nàng”), điêu đứng vì tình, song cũng phải công bằng rằng, nhờ tình, cụ thể hơn là nhờ si tình, thất tình, mà thơ Nguyễn Bính mới có cái say đắm, quyến rũ, mê hoặc người đời đến vậy. “Cái tôi” trữ tình lãng mạn của Nguyễn Bính thể hiện trong thơ rõ nét và khá đa dạng, đặc biệt là ở mảng thơ tình, trong đó có sự “giúp sức” của ẩn ức nhục tình. Dục tình, nhìn dưới góc độ tích cực, đã là năng lượng sống, năng lượng yêu, cũng như năng lượng thi ca của “ông vua thơ tình” này.
Vậy nhà thơ mới Nguyễn Bính đã thể hiện ẩn ức nhục tình của mình qua những cung bậc nào, và chúng có chứa đựng yếu tố sex không?
Chẳng biết … yêu nhau phải những gì?
Ấy là câu kết trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Bính.Ở đó, Nguyễn Bính cảm nhận tình yêu ở những nét rung động mơ hồ đầu tiên, nguyên thủy, trinh bạch và thánh thiện. Cả bài chỉ vẻn vẹn bốn câu lục bát, nguyên văn là: “Năm đã qua rồi, trong lớp học/ Tôi ngồi nghe Uyển đọc bài thi/ Hai ta trẻ lắm tình thơ dại/ Chẳng biết… yêu nhau phải những gì?”. Nguyễn Bính do hoàn cảnh riêng, không có cơ duyên đến trường lớp như phần đông con nhà người ta. Vậy nên “đọc bài thi” ở đây chắc là do ông mơ ước rồi tưởng tượng ra cho nó thêm phần thi vị.
Trước đó, nếu ta còn nhớ ở “Hoa và rượu” vào cái bữa nhà Nhi có giỗ thầy, chị Nhi cho uống rượu cay cay khiến cho “tôi” và em “Nhi” mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say, đến đỗi: “hai đứa ôm nhau đánh giấc dài/ Bất ngờ ngủ đến sáng ngày mai”. Dù có bị “chị Nhi cứ chế làm sao ấy” thì cũng chỉ là “hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười”. Ngớ ngẩn là phải, không ngớ ngẩn mới lạ. Ngay cả khi “U tôi cười nói ngay như thật/ Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi” thì cũng chưa làm hai đứa thẹn đến đỏ mặt vì… chưa biết gì.
Khi Uyển và tôi lớn lên, thành “học trò trường huyện” đã từng có lần hai đứa đội đầu chung một lá sen tơ trên đường về. Dù có là “lá sen vương vấn hương sen ngát”, thì vẫn là “ấp ủ hai ta chút nhụy hờ”, còn lũ bướm ngốc ngếch “tưởng hoa cài trên mái tóc”  theo về đến tận cửa là cũng…tan mơ. Chỉ còn mơ hồ vương vấn cái mùi hương trinh nữ đâu đây trong ký ức của “bươm bướm ngày xưa” (tên nguyên thủy của bài thơ).
Thêm nữa, có một đêm ba mươi tết”, Diễm (một hóa thân của Uyển, của Nhi) trốn nhà sang gặp tôi. Hai đứa ngồi trên nệm rạ, cạnh nồi bánh chưng đang sôi ùng ục, nhận thấy “Ánh lửa hồng lên má Diễm hồng/ Cổ tay nàng trắng, mắt nàng trong”, tôi có “đưa mắt” dò hỏi chuyện chồng con. Và “rùng mình Diễm sát lại gần tôi/ Nắm chặt tay tôi, khẽ mỉm cười”, dẫu vậy, Diễm cũng chỉ úp mở khi bảo nhỏ rằng “Anh ơi! Em lấy một chồng thôi!”, về nghĩa nổi cũng chỉ là… chồng bánh. Kết cục, Diễm khăn gói gió đưa về nhà chồng giầu sang, còn tôi thành tác giả bài thơ hoài tình, chứ chưa phải thất tình, và đặt cho nó một cái tên lãng mạn là “thi vị”!
Như vậy, ở buổi đầu đời, tình yêu trong thơ Nguyễn Bính thuần khiết, không nhuốm một chút dục vọng ái ân nào, dù là nhỏ nhất. Có chăng chỉ là chút thoáng rung động, ngập ngừng của “tuổi nhí” vắt sang “tuổi teen”: “Rồi một ngày qua, một tháng qua/ Một năm qua nữa, tuổi mười ba/ Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/ Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa”. Ẩn ức nhục tình chỉ hé lộ ở mức thầm kín của mối tình hoa bướm “Lòng thơ hồi hộp khi môi thắm/ Hôn vụng hoa tươi có một lần”. Xuân Diệu, cũng đã từng có lúc thú nhận “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Cũng vì chỉ “biết yêu” mà không “biết gì” ấy, mà “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mới suốt đời lẩn thẩn làm cái việc không giống ai là “gửi hương cho gió”.
Tuy nhiên, cái thời đẹp như cổ tích của “Ngày ấy làm sao thật thái bình/ Trai hiền bạn với gái đồng trinh/ Đời thơm hoa rụng say men rượu/ Tràn những ngây thơ ngập cảm tình” cũng không tồn tại lâu. Như chuyện chép trong Thánh kinh, ấy là khi Eva nhẹ dạ nghe lời đường mật của con rắn (tượng trưng cho cái khôn ngoan của ma quỷ) đã lén hái trái cấm đưa cho chàng A đam ngốc ngếch cho vào mồm, rồi bị Chúa trời đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Do cái “tội tổ tông” này mà cả loài người, trong đó có thi sĩ của chúng ta, cứ triền miên sống trong tâm trạng của “hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới” và ân hận vì đã “sẩy tay đánh mất cả thiên đường”.
Cùng vì chưa biết gì nên chút tình thơ dại, ngây ngô trong đoạn đầu thơ Nguyễn Bính cũng chỉ ở độ luyến tiếc, hoài nhớ nhau, chứ không làm đau nhau như mối tình Kim-Kiều. Vì hai người đã “đinh ninh hai miệng một lời song song” dưới sự chứng giám của “vầng trăng vằng vặc giữa trời” về cái sự “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, cùng là “trăm năm thề chẳng buông cầm thuyền ai” nên nàng Kiều mới đau xót khi “thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, và thầm hối tiếc rằng “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”.
Người viết tin là, trong mỗi người yêu thơ Nguyễn Bính, ai cũng có một chút vấn vương tuổi học trò hoa bướm “chẳng biết yêu nhau phải những gì”, hay ít nhiều lẩn thẩn của “cái ngày cô chưa lấy chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”. Và, cũng chắc rằng nhiều người sẽ thầm cảm ơn Nguyễn Bính, nhờ thơ ông mà họ được sống lại cái thời ấu trĩ mộng mơ hoa lá cành, đẹp theo kiểu không đâu vào đâu, đã “nhất khứ bất phục phản” (một đi không trở lại) của đời minh.
Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn
Đó là câu thơ hay và ảo diệu nhất trong bài “Vườn xuân”, cũng là “vườn tình” của Nguyễn Bính. Mùa xuân cùng tuổi xuân là mảng đáng kể làm nên vẻ đẹp thơ tình Nguyễn Bính, mà vườn xuân chính là nơi gặp gỡ và thăng hoa cái vẻ đẹp ấy.
Bài “Vườn xuân” bắt đầu bằng “Có những ngày đi rất vội vàng/ Vườn tôi đầy cả gió xuân sang”, ở đó có hoa, có bướm, có chim, có cành xanh búp nõn với rất nhiều xôn xao. Tất cả những cái ấy đã là biểu trưng của mọi mùa xuân, không có gì lạ cả, nhà thơ cũng đã diễn tả nhiều lần rồi. Tài hoa Nguyễn Bính, có chăng, chỉ là ở chỗ nhìn cái lấm tấm của hạt mưa xuân trên cánh hoa đương nở mà liên tưởng đến ngàn đôi môi người đẹp được nâng niu sủng ái nơi cung vua, phủ chúa, rất chi là đài các và khêu gợi “Như đoàn cung nữ hé môi tươi/ Và trong từng cánh, trên từng cánh/ Những hạt mưa hiền lấm tấm rơi…”.
Mùa xuân, như tạo hóa mặc định, là mùa tình, mùa phồn, mùa uyên ương xây tổ. Nguyễn Bính đã từng diễn tả cái sự rạo rực của lứa tuổi xuân thì bằng những câu thơ lãng mạn trong cái trang phục của cổ thi “Và tựa hoa tươi, cánh nở dần/ Từng hàng thục nữ dậy thì xuân/ Đường hương thao thức lòng quân tử/ Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân” (Thơ xuân). Dạo giữa vườn xuân, dục tình bấy lâu vẫn ẩn nhẫn trong một góc khuất sâu nơi tâm hồn nhà thơ nay được đánh thức bằng một đôi vợ chồng chim, đang ở trong tư thế tình tự với nhau: “Có một cô chim mới cưới chồng/ Vì tình dan díu tự mùa đông/ Sớm nay hai vợ chồng son ấy/ Đã mớm cho nhau những tiếng lòng”. Cảnh ái ân của đôi vợ chồng chim buổi sớm xuân đã như nhân tố “kích hoạt” cảm xúc của thi sĩ, để ông xuất thần bốn câu tuyệt bút:
Xuân đến tình tôi nao nức quá
Như người giai tế tối tân hôn
Và say sưa quá cho nên đã
Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn
“Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn” đã diễn tả được cái lập cập, cuống quít, bồng bột của anh giai tế (trai tân) vào cái đêm của đời mình. Câu thơ ảo diệu và tinh tế đến mức người ta chỉ có thể cảm nhận mà không thể nói rõ ra là vì sao. Cái ẩn ức tích tụ bấy lâu nay được giải phóng, xảy ra chỉ một lần, mà là lần đầu tiên, duy nhất, song dư âm mà nó để lại thì đúng là “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). Bài thơ không có một “em” hay một “nàng” nào, đóng vai trò làm nàng thơ của thi sĩ. Thì ra trong lúc bị đôi vợ chồng chim kích hoạt, không thể cầm lòng được, ông đã bắt nàng xuân làm tình nhân của mình. Thì đấy, “Chị ơi em cưới mùa xuân nhé”, trong phút phấn hứng cao độ ông đã từng có lần để ngỏ lòng mình với “chị Trúc” như vậy.
Không chỉ Nguyễn Bính mới tỏ tình, “làm tình” với mùa xuân. Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng bị nàng xuân mê hoặc, dẫn dụ và trong phút xuất thần đã cho ra đời những câu xuân tình hay nhất của đời thơ mình. Có khác chăng thì chỉ ở cách thức và cung bậc của sự thể hiện cảm xúc. “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” của Xuân Diệu là sự diễn tả dục tình rất phàm trần, rất hiện đại, rất “Tây”. “Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi” là cái e lệ, nâng niu của của Hàn Mặc Tử – một “thi sĩ đồng trinh”. Còn “Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn”, là cái ảo diệu, thơ mộng của một thi sĩ  lãng mạn có cái tên rất quê mùa: Nguyễn Bính.
Đêm nay mới thật là đêm
Đấy là cái đêm viên mãn của sự ân ái dù đó chỉ là ân ái trong thơ, mà lại xảy ra ở “thời trước”. Bài thơ này viết năm 1936, khi Nguyễn Binh 19 tuổi, trong đó ông kể một câu chuyện tình lãng mạn ở cái thời: vợ nuôi tằm dệt vải trồng dâu, hái chè, chạy chợ, nuôi chồng ăn học, mong chồng thành tài, có ngày vinh quy bái tổ. Trong sơ-ri giấc mơ quan trạng của “con nhà nho cũ” Nguyễn Bính thì Thời trước là bài thơ đẹp nhất, sáng nhất, ấn tượng nhất. Đẹp nhất vì nó là phiên bản truyền thống của “chàng đọc sách, nàng quay tơ”. Sáng nhất vì được tưới tắm bằng ánh trăng vườn chè hầu như không gợn một chút buồn phiền nào. Ấn tượng nhất vì nó viên mãn và rất xexy.
Cứ bằng vào văn bản, thì cô vợ trẻ người quê rất ngại “nói ra sợ chúng bạn cười/ Bởi tôi nhan sắc cho người say sưa” nên cô đã đặt ra một cái “ba-ri-e”  là “anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, nghĩa là chưa được đụng đến “cái ấy”. Thì ra, để mưu việc lớn, cô vợ đáo để đã chủ động “cấm vận” chồng, bắt chàng phải hoãn cái sự sung sướng lại, nghĩa là hy sinh cái trước mắt để mưu cái dài lâu. Đã có nhiều bài thơ ca tụng về công đức của vợ nuôi chồng ăn học, song chủ động “cấm vận” chồng thì duy nhất chỉ có “tôi”. Đến đây, chúng ta hiểu vì sao bài thơ lại mở đầu bằng “sáng trăng chia nửa vườn chè” dù là họ cùng sống chung trong“một căn nhà nhỏ đi về có nhau”.
Trong căn nhà có vườn chè dân dã mà thơ mộng ấy, anh chồng nho sinh “dài lưng tốn vải” ngày ngày chỉ có việc đèn sách, dùi mài kinh sử, còn cô vợ tần tảo gánh vác tất cả “vì tằm tôi phải hái dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”. Thì ra, dưới mắt một thôn dân thực tế như cô, chồng cũng chỉ là một thứ “tằm cao cấp” phải tận tình chăm nuôi, đợi ngày nhả kén vàng. Cô than phiền “vì chồng”, nhưng thực ra cũng có cả sự vì cô. Trong than phiền cô vẫn như ngầm có cái sự tự hào của câu thành ngữ “của chồng, công vợ”. Đắng cay thế, ít ra thì cô cũng được chồng báo đáp, dù là trong mơ, chứ không như ông Tú Xương đồng hương, chín khoa thi hỏng vì “phạm trường quy”, lại còn đi hú hí “cô đầu cô đít”, rồi làm thơ “tế sống vợ” mong vợ xí xóa cho!
Đây là cái cảnh “vinh quy” mà cô vợ mơ thấy, nó quá lý tưởng “Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem”. “Cả làng ra xem”, cả làng tự hào, là cái sung sướng nhất của người vợ nông dân đã từng phải tính toán chi li “Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”. Hai câu kết mới thật đột ngột, làm lóe sáng lên cả bài thơ, cái thứ ánh sáng nhuốm màu cổ tích kỳ ảo của “thời trước”:
Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem giăng sáng giãi lên vườn chè
Thì ra những cái đêm trước đêm nay không được coi, được tính là đêm. Cái ánh trăng chia nửa vườn chè đêm nay đã hòa làm một. Ai mang giăng sáng giãi lên vườn chè? Ông trời? Không, chính thứ ánh sáng tình yêu trộn với đức hy sinh của người vợ, cùng sự gắng gỏi của người chồng mới khiến cho vườn chè dân dã thoắt trở lên lung linh huyền ảo. Câu cuối bài thơ nói về ánh trăng có nhiều bản in khác nhau: như “tưới lên vườn chè”, “lên trên vườn chè”… Nhưng từ “giãi” là đắc địa hơn cả, tưới lên nó thực dụng quá, còn lên trên vườn chè nó xa xôi quá. “Giãi” là thoải mái, là phóng túng, là buông lơi, là tự nhiên, là viên mãn, là đầy tràn hạnh phúc.
Nói viên mãn vì: ban ngày cô vợ được ra đứng cạnh gốc bàng để tận mắt chứng kiến cảnh “cả làng ra xem” (cũng như vườn chè, cái gốc bàng dân dã, quê kiểng có lẽ chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong thơ Nguyễn Bính). Còn anh chồng thì “song hỷ”, vì vừa “đại đăng khoa” (đỗ trạng nguyên) và “tiểu đăng khoa” (thỏa mãn vợ). Cái ba-ri e không còn lý do tồn tại. Đêm nay cái người đặt ba-ri-e ấy đã chủ động mở cửa tình để đón quan trạng tân khoa vào trong cái viên mãn hòa hợp của “lòng chàng ý thiếp ai mừng hơn ai”. Nhưng “tôi”, một gái quê, không đủ ngôn ngữ để diễn tả cái sự sung sướng viên mãn của phút giây “chắp cánh liền cành” ấy nên đành mượn ánh trăng vườn chè lung linh, hư ảo nói hộ lòng mình.
“Đêm nay mới thật là đêm” có cái phảng phất của ấy mấy đêm là đêm í i.. hôm qua trong câu hát huê tình quan họ. Chẳng biết Nguyễn Bính ảnh hưởng từ dân ca, hay dân ca ảnh hưởng từ Nguyễn Bính (dễ lắm chứ). Song “giăng sáng vườn chè”, một ca khúc bolero của Văn Phụng được phổ gần như nguyên vẹn bài thơ “thời trước”. Ca từ mộc mạc, khung cảnh xưa cũ, ấy vậy mà khi được Trung tâm Thúy Nga – Pari dàn dựng với giọng ca mùi mẫn của Ái Vân cùng song nguyệt, đàn bầu, cặp kè, đàn nhị đã như “rót rượu ra chén”, “rót mật vào tai”, khiến người xem, người nghe nơi trời Tây sống lại một thời cổ tích nước Việt, như một bloger đã tán tụng thế.
Nguyễn Bính có nhiều “đêm” trong thơ, đa số là đêm buồn, đêm lạnh “Em biết đêm nay giường cửi lạnh/ Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”; “Chẳng phải đêm nay trời mới tối/ Đêm nào trời cũng tối như đêm”; “Đêm qua mưa gió đầy trời/ Trong hồn chị có một người đi qua”… Chỉ có đêm nay mới thực là đêm: trăng của trời, chè của đất, trên dưới, đất trời và lòng người, chàng và nàng, cùng ái ân hòa hợp, tròn đầy viên mãn. Vì nó đẹp, nó viên mãn nên nó chỉ có ở thời trước, thời của  đất nươc yên bình, lòng người thanh đạm, tôn thờ “một căn nhà nhỏ hai trái tim vàng”.
“Đêm nay”, nhìn dưới góc độ ẩn ức tình dục, có họ hàng xa với cái “đêm ấy” (Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng trăng lồng bóng trà mi trập trùng): một đằng nó là đêm “cung oán ngâm” của nhà quý tộc thất sủng Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, còn một đằng nó là thơ lãng mạn của anh trai quê dân dã mà đa tình Nguyễn Bính. Tuy nhiên, cả “đêm ấy”  và “đêm nay” đều thuộc về thời xưa, thuở trước, đều rất đẹp, rất thơ và rất… sexy!
Xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ
Trong miền nhục cảm của thơ Nguyễn Bính,“đánh đổ mùa xuân xuống suối hồn” còn có một đối trọng xứng tầm là “xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ”. Ấy là khi ông diễn tả cảnh ái ân đêm tân hôn giữa Triệu Ngũ Nương (một người con gái xinh đẹp, nết na, trồng hoa lại có ngón đàn Tỳ bà do thân phụ truyền cho) với chàng Thái Bá Giai (một nho sinh con nhà nghèo đang đèn sách mong thỏa mộng công danh). Cảnh ái ân này nằm trong truyện thơ “Cây đàn tỳ bà” (1944). Cuộc ái ân trong đêm tân hôn giữa “tài tử làng” và “giai nhân xóm” diễn ra trong bối cảnh được tác giả “sắp đặt” khá gợi cảm: “Bên ngoài mưa gió mùa đông/ Lò hương đã nguội sáp hồng thì vơi/ Màn the đôi cánh buông rồi/ Chăn hương gối phấn một trời phấn hương”:
Mắt ngà men rượu yêu đương.
Thái sinh dần rõ Ngũ nương nõn nà.
Tóc nhung viền suốt thân ngà,
Nhuỵ hồng e ấp tinh hoa đầu mùa.
Rùng mình như nếm mơ chua,
Cái tái tê muốn vỡ bờ hợp hoan.
Nồng sôi ý phượng tình loan,
Hỡi ơi! Bó thắt đôi làn cánh tay
Thèm mà nín, khát mà say,
Xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ…
… Thoắt mà đêm đã tàn canh
Sáng bong bóng cá qua mành mưa bay
Nhành hoa tươi ngại ánh ngày
Tiếng gà ướt mượt giọng đầy nước mưa…
“Nhựa mạnh” là gì, “búp tơ” là gì, người viết xin được miễn bàn. Bởi chỉ người trong cuộc đang “xốn xang”, “rùng mình” mới cảm và hiểu được cái khoái cảm ân ái rất tự nhiên, rất người ấy. Do đặc trưng thể loại, văn xuôi có thể dành nhiều trang mô tả sex, chứ diễn tả bằng thơ không dễ. Xa xôi, mơ hồ quá thì thà đừng nói còn hơn, mà cụ thể quá thì dễ bị cho là dung tục, thậm chí khiêu dâm. Do ràng buộc bởi quan điểm khắt khe của Nho giáo và Phật giáo, văn chương bác học thời trung đại hầu như vắng bóng sex. Sex, có chăng, chỉ xuất hiện dầy đặc trong thơ Hồ Xuân Hương, một dạng văn học dân gian cao cấp, nhưng cũng phải úp mở dưới danh nghĩa là “đố tục giảng thanh”.
Nguyễn Du được xem là táo bạo nhất trong số các nhà Nho tài tử đương thời, đã để Kiều khỏa thân một lần duy nhất, mà cũng chỉ ở mức lấp ló khêu gợi của bút pháp tượng trưng: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. “Tòa thiên nhiên” là gì, “trong ngọc, trắng ngà” là gì? Nguyễn Du để cho người đọc tự hình dung, liên tưởng, chứ không dài lời. Đọc đến đây, không ít người đã tỏ ý tiếc rằng sao Nguyễn Du kiệm lời thế. Tuy nhiên, Bùi Giáng đã thật chí lí khi bảo rằng “Thưa rằng vẽ nữa là sai/ Kiều đâu có đợi bút ai thêm vào”. Đúng thế, tưởng tượng thì được chứ đụng bút thêm vào là hỏng! Như để tăng thêm nét “duy mĩ”, nhòe bớt sự trần tục, Nguyễn Du còn để nàng Kiều thấp thoáng sau bức “Màn the phải buổi thong dong” và tẩm ướp nàng Kiều trong cái mùi hương vương giả của “Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa”.
Cảnh ái ân, một lần nữa còn được Nguyễn Bính mô tả khá công phu trong đêm hợp hôn giữa Thái Sinh (bây giờ là Trạng nguyên tân khoa) cùng Ngọc Nương (con gái quan Ngưu Thái sư đương triều). Vì đây là cuộc tình của những người có “tem mác” nên nó cũng nhuốm màu trưởng giả nơi cung đình “Lệnh truyền đệm trải màn buông/ Xong rồi chín ả tìm đường lui đi/ Ngọc nương môi mọng yên chi/ Áo xiêm tuần tự biệt ly thân ngà”. Còn đây, dưới mắt vị quan Trạng bạc tình, cảnh ân ái vừa đắm say mê mệt, vừa tê tái sượng sùng:
Đường cong, ôi! những dường cong.
Đến đong đưa, đến não nùng, đến hay,
Cao cao thôi lại dày dày,
Trắng trong màu tuyết tròn đầy gương nga.
Thái sinh rộn rực tình hoa,
Ối con bướm dại lân la nhuỵ đào.
Hoa xuân đêm mới nghẹn ngào,
Người đen bạc lại đắm vào phấn son
Lụa đào xé lẻ như không.
Cái son mất mát cái hồng ngổn ngang…
Não người những nét đồng trinh
Thân tơ lả tả, lửa tình xiêu xiêu,
Dâng lên như nước thuỷ triều,
Hoa nuông ý bướm, bướm chiều tình hoa…
Rõ ràng, hai lần sex mà Nguyễn Bính diễn tả ở mức “cận cảnh”, nó khêu gợi hơn cái “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của cụ Nguyễn Du. Trong cảnh ân ái của tài tử, giai nhân, ngoài cái mơ hồ nhìn thấy còn có cái ảo diệu tưởng thấy, cái hổn hển nghe thấy lẫn trong mùi da thịt, mùi giường chiếu. Đọc những câu thơ trên tất có người khen, kẻ chê. Kẻ chê có lý của họ, chẳng hạn như họ mang Nguyễn Bính dân dã “đọ” với đại thi hào Nguyễn Du quý tộc. Còn người khen thì bảo rằng viết được như thế cũng là một cố gắng lớn, là thành công, vì diễn tả việc chăn gối buồng the chưa bao giờ là dễ cả. Còn với người viết bài này thì chỉ nội hai câu “xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ” và “dâng lên như nước thuỷ triều” cũng đã đáng để “khuyên son” cho thơ sex của Nguyễn Bính rồi! Không tin thì cứ tìm trong kho tàng thơ Nôm có danh cũng như khuyết danh xem, có ở đâu mà sex được diễn tả đến hai lần ở mức cận cảnh, mỗi lần dài hàng chục câu lục bát như ở truyện cây đàn Tỳ bà?
Như vậy, nhục tình và sex trong thơ Nguyễn Bính được diễn tả dưới nhiều góc độ, cung bậc, cả ẩn ức lẫn giải ẩn ức. Từ nguyên sơ, thánh thiện của “chẳng biết “yêu nhau” phải… những gì?”, đến “đánh đổ trời xuân xuống suối hồn”, vô tình hay hữu ý, Nguyễn Bính đã làm một bước chập chững vào thế giới của ẩn ức dục tình và sex. Từ “ai mang trăng sáng giãi lên vườn chè” đến “xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ”, “dâng lên như nước thủy triều” thêm một lần Nguyễn Bính lãng mạn nâng cấp cho sex, làm lộ sáng cái “tòa thiên nhiên” mờ ảo của cụ Nguyễn Du cổ điển.
Sexy một khi đạt trình độ nghệ thuật, thỏa mãn được mỹ cảm mà không gợi dung tục thì nó cũng mang lại cho văn chương một sự đắm say, một vẻ quyến rũ mê hồn riêng. Sex rất tự nhiên, rất người, nên nó cũng rất nhân văn. Quyến rũ, chào mời, song sex cũng là chỗ thử thách bản lĩnh, tài năng của kẻ cầm bút nào dám mạo hiểm thử sức mình trong lĩnh vực này. Sau thi hào Nguyễn Du, thì Nguyễn Bính, với ẩn ức nhục tình bẩm sinh và tài thơ thiên phú, thuộc số ít các thi nhân thời Thơ Mới đã ít nhiều thành công trong “diễn ngôn sex”, “trình diễn sex”. Một thứ sexy vừa cao sang vừa dân dã, lại đậm chất ý nhị Đông phương, góp phần làm giàu có, làm “phồn” thêm cái “vạn lý tương tư, vũ trụ tình” của thơ ông.
26/6/2023
Phạm Công Trứ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...