Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Tết này, cậu Tư dẫn mợ Tư dìa Cà Mau

Tết này, cậu Tư
dẫn mợ Tư dìa Cà Mau

Cậu Tư gọi điện về nhà báo tin cho ngoại, rằng 20 tháng Chạp cậu dìa. Cậu dẫn cổ dìa chung. Cổ, chỉ người phụ nữ cậu đưa dìa quê, thăm Ngoại, cho biết nhà cửa. 
Sau cuộc gọi của cậu, cả nhà Ngoại đứng ngồi không yên, nôn nao như lần đầu cưới vợ cho anh con trai mới lớn. Cả nhà gồm có bà Ngoại 82 tuổi, mẹ tôi, dì Út và tôi. Mọi người làm việc này nọ, một hồi cũng xoay ra nói chuyện: Tết cậu Tư dẫn ghệ về. Bà Ngoại hỏi Út, người ở đâu không biết. Út trả lời, nghe đâu người ngoài miền Trung, làm công trình chung rồi quen nhau. 50 tuổi, cũng lở dở một lần đò. Có hai đứa con, đều có chồng, vợ hết. Mới hôm rồi gả con gái út, chị nhờ anh Tư ngồi bàn giữa với chị, đại diện bên nhà gái.
Đi loanh quanh, lượm mấy chiếc lá bạch đàng theo cơn gió thổi rớt trên bộ ván kê bên hông nhà, Ngoại lại buông tiếng hỏi, “Hông lẽ dẫn dìa vậy thôi, hay mua đôi bông cho người ta, rồi làm mâm cơm cúng ông bà?”.
Mẹ và dì Út cười rộ. Cậu Tư chỉ thông báo dẫn bạn dìa chơi, dù bạn là một người phụ nữ. Cậu đâu có nói, dẫn về để ra mắt Má hay họ hàng chi đâu mà tính chuyện dạm ngõ, cưới xin. Mẹ cắc cớ, “Hay là Má cho con nhỏ đôi bông móc căn của Má đi”. Bà Ngoại đưa tai rờ đôi bông vàng nhận hột cẩm thạch, mắt nhìn xa xăm, chậc lưỡi: “Đâu có được. Có mấy phân vàng, nhưng là của thằng Năm Dũ sắm cho Má. Muốn thì sắm cái khác cho người ta”.
Cậu Năm đã mất vì bệnh, nhiều năm rồi. Cậu Sáu cũng mất. Trong đàn con 6 đứa, 3 trai 3 gái thì nay chỉ còn lại trên đời với Ngoại 3 người, với mình ên cậu Tư là con trai. Ở xứ này người ta hay nói câu, giàu Út ăn, nghèo Út chịu. Cậu Tư không phải con trai út, vốn đã có gia đình riêng, nhưng từ hồi mợ Tư dẫn bọn nhỏ đi xứ khác, cậu về sống chung với Ngoại. Ngày qua, tháng lại, thấy cậu cứ vùi mình vào men rượu, người thân khuyên lơn cậu tìm duyên mới, hơi đâu mà chờ. Trong men rượu lè nhè, cậu bảo, “Cha mẹ sắm cho cái gì, xài cái đó thôi”.
Chiều chạng vạng bữa 30 Tết năm ngoái, cậu Tư nằm trên võng lè nhè, “Chế Ba à, đợt này đi tui dắt em dâu về cho chế”. Mẹ phân vân trong bụng, không biết thằng quỷ nó có móc hầu móc họng mình. Mẹ với cậu Tư cự lộn hoài, nhất là chuyện rượu chè say xỉn. Mẹ khó tánh, dữ lắm, mấy ông nhậu, kể cả ông Ngoại hồi còn sống cũng ngán mẹ. Mấy bữa sau, trưa mùng 3, mùng 4 gì đó, trên bộ ván bên hông nhà, mẹ hỏi lại cậu Tư chuyện dắt díu ai về nhà, nói chơi hay nói thiệt? Nhà cửa này của mày. Chuyện vợ con mày mày tính, hai thứ tóc rồi, tao có quyền gì mà cấm cản. Lúc đó cậu Tư tỉnh táo, nghe bà chế hỏi thì cười cười, nói gì đó ấm ớ trong miệng mà không thành tiếng, kiểu bẽn lẽn, nhìn ra trước lộ xe dưới mé sông. Tôi với Út thấy vậy xấn vô hỏi, thiệt hả Tư, có em nào thiệt hả. Trong nhà chỉ có tôi với Út là bạo dạn lại hay cà rỡn chứ còn Ngoại, Mẹ với cậu Tư nói chuyện với nhau thì phải đàng hoàng, đâu ra đó.
Cậu Tư đang đi theo anh em bà con ra tận Nha Trang làm phụ hồ. Cậu kể, chỗ làm đó có mấy người phụ nữ sồn sồn, có người nhỏ tuổi hơn, có người lớn tuổi hơn cậu, ra chiều thương cậu, rủ đi uống cà phê hoài. Tôi với Út cứ xúm lại, mấy bà ngon lành hông, có nắm tay, ôm ấp gì chưa… Cậu cười hề hề với tụi quỷ. Mẹ khuyên lơn, “Chế nghe mày nói vậy, chế mừng. Giờ già hết rồi. Má cũng đã gần trăm tuổi già. Má nay có tụi mình và con cháu lo, dù nghèo cũng gáng. Nhưng tới chừng má trăm tuổi, rồi mày một mình ên, thì ai lo? Tao cũng lo cho mày nhưng biết giúp sao. Mày tìm bạn, đem về đây ở, hủ hỉ với nhau. Hợp thì ở, không thì thôi, có gì đâu quan trọng. Chứ mày cứ chờ hoài, còn gì đâu nữa mà chờ”.
Đúng là cậu Tư chờ, ngót nghét 10 năm rồi. Nhà Ngoại thường hay trách vợ của cậu này nọ, còn với tôi, không ai có lỗi, đều tội nghiệp như nhau. Trước khi cậu đi Nha Trang, mỗi lần dìa thăm Ngoại, tôi cứ phải chứng kiến cảnh cậu nằm trên võng đung đưa, hát nghêu ngao những bài bolero tình yêu buồn bằng cái giọng lè nhè xỉn rượu, cực kỳ khó chịu. Nhiều khi cậu còn nhiếc móc gì đó bà Ngoại. Ngoại bị tâm lý lo sợ, nhịn nhụt hết chồng tới con đã thành phản xạ có điều kiện nên cứ tránh mặt, đi lảng lảng ngoài hè canh coi cậu nghỉ hát chưa, ngủ mê chưa rồi rình rình vô đốt nhang ung muỗi cho thằng ôn binh – Ngoại hay chửi vậy.
Cậu Tư nhớ mợ Tư. Tôi có khái niệm về tình yêu đôi lứa và chuyện trầu cau khởi nguồn từ cậu. Cái hồi cậu còn trẻ lắm và tôi còn nhỏ xíu xiu. Mẹ đi làm công nhân đông lạnh ở Năm Căn, lâu lâu gởi về cho tôi cục xài bông thơm. Ngoại cất trong tủ để dịp Tết nhứt đem ra tắm gội thơm tho. Cậu bé mới lớn, tập tành đi kiếm ghệ, thường lén lấy cục xài bông ra tắm. Cậu theo ông Ngoại vô rừng đốn cây, đốn củi, rồi xuống vuông đào đất mướn. Lâu lâu dìa cậu cho con bé con là tôi ít tiền. Chỉ vài trăm đồng bạc để mua bánh cam, cà rem người ta đi bộ bán dạo trong xóm. Tôi thích nhất cảm giác được người thân cho tiền, đến giờ vẫn thích, là kỷ niệm từ cậu. Cậu thấy tóc bé gái dài lòa xòa là túm lại, lấy kéo hớt vòng quanh thành mái tóc quây tròn như úp lên cái muỗng dừa.
Nhà đông anh chị em lại sớm vào đời nên cậu Tư cũng sớm tập tành hút thuốc, uống rượu. Bẵng vài năm sau thì đến tuổi bị bắt lính. Giờ thì tôi biết là chính quyền địa phương gọi thanh niên sang giúp nước bạn Cam. Chứ hồi đó, cứ thấy ông bà Ngoại thì thầm, bàn tính một mặt đem giấu cậu trốn dưới rừng, dưới vuông Gành Hào, một mặt phải đi vay mượn để lo lót người này nọ để tránh bị truy tìm, đứa bé tôi cũng lo lắng, sớm biết buồn. Những đêm tối trời, ông bà Ngoại trải chiếu ra giữa sân, bày đầu heo với nhang đèn rồi khấn lạy, cầu ông bà phù hộ cho cậu Tư tai qua nạn khỏi. Ai cũng sợ, đi lính là chết.
Rồi đến tuổi cậu Tư lấy vợ. Cả hai bên dòng họ nội ngoại ráp mối đi tìm cô gái cho cậu. Không biết Ngoại đã mua bao nhiêu bộ chén dĩa với bao nhiêu cặp vịt đi coi mắt cô dâu. Mấy bà dì em ruột bà Ngoại có tiếng khó tánh nhứt xứ. Một tỷ lý do, nào là cái bếp dơ, con nhỏ vai ngang, đùi ếch, mặt chằm dằm, nhà đó có ông cậu bị cùi,… thành ra cậu đi coi vợ nhiều mối mà không thành nợ. Lần nọ, chắc mẩm cậu Tư có vợ. Tình cờ mấy bà dì thấy mặt cô dâu, coi cũng ngộ gái. Ông già của cô dâu thì không rượu chè, lo làm ăn; dòng họ bên đó có tiếng đàng hoàng. Họ biết gia đình bên ngoại hiền lành, cũng muốn gả con gái cho. Tới ngày hẹn người lớn giáp mặt làm quen, bà Ngoại mua bộ chén với đùm ruột heo cho ông Ngoại đi với ông bạn sang nhà ông sui tương lai. Bộ chén để tặng, ruột heo thì xào khóm nhậu lai rai nói chuyện cho suôn. Trên đường đi, trời nắng nóng, nước chảy liu riu chèo chậm rì, hai ông già tấp vô lùm dừa nghỉ mệt. Ông chủ nhà trên bờ bước xuống nói chuyện rồi rủ lên nhà uống trà. Chủ nhiệt tình, khách đem luôn chùm ruột đi coi mắt dâu lên góp mồi, nhậu xỉn quắc cần câu. Sáng dậy, hai ông già tìm mãi cả buổi chẳng thấy chiếc xuồng đâu.
Chuyện nợ duyên của cậu Tư gắn liền với mấy cuộc nhậu của ông Ngoại. Trong ánh đèn dầu của bữa rượu nọ, ông ní bạn nhậu của ông Ngoại nói, tui có đứa con gái nhỏ hơn thằng Ngọc Em, tụi mình làm sui đi. Thế là hứa kết thông gia. Hai nhà cùng một dòng sông, chỉ khác ấp trong ấp ngoài. Cậu Tư sắp lấy vợ. Tôi với tụi nhỏ chiều nào cũng đón mợ Tư đi học may ngoài đập về ngang bên sông. Tôi không nhớ rõ hình hài vóc dáng cô gái năm đó, chỉ nhớ là có sự hồ hởi, hí hửng lắm khi cậu Tư sắp lấy vợ. “Mợ Tư, mợ Tư!…”. Ở bên đây sông mấy đứa con nít thi nhau réo. Hình như mợ không trả lời, chắc là mắc cỡ quíu chân. Nhà ngoại nghèo, nhà mợ còn nghèo hơn. Cậu cưới vợ rồi, phải đi đào đất mướn, lâu lâu về thăm vợ. Cô dâu mới lớn, còn trẻ người, không tránh khỏi xích mích và nước mắt khi ở nhà chồng. Tôi chỉ cảm thấy thương chứ không giống mấy đứa nhỏ hay ghét lây theo phe người lớn. Mỗi bận cậu đi xa về, tôi còn vô duyên đến nỗi cứ vô ngủ chung với mợ y như lúc cậu vắng nhà. May nhờ con nít ngủ mau, ngủ say không biết trời trăng.
10 năm trước, mợ giận cậu bỏ vợ con mà lo cho em cậu, là cậu Năm bị bệnh, hôn mê, nằm một thời gian lâu trên Chợ Rẫy. Họ còn vướng víu cả chuyện tiền bạc, đất đai. Rồi mợ dẫn hai đứa nhỏ đi lên Gò Công, chỗ em gái mợ có chồng dìa đó. Mợ có kêu cậu theo, nhưng hết cậu Năm bệnh tới ông Ngoại rề rề, cậu không đi được. Vậy là xa cách dần. Lâu lâu mợ với tụi nhỏ có gọi điện hỏi thăm cậu, hoặc cậu có gọi điện cho mợ với tụi nhỏ. Nhưng thường là cậu xỉn và cậu rất hay nói xỏ xiên, móc hầu móc họng trong cơn say. Lúc tỉnh thì hiền như cục đất, nhưng có chút hơi men là góc cạnh. Riết rồi mợ ghét, tụi nhỏ cũng giận. Mợ đi ở mướn nuôi con gái út học đại học ở Sài Gòn, vừa tốt nghiệp. Thằng lớn cũng đã có vợ con. Mợ ngày càng đẹp ra. Cậu thì cứ lôi thôi, lếch thếch. Năm ngoái, cậu bắt xe từ Nha Trang về Gò Công thăm cháu nội. Cậu thoáng thấy bóng mợ, nhưng mợ tránh mặt. Chắc cậu hiểu, nên thôi hy vọng.
***
Chưa tròn tháng nữa là Tết rồi. Ngoại kêu Mẹ và dì Út kê lại cái giường lèo ở trong buồng, giặt sẵn mấy cái mùng, mền, áo gối, xả bằng nước giặt thơm, chuẩn bị đón cậu Tư. Mấy ngày nay Ngoại đi ra đi vào tỏ vẻ mừng: “Cầu ông bà phù hộ cho nó gặp người hợp ý, hủ hỉ nhau. Vậy tao mới yên lòng”. Ngoại với Mẹ còn nói với nhau, biết đâu chuyến này đàn bà con gái miền Trung kiềm được nó. Tôi thì thương giọng người Quảng Ngãi, nhưng mợ Tư mới người miền nào, miễn thương cậu Tư, tôi cũng thương.
23/2/2022
Trương Thu Sương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...