Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Giải thưởng Văn học dịch tôn vinh: Một vẻ đẹp phi hư cấu

Giải thưởng Văn học dịch
tôn vinh: Một vẻ đẹp phi hư cấu

Vậy là tác phẩm Châu Phi nghìn trùng, cuốn hồi ký của nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen qua bản dịch hấp dẫn của dịch giả Hà Thế Giang do NXB Phụ Nữ ấn hành đã giành được Giải thưởng Văn học thường niên năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Thực tế là tác phẩm này cũng được nhiều phiếu nhất ở vòng bình chọn tác phẩm đề nghị xét giải của Hội đồng Dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Hai tác phẩm dịch cũng được hội đồng đề nghị xét giải là Mông Cổ bí sử của dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa và Tàn ngày để lại của dịch giả An Lý.
Mông Cổ bí sử là tác phẩm văn học viết đầu tiên của người Mông Cổ, vừa là tác phẩm sử học đặc biệt trong thời kỳ văn-sử bất phân, có giá trị lớn cả về văn chương và sử học, được ví như một bản anh hùng ca, thuật lại quá trình hình thành và phát triển của các bộ tộc trên thảo nguyên Mông Cổ từ giai đoạn khởi thủy cho đến thế kỷ thứ XIII. Đây có thể coi là cuốn sách khó dịch nhất trong các tác phẩm văn học dịch tham dự Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Khó về phương diện ngôn ngữ và lối hành văn cổ; có những trang trong cuốn sách này gần giống lối viết của Kinh Thánh, có đoạn giống với văn học dân gian, rất đặc sắc. Bản dịch tiếng Việt đạt chất lượng, đảm bảo nội dung, văn phong cổ; dịch giả kỳ công trong phiên âm tên đất, tên người và chú thích kỹ (tổng cộng 306 chú thích), rõ ràng, dễ hiểu.
Tiểu thuyết Tàn ngày để lại của tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro, tác giả đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2017, bản dịch của dịch giả An Lý. Tiểu thuyết này kể một chuyến đi của nhân vật chính là Stevens với hai hành trình, đi về miền Tây nước Anh để gặp người bạn gái cũ là cô Kenton và “đi” sâu vào nội tâm của nhân vật – một con người trách nhiệm và sống trong ảo tưởng; một con người gần suốt cuộc đời coi trọng bổn phận, xem việc hoàn thành nhiệm vụ là điều cao quý nhất, và cuối cùng là sự luyến tiếc không nguôi…
Nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen, tác giả của Châu Phi nghìn trùng, đã từng được hai lần đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957. Cuốn sách rất nổi tiếng này của bà kể về khoảng thời gian bà sinh sống ở châu Phi, từ năm 1914 đến năm 1931.
Tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” của Isak Dinesen do Hà Thế Giang dịch, NXB Phụ Nữ ấn hành
Đúng như nhận xét của Hội đồng Dịch thuật và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Châu Phi nghìn trùng là câu chuyện được kể trên bối cảnh châu Phi thời thực dân – thuộc địa, nhưng rất khác với nhiều tác phẩm viết về châu Phi trong thời kỳ này, Châu Phi nghìn trùng cho ta cái nhìn khác: không chính quốc – bản xứ, không thực dân – thuộc địa, không da trắng – da màu, không chủng tộc thượng đẳng – hạ đẳng, không khinh khi, đố kỵ, không hận thù, chém giết…; quan hệ giữa con người với con người là quan hệ bình đẳng, bao dung, nhân tính. Tất cả nhân vật và chuyện kể ở đây nhất quán một cái nhìn nhân văn, chan chứa tình người. Đó là cái lớn lao và đặc sắc của tác phẩm này.
Châu Phi nghìn trùng sau khi ấn hành trong tiếng Anh đã được dịch ra nhiều ngoại ngữ và tạo nên tiếng vang ở các nước mà nó được giới thiệu. Châu Phi nghìn trùng cũng lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại nên bản dịch tiếng Việt cần được trân quý. Tác phẩm thực sự cuốn hút bằng cả nội dung và văn phong kể chuyện, toát ra sức chân thật, tạo đồng cảm và lòng tin khi tác giả đan dệt những hồi ức những năm tháng sống ở châu Phi trên một đồn điền cà phê tựa như một cấu trúc hư cấu. Hình ảnh về thiên nhiên châu Phi, con người châu Phi, và văn hóa châu Phi được thấm nhuần cảm xúc người kể, vô cùng hấp dẫn, vừa bí ẩn vừa đầy mới mẻ. Thiên nhiên châu Phi dưới ngòi bút đầy tình của Isak Dinesen, với những chi tiết đặc tả hiện lên sinh động, gợi trí tò mò và khiến độc giả mong được một lần đặt chân tới đó để trải nghiệm những gì mà tác giả đã ghi lại. Những miêu tả về dãy núi Ngong với đủ các sắc thái, rồi khi mùa mưa về, khi gặp nạn châu chấu đến, khi hoa cà phê nở… quả thật vô cùng xuất sắc, khó có thể ngừng lại khi đang đọc dở. Hình ảnh những con sư tử dưới ánh trăng tà, đàn trâu trong màn sương buổi sớm dưới vòm trời màu đồng, rồi bầy voi đi ngang qua cánh rừng tự nhiên rậm rạp, hay đàn sếu hàng nghìn con… đều là những chi tiết tạo nên thành công cho tác phẩm. Bên cạnh một thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, thì người đọc cũng cảm nhận rất rõ được sự khắc nghiệt, và tàn nhẫn của địa hình và khí hậu nơi đây.
Là một người thuộc tầng lớp thực dân da trắng nhưng tác giả nhìn người dân bản địa bằng cái nhìn gần gũi và ẩn chứa yêu thương. Dưới ngòi bút của bà, con người nơi đây nguyên sơ, pha lẫn sự khôi hài và cũng rất đáng yêu đáng quý. Đọc Châu Phi nghìn trùng, độc giả cảm nhận được tình người, sự nhân văn trong đó. Tác giả có mối quan hệ rất thân tình với người châu Phi. Bà chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, biết lắng nghe và thấu hiểu với thái độ cởi mở, gắn bó.
Tác phẩm kết thúc bằng sự chia tay của Blixen với châu Phi nhưng đầy nhớ nhung hoài niệm. Nghìn trùng xa xôi cách trở, châu Phi trong tác phẩm hiện lên kỳ diệu khó quên.
19/2/2022
Nguyễn Chí Hoan
Nguồn: Tạp chí và cuộc sống
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...