Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Hôm ấy đẹp trời

Hôm ấy đẹp trời

Những cuộc gọi của Nương từ Đài Trung về cho cha con Sinh thưa dần rồi mất hẳn. Hết hạn Hợp đồng, Nương không về. Cô gửi về một lá thư.
Trong thư gửi kèm một tờ đơn cô đồng ý cho Sinh đơn phương ly dị: “Anh Sinh. Anh tha lỗi cho em. Hãy coi cuộc hôn nhân trước đây của chúng ta như một sai lầm anh à. Đời người ai cũng có sai lầm kể cả hôn nhân. Chúng ta phải làm lại. Em đã có một hôn nhân khác với người Đài Loan. Kèm thư này, em gửi một lá đơn về Tòa án, đồng ý cho anh đơn phương ly dị. Em gửi luôn ngân phiếu để anh trả nợ ngân hàng, tiền đóng cho em đi lao động.
Cám ơn anh!
Anh cho em nói cùng bé Mỹ Yên.
Mỹ Yên con yêu quí! Tha lỗi cho mẹ. Hãy học giỏi và ngoan con nhé. Mẹ không thể về Việt Nam bây giờ được. Mẹ sẽ gửi tiền về phụ cho con ăn học.
Mẹ của con”
Ngọc Nương.
Thế mà đã 4 năm. Cái cảm giác như ai đó lấy búa nện một nhát chí mạng vào ngực anh nay đã không còn. Nhủ lòng không nghĩ đến chuyện cũ nữa. Thế mà bất chợt Sinh vẫn phải nghĩ đến. Hôn nhân tan vỡ thật chẳng dễ nguôi ngoai. Nhưng thôi. Ta phải đứng lên đi tiếp.
Thu dọn đống sổ sách, anh dợm đứng lên thì bưu tá phường xuất hiện trao cho Sinh một lá thư. Cầm phong thư anh hồi hộp. Linh tính mách bảo anh chuyện không bình thường. “Huỳnh Tấn Sinh… số… đường Võ Thị Sáu. Cái gì…ai thế này? Sinh mở thư: Kính thưa anh! Mong anh tha lỗi về sự đột ngột này ạ. Em chính là người mẹ có tội đã bỏ rơi hòn máu dứt ruột của mình ở công viên thành phố rạng sáng hôm ấy. Bé vô cùng may mắn được anh cứu mạng. Qua tin nhắn trên báo, anh cho phép mẹ bé được đến nhận con. Em chỉ còn biết nói lời cảm ơn anh. Trong thư em gửi kèm tin nhắn của anh trên báo đây ạ. Em mong được liên lạc với anh qua số di động anh ghi trên báo.
Kính thư!
Em, Mạc Thị Lành.
Sinh đâm mất bình tĩnh. Tay anh run run khi gấp lá thư. Không muốn về. Sinh ngồi lại phân xưởng để trấn tĩnh. Mình sẽ mất đứa con gái kháu khỉnh này ư? Mỹ An được mười bốn tháng rồi. Con bé đã thành một phần máu thịt của Sinh và chị Hai nó.
Khoảng hơn 5 giờ sáng hôm đó. Anh bỏ dở cuộc đi bộ… từ một gốc cây sao hay bằng lăng gì đó, Sinh bế thốc cái bọc quần áo bên trong có tiếng ọ… ẹ của trẻ sơ sinh. Cứ thế anh băng ào ra ngã tư đường. Vừa may gặp tốp công nhân đi làm ca về. Anh gọi giật, em ơi. Em gì ơi. Giúp anh với. Nhìn Sinh ôm cái bọc với vẻ hớt hải, cô công nhân như hiểu ra. Liền giục, anh lên xe, lên đi! Cô này làm như người trong phường nên nhớ đường ngang lối tắt phóng đến trạm Y tế. Đến nơi, Sinh kêu lên, bác sĩ, bác sĩ ơi. Cứu bé giúp tôi. Cô y tá còn bận đồ ngủ chạy ra. Nhìn Sinh cùng cái bọc trên tay. Cô nói, anh vào trong phòng. Cô chỉ ghế cho Sinh đoạn nói, anh ngồi đi để em vào kêu bác sĩ. Hai người mặc áo blu trắng trở ra. Bác sĩ liền đỡ ngay cái bọc rồi bảo Sinh, anh cứ ngồi đây chờ chúng tôi lo cho bé.
Từ phía phòng trong, Sinh nghe rõ tiếng va chạm của dụng cụ y tế. Tiếng ọ… ẹ rồi tiếng khóc to dần lên oe…oe! có vẻ như tiếng khóc giật lên. Bác sĩ làm động tác vỗ lưng cho bé trào nước nhãi trong miệng ra. Bé càng khóc dữ. Tiếng khóc chào đời của đứa trẻ sau khi được bác sĩ cấp cứu thành công. Bác sĩ trở ra bằng một nét mặt thư giãn chứ không căng thẳng như ban nãy. Lẽ ra cháu bé phải được bú sữa mẹ ngay. Nhưng giờ cháu đã bú sữa bình cũng ổn rồi. Bú no cháu sẽ ngủ một giấc ngon. Bác sĩ trấn an Sinh và tự giới thiệu, tôi là Liên bác sĩ trưởng trạm. Còn anh? Tôi là Huỳnh Tấn Sinh. Tôi đi bộ buổi sáng…và như bác sĩ biết. Liên đẩy một tách trà nóng ướp hương nhài về phía Sinh. Anh uống ly trà cho tỉnh táo. Cảm ơn chị. Sinh đón ly trà uống từng ngụm nhỏ. Hương vị trà nhài thơm mát khiến Sinh tỉnh táo. Không ngờ trạm y tế có trà ngon vậy?
Anh có định nuôi cháu không? Anh bàn kỹ với chị nhà đi. Nếu không, chúng tôi làm thủ tục chuyển bé sang Trung tâm bảo trợ trẻ em. Trường hợp này cũng nhiều. Ở đó các cháu sẽ được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo. Dạ…Sinh ngần ngừ, anh phác nhanh trong đầu. Mình sẽ nuôi bé. Nó sẽ là con của mình, để nó có chị có em với Mỹ Yên. Tôi sẽ nuôi bé, Sinh quả quyết. Bác sĩ Liên nhìn Sinh và nói, anh thật dũng cảm bởi lòng thương trẻ. Thế anh định đặt tên cháu là gì, để chúng tôi làm khai sinh cho cháu. Tên cháu là Huỳnh Mỹ An. Sinh trả lời bác sĩ Liên. Liên reo lên, Mỹ An! Tên đẹp ghê ha. Con bé này sẽ hạnh phúc cho coi. Một lần nữa tôi chúc mừng cháu. Chúc mừng anh. Rồi đây anh sẽ có một đứa con gái kháu khỉnh.
Công nhân đã về hết từ lâu. Bỏ lá thư vào túi, Sinh toan dắt xe ra thì di động trong túi anh kêu. Đầu dây bên kia tiếng một phụ nữ, a lô! Em chào anh ạ. Em là…người bên kia ngập ngừng. Cô là ai? Sinh tỏ ra nôn nóng. Dạ! Em là Lành…em đã gửi thư xin gặp anh từ mấy bữa nay. À ra vậy, Sinh hiểu ra sự liên hệ của lá thư với cú di động này. Cô đang ở đâu? Anh có cảm giác như cô gái này đang ở gần đâu đây. Dạ. Em ở thành phố này. Em mới từ dưới huyện lên, nhưng chưa dám gặp anh. Sinh nhìn quanh. Không lẽ cô ta đã nhìn ra mình cũng nên. Thôi được rồi. Để tôi suy nghĩ, Sinh rơi vào trạng thái đắn đo. Đầu dây bên kia vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Nếu vậy mai cô tới đi. Sinh tắt máy.
Dạo mới nuôi bé mẹ anh nhiều lần nói gần, xa con nghĩ kỹ đi. Nuôi con bé mà không có mẹ nó không dễ đâu. Mẹ già yếu không thể phụ con hoài được. Nuôi con mọn khác gì trèo núi, càng lên cao càng khó thở. Với lại con nuôi sau này mười đứa, chín đứa nó trở chứng. Chả đứa nào thật lòng. Nghe mẹ đi, cứ nhắn trên báo ai có con cho họ đến nhận. Cũng là làm phước rồi. Sinh phân tâm không ít. Trong một phút đấu tranh tư ưởng, anh nghe mẹ gửi đăng tin nhắn…Tin gửi đi mãi không ai đến nhận. Một phần vì đang cao trào covid…Hiện tại bé đã hơn một năm tuổi. Nuôi con đã mến tay mến chân. Sinh thương nó như con ruột. Mà con ruột chứ sao nữa. Bác sỹ Liên đã nói “anh sinh ra nó lần thứ hai”. Anh ẵm bé từ hòn máu chạy về Y tế phường đêm đó không thể nào quên. Chả hiểu có phải vì thế mà giờ đây anh không bao giờ có ý nghĩ xa được con bé.
Sinh đi bộ thể dục về đến cửa đã thấy một người phụ nữ. Con gái thì đúng hơn. Nhìn bề ngoài cô này còn rất trẻ. Đoán là Sinh cô gái đứng lên lễ phép, em chào anh ạ. Em là Lành. Em vừa tới như anh cho phép. Nhìn lướt cô gái, Sinh nghĩ, người này mà nỡ bỏ rơi con ư? Lành có dáng người thon nhỏ, thanh thoát. Làn da trắng thường có ở các cô gái Hà Nội. Chả biết có phải “người Hà Nội” không? Anh vội xua ý nghĩ đó đi. Sóng mũi thẳng như ống trúc, đôi mắt to nhìn tự nhiên của Lành đã đập vào ấn tượng ban đầu của người đối diện. Thần thái của cô gái nói lên con người này không đến nỗi bất hạnh. Sao ra nông nỗi này? Dạo còn đi học ở Ngô Quyền, Sinh cùng các bạn đã thuộc lòng câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên “Em hãy giữ tính tình con gái Bắc/nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền…” Con gái Bắc xưa “diễn” giỏi vậy sao? Cô vào nhà đi. Sinh đẩy cửa và chỉ ghế cho Lành. Đó là một cô gái có khuôn mặt đầy đặn gây cảm giác ban đầu, ưa nhìn.  Ngồi ghế đi cô. Nói rồi Sinh rót cho Lành ly nước lạnh từ trong chiếc bình thủy tinh màu trắng xanh. Cái màu ta thường gặp như màu xanh các viên kẹo Nhật Bản bán ở siêu thị. Lành đưa hai tay đỡ ly nước. Cô uống từng hớp nhỏ, dè dặt như thể sợ bị nấc trong các buổi tiệc tùng.
Cả Sinh lẫn Lành chưa biết mở lời ra sao. Hai người trong một phút đều chìm vào những ý nghĩ nội tâm. Sao giờ cô mới tới. Cô có nhớ ngày bỏ rơi bé không? Sinh đột ngột hỏi. Dạ có ạ. Lành như lạnh toát ở sống lưng. Cô lấy từ trong giỏ khoác ra tờ giấy gấp tư. “con bé ơi, tha tội cho mẹ. Không còn đường nào khác mẹ phải bỏ con. Xin các ông bà rủ lòng cứu con tôi. Nếu được, đến chết tôi không quên. Biên Hòa…ngày…tháng…năm. Cô từ ngoài ấy vào à? Sinh đã dịu giọng. Dạ. Em cả tin vào lời hứa. Nhưng người ta không cưới em nữa. Mẹ anh ấy cho tiền phá thai. Em không nhận tiền, cũng không phá thai. Em vào Nam nương nhờ mợ em. Nhưng mợ bảo phải cho bé đi chứ không cho ở trong nhà. Mợ đi xem bảo đường nhiều người đi bộ sẽ cứu. Lành úp mặt vào hai bàn tay. Vai cô rung lên. Sinh khoát tay nói, những cái đó cũng qua rồi. Giờ quan trọng là cô nuôi bé sao cho tốt. Thưa anh. Nếu mẹ con em được đoàn tụ, em xin hứa nuôi dạy cháu thật ngoan, xứng đáng với công ơn của anh ạ. Ai ở trường hợp như tôi hôm đó cũng sẽ hành động như vậy. Vấn đề là cháu đã lớn. Biết hết rồi. Liệu nó có chịu theo người lạ hay không?
Bốn giờ sáng, Sinh bận quần áo tươm tất ra đến phòng khách đã nhìn thấy Lành ngồi đó với chiếc giỏ khoác như thể suốt đêm qua cô đã ngồi sẵn ở đây. Cô không ngủ được à? Hỏi vậy nhưng Sinh biết ai mà ngủ được trong hoàn cảnh này. Nghĩ đến vắng Mỹ An mỗi chiều đi trẻ về, nó ôm cổ ba mà thơm…tiếng gọi “ba” nũng nịu. Sinh đã thẫn thờ.
Im lặng một lát Lành trả lời, dạ… em không ngủ được. Chỉ mong trời sáng. Lành rụt rè hỏi Sinh, chắc anh cũng khó ngủ phải không anh? Ngủ gì nổi, Sinh trả lời cụt ngủn rồi anh quả quyết đứng lên. Anh nói, cô cầm cây dù này che cho sương cho bé. Tôi bồng bé ra trạm xe buýt, cũng gần đây. Cô biết rồi đó, độ trên hai trăm mét. Ra xe, cô ẵm nó. Hai người im lặng đi trên đường. Lành đi bên. Cô mở dù che cho hai cha con. Trông cảnh này, chẳng khác nào hai vợ chồng trẻ bế con về thăm quê ngoại. Trong vài phút, xe đến. Sinh bế con lên xe. Bụng Sinh nôn nao, anh sắp mất đứa con này rồi. Đợi cho Lành ngồi xuống ghế đâu đó Sinh trao bé cho cô. Tay anh vô tình chạm nhẹ vào ngực và thân thể Lành. Cả hai bỗng lúng túng. Sinh bước ra cửa xe còn ngoái lại dặn, Lành về mạnh khỏe. Nuôi bé ngoan nha. Dạ. Em nghe lời anh ạ. Anh về mạnh khỏe. Cho em gửi lời chào bà nội với bé Hai anh nhé. Đợi cho hai “vợ chồng” dặn dò nhau xong, người tài xế đề máy. Sinh bước xuống. Anh giơ tay tạm biệt mẹ con Lành cho đến khi dòng xe cộ buổi sáng trên đường nuốt chửng chiếc xe buýt.
Thế là hết. Sinh bước đi trong nỗi giằng xé một bên là nỗi nhớ thương con, một bên là lời hứa của lòng nhân đạo. Không về nhà, anh đến thẳng phân xưởng. Trong ngày nay anh biết phải ăn nói với Mỹ Yên sao đây khi thức dạy em nó đã bị cô Lành ẵm đi mất?
Gấp sổ kế toán Sinh chợt nhớ chiều nay sau tan ca, anh có cuộc hẹn tại nhà hàng sinh thái Hương đồng nơi sả stress lý tưởng.
Bỗng chiếc Mobu trong túi Sinh rung giật rồi kêu lên. Giọng Mỹ Yên bên kia: Ba ơi, ba về nhà có chút chuyện nha ba. Sinh lật đật phóng về ngay. Chưa kịp dựng xe thì Mỹ Yên cùng em Mỹ An lao ra. Con bé khóc nấc lên trong khi vẫn gọi ba. Anh bồng con bé lên nó càng khóc dữ như hờn trách anh. Mỹ An ôm ghì cổ Sinh như nó sợ buông ra thì anh bỏ nó như sáng hôm nào. Ngoan nào. Ba thương mà, Sinh cũng rân rấn nước mắt. Anh dỗ mãi song Mỹ An vẫn nấc lên từng cơn. Vậy mà Mỹ Yên lí lắc giấu ba không nói ngay. Sinh vẫn nhâng bổng con gái lên mà hôn. Nhìn cảnh cha con Sinh đoàn tụ, Lành chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn. Cô không sao nói thành lời. Bất giác, Lành cảm thấy chạnh lòng. Giá như…giá như Sinh là ba ruột của Mỹ An?
Mỹ An gầy tọp hẳn, hai mắt khóc đỏ mọng như trái nhót. Lành thì phờ phạc. Cô rụt rè nói với Sinh, bé nhất định không chịu uống sữa, không chịu cho em bón cơm. Bé khóc hoài luôn miệng đòi về ba với chị Hai. Sinh lắc đầu chia sẻ, tôi biết trước sẽ khó mà. Vì bé đã lớn chỉ quen có ba với chị Hai. Giờ Lành nghỉ đi. Tối tôi về sẽ tính tiếp. Sinh dắt xe định đi thì Mỹ An thét lên, chạy theo, ba…ba. Nó đòi theo anh. Chị Mỹ Yên phải giữ em lại và nựng khéo. Bé Mỹ An ngoan mà, ba ra xưởng, ba về liền chở em đi một vòng nha, chịu không nè?
Hơn tuần nay, Sinh bố trí cho Lành vào làm tạp vụ trong xưởng. Ngoài giờ, cô phụ giúp Sinh việc nhà như một “ Osin tự nguyện”. Theo Sinh, anh muốn tạo cho mẹ con Lành dần quen nhau. Song bà Lương tỏ ra khó chịu. Bà thương con bé, nhưng Lành bà khó lòng “tiếp nhận”.
Nhân lúc vắng bà hỏi Sinh, Con tính cho cô ấy, bà gọi Lành là “cô”, ở luôn trong nhà này mà không sợ dư luận dị nghị sao? Sợ nỗi gì mẹ? Cả khu phố này ai mà chẳng biết Lành tìm tới đây để xin nhận lại Mỹ An. Con cho cô ấy ở lại là hợp lý. Bà Lương rất tinh ý. Gần đây bà để ý thấy chiều nào Sinh cũng chở Lành đi đón bé. Quần áo của Sinh, Lành ủi tươm tất như vợ ủi cho chồng. Buổi tối, chúng như vợ chồng chở hai đứa con đi nhà hàng uống sinh tố. Bà Lương nghi ngờ hỏi Sinh, con tính tiến tới tình cảm với con Lành sao? Con chưa biết mẹ à. Nhưng sao mẹ hỏi con câu ấy? Sinh hỏi lại mẹ. Mẹ cần biết điều đó con à. Rồi bà dịu giọng, hôn nhân của con đã một lần đổ vỡ. Cô ta đã như vậy… ý bà Lương là người như Lành liệu có xứng đáng để Sinh đặt niềm in lâu dài? Con biết mẹ muốn nói đến quá khứ của Lành. Con xin mẹ cần có cái nhìn bao dung, cởi mở hơn. Lỗi lầm của Lành có hoàn cảnh của nó. Không lẽ Lành chịu sống mãi với quá khứ hả mẹ? Vâng! Hôn nhân con đã một lần đổ vỡ. Mẹ cho con được cân nhắc, tự quyết.
Bà Lương chưa chịu. Bà nói thẳng, ở xưởng thiếu gì những đứa con gái trẻ, đẹp lại có trình độ. Sao con không chọn. Mẹ của Mỹ Yên cũng đẹp đó mẹ. Nói thiệt, con sợ vợ đẹp lắm rồi. Mẹ nghĩ coi, đứa con gái trẻ nào chịu vào đây làm mẹ hai đứa con của con? Vừa lúc, Lành cùng Mỹ Yên đi đón em về. Mỹ Yên kéo ba ra một góc. Nó thì thầm vẻ quan trọng. Ba ơi, bà Tám kỳ quá. Bả nói con, mày có mẹ khác rồi sao? Con nói, cô con dưới quê lên đó. Bả còn nói, nhà mày Nam rặt. Cô mày sao nói tiếng Bắc? Bắc có sao đâu, ba nhỉ. Sinh cười cười, ai nói sao kệ người ta. Mình lo nhà mình là được con. Lớn lên con sẽ rõ, mình không thể sống vì dư luận đâu con.
Từ lâu, Sinh có thói quen uống trà nhài vì nó thơm và mát. Anh đặc biệt nhớ ly trà buổi sáng hôm ấy ở trạm Y tế phường bác sỹ Liên trao cho anh. Tiếng khóc chào đời của Mỹ An, hương vị ly trà khiến anh hạnh phúc. Anh cho đó là một ngày đặc biệt. Ngày đẹp.
Sinh coi lại sổ kế toán và sổ chấm công. Lành hãm cho anh một bình trà nhài như mọi khi cô từng làm. Bỗng Sinh ngẩng lên anh gọi cô, Lành à, em tới đây anh nhờ chút. Lành ý tứ ngồi xuống cạnh bàn. Dạ. Anh nhờ em chuyện gì ạ? Chấm công. Nhưng là công tăng ca. Đây nè. Cứ 4 lần tăng ca, mỗi lần 1,5 tiếng từ 4 giờ 30 đến 6 giờ, em cộng cho người ta đủ một công để làm lương. Em làm được không? Sinh đưa sổ. Không tới 30 phút sau, Lành đã qui đổi được 20 công tăng ca trong phân xưởng. Sinh vui ra mặt. Anh reo lên, em khá ghê. Có cô trung cấp còn nhầm đó. Không ngờ Lành tiếp thu khá nhanh, cộng tăng ca không bỏ sót một ai. Bình trà hết nước. Lành đứng lên trâm thêm. Sinh đặt nhẹ tay anh lên cổ tay Lành. Em ngồi xuống. Anh hỏi em câu này, Sinh đã gọi Lành bằng “em”. Từ em trong giờ phút này đã “cởi trói” cho hai người. Em làm với anh gần nửa năm rồi. Mỹ An dần quen em. Nhưng quen và thương em như mẹ con thì cần phải lâu dài. Em có tính chuyện về ngoài đó không? Ý Sinh muốn hỏi Lành có muốn về quê ngoài Bắc? Dạ chưa ạ. Em chưa nghĩ đến chuyện đó. Không đắn đo, Sinh tấn công luôn, anh muốn em ở lại đây lâu dài. Em làm mẹ hai đứa con cho anh. Ý em sao? Đột ngột quá anh à. Em…em…Lành không diễn đạt nổi những phân vân của cô cho Sinh hiểu. Cô cúi xuống miết những đầu ngón chân trên nền gạch hoa bằng những đường hoa văn ngoằn ngoèo khó hiểu. Em cứ nói những băn khoăn ra hết đi. Sinh khích lệ. Em chỉ sợ những lỗi lầm của em, sao anh chia sẻ cho em được? Anh hiểu ý em. Lỗi lầm của em có hoàn cảnh. Em dám tìm đến đây xin nhận con làm anh cùng bà con cô bác ở đây bất ngờ. Anh càng yêu ở sự trung thực. Không phải ai cũng muốn chuộc lỗi như em đâu. Em rất dũng cảm đối mặt với bản thân. Anh cho em thời gian. Em sợ… Em sợ gì? Sinh hỏi. Bà nội chưa thông cảm hết đâu anh. Anh cũng biết điều đó mà. Anh hiểu rồi, Sinh trấn an. Anh yêu em, thương em là đủ. Sinh nói tiếp những câu rất quyết đoán, em lấy anh hay lấy mẹ anh? Ấy chết anh ơi. Anh nói vậy tội chết. Sao mà chết. Em đồng ý yêu anh không? Sinh không chịu buông tay Lành ra. Lành bối rôí quá. Cô cúi nhìn xuống. Sinh khẽ nâng mặt cô lên, anh ôm lấy Lành. Người cô run bắn lên. Gần như không tự chủ, Lành bám hai tay vào bờ vai vững chãi của Sinh như sợ té ngã. Đã gần 5 năm nay, Sinh không có cảm giác thế này với phụ nữ. Đằng này, đây lại là người anh đặt niềm tin yêu. Cứ thế, Sinh hôn thật chặt lên môi Lành. Hình như máu trong người họ đang chạy ngược lên. Cả hai đều cảm giác nóng bỏng ở đầu môi.
26/6/2023
Lê Đăng Kháng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...