Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Một đêm nhớ đất

Một đêm nhớ đất

Cái đèn pin đã sạc đầy từ chiều bỗng dưng tối rất lẹ rồi tắt ngỏm giữa đồng. Má đã cam đoan cái đầu đèn dù cũ nhưng vẫn còn cầm điện; ở nhà, bà rọi đi canh chừng heo nái đẻ cả đêm mà đèn vẫn sáng choang. Vậy thì tối nay là tại làm sao? Trước khi cắp giỏ đi ra Biền đã đinh ninh thể nào sáng mai cũng được một nồi cháo bù tọt ăn cho ấm bụng, giờ đầu đèn đã lụi thì còn mần ăn gì.
Bàu này cách khoảnh ruộng nhà Biền hai vuông đất, đi tắt chưa đầy mười phút là tới nơi. Dù trông có vẻ gần, nhưng nếu nhà nọ muốn thăm nhà kia, ít ai chọn lối tắt đồng. Đường thôn ấp giờ tráng nhựa, xe cộ qua lại thong dong, hơi đâu băng đồng lội ruộng cho chân cẳng dính sình.
Bây giờ, Biền có lúc cũng tưởng đã ngán hơi sình. Sợ cái mùi ngai ngái hôi tanh, thum thủm của thứ đất năm này qua tháng khác ngủ vùi trong nước. Như ủ mắm. Nhưng tía Biền biểu, nhất thiết đất phải ở cùng với nước để khai sinh mùa màng. Ngoài phố, xuống ngựa lên xe, bàn chân trắng phau, kiếm miếng đất làm dơ móng chân không có. Họa chăng là vài lần đi lao động tình nguyện như làm cỏ nghĩa trang hay khu học xá để kiếm điểm rèn luyện nhận học bổng, Biền mới có lại cảm giác chân lấm tay bùn. Nhưng thật lòng cái chân lấm tay bùn ấy rất giả. Nhưng nhờ những lần như vậy, một cái gì lớn lao từ sâu thẳm trí nhớ như được đánh thức trong Biền. Tưởng không bao giờ mong ngửi lại cái mùi là đặc sản của đất mẹ quê cha, hóa ra Biền vẫn thèm đứt ruột mùi hương thuộc về cố thổ. Hệt như người xứ Biền dù đi đâu đều thèm riết mùi con mắm sặc quê nhà. Vậy đó, mà mãi sau ba năm khăn gói lên chốn thị thành, đến cơn mưa đầu mùa này Biền mới trở về tự mình tìm lại một chút kí ức xưa với nghề đi soi nhái.
Cách chỗ Biền đang đứng một khoảng không xa là mảnh sáng buồn hiu hắt. Đó là một bóng đèn dây tóc kiểu cũ rất ăn điện, lẻ loi nhưng đầy kiên nhẫn tỏa thứ ánh sáng vàng vọt xuống mặt sân đất lổm chổm những mô cao thấp mọc san sát những bụi u du lá mỏng nhưng sắc như dao lam. Bước tới gần thêm, Biền giật mình, chòi nhà ai đứng tênh hênh cạnh bàu lác thế nhỉ? Nó tuy nhỏ nhưng không giống kiểu lều của chủ vịt chạy đồng dựng tạm khi đi ngang qua. Càng không phải là chuồng gà, vì không ai lại nuôi gà xa nhà, khác gì ngầm mời mấy anh trộm vặt tới bứng cả xác.
Khi bước lên thềm đất Biền nhận ra đó là một căn nhà kiểu xưa, nhỏ thấp. Có cảm giác căn nhà không có bàn tay xơ rớ của người đàn bà. Cửa để toang hoác dù đêm, con nhện giăng tơ trên nóc mái. Bên hông nhà củi không đóng cự, ướt nhẹp, chà chôm rơi vãi, dế giun bò lểnh nghểnh, chui ra chui vào lớp lá hoai mục đen ngòm. Một người đàn ông già nua bé choắt bước thấp bước cao xuất hiện, đứng trông ra. Ánh mắt ông lạ lẫm, vừa như bất ngờ vừa giống hồ nghi.
“Chú em cần gì?”
Biền không tin vào tai mình. Giọng nói ấy trầm ấm bay bổng trái ngược hẳn với tổng thể gương mặt và dáng người héo hắt. Giọng nói nghe giống như diễn viên lồng tiếng trong phim chưởng, vừa đủ truyền cảm, vừa đủ thăng giáng, nghe du dương và êm ái. Biền tình thiệt:
“Chú cho con sạc nhờ cái đầu đèn.”
Người đàn ông đón lấy đèn đi vào trong, dặn Biền:
“Chú em ngồi trước nhà cho mát, bên trong bề bộn sợ chú em cười. Đàn ông độc thân mà.”
Biền ngồi xuống chiếc bàn tròn đóng chắp vá từ nhiều loại gỗ, màu sắc không đồng nhất, cũng chẳng được bào kĩ, hãy còn nhám tay trước hiên nhà. Hai cái ghế đẩu đứng chơ vơ, một chiếc còn lành, một chiếc khấp khểu.
Người đàn ông trở ra với một khay đựng ấm chén. Bình trà bằng sành kiểu cũ in hoa văn trúc lâm thất hiền. Bình tích có nắp như hai lỗ mũi đã mẻ một mảnh dưới quai. Đám tách cũng không còn mấy cái lành, được úp xuống khay, vành tách còn đóng nước trà khô vàng sẫm. Người đàn ông giả lả:
“Tôi tên Thờn. May, ấm nước sôi nấu mì xong hãy còn. Đã lâu nhà không tiếp khách bằng trà.”
Biền tin ngay. Ông già tiếp tục bốc một nhúm trà, tránh chỗ mốc meo, bỏ vào miệng bình. Xong ông nhấc cái ấm nước tròn có vòi, đen quện lọ nghẹ lên châm vào bình một lượng nhỏ nước. Ông đậy nắp và đảo, nghiêng người trút vào bình để nước tráng chảy hết xuống hàng ba. Rồi ông lại nhấc ấm lên châm nước mới vào. Xong ông đẩy li trà bốc khói có mùi khăm khẳm về phía Biền, biểu uống nước đi chú em. Ông cũng rót cho mình một li nhưng chỉ nhìn chứ không uống. Đôi mắt mờ đục, ông bảo vừa ngủ một giấc khi rượu không thể làm ông say tiếp mà trong nhà lại không còn giọt rượu nào nữa. Trong giấc ngủ ông đói quá, đói cồn cào. Định nhịn cho qua truông, cho chết thật nhưng không cách nào mà làm được. Ông bật dậy, nấu nước chan một chén mì đã hết hạn sử dụng, sợi bủn và hôi như cứt gián.
Biền nghe, nhìn tóc ông trắng nửa, bết lại thành từng vạt ẩm rít; gương mặt nhăn nheo, khô đét, buồn bã. Dáng ông gầy như một mảnh cây khô. Cái áo sơ mi nhắm chừng không lớn lắm, nhưng khi tròng lên người ông, nó lõng thõng xuống giữa đùi. Thấp thoáng dưới vạt áo là chiếc quần tà lỏn bằng thun, loại rẻ tiền, không xác định được hoa văn trên thớ vải là caro hay sọc dọc. Chốc chốc đầu ông Thờn lại gục gặc, không hiểu là do thói quen hay tại cơn say còn váng vất.
Ngồi lúc lâu, Biền nói:
“Nhà con phía sau hàng bạch đàn to gốc phía dưới kia. Hồi nhỏ con hay đi dạt lên lung này bắt cua ốc lắm. Mà sao con không nhớ ngay đây có một căn nhà?”
“Nhà này mới dựng ba năm trước, chú em à.”
“Vậy thì bằng thời gian con lên thành học, ít khi về quê. Nhưng cũng là người ở đây, sao con chưa từng gặp chú bao giờ nhỉ?”
Người đàn ông ho khan, đáp:
“Tôi đâu phải gốc xứ này…”
Quê tôi ở một cồn nổi không tên trên dòng Bassac, người nhập cư đến gọi cồn Chò. Tía má tôi người miệt Hậu Giang, năm xưa xuôi theo con nước đẩy đưa tới đó. Xứ sông cao sóng cả, nghiệt lắm; nhưng đổi lại rất giàu nguồn tôm cá, mà nức danh là con cá cháy sau mới kể đến cá bông lau, cá ngát, cá tra bần. Cuộc sống những ngày xưa cũ thật hồn nhiên. Sáu tuổi đầu tôi đã theo cha ra khơi, còn má ở nhà cấy miếng ruộng mới khai hoang; mà để có mạ cấy, dân xứ cồn phải vượt cửa sông Trần Đề về đất Đại Ân mướn đất để gieo hạt. Giống lúa mùa ngày trước một năm trồng được hai vụ, nếu tháng Bảy bỏ mạ thì trước Tết âm lịch sẽ có lúa về. Xứ nước mặn, trồng được lúa thì không gì mừng hơn. Chỉ có hột gạo là thứ lương thực nuôi dưỡng thế hệ kiếp kiếp đời đời.
Để có tiền xuôi đò dọc qua Trà Cú đổi thịt, trời chưa hửng tía con tôi đã cất lưới xuống ghe nhổ neo, nhắm hướng mặt trời. Cá cháy phải bắt lúc bình minh. Bởi chúng là giống rất đỏng đảnh, hễ rời khỏi mặt sông là chết. Cái giống đó khi chết cũng nhanh ươn hơn bất kì loài thủy vật nào. Để kịp mang ra chợ mà cá vẫn tươi, cha tôi nhặt từng con móc hở mang, thông gió cho chúng bằng cách bẻ quặp hai vây hàm vào hốc mang đỏ.
Chế biến cá cháy cũng có nhiều cách, người sành ăn xôm đũa vào lưng cá đem nướng xoay, cá chín thì tuột đầu đũa xuống đuôi sẽ lấy được khoảnh lưng không xương béo ngậy. Ai không hủy của thì mang phần còn lại đi tách lấy vụn thịt nấu cháo. Riêng cách thưởng thức cá cháy của má tôi có phần kì công hơn. Bà thường chọn lựa kĩ những con cá trống ngon nhất cặp gắp đem nướng trên lửa đằm, thiệt nhỏ. Canh cá gần chín thì phết bơ, mang xuống dầm vô nước mắm Phú Quốc chính cống thêm gia vị tỏi ớt. Cá mái bà đem ghim với mía trên lửa nhỏ. Đủ thời đủ lượng xương cá sẽ nhũn ra, khi ăn nhai cả xương cũng không hề hấn gì.
Được tài sát cá cháy, chứ nghề nông tía tôi không mấy rành. Nhà được khoảnh ruộng cạn, năm được chừng chục giạ lúa ăn là công má tôi cả. Má tôi là người đàn bà phốp pháp nhưng rắn rỏi; bàn chân bà gấp bốn lần bàn chân tôi. Cha tôi hay ghẹo bàn chân của má như chân voi, nện một bước là lút đất. Tía má tôi đến với nhau là do mai mối, chứ thời sơ đẳng cha mẹ đặt thì con phải ngồi. Má tôi xấu mặt nhưng giỏi vun vén không ai bằng. Ngày trước bên Cồn, cái hay dở của người đàn bà được luận qua nồi cơm, hễ ai nấu cơm bằng nước mặn mà không bị ba tầng trên sống, dưới khê, giữa nhão được coi là kẻ khéo. Má tôi chẳng những nấu cơm ngon hết ý, mà còn trồng được mấy giậu mồng tơi, bầu bí làm xanh ngắt mảnh vườn. Chừng có trái khô, bà cất lại phơi nắng để gieo hạt cho mùa sau. Nên dù sống giữa mênh mông sông khơi, ba người chúng tôi cũng không thiếu thốn cho lắm.
Thứ chúng tôi thiếu là phương tiện giải trí. Tía tôi mê âm nhạc, mỗi lần có dịp đi ra vàm, ghé nhà ông Hội Kỷ, hồi nào ông cũng nán lại nghe hết tuồng cải lương tâm lí xã hội mới về.
Một bữa, có người rủ tía tôi đánh cá cháy cho chợ vàm. Được bao nhiêu người ta lấy hết bấy nhiêu, nghe đâu để chuyển đi Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhà ông Hội Kỷ trực tiếp thu mua cá, mà cá còn nguyên nhớt họ mới lấy, nên chuyến cá nào chở ra vàm tía tôi cũng xếp đặt kĩ lưỡng hơn bình thường. Tía tôi mang huê lợi về cho nhà ông hội đồng nhiều quá, họ đâm ra cảm mến. Lần nọ trở về cồn, họ gửi theo một xấp vải cho ông may tà lỏn. Ngặt ở cồn đâu có ai là thợ may, còn khâu đùm khâu đại như má tôi thì uổng. Má tôi biểu lần sau mang trở lại vàm thuê thợ may cho vừa.
Lần mang vải đi cắt quần ấy, tôi được tía cho theo. Cô hai Khương nhà Hội Kỷ là thợ may. Cô nhỏ hơn tía tôi một tuổi, chồng mới chết. Người đâu mà lẳng lơ. Tôi thấy rõ ràng cổ nắm tay cha tôi, ngữ đàn bà sấn sổ. Hồi đó may quần là đo đáy, cổ cứ ngắc ngứ sợi thước dây trông kì thôi là kì. Lúc ấy, vành tai cha tôi đỏ ửng lên, chẳng hiểu vì sướng hay vì ngại. Thấy tôi nhìn trân trối, họ ngượng, người đàn bà rút cọng thước dây ra ngoài. Những lần sau ra vàm, tía không cho tôi theo. Chỉ chừng khi má biểu tôi phải ra trường chợ vàm học cho biết cái chữ tôi mới theo đò ra ngoài ấy. Ngày tôi học một buổi, mất thêm một buổi đi đò chèo. Cách lâu, có bận cha tôi đi suốt mấy ngày không về. Một bữa, không theo đò chú tám Cẩn về cồn, tôi men theo đường chợ mong tìm được nhà cô hai Khương. Tôi không nhớ đường nên cứ đi, đi mãi. Hỏi bà con người ta chỉ tôi đi về hướng mặt trời lặn. Tôi đi theo con nắng đến đỏ hoe lỏm tóc cứng khô như rạ mới tìm được tới.
Nhà Hội Kỷ kết đủng đỉnh, che rạp chân chuối trang trí lá dừa. Hỏi một chú gần đó, ổng nói đám cưới lần hai của cô hai Khương. Hỏi cưới ai, họ biểu, cưới ba Thung bên cồn, làm nghề đánh cá cháy. Chiều đó lỡ đò về với má, sách vở cũng bị tôi xé vụn tơi bời. Tối, tôi chui vào cái cần xé tiểu thương đựng trái cây bỏ lại ngoài chợ vàm, co ro trằn trọc cả đêm; bên cồn cũng sông nước chạy quanh mà chưa khi nào tôi lại lạnh đến như vậy.
Chưa sáng người ta đã họp chợ. Tôi vừa thiếp đi được một chút thì tiếng leng keng, tiếng người nói, tiếng xuồng ghe va quẹt nhau, lúc lắc rồi đánh vào nước đùm đụp làm dậy cả một khoảng trời. Tôi chui khỏi cần xé, một mạch đi thẳng ra triền sông, nhìn những ánh lửa chớp tắt vẫn còn trên những con tàu đánh cá. Tôi cứ ngồi như vậy đến khi trời sáng hẳn mới đứng dậy phủi đít đi tìm khúc bình bát để chế một cái nạng thun. Tôi đã lượm đất cục bắn u đầu cô hai Khương. Còn chồng cô, nghĩa là tía tôi, không hiểu tại làm sao tôi không ra tay được. Tôi nhìn ông bằng ánh mắt đỏ long sòng sọc lần cuối cùng rồi bắt đò về với má, không bao giờ trở lại chợ vàm…
Ông Thờn vào nhà, hồi trở ra ông châm một điếu thuốc gò quấn giấy. Ông rít ba hơi thì xong điếu thuốc, dán tàn lên giữa cột cái trước hàng ba, nơi đậu chi chít những tàn thuốc khác. Ông biểu, cứ năm cái tàn thuốc như vậy, ông lại được một điếu thuốc mới…
“Sau đó, hai mẹ con chú sống thế nào?”
“Bỏ cồn.”
Ông Thờn điềm nhiên đáp rồi ném cái nhìn ưu tư về khoảng tối xám là khu nhà Biền phía sau hàng bạch đàn. Tiếng ông thì thầm lẫn vào tiếng đêm của thế giới côn trùng ngân nga, tiếng của con chim vạc gọi mình trong vô vọng, tiếng tách đất trồi lên của con ốc lâu ngày tránh hạn, tiếng thảnh thơi trườn đi kiếm ăn của loài lươn lịch chỗ đụn nước sâu dưới lung lác…
… Sau khi đò cặp cồn, tôi sải chân chạy một mạch về nhà. Má tôi tựa lưng vào cái chõng tre bên cạnh một tờ giấy nâu bị vò nát nhàu; tôi không đọc cũng biết đó là tờ giấy bỏ vợ. Đôi mắt má ráo hoảnh, nhưng vừa trông thấy tôi về thì bà khóc nức nở. Bà ôm lấy tôi, xoa đầu tôi. “Má tưởng con mê của ngon thức lạ mà theo họ rồi.” Tôi lắc đầu. Đêm đó, má cứ nằm, một tay xoa lưng tôi, một tay gác lên trán nghĩ suy. Má nói phận đàn bà chính chuyên chỉ một lần chung chăn gối. Bà coi như tía tôi đã chết rồi.
Sáng hôm sau bà đùm túm tôi và mớ đồ đạc nghèo nàn chất lên ghe. Tía tôi vì áy náy hay vì chút lòng thương tôi mà để lại cái phương tiện đi lại duy nhất ấy. Má kể đó cũng là chiếc ghe đưa má theo ba vượt ngàn con sóng dữ đến đây. Lần này cũng chính nó đưa chúng tôi trở về Xà No, tạo dựng lại cuộc đời.
Tôi còn quá nhỏ, má phải cầm lái trong chuyến đi ấy. Đây là lần ra khơi dài đầu đời của tôi, chuyến đi rời bỏ quê mình; còn với má tôi, đó là hành trình trở về sau cuộc tha phương thất bại. Tôi ngồi nhỏ thó trên chiếu, đội chiếc nón nỉ đụp giữa ngổn ngang nồi niêu xoong chảo coi ra không giá trị gì. Nhưng má tôi bảo đàn bà giữ bếp để giữ nhà. Bà cầm dây giật, mắc cục ngù vào khớp, quấn mấy vòng vào hộp máy rồi giật mạnh; vài lần thì máy nổ te te. Chúng tôi dong thuyền. Tôi dõi mắt nhìn cồn lần cuối, thuyền càng xé sóng về trước thì hình ảnh cồn lại càng ngút ngàn xa. Sau cùng nơi tôi sinh ra chỉ còn là cái chấm tròn, nghe nói sau này nó cũng đã biến mất cùng dòng Bassac. Con cá cháy bên vàm cũng không còn nữa.
Suốt dọc đường chúng tôi đi qua, những con sóng bạc đầu chạy đuổi rồi đập vào bờ những cú như trời giáng. Tôi khóc kêu má ơi. Má tôi không trả lời. Bà bặm môi cầm lái. Mỗi khi có làn sóng dữ tràn tới, bà lại rà đuôi tôm lái mũi ghe về hướng khác. Những con đường rẽ sóng hình sin, có lúc sóng đẩy thuyền nhô cao rồi lao xuống thấp, nước chạy vào nửa khoang, đồ đạc trôi lều bều. Má tôi vừa bẻ lái vừa tát nước. Hai mẹ con ướt nhẹp như chuột lột, trời càng về chiều mưa càng lạnh thấu xương. Chúng tôi cứ đi trong mênh mông không thấy bờ như thế, tưởng có lúc con sóng đã vồ nuốt trọn, vậy mà đến giữa đêm đó, cả hai về đến bờ.
Không lâu sau, má tôi bệnh lao nặng rồi qua đời. Tôi sống cùng ông bà ngoại, nhà nghèo phải ăn rau độn cháo cám heo nên cũng không được học hành tử tế. Đến hồi tôi trưởng thành thì ông bà mất.
Tôi đi lính Cộng hòa. Từ đó tôi đi khắp nơi, xứ Nam Kì không chỗ nào là tôi không đặt chân tới. Nhưng tôi là thằng chết nhát, cầm súng chứ không dám giết người. Tôi chỉ có cái thú trả thù đàn bà. Tôi nhắm vào những ả đàn bà lẳng lơ, đã có chồng mà thấy đàn ông là õng ẹo, õng ơ; là gái tơ chưa qua lửa mà rù quến chồng người.
Chắc chú em không tin mặt mày tướng tá tôi vậy mà có thể khiến đàn bà mê chứ gì? Tôi nói chú em hay, muốn gì được nấy là ham muốn của mấy cô, mấy bà. Tôi là lính chuyên diễn trò trong nội binh, thêm có tài ăn nói. Mấy bả cần lời dễ nghe thì tôi không bao giờ nói lớn nói xẵng, cần nghe ca nhạc hay vọng cổ thì tôi gảy đàn xướng hát liền; cần đưa đi chơi thì tôi xách dép, phục vụ tận lực. Chỉ cần tinh ý biết những điều mấy bà cần mà hết lòng đáp ứng. Để mấy bà tin mình giống bà hoàng là kiểu gì sự cũng thành. Tôi không nhớ đã khiến bao gia đình nát tan. Bao nhiêu cô không chồng mà bụng mang dạ chửa. Bởi sau chót tôi cứ chính đáng vì trách phận mà đi. Người ta vẫn nhớ, vẫn thương chỉ có ta là quên. Cũng tội nhưng là do mình…
***
Đang hả hê trước chiến tích tình trường, ông Thờn bổng bưng mặt khóc tu hu. Biền không biết làm gì hơn ngoài nhìn và im lặng. Bất giác, đôi bàn tay gầy guộc lạnh ngắt của người đàn ông nắm chặt tay Biền.
“Chú em ơi! Chú em đừng bao giờ sống bội bạc như lão già này. Cả đời, tôi đã phụ rẫy đất mẹ, phụ tình những kẻ thương tôi. Là tôi đã rời bỏ hay thật đang trốn chạy? Cả một đời phiêu bạt, chỗ ở tôi nhiều vô kể, nhưng chẳng đâu là nhà.”
“Không lẽ trong đời chú chưa từng thực sự yêu và dừng chân trước một người đàn bà nào hay sao?”
Ông Thờn rời tay, lau nước mắt cười buồn.
“Có. Cổ là một người câm. Tôi thương cổ thiệt lòng. Nhưng cổ không thương tôi. Tận đến lúc chết, dù đã có với nhau một mặt con thì cổ vẫn chưa bao giờ thương tôi. Cả con tôi cũng không chịu sống với tôi.”
Nói rồi ông Thờn đưa tay lên vuốt mặt, đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương thấp thoáng đồi mồi. Trên cây xiên nhà, tiếng con thằn lằn tặc lưỡi. Trời chẳng mấy chốc mà khuya khoắt. Vài con gà giật mình thức dậy, nay từ cây xuống đất, cất tiếng gáy sớm. Sương xuống đặc quánh. Biền đứng lên từ giã, xin lại đèn. Ông Thờn lật đật trở vô rồi quay lại trao đèn, ông vỗ vai Biền thân tình.
“Thôi chào chú em. Phải nay còn rượu, tôi với chú em lai rai chờ trời sáng. Bởi phải duyên mới gặp. Đâu có cái gì là vô tình. Mà giờ hai thằng đàn ông ngồi bên nhau nói chuyện mà không có rượu, thiệt tình lãng xẹt.”
Biền hẹn ngày rỗi sẽ lên biếu ông Thờn vài lít chuối hột, không quên dặn ông uống ít còn lo sức khỏe. Ông già nghe, cười. Nụ cười thật hồn nhiên.
“Lâu lắm rồi, từ hồi má tôi mất mới có một người để tâm chuyện sống chết của tôi. Với họ, tôi chỉ là đồ bỏ, đồ bá vất bá vơ, không hơn kém”
Người đàn ông đung đưa dáng người ngúc ngắc trở vào trong.
Cửa đóng lại…
Biền bước chân tránh những bụi u du, về lối cũ. Những ý nghĩ ngổn ngang lẩn quẩn rất nhanh được xếp lại khi những chú bù tọt bốn chân ngồi chồm hổm đông đúc dàn trận, hai mắt thao láo như ngầm bảo tôi đã đợi chú em từ nãy giờ. Biền nhanh tay chộp lấy từng chú, chừng đến nhà thì giỏ lưng đầy. Trời đêm lạnh sắt se, không trăng sao, khi Biền quay lưng lại, ánh đèn xa xa không còn nữa.
Chợt nhớ, chỗ Biền đang đứng xưa cũng từng có tên gọi cồn Chò, thuộc nhà ông hội đồng họ Dương. Một họ có lối sống rất lạ, không giao thiệp với người cùng xóm. Ông nội Biền kể lại từ độ sau tiếp thu, có nhiều người trong họ nhà ấy phải đi học tập cải tạo ở xa trước khi trở lại đất quê nhà an cư lạc nghiệp.
Sáng dậy, Biền nói với má chuyện tối qua. Má ngạc nhiên, chú hai Thờn nào, xứ này đâu có ai tên vậy. Biền giật thột. Cùng xóm lại không phải là người có tiểu sử tốt sao má có thể không biết người đàn ông đó? Người ta vẫn thường nhớ tới vai phản diện nhiều nhất kia mà. Tức mình Biền ra sau nhà, tìm giỏ bù tọt chộp được tối qua để khoe má.
“Đây, nhờ sạc nhờ điện nhà chú mà đường về con bắt được lũ này.”
Má Biền mở hom cài, chỉ thấy trong giỏ thuần những cục đất khô. Biền bàng hoàng. Sao vậy được?
Biền băng đồng lên bàu lác. Khi đến nơi, Biền nhận ra căn nhà tàn tạ, hẳn đã chịu nhiều mùa giông gió mà không được sửa sang. Biền gõ cửa gọi:
“Chú Thờn…”
Không có ai trả lời. Biền bước tới, hai tay nhấc cánh cửa rời dịch về một bên. Lá mục theo đó rớt xuống, mọt bay lả chả, vài hạt nhỏ tròn rơi cay xè mắt Biền. Khi ánh sáng bên ngoài hắt vào Biền mới nhận ra trong nhà không có ai. Hoang cảnh tiêu điều. Giữa nhà có một mô đất cao do mối đùn lên tạo thành hình dáng một người cô độc ngồi tựa lưng vào chõng.
Biền khóc. Gò mối có tự bao giờ? Lâu rồi hay mới hôm qua?
Ông Thờn đêm nào cũng về, hay chỉ đêm qua, nhớ đất quá tìm về?.
2/3/2022
Hồ Thị Linh Xuân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...