Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Hình tượng người mẹ trong thơ Hoàng Cầm

Hình tượng người mẹ
trong thơ Hoàng Cầm

Trong sáng tác của Hoàng Cầm giai đoạn chống Pháp, người mẹ như một hiện tượng văn hóa – lịch sử chịu sự chi phối của hệ hình tư duy văn học phản ánh hiện thực. Song, sáng tác của ông vẫn có nét độc đáo, khác biệt so với những nhà thơ cùng thời. Bởi lẽ, ông có cái nhìn khá tinh nhạy, chân xác về thân phận con người. Sang giai đoạn chống Mỹ, người ta thấy Hoàng Cầm đã có những cách tân nổi trội về thi pháp. Tức là, thời điểm ông viết Về Kinh Bắc (1959 -1960), hình tượng người mẹ như một mảng màu văn hóa kết tinh và khúc xạ được các giá trị văn hóa của cộng đồng. Bước vào thời kỳ Đổi mới, nguồn cảm hứng ấy cũng chỉ có tính chất dư âm, nối dài như một thói quen.
Trong văn học dân gian nói chung và văn học Việt Nam hiện đại nói riêng, người mẹ được nhân dân trân trọng, ngợi ca ở đức hy sinh, nhẫn nhịn và công lao dưỡng dục, sinh thành. Trong cái nhìn hồn nhiên chất phác của dân gian xưa, người mẹ và người cha được nhân dân đặt ở vị thế cân bằng, bình đẳng. Chẳng hạn, từ thuở hồng hoang có cặp đôi bà Nữ Oa – ông Tứ Tượng, ông Đùng – bà Đà, bà Tồ Cô – ông Lộc Cộc… Họ xuất hiện, góp phần bổ sung cho nhau, cùng nhau biến đầm lầy thành đồng lúa, biến rừng rậm thành xóm làng. Cùng với việc dựng nhà, lập xóm, họ từng bước thuần phục, chăm sóc chim chóc, muông thú, lấy tình yêu thương nuôi dạy vả biến chúng thành những người bạn gắn bó, hiền lành.
Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình xưa và nay, quyền năng sinh sản dị thường lại luôn thuộc về người nữ. Khi gia đình chuyển qua chế độ phụ hệ, người ta bắt đầu coi trọng và đề cao vai trò của gia đình gia trưởng. Khi ấy, địa vị của người nữ trong xã hội và trong văn học bị nhìn nhận ở vị trí bình thường. Các mối quan hệ ứng xử thân tộc như tình mẫu – tử, phụ – tử dù có được quan tâm, nhưng chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh nào đó. Dù có nhiều cách nhìn, cách nghĩ về người nữ khác nhau, song người ta thấy rằng, những giá trị đạo đức bền vững luôn tồn tại trong hai kiểu gia đình mẫu hệ và phụ hệ. Nói như F. Elghel, “Trong khi gia đình tiếp tục phát triển, thì hệ thống thân tộc cốt hóa lại, và trong khi hệ thống thân tộc tiếp tục tồn tại do tập quán thì gia đình tiến vượt ra ngoài khuôn khổ hệ thống đó”[1]. Nhận định của ông mở ra cho chúng tôi một cái nhìn so sánh về sự khác biệt của hai kiểu gia đình dựa trên căn rễ văn hóa: du mục phương và trồng trọt. Một bên là gia đình phụ hệ, gắn với sức mạnh lăn xả của người nam, còn một phía là gia đình mẫu hệ, gắn với phẩm tính chăm chỉ, chịu khó và nhẹ nhàng của người nữ.
Như vậy, cho dù xã hội bước sang giai đoạn phụ quyền, thì truyền thống trân trọng người mẹ trong văn học trung đại vẫn tiếp tục được nhân dân gìn giữ, nâng niu. Trong văn học trung đại, người ta nhận thấy có nhiều sáng tác về người mẹ góp phần khắc phục, bổ sung cho một số nhận thức thiên lệch, xơ cứng, bó hẹp đề tài và làm nghèo nàn một nội dung phản ánh rất hay của văn học. Bước sang giai đoạn ba mươi năm chiến tranh, người mẹ nổi bật giữa gian nan như một hiện tượng văn hóa lớn. Nhà văn Việt viết về người mẹ với tư cách công dân. Họ biểu trưng cho sức mạnh của lòng dũng cảm, bản lĩnh phi thường. Văn học thời kỳ chiến tranh khẳng định niềm tin vào phẩm tính dễ thương, dịu hiền và tấm lòng cao cả, bao dung của người nữ. Người mẹ nhân từ luôn nghĩ về nguồn cội và hướng về tương lai. Họ tiêu biểu cho đạo lý và triết lý ở hiền gặp lành, “để đức cho con”.
Bước sang thời hậu chiến, do người mẹ luôn biểu trưng cho phẩm chất cao đẹp, hiền lành, gắn với ơn nghĩa sinh thành, đức hy sinh che chở, lòng vị tha, chung thủy, vì thế, khi viết về mẹ, nhà thơ đã nhập vai vào các mối quan hệ xã hội, thân tộc hóa các mối quan hệ này bằng tình cảm máu mủ, ruột rà. Cao hơn nữa, ẩn sâu trong hình tượng người mẹ thời kỳ này còn là khát vọng hòa giải, chung sống thuận hòa, góp phần xoa dịu những vết thương chiến tranh giữa hai bờ chiến tuyến. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, vì khi số phận cá nhân gắn bó khăng khít với vận mệnh của đất nước, khi ấy, những âm hưởng thiêng liêng từ ngàn xưa bỗng lặng thầm trỗi dậy như một dòng hợp lưu vừa rộng vừa sâu. Rộng ở lòng yêu nước, thương nòi và yêu nhân loại, còn sâu là ở tình cảm máu mủ nội bộ của mỗi gia đình, họ mạc, xóm làng.
Tuy nhiên, một khi, thơ trữ tình quá chuyên tâm vào cái cao cả, thiên về cái trọng đại lớn lao của cộng đồng, tất yếu sẽ thưa vắng dần những cái riêng tư. Thậm chí, những trăn trở, thành thật về thân phận con người cũng hiếm hoi hơn, và quan trọng là thiếu đi “cái chủ quan cưu mang được những nỗi niềm thời đại”[2]. Bởi lẽ, bất cứ cuộc chiến tranh nào, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa, phụ nữ và trẻ em là hai lớp người luôn bị tổn thương nhiều nhất. Họ thu hút được sự chú ý và quan tâm của nhiều cây bút. Viết về người mẹ, thơ thời chiến tranh chưa thực sự xác lập được những phong cách riêng. Nhưng rất may là có không ít bài thơ hay bổ sung vào bảng màu văn hóa Việt khi họ nghĩ về mẹ và Tổ quốc. Rõ ràng, đã có một dòng thơ viết về người mẹ, mà mỗi nghệ sĩ nhận thức theo nhiều giác độ và có nét độc sáng riêng.
Chung qui lại, chúng tôi nhận ra các phản ánh ấy thường trăn trở về người mẹ từ hiện thực với những cảm xúc riêng. Nhà thơ Việt thời chiến viết về người mẹ với lòng biết ơn sâu sắc, và sự tiếc nuối vì thiếu vắng một bối cảnh thanh bình cho lời ru cất cánh bay lên. Hoặc vì một lý do nào đó, người ta đã lãng quên đi điều hay, lẽ phải do những suy nghĩ thực dụng của con người thời Đổi mới. Vì lẽ đó, người ta cảm thấy ân hận, hối tiếc khi đã đi qua một đoạn đời bình yên. Xa rời nguồn cội, họ tiếc thương, thấm thía hơn về những mất mát, trống vắng khi người mẹ thân thương của mình đã khuất xa ở bên kia của cuộc đời. Chúng tôi điểm qua một dòng thơ Việt viết về người mẹ không cốt phân định hay dở, thấp cao, mà cốt cấp thêm một cái nhìn so sánh, cốt xác định rõ hơn những sáng tạo, cách tân và kế thừa của Hoàng Cầm trên vỉa mạch văn hóa truyền thống.
Trong sáng tác của Hoàng Cầm giai đoạn chống Pháp, người mẹ như một hiện tượng văn hóa – lịch sử chịu sự chi phối của hệ hình tư duy văn học phản ánh hiện thực. Song, sáng tác của ông vẫn có nét độc đáo, khác biệt so với những nhà thơ cùng thời. Bởi lẽ, ông có cái nhìn khá tinh nhạy, chân xác về thân phận con người. Sang giai đoạn chống Mỹ, người ta thấy Hoàng Cầm đã có những cách tân nổi trội về thi pháp. Tức là, thời điểm ông viết Về Kinh Bắc (1959 -1960), hình tượng người mẹ như một mảng màu văn hóa kết tinh và khúc xạ được các giá trị văn hóa của cộng đồng. Bước vào thời kỳ Đổi mới, nguồn cảm hứng ấy cũng chỉ có tính chất dư âm, nối dài như một thói quen.
Trước hết, người mẹ được Hoàng Cầm nhận thức ở hình tượng “người mẹ hiền”, “mẹ già nua còm cõi”, người mẹ chung của quê hương đất nước, dân tộc giống nòi. Họ đại diện cho một lớp người trong xã hội, một bộ phận nhân dân mang tình cảm kháng chiến. Có lẽ, người mẹ và câu hát ru là bằng chứng giao thoa của khuynh hướng sáng tác mang chủ trương dân tộc hóa, đại chúng hóa và ý thức trở về với nguồn mạch văn hóa dân gian. Sử dụng các đại từ phiếm chỉ, ông nhập cuộc, hòa đồng vào lời ru của người mẹ vùng cao Việt Bắc và bâng khuâng, luyến láy với niềm vui chớm nở hòa bình“Em về với chị vui ca hát/ Mẹ cũng tươi cười cất tiếng ru/ à ơi.. em là em bé sông Lô/ Sóng xanh đuổi xác quân thù về đâu” (Tiếng hát sông Lô). Ông hóa thân vào lời khuyên răn của người mẹ hậu phương, đồng thời chen vào lời ru một khẩu khí của thời đại “Ru rằng: xuân tỏ non sông/ Cha con vừa lập chiến công lẫy lừng/ Xa xôi cha gửi tin mừng/ Lộc khô cành héo xem chừng lại tươi” (Tâm sự đêm giao thừa).
Sáng tác của Hoàng Cầm giai đoạn chống Pháp bàng bạc sắc màu “trữ tình chính trị”, bởi ông thể đã hiện khá rõ quan niệm chung về mẹ hiền và Tổ quốc. Đằng sau lời ru, sau câu chuyện kể, người đọc sẽ hiểu vì sao số phận giữa cá nhân, cộng đồng lại có mối liên hệ khăng khít, chặt chẽ và có thể gắn bó máu thịt với nhau đến vậy? Vì bất cứ lời ru con của người mẹ nào cũng yên lành và thánh thiện bậc nhất. Bất cứ lời an ủi của người mẹ nào cũng chắp cánh cho ước mơ và hạnh phúc nảy mầm “Lời ru êm như bông/ à ơi… cha con ăn tết lập công/ Cho sữa mẹ chảy một dòng nghìn thu/ Cha đem cái chết quân thù/ Làm nên sức sống bây giờ của con” (Tâm sự đêm giao thừa). Ông tìm đến lời ru của mẹ không chỉ do yêu cầu của thời đại, mà còn do nhu cầu thôi thúc nội tại sâu thẳm từ bên trong. Đó là tình yêu quê hương, gia đình và nguồn cội. Phải chăng, đây là một minh chứng cho cái nhìn con người từ chiều sâu. Điều này thể hiện khá rõ trong mạch nguồn cảm hứng viết về người mẹ của Hoàng Cầm ở giai đoạn sau.
Viết về nét riêng của người mẹ trong hoàn cảnh bất thường, Hoàng Cầm nhìn nhận họ như một thành phần xã hội thuần túy, một số phận mang màu sắc cá nhân, một nạn nhân của thời tao loạn. Người mẹ ngày chạy giặc cụ thể, đơn côi “lòng đói dạ sầu”, bước chân trơn trượt, đòn gánh đè vai vất vả mưu sinh. Phía sau bước chân tảo tần và gánh hàng đơn sơ là nỗi ám ảnh, nơm nớp lo âu cho phận người bấp bênh bởi sự dồn đuổi, xéo giày của chiến tranh loạn lạc. Vì thế, lời ru của mẹ, của bà giai đoạn này không hoàn toàn mang ý nghĩa khái quát cho chân lý thời đại hay ý thức công dân, mà đi vào phiếm chỉ một số phận cụ thể, gắn với một “mối thù” cụ thể. Đó là một tổ ấm gia đình bị tàn phá, chia lìa trong chiến tranh giặc giã. Chẳng hạn, Bên kia sông Đuống không chỉ có sự tương phản giữa các phạm trù “ngày xưa” và “bây giờ”,  giữa“tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” và “vết máu loang chiều mùa đông”, mà ẩn sau đó là  giọng điệu cảm thương, nhức nhối, xót xa khiến cho lời ru của bà cũng đầy ám ảnh, thương tích“Tiếng bà ru cháu xế trưa/ Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu/  “à ơi… cha con chết trận từ lâu/ Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”” (Bên kia sông Đuống).
Tiếp nữa, tính chất cá nhân còn được Hoàng Cầm thể hiện rành rõ trong mạch nguồn cảm hứng và suy nghiệm về mẹ và quê hương, nguồn cội sau vụ Nhân văn – Giai phẩm. Trong giai đoạn nhiều biến động này, ông tìm về với hình tượng người mẹ trong cõi lòng mình như một “cơ duyên”. Ông viết tập thơ Về Kinh Bắc với mục đích “Dâng hương hồn mẹ”, chiêm ngắm, bái lạy người mẹ của mình với niềm ngưỡng mộ và ước ao một nơi chốn bình yên, lành vững trở về. Người mẹ trong Về Kinh Bắc rất xa xôi, bí ẩn và giàu chất tâm linh. Đó là người mẹ của muôn đời, là người Mẫu ngự trị trong không gian làng quê Việt – mẹ của cư dân lúa nước “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng” (Đêm thổ). Trong cái nhìn thân tộc, người mẹ không chỉ chở che bao bọc, nâng đỡ tâm hồn, hòa giải bớt đi những mâu thuẫn nội tại, mà còn gắn bó mật thiết với một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa. Bởi khi ông khẳng định một thái độ ứng xử nghiêm túc trong ngôn ngữ, thì cũng đồng thời khẳng định một hệ giá trị của niềm tin “Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc/ Con không cười/ Con thoảng nhớ thoảng quên” (Đêm kim).
Cũng vậy, trong trí tưởng tượng giàu chất huyền thoại của Hoàng Cầm, người mẹ còn biểu trưng cho cái đẹp thiêng hóa cần được tôn thờ. Nhưng không vì thế mà hình tượng này trở nên xa cách, ngược lại, họ vẫn nơi là giãi bày gần gũi, là chỗ dựa sẻ chia bao đắng cay, ẩn ức tủi buồn. Có thể nói, đây là một chia sẻ lặng im an ủi chính mình “Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng/ Khế chua vôi bột lòng tay” (Đêm mộc). Thêm nữa, trong cái nhìn nồng hậu đẫm chất folklore, người mẹ trong Về Kinh Bắc ít nhiều phảng phất hơi thở phồn thực phồn sinh. Đó là mẫu tượng Quan Âm nhuốm sắc màu cổ tích thực – hư và vẻ thẹn thùng hằn in trên má đỏ; là hơi thở, da thịt đàn bà gợi tình khắc khoải, là cái chênh vênh thiêng – tục giữa sao trời “Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt/ Gài mảnh gương giàn thiên lý đợi tua rua” (Đêm thủy). Cái hay của Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc là ông đã viết về mẹ trong dãy thời gian đêm – đêm “ngũ hành” Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Vì chỉ ở thời gian đêm, mọi suy nghĩ mới có thể lắng sâu nhất, lãng mạn nhất và thiêng liêng nhất.
Trong giai đoạn Về Kinh Bắc, cái đẹp mang thiên tính nữ có tác dụng nâng đỡ tâm hồn người nghệ sĩ và giữ cho bao giá trị ổn định, bất biến, không rơi xuống đáy dung tục tầm thường. Người mẹ gần gũi, bình dị hơn với phẩm chất chịu thương, chịu khó. Người mẹ nghèo mò cua bắt ốc vào tiết trời“đại hạn tháng ba” vừa gợi lên bài học về lòng tri ơn, vừa nhắc nhở hôm nay biết trân trọng những giọt mồ hôi và biết phấn đấu, giữ gìn phẩm giá sao cho xứng đáng với đạo lý làm người. Có thể nói, hình tượng người mẹ trong Về Kinh Bắc có phần khác biệt so với cái nhìn con người đại chúng. Bởi người mẹ của quê hương xứ sở có gốc rễ, mạch nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu và sự hậu thuẫn của truyền thống trân trọng, tôn vinh người nữ trong văn hóa ứng xử của người Việt. Người mẹ trong cái nhìn của Hoàng Cầm khác xa so với mẫu người Công – Dung – Ngôn – Hạnh và cam chịu trong đạo Nho, bởi đây là người mẹ có cá tính phóng khoáng, mạnh mẽ, dám đi theo một tiếng gọi “siêu lý” nào đó của tình yêu “Mẹ đi lấy chồng/ Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc/ Mật vàng mọng rách vỏ nâu non” (Đợi mùa). Rõ ràng, sự phá cách này không mâu thuẫn, trái ngược với truyền thống, bởi đó là cách suy nghĩ hồn nhiên, bình thường của dân gian và phù hợp với tinh thần nhân văn cao cả của con người.
Bước vào giai đoạn đất nước chuyển mình và thời kỳ Đổi mới, Hoàng Cầm vẫn luôn da diết, hoài niệm về người mẹ của một thời đã qua. Người mẹ ở giai đoạn này chỉ là những vang bóng của thời kỳ trước. Có lẽ vì thế cho nên, cảm hứng sáng tạo và cái nhìn về người mẹ dường như vẫn bị bó buộc, “cầm tù” trong một thế giới Kinh Bắc xưa “Tôi theo dòng mẫu hệ/ Ngây xanh miền thuở bé/ Nét nhăn hồng hoàng hôn/ Mải theo dòng mẫu hệ/ Thắt yếm đào tuổi son/ Buộc bướm vào hoa lệ” (Theo dòng mẫu hệ). Dựa trên những hình tượng cũ, ông khám phá thêm những khía cạnh của đời tư như nỗi đau, sự mất mát người thân, những khốn khó của cuộc sống đói nghèo, mưu sinh thường nhật.
Đối mặt với cảnh mồ côi, ông cảm nhận về sự thiếu vắng hơi ấm, bàn tay chăm sóc của người mẹ hiền, người vợ đảm “Năm ấy mẹ qua đời/ Tết đến nhà ứa lạnh/ Khói Văn Điển chơi vơi/ thức đầu giường đêm quạnh/ Nhớ mẹ anh nằm khóc/ Em xa bẵng tiếng cười/ Đuổi xuân đi xõa tóc/ Lược bỏ gương mồ côi” (Trước sau). Có lẽ, mọi nhận thức về các giá trị văn hóa mới của thời hiện đại cũng phần nào biến đổi. Đó là lời ru ngọt ngào sâu lắng của tình mẫu – tử bị thay thế bởi lời ru của người em như một sự xoay vần, đổi khác xưa nay “Mẹ ru anh ngủ ngày xưa/ em ru anh thức nắng mưa cuối đời/ Mẹ ru yên ấm biển trời/ em ru anh biết chọn lời nào đâu”(Ru anh thức). Đó là sự thay thế chóng vánh của nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc sang nền kinh tế thị trường làm cho vẻ đẹp bình dị, tươi mát của hồn làng thoáng chốc phôi phai “Mẹ tôi xưa cấy chỗ này/ Giờ thành siêu thị ngang cây cau vàng/ Giờ mẹ đâu? cuối bãi làng,/ Dường như có bóng mèo hoang thoáng về” (Cánh diều lẻ bạn).
Như vậy, sau chặng đường sáng tạo dồi dào về cảm hứng, sâu sắc về cái nhìn, hài hòa về giá trị, người đọc phần nào nhận ra được một chút dư âm, hoài niệm của một thời Kinh Bắc rất xa. Hình tượng người mẹ trong sáng tác của Hoàng Cầm thời kỳ Đổi mới vì thế chỉ như “cái bóng” của giai đoạn trước, là sự lặp lại, nhân lên ở số lượng bài thơ. Điều ấy cho phép chúng tôi nhận thấy tần suất xuất hiện của người mẹ và những đối tượng miêu tả khác, đồng thời hiểu thêm về sự ám ảnh, lộ ra của hình tượng này. Hình tượng người mẹ sau Đổi mới phần nào thiếu đi sự vạm vỡ của tư duy và chưa thực sự khái quát con người ở bề sâu. Điều này chứng tỏ những thoái trào về mặt bút pháp và dễ gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Nhìn lại các chặng đường sáng tạo của Hoàng Cầm, chúng ta nhận thấy hình tượng người mẹ trong cái nhìn của riêng ông đã góp phần xác lập thêm một mảng màu giá trị trên con đường cách tân thơ Việt thế kỷ XX.
Chú thích:
[1] Ph. Ăngghen, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1972, tr.45.
[2] Nguyễn Hưng Quốc, Nghĩ về thơ, Văn Nghệ xuất bản – California, Hoa Kỳ, 1989, tr.32.
22/2/2022
Lương Minh Chung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...