Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Mẹ và ngôi nhà ngập gió tuổi thơ

Mẹ và ngôi nhà ngập gió tuổi thơ

Những ngày tiễn đưa năm cũ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lòng tôi cứ quay quắt nhớ nhà, nhớ mẹ già ở quê. Một nỗi nhớ bình thường như mọi năm ở thời điểm “nhạy cảm” này. Nhưng năm nay càng quay quắt hơn khi mỗi ngày nghe giọng nói yếu ớt và nhìn gương mặt bớt thần sắc dần của đấng sinh thành ở tuổi cửu tuần.
Đối với mỗi người, ngôi nhà tuổi thơ “chôn nhau cắt rốn” chính là biểu tượng cho quê hương. Hình dáng ngôi nhà có thể đổi thay nhưng ký ức đẹp không bao giờ thay đổi. Khi đi xa, ngôi nhà tuổi thơ cũng đồng nghĩa với mẹ cha và những người thân yêu đã sinh trưởng, dưỡng nuôi mình nên vóc nên hình.
Kỳ diệu ngôi nhà ngập gió tuổi thơ
Gió quấn từng bước chân nắng mưa tảo tần của mẹ
Gió thức sớm về khuya theo cha quanh quẩn cánh đồng
Có lúc ngôi nhà như đám mây lơ lửng tầng không
Gió mang lũ lụt bão dông phủ giấc mơ sau mùa khô hạn
Thơm thảo khắc nghiệt ngọn gió quê hương nuôi ta lớn thành người
Ngôi nhà ngập gió ấy của tuổi thơ tôi ở xã Hòa Đồng nay thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Ban đầu là mái tranh vách đất. Phía trước cũng sân đất thường có giàn bầu bí, mướp, khổ qua leo cho trái lủng lẳng và bóng che mát quanh năm. Phía trước nữa là cái chợ họp nhộn nhịp vào buổi sáng. Bên phải nhà là con đường làng rồi đến con mương nhỏ chạy song song bên nhau. Bên kia mương là ngôi trường với dãy phòng chính hoành tráng, lợp ngói vảy cá gần cả trăm tuổi, trừ mùa hè còn lại luôn rộn ràng tươi vui tiếng học trò, thánh thót tiếng thầy cô giảng bài. Cách  phía bên trái nhà và chợ gần 100m là con suối uốn cong lượn lờ bắt nguồn từ Bầu Hương – Núi Đất. Con mương nhỏ và con suối là nơi lũ trẻ xóm tôi hay rủ nhau đi tắm vào mùa hè.
Qua bên kia suối, cách một đám ruộng là Gò Mít, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của phần lớn bà con trong xã khi về với tổ tiên.
Vui buồn con suối róc rách tuổi thơ
Mùa nước cạn trẻ nô đùa tắm táp
Mùa lũ tràn suối giăng lưới cá tôm
Bên này chợ quê sớm họp trưa tan
Bên kia gò cao bao linh hồn nương náu
Suối khóc tiễn đưa sướng khổ kiếp người
Ba tôi bảo rằng từ xưa trên gò người ta trồng rất nhiều mít, về sau thì trồng nhiều tre, còn nay thì xung quanh nhiều bạch đàn. Gò Mít nối cánh đồng rộng tạo nên không gian lộng gió. Cái chợ lẫn cái nhà của tôi cũng ngập gió quanh năm. Gió rì rào lũy tre. Gió lao xao những cây dông đồng.
Về sau, cái chợ di dời xuống trường. Cái trường được xây dựng nơi khác. Má tôi mua cả cái chợ mở rộng khu vườn. Nhà tôi xây thành nhà ngói bề thế. Dù xung quanh nhiều ngôi nhà hàng xóm mọc lên nhưng nhà tôi vẫn luôn thoáng mát nhờ gió. Và khu vườn luôn rợp bướm ong, những khi trời chuyển mưa thì gió gọi những đàn chuồn chuồn bay về:
Là đà chuồn chuồn chao liệng rợp vườn
Bầu trời như chiếc lồng tròn vần vũ mây đen
Vội vàng những đàn chim quay đầu bay về núi
Cánh đồng gió xuân mơn man lúa đương thì con gái
Chuồn chuồn trốn tìm mưa đuổi bắt khắp làng quê
Mỏm mẻm mẹ mỉm cười sau những ngày hạn hán
Rau quả trong vườn má tôi không bao giờ bán mà toàn cho bà con. Thời kỳ bao cấp khó khăn, má tôi cũng hay giúp đỡ các thầy cô giáo ở khu tập thể dưới trường, trong đó có rau quả, lúa gạo. Vào mùa mưa, tôi hay theo các thầy bắt ếch bên Gò Mít và trên cánh đồng vào ban đêm. Có khi khuya về làm ếch xong, các thầy xem lại trong hũ không còn gạo. Vậy là tôi đội mưa chạy về xin má mấy lon gạo, mắm muối và ra vườn soi đèn hái rau. Đang gió mưa lạnh giá đói khát nửa đêm mà có nồi cháo ếch tươi thơm phức thì còn gì bằng.
Những kỷ niệm ấy theo tôi trên từng bước đường khi rời quê hương. Hoa quả từ bàn tay chăm bón của má còn thường xuyên “viện trợ” cho tôi, khi bịch nhàu hay mãng cầu, lúc mớ ớt hoặc rau tươi. Điều lớn lao hơn rau quả ấy chính là tình cảm lo toan suốt đời của người mẹ dành cho con cái:
Tình mẹ lặn vào rau trái quê hương
Cây ớt cây chanh cây bưởi bạc tóc mẹ trồng
Rau má rau muống rau sâm tươi xanh bàn tay chăm bón
Chắt chiu gói ghém mẹ gửi quà quê
Trái cay trái chua trái ngọt rau tươi rau héo
Từng cọng từng miếng con ăn gió xuân cuồn cuộn trong lòng
Từ ngôi nhà và khu vườn ngập gió, anh em chúng tôi như đàn chim lớn lên, trưởng thành rồi lần lượt bay xa. Ba tôi không còn nữa. Má tôi xuân này đã ở tuổi cửu tuần và không bao giờ chịu rời khỏi ngôi nhà vài tháng, ngoại trừ đại dịch COVID-19 vừa qua vì giãn cách buộc phải ở với con cháu trong TP Hồ Chí Minh hơn tám tháng, mà khi nghe tin được về nhà, má vui mừng mấy đêm không ngủ, cười nói huyên thuyên như trẻ thơ!
Dù sức khỏe đã yếu nhưng hàng ngày má vẫn cặm cụi trong nhà ngoài vườn như một cách vận động thân thể lẫn trí não.
Má rất vui khi có bạn bè của con đến thăm chơi. Tôi cũng rất xúc động khi có nhiều bạn văn nghệ ở xa mỗi lần có dịp về Phú Yên đều lặn lội lên thăm má, như các anh chị: Nguyễn Quang Thiều, Văn Chinh, Đặng Huy Giang, Xuân Ba, Y Ban, Phan Đăng từ Hà Nội; Nguyễn Thị Việt Nga, Trương Thị Thương Huyền từ Hải Dương; Nguyễn Tham Thiện Kế từ Phú Thọ; Nguyễn Thanh Mừng từ Bình Định; Lê Trâm, Trương Anh Quốc từ Quảng Nam; và đông nhất là từ TP Hồ Chí Minh: Quang Chuyền, Trần Thanh Phương, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Thái Dương, Lê Thị Kim, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Vân Thiên, Trần Nhã Thụy, Phùng Hiệu, Bùi Thanh Tuấn,… Má có tính hay ghi vào cuốn vở mọi dấu ấn trong cuộc đời, từ ngày tháng sinh con, người thân mất, xây dựng hoặc di dời nhà. Má cũng ghi tên và cả quà những người đến thăm, như một cách ghi ơn và nhắc nhở con cháu trả ơn.
Tôi nhớ vào mùa mưa cuối năm 2019. Sau khi kết thúc chuyến thực tế sáng tác của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh gần một tuần ở Phú Yên do tôi phụ trách, tiễn đoàn nhà văn lên đường về lại thành phố, tôi trở về ngôi nhà tuổi thơ. Đêm đó bão bất ngờ ập đến. Cả đêm tôi không ngủ. Má cũng không chịu nằm nghỉ mà cứ ngồi ngóng bão và nói chuyện với tôi. Cuộc đời nhọc nhằn, tần tảo của má với những vui buồn như sống lại trong đêm mưa bão.
Má nói rằng thấy hạnh phúc khi con cái đều lớn khôn, nhiều người bằng tuổi má đã mất từ lâu còn má vẫn may mắn sống sót qua chiến tranh, dịch bệnh. Má lo cho đoàn nhà văn trên đường về TP Hồ Chí Minh có gặp phải bão không. Và má lo về sau trăm tuổi theo về với ông bà không biết có đứa con đứa cháu nào chịu về ở ngôi nhà này không. Ngôi nhà là công sức, kỷ vật của đời má. Khi thân xác nhập vào lòng đất nhưng linh hồn của má vẫn về trong ngôi nhà này, ngồi ở cửa bếp lúc rạng đông hay chiều tà quạt lò than ấm, tự nấu những gì má thích như lúc sinh thời…
Nghe má nói mà lòng tôi nghẹn ngào. Tôi chỉ ước mong sao cho thời gian quay trở lại, như mùa xuân luôn tươi trẻ trở về để má mãi mãi sống cùng con cháu trong ngôi nhà và khu vườn tuổi thơ kỳ diệu ngập gió kỷ niệm của tôi và thơ tôi:
Hừng đông mặt trời như bông hoa tỉnh giấc
Gió nhè nhẹ lướt khu vườn hương vương sương
Lảnh lót sơn ca hoà âm tiếng tre kẽo kà kẽo kẹt
Ánh lửa tí ta tí tách góc bếp sinh thành
Mỏm mẻm mẹ mỉm cười nhìn khu vườn tươi tràn kỷ niệm
Gương mặt đong đầy thời gian ấm áp lửa mặt trời tin xuân.
24/2/2022
Phan Hoàng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...