Người mà tôi tìm kiếm
Lời tác giả
Tác giả, có thể hoặc vì non tay, hoặc vì thiếu nghị lực, hoặc do cả hai, không dùng các cách mà các nhà văn xưa nay từ cổ điển đến hiện đại đã hoặc đang dùng. Tác giả mạo muội “kịch hoá” bằng cách sử dụng chủ yếu đối thoại và tình huống kịch.
Ngày nay, trong các truyện, ngắn hoặc dài, người ta ít dùng đối thoại; thường như là độc thoại xen vào giữa các dòng tự sự, triết luận,...
Việc làm của tác giả có thể là một thử nghiệm lạc lõng. Nếu có “mua vui” được chút xíu nào cho người đọc thì cũng là điều may mắn rồi.
Chương 1
Tôi may mà gặp được nhiều người, biết nhiều chuyện, do công việc lưu động. Vậy mà có người tôi phải tìm kiếm hoài. Chẳng phải tôi tìm kiếm cho tôi, nhưng ngẫm ra cũng là cho tôi. Có nhiều kẻ chẳng hề cất công tìm kiếm. người nào, và cũng có không ít kẻ chẳng đáng công tìm kiếm. Chuyện thì dài, tôi chỉ là người chứng kiến, chỉ xin làm một người dẫn chuyện khi cần thiết. Tôi sẽ để cho những người trong chuyện tự bộc lộ là chính. Mà tự bộc lộ thì không gì hơn qua các câu nói. Đằng sau câu nói, người tinh ý có thể nhận ra ý nghĩ, tâm tư, tính cách, cả hành động nữa. Nhiều khi che giấu hoặc bộc lộ những sắc thái tâm linh.
Đây là một câu chuyện tình được khởi đầu khá ngộ, hồi còn chiến tranh chống Mĩ, vào quãng thời gian hiếm hoi mà sự ác liệt tạm lắng.
Một căn cứ mật khu miền Nam trong một khu rừng hoang sơ. Một căn hầm nửa nổi, nửa chìm, vừa là nơi trú vừa là nơi làm việc. Trăng rải lung linh trên rừng cây. Trong hầm, một cô gái đang ngồi trước trang sách học mở rộng, nhưng tay cầm một tờ thư, mải nghĩ tận đâu đâu. Bên ngoài, hai chàng trai đang thập thò sau một gốc cây trao đổi khẽ với nhau. Cả hai mặc quần áo giống nhau: áo cánh, quần ta tối màu. Một người có vành tai phải hơi quắp lại vì một vết sẹo. Một người có đôi mày rậm nhưng hơi ngắn. Người mày rậm ngửng nhìn trăng một thoáng rồi bảo người tai quắp:
- Thôi đừng vào nữa Vinh ạ
Vinh phật ý hơn là ngạc nhiên:
- Đến đây cậu lại bàn chùn?
- Bỗng dưng tớ đâm ra e ngại...
- Đừng e ngại cho mình
- Tớ e ngại cho Thu. Tớ cảm thấy chốn “Rờ” này chẳng có gì để cho cậu vương vấn cả. Cậu ở đơn vị chiến đấu chưa được bao ngày đã chuyển qua tuyên huấn. Bây giờ lại được rút ra Bắc. Cái tướng và cái số cậu nó vậy. Tớ hỏi thật nhé: có đúng là cậu “cảm” nặng đến không dứt ra mà đi được không?
- Cậu lại hỏi dớ dẩn thế?
- Tớ vẫn nghĩ nàng là một đoá hoa rừng. Nếu cậu còn phải trụ ở chốn rừng xanh này thì đi một nhẽ. Đừng “hoa lá” tranh thủ rồi làm khổ người ta chờ đợi. Ra tới hậu phương, cậu như hổ được thả về rừng rồi còn gì.
- Cậu chẳng hiểu gì cả.
- Mình không hiểu thật đấy! Gần một năm nay cậu đeo đuổi nàng, mình hiểu được. Nhưng nay thì...
Vinh nóng nảy ngắt lời bạn:
- Cứ cho là hoa rừng đi thì hương rừng này cũng hơn đứt hương đồng nội, càng vượt xa các loại hương vườn. Thú thật là chính mình cũng không ngờ mình lại... Nhưng cậu thắc mắc làm gì? “Tôi yêu là bởi tôi yêu”. Mình không muốn mất nàng. Có vậy thôi.
- Một đứa bé thấy một quả chín. Nó không thèm lắm. Nhưng khi thử hái mà không được thì tự nhiên nước bọt ứa ra đầy mồm, và... Ấy! đừng vội cáu! Cậu hãy phân tích lòng mình kĩ đi. Cũng có thể đó là một sự phục hận không tự giác.- Ngừng một tí Tân nhìn thẳng vào bạn- Sao? Đúng tim đen chứ?
Vinh trở nên trầm ngâm:
- Không phải vậy đâu, Tân ạ, - Đưa tay mân mê cái sẹo ở vành tai - Cậu đã biết chuyện một tên thám báo đâm sượt tai mình. Hôm ấy may Thu đến kịp. Có lẽ mình bắt đầu yêu Thu từ buổi ấy. Không! không phải chỉ vì thế. Càng ngày mình càng tìm thấy ở Thu những nét đẹp riêng. Sống với những người như thế có thể chịu đựng lâu dài nơi mật khu này. Mình cảm thấy câu “cùng chung lí tưởng” chẳng phải là một cách nói hoa mĩ.
- Để không là hoa mĩ, cậu xung phong ở lại quách.
Vinh bỗng nổi nóng:
- Chả phải thách. Cậu lôi thôi lắm. Cậu có ủng hộ mình không?
- Thôi được! Cậu cứ vào đi. Mình đứng ngoài này chuẩn bị bông băng bó mũi cho cậu.
- Cút mẹ anh đi!
Vinh quay ngoắt mình định đi thì Tân nắm lấy tay áo:
- Khoan đã! Định mang bộ mặt hãm tài này dâng nàng à? Nghe tớ nói nghiêm chỉnh đây. Cậu cứ mạnh dạn lên. - Tân nén cười - Mình ở ngoài này sẽ liệu vào tiếp cứu, à quên, vào yểm trợ cho cậu rút lui trong danh dự, à quên, vào gỡ bí. Nhưng nình dặn nhé: Hoặc lòng nàng chỉ là tro nguội đối với cậu, thế thì “đằng sau quay” cho mau. Hoặc trong lòng nàng đã âm ỉ một tí than hồng thì sự chia li sẽ là ngọn gió thuận thổi bùng lên ngọn lửa. Cậu phải tận dụng thời cơ. Cậu có thừa tài ứng biến. Vào đi! À mà thong thả đã! – Xoay người Vinh lại ngắm nghía - Sửa lại quần áo đi! - Vinh làm theo - Vuốt lại tóc! – Vinh làm theo - Xoa hai má cho hồng lên! -Vinh làm theo - Nhe răng xem nào! - Vinh hơi chột dạ, nhưng cũng làm theo - Cười thử xem có thộn quá không nào! - Vinh thụi bạn một quả, Tân đã đề phòng, né tránh được, cố không cười thành tiếng - Đẹp trai lắm! vào chầu được rồi.
Vinh không chờ Tân lui khuất hăm hở tiến lại cửa hầm. Nhưng đến đây đứng do dự một lát mới giơ tay gõ liếp cửa hai cái rồi đẩy ra bước vào.
- Trăng đẹp thế này mà đồng chí bí thư đoàn mải mê học ư?
Cô gái đang ngồi tư lự giật mình, giấu vội lá thư đang cầm trên tay, nhưng Vinh đã kịp nhận ra tờ giấy mà mình đã lén bỏ vào hầm này hồi chiều trong lúc mọi người đang đi lấy cơm.
- Chết! Anh Vinh. - Thu cười ngượng nghịu trỏ cuốn vở - Học phổ thông dở lớp cuối, bây giờ học bổ túc khó vào quá.
- Hay là Thu xin ra ngoài kia học trường chính qui. Chuyến ra Bắc lần này, họ tranh thủ điều động nhiều người lắm.
- Mới vào chưa bao lâu đã đòi đi hở anh?
- Mình cống hiến còn về lâu về dài. Phải tranh thủ thời cơ, Thu ạ.
Thu bật cười:
- Anh Vinh thích từ “ tranh thủ “ nhỉ. Anh ngồi tạm xuống đây.
- Tôi muốn mời Thu đi dạo trăng một lát.
- Anh để cho dịp khác. Thu còn phải chuẩn bị để thi kiểm tra.
- Thu biết đấy, tôi chẳng còn dịp nào nữa, sắp phải lên đường rồi. Thế là không còn được tắm trong ánh trăng rừng này. Không cả những đêm chúi vào một góc lều tránh mưa ngàn. Không cả những buổi ngồi hát cho quên đói. – Nén xúc động – Tôi sẽ mãi mãi mang theo hình ảnh căn hầm xinh gọn của Thu. Tiếc rằng tôi chẳng có tài hội hoạ để mà ghi lại. -Ngừng, đăm chiêu - Nhưng mà ghi trên giấy thì có thể bị ố vàng hoặc mờ phai, còn ghi trong lòng thì càng mang đi xa càng đậm. – Vinh ho khan một cái, hắng giọng, nói khẽ - Thu trả lời đề nghị của tôi được chưa?
Thu mân mê đuôi tóc:
- Anh đã hiểu Thu bao nhiêu đâu.
- Những tình cảm nồng thắm có cần gì nhiều thời gian. Lắm khi hai đám mây lại gần nhau đủ tạo nên tia sét.
- Mà cũng có thể là không. – Vinh phác một cử chỉ thất vọng – Chúng ta còn liên hệ với nhau được bằng các loại đường dây kia mà, phải không anh?
- Thu muốn tôi ra đi mà lòng trĩu nặng sao?
- Ra ngoài đó anh sẽ nhẹ nhõm. Người ta chỉ chịu mang nặng trên đường Trường Sơn thôi, phải không anh?
- Không, Thu ạ, ở Trường Sơn này mang không nặng đâu vì có biết bao người đã ngã xuống đỡ cho. Còn kẻ ra đi thui thủi sẽ nặng trĩu bóng hình người ở lại, nếu người ở lại chẳng muốn là một tâm hồn đồng cảm nâng bước người đi xa.
- Nhưng với khoảng cách không gian và thời gian, liệu hình bóng ấy sẽ có còn được là một chấm mờ nữa không anh?
- Đừng! Thu đừng nói thế, Thu có hiểu thế nào là lần đầu gửi trao không? Một ngạn ngữ nước ngoài có nói: Tình yêu là lửa, sự xa cách là gió. Với những ngọn lửa mạnh liệt, gió không thể dập tắt mà chỉ càng thổi bùng lên.
- Anh Vinh ạ, có thể anh sẽ được ra nước ngoài học. Thế thì đa mang làm gì thêm bận hả anh?
- Không ngờ cô lại tàn nhẫn thế. Chẳng lẽ cô không biết rằng với những người đi xa, tình yêu nơi quê nhà chắp cánh cho họ sao? Thôi, xin chào! Bốn giờ sáng mai tôi lên đường đến trạm giao liên. Chúc hạnh phúc. Vĩnh biệt!
Vinh cúi đầu vội vã đi ra. Thu lặng người nhìn theo, chợt bật dậy kêu lên:
- Anh Vinh! Chờ Thu đã!
Cô bước nhanh ra tạo gió làm tắt ngọn đèn, nhưng cô không để ý. Ánh trăng rọi chếch một vệt trong căn hầm trống.
Họ đã đến với nhau như vậy đó. Cô gái đã tin và đã yêu. Và bây giờ cô đang hi vọng. Trong cuộc cách mạng này, có biết bao nhiêu những con người như thế! Cuộc chiến chấm dứt đã gần một năm rồi. Biết tôi đi nhiều nơi, những người có thiện chí ở cơ quan Thu ngỏ ý nhờ tôi mang hộ lá thư của Thu đây. Cái này về phương diện đo lường vật lí thì chỉ vài gam thôi, nhưng mà nặng lắm đây - bằng những năm tháng đợi chờ kia mà! Minh chứng hoặc đối chứng tình yêu và lẽ sống... Có thể sự tình cờ sẽ giúp tôi chộp đúng cậu Vinh của cô ta. Nhưng... chỗ này xin nói nhỏ một tí: ông thủ trưởng của Thu từng biết Vinh có nói riêng với tôi: “Thằng cha này dễ coi, lanh lợi, tháo vát, nhiều tài lẻ. Của ấy cũng dễ hay ăn vặt lắm. Hắn ta đến với Thu mới công phu chứ. Nhưng chuyện phản trắc thì chẳng cần lắm công phu đâu. Nếu may mà đồng chí tìm đến đúng chàng Lục Vân Tiên của cô Kiều Nguyệt Nga của chúng tôi và nếu mọi chuyện tốt đẹp thì chẳng nói làm gì. Còn nếu anh ta đã ăn phải thuốc lú mà vẫn còn phòng không thì đồng chí đưa hộ thư này của tôi cho cấp lãnh đạo của anh ta. Tôi cũng chỉ gợi ý nhẹ nhàng thôi”. Hừm! Hai phong thư cùng về một chuyện mà chẳng nên là bạn đồng hành. Cầm phong thư của Thu tôi như cảm thấy nó đang cựa quậy. Dường như linh tính mách tôi sắp gặp người phải trao rồi chăng?
Chương 2
Vinh bỗng nhấn mạnh một nốt nhạc vào cây đàn gió rồi dừng. Cây đàn sả một bên cánh lủng lẳng trước người Vinh. Tiếng hát tắt. Tốp ca của câu lạc bộ thanh niên viện X đang hát một bài hát thanh niên “hiện đại” hơi ồn ào. Họ tập một phong cách biểu diễn “thoải mái”: vừa hát vừa đi lại nhộn nhạo, có lúc như quay cuồng, lúc tụ lúc tán. Lúc này cả bọn đang dồn mắt vào Vinh, ngơ ngác. Vinh cài khuy đàn, nói không nhìn ai:
- Thôi! không tập nữa.
- Sao vậy? - Tiếng lao nhao, không ra chất vấn, không ra phản đối.
- Tôi khó ở. Giải tán thôi.
Mọi người chưng hửng một lúc rồi tản mát ra khỏi nơi tập, một sân chơi trong khu vực cơ quan. Hồng, một cô gái chưa đến hai mươi, xinh tươi, hồn nhiên, còn nán lại. Cô đến bên Vinh, giọng lo lắng:
- Anh Vinh làm sao thế?
Vinh cởi dây đàn ra khỏi vai, không trả lời. Hồng băn khoăn:
- Anh bị cảm à? Em đi hỏi thuốc cho anh nhé.
- Không cần. Từ nay không tập tành gì nữa.
- Sao vậy anh? - Hồng thực sự ngạc nhiên.
- Các người tập không nghiêm chỉnh.
- Ai cũng chăm chú cả đấy thôi.
- Cô phụ trách văn nghệ chi đoàn mà cũng không nghiêm túc. Cứ như là đi nhởn.
- Anh bảo bài hát này phải biểu diễn thật tươi vui, phóng khoáng.
- Phóng khoáng chứ không phải nhí nhoáy, đủ đởn.
- Sao anh nặng lời vậy? Em có làm gì đâu nào?
- Không làm gì à? Bài hát đang ở giai đoạn cảm xúc dồn nén thì cô lại hết liếc mắt đến cười duyên. Không chờ được tới lúc tập xong à?
- Chết thôi! Em vô ý quá. Chẳng là vừa nãy lúc anh ra ngoài, cậu Hạnh, cái cậu “lính mới” ấy mà, kể chuyện ngày xưa mẹ cậu ấy lấy bố cậu ấy mà đến ngày cưới vẫn chưa được biết mặt chồng, nên cứ ngượng mãi. Một hôm, bố chồng sai ra ruộng gọi chồng về, mẹ cậu ta mới ra đứng đầu bờ nói to: “ Có người về thầy bảo!” rồi ù té chạy. Vừa rồi nhìn mặt cậu ta, tự nhiên em không nhịn được buồn cười. Ngày xưa lấy nhau hay thật anh nhỉ.
- Thế mà cũng đòi “quyết tâm giành huy chương hội diễn”
- Anh luyện lại cho em đoạn ấy nhá. Đi anh! Hay là để em chạy đi mua mấy que kem ăn rồi ta tập thêm một lát nha anh.
Vinh lại khoác đàn, giọng còn có vẻ sẵng:
- Lúc sắp hát không được ăn kem! – Anh ta ấn thử mấy nốt nhạc – Cô chuẩn bị bắt giọng. Chỗ luyến khi nãy, cô hay vấp đấy.
Họ tập với nhau một lúc. Lại vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra. Vinh xếp đàn vào một góc ghế đá, đến ngồi cạnh Hồng:
- Tạm được rồi, từ rày không được phân tán tư tưởng đâu nhé.
- Tiếng hát em còn non quá anh nhỉ?
- Anh lại ngán tiếng hát già. Chịu khổ luyện thì Hồng có thể ăn đứt các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
- Úi! em thì có mà nghệ sĩ chuyên ăn.
- Thanh niên phải dám có mơ ước lớn. Anh có kì vọng đệm đàn cho em hát không chỉ trong nước mà thôi. Anh muốn tiếng đàn của anh sẽ nâng cánh cho tiếng hát của Hồng vút lên trên bầu trời Mátscơva chẳng hạn, và biết đâu chẳng bay lượn trên Pari, trên Roma. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ chung giữ biết bao kỉ niệm của một thời thanh niên tươi đẹp.
- Trời! Anh nói em phát ngợp lên được. Em chui xuống đất bây giờ đây này.
- Đừng làm anh mất hứng. Có giọng hát em, tiếng đàn anh mới có hồn.
- Thôi anh đừng làm em sợ. Nói chuyện khác anh nhé. Em nghĩ đối với anh thì chẳng kỉ niệm nào đẹp đẽ bằng những tháng ngày anh ở chiến khu trong Nam, phải không anh? Kì sinh hoạt câu lạc bộ thanh niên tới anh kể cho chúng em nghe nhé.
Nét mặt Vinh có một thoáng sa sầm hơi khó nhận thấy. Anh nói khàn khàn:
- Anh quên rồi. Anh không thích nhớ lại. Dĩ vãng là cái gì đã chết.
- Ô! thế mà người ta nói muốn làm nên hiện tại và tương lai thì chớ quên quá khứ.
Vinh lấy lại tư thế đàn anh:
- Với anh, quá khứ xong vai trò rồi. Anh thích sống với hiện tại. Hiện tại là của tuổi trẻ. Chỉ những ai hết thời mới thích ngồi nhấm nháp những ngày qua và muốn nhốt lớp sau vào cái khuôn cũ rích. Bây giờ có hoạ là điên mới xui Hồng mang võng vào Trường Sơn nằm cho muỗi đốt. Phải tách cái hôm qua để tiếp nối cái hôm qua.
- Anh khó hiểu nhỉ.
- Chết! Anh rất cần người hiểu anh. Một người duy nhất thôi thế đã là đủ lắm. - Giọng Vinh trầm xuống - Hồng đâu biết thật ra thì anh rất cô đơn.
Hồng rứt một cộng cỏ bên ghế ngồi đưa lên miệng nhấm, ngửng nhìn trời nói bâng quơ:
- Trời sắp chuyển sang thu rồi.
Bất giác, Vinh cũng nhìn trời; nhưng bầu trời lúc này chẳng gợi trong anh chút cảm nghĩ nào. Anh nín lặng giây lát rồi tiếp tục dòng tâm tình:
- Ngày anh còn học bên nước bạn...
Chợt một tiếng con trai cất lên phía vườn cây kề lối đi chính trong cơ quan khiến Vinh cau mày:
Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng
Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Phản long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chẳng dám nhìn ngược, ngó xuôi.
Có tiếng một người khác quát khẽ: “Thôi! Xin ông tướng im đi cho!”.
Vinh phì cười: -Ông tướng nào lại xuyên tạc câu ca...- Nét cười và câu nói không trọn. Mắt Vinh bị hút theo một cô gái vừa đi qua không xa, một cô trạc hai mươi lăm, có cái đẹp hấp dẫn nhưng đoan trang khiến người ta phải nể vì. Miệng Vinh chưa kịp khép lại lời trước, đã bật lên thảng thốt: - Có người lạ nào đi vào khu vực cơ quan ta thế?
Hồng vội quay nhìn:
- Đâu? Ơ! anh không biết à? Chị Thao ở bộ phận tài chính đấy mà. Chị ấy về làm ở đây đã gần một tháng mà như là cấm cung ấy. Anh không biết cũng phải.
- Nom có dáng suy tư.
- Chị ấy đang dò tin người yêu. Anh ấy trước đây là bộ đội, đi công tác B, còn chị ấy ở thanh niên xung phong. Chị ấy gan lắm, chẳng hé ra đâu. Vẫn làm việc chăm chỉ, chu đáo, hoà nhã với mọi người. Thân với em lắm nhá. Ơ! anh làm sao thế?
Vinh đưa tay mân mê cái sẹo nơi vành tai, mặt trở nên đăm chiêu, mắt nhắm lại, lắc lắc đầu:
- Anh tự nhiên hơi choáng váng.
- Anh về nghỉ đi.
- Không sao.-Lẩm bẩm– Món nợ của năm tháng...
Hồng nghĩ là Vinh đang nói về trường hợp của Thao, chép miệng:
-Chịu đựng nhiều vẫn là những người chung thuỷ.
Vinh lững lờ:
- Ai cũng có cái phải chịu đựng cả.
- Những kẻ phản bội thì chịu đựng nỗi gì, anh?
- Chẳng nên qui kết là phản bội, chẳng nên coi một lời hứa là một dây trói.
Hồng nhìn Vinh, vẻ như lạ lùng:
- Người ta hứa dễ thế sao anh? Cởi bỏ những gì mình đã tin yêu...
- Cởi bỏ thì đau khổ, mà ràng buộc thì khốn khổ. Nuôi tình yêu bằng bổn phận như bố mẹ cậu Hạnh ấy kể cũng buồn cười.
- Lẽ nào trong tình yêu lại không có bổn phận, hả anh?
Hồng nói một cách hăng hái khiến Vinh như bị bất ngờ. Anh không chịu thua:
- Lẽ nào bổn phận lại là tình yêu, hở em?
Vinh chợt ngửng lên, thấy một người đang thập thò phía ngoài. Anh nhận ra ngay:
- Kìa Tân! Lại đây!
Tân đi thẳng vào, môi giấu một nụ cười mơ hồ. Vinh ngoảnh sang Hồng:
- Đây là Tân, bạn tôi, làm ở một trạm nghiên cứu không xa đây mấy. Gọi là trạm gì ấy nhỉ?
Tân nhíu mày:
- Trạm “cầm giữ những cánh chim giang hồ”. Mà ông bạn đừng lẩm cẩm nữa. Ông đã giới thiệu một lần rồi. Chào cô Hồng
Vinh nhếch mép khó hiểu:
- Giới thiệu lại thì càng kĩ chứ sao. Hôm nay khác hôm qua. À, xin giới thiệu thêm với Hồng - trỏ Tân – đây là một thính giả ca nhạc nhẹ rất nhạy cảm. Danh ca Hồng biểu diễn ở đâu mà có hắn đóng vai vỗ tay thuê thì chỉ có nhất. Hắn ta lại là một tay chơi ảnh nghiệp dư có hạng. Tha hồ mà chụp ảnh lưu niệm nhé.
Tân lộ rõ vẻ ngạc nhiên nhìn Vinh:
- Xem ra ông lại ca giọng khác lần giới thiệu trước rồi đấy.
Kí ức Tân chưa phai cái điệu kém mặn mà ẩn đằng sau cái dáng nhã nhặn xã giao của bạn anh lần giới thiệu ấy. Dẫu rằng hai người vốn là bạn chí cốt và dường như đã ngầm kí kết một thoả ước “ không ngáng chân nhau” trong các mối quan hệ với phái đẹp. Vinh tỉnh bơ:
- Thế cậu thích giọng nào?
- Cái ấy thì còn phải xét. Thế nào? Có dứt ra mà đi được không?
- Đi cũng được. Mình vào sửa soạn một tí. Cậu tiếp chuyện cô bạn đây hộ mình.
Tân rập gót giầy:
- Rõ! Nhưng chuyện gì bây giờ?
- Chậc! Trai tài, gái sắc ngồi với nhau thì thiếu gì chuyện.
Vinh lững thững đi vào. Hồng mời:
- Anh Tân ngồi xuống đi. Các anh làm công việc nghiên cứu có vẻ ung dung nhỉ.
Tân ngồi vào chỗ Vinh vừa nãy
- Cũng chẳng ung dung đâu. Mà ung dung hay không là do ở mình cả. Hồng làm ở đây có thích không?
- Cũng vừa vừa thôi anh ạ. Anh là bạn thân của anh Vinh chứ?
- Có chuyện gì vậy?
Hồng đắn đo một chút:
- Hôm nay anh Vinh hơi thất thường. Mọi ngày không thế. Lại đâm ra sính triết lí nữa.
- Tự nhiên à?
- Có một chị chợt đi qua đây, em mới nói cho anh ấy biết chuyện đợi chờ âm thầm của chị ấy.
Hai người cùng im lặng. Hồng thì vì chưa biết nói gì thêm. Còn Tân thì vì đang mải nghĩ ngợi.
- Chị ấy có đẹp không? – Tân chợt hỏi.
- Ai cơ? Chị Thao ấy à? Chị ấy thì ngay bọn con gái chúng em cũng phải mê. Nghe nói chị ấy ở cơ quan cũ bị nhiều người, kể cả các ông cấp trên đã mấy vợ con đàng hoàng và không đàng hoàng, quấy rầy. Vị thủ trưởng trực tiếp của chị ấy cứ ép chị ấy làm thư kí riêng. Một lần, chị ấy vào trình giấy tờ gì đó. Người ta nghe trong phòng “sếp” có tiếng đổ đánh “rầm” và thấy chị ấy xô cửa chạy ra. Mọi người chẳng hiểu có chuyện gì, ngỡ là phải đến tiếp cứu thủ trưởng. Nhưng vừa đến cửa phòng đã phải nháy nhau rút lui êm re. Trong phòng, “sếp” đang lồm cồm bò dậy, mặt nhăn nhó; cạnh đó, chiếc ghế mà “sếp” vẫn bảnh choẹ ngồi tiếp khách hoặc tiếp cấp dưới đổ lăn chiêng. Vất vả lắm chị Thao mới thoát được về đây đấy. Anh lại hỏi có đẹp không!
Tân “à” lên một tiếng. Hồng không hiểu:
- Sao cơ?
- Không có gì. Vinh có bộc lộ tâm sự không?
- Anh ấy bảo anh ấy rất cô đơn.
Tân gật gù:
- Đúng ra thì cậu ấy là người bất hạnh.
Hồng ngơ ngác:
- Em không hiểu
- Vinh chẳng khó hiểu đâu. Có những uẩn khúc mà dần dà sẽ hiểu thôi. Cậu ấy rất cần được thông cảm. Mà quái! Sao cậu ấy lề mề thế nhỉ? Xin lỗi Hồng, tôi đến chỗ hắn xem sao.
Tân đi rồi, Hồng giở vở nhạc định nhẩm lại bài hát đang tập, nhưng cô cảm thấy đã mất hứng nên gập vở lại đứng dậy định đi thì lại nhác thấy Thao. Cô gọi:
- Chị Thao! – Thao đến với Hồng – Em thấy chị phá bỏ lệ thường của chị.
- Ừ, -Thao mỉm cười buồn - bỗng dưng chị cảm thấy thảng thốt không yên thế nào ấy. Cứ ngỡ như có người hoặc có thư chờ ở chỗ thường trực vậy.
Hồng kéo Thao đến ngồi với mình:
- Chị! Em thương chị quá. Chị đã tìm về quê anh ấy chưa?
- Quê anh ấy ở Hà Tĩnh. Anh ấy đã ghi địa chỉ cho mình. Nhưng ba lô mình bị lửa bom thiêu mất. Anh ấy có ông chú ruột ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Anh ấy đã hẹn mình nếu việc liên lạc với nhau có trắc trở thì tìm đến đó. Nhưng năm 1972, bom của Ních – xơn đã đến đó trước rồi.
Cả hai ngồi lặng đi. Một lát, Thao rủ rỉ:
- Mình nhận được hai lá thư, một cái mất hai tháng sáu ngày, một cái thì chậm đúng bốn tháng mười một ngày. Năm 1974, mình được tin anh ấy ra Bắc đang dò tìm mình.
- Chắc anh ấy tốt lắm chị nhỉ.
- Ừ! -Ánh mắt Thao thu vào bên trong. Chị như đang lắng tìm kỉ niệm – Mình và anh ấy gặp nhau buồn cười lắm kia. Anh ấy ở đơn vị bộ đội đóng gần đơn vị thanh niên xung phong của mình. Anh ấy vụng ghê cơ. Lần đầu rủ mình đi chơi, anh ấy cứ ngồi như bụt mọc, rồi bỗng nói “Ta sẽ cưới nhau thật đơn giản Thao nhỉ”. Mình phật ý định bỏ về, anh ấy cứ thần mặt ra nom đến tội.
- Tại anh ấy quá yêu đấy mà. - Hồng cười vui thích.
- Không phải.- Thao cười nhẹ - Anh ấy tính bộc trực nhưng nhát gái.
- Thế mà mới gặp là chị mê ngay đấy nhỉ. - Hồng cười trêu.
Thao bỗng trở lại như một thiếu nữ mười tám phát Hồng một cái, nguẩy người:
- Đừng hòng! Còn là mệt. Anh chàng còn không biết làm duyên với con gái nữa kia. – Thao ngừng ngắn, rồi giọng xa xăm – Ngày ấy, chúng mình sống giữa biết bao nhiêu người tốt bụng, trung thực, biết quên mình vì người khác.
Hồng vẻ cao đạo không hợp với cô chút nào:
- Trong chiến tranh khói lửa mịt mù, người ta vẫn luôn luôn thấy đồng đội. Còn trong hoà bình, trời quang mây tạnh, người ta lại chỉ nhìn thấy có mình. Người ta sống theo nguyên tắc “bốn đờ (Đ)”.
- “Bốn đờ” là cái gì? – Thao hơi ngớ người.
- Đội trên, đạp dưới, đá ngang và đi bậy.
- Khiếp! -Thao nhăn mặt – Cô phán cứ như bà cụ non ấy. Đừng hót theo giọng người khác, em ạ. Phải tin ở điều tốt.
- Nhưng cũng phải tỉnh táo, kẻo lại nhắm mắt mà tin thì cũng gay go chị ạ. Như ông phụ trách của em thì...
Tân và Vinh hiện ra trên một lối đi phía trong. Từ xa, họ đã nhìn thấy hai cô gái. Tân đặt tay lên ngực trái: “Ôi! mình đến mất linh hồn mất thôi.” Vinh cau mặt, quát khẽ: “Thôi đi!”. Hồng thoáng thấy hai người kia, bảo Thao:
- Anh Vinh kìa. Anh ấy vừa hỏi về chị đấy.
Thao giật mình, thảng thốt:
- Vinh à? Ở đâu?
- Kia - Hồng gọi to – Anh Vinh ơi!
Hai chàng trai thong dong đi đến, Vinh trước Tân sau. Vinh nghiêng người trước Hồng:
- Hồng vừa gọi anh đấy à? -Anh quay lại Thao – Chào chị.
Thao thở nhẹ ra, kìm nén một hơi thở dài:
- Không dám. Chào hai anh.
Hồng ngó hai người tinh nghịch:
- Anh Vinh cứ ngỡ chị Thao là “kẻ đột nhập” kia đấy.
Vinh nghiêm trang:
- Anh bận việc quá, ít có dịp đến các bộ phận khác.-với Thao- Hình như tôi đã gặp chị ở đâu rồi.
Thao nhẹ nhàng:
- Không ạ.
Vinh đưa tay về phía Tân:
- Đây là anh Tân, kĩ sư, cán bộ nghiên cứu, bạn tôi. Còn đây là... - ngoảnh sang Hồng – Em giới thiệu đi Hồng!
Hồng giả vờ trịnh trọng:
- Chị Thao, kĩ sư kinh tế, một người có giọng hát rất chi là mê li. - Trở lại hồn nhiên – Em biết hết, chị chẳng dấu được đâu. Em vẫn nghe chị hát một mình mà. Anh Vinh sành văn nghệ lắm chị Thao ạ.
Vinh: - Anh cũng chơi nhì nhằng thôi. Để hạn chế bớt thời gian mình đối mặt với mình.
Hồng: - Thế thì em phải kéo chị Thao vào nhóm văn nghệ mới được.
Thao: - Mình thì làm gì được. Mình như người ta nói, không hay hát mà hát cũng không hay.
- Ư! giọng chị có chất thanh nhạc bẩm sinh rồi. Chị tham gia đi chị! Một! Hai! Ba! Chị đồng ý rồi nhá. Ca nhạc khích lệ và giải sầu mà chị.
- Chị có sầu gì đâu mà giải.
Tân nãy giờ chỉ “dự thính”, chợt lên tiếng, như nói bâng quơ:
- Nỗi buồn gặp đồng điệu thì chuyển gam. Nỗi vui gặp đồng điệu thì cộng hưởng.
Hồng: - Anh Vinh hướng dẫn sinh hoạt văn nghệ rất “nghề” chị Thao ạ, vui lắm.
Vinh: - Nói như cụ Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Lắm khi mình phải thoát ra ngoài mình.
Tân: -Nói kiểu Gớt: “ Khởi thuỷ là văn nghệ”.
Vinh: - Nói bậy! Khởi thuỷ là tấm lòng.
Thao đứng lên:
- Hồng ạ! Chị phải vào đây. Xin phép hai anh.
Chương 3
Có thể là các bạn không tin vào những sự tình cờ, -và nếu
vây, các bạn sẽ có nhiều dịp nữa để hoài nghi-, tôi đến nơi ấy đúng lúc đó, lúc
Thao vừa đi ra. Nhờ công phu mà cũng do tình cờ mà tôi đã biết được ở đấy có
Nguyễn Vinh.
Tôi đi đến, vừa tự tin, vừa rụt rè, chưa dám tin ngay là có
“đối tượng” của mình trong hai “đấng mày râu” đang đứng đó.
-Xin phép hỏi: có đồng chí Vinh ở đây không ạ? -Tôi lễ phép.
Một người dịch ra:
-Anh hỏi tôi?
Tôi thở phào nhẹ nhõm, vừa mở cặp, vừa nói:
- May quá! Có một người đã nhiều năm chờ đợi…
Vì đã sắp xếp sẵn, tôi nhanh chóng sờ đúng phong thư cần thiết.
Tôi kịp nhìn thấy máu dồn lên mặt Vinh. (Tôi trân trọng phút giây xúc động ấy).
Vinh nói vội:
- Ấy, để mời đồng chí về chỗ tôi …
Nhưng tôi đã rút lá thư ra rồi, nên tôi cứ chìa cho anh và tiếp
câu nói dở:
-... nhờ chuyển đến anh lá thư này.
Mặt Vinh từ đỏ chuyển sang tái. Anh hơi lùi lại: - Sao? -
Nhưng rồi anh kịp trấn tĩnh, nhích đến đón phong thư, nhìn bì nhưng ánh mắt
không tập trung vào đấy, trán nhíu lại: - Ai nhỉ?
Tân nãy giờ nín thở theo dõi bạn, lúc này bước tới cầm phong
bì xem, liếc Vinh:
- Thì cứ mở ra xem! Đúng họ tên cậu mà.
Vinh cầm lại cái thư từ tay Tân, rồi đi ra một góc, xoay lưng
lại, xé phong bì, đọc rất lâu, mặt lộ rõ vẻ suy nghĩ rất lung. Trong lúc đó,
Thao lẳng lặng bỏ đi. Hồng khều Tân ra một chỗ, hỏi nhỏ:
- Anh Vinh có người chờ đợi à anh?
Tân đáp lửng lơ:
- Chưa biết thế nào.
- Thế sao …?
- Chậc!
Hồng lại gần tôi:
- Chị ấy ở đâu anh?
- Cũng khá xa
- Chị ấy biết anh Vinh ở đây ạ?
- Không. Tôi nhận trao giùm. Cũng là hú hoạ, may cho tôi quá.
- May cho chị ấy chứ.
Tôi đành cười:
- Ừ nhỉ. Nhưng cũng là may cho tôi nữa.
Vinh đã thôi đọc thư, nhưng mắt vẫn nhìn xuống, tay nắm chặt
một phần lá thư như vò; chiếc phong bì rơi xuống đất. Anh cắn nhẹ môi, rồi cả
quyết quay lại, đi nhanh tới chỗ tôi, chìa trả lá thư:
- Họ nhầm anh ạ.
Tôi đón tờ thư không mấy vui:
- Thế mà tôi đã mừng cho người ta quá sớm.
Tôi lật tờ giấy trong tay, không thấy phong bì. Vinh nhận ra:
- Chết! Xin lỗi. – Anh ta tìm nhặt rồi đưa lại cho tôi. – Xin
lỗi, tôi trót xé mất rồi.
Tôi vuốt phẳng lá thư cho lại vào chiếc phong bì rách:
- Không sao! Cái bì bị xé chưa phải là chuyện quan trọng nhất.
Tôi sẽ kiếm phong bì khác.
Tôi chào mọi người rồi xách cặp lủi thủi đi ra, để lại sau
lưng một sự im lặng bao trùm.
Chương 4
Khi người sứ giả của tình yêu, bất đắc dĩ và bất như ý, đã khuất dạng được một lúc, Tân đến bên Vinh sẽ sàng:
- Ta đi thôi chứ?
Vinh đang mân mê cái sẹo nơi vành tai, nhìn Tân mấy giây, rồi quay mặt đi tránh ánh mắt của bạn, cúi đầu đi như đếm bước về phòng mình.
Tân quay lại Hồng, nhưng chẳng thấy đâu. Cô đang nhớn nhác tìm Thao. Tân chần chừ một chút rồi ra về với một tâm trạng mà anh chưa từng cảm thấy trong tuổi thanh xuân của anh, trong cái “giai đoạn sấn sổ mà nhởn nhơ của cuộc đời” như anh hay nói.
Còn Thao, cô đang ở đâu? Cô đang đứng lặng nơi một góc vườn cây khuất nẻo, mắt thẫn thờ nhìn vào một tấm ảnh trên tay. Lá thư đang đi tìm địa chỉ của người đồng cảnh không quen biết kia chợt đến làm xao động nỗi âm thầm chịu đựng của cô. Cô đứng đây nhưng hồn cô, lòng cô đang sống với một kỉ niệm xưa….
Bệnh xá tiền phương của tuyến đường đặt trong một hang đá.
Nơi đây sơ cứu những người bị thương - thuộc bộ đội và thanh niên xung phong đang trấn giữ con đường – là chủ yếu. Trong một ngách hang kín đáo Thao đang nằm, đắp một chiếc chăn mỏng đến ngang ngực. Cơn đau vừa dịu đi chút ít, cô thiu thiu, một ngọn đèn dầu hoả tù mù soi lờ mờ một bên khuôn mặt đã gầy đi của cô. Một chàng trai mang trang phục quân giải phóng miền Nam, lưng đeo balô, rón rén đi vào. Đó là người yêu của Thao cũng tên là Vinh. - Để tránh nhầm lẫn và nhập nhằng, ta hãy tạm gọi là Vinh B. Bây giờ mạn phép cặp trai gái này, chúng ta hãy theo dõi câu chuyện của họ.
Vinh B dừng lại cách tấm ván nằm của cô gái mấy bước, ngắm nhìn nét mặt cô một lúc rồi khẽ gọi: - Thao!
Thao mở mắt, quay mặt lại, không nén được mừng rỡ, buột miệng: - Anh! -Cô đâm ra tự giận mình: đáng lẽ làm ra vẻ lạnh lùng, xa cách, thì mình lại … Mình đang nghĩ là sau khi được chuyển ra trạm phẫu tuyến ngoài sẽ tìm cách báo cho anh rằng mình đã chết rồi thì không ngờ anh đã tìm được tới đây.
Vinh B vẫn đeo ba lô đi đến sát giường:
- Chỗ anh chỉ cách đơn vị thanh niên xung phong của em độ ba ki-lô-mét đường chim bay mà em chẳng báo tin cho anh làm anh lần mò tìm kiếm mãi. – Anh trách nhưng giọng âu yếm.
- Anh vặn to ngọn đèn lên cho em nhìn anh một chút, - Thao nói khẽ.
Vinh B làm theo lời yêu cầu rồi đến ngồi ghé mép ván Thao nằm. Thao chăm chú nhìn mặt người yêu, ánh mắt ôm ấp, trìu mến.
- Không biết có phải nhờ ánh đèn không mà anh có vẻ đỡ xanh hơn trước.
- Dạo này anh dứt sốt rét rồi. Vết thương của em ra sao? – Vinh B định vén vạt chăn đang phủ lên chân Thao.
- Ấy! Đừng anh! – Thao vội ngăn - Đỡ nhiều rồi - Gần khỏi là người ta cho ra ngoài kia điều dưỡng. Anh đi đâu mà trang bị kĩ thế?
- Anh được lệnh chuyển gấp lên bộ tư lệnh sư đoàn. Suýt nữa thì chúng mình mất hút tin nhau.
- Tấm ảnh của em anh giữ đâu rồi?
- Em hỏi làm gì?
- Đưa trả em
- Em làm sao thế?
Thao, sau một lúc trầm ngâm nói nhanh:
-Anh hãy coi như không có em trên đời này. Em sẽ về hậu phương và em sẽ lấy chồng. Em cống hiến thế đủ rồi.
Vinh B hơi nhổm dậy, lặng đi. Có tiếng nước giọt tí tách đâu đó từ vách hang phía trong. Sau một lát, anh bình tĩnh hỏi:
- Em nói thật đấy chứ?
- Thật
- Đã chuẩn bị chưa?
- Rồi.
-Ai vậy?
-Một bạn học cũ. Anh ấy vừa đi học ở nước ngoài về.
- Em nói dối.
- Em nói rất thật
- Đúng là em nói dối
- Ai dám đặt để một chuyện tầy đình như vậy.
- Đừng lừa anh mà tội. – Thao nín lặng – Em định giải thoát cho anh phải không? Cho anh xem vết thương nào! -Vinh B lật tấm chăn lộ ra chỗ băng quấn to sù nơi đùi phải của Thao. - Chắc chẳng thương tổn lắm đâu. Em đừng bi quan.
Ngón tay Thao mân mê mép chăn. Mi mắt cô cụp xuống. Cố tránh không nhìn Vinh. Cô nói nhỏ:
- Ban đầu, em cũng tưởng là thường thôi. Nhưng rồi chân em dưới chỗ băng tím đi và gần như mất cảm giác. Bác sĩ nói phải cưa cụt để tránh hoại thư.
- Lúc nghe tin, anh cũng đã lường tới khả năng ấy. Nỡ nào em lại nói với anh những câu vừa rồi!
- Anh là con một. Tương lai anh còn dài. Luẩn quẩn với một người vợ tàn phế, đời anh còn ý nghĩa gì nữa.
- Anh giận đấy! Nếu anh bị thì em nghĩ sao?
- Em chỉ nghĩ là em sẽ đền bù cho anh. Mà sao anh gở miệng thế?
- Đấy nhé! Thôi, em không được nghĩ quẩn nữa. Anh sắp phải đi rồi. Em cứ yên tâm mà điều trị. Đến ngày thắng lợi, nhất định chúng ta sẽ trở về và sẽ sống bên nhau. – Anh nói như hát vui- “Đợi ta, ta sẽ về. Trông chết cười ngạo nghễ” mà. Thân thể chúng ta có thể sẽ không còn toàn vẹn, nhưng lòng tin nhau thì không thể bị sứt mẻ. Đừng để một ý nghĩ yếu đuối nào len lỏi vào tâm tư, nghe em!
- Em thương anh quá!. - Nước mắt dâng lên mi, cô tấm tức – Anh đừng giận em. Chẳng phải em nghi ngờ anh hay có ý thử thách anh đâu.
- Anh hiểu rồi. Kìa! em có khóc bao giờ đâu – Anh lấy ra một cái gương con giơ cho Thao soi – Xem khóc có xấu đi không nào! – Anh đặt gương vào tay Thao – Em giữ lấy. Chúng ta sẽ xa nhau lâu đấy. Mỗi khi soi gương, em sẽ thấy như có anh bên cạnh. Thư từ dễ thất lạc lắm. Nếu có trắc trở, chúng ta sẽ hỏi tin nhau ở chỗ chú anh, phố Khâm Thiên, Hà Nội, em nhá. Anh đi đây.
- Thong thả đã. Chiếc ảnh anh hẹn cho em đâu?
- Khỉ quá! Anh mụ đi hay sao ấy. – Anh lục ba lô lấy tấm ảnh ra – Anh đã đề tặng sẵn để trao cho em mà suýt nữa thì quên.
Thao đón tấm ảnh, ngắm rồi cười khẽ:
- Nom anh nghiêm như một ông giáo đang ngồi hỏi thi ấy.
- Thế thì trả lại anh để anh chụp kiểu khác tươi hơn.
- Ứ! – Cô ấp tấm ảnh vào ngực trái, nhìn người yêu đắm đuối.
Vinh B xem đồng hồ tay:
- Muộn rồi. Anh phải đi em ạ.
Thao định gượng ngồi lên, nhưng Vinh đã giữ lại. Anh xoay người, cúi xuống, hai bàn tay đỡ mái đầu Thao, anh nhìn sâu vào mắt cô, rồi môi tìm môi. Chẳng nghe tiếng nước rơi. Chẳng có cái hang ẩm lạnh. Chẳng còn chiến tranh.. Ước gì cuộc sống chỉ là những giây phút như thế này! Nhưng rồi đôi môi phải rời nhau; ánh mắt níu nhau lần cuối. Vinh dò dẫm đi ra, thỉnh thoảng ngoái lại, vấp mấy lần. Thao hơi nhỏm dậy trông theo:
- Anh ấy đang vội. Lẽ ra thời gian ít ỏi phải dành để nói những lời khác kia. Tại mình cả.
Cảnh đó vừa sống dậy trong Thao tươi nguyên. Cô vẫn đứng lặng, mắt mở to nhìn mông vào tấm ảnh.
Tí nữa thì cô mất chân phải thật. Chỉ tại họ băng chặt quá, máu khó lưu thông. May được cô y sĩ đi kèm đoàn thương, bệnh binh về tuyến sau phát hiện kịp thời. Thao không còn dịp trở vào chiến trường. Lành vết thương, cô được cử đi học đại học – cô vốn là học sinh lớp cuối cấp ba đã tự nguyện vào thanh niên xung phong. Tấm ảnh không rời cô theo trường sơ tán, đã nâng đỡ cô trong những tháng ngày học hành kham khổ và gian lao.
- Tại em cả. – Cô như thủ thỉ với tấm ảnh, không biết tự qui lỗi mình vì chuyện gì - Tội nghiệp anh! Chắc vẫn canh cánh thương em bị cưa chân. Bây giờ anh ở đâu?
Hồng tìm thấy Thao, nhẹ nhàng đi đến bên, nói sẽ:
- Chị đi với em một chốc chị nhé. Có đứa bạn em hẹn tìm.
Thao như đang trong cơn mơ:
- Hẹn tìm à? Nhà ông chú ấy bị một quả bom Mĩ khi cả nhà chưa kịp xuống hầm.
Hồng hốt hoảng:
- Chị nói gì thế? Chị làm sao thế?
Thao lắc lắc đầu, sực tỉnh, giọng thảng thốt:
- Hồng đấy ư em?
Cô dìu Thao đi ra. Tay Thao buông thõng như tự nhiên mất hết sinh lực. Tấm ảnh rơi xuống đất.
Vinh về đến trước phòng riêng, chần chừ không mở khoá, lại thả bộ lang thang. Bước chân bất định đưa anh đến góc vườn cây vắng, nơi Thao và Hồng vừa rời đi. Chân lững thững, mặt đăm chiêu, chợt Vinh nhìn thấy tấm ảnh nằm trên cỏ bèn nhặt lên. Anh lơ đãng nhìn qua. Nhưng khi đọc thấy ở mặt sau những dòng: “Một nửa của Thao”, anh giật mình lật lại mặt trước ngắm kĩ: - Thằng cha có diễm phúc đây. Hắn trùng tên với mình à? Không phải chỉ những kẻ lao vào kiếm tiền, kiếm chức mới nặng óc mê tín dị đoan, nhiều người đeo đuổi tình yêu cũng “rứa”. Vinh ta nghĩ bụng: - Có khi đây là cái điềm mình sẽ thay chân hắn ta. Ừ! cứ cho là sự trùng tên chỉ là một sự tình cờ. Nhưng ai run rủi cho “nàng” xin chuyển về đây? Rồi mặt hắn ta bị quẳng ra đây nữa. Vinh định vo tấm ảnh ném đi, nhưng nghĩ thế nào lại nhìn quanh rồi thủ vào túi, nhanh chân bỏ đi.
Anh ta có biết không: chỉ vài phút sau Thao và Hồng đã trở lại chốn đó, vừa đi, vừa dò nhìn mặt đất? Họ đã phải thất vọng ra về. Tất nhiên là vậy.
Chương 5
Trên đường lưu động tôi đã gặp nhiều anh chàng Vinh, song chưa phải là người mà tôi tìm kiếm. Lần này thì may ra... Nhưng thôi, cứ để các bạn theo dõi. Tôi cũng muốn kể quách đi cho gọn. Nhưng sự đời đâu có diễn ra theo y ngôn từ người kể, dù là đúng kiểu, dù là đúng điệu, dù chuẩn xác hay hoa mĩ.
Bây giờ mời các bạn đến với một nhân vật mà các bạn vừa quen: Vinh B. Một căn phòng, một nửa là nơi làm việc, một nửa là nơi ở, chia cách nhau bởi một tấm màn. Trong phòng lúc này có Vinh B, bà mẹ vừa ở quê ra và Lan, một cô gái nông thôn có dáng dấp nữ sinh, khá xinh. Bà mẹ đang ngồi trên giường, hai cánh tay khoanh lại tựa trên đầu gối, nét mặt ủ ê, giọng rầu rầu:
- Anh đã nhiều tuổi rồi đấy. Chẳng biết tôi có chờ được mà bế cháu hay không. Hồi còn chiến tranh anh ở tít trong Nam, hoặc hồi anh còn đi học thì đi một nhẽ.
Vinh B đang sắp xếp gì đó cố nói vui:
- Chỉ sợ đến lúc mẹ lại quá bận thôi.
- Anh đừng nói lảng. Có người bà nào lại ngại nuôi cháu? – Vinh B lẳng lặng tiếp tục công việc – Anh cứ đi biệt, sao không nghĩ những lúc tôi vò võ một mình. Không có cái Lan bầu bạn thì tôi cũng đến chết héo rồi.- Bà ngừng lời, im lặng nhai trầu, chờ xem phản ứng của Vinh, nhưng Vinh cứ nín thít.- Mẹ muốn đến xem con ăn ở ra sao đã lâu, nhưng cứ nghĩ nỗi đường xa diệu vợi. Từ bé, mẹ đã ra khỏi huyện bao giờ đâu. Cái Lan ái ngại mới xin nghỉ việc ít hôm để đưa mẹ đi. Sao con cứ lì xì thế?
Im lặng. Lan sực nhớ ra là có việc, xin phép ra ngoài. Bà mẹ nhìn theo, chép miệng:
- Con bé tốt nết quá. Chỉ riêng mỗi việc nó đỡ mẹ những khi gánh nặng đường trơn cũng đủ ứa nước mắt quí nó. Tội nghiệp! Bao nhiêu đám bố mẹ nó muốn ép nó nhận lời mà chẳng được. Mà mẹ mới chỉ ướm với nó một câu xa xa thôi. Ngày anh ở nhà, mẹ thấy nó tuy còn bé nhưng đã tỏ ra quyến luyến anh. Chẳng chủ nhật nào anh ở trường huyện về mà nó không sang, khi thì hỏi bài, khi thì cho quả na, quả ổi. Anh định để nó đợi đến bao giờ?
-Con có hẹn hò gì đâu?
-Ăn nói bất nhân, bất nghĩa thế con! Chẳng lẽ nó lại hẹn con à? Hay là nó phải sắm giầu cau hỏi anh? Con người ta phải có cái tình, cái nghĩa con ạ. Huống chi đây còn là cái ơn.
- Con cũng rất khổ tâm không biết nên tạ ơn cô ấy như thế nào.
- Nếu con muốn thì chẳng khó gì.
- Tạ ơn mà thành ban ơn đấy mẹ ạ.
- Anh chẳng thương gì mẹ anh cả.
Bà mẹ dỗi, xoay người quay mặt vào góc phòng. Lan trở vào. Mới nhìn thoáng qua, cô đã đoán ra phần nào sự tình. Cô đến bên bà mẹ nhỏ nhẹ:
- Bác ạ, cháu xin phép về trước. Hôm nào bác về, bác điện cho cháu, cháu sẽ đưa xe đạp đón bác ở ga. Còn ở đây ra tàu đã có anh Vinh rồi.
Bà mẹ đứng lên, nhả miếng trầu trong miệng ra tay:
- Để bác cùng về với cháu. Cháu cứ ở đây, bác ra xem mấy thứ đã khô chưa.
Vinh B lính quýnh:
- Mẹ! mẹ về ngay sao được?
Bà mẹ không trả lời, đi ra. Vinh quay lại Lan:
- Lan ạ, Lan cũng ở chơi ít bữa nữa đã. Ở quê lúc này cũng không bận gì lắm kia mà.
- Em còn cuộc họp thường vụ đoàn xã.
Vinh ngần ngừ rồi ấp úng:
-Lan… Lan tha lỗi cho tôi.
-Anh có lỗi gì đâu?
-Tôi biết Lan rất tốt với tôi, nhưng…- Vinh nuốt khan nước bọt – Lan hiểu cho tôi. Tôi, tôi…- Anh đưa tay nắn cổ, không dám nhìn thẳng vào Lan.
Lan cúi đầu, cắn môi, rồi ngửng lên, giọng rành rẽ:
- Anh Vinh ạ, em rất quí bác. Từ hồi em còn bé, bác đã rất thương em. Ngày anh còn ở chiến trường, em năng đến với bác không chỉ vì nhiệm vụ đội viên, đoàn viên đối với gia đình bộ đội neo đơn. Bây giờ em vẫn kính trọng và quí mến bác như trước kia. Còn với anh thì… - giọng cô hơi trầm xuống - trước kia Lan đã mến anh, dẫu rằng…-một hồi ức chợt đến khiến cô bật cười, và do vậy, giọng cô trở nên điềm tĩnh- dẫu rằng anh hay bắt nạt Lan. Nhưng Lan không định làm một Nguyệt Nga chưa biết tình ý Vân Tiên ra sao vẫn cứ ôm bức tượng chờ đợi đâu. Chị Nguyệt Nga thời phong kiến kiên tâm đợi chờ trước hết vì nghĩa sau mới vì tình, và dựa vào một niềm tin có tính chất định mệnh và giáo lí. Dù vậy, chắc hẳn chẳng bao giờ chị ấy chấp nhận một sự hạ cố. Cụ đồ Chiểu đã để cho Vân Tiên tự đến rước Nguyệt Nga về. Lan hiểu anh, anh yên tâm! Lan chưa… là vì chưa gặp… đấy thôi. Trong những người đến với Lan, có người Lan rất quí, nhưng cũng chỉ mới đến thế. Lan biết ý định của bác và Lan vẫn mến anh. Song, cho phép Lan được như một người em gái của anh. Lan chỉ sợ làm bác buồn. Nhưng có lẽ đã đến lúc… Thôi, để em ra đỡ bác một tay.
Lan đi ra. Vinh định bước theo, nhưng lại đứng sững đặt một tay lên má:
- Như bị một cái tát, đáng đời chưa! Lan lớn hơn là mình tưởng. Mà sao Lan có những nét giống Thao thế nhỉ?
Bà mẹ và Lan vào. Tay Lan khoác mấy chiếc quần áo đã phơi khô. Bà mẹ lấy ra một cái túi du lịch, hai bác cháu hí húi gấp áo quần cho vào đó cùng một số vật dụng tuỳ thân. Vinh đứng như trời trồng, hai bàn tay bện vào nhau trước ngực, giọng khổ sở:
- Mẹ ạ, mẹ và Lan chưa về được đâu.
Bà mẹ lầm lũi xếp đồ, lạnh tanh:
- Anh để bác cháu tôi về. Anh giờ có chức vị rồi. Dây với những người nhà quê nó kém thế đi.
Bà giành cầm lấy túi du lịch từ tay Lan đi ra cửa. Vinh nhăn nhó:
- Khổ con lắm, mẹ ơi!- Anh bất lực đi theo mẹ.
Lan ái ngại:
- Hay là … bác cứ ở chơi ít bữa nữa đã bác ạ.
- Thôi! Ở đây chật lắm cháu ạ. Ta đi thôi. -Bà sực nhớ- Cũng phải đi chào qua các người ở đây một tí.
Vừa lúc mấy thanh niên gái và trai ùa vào. Họ hơi sửng sốt, tranh nhau nói:
- Bác và chị lên chơi ít ngày thế ạ?
- Chúng cháu chưa kịp đến chào bác mà bác đã về ư?
- Cháu tưởng……
Bà mẹ trao chiếc túi cho Lan, chắp tay trước bụng xởi lởi:
- Chúng tôi xin giã ơn các bác, các anh, các chị. Ở nhà còn con lợn, con gà, mảnh vườn, đám ruộng nó chờ tay người. Rứt ra mà đi như thế này cũng là nóng ruột lắm. Thôi bác cháu tôi xin phép. Chúc các bác, các chị, các anh mọi sự tiến bộ.
Bà mẹ và Lan đi ra trong tiếng chào, tiếng chúc chen nhau lao nhao: - Bác về ạ! Chị về nhé! – Chúc đi đường bình an. -…
Vinh bị lọt thỏm vào giữa tốp người đi tiễn ra khỏi phòng. Rớt lại hai người, một cô, một cậu. Có vẻ như họ cố ý nán lại.
- Em chàng Vinh hả?
-Thế cũng đòi nói! Dáng không tự nhiên thế kia thì chẳng vợ chưa cưới, cũng người yêu. Vinh ta vớ được của ấy thì bằng lên thiên đường rồi. Anh chàng tẩm ngẩm, cấm có hở ra tí gì.
- Nhưng sao ra về vội thế?
- Ừ! Có vẻ như Vinh muốn giấu chuyện gì ấy.
- Nghe nói Vinh còn vướng với một cô nào hồi đang chống Mĩ kia.
Hai người vừa đi ra vừa tiếp tục “phán”. Khi An, bí thư đoàn cơ quan, dẫn tôi đến thì gian buồng trống không, cửa vẫn mở. An bảo tôi:
- Vinh ở đây. Ơ, cậu này đi đâu nhỉ? Chắc hắn ta chỉ chạy đâu đó thôi. Ta chờ một chốc đồng chí ạ? Sao đồng chí biết đây mà tìm?
- Tình cờ thôi, Tôi đến đây công tác, may lại trúng người đang tìm.
- Mời đồng chí ngồi. Tay Vinh tệ quá, chẳng báo cáo gì với tổ chức cả. Tôi là bí thư đoàn ở đây mà cũng chỉ biết mơ hồ rằng cậu ta trước đây đã từng gắn bó và cô kia đã hi sinh hoặc mất tích. Vừa đây, mẹ cậu ta đến cùng với một cô gái. Có người nghĩ là vợ chưa cưới của cậu ta. Không lẽ có chuyện tung hoả mù.
Tôi nói lên suy nghĩ của mình:
- Nhìn qua nơi ở và nơi làm việc thì thấy cũng là người bình dị.
An nhìn quanh phòng với ánh mắt xét nét:
- Cũng chưa biết thế nào. Cậu này không thuần tính lắm. Chẳng coi ai ra gì cả. Lúc đầu, các đồng chí phụ trách rất quí cậu ta. Có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, hay làm mà ít nói. Nhưng rồi cậu ta cứ thò gai ngạnh ra. Mới đây vừa cho thủ trưởng một cú điếng người. Ai đời cấp trên về kiểm tra, thủ trưởng đọc một bản báo cáo dài, số liệu đầy đủ, luận cứ hùng hồn. Ai nấy đều tán thưởng. Mọi người sắp đứng dậy vào liên hoan – mà liên hoan mặn hẳn hoi cơ, thì hắn ta đứng lên nói: “ Bản báo cáo này nếu đọc để liên hoan thì chẳng nói làm gì. Còn nếu để rút ra những bài học cần thiết thì phải xem xét lại.” Đồng chí bảo thế có ngang không?
- Chắc anh ta cũng có cái lí của mình.
- Tất nhiên, quét nhà thì ra rác. Hắn ta chỉ chuyên môn đơn thuần, nhận thức chính trị non, phương pháp tư tưởng có vấn đề.
- Có thể anh ta có tâm tư riêng chăng?
- Tôi cũng nghĩ vậy. Thủ trưởng tôi bảo: những anh muộn vợ là một, tự thị là hai, là chúa gàn. Để rồi cột mụ vợ vào, kéo theo đàn con, xem có tỉnh người ra không.
Vinh vào, vẻ mặt âm thầm, chào qua hai chúng tôi rồi đến ngồi vào bàn làm việc của mình. – Chàng trai khôi ngô này già trước tuổi, - tôi ngầm đánh giá - kiểu người sống nhiều về nội tâm đây. Anh ta cũng chẳng thèm ngạc nhiên sao có người lạ trong phòng mình nữa.
An cau mày hắng giọng gọi:
- Vinh này! có đồng chí đây đến tìm cậu đó.
Vinh hơi ngửng lên. Tôi lặp lại động tác đã thi thố một lần,- vừa mở cặp, vừa nói: - Có một người đã nhiều năm chờ đợi... – Vinh đứng bật dậy, mặt tái đi rồi đỏ lên. Tôi rút phong thư ra và chìa cho anh. Vinh trân trân nhìn phong thư trên tay tôi giây lâu rồi mới giơ tay cầm lấy. Anh đọc nhanh trên phong bì, nhìn tôi:
- Không phải nét chữ.
- Tôi đề hộ đấy mà. – Tôi vội lên tiếng.
Vinh lí nhí cảm ơn rồi cầm phong thư lẳng lặng đi ra.
An đứng nhìn nghé qua cửa sổ có ý dõi bóng Vinh. Lát sau, anh ta quay lại tôi:
- Sao hắn ta lại phải lẩn đi nhỉ?
- Hẳn là vì hạnh phúc đến bất chợt. – Tôi nói đưa đẩy, song thực sự vui trong lòng, một cái vui khá là vu vơ. Thường khi người ta mong muốn được vui mà chẳng đòi hỏi chi nhiều.
Nhưng... Ngoài kia, Vinh B đang đi giữa mấy rặng cây vắng vẻ, tay nắm chặt phong thư như sợ tuột mất. Có lúc cười một mình. Có lúc bần thần. Dừng lại dưới một góc cây áp thư vào ngực trái. Ngồi lên cỏ, mân mê thư, lại giơ lên soi. Mãi rồi mới quyết định bóc thư. Bóc một cách thận trọng chứ không xé. Giật mình. Chau mày. Lật giở trang thư nhìn lướt nhanh xuống cuối thư. Buông thõng tay, ngả người dựa lưng vào gốc cây. Mặt lộ vẻ chán chường, buồn nản. Một lúc. Cầm lá thư lên vuốt chỗ bị nhàu, rồi cẩn thận cho vào phong bì. Mệt nhọc đứng dậy. Chậm rãi đi về phòng.
Vinh trở vào, mặt lạnh, lấy hồ dán lại phong bì rồi đặt lên bàn trước mặt tôi, nói nhanh:
- Không phải của tôi.
Anh chẳng nhìn tôi, chẳng nhìn An, với tay lấy cái cặp giấy nơi góc bàn phía trong và lặng lẽ đi ra.
An bước lại chộp phong thư lật qua lật lại săm soi tuồng như muốn qua đó tra gạn về thái độ lạ lùng của Vinh. Nhưng thật ra chẳng để làm gì cả. Anh ta dằn mạnh phong thư lên mặt bàn buông một câu:
- Có chuyện đây.
Anh ta cắn môi day day rồi chợt hỏi tôi:
- Ở cơ quan cô ấy không có chỉ dẫn gì thêm à?
Tôi ngần ngừ có dễ đến mươi giây trước khi rút ra phong thư thứ hai, phong thư mà các bạn đã nghe nói đến một lần rồi. Tôi vắn tắt bảo An:
- Đây là thư thủ trưởng cô ấy.
An hăm hở xé bì thư, chăm chú đọc. Anh đọc thành tiếng, cao giọng, có lúc như tự nhủ:
- “Bộ đội, đi B. Tháng 5 năm 1969 chuyển qua bộ phận tuyên huấn”. Đúng rồi! “Được ra Bắc đi học tiếp năm 1970”. Đúng rồi! rất khớp với lí lịch. – An ngừng đọc ngửng nhìn tôi, giọng bất bình – Đúng là có chuyện không bình thường. Hoàn cảnh mới làm tha hoá con người – Anh ta lại cúi đọc – “Nhẹ nhàng, khéo léo tác thành cho họ”. Khó đấy! khó đấy! Đây là vấn đề tư tưởng, không chỉ là vấn đề nhân cách.
Tôi dè dặt góp ý:
-Có lẽ chưa nên vội kết luận.
-Nên với chả nên gì nữa. – An hùng hồn và hùng hổ nói như cãi nhau với tôi - Người ta chờ đợi đến mỏi mòn. Ngọt bùi quên lúc đắng cay. Chó má thật! Đã thế lại ngang như cua, coi thường lãnh đạo. Giờ mà có cô kia ở đây thì xem hắn ta có biết độn thổ không?
- Cái ấy thì dễ thôi. Cơ quan bên ấy sẵn sàng cho một xe con đưa cô ta đi. Nhưng phải cân nhắc đã đồng chí ạ.
- Cân nhắc chứ, anh yên tâm! Không thì mang tiếng cả. – An nói một cách trịnh trọng và với một sắc thái khiến tôi nghe như anh ta bảo: “ Anh không phải dạy tôi!”
Chương 6
Chúng ta hãy trở lại nơi mà cách đây chưa lâu lần đầu tiên chúng ta biết Thao, Hồng và những người khác.
Hồng đang chầm chậm bước loanh quanh, chú tâm vào bản nhạc cầm trên tay. Cô vẫn hồn nhiên, xinh tươi, nhưng lúc này cái phơi phới tuổi xuân nơi cô toát ra rõ hơn. Cô đang tập hát. Chỗ luyến tại một nốt rất trầm trong câu: “Xuân thoáng qua mà ánh mắt đọng lâu” làm cái giọng nữ cao của cô khá vất vả. Bây giờ cô đã vượt qua được và cô dượt lại mấy lần để “củng cố thắng lợi”.
- Trời ơi! cứ ngỡ là danh ca nào - tiếng kêu vui vang lên ngay sau khi tiếng ngân câu hát của Hồng vừa dứt khiến cô giật nẩy mình ngoái lại. Cô cũng reo to:
- Chị Thao! hôm nay nom chị vui hẳn lên.
Nhận xét đó chẳng ngoa. Thoa đã cất bộ mặt trầm tư; má cô như có ánh phớt hồng. Cô tươi tỉnh nói với bạn:
- Một đồng đội cũ của mình mới chuyển ngành vừa cho mình biết là sau ngày giải phóng Sài Gòn ít lâu có trông thấy anh Vinh, nhưng vì lúc ấy hai xe đi ngược chiều nhau nên không kịp hỏi chuyện. Vậy là anh ấy còn sống. Ủa! sao Hồng có vẻ ngơ ngác thế? Anh ấy tên là Vinh, mình nói với Hồng chưa nhỉ?
Hồng ôm chầm lấy Thao:
- Hoan hô chị! Hoan hô anh Vinh của chị! Anh ấy họ gì hở chị?
- Họ Nguyễn, Nguyễn Vinh.
- Thế là trùng tên, trùng họ với anh Vinh đây – ta gọi là Vinh A. Phải rồi! của chị là Vinh B. “Sáng kiến” chưa chị? Chị phải thưởng em mới xong. (Thú thật, chính là do “sáng kiến” này của cô Hồng mà tôi mới có cái đề nghị “tạm gọi” trên kia). Nhưng mà em phải mừng chị cái gì đã. À, bước đầu em hãy hát mừng chị bài “Ánh mắt”. Bài này hợp với chị. Em đọc lời chị nghe thử nhé. – Không chờ Thao gật, Hồng đọc luôn:
Em hỏi anh rằng xuân ở đâu?
Xuân trong ánh mắt thuở ban đầu.
Ơ! xuân bất chợt nơi hò hẹn
Ai chứng niềm vui với nỗi đau?
Thuở ban đầu
Xuân thoáng qua mà ánh mắt đọng lâu
Ánh mắt đọng lâu và xuân lẩn trong ánh mắt
Mùa xuân có mưa phùn gió bấc
Còn không ánh mắt người ơi!
Hồng đọc một cách say sưa, giọng ngân nga như hát. Thao tủm tỉm:
- Em đọc vậy thì chẳng cần phổ nhạc nữa. Có đủ mùi nhạc “vàng” rồi.
Hồng cười chống chế:
- Lời có hơi mềm hơn ca khúc cách mạng. Nhưng vàng hay không còn tuỳ cách hát nữa chứ. Bài này anh Vinh, anh Vinh A ấy mà, phổ nhạc bài thơ của ai đó để hát riêng, em chộp được, em mới đòi anh ấy tập. Nào! chị ngồi nghiêm chỉnh vào! Coi như em biểu diển chính thức lần đầu, ưu tiên dành cho một khán thính giả duy nhất.
Hồng sửa soạn tư thế biểu diễn y như trên sàn diễn thật. Ban đầu, Thao còn cười cười theo dõi Hồng xăng xái một cách tò mò. Về sau, bị cái nhiệt tình của cô bạn chinh phục, cô ngồi im lặng chờ với cái tâm trạng của người ngồi trong rạp hát chờ lúc mở màn. Hồng đang dọn giọng thì Vinh A đi đến.
Bài thơ mà Hồng nói vốn là do Tân nhặt được ở đâu đó đem phô với Vinh. Khi đó, Vinh cười khẩy: “Những thứ ướt át kiểu này chẳng đi đến đâu. Hoạ chăng bẫy được mấy ả gà choai ham học đòi và chuộng lạ”. Sau lần tôi chuyển thư hụt cho anh ta, Vinh A khật khừ mất mấy hôm. Một tối, buồn tình táy máy lục ngăn kéo, anh vớ được bài thơ nọ mà anh đã không thèm để ý. Cũng là vì buồn tình anh tần mần đọc chơi. Bỗng mắt anh sáng lên, vội lấy giấy bút ngồi hầu như suốt đêm phổ nhạc bài thơ đó. Rồi anh ta đem “hát riêng” nhưng không hề có ý định giấu giếm. Ý tứ lời ca dễ có cơ tác dụng như con dao hai lưỡi. Nhưng như một phù thuỷ cao tay ấn tin ở các ngón của mình, Vinh tự tin tài “chơi dao”.Vả chăng, đơn thuốc hay chẳng bao giờ chỉ dùng độc một vị.
Hồng thấy Vinh vào thì vỗ tay:
- A, anh Vinh! Em đang sắp biểu diễn bài “Ánh mắt” của anh. - Chợt nhận ra Vinh tay không, niềm hào hứng của cô hơi xẹp bớt – Anh không mang đàn theo, tiếc nhỉ! Thôi thì anh làm nhạc trưởng dàn ca một người vậy. Ta bắt đầu nhé!
- Chớ! -Vinh lắc đầu, vẻ phật ý – Bài ấy không biểu diễn được đâu.
- Sao vậy anh? - Hồng ngạc nhiên, không hiểu.
- Không hợp. Hồng đưa bản nhạc cho anh.
Hồng nhìn Vinh nghi hoặc, nhưng vẫn trao bản nhạc. Vinh cầm tờ giấy gấp lại xé đôi rồi đút túi. Hồng trố mắt; còn Thao thì hơi mím môi, song chỉ một thoáng, cô nói nhẹ nhàng:
- Sao anh Vinh lại làm thế?
Vinh phác một cử chỉ mơ hồ:
- Thời nay người ta không cần loại bài hát này. Chuyện giữ gìn ánh mắt chỉ là chuyện nhố nhăng, và cả tin là khờ dại.
- Anh nói gì lạ vậy? - Hồng như bị bất ngờ.
- Tôi nói thời nay người ta không thích chờ đợi. – Vinh thản nhiên.
Hồng giận dữ nói nhanh:
- Anh có biết anh đang phỉ báng bao nhiêu chị ở cả hai miền Nam Bắc đã từng chịu đựng, và có người hiện vẫn còn phải chịu đựng như chị Thao đây không?
Thao kéo tay Hồng:
- Hồng! bình tĩnh, em!
Mặt Vinh vẫn lạnh, duy mép trái hơi nhếch:
- Xin lỗi hai cô. Nhưng tôi chỉ nói một sự thật.
- Một sự thật đẻ ra từ những suy nghĩ không lành mạnh. - Hồng gay gắt nói.
- Tôi thèm được tin ngây thơ như Hồng.
- Tôi không muốn nghe anh nữa.- Hồng quay ngoắt người đi.
Vinh bỗng cởi bộ mặt lạnh lùng, công phẫn tuôn lời:
Tôi đi đến, vừa tự tin, vừa rụt rè, chưa dám tin ngay là có “đối tượng” của mình trong hai “đấng mày râu” đang đứng đó.
-Xin phép hỏi: có đồng chí Vinh ở đây không ạ? -Tôi lễ phép.
Một người dịch ra:
-Anh hỏi tôi?
Tôi thở phào nhẹ nhõm, vừa mở cặp, vừa nói:
- May quá! Có một người đã nhiều năm chờ đợi…
Vì đã sắp xếp sẵn, tôi nhanh chóng sờ đúng phong thư cần thiết. Tôi kịp nhìn thấy máu dồn lên mặt Vinh. (Tôi trân trọng phút giây xúc động ấy). Vinh nói vội:
- Ấy, để mời đồng chí về chỗ tôi …
Nhưng tôi đã rút lá thư ra rồi, nên tôi cứ chìa cho anh và tiếp câu nói dở:
-... nhờ chuyển đến anh lá thư này.
Mặt Vinh từ đỏ chuyển sang tái. Anh hơi lùi lại: - Sao? - Nhưng rồi anh kịp trấn tĩnh, nhích đến đón phong thư, nhìn bì nhưng ánh mắt không tập trung vào đấy, trán nhíu lại: - Ai nhỉ?
Tân nãy giờ nín thở theo dõi bạn, lúc này bước tới cầm phong bì xem, liếc Vinh:
- Thì cứ mở ra xem! Đúng họ tên cậu mà.
Vinh cầm lại cái thư từ tay Tân, rồi đi ra một góc, xoay lưng lại, xé phong bì, đọc rất lâu, mặt lộ rõ vẻ suy nghĩ rất lung. Trong lúc đó, Thao lẳng lặng bỏ đi. Hồng khều Tân ra một chỗ, hỏi nhỏ:
- Anh Vinh có người chờ đợi à anh?
Tân đáp lửng lơ:
- Chưa biết thế nào.
- Thế sao …?
- Chậc!
Hồng lại gần tôi:
- Chị ấy ở đâu anh?
- Cũng khá xa
- Chị ấy biết anh Vinh ở đây ạ?
- Không. Tôi nhận trao giùm. Cũng là hú hoạ, may cho tôi quá.
- May cho chị ấy chứ.
Tôi đành cười:
- Ừ nhỉ. Nhưng cũng là may cho tôi nữa.
Vinh đã thôi đọc thư, nhưng mắt vẫn nhìn xuống, tay nắm chặt một phần lá thư như vò; chiếc phong bì rơi xuống đất. Anh cắn nhẹ môi, rồi cả quyết quay lại, đi nhanh tới chỗ tôi, chìa trả lá thư:
- Họ nhầm anh ạ.
Tôi đón tờ thư không mấy vui:
- Thế mà tôi đã mừng cho người ta quá sớm.
Tôi lật tờ giấy trong tay, không thấy phong bì. Vinh nhận ra:
- Chết! Xin lỗi. – Anh ta tìm nhặt rồi đưa lại cho tôi. – Xin lỗi, tôi trót xé mất rồi.
Tôi vuốt phẳng lá thư cho lại vào chiếc phong bì rách:
- Không sao! Cái bì bị xé chưa phải là chuyện quan trọng nhất. Tôi sẽ kiếm phong bì khác.
Tôi chào mọi người rồi xách cặp lủi thủi đi ra, để lại sau lưng một sự im lặng bao trùm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét