Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Lý luận văn học như là một khoa học

Lý luận văn học như là một khoa học

Công trình nghiên cứu lý luận văn học “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2021. Đại diện cho các tác giả nhận giải thưởng, nhà lý luận phê bình Trương Đăng Dung đã có bài phát biểu sâu sắc tại lễ trao giải. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc…
Vậy là đã tròn 10 năm kể từ khi tôi được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2011) cho tập thơ đầu tay “Những kỷ niệm tưởng tượng”. Hôm nay, tôi lại vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho công trình nghiên cứu lý luận văn học “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa”. Có thể nói, các giải thưởng này là sự ghi nhận và động viên của giới nghiên cứu và sáng tác cho những nỗ lực của tôi trên hành trình học tập, nghiên cứu và sáng tác văn học nhiều năm qua.
Cách đây 10 năm, trong lời cảm ơn Hội Nhà văn Hà Nội, tôi có nói “thơ là sự diễn giải các trạng thái của tồn tại người một cách tự nguyện”, hôm nay tôi xin phép được nói thêm rằng “lý luận văn học là sự khám phá cái đặc trưng bản thể của văn bản văn học một cách khoa học”. Đối với tôi, giữa hai lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học và sáng tác thơ không có gì mâu thuẫn, mà ngược lại, chúng bổ sung cho nhau bằng sự khác biệt để ngỏ của mỗi lĩnh vực. Lí luận, phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ qua văn bản văn học, còn nhà thơ thì khám phá cái thế giới bên ngoài thông qua thế giới bên trong của chính mình. Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được cái tôi bất an trước thế giới, điều mà trong diễn ngôn khoa học văn học tôi không làm được. Và tôi cần đến lí luận văn học như một diễn ngôn khác có thể khám phá những bất ổn học thuật trước cái đối tượng phức tạp mang tên tác phẩm văn học, điều mà trong thơ tôi không thể thực hiện được.
Thưa các anh, các chị, chúng ta biết rằng, cùng với sự hình thành và phát triển của khoa học văn học, từ cuối thế kỷ XIX, ở châu Âu, lý luận văn học ngày càng có vị trí quan trọng trong hệ thống các khoa học văn học, ngày càng khoanh vùng được đối tượng nghiên cứu với những vấn đề riêng, lý giải và soi sáng những vấn đề đó trên bình diện lý luận. Suốt quá trình học tập và nghiên cứu, tôi đã không tiếp cận các tri thức lý thuyết văn học theo cách phân chia chính trị về các hệ thống thế giới, nhờ đó tôi đã nhận ra rằng ở đâu lý luận văn học xác lập được bản chất tự nhiên đặc trưng của đối tượng nghiên cứu, khoanh vùng được đối tượng nghiên cứu với những vấn đề riêng, lý giải và soi sáng chúng trên bình diện lý luận, thì ở đó lý luận văn học mới có thể phát triển như một ngành khoa học thực sự.
Trên thế giới, vẫn còn có nơi do nhập nhằng giữa đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học và đối tượng nghiên cứu của lịch sử và phê bình văn học, người ta đã đồng nhất sự phân tích tác phẩm văn học cụ thể trong nghiên cứu lịch sử văn học và phê bình văn học với sự phân tích vấn đề tác phẩm văn học trong lí luận văn học, nơi vai trò của những khái quát hoá lí luận và việc tiếp cận bản thể tác phẩm văn học đều xảy ra trên bình diện trừu tượng. Tình hình trên dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề cơ bản của mỹ học và lí luận văn học không được nghiên cứu từ gốc một cách khoa học, nên ai cũng có thể lẩy ra một vấn đề nào đó làm bùng bổ những cuộc tranh luận kéo dài. Người ta tranh luận ríu rít ở trên ngọn của vấn đề, nhưng cái gốc của nó bị bỏ qua. Vì thế, nếu nói văn học suy tư tưởng, thì điều đó không chỉ liên quan đến sáng tác văn học, mà còn liên quan đến cả lĩnh vực nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học.
Do nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, tư duy lí luận văn học không còn phụ thuộc nhiều vào mỹ học sáng tạo mà từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mỹ học tiếp nhận. Mỹ học tiếp nhận đã giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng cơ chế tạo nghĩa của văn bản văn học không ổn định, nó mang tính quá trình. Bên cạnh nghĩa đang tồn tại của văn bản văn học là nghĩa được thiết lập. Vậy nên, có hai vấn đề đặt ra liên quan đến phương thức tồn tại của tác phẩm văn học: Một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng bản thể của văn bản văn học; hai là khả năng tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học, độc lập với chủ ý của nhà văn. Nhiều năm qua, tôi đã dành tâm sức cho hướng nghiên cứu này với mục đích khám phá phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, để từ đó soi sáng trở lại mô hình phản ánh nghệ thuật – một vấn đề quan trọng của lí luận văn học mác xít. Cuốn sách “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” cùng với những chuyên luận khác đã xuất bản, là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu theo hướng đó của tôi.
Kính thưa các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, càng làm việc và học hỏi, tôi càng ý thức hơn về những giới hạn của chính mình. Tôi hiểu rằng mọi nỗ lực của mình cũng chỉ là sự vươn tới giới hạn của cái chưa biết. Tôi hi vọng, ngày càng có nhiều hơn những nhà nghiên cứu lý luận văn học trẻ tuổi sẽ làm tốt hơn chúng tôi cái công việc gian khổ, lâu mọc mũi sủi tăm này. Một lần nữa, xin cảm ơn BCH Hội nhà văn Việt Nam, HĐLL PB Hội Nhà văn Việt Nam; cảm ơn các bạn đọc gần, xa đã dành cho tôi vinh dự lớn này.
Chúc các anh, chị sức khỏe, bình an!.
Hà Nội, 29/2/2022
Trương Đăng Dung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...