Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Người đàn bà nói thơ Lục Vân Tiên trên sông nước Vàm Kỳ Hôn

Người đàn bà nói thơ Lục Vân Tiên
trên sông nước Vàm Kỳ Hôn

Nắng nhấp nhô cỡi lưng sóng Vàm Kỳ Hôn… Hai Khánh thốt lên: “Chiều đẹp lạ lùng”! Anh thầm nghĩ: “Có lẽ, miền châu thổ Cửu Long Giang không vàm sông nơi nào thụ đắc vẻ đẹp lạ lùng như vàm sông nơi này vào lúc chiều buông”. Lóng ngóng, anh đứng trên boong tàu khách hướng mắt nhìn về phía phải từ Mỹ Tho tới Vàm Kỳ Hôn, khói sóng mù sương cù lao Rồng và cù lao Phụng với ngã rẽ lối về Bến Tre, lối ra cửa biển. Chợt dưng, anh nghe loáng thoáng trên mặt nước có tiếng nói thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga…
1. Cứ vậy, năm này tháng nọ, nơi bến Vàm Kỳ Hôn – thủy trình huyết mạch – tấp nập ghe thuyền miệt Hậu Giang lên, và Sài Gòn xuống, chẳng lúc nào ngớt vắng tiếng nói thơ Lục Vân Tiên giữa những người đàn bà, con gái bán vàm với khách thương hồ, hay hành khách của những chuyến tàu đò. Họ dù thuộc tầng lớp nào trong xã hội cũng đều nằm lòng và thấm ngấm: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” (Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu).
Hồi ấy, khúc miệng Vàm Kỳ Hôn hệt như cái chợ nổi trên sông và mỗi khi chiều tắt nắng, hằng hà sa số ánh sáng từ những cây đèn dầu Hoa Kỳ đan xen ánh đèn măng xông thắp trên xuồng ghe buôn bán hắt xuống nước loang loáng khắp mặt sông. Ở đây, món ăn thức uống gần như chẳng thiếu thứ gì: nào là chè thưng, chè bưởi; nước ngọt, dừa tươi, cà phê; bánh tằm bì, hủ tíu Mỹ Tho; cam, quít, xoài, ổi, mận… tới ốc, sò, tôm cá sông nước Tiền Giang và cả những chiếc ghe có mui bán đầy đủ các loại thực phẩm không khác chi tiệm tạp hóa trên bờ.
Hai Khánh thận trọng bước qua ghe hủ tíu của dì Sáu giữa tiếng rao hàng, nói thơ, kể chuyện… lẫn tiếng sóng lăn tăn dập dềnh con nước liếm mạn xuồng… tạo thành âm thanh hỗn loạn vừa lạ vừa quen, hấp dẫn và khoái cảm của miền quê Nam bộ kỳ thú…
– Dì cho cháu tô hủ tíu Mỹ Tho!
Ngại trễ tàu, Hai Khánh hối thúc. Dì Sáu cười ngất:
– Thong thả, thầy Hai lo gì! Chừng canh giờ nữa, nước mới đủ sức lớn tràn sông và tàu thuyền khi đó, sẽ di chuyển vô kinh Chợ Gạo.
Trong lúc chờ đợi được ăn tô hủ tíu Mỹ Tho, Hai Khánh cắc cớ hỏi dì Sáu:
– Điều gì làm dì thích truyện thơ Lục Vân Tiên, dì Sáu?
Đang lui cui pha chút giấm, thêm ít đường, rắc hành phi và thêm vài tép mỡ vô chén nước tương làm nước chấm ăn hủ tíu… nghe
Hai Khánh hỏi, dì Sáu dừng tay, miệng tủm tỉm cười:
– Phải nói rằng dì mê chớ không chỉ là thích!
Chậm rãi, dì phân bua:
– Dì mê truyện thơ Lục Vân Tiên, bởi lẽ truyện thơ ấy hướng đến cái thiện; vạch mặt bọn bất nhân bất nghĩa, lừa thầy phản bạn và nâng cao giá trị nhân đạo, ngợi ca những phẩm chất đẹp đẽ cao quý của con người. Ở đó, dì thấy rõ tinh thần trượng nghĩa, lòng thủy chung, sự hiếu thảo cũng như tình mẫu tử, tình bằng hữu. Hơn nữa, truyện thơ đã nói thay người yếu thế nỗi khát vọng công bằng trong một xã hội chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác.
Có lẽ, nghe dì Sáu nói vậy nên người đàn bà sồn sồn, tuổi độ bốn mươi – thực khách ghe hủ tíu của dì Sáu – kéo tay bé gái áng chừng mười tuổi, nhích ghế ngồi xích lại gần Hai Khánh, bắt chuyện:
– Mê nhưng không muội, nha!
Rồi, người đàn bà sồn sồn nói tiếp:
– Đâu hẳn mình ên dì Sáu mê, tui cũng mê, con nít người lớn đều mê, kẻ có chữ hay người mù chữ cùng chung  mê… Và, nói chẳng ngoa thì cả Nam bộ này mấy ai chẳng mê?
Hai Khánh nhận tô hủ tíu Mỹ Tho còn nóng hổi từ tay dì Sáu, anh vừa thổi vừa ăn và vừa chuyện vãn.
– Giới thiệu với thầy Hai, đây là má con cô Năm!… Cô Năm theo cậu ruột bán vải ở chợ Thiếc.
Cô Năm tiếp lời dì Sáu:
– Lúc nhỏ, má tui thường nói: “Mắt ngó chữ, thấy mặt chữ không biết chữ thì dùng tai nghe lời”. Thắc mắc, dì hỏi: “Là sao, má?”.
Má trả lời: “Sáng chữ thì miệng đọc, tối chữ thì miệng nói”.
Hai Khánh ngẫm nghĩ:
– Người bình dân Nam kỳ – tức Nam bộ về sau này – đã dùng truyền khẩu để truyền tâm truyện thơ Lục Vân Tiên!
Búi lại tóc, cô Năm thố lộ:
– Quê tui miền đất nổi tiếng lụa Tân Châu và nơi đây, bà con Việt, Khmer, Chăm, Minh hương ít nhiều ai cũng thuộc truyện thơ Lục Vân Tiên để răn dạy con cái, nhắc nhở người thân hoặc khuyên nhủ bạn bè về hình tượng Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực… để sống sao cho đáng sống.
Nghe dì Sáu trao qua đổi lại với cô Năm về truyện thơ Lục Vân Tiên, Hai Khánh mắc cỡ và thẹn lòng: “Mình là thầy giáo dạy Việt văn. Vậy mà, mỗi lần tới giờ dạy truyện thơ Lục Vân Tiên thì lúi húi cầm sách đọc; còn những người lao động nghèo khó và mù chữ này, lại có thể nói thơ vanh vách 2.082 câu thơ toàn truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu!”.
Cô Năm kể tiếp:
– Mỗi lần có gánh hát “Sơn đông mãi võ” về chợ Tân Châu là mỗi người được nghe lời giáo đầu bài hát Lục Vân Tiên bằng câu ca: “Vân Tiên, Vân Tiên, Vân Tiên/Cho tôi một tiền, tôi kể chuyện thơ…”. Gánh hát “Sơn đông mãi võ” không diễn trong nhà lồng chợ, không sân khấu mà diễn nơi bãi đất trống trước hoặc sau chợ với vài ba nhân viên cùng các dụng cụ cần thiết. Họ vừa nói truyện thơ Lục Vân Tiên, vừa bán thuốc cao đơn huờn tán. Cũng có khi, họ thay đổi không khí nói thơ bằng giới thiệu một loại thuốc và liền khi đó, là màn biểu diễn võ thuật rất hấp dẫn.
Hai Khánh nhận ra những buổi diễn xướng dân gian ấy, là dịp giữa người diễn và người nghe chan hòa, nuôi dưỡng nhân cách cũng như triết lý sống của người phương Nam từ thời lưu dân khẩn hoang lập điền…
2. Thời gian phiêu hốt bóng.
Cũng đã hơn mười năm, Hai Khánh không có dịp trở lại chốn xưa – Vàm Kỳ Hôn – vừa nghe nói truyện thơ Lục Vân Tiên, vừa ăn hủ tíu Mỹ Tho, ngồi chờ con nước. Bởi, xe khách dần dà lấn áp thay thế tàu khách từ miền Tây lên Sài Gòn hoặc ngược lại. Song, tận đáy lòng anh, không thể không nhớ đến sông nước Vàm Kỳ Hôn, với những lời nói thơ Lục Vân Tiên phát ra từ tấm chơn tình của những người đàn bà hồn hậu, chất phác cả đời chỉ biết nghĩa và hoàn toàn, không biết chữ.
Và, cũng chính lời nói thơ Lục Vân Tiên của những người đàn bà ở Vàm Kỳ Hôn đã cảm hóa một người có chữ như anh trở về cội nguồn xứ sở mà trước nay, anh mải mê Đường thi với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột… hay những nhà thơ Pháp: Joachim du Bellay, Jacques Romain Georges Brel, Jean Nicolas Arthur Rimbaud… hoặc những nhà thơ Nga: Aleksandr Sergeyevich Pushkin, Nestor Vasilivich Kukolnik, Nikolay Semenovich Leskov…
Rõ là, những bài thơ, câu thơ bất hủ trên thế giới không thể xâm nhập hòa cùng đời sống dân gian như truyện thơ Lục Vân Tiên mà người sáng tác ra chuyện thơ ấy, lại là một cụ đồ mù đôi mắt. Nếu, thời gian là đối thủ khắc nghiệt nhất đối với tồn tại, thì tồn tại của truyện thơ Lục Vân Tiên đã chiến thắng sự khắc nghiệt của thời gian. Từng chữ, từng câu truyện thơ Lục Vân Tiên sống trong lòng người Nam bộ trên một trăm bảy mươi năm rồi, chớ có ít ỏi gì đâu! Từ đó, ra đời làn điệu dân ca Nam bộ, đờn ca tài tử, ca ra bộ… khơi nguồn cảm hứng xuất hiện nhiều câu đố, ca dao, tục ngữ, dân ca, đồng dao… ra đời và được lưu truyền đời này sang đời khác khắp dân gian.
Tuyến bắc Chợ Gạo trước 1975 trên kinh Chợ Gạo – nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn với sông Vàm Cỏ tại rạch Lá.Ảnh: Lance & Cromwell
Hai Khánh nhớ ra rằng anh đã từng đọc Le Lục Vân Tiên, poème écrit en nôm par Nguyễn Đình Chiểu do Grabriel Aubaret dịch (1864) và ở lời giới thiệu, ông ta viết: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam kỳ không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền”.
Hai Khánh nghĩ: “Truyện thơ Lục Vân Tiên dạy con người biết sống làm người và truyện thơ được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ bình dân, giản dị, rất gần gũi lời ăn tiếng nói của người Nam bộ nên có sức sống lâu bền”. Một hôm, Hai Khánh tình cờ đọc Hồi ức Nguyễn Hoàn Kiếm và anh giật mình khi đọc tới đoạn Tết Mậu Thân, 1968:
“… Tôi, Nhỏ và Lình (quê Bình Chánh, chiến sĩ Tiểu đoàn 6) lần vào khu chợ Thiếc, lúc đó chỉ còn một ánh đèn dầu leo lét phía trước. Lình và Nhỏ cầm súng AK ở lại cảnh giới, tôi mang theo một khẩu súng ngắn, lưng mang xanh tuy đạn, hai quả lựu đạn và một quả pháo dù, thận trọng tiến về phía có ánh đèn. Bên ngọn đèn dầu vừa đủ sáng, có bà má tuổi trạc năm mươi đang lui cui dọn dẹp sạp vải. Một chị phụ nữ và một cháu bé đang nằm ngủ trong mùng. Tôi chào bà nhưng bà má nín thinh không chào lại và cũng không buồn ngẩng lên nhìn xem tôi là ai. Tôi chào bà hai ba lần vẫn vậy. Trong mùng dường như chị phụ nữ đã thức nhưng vẫn nằm im, không dậy mà cũng không mở lời.
Ngơ ngác một lúc, tôi lờ mờ hiểu ra nguyên nhân của sự thờ ơ lạnh nhạt. Đó là, sự cảnh giác cao độ giữa lòng địch (…). Suy nghĩ chớp nhoáng, tôi vững tin và gọi hai đồng đội ở bên ngoài vào luôn gặp má. Tôi thưa chuyện với má: “Má ơi! Tụi con là bộ đội Quân giải phóng, bị lạc đơn vị. Xin nhờ má chỉ giúp một chỗ núp, tối mai tụi con mới có thể tìm về đơn vị được”. Má đảo mắt nhìn một lượt ba chú lính Giải phóng đang bị thương áo quần ám khói súng và rách te tua, như thể khẳng định chắc chắn một lần nữa họ không phải địch trá hình giả dạng đàng mình, má mới chỉ cho ba anh em ngồi tạm vào mép sạp. Chị phụ nữ trở dậy, má ra dấu cho chị bưng ra một tô cháo. Đang đói rã ruột, nhưng quá lo lắng nên ba anh em  chỉ húp vội chút ít. Má vẫn không nói câu nào, bà đem bông băng, thuốc đỏ, cùng chị phụ nữ tỉ mẩn lau rửa và băng bó vết thương cho chúng tôi.
Trời sắp sáng, có tiếng trực thăng quần đảo trên bầu trời. Bụng dạ tôi nóng như lửa đốt, thỉnh thoảng tôi nhắc đến chuyện tìm chỗ trốn. Má và chị vẫn im lặng! Sao mai đã mọc đàng đông, tôi gần như nghẹt thở. Có tiếng xe chạy ngoài đường, có tiếng người dân sống quanh chợ Thiếc lục tục thức dậy. Tôi dợm hỏi má chỗ trốn, nếu khó khăn cho má, tôi và hai đồng đội ra đi tìm phương kế khác. Lúc này, đầu óc tôi căng ra… Bất ngờ, má nói khẽ: “Tụi bây, theo má!” (…) Sau ngày hòa bình, nhiều lần nhiều lượt, tôi quay lại khu vực chợ Thiếc với mong muốn tìm gặp lại má Năm và chị Hai (…) nhưng má và chị Hai vẫn bóng chim tăm cá”.
Hai Khánh trăn trở: “Má Năm và chị Hai cứu người giữa lúc thập tử nhất sinh có phải là cô Năm và cháu bé gái của mười năm về trước trong buổi chiều muộn tại Vàm Kỳ Hôn mà anh, nghe dì Sáu và cô Năm nói thơ Lục Vân Tiên? Hay chỉ là sự trùng hợp thôi!”. Bởi, người Nam bộ từ bình dân đến thượng lưu đều lấy truyện thơ Lục Vân Tiên làm kim chỉ nam trong cuộc sống – một thứ triết lý giáo dục dân gian – mà ai cũng cố học tập noi theo. Má Năm đã hành động đúng tinh thần “Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” và khi “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, má Năm và chị Hai ra tay làm ơn cứu giúp dù có thể nhà tan cửa nát, mạng sống không còn nhưng xong việc rồi, thì: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.
Anh tin rằng, một dân tộc với tinh thần như vậy sẽ vượt qua đói nghèo và thực hiện được ước mơ dân giàu, nước mạnh!.
21/2/2022
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...