Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

​ Những mảnh vụn học trò

Những mảnh vụn học trò

Cách đây mấy tháng tôi tình cờ tìm thấy trang web trường trung học cũ trên Google. Vào xem thì thấy vài cái tên quen và một số hình ảnh khó quên. Đọc những dòng cảm nghĩ, câu chuyện ngắn và các bài thơ cuả các bạn, tôi dần sống lại những năm tháng muốn chôn vùi, vì quá đen tối. Nhưng nghĩ tới, rồi cũng phải nghĩ lui lại. Tự nhiên tôi muốn trở lại ngôi trường đã quên tên để tìm lại từng đứa bạn, từng người quen, cũng như cái cảm giác vừa thích thú, vừa ngại ngùng cuả cái tuổi mới lớn … Có lẽ cái cảm xúc thật mạnh ấy thúc đẩy tôi viết liên tiếp mấy bài thơ trong một khoảnh khắc bồi hồi nào đó. Cả đời tôi chưa dám làm thơ vì luôn nghĩ rằng mình chỉ vẽ được con cóc. Hôm nay tôi có câu chuyện muốn kể.
Chắc tôi phải cần nhiều thời gian hơn để góp nhặt lại từng mảnh vụn đã bị bỏ quên. Có thể câu chuyện không được mạch lạc vì một vài mảnh kỷ niệm bị vướng ở một góc kẹt nào đó. Moi hoài không tới. Xin cho tôi được đến với các bạn với cái bút hiệu Khù Khờ.
Những năm đi học tôi có rất nhiều bạn. Ai tôi cũng mến. Tôi học hỏi ở bạn bè nhiều điều hay, đôi khi dăm ba tật xấu. Nhưng nhắc đến trường trung học cũ tự nhiên tôi lại nhớ đến hai người bạn: Hai Nhỏng và Tư Điạ. Chúng tôi gọi nhau như thế, vì thời ấy nhiều người dùng bí danh hai chữ. Chữ đầu luôn là con số. Chữ cuối là cá biệt cuả con người.
Nói đến Tư Điạ chắc mọi người đã hình dung ra cái tướng cuả hắn. Không hẳn là hắn mập. Chiều cao cuả bạn tôi chỉ hơi khiêm nhường nên người ta nhìn thấy chiều ngang của hắn nhiều hơn. Tư Điạ tự gọi mình là Tư Đô. (Hắn sợ bạn bè thêm một chữ sau Điạ thì hết số!). Nghĩ cũng phải, vì đi đâu hắn cũng đưa cái bụng Sumo đô đi trước. Tên bạn kia bảo “Tui gọi ông như vậy đâu phải vì cái tướng ông đâu. Mà ở cặp mắt cuả ông đó. Gặp con gái là chớp lia, chớp liạ như đèn nê-ông sút bóng.” Tư Điạ tít con mắt lại cười. Vỗ bụng vài cái rồi bỏ đi. Hai đứa tôi thích hắn ở cái thật tình. Thấy sai, không cãi, rồi lập lại. Tư Điạ hồn nhiên và ồn ào.
Hai Nhỏng tuy cao nhưng chẳng hơn bọn đồng lứa bao nhiêu. Hắn ngược với tên kia ở vóc dáng. Cái tướng ròm nhom, gió thổi tưởng muốn bay. Tôi thường bảo Tư Điạ “Chừng nào mưa lớn nhớ kẹp hắn lại kẻo hắn gởi gió theo mây.” Thật khỏi phải dặn. Hai tên đó lúc nào cũng đi với nhau như cặp bài trùng. Nhất là trên sân banh. Ăn rơ hết chỗ nói. Hai Nhỏng có cái đầu húi cua. Đi đâu cũng cà giựt. Những lúc hắn rượt theo banh, cái đầu cà nhỏng đó lợi hại vô cùng. Hắn làm bàn nhiều bằng những cú đội đầu thật ngoạn mục. Tư Điạ khẽ bảo tôi “Tui gọi nó là vậy đâu phải vì cái đầu đen.” Nói đến đó hắn phá lên cười. Thật ra lúc đó tôi không hiểu Tư Điạ nói gì. Về sau nếu nhớ tôi sẽ kể. Nhỏng hơn tụi tôi chừng một tuổi nên hắn lấy thứ Hai. Hắn trầm ngâm và ít nói. Lâu lâu vặn trúng đài thì hắn sổ giọng chẳng ngưng.
Còn tôi là một người bình thường. Đến hay đi chẳng ai biết. Tôi chẳng có những cái đặc biệc như hai ông bạn kể trên. Tính tôi xuề xoà. Gặp ai cũng làm bạn được. Có lẽ vì tôi hay cười trừ khi hai tay tranh cãi nên tụi nó gọi tôi là Ba Phải.
Chúng tôi học cùng trường, từ lúc bước vào trung học, nhưng chẳng bao giờ cùng lớp. Ba đứa quen nhau từ những cái lon đá qua lại cuả những buổi cắp sách đến trường. Mấy lần xém đục nhau trong các trận tranh giải giữa các lớp. Rồi chúng tôi lại chung đường chung lối. Ráng đi học sớm, để trưa ghé sân Hoa Lư coi đoàn cải lương Dạ Lý Hương dợt banh với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Ra làm quen với Hùng Cường, Thành Được và Bảo Quốc. Lên trường trung học cấp 3 thì sáng nào cũng rủ nhau lên sân Gôn Phú Nhuận. Khi thì nhập chung với 11C6. Lúc thì đá ké với 11C5. Thời giờ cứ thế mà trôi qua. Chẳng mấy khi tụi tôi đề cập đến học hành. Chúng tôi bị dị ứng với sách vở vì nhiều lý do. Một phần vì đá banh về rồi đâu còn giờ để học. Phần khác là học biết chẳng đi đến đâu. Hai Nhỏng có lẽ phải bỏ học nửa chừng để giúp đỡ mẹ lèo lái một đàng em nhỏ. Ba cuả hắn ở đâu, không hề nghe đề cập. Bố cuả Tư Địa phong lưu hơn. Ổng còn còn đi nghỉ mát dài hạn ngoài Lạng Sơn. Cửa đại học đã đóng, Tư Điạ vẽ con đường đi bán chợ trời sau khi học xong phổ thông. Còn tôi thì vượt biên hụt vài lần đâm ghiền! Cái hình ảnh con thuyền không bến đã thay chỗ sách đèn. Chắc nhờ thầy cô phù hộ, đứa nào cũng qua được lớp 10. Nếu có qua được lớp 11, chẳng khác nào cá vượt vũ môn.
Không hiểu vì cơ thể thay đổi lúc trưởng thành hay cảm thấy bị bế tắc, chúng tôi đâm ngổ nghịch hơn, lì lợm hơn. Chiều tan học nào hai tên bạn của tôi luôn đứng ở gốc cây, gần chỗ lấy xe. Tư Điạ mở cuốn sổ bìa đen, liếc qua liếc lại rồi ghi chép. Hai Nhỏng lúc gọi 7, khi 8, thỉnh thoảng 9 như đọc số đề. Hai đứa cứ rù rì. Thỉnh thoảng vì bất đồng ý kiến nên đưa mắt nhìn tôi. Tôi đứng né sau cửa lớp cuả tôi, xa lắm. Ở gần mấy tên này có ngày mang hoạ. Tôi thường ra dấu 9 hoặc 10. Hai tên lắc đầu, rồi cộng trừ với nhau. Đạp xe về nhà, không ai đề cập đến chuyện vừa làm. Lúc nào cũng có vài tên bạn khác về chung hướng. Đôi khi tôi phải ở lại trường họp trễ.
Vừa đặt chén xuống mấy đứa em tôi đếm. Chưa được bao lâu thì Hai Nhỏng và Tư Địa đã lù lù trước nhà. Mặc cho hai đứa đứng đó tán dóc với mấy cô trong xóm. Tôi phải làm xong cái nhiệm vụ kiểm soát bài vở cuả mấy đứa em. Không thì khỏi phải vác mặt về nhà với mẹ tôi. Chuyện bên ngoài chắc bớt vui nên Tư Điạ cứ hắng giọng. Tôi ngó trước, ngó sau rồi xách xe đi theo chúng. Thêng thang trên con đường Thống Nhất, tụi tôi rượt đuổi nhau. Đôi khi đua xe với mấy tên xích lô đạp. Đạp chán chê các đường phố Sàigòn, chúng tôi khoá xe vào mấy gốc cây ở công viên trước Dinh Độc Lập. Vừa lăn ra bãi cỏ, Tư Điạ liền kể mấy chuyện hắn chọc phá thiên hạ trong lớp. Hai Nhỏng thỉnh thoảng chêm vài câu. Như dầu thêm lửa, Tư Điạ lại kể chuyện hành lang. “Ê, mấy ông có biết thằng X không? Trưa nay nó đang ngủ trong giờ Văn. Tui định lấy băng keo dán mồm vì thỉnh thoảng nó ngáy. Bể hết. Nó giật mình tỉnh giấc vì tiếng thầy Hồng oang oang từ trên lầu. Tự nhiên nó đứng lên để trả bài. Cả lớp nhìn về. Nó chẳng khác nào Từ Hải chết đứng vậy.” Tụi tôi phá lên cười về những chuyện thiên hạ không đâu. Hết chuyện Tư Điạ rút cái đèn pin và cuốn sổ nhỏ ra. Tụi tôi châu đầu lại. Tư Điạ đọc điểm tụi tôi chấm hồi chiều! Ờ cô này từ D1, cô nọ ở C5, C6, C7, C2,… Tư Điạ rành như stock broker ở NewYork về điểm lên xuống hàng ngày của chừng 30 cô trong sổ! Tư Điạ khoanh tròn vài tên. Nhiều mục tiêu chắc ăn hơn. Hai Nhỏng cũng gạch dưới một hay hai tên gì đó. Thấy tôi không hưởng ứng gì, hai tên bạn tôi thắc mắc. “Ai tôi cũng cho 9 hoặc 10 thì đâu có chỗ nào để chọn.” Mà cũng thật vậy. Ai tôi thấy cũng dễ, mà chẳng dám thương. Ngày mai tôi đâu còn nằm đây để tán dóc với mấy tên này đâu. Tội gì phải bận tâm nghĩ đến. Rồi đến một chiều nọ Điạ và Nhỏng cười lớn lắm. Không hiểu hai đứa chọc phá gì mà cô bạn trên lầu lúng túng lắm. Thường thì cô đi với đám bạn của cô nên hai thằng bạn tôi đâu dám hó hé gì. Nay thấy người đơn thân độc mã tụi nó làm tới. Thấy tội, tôi đến kéo hai đứa đi chỗ khác. Không nhớ tôi đã nói và làm gì. Sau đó giữa chúng tôi có một khoảng cách, cho đến vài ngày. Về học chung lối, tối đạp xe cùng đường mà chẳng ai buồn lên tiếng. Chịu lâu không được Hai Nhỏng nói trống không, có lẽ với Tư Điạ “Gà giờ nhú cựa rồi nha.” Đạp được vài bước, cả ba lại phá ra cười. Hai đứa bạn tôi thông cảm cho cái thằng Ba Phải giờ mới trúng gió!
Tụi tôi ở gần nhau nên thỉnh thoảng bị phường khóm kêu đi thủy lợi chung với nhau vào Chủ Nhật. Thôi thì ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Hai ông bạn tôi mặc sức chọc phá mấy cô. Khi ném đất, lúc giả đò kêu có rắn. Mấy cô sợ xanh mặt, tụi tôi lại cười vô tư. Làm cả buổi mệt đứt hơi. Nhưng cũng vui vì mấy chuyện không đâu. Chiều trước khi về, cả đám rủ nhau ra sông Thanh Đa rửa tay chân, bơi lội. Tư Điạ hay khoe đã từng trong đội bơi tí hon ở hồ tắm Yết Kiêu trước 75. Hai Nhỏng chêm một câu “Tướng ông khỏi sợ chìm. Hình như nước lèo nhẹ hơn nước sông.” Tư Điạ nóng mặt đòi bơi đua. Rồi hắn bâng quơ “Nhỏng xuống nước… Cá lòng tong tưởng mồi mà rỉa thì … hại lắm nha” Hai Nhỏng lầm bầm “Chắc bửa nào phải cúng cơm đổi tên họ!” Chằng phải vì mấy cô còn nấn ná bên bờ, vừa xuống nước Tư Điạ đã làm vài sãi tay bướm. Hắn bơi cách mấy bụi cỏ, chừng vài tấc cho chắc ăn. Sóng nổi lên cuồn cuộn. Đập vào bờ và văng toé lên mặt đê. Để hắn đứng kiếm điểm, tôi lội một mách qua bờ sông bên kia. Đứng ở bên đó mà vẫn nghe tiếng hắn nói cười. Bơi trở lại trước lên bờ, tôi cầm chắc lưng quần sợ tuột. Vừa bước lên bờ đi chưa được ba bước thì đám con gái xì xầm rồi rú lên cười. Đang ngơ ngác thì Tư Điạ chỉ vào đùi tôi “Con điã to kìa.” Hắn phun nước bọt, kéo con đĩa ra. Rồi bắt thêm vài con ở lưng. Hai Nhỏng ném cho tôi cái mũ tai bèo đang đội trên đầu “Bây giờ đã cách mạng rồi. Ai trưng ba sọc mút mùa đó nha.” Đến lúc đó tôi thấy cái tai hại của cái quần trong mà chị tôi có sáng kiến kết từ ba mảnh vải vụn khác màu! Tôi che với cái mũ cuả Hai Nhỏng, chạy một mách. Đàng sau là trận cười nắc nẻ của mấy cô tinh nghịch và hai thằng bạn của tôi. Từ đó tôi có thêm cái tên, Ba Sọc.
Bữa tối nọ đang đạp xe lòng vòng, Hai Nhỏng bảo hai đứa tôi theo hắn qua con đường ngoằn tối om. Đến khi dừng lại mới thấy rợn da gà. Chúng tôi đang đứng trước một nghĩa điạ, hoang vu lắm. Bỏ xe đạp trước cổng chúng tôi lần mò vào trong. Vượt qua đám cỏ ngang bụng. Bị cỏ cứa, ngứa muốn chết. Hai Nhỏng muốn nói gì đó. Hắn im lâu lắm. Tôi nghe rõ tiếng đàn muỗi bay vo ve trên đầu. Không ai buồn đuổi. Đợi chờ một điều gì đó…. “Chiều mai hai ông qua nhà tui chơi. Nhà có kỵ. Bà già tui muốn gặp hai ông.” Chỉ vậy thôi sao? Tại sao Hai Nhỏng lại dẫn tụi tôi vô nghĩa điạ chỉ để mời một bữa ăn. Tư Điạ hàng ngày láu táu lắm. Bây giờ lại im re.
Hôm sau đến nhà Nhỏng, tôi mới biết nó nghèo như vậy. Căn nhà ở hút sau cái hẽm, hẹp và tối. Hỏi mấy người mới tìm được. Mái nhà lại xiêu vẹo, ọt ẹt như má nó đang chờ tụi tôi vậy. Má nó ôm tôi mà không ngừng quẹt nước mắt. Bạn tôi ngồi ở bộ phản với cái mâm, vài cái ly, và một chai xá xị. Hắn ra bắt tay, mà mắt để đâu đó. “Ê, tuần rồi tui tròn mười tám nên bà già cho phép nếm mùi đời. Nước mắt quê hương đó nhe!” Hai Nhõng phá tan bầu không khí nặng trùm bao phủ quanh đây. Tư Điạ nói lớn cho có vẻ vồn vả “Ông sao tui vậy. Ông làm bậy, tui làm theo. Ba Phải lãnh đủ giùm.” Chúng tôi lại ầm ỉ lên “Dô! Dô!” Một xị rượu bé cỏn con, chia cho ba người, uống không hết. Có lẽ rượu quá cay, hơi đưa lên mắt. Đứa nào cũng chảy ròng ròng. Ngồi một lúc hết chuyện, Hai Nhỏng bảo “Ra kia đá banh một trận cho đã. Để tụi kêu thêm mấy đứa nhỏ trong xóm.” Tụi tôi kéo ra bãi đất hoang cách đó không xa. Cởi áo làm gôn. Mấy đứa nhỏ chừng 12, 13 làm chúng tôi mệt phờ người. Bây giờ đi còn không vững, nói chi chạy. Được một lát ba đứa tôi ngồi thở dốc, như mới đạp xe qua cầu Sàigòn. Mấy đứa nhỏ bỏ đi hồi nào, không ai hay. Nhỏng nắm tay hai chúng tôi rồi bảo “Mai tôi đi. Khi nào về phép sẽ ghé hai ông chơi. Tụi mình đá một trận cho vui. Ở nhà ráng dợt. Đào cuốc nhiều chắc tui sẽ phong độ hơn. ” Rồi một chút ngập ngừng, “Nếu tôi bị gởi qua Campuchia chưa về, thì thỉnh thoảng ghé thăm má tui nghe. Bả mến hai ông lắm đó. Nghe nói hoài hôm nay mới gặp.” Hai đứa, Tư Điạ và tôi chẳng biết nói gì lúc chia tay. Chỉ thêm một cái bắt tay thân mật. Ra về hai đứa cùng một ý nghĩ như nhau, mà không dám nói!
Chưa được ba tháng, tôi tạt ngang thăm má Hai Nhỏng và hỏi thăm tin tức cuả bạn tôi. Trong nhà trống trơn. Gọi mãi không thấy ai ra. À, nhà Hai Nhỏng đâu có gì đáng giá để lấy mà phải có người coi chừng. Thoảng một cái mùi quen thuộc. Tôi ngó quanh. Trời đất! Hai Nhỏng đang nhìn tôi cười. Vẫn cái đầu húi cua. Vẫn cái nụ cười hơi méo như sắp thốt “ Tui hát không hay. Tui đờn nghe cũng dở…” Chỉ khác, bạn tôi đã rửa chân, ngồi trên bàn thờ! Tôi chết lặng một hồi lâu. Tìm quanh một miếng giấy. Viết vài lời phân ưu với má nó…
Kiềng ba chân gãy một. Hai chân còn lại đâu còn vững. Tư Điạ trở nên trầm ngâm, như lúc Hai Nhỏng lúc sanh tiền. Nụ cười trừ cuả tôi cũng biến mất, như cái tên Ba Phải, lâu lắm không có người gọi. Không lâu sau, Tư Điạ theo gia đình về vùng kinh tế mới. Có người bảo gia đình hắn bán nhà để lấy tiền đi vượt biên. Lá bài cuối. Tư Điạ đi không một lời từ giã. Phải chăng hắn sợ cảnh chia tay ngảy nào, giống như tôi. Hết bạn rủ đi đá banh, buổi sang nào tôi cũng lần mò đến cái nghiã điạ Hai Nhỏng dẫn tụi tôi đến đêm nào. Tôi tìm một mộ bia mới. Chẳng có. Mỗi ngày tôi dọn một ít. Đám cỏ cao, giờ chỉ đến đầu mắt cá. Thỉnh thoảng tôi lấy một số chân nhang từ những ngôi mộ có người thăm viếng. Phân phát đều ra cho những ngôi mộ lẻ loi, không bia. Tôi hy vọng: ai đó cũng làm như vậy, cho ngôi mộ của bạn tôi… ở đâu đó … nơi đất người!.
Khù Khờ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...