Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Trương Đăng Dung: Từ đặc trưng của phản ánh nghệ thuật đến phương thức tồn tại của tác phẩm văn học

Trương Đăng Dung: Từ đặc trưng của
phản ánh nghệ thuật đến phương thức
tồn tại của tác phẩm văn học

Làm sao Trương Đăng Dung có thể hóa giải được xung khắc “thủy-hỏa” khi mà khoa học là sản phẩm của tư duy logic còn nghệ thuật là sản phẩm của tư duy hình tượng. Nhưng thực ra, căn cốt sâu xa tạo nên sự thống nhất giữa những “đối cực” trong vòm trời sáng tạo của Trương Đăng Dung là ở chỗ, phẩm tính khoa học và phẩm tính nghệ sĩ của anh gắn liền với một chủ thể sáng tạo luôn hiểu rõ các giới hạn của tồn tại…
Giới nghiên cứu, lý luận, phê bình và giảng dạy văn học Việt Nam từ lâu đã biết đến hàng loạt công trình khoa học giàu chất lượng học thuật của Trương Đăng Dung như Các vấn đề khoa học văn học (chủ biên, 1990); Từ văn bản đến tác phẩm văn học (tiểu luận, 1998); Tác phẩm văn học như là quá trình (chuyên luận, 2004); Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukacs Gyorgy (chuyên luận, 2018)… Gần đây nhất, công trình Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (Nxb. Văn học, 2021) đã bổ sung vào danh mục tác phẩm nghiên cứu của Trương Đăng Dung một tập tiểu luận giàu sức thuyết phục về những vấn đề trọng yếu của lý thuyết văn học hiện đại. Nổi bật và xuyên suốt công trình này là hai vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là hai đối tượng nghiên cứu mà Trương Đăng Dung kiên trì theo đuổi trong suốt hàng chục năm liền, đó là đặc trưng của phản ánh nghệ thuật và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Cũng bởi thế, đây là công trình thể hiện rõ nhất về những trăn trở học thuật và những bước chuyển trong tư duy khoa học của Trương Đăng Dung.
Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa – tập tiểu luận của Trương Đăng Dung được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021
Điều đáng nói là dù được viết và công bố trong nhiều thời điểm khác nhau nhưng các tiểu luận có mặt trong tập sách này luôn có sự kết nối và thống nhất nội tại. Tính hệ thống của công trình cho thấy chiến lược học thuật mang tính nhất quán cao độ của Trương Đăng Dung trong việc tìm kiếm, lựa chọn đối tượng nghiên cứu, từ đó ráo riết suy ngẫm và luận giải về chúng một cách sắc sảo. Với ưu thế được đào tạo bài bản từ nước ngoài, Trương Đăng Dung luôn bắt đầu triển khai bài viết của mình bằng tầm nhìn triết học và mỹ học, từ đó đi sâu luận giải về các vấn đề lý thuyết văn học. Cũng bởi thế, đọc Trương Đăng Dung không dễ nếu người đọc không trang bị sẵn cho mình một nền tảng tri thức vững vàng và hiện đại.
Muốn hiểu được vì sao Trương Đăng Dung lựa chọn đối tượng và cách thức chiếm lĩnh đối tượng nghiên cứu, trước hết cần hiểu rõ quan niệm của anh về lý luận văn học. Trong “Những đặc điểm của hệ thống lý luận văn học mácxít thế kỷ XX” được viết cách đây hơn chục năm về trước, Trương Đăng Dung cho rằng “Tính chất độc lập của lý luận văn học hiện đại chỉ có được nếu lý luận văn học hiện đại trong khi phát triển đồng hành với các khoa học văn học vẫn giữ được tính chất siêu khoa học của nó, không để bị chi phối bởi hệ thống những quy ước thực dụng nào khác, phi lý luận”. Với một quan niệm như thế, Trương Đăng Dung cảnh báo: lý luận sẽ bị mờ nhạt trước các khoa học văn học khác nếu nó không khoanh vùng được đối tượng nghiên cứu với những vấn đề riêng, không lý giải và soi sáng được những vấn đề đó trên bình diện lý luận. Trong cái nhìn của Trương Đăng Dung, lý luận văn học cần phải xác lập được bản chất tự nhiên của các đối tượng được nghiên cứu, vì chỉ khi có quan niệm đúng về bản sắc của đối tượng thì lý luận văn học mới có thể khẳng định được vị thế độc lập của nó trong hệ thống các khoa học văn học. Chỉ một khi xác định rõ điều đó, nhà nghiên cứu mới có quan niệm đúng về bản chất và tính ứng dụng của lý luận văn học, không biến lý luận thành sản phẩm siêu hình và kinh viện.
Nếu ở giai đoạn đầu, Trương Đăng Dung tập trung tìm hiểu những tương đồng và khác biệt bên trong hệ thống lý luận văn học mácxít về vấn đề phản ánh nghệ thuật thì ở giai đoạn sau, anh chuyển hướng nghiên cứu, tập trung vào những thành tựu của lý thuyết văn học phương Tây hiện đại. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong tư duy nghiên cứu khoa học của Trương Đăng Dung. Đó là sự thay đổi mang tính quá trình, từ bước qua đến bước tới một cách hợp lý. Bước qua là để thoát khỏi cái nhìn vấn đề phản ánh nghệ thuật từ chính/ trong mô hình phản ánh, bước tới là mở rộng, đào sâu, nhìn phản ánh nghệ thuật từ đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong mối quan hệ với người đọc. Nếu chỉ nhìn phản ánh nghệ thuật từ mối quan hệ chủ thể – khách thể thì sẽ rất khó vượt thoát khỏi tầm nhìn của tư duy lý luận văn học tiền hiện đại mà G. Lukacs là một ví dụ tiêu biểu. Quá trình tham bác lý luận hiện đại phương Tây đã giúp Trương Đăng Dung nhận thấy một thực tế: đã đến lúc người nghiên cứu hoàn toàn có đủ cơ hội để nhìn vấn đề phương thức tồn tại của tác phẩm văn học từ thành tựu của triết học nhân sinh, triết học ngôn ngữ và mỹ học tiếp nhận. Không nghi ngờ gì nữa, việc nghiên cứu phương thức tồn tại của tác phẩm văn học từ hệ quy chiếu mới đã giúp nhà nghiên cứu thấy rõ hơn bản chất của phản ánh nghệ thuật. Mặt khác, trên cơ sở những khám phá về bản chất của ngôn ngữ, nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rõ hơn sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học. Từ những khám phá về đặc trưng bản thể của văn bản văn học, Trương Đăng Dung đã đi đến những kết luận thuyết phục: “Nghĩa của văn bản văn học không ổn định, nó mang tính quan hệ và được tạo nên do cả quá trình”. Tiếp theo khái niệm nghĩa đang tồn tại của lý luận văn học hiện đại là khái niệm nghĩa được thiết lập của lý luận văn học hậu hiện đại.
Để trả lời câu hỏi phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là gì, Trương Đăng Dung cho rằng nhất thiết phải xem xét hai vấn đề quan trọng: 1/ tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng văn học của văn bản; 2/ khả năng tạo lập một đời sống cụ thể của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc. Trên cơ sở nghiền ngẫm các lý thuyết văn học hiện đại, Trương Đăng Dung nhận thấy đó là sự thay đổi mang tính hệ hình (paradigm): “Sau khi lý luận văn học hiện đại xác định được vai trò trung tâm tạo nghĩa của văn bản văn học, độc lập với tác giả và môi trường ra đời của nó, lý luận văn học hậu hiện đại đã khám phá ra quá trình tạo lập đời sống của văn bản văn học trong quan hệ với sự tiếp nhận của người đọc. Đây là cơ sở để lý luận văn học hậu hiện đại chuyển từ mỹ học sáng tạo sang mỹ học tiếp nhận” (tr.86). Nhờ thế mà giải cấu trúc có cơ sở để phát hiện ra ý nghĩa không có trong những khách thể ngữ nghĩa ổn định, mà nó ẩn chứa trong những quan hệ ngữ nghĩa bất ổn, trong những sự kiện hiểu và đọc văn bản. Điều đó giải thích vì sao Trương Đăng Dung đặt tên cho quyển sách của mình là Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa. Tên gọi này đã thâu tóm được toàn bộ ý tưởng khoa học của Trương Đăng Dung, đồng thời cho phép người đọc nhận thấy sự chuyển động trong tư duy học thuật của anh. Những kết quả nghiên cứu khoa học của Trương Đăng Dung, vì thế, giàu tính đối thoại. Đó là sự đối thoại kép, vừa hướng tới “kẻ khác”, vừa hướng tới chính mình. Hướng tới kẻ khác là để nâng tầm nhận thức, thay đổi quan niệm. Hướng tới chính mình là để tự vượt lên giới hạn, mặc dù, Trương Đăng Dung là người sớm nhận thấy, vượt qua giới hạn này chính là khởi đầu cho việc đối diện với những giới hạn khác, bởi đó là bản chất của cuộc sống trong sự vận động không ngừng nghỉ của nó.
Điều tôi muốn nói thêm là bên cạnh những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Trương Đăng Dung còn là tác giả của hai tập thơ gây được ấn tượng sâu sắc với người đọc (Những kỷ niệm tưởng tượng, 2011 và Em là nơi anh tị nạn, 2020). Nếu nhìn bề ngoài, không ít người sẽ băn khoăn: Làm sao Trương Đăng Dung có thể hóa giải được xung khắc “thủy-hỏa” khi mà khoa học là sản phẩm của tư duy logic còn nghệ thuật là sản phẩm của tư duy hình tượng. Nhưng thực ra, căn cốt sâu xa tạo nên sự thống nhất giữa những “đối cực” trong vòm trời sáng tạo của Trương Đăng Dung là ở chỗ, phẩm tính khoa học và phẩm tính nghệ sĩ của anh gắn liền với một chủ thể sáng tạo luôn hiểu rõ các giới hạn của tồn tại. Cũng bởi thế, từ “bất an thi sĩ” trong sáng tác đến sự “bất ổn của nghĩa” trong nghiên cứu khoa học ở Trương Đăng Dung đều có cơ hội bùng nổ. Và thực sự, nó đã bùng nổ trong những “của tin” mà anh gửi đến người đọc sau những nhọc nhằn, khổ đau vì trí tuệ và từ nỗi đam mê được vắt kiệt mình cho nghệ thuật.
20/2/2022
Nguyễn Đăng Điệp
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...