Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Linh Sơn luân hồi trong Một ví dụ xoàng

Linh Sơn luân hồi
trong Một ví dụ xoàng

Bối cảnh của tiểu thuyết là trong và ngoài thành phố Thái Nguyên. Biểu đồ thời gian diễn ra ở giai đoạn Hai của chiến tranh biên giới Tây Nam, tức khoảng năm 1978-79, và lùi lại một đoạn ngắn. Có vẻ như vừa đủ cho cái hậu, ngấm đắng cay của một chén rượu mạnh, thậm chí là hơi sốc. Còn đây là hậu chiến tranh, hậu bãi vàng, cái thời của “vàng và máu” thấm đẫm trên nhiều phận người.
Nhưng Nguyễn Bình Phương không thiết kế tiểu thuyết Một ví dụ xoàng như một đại bi kịch với những “tấn trò đời” tầng tầng lớp lớp. Ở đây, Nguyễn Bình Phương chỉ rút ra một nhân vật, như ngẫu nhiên rút một cây xăm trong cái hộp quẻ chen chúc lô nhô, mà chạm vào quẻ nào cũng miên man nghĩa. Mà cũng lắm khi là vô nghĩa.
Một nhân vật nhỏ. Một ví dụ xoàng. Một anh giáo, vốn bị vợ bỏ, vốn là tiến sĩ học bên Liên Xô, nhưng nghèo, phải liều đi buôn chè từ Đại Từ về Thái Nguyên để kiếm chút tiền cho con có cái Tết ấm. Một chuyến đi buôn với bốn cân chè vặt vãnh thế mà thành to chuyện, thành bi kịch, bởi tiến sĩ Sang đã vẩy súng bắn chết một quân nhân, một thành viên trong tổ công tác lưu động liên ngành.
Họ có cả thảy bốn người. Một công an, một bộ đội và hai thuế vụ. Cú vẩy súng hú họa, viên đạn lạc không trúng ai mà trúng ngay thùy trán anh lính trẻ măng. Tội ác và trừng phạt. Tiến sĩ Sang sau đó bị trói cột tử hình. Chuyện chỉ có thế. Nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Bình Phương thì thành một thiên tiểu thuyết, cuốn người đọc theo những ngoắt ngoéo, chao đảo, thậm chí có đôi lúc nhấc bổng ta lên rồi ném vào một vìa vực mịt mù.
Một ví dụ xoàng, ở một khía cạnh nào đó là một ví dụ về nghệ thuật tiểu thuyết. Ở đây, không tân kỳ hay hậu hiện đại, tính giễu nhại cũng ở hàm lượng vừa phải, thậm chí đôi khi thấy tác giả còn “thừa nghiêm túc” và “can thiệp giọng” trong nhiều nhân vật. Nhưng rốt lại, chất bi hài, cái giọng vừa thảng thốt, vừa lạnh băng của tác giả vẫn là chủ đạo và tạo nên sự ám ảnh.
Một ví dụ xoàng – tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được trao Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2021
Thành công của Một ví dụ xoàng, trước hết là thành công của một “công thức tiểu thuyết”. Một cái chết. Một vụ án. Tình dục. Sự quái đản. Thối tha. Cái đẹp. Sự chới với. Tiếng hét. Thời tiết thất thường… Nguyễn Bình Phương không phớt lờ một thành phần hóa học nào trong phản ứng tiểu thuyết của mình. Nhưng dù giỏi vận dụng công thức thế nào thì Nguyễn Bình Phương vẫn thuyết phục người đọc ở mỹ cảm nội tâm của chính mình. Ở đây, nhà văn như một kẻ rành rẽ về công thức, nhưng không đúc khuôn mà thao tác như một nghệ nhân kim hoàn, một nhà tiểu họa.
Những đoạn tả cảnh của Nguyễn Bình Phương, trong tiểu thuyết này, dù ngắn nhưng vẫn chất, trụ hạng một đẳng cấp tài hoa. Không hiểu sao, tôi luôn cho rằng, những tiểu thuyết gia vĩ đại đều phải là những người tả cảnh siêu hạng. Tả cảnh không phải là uốn éo làm văn. Tả cảnh chính là một nghi lễ của nhà văn với thiên nhiên và vũ trụ. Tả cảnh cũng chính là làm thơ trong tiểu thuyết. Xin được chép trích ra đây một đoạn làm quà: “Bãi cỏ bên dưới thật bình yên. Nắng như dồn vào cả trong ấy, đọng lại, không chuyển động nữa. Một bát mật óng vàng ăm ắp đang tỏa ra mùi thơm nhẹ. Sang ngẩn ra, cả khóe miệng lẫn đuôi mắt đều giần giật. Chếch dưới anh ta một chút, ngay mép đường, những con bướm trắng cỡ lá sim rờn rợn lên xuống vờn đuổi nhau, lúc thăng vào khoảng không, khi lẫn giữa ngọn cỏ may tím thẫm. Con bìm bịp bay nhao ra từ bên kia khúc cua, tiếng đập cánh khần khật khiến Sang ngẩng lên. Con chim cắt chéo qua bát mật sang quả đồi kia với tốc độ vừa đúng như một hòn đá bị ném” (trang 52-53).
Nhiều người cho rằng trong tiểu thuyết mới nhất này, Nguyễn Bình Phương viết giản dị hơn, do vậy nó “nhẹ đô” hơn. Tôi vừa đồng ý vừa không. Đúng là ông viết giản dị hơn. Nhiều câu ngắn. Ngắt dòng liên tục. Hạn chế dùng các hình dung từ. Nhưng không vì thế mà “nhẹ đô”. Một ví dụ xoàng là lấy cái nhẹ cân với cái nặng. Bày ra “một ví dụ xoàng” mà thấy thăm thẳm cái bi kịch của thời đại. Thời bao cấp. Thời cả nước nghèo từ miếng ăn đến cả trí tuệ và ước mơ.
Đã có nhiều bài viết về Một ví dụ xoàng, những điều mà các nhà phê bình minh định và ngợi khen, tôi cố gắng không lặp lại nữa. Ở đây, tôi chỉ trình bày những gì ở dạng mức của một độc giả bình thường. Đó là sự đổ nát của cái đẹp thuần nguyên. Linh Sơn là núi thiêng, là chốn cũ, một nơi vừa xác thực vừa mơ hồ nào đó, là nơi mà tên “buôn lậu chè” Nguyễn Văn Sang thường nhắc đến. Dường như những cái gì đẹp nhất đều ở chốn Linh Sơn. Từng mảnh hồi ức cứ dội về, từ lúc Sang còn là “anh cu vẩy”, đến ông tiến sĩ Liên Xô, rồi là một tử tù. Linh Sơn, nơi chứng kiến và nuôi nấng tình yêu của họ: Sang và Uyên. Linh Sơn, nơi những khoảnh khắc có thể thành vĩnh cửu. Rời đi, tất cả tan rã dần như tro bụi hắt lên trời.
Ở đây, những đổ nát của luân hồi, theo một cách nào đó, không phải vận hành theo thuyết của tôn giáo nào, mà đó chính là cách của tiểu thuyết. Dù nhân vật cựu chánh án tòa án tối cao cũng nói theo lá số tử vi rằng: “Là dứt khoát phải chết, vì ở sai vị trí. Anh là lính thì anh phải ở chiến trường, chứ anh đi bắt buôn lậu là sai. Anh là tiến sĩ thì anh phải giảng dạy, nghiên cứu, anh đi buôn lậu là sai. Hai cái sai ấy gặp nhau thì gây ra thảm họa. Ngai vàng đặt trong cung dột nát đến mấy vẫn là ngai vàng. Ngai vàng đặt trong phòng bọc kính thì chỉ là cái ghế sơn mài lòe loẹt, bói cũng không ra tí quyền uy nào”.
Cho dù tác giả chọn nhân vật ông cựu chánh án tòa án tối cao như để giải quyết câu chuyện “một ví dụ xoàng”. Nhưng người đọc không vì thế mà thỏa mãn như được trao một thẻ bùa. Trái lại, người đọc có ham muốn đồng thời quay trở lại những câu chuyện kể của “Ông bán chè”, “Con gái người dẫn tù” “Phu đào huyệt”, “Một người xem vô danh”…; những người ít quan trọng hơn. Những chuyện vặt vãnh bên lề, rời rạc, hắt lên một chút ánh sáng xa xăm, không giải quyết được gì cho tính đúng sai của vụ án. Nhưng nó lại chan cảm xúc vào tim người đọc. Ở đây, Nguyễn Bình Phương không chỉ thao tác như một nhà nhiếp ảnh truyền thống, với những góc chụp rộng hẹp, gần xa, trước sau… khác nhau. Mà Nguyễn Bình Phương còn thao tác như những cú chụp bằng flycam rất điêu luyện, trưng bày những bức ảnh với những lát cắt mới lạ. Lạ nhưng không giả.
Nhà văn Trần Nhã Thụy – Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn VN
Trong nhiều tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương vẫn cho thấy mình là ngòi bút của những cuộc vi phẫu tinh tế. Tiểu thuyết của ông vừa ngồn ngộn các sự kiện đời sống, ngờm ngợp các nhân vật lớn nhỏ, nhưng rốt lại Nguyễn Bình Phương không phải là “người kể chuyện đời”. Nguyễn Bình Phương là nhà văn của những cảm xúc xáo trộn, thậm chí là cực kỳ khó hiểu khó chịu khó chấp nhận, nhưng vẫn là của con người. Những người phàm theo cách nói của Philip Roth.
Gấp sách lại, tôi thấy tim mình như hẫng đi. Cái chết của tiến sĩ Sang, có lẽ cũng chỉ là “một ví dụ xoàng” giữa muôn vàn “ví dụ kinh điển” khác. Nhưng thay vào đó là hình ảnh những bóng người đang ngược về Linh Sơn. Mỗi người một nẻo luân hồi. Linh Sơn hay chính Thái Nguyên xưa, nơi có bông hoa chè cánh tòe trên bình gốm, nơi mông muội, loạn lạc cùng những huyễn mộng dại khờ.
Nếu như thi sĩ Mallarmé từng nói “Thế giới này tồn tại để đi tới một cuốn sách” thì Linh Sơn hay Thái Nguyên cũng luân hồi để thành Một ví dụ xoàng. Nhưng thực tế lại không xoàng một chút nào.
Sài Gòn, 19/2/2021
Trần Nhã Thụy
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...