Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Hành trình thơ, hành trình "Tự ý thức" làm người

Hành trình thơ, hành trình
"Tự ý thức" làm người

Tôi thích thơ Nguyễn Văn Hùng từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Những tập thơ của anh tôi đều được tặng. Vừa rồi anh mới ra tập “Thơ chọn, 1975 – 2020”, NXB Nghệ An  2021; sách của UBND tỉnh đặt hàng, in 2000 cuốn, là số lượng lớn với một tác phẩm thơ. Người ta bảo khi ra tuyển tập hay thơ chọn là nhà thơ đã bắt đầu tổng kết đời thơ của mình. Với Nguyễn Văn Hùng, tôi hy vọng hành trình ấy vẫn còn tiếp diễn vì với anh, Nàng Thơ vẫn còn nhiều duyên nợ!
Đã có nhiều bài viết về thơ Nguyễn Văn Hùng, trong đó có ba bài rất tri âm của nhà thơ Phạm Đình Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Anh Thư (anh cũng đã đưa ba bài viết này vào trong tập sách Thơ chọn). Từ những góc nhìn khác nhau, họ đã chỉ ra rất chính xác đặc điểm thơ Hùng. “Thơ Nguyễn Văn Hùng thường nêu sự việc nho nhỏ, đời thường nhưng mang ý nghĩa lớn, sâu sắc, bằng lối viết giản dị, súc tích, với xúc cảm trầm lắng, trong trẻo, tinh tế”; “Trước tiên, đây là những cảm thức về văn hóa tinh thần. Cảm thức này tập trung ở khá nhiều bài thơ đề cập đến nội dung về văn hóa, nghệ thuật, thi ca” (Phạm Đình Ân). “Thơ cho anh sống cuộc đời nhiều yêu thương, day dứt”; “Thơ cho anh được sống cùng thơ. Nguyễn Văn Hùng thương thơ, xót mình, nhưng anh không thể sống thiếu thơ” (Phạm Xuân Nguyên). “Hay nghĩ ngợi, dễ tổn thương và hay giấu nỗi buồn sâu trong lòng. Một tính cách “khẽ khàng” nhưng không nhu nhược, “chớ nguôi im”; “lặng lẽ” là điều tưởng dễ mà khó trong bối cảnh đời sống thơ ca hôm nay. Nhưng nó thống nhất với tính cách và quan niệm sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, lấy thơ ca để chở tình, để răn mình” (Anh Thư). Tôi cũng khó nói được gì sâu hơn với những điều khái quát chính xác ấy. Phải tìm một con đường khác để thâm nhập sâu hơn thơ Nguyễn Văn Hùng, đó là đi tìm hành trình vận động của tư tưởng, của cảm xúc, của cái tôi trữ tình trong thơ anh.
1. Từ một nhà giáo yêu thơ…
Nguyễn Văn Hùng bắt đầu làm thơ khi anh còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Thơ anh đã được lưu truyền trong nhiều cuốn sổ tay sinh viên, được in vào nhiều cuốn nội san, kỷ yếu của nhà trường. Anh viết về thầy cô, bạn bè, nhà trường, về tình yêu, với cảm xúc trong trẻo, sâu lắng:
“Một phòng con và những chiếc giường tầng
Đó, tất cả gia tài của người ra đi gửi lại
Ơi các chị, các anh những thầy cô giáo mới
Ở phương xa có nghe động giữa lòng mình”.
(Căn phòng gửi lại)
“Thầy giáo ngược xuôi mượn bộ đồ văn công
Quần thì rộng áo dài quá cỡ
Và ai đó còn mơ mộng nữa
Đánh rơi chiếc quạt che duyên lúc lưỡng lự qua cầu”.
(Từ những điều máy ghi âm không thể ghi).
Ngoài những cảm xúc về bạn bè, nhà trường, thơ Nguyễn Văn Hùng giai đoạn này cũng bắt đầu mở rộng đề tài, vui buồn với cuộc sống xung quanh. Đó là cảm xúc về những chuyến xe “băng ra tuyến lửa”, về “đo đường ở Ngã tư”, về “phố mới đêm đầu không ngủ được”, về “người sàng sỏi trên con đường tôi qua”. Các bài thơ bên cạnh niềm vui, niềm phấn khởi đã bắt đầu hé lộ những dự cảm buồn, trống vắng mà sau này sẽ thành một phần không thể thiếu trong thơ anh:
“Năm tháng ấy tôi có nhiều ước vọng
Nhiều nỗi niềm biết gửi vào đâu
Phố gác, người đông, áo xe đủ mốt
Vầng trăng lên đơn độc trên đầu”.
(Hoa Dẻ)
Sau này, trở thành giảng viên đại học ở ngay chính ngôi trường Đại học sư phạm Vinh, Nguyễn Văn Hùng tiếp tục làm thơ, gắn bó với thơ. Thơ anh lúc này gia tăng chất triết lý, nỗi buồn không còn là những giây phút bất chợt mà đã thành cảm xúc sâu lắng, gắn với suy tư về cõi đời, cõi người (Đêm qua mưa đá ngoài đồng, Hái giữa mùa cam, Một tấc lòng, Lọ Lem của Epstusenko…). Bài “Một tấc lòng” anh viết tặng thầy giáo Nguyễn Sỹ Cẩn là bài thơ hay, ở đó hòa trộn nỗi niềm xưa với nay, lịch sử với hiện tại, vừa xót xa về nghịch lý cuộc đời, vừa nhìn thấu lẽ công bằng của thời gian. Cũng ở chặng này, thơ Nguyễn Văn Hùng mở thêm một mạch thơ khác, viết về người thân, về gia đình, cũng với những tâm tư trĩu nặng về lẽ mất còn (Đôi dòng tiễn đưa ông nội, Tìm, Người về…). Chặng đường nhà giáo – nhà thơ này kéo dài đến năm 1993 thì anh bị Nàng Thơ mê hoặc, bỏ giảng đường đại học, chuyển hắn sang viết văn, làm báo ở nhiều cơ quan báo chí: Tạp chí Hồng Lĩnh (Hội Văn nghệ Hà Tĩnh), Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Sông Lam (Hội Văn nghệ Nghệ An), Báo Nghệ An, cho đến lúc nghỉ hưu, năm 2015.
2. Đến một nhà thơ biết tự thức giữa tạp âm bặm bụi cõi người
2.1. “Thơ cho mình trước hết thật mình hơn”.
Cho đến nay, nhiều đồng nghiệp của Nguyễn Văn Hùng ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh vẫn không hiểu vì lý do gì anh lại đột ngột từ bỏ một vị trí công tác ổn định, có thu nhập khá cao, lại đang được coi là danh giá để dấn thân vào cuộc phiêu lưu cùng thơ. Không biết hôm nay, trong tâm thế “ngoái đầu nhìn lại”, anh có trách gì Nàng Thơ của mình? Tôi biết, thơ không cho anh sự giàu có, không cho anh cả sự yên ổn trong nhiều năm trời, nhưng thơ cũng đem lại cho anh nhiều niềm vui, sự an ủi giữa cuộc đời còn nhiều ngổn ngang, phàm tục. Từ bỏ giảng đường đại học, theo nghiệp báo chí, văn chương, chắc chắn chân trời mở rộng hơn với anh, với thơ anh. Thơ anh ở chặng này (khoảng những năm 1990 trở về sau) đa dạng hơn trong đề tài, cảm xúc, đa thanh hơn trong giọng điệu. Đặc biệt, mạch thơ “tự thú” (tên một tập thơ của Nguyễn Văn Hùng) thể hiện sâu sắc những suy tư hướng nội, như tiếng nói trầm tư đối thoại với nội tâm. Những va đập cuộc đời vẫn còn đó, nhưng dường như anh muốn dành cho mình “những khoảng lặng”, “ngồi một mình”, có “một góc nhỏ để ngồi buồn”… Tên những tập thơ của anh cũng thật khiêm nhường: Tự thú (1989), Quà mọn (1994), Khẽ nhắc (2005). Bài thơ “Những câu thơ trong đêm bố viết” có thể xem là một “tuyên ngôn” thơ của anh (nói “tuyên ngôn” có vẻ to tát chứ thực ra nó là ý hướng nghệ thuật, là tâm niệm sáng tác mà bất cứ nhà thơ nào đều ít nhiều phải xác định khi đối diện với những trang thơ của mình). Bằng giọng tâm sự thủ thỉ cùng con, thực ra anh đang tự nói với mình. Anh không cao giọng lên gân về sứ mệnh, vai trò của thơ như một ai đó. Anh ý thức sự vô tâm, sự hờ hững của người đời đối với thơ hôm nay: “Một ai đó trao tiền, chợt tiếc/ Trên trang bìa thoáng gặp chữ thơ”. Buồn, ngậm ngùi, nhưng cũng là một sự lựa chọn tự nguyện, không thể khác:
“Con thấy lạ, cả nhà thấy lạ
Trước câu thơ nhỏ, dáng hao gầy
Bố dám đổi cả tim mòn lực kiệt
Lấy cái điều nhẹ hẫng trên tay”.
(Những câu thơ trong đêm bố viết)
Tập “Thơ chọn 1975 – 2020” của Nguyễn Văn Hùng
Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Văn Hùng viết khá nhiều bài về nhà văn, nhà thơ, về nghiệp viết, về số phận của thơ ca (Những câu thơ trong đêm bố viết, Đọc thơ, Rao thơ, Bạn ơi thơ tặng bây giờ, Gửi một bạn thơ xứ Thanh, Thơ viết cuối năm…). Những câu thơ nặng trĩu suy tư về sự mất giá của thơ ca, sự buồn tủi, nhỏ bé của nhà thơ: “Tôi ký tặng tập thơ cả đời mình mắc nợ/ Người đặt cạnh ghế ngồi, rồi đứng dậy tay không” (Sách); âu cũng chính là thổn thức về sự hờ hững của con người trước cái đẹp, sự xuống cấp của văn hóa tinh thần.
Xác định tâm thế “viết cho mình”, thơ Nguyễn Văn Hùng thường chọn giọng tâm sự, nhỏ nhẹ mà sâu lắng. Trong thơ anh có rất nhiều từ thể hiện sự im lặng, sự cô đơn của chủ thể trữ tình: “Những khoảng lặng”, “lặng lẽ”, “lặng im”, “một mình”, “thao thức”, “trắng tóc đêm”… “Đứng đơn côi trước vườn cũ nhà mình” (Nhân xem phim Mùa ổi), “Lấp đầy khoảng lặng giữa chừng câu chuyện” (Những khoảng lặng), “Chuyện dọc đường ngày thành trắng tóc đêm” (Dọc đường); “Yêu lặng lẽ vầng trăng trong thơ cổ” (Phỏng vấn)… Dường như cô đơn là nghiệp của nhà thơ xưa nay, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát đến Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Nguyễn Văn Hùng nối dài thêm cái mạch cô đơn ấy, cái cô đơn của thời hiện đại, của một con người biết “tự thức”, giữa “ồn ào phố xá”, “giữa tạp âm bụi bặm cõi người”.
2.2. “Thơ cho mình” nhưng cũng là “khẽ nhắc”cho người.
Mạnh Tử – nhà tư tưởng nổi tiếng Trung Hoa, có nói: “Làm cho ý mình thành thật, là mình không tự dối mình, dối người”. Nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam có cho biết phương châm để ông chọn thơ, mở cánh cửa tâm hồn là “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Thành thật với mình thì mới đến được trái tim người, đó là con đường đi đích thực của thơ. Thơ Nguyễn Văn Hùng viết trước hết để tự vấn, tự nhắc, nhưng những vần thơ ấy lại làm nhiều người giật mình. Thực ra, dù có tìm một góc vắng, một căn nhà nhỏ để đọc sách, để lánh đời thì âm vang cuộc sống vẫn cứ dội vào lòng. Vì thế, bên mạch thơ “tự thú”, “tự thức”, Nguyễn Văn Hùng còn có một mạch thơ khác, thể hiện bức tranh xã hội phồn tạp, chưa bao giờ bình yên giữa ồn ào phố thị. Đó là chuyện cơm áo, cơ cực đời thường (Tiếng vạc, Qua chợ lao động, Ở phố tôi sáng nào cũng vậy, Thành xích lô…). Đó là sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa, sự vô cảm, thói cơ hội của con người (Chuyện bên Hồ Gươm, Độc thoại với Bruno, Trên phố, Sách cũ, Vô cảm ơn, chào mi…). Đó là sự đối xử phũ phàng với Thiên nhiên: Phố sau bão, Những lỗ thủng…Tiếng thơ tưởng như chỉ thầm thì, chấp nhận cô đơn ấy lại chính là tiếng thơ khát khao tình người, khát khao đồng cảm:
“Khi con người xáp lại gần nhau
Bàn tay thường nắm chặt
Niềm giao cảm xui nên ngàn lộc nõn”.
(Sau Tết)
“Thì đành gặp nhé đầu năm vậy,
Nghe người cười nói những xa xăm”.
(Cuối năm)
Trong thơ Nguyễn Văn Hùng, cuộc đời dường như đang càng ngày càng buồn, con người càng ngày càng xa cách. Cảm hứng ngoái nhìn, xót xa cho tình người, tình bạn gần gũi, đầm ấm thủa nào đã tạo ra nhiều câu thơ giàu chất khái quát: “Lâu đã quen ồn ào quán xá/ Ít thấy bạn văn kéo bạn về nhà/ Nói còn ai nghe, chẳng nghe ai nói nữa/ Hồn chai dần những bình dị xưa xa” (Thơ viết cuối năm). Anh mong muốn con người hiểu nhau hơn, anh trân trọng những giọt nước mắt đồng cảm: “Nước mắt bây giờ thật hiếm/ Xin cho nhà thơ được khóc như trẻ thơ” (Ghi bên mộ mười cô gái). Con người thường suy tư trong cô đơn là con người sợ cô đơn. Câu thơ anh viết trong Nghĩa trang Liệt sỹ cô quạnh cũng ánh lên ước muốn sẻ chia: “Phía cao xanh tiếng chim chiều ẩn hiện/ Sỏi đá nơi đây có quạnh quẽ bao giờ” (Bên cỏ). Xứ sở anh mơ về là nơi ấm áp tình người, tình bạn:
“Miền tôi mơ
Người thật người thật bạn
Bạn kề bên chẳng phải đề phòng
Biết cảm thông, tha thứ, trông mong”.
(Miền tôi mơ)
Có người nói, thơ Nguyễn Văn Hùng ít có sự cách tân. Nhưng tôi nghĩ mỗi nhà thơ có cái “tạng” của mình (chữ dùng của Hoài Thanh). Những biểu tượng tân kỳ, ngôn từ vô thức, “đột sáng”, “vụt hiện” không phải là điều anh quan tâm nhiều. Thực ra, qua mỗi tập thơ, vẫn thấy sự biến đổi âm thầm của một phong cách. Thơ Hùng ngày càng giản dị, một sự giản dị gắn với cô đọng, súc tích, kiệm lời. Nhưng dù có biến đổi, cái cốt lõi xuyên suốt của thơ Nguyễn Văn Hùng vẫn là tiếng lòng chân thực, trung thực tận cùng với mình, với người; là tiếng thơ đi tìm sự giao cảm, sẻ chia “giữa tạp âm bụi bặm cõi người”. Điều đó, anh đã nhiều lần thổ lộ, gửi gắm trong thơ…
26/2/2022
Đinh Trí Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...