Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Con hổ, có hai con hổ

Con hổ, có hai con hổ

Đó là lời diễu của Nguyễn Nhược Pháp khi chê bài thơ Nhớ rừng in ngay trang đầu tập thơ đầu tay của Thế Lữ “Mấy vần thơ” (1935). Tập thơ ra đời khi Thế Lữ 28 tuổi gồm những bài trước đó đã in trên báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và được coi là tập thơ đầu tiên của phong trào Thơ Mới. Còn bài thơ Nhớ rừng đã nổi tiếng khi mới xuất hiện.
Nhà văn Thạch Lam coi đó là một kiệt tác. Nhưng Nguyễn Nhược Pháp kém Thế Lữ 7 tuổi thì rất chê. Ông viết: “Trong bài Nhớ rừng, Thế Lữ đã làm cho con hổ của vườn bách thú biết nói. Tôi đã muốn gợi ý một cách tế nhị cho tác giả rằng, trong vườn bách thú có hai con hổ; tác giả quên không cho người đọc biết, trong hai con hổ đó, thì con nào là con biết nói bằng Thơ Mới?”. Nguyễn Nhược Pháp diễu vậy vì ông cho rằng nhà thơ dùng con hổ làm biểu tượng mà bên trong chính là người thi sĩ thì cái biểu tượng đó là thứ “vớ vẩn đáng thương”. Và sau khi phân tích bài thơ, ông khẳng quyết: “Dù gì, với tôi, cũng phải nói thật rằng, trong bài thơ Nhớ rừng, thật sự có những câu thơ tuyệt đẹp, nhưng ý và tứ thì rỗng và thật sự buồn tẻ, chẳng toát ra được điều gì mới lạ. Đây rõ ràng là khiếm khuyết của tác giả, nhất là khi ông lại muốn giảng giải theo kiểu triết học”.
Tập thơ “Mấy vần thơ” của Thế Lữ.
Tuy chê mạnh bài thơ được coi là hay nhất tập “Mấy vần thơ”, nhưng Nguyễn Nhược Pháp vẫn khen tập thơ hình thức “đẹp nhất đã được xuất bản cho tới hôm nay”. Ông nêu nhận xét chung là “thơ và văn của Thế Lữ thể hiện trong tập thơ xứng đáng được quần chúng chung quanh ông hâm mộ” vì sự tự nhiên, thoải mái, tuy thiếu sự đắm đuối, và “phải công bằng mà nói, thơ của thi sĩ Thế Lữ thông qua báo Phong Hóa đã làm cho nhiều người mến mộ và cảm phục cái tài thi ca của ông”.
Bài viết này của Nguyễn Nhược Pháp viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Annam Nouveau (tờ tuần báo do bố ông, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, lập ra năm 1931) số 428 năm 1935 đã khiến Thế Lữ và Thạch Lam phản ứng mạnh. Thế Lữ cho là Nguyễn Nhược Pháp đã hiểu nhầm mình, ông không phải là một con hổ trong vườn thú. Thạch Lam thì vẫn khẳng định Nhớ rừng là một kiệt tác. Ông Pháp đã có bài đáp lại hai người vẫn trên tờ báo tiếng Pháp đó, số 436, với nhan đề “Ông Thế Lữ và con hổ trong vườn bách thú”.
Đáp lại Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp châm chọc: “Tôi thiết tưởng phải treo trước cái chuồng của con hổ đó một cái biển đề rõ: Con hổ trong chuồng này không phải là ông Thế Lữ! Điều này, sẽ bớt đi sự dễ nhầm lẫn của các độc giả đối với Nhớ rừng”.
Đáp lại Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp cho rằng cái người với bút danh Thạch Lam chắc đã phật lòng vì đọc thấy ông coi các ý tứ trong thơ Thế Lữ là rỗng tuếch, vô vị, không có gì đặc biệt. Ông phân tích tại sao mình nói vậy. Đấy là vì ông vẫn cho cách làm thơ để con vật nói thay mình là không ổn: “Nếu Nhớ rừng không có biểu tượng, nó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Cho dù đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, chúng ta còn chưa biết, các con vật có linh hồn, hay khả năng tư duy hay không. Vậy tại sao bắt một con hổ phải nói? Phải chăng chỉ để nó thay mình nói những lời đao to búa lớn và chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh?”. Theo ông, có thể ông Thế Lữ đã suy nghĩ kỹ càng trước khi viết, nhưng kết quả công việc không may lại là trái núi đẻ ra con chuột “và con chuột của Thế Lữ chính là bài Nhớ rừng nổi tiếng, dù ai muốn nói gì đi nữa”.
Cuối cùng Nguyễn Nhược Pháp khẳng định lại ý kiến của mình ở bài trước: “Nhớ rừng không thể xứng danh để gọi là một kiệt tác. Tác phẩm đó có những giá trị nhất định, nhưng nó chỉ mang tính ước lệ mà thôi. Trong bài thơ có những câu thơ thật đẹp, vậy thôi!”. Ông cho rằng trong tập “Mấy vần thơ” còn có những bài hay hơn Nhớ rừng.
Cuối bài viết thứ hai này Nguyễn Nhược Pháp có một ghi chú nói về bài báo đáp trả mình của Thạch Lam. Ông cho biết Thạch Lam coi ông là loại người yếu đuối khi đứng trước chuồng hổ và thách ông chui vào cái chuồng hổ đó. “Có phải vì ông ta có mong muốn mãnh liệt muốn xé xác tôi để ăn tươi nuốt sống? Nhưng hỡi ôi, quỷ tha ma bắt! Giá như con hổ đó là chính ông Thế Lữ, tôi sẽ sẵn lòng chui vào. Ông sẽ chẳng ăn thịt tôi đâu, và lúc đó, tôi sẽ trở thành một người dạy thú!”. Giọng điệu vẫn rất khôi hài, giễu cợt.
Giọng điệu đó là để bày tỏ một thái độ phê bình thẳng thắn, dứt khoát và như ông nói là “không nịnh bợ” nhà thơ. Cái cách ông nói về tác giả “Gió đầu mùa” hai lần bằng kiểu nói “người viết với bút danh Thạch Lam” chứ không phải kiểu xưng hô “ông Thạch Lam” cũng là diễu. Nguyễn Nhược Pháp cũng vẫn giữ giọng điệu đó ở các bài phê bình khác. Ví như vẫn trên L’Annam Nouveau, số 435, ông phê một nhà thơ như thế này: “Để kết thúc, chúng tôi xin thưa rằng, dưới gầm trời này, không thể kiếm đâu ra một người kỳ quặc đến mức sẽ cho rằng thơ của ông Hồng Quang là hay, dĩ nhiên ngoại trừ tác giả”.
Trang báo L’Annam Nouveau có bút tích chữ ký cụ Nguyễn Văn Vĩnh (bố Nguyễn Nhược Pháp), người lập ra tờ báo.
Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Con hổ, có hai con hổ. Con hổ “nhớ rừng” của Thế Lữ trong một bài thơ thuộc loại hay nhất của Thơ Mới từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Duy có lẽ chỉ Nguyễn Nhược Pháp là phủ nhận nó một cách gay gắt ngay từ đầu. Ông đã chê bai thẳng thừng bài thơ Nhớ rừng trong hai bài viết như tôi đã dẫn. Lý do trước hết có thể đó là một cách đọc phê bình đi cùng với một thái độ phê bình của riêng ông trong không khí văn chương một thời. Một thời phê bình, tranh luận văn chương có hồn nhiên, có gay gắt, có châm chọc, tôn trọng nhau nhưng không phải sợ sệt kiêng nể ai, cứ nói thẳng ý mình. Dám nói thật cảm nhận của mình ngược với số đông, đó là một thái độ “thẳng thắn và cứng cỏi” của Nguyễn Nhược Pháp như nhà thơ Bàng Bá Lân sau này đã nói đến. Điều này càng thấy rõ khi ông đọc tập truyện “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan. “Ai cũng nhất trí phong cho tập truyện này là tập truyện ngắn hay nhất. Giờ thì xin đến lượt chúng tôi nêu quan điểm của mình.” Nguyễn Nhược Pháp đã phân tích cách viết để khen nhà văn biết viết truyện, và cũng thống nhất ý kiến chung coi Nguyễn Công Hoan là “người viết truyện ngắn An Nam hay nhất đương thời.” Nhưng ông chê truyện Kép Tư Bền không phải là truyện hay nhất của tập sách vì nó dùng một đề tài đã được sử dụng quá nhiều lần thành ra không còn gì độc đáo.
Nhưng có thể còn một lý do khác trong việc Nguyễn Nhược Pháp chê bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Đó là ông muốn đánh đổ vị thế oai quyền của tác giả “Mấy vần thơ” lúc đương thời. Hãy nghe nhà thơ Bàng Bá Lân cho biết: “Hồi ấy Thơ Mới đang được đất nẩy nở. Ngôi sao Thế Lữ đang sáng chói. Trên thi đàn, nhà thơ này mặc sức giương đông kích tây. Dưới bút hiệu Lê Ta, ông phê bình thơ người này người khác. Phần nhiều bị ông giễu cợt chê bai. Thảng hoặc có tập thơ được ông khen, nhưng lại khen bằng một giọng trịch thượng. Được vậy là nhờ nhóm Tự Lực Văn Đoàn đang có ưu thế và báo Phong Hóa đang được nhiều người ủng hộ. Nguyễn Nhược Pháp đứng ra chống với Thế Lữ. Luôn mấy kỳ trên báo L’Annam Nouveau anh phân tích và vạch rõ những cái dở, cái sai lầm trong thơ Thế Lữ. Thế Lữ hung hăng đả kích lại trên báo Phong Hóa. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn vững vàng trình bày bằng một giọng điềm đạm của Nhược Pháp, Thế Lữ nhụt dần…”.
Chuyện quanh con hổ trong thơ này diễn ra năm 1935 khi Nguyễn Nhược Pháp 21 tuổi và ba năm sau thì ông mất. Tuy sống cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông vẫn kịp ghi dấu mình vào văn chương nước nhà bằng thơ, kịch, truyện ngắn và phê bình. Tập thơ “Ngày xưa” của ông cũng ra năm 1935 đọc ý vị, trong có bài Chùa Hương (Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa) đã trở nên nổi tiếng. Nguyễn Nhược Pháp sáng tác bằng tiếng Việt nhưng viết phê bình bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Annam Nouveau. Các bài phê bình của Nguyễn Nhược Pháp đã được dịch ra tiếng Việt và in trong sách “Hoa một mùa” (Nxb Phụ Nữ, 2018) tập hợp toàn bộ các bài viết của ông. Tài liệu tôi dẫn là lấy từ sách này.
Con hổ, có hai con hổ. Cuộc phê bình văn chương rút cuộc đã kết lại đúng chất văn chương. Vẫn nhà thơ Bàng Bá Lân cho biết: “Ít lâu sau, trên báo Phong Hóa, bỗng có một bài phê bình tập thơ “Ngày xưa” với những lời khen ngợi nồng nàn ít có, dưới ký tên Lê Ta. Thái độ của Thế Lữ thật đáng khen và càng chứng tỏ cái chân tài của Nhược Pháp vậy”.
17/2/2022
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...