Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Bố tôi

Bố tôi

Trong văn chương và âm nhạc người ta thường nói về mẹ. Dễ hiểu thôi, vì tình yêu của mẹ luôn dạt dào như biển cả, theo từng đứa con khắp bốn phương trời. Trong mắt của mẹ, dù ta ở bất cứ lứa tuổi nào vẫn là đứa trẻ lên ba, cần được chăm nom, che chở. Còn cha, ít người nhắc đến. Mấy ai có thể gợi được nhiều kỷ niệm với cha mình. Cha dường như chỉ là cái bóng mờ sau mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn”. Ngọn núi đó vẫn đứng sừng sững, nhưng đỉnh cao luôn bị những đám mây thấp lè tè che phủ, nên có mấy ai thấy được cái hùng vĩ cuả núi. Có người chẳng muốn nhìn xa hơn cái cảnh lờ mờ để thấy núi. Tôi muốn kể cho bạn nghe về cha tôi, ba tôi, không, bố tôi.
Trong nhà anh em chúng tôi gọi ông là ba. Viết xuống đây, cho tôi gọi ông là bố, vì cái từ ấy khiến tôi cảm thấy gần gủi với ông hơn. Nhớ cái năm học lớp ba, tôi bắt đầu học viết luận văn. Bắt đầu bằng bài tả cây bút chì, lọ mực, rồi đến con mèo, con chó. Phần mở bài để giới thiệu sao ta có món đồ hay con vật ấy. “Nhà em có nuôi một con mèo tam thể. Tên nó là Mi” là câu mở bài rất tiêu chuẩn của bọn học sinh lứa tuổi ấy. Rồi cứ thế mà hồn nhiên đổi từ con mèo sang con chó, con gà,… Đâu có thầy cô nào thắc mắc. Hôm ấy chúng tôi bắt đầu học về tả người, đề tài - ba em. Chắc các bạn đã đoán được câu mở bài… mà đôi bạn đã viết. Có bạn khá hơn viết như thế này “Ba tôi đã già, trạc chừng bốn mươi.” (Giá tôi là thầy giáo, tôi sẽ cho trò này zero ngay tức khắc. Thật là kỳ thị tuổi tác quá mức! Đến năm mươi cũng chưa được gọi là già. Ra đường thiếu gì cô còn gọi mình là chú, xưng em!) Còn tôi chỉ nộp tờ giấy trắng. Tôi chẳng biết viết thế nào về bố tôi cả!
Bố tôi là người rất ít nói. Đối với người ngoài, ông luôn giữ nụ cười thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ. Mẹ tôi thường bảo với một chút trách móc “Ba con là người của xã hội. Đổi không được!” Đối với con cái trong nhà ông ít biểu lộ cái tình cảm dạt dào mà chúng tôi luôn nhận ở mẹ. Không hẳn vậy, chỉ có mấy đứa em sau tôi được bố xoa đầu, khi chúng tôi đứng chờ, chào ông trước ngõ, khi ông đi làm về. Đứa em gái kế tôi lớn tiếng nhất được ông cõng sau lưng. Hai đứa em trai chập chững được ông bồng trên hai tay. Còn tôi lửng thửng dắt cái xe đạp theo sau. Hình như đó là cái vinh hạnh. Thay quần áo xong, bố tôi ngồi đọc tờ nhật báo Chính Luận. Lướt qua phần thời sự trang đầu, ông ngấu nghiến đọc tin bóng tròn viết lại trận đấu ông đã xem chiều qua và nghe Huyền Vũ tường thuật trực tiếp trên radio. Rồi ông nhẩn nha đọc phần thơ văn. Chẳng cần nhìn, ông rút ra trang báo thiếu nhi Mai Bê Bi đưa ra sau. Anh chị tôi đã đứng sẵn, đón lấy, dúi đầu đọc rồi. Chị tôi xem phần tin “xe cán chó, chó cán xe” phía sau. Anh tôi đọc tranh vẽ trang giữa. Tờ báo được chuyền dần đến chị kế tôi, rồi tôi. Mấy đứa em tôi chưa đi học, nên chúng vây quanh tôi để được nghe chuyện cổ tích ngày hôm đó. Vài truyện hình có mấy ô, được tôi thêm bớt, nghe đến giờ ăn. Có thể nói bữa ăn tối là lúc duy nhất bố tôi mở miệng. Ông kể đủ chuyện, cái làng của ông ngoài Nam Định, bờ ao, cái giếng mà ông xém chết khi té xuống năm bốn tuổi, đêm giã gạo … Bố tôi kể về những cái thân thương với ông dù thật nhỏ, những chuyện đã chục năm mà tưởng như mới xảy đến ngày hôm qua. À, còn mối quan hệ giữa chúng tôi với ông này, bà nọ, những người mà đại bác bắn ba ngày chưa đến. Ở cái làng bé nhỏ của bố tôi, ai cũng liên hệ họ hàng với nhau cả. Chúng tôi nghe những câu chuyện như vậy nhiều năm, đến thuộc lòng. Qua câu chuyện, bố tôi cố gieo vào tâm hồn nhỏ bé của chúng tôi ý niệm về gia đình và quê hương.
Buổi trưa bố tôi thường về nhà ăn, ngủ một giấc ngắn, rồi mới đi làm lại. Ông nằm trên cái phản ngựa, chụp lên mặt tờ báo để ngủ. Chị tôi ê a đọc đi, đọc lại bài học thuộc lòng cả chục bận vẫn chưa nhớ “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng … đường rụng nhiều và trên không … không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.” Bố tôi gạt tờ báo sang bên, ngồi dậy rồi bảo chị tôi. “Con đọc thế này dễ nhớ hơn. Hằng năm … cứ vào cuối thu … lá ngoài đường rụng nhiều … và trên không … có những đám mây bàng bạc … lòng tôi lại nao nức … những kỷ niệm … hoang mang … của buổi tựu trường.” Qủa thật, tôi ngồi bên đã nhớ trọn câu bố tôi vừa đọc. Nó nhẹ ngấm vào tâm người nghe lắm.
Một bữa nọ bố tôi sắm về một cái bàn mặt gương to lắm. Mẹ tôi cứ phàn nàn rằng con còn nhỏ gương dễ vỡ, nguy hiểm lắm. Mẹ lấy ra cây chổi lông gà nơi góc tủ ra đe chúng tôi. Không được ném đồ lên bàn, không được ngồi lên bàn, không được gõ lên bàn … cả mười cái không. Mấy đứa em tôi le lưỡi, sợ lắm. Còn tôi, tôi lại muốn thử lén mấy điều mẹ tôi cấm để hiểu tại sao. Bố tôi lôi ra vài cái bảng danh dự hàng tháng anh chị tôi đôi khi nhận được, để dưới mặt kính. Ông lấy ngón tay đóng những cái khung tưởng tượng ở bốn góc rồi bảo đấy là chỗ cho bốn thằng con. Phần còn lại cho hai bà chị và đứa em gái, nhỏ hơn. Tôi quan sát kỹ. Mấy ngày sau tôi lén nhét mấy ô truyện hình, vào cái góc quá lớn của tôi, cho đỡ trống trải.
Trưa nọ bố tôi hì hà, hì hục lấy cưa, gỗ ra. Ông đóng một cái kệ, cao lắm, tôi nhẩy lên mà không với được đến đỉnh. Vài ngày sau, ông khuân về một đống sách. Ngày qua ngày, chất hơn nửa cái kệ sách vĩ đại ấy. Cả mấy tuần anh em chúng tôi quay quần quanh cái thư viện nhỏ bé ấy. Chị tôi mê đọc mấy quyển truyện tuổi hoa xanh. Anh tôi say mê với bộ Tam Quốc Chí (giống bố tôi). Chị kế tôi và tôi ngấu nghiến các chuyện cổ tích và truyện hình vẽ Xì Trum, Lữ Hân Phi Lục, Thạch Bích Sơn … Mấy đứa em cứ theo đuôi tôi cả ngày để được nghe các truyện tôi đọc. Cặp mắt chúng mở to như những con sóc khi tôi phùng má trợn mang để diễn tả cho trọn “ý tác giả”. Tôi chỉ ngồi đó, búng ngón tay, là cả đám đệ tử đi rót nước, lấy tăm cho bố mẹ thay tôi.
Khi tôi bắt đầu bước vào trung học thì bữa ăn tối, vắng bố tôi dăm ba bữa. Bố tôi đi làm về trễ vì phải lo chạy ép-phe. Không có ông, bữa cơm sao nhạt nhẽ. Chẳng ai dám nói to hoặc khua đũa mạnh. Ráng ăn cho nhanh, rồi chạy đi chơi. Không khí trong nhà hơi ngột ngạt. Mẹ bao giờ cũng dành mâm cơm riêng, chờ bố về ăn chung. Đôi khi đến 10 giờ chưa thấy bố tôi về. Mẹ tôi cứ ra cửa, rồi trở vào mấy bận. Chúng tôi ngồi học trên bàn hoặc quanh phản ngựa cứ dúi đầu vào sách, mà tai cứ ngóng quanh. Bố tôi về thì mấy đứa em tôi đã ngủ. Mặt ông đỏ ngừ. Ông hỏi mẹ tôi qua loa vài việc trong ngày ở nhà. Có lẽ ông không nghe chính ông, nên giọng của ông lớn lắm. Mẹ tôi đâu có nghe. Bà cất đi mâm cơm dọn sẵn, rồi chui vào mùng nằm với ba đứa em, với cái bụng đói! Bố tôi thở dài vài cái, rồi lảo đảo đi ngủ. Tuần sau mọi việc như vậy lại tái diễn, đôi ba bữa. Anh chị em tôi bao phen họp bàn để nói chuyện với bố. Chẳng ai dám lên tiếng cả. Ở trong gia đình, bố tôi như ông trời. Trừ tôi! Cho tới một hôm tôi không còn né bố tôi khi ông ngà ngà. Tôi ngồi học đối diện ông khi ông tìm cách lấy lòng mẹ. Bố tôi muốn nói gì với tôi, lại thôi. Một tối nọ tôi dở hé mặt gương, rút ra vài cái bảng danh dự hiếm hoi của tôi, ép vào vở, rồi ra ngõ chơi. Mặt bố tôi phừng đỏ lên, như chực trút trọn tức giận lên thằng con vô lễ. Nhưng cái gì đó kéo ông ngồi lại. Chờ tôi đi, ông mở vở, lấy mấy cái tấm giấy đó bỏ vào chỗ cũ. Các bữa tối “nhảy dù” của ông bớt dần cho đến năm 75 thì dứt hẳn.
Cả đời, bố tôi chưa đánh chúng tôi. Không, tôi quên. Mẹ tôi bảo khi anh tôi được ba tuổi, anh vào bếp lấy giấy mồi lửa trong bếp rồi chui xuống giường chơi. Bố tôi lôi ra đánh một roi thật mạnh để anh tôi nhớ đời. Chỉ có vậy mà ngày hôm sau bố tôi vào sở khóc cả buổi, vì thương con và hối hận. Nhờ vậy chúng tôi không bị cái roi nào từ bố. Roi của mẹ tôi thì ai cũng nếm. Tôi là người nhận lấy những cái roi đó hàng bữa, khi nhẹ, khi nặng. Tôi là đứa con cứng đầu nhất trong nhà và phá phách nhất trong xóm. Tôi thường bầy têu cho 30-40 đứa lớn nhỏ cỡ tuổi tôi làm náo loạn cái hẽm nhỏ độ hơn chục nhà. Ôi thôi đủ cả, đá banh, tạt lon, u mọi, tập trận đánh nhau… Hàng xóm cứ đến mách với mẹ tôi vì cái bình bông trên bàn thờ bị tôi đá banh rơi xuống vỡ, cái cửa bị sút bản lề vì tôi đu … tôi đủ tội cả. Một hôm có mấy đưá từ xóm chợ lôi đến để đánh đứa nào trong xóm. Tôi đứng ra giữa ngõ, với một đám con nít đủ cỡ đàng sau. Bọn kia thấy đông chúng không dám xông vào, chỉ đứng văng tục. Tụi chúng nói gì, tôi lập lại. Thế là bao nhiêu chữ không có trong tự điển văng ra, đá lại. Cả xóm ồn như ong vỡ tổ. Có mấy người lớn ra xua. Tôi không vào nên cả bọn cứ đứng đó, tiếp tục văng tục. Mẹ tôi từ đâu chạy hồng hộc về. Bà trút những ngọn roi tới tấp vào tôi. Hai cái chổi lông gà bị gẫy cán. Tôi vẫn cắn răng không hé một tiếng, phổng ra như đá. Mẹ tôi vẫn đánh. Cánh tay bà chậm dần, vì mỏi. Đến khi chị tôi mở cái cửa sổ thông xuống bếp. Mấy đứa em tôi đứng bên cửa mặt tái xanh. Một luồng ánh sáng ào vào căn buồng lờ mờ. Mẹ tôi chợt nhìn thấy dòng máu hai bên đùi tôi chảy ra. Mẹ tôi rú lên, ôm mặt lăn lộn xuống đất gào thét, như chính bà là người nhận những đòn roi oan nghiệt đó, không phải tôi! Tôi chẳng nói một câu, đúng dậy ra ngoài, trong lòng nhén lên niềm uất hận. Tôi đâu có làm điều gì sai. Tôi chỉ bảo vệ bạn tôi thôi. Không bao lâu bố tôi đi làm về. Trong bụng tôi hơi lo. Thà bố tôi đánh, tôi sẽ quen. Ánh mắt nghiêm nghị của ông, tôi sợ. Mấy đứa em nhảy phóc lên đùi bố xì xầm kể lại chuyện vừa xảy ra, đủ to để lấn tiếng khóc nẹn của mẹ tôi trong buồng, đủ nhỏ để cho tôi đứng xớ rớ góc tường xa nghe chữ đực chữ cái. Bố tôi chẳng nói một câu. Cái im lặng ấy kéo dài đến cuối bửa ăn. Khi mẹ tôi xuống bếp rửa chén, bố tôi ra đường đi bách bộ như mọi khi, tôi chạy vội vào buồng lấy vội vài thứ. Anh em tôi đang chơi đùa trong xóm. Chẳng ai để ý đến tôi cả. Tôi lẳng lặng ngó lại cái căn phòng nhỏ. Tấm hình gia đình hơi xiêu vẹo dưới cái đèn nê-ông đầy thạch sùng. Chúng tách lưỡi nghe chanh chách. Tôi chạy thật nhanh. Tôi chạy xa lắm. Tôi chạy cho đến khi chân tôi run đi không nỗi. Đàng xa một đống đen lù lù đi ngược lại. Bị đèn đường chiếu loá mắt nên tôi không rõ người đó là ai. Tôi nép vào tường tiếp tục bước. Bàn tay đưa ra và giọng nói ôn tồn “Đưa cho ba”. Tôi oà bật khóc. Bao nhiêu cái ấm ức trong nguời được trút ra. Lòng tôi nhẹ dần. Tôi đưa bố cái bọc nhỏ, gói ghém bộ quần áo và quyển sách “Tâm Hồn Cao Thượng” mà tôi chưa đọc xong. Hai bố con rảo bước về nhà, tay trong tay. Qua một đống rác lớn ở góc chợ, bố tôi rút quyển sách ra, rồi vất gói quần áo. Mọi chuyện như chưa có gì xảy ra. Từ đó, mẹ tôi không đánh tôi nữa. Mấy đứa em cũng được hưởng nhờ. Tôi cũng thay đổi, từ cái nắm tay của bố, đêm hôm ấy. Tôi đã lớn.
Trên bãi cát rộng thênh thang, có nhiều vết chân, nằm chồng lên nhau, đi về mọi hướng. Nếu để ý người ta thấy dấu chân thật nhỏ lửng thửng tìm hướng đi. Rồi nó bắt đầu hoà nhập vào dấu chân thật lớn, hằn sâu trên cát. Có đoạn, dấu chân nhỏ dừng lại, rồi nhảy vượt những bước sai lầm. Từng bước, từng bước đến đường đời mở rộng. Ở đó chỉ còn một dấu chân.
Khù Khờ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...