Tản bút đường dài
RÔNG RÀI ĐƯỜNG LIÊN KHU BỐN XƯA
Thế kỉ trước, -chà! nói “thế kỉ trước” nghe mới xa vời làm
sao!- hơn một lần tôi làm chuyến du đường dài trên đất nước mình. Vào thế kỉ mới
rồi, lại nhớ những dặm dài, dẫu chân cũng đã muốn chồn. Ờ, thì lại làm chuyến nữa
và gắng ghi lại một số ấn tượng, e rằng “mai sau dù có bao giờ”...
Quốc lộ Một, mà một vài phương tiện thông tin đại chúng từng
biểu dương ầm ĩ chuyện nâng cấp, nhiều đoạn còn dang dở. Nhiều chỗ thấy trưng
biển hạn chế tốc độ; tuy nhiên các lái xe chỉ ớn đoạn qua Diễn Châu thôi. “Công
an ở đây làm gắt lắm”. Cậu lái xe cho xe chạy chậm lại dưới 50km/h bảo vậy.
-Các chú vẫn “mua” họ mà? -Một khách du có tuổi hỏi.
-Bọn này khó mua. –Lái xe đáp. (Nếu thật có vậy thì đáng khen
quá!).
Thường người ta cho rằng đường ở Bắc bộ hay đi dọc những con
sông, còn đường ở miền Trung lại hay cắt ngang sông. Nói vậy, thật ra sông với
đường có thể “duyên nợ” với nhau qua sự song hành hoặc qua những cầu, phà. Sông
hay đường dễ đổi thay hơn? Thường nghĩ là đường. Song, kí ức tuổi thơ tôi chảy
hoài một con sông nhỏ hầu như quanh năm trong xanh, dẫu chảy hơi xiết vẫn là êm
đềm len lỏi giữa những hẻm núi đồi hoặc những vùng vườn cây, nương dâu, ruộng lạc,...
Con sông Phố nhỏ nhoi, khiêm nhường ấy tưởng chừng bất biến mà đâu còn như xưa!
Nói chi chuyện lở bồi. Chỉ riêng chuyện những cây cầu bắc ngang sông “xoá sổ”
bao bến đò ngang cũng đã góp phần làm đổi thay cảnh sắc sông quê và làm đậm
thêm nỗi nhớ những chuyến qua sông nào đó thời sống nghèo khó mà ấm tình người.
Chợt nghĩ: chính sông ngòi cũng là một trong những cái cớ tạo nên tính cách “ru
rú xóm làng” tự ngàn đời của người dân Việt. Cái “bản sắc” này, cách mạng, chiến
tranh, “cải cách” đã làm nhạt đi (cùng nhạt đi cái tình làng nghĩa xóm!) song
còn “bền gốc” lắm biểu hiện rõ nhất ở “đầu óc cát cứ, cục bộ” và “đầu óc xôi thịt”
biến tướng. Hẳn là phải khá lâu sau khi cung cách làm ăn mới, tiền tiến, hiện đại
đã vững chắc, những “truyền thống” xấu mới mất đi cùng với việc bảo tồn và phát
huy những truyền thống tốt. Cái ngày ấy có vẻ còn khá xa. Trước mắt hãy còn “ngổn
ngang” lắm.
Đi trên quốc lộ Một từ Bắc vào Nam vào mùa này như đi giữa thảm
lúa. Nhiều nơi bát ngát màu lúa vàng, màu của no ấm, -chưa phải là màu của giàu
mạnh! Sự giàu lên thấy được ở những thị tứ cũ và mới, qua những con đường mới mở
hoặc mới nâng cấp, qua những toà nhà mới mọc lên ở ngoại vi các đô thị làm vui
mắt du khách (mà cũng làm “ngớ” du khách bởi hầu như rặt một kiểu nhà “hình ống”).
Tuy nhiên, người ta cảm thấy sự xô bồ, chen lấn, thiếu tầm cao, tầm rộng, tầm
xa. Dàn ra, như là đua nhau, những cửa hàng loại nhỏ, nhiều nhất là những quán
ăn và quán giải khát, trong đó có những quán “thổ phỉ” khét tiếng thô bạo với
khách và thức ăn, uống chất lượng kém mà giá thì “cắt cổ” thế nhưng lái xe vẫn
“tạo điều kiện” để khách đi xe phải vào vì sự “ăn cánh” y như thầy thuốc với cửa
hàng thuốc. Sự phồn vinh của một đất nước, nếp sống và mức sống, nhiều khi hiện
rõ ra hai bên đường những nơi có dân cư, trước hết là nơi phố xá. Ở ta, cung
cách làm ăn, cách sống và mặt bằng sinh hoạt chưa tương xứng với những công cụ
tối tân nhập nội bắt gặp khắp nơi như xe đời mới, điện thoại di động, máy ảnh số,
máy tính xách tay,... Đổi thay xác và hồn nếu chỉ là chạy theo và đua đòi thì sẽ
trầm luân trong cạnh tranh hoang dã, lạc nẻo văn minh thật.
Đường qua xứ Thanh mưa dầm dề, buồn như một sự chia li. Tuồng
như đất trời xứ này cũng sụt sùi vì một người con giữ ngôi cao vừa buộc phải xuống
bệ. Xe lướt nhẹ qua cầu Hoàng Long xây xong chưa lâu. Sông Mã chẳng có vẻ gì là
hung hiểm với những hàm rồng đá đầy bất trắc được đồn thổi từ thời người Pháp
xây chiếc cầu sắt qua sông. Ngày ấy, người Pháp trù tính mãi không làm được trụ
cầu giữa sông, nghe nói phải nhờ kĩ sư Đức dùng kĩ thuật vòm treo, trầy trật
mãi làm chết bao người thợ lên bắt vít đinh ốc đấu hai nửa vòm vào nhau. Núi Ngọc
qua cuộc chiến ác liệt với máy bay Mĩ giờ nom có vẻ teo lại giữa đám nhà cửa mới
mọc lên quanh chân núi và hai bên bờ sông. Thành phố Thanh Hoá đã lan tới bờ
nam sông Mã ở phía bắc và Cầu Bố ở phía nam. Cầu Bố, thời chống Pháp là nơi
buôn bán sầm uất nhất vùng tự do bắc Liên khu Bốn xưa gồm ba tỉnh Thanh, Nghệ,
Tĩnh, là chốn mơ ước được dừng chân của lính, học sinh, cán bộ đi công tác; dù
họ chỉ “để xem ra sao” là chính, không như dân buôn.Chỉ hai dãy nhà tranh dài tạm
bợ dọc hai bên một đoạn quốc lộ Một vốn đã bị phá hoại để “tiêu thổ kháng chiến”,
Cầu Bố là nơi tập kết và phân phối hàng hóa, nhiều thứ do buôn lậu, từ vùng “tạm
bị (Pháp) chiếm” ra vùng tự do, trong đó có những thứ bị xếp vào loại hàng “xa
xỉ phẩm”. Có một giai thoại. Một người đàn ông trung niên mặc quần áo ta màu gụ,
đội mũ lá, đi dép lốp, xách một cái bị cói nhỏ đi qua một trạm gác vành ngoài Cầu
Bố. Hai người công an gọi vào khám cái bị lôi ra hai gói thuốc lá Cotab, loại
thuốc lá ngoại thơm nổi tiếng hồi đó, bèn tuyên bố tịch thu. Người kia cố xin lại
gói đã dùng dở. Một công an viên nghiêm mặt: “Không được! Tha phạt đã là may
cho anh lắm rồi. Thứ này phải tiêu hủy. Không thể tiếp tay cho địch âm mưu phá
hoại kinh tế của ta!”. Nài chẳng được, người kia bỏ đi. Đi khuất được một
quãng, gió đưa mùi thơm đặc trưng của thuốc lá Cotab thoảng đến, ông bèn quay
trở lại. Hai chàng gác đang ngồi khoái rít và nhả khói. “Chà! Thơm quá nhỉ! Cho
hút ghé một hơi nào”-Người đàn ông xách bị cói vừa cười nói vừa bước vào trạm. “Ai
cho anh tự tiện vào đây?”-Một công an đứng dậy quát, tay sờ vào vũ khí làm một
cử chỉ uy hiếp. Nhưng người nọ đã nhanh tay rút khẩu súng lục giấu rất khéo sau
tà áo ra: “Các chú tiêu hủy như thế này đó hả?”. Hai vị thất kinh, đành xuống
nước van xin, không thể lấn lướt như với ai khác được. Các chú không ngờ đụng
tướng Nguyễn Sơn, bấy giờ đang là chỉ huy trưởng quân sự liên khu Bốn. Cuối năm
1950, máy bay Pháp đã đến ném bom và bắn phá Cầu Bố tan hoang, sau khi một ổ
gián điệp ấn náu tại đó bị xoá sổ.
Huyện Tĩnh Gia xứ Thanh có một “phố chim” dọc đường số Một.
Lũ chim, phần lớn là khướu, bị nhốt tập thể hoặc riêng lẻ trong lồng to hoặc nhỏ
chờ khách mua, nom ủ rũ, chắc chẳng phải buồn ngày mưa như cô tiểu thư nhỡ hẹn
hoặc nhớ ngàn cây xanh như thi sĩ mò tứ thơ. Một ngày nào đó lúc rừng đã quá kiệt,
e phải nhờ đến các lồng nuôi chim để cứu các giống chim này khỏi tuyệt chủng
chăng?!
Thanh Hóa, cũng như mọi địa phương khác, có nhiều chốn để du,
song hầu như người ta chỉ quan tâm đến khu nghỉ mát Sầm Sơn bởi cách quốc lộ Một
không xa và bởi thuận tiện nghỉ ngơi, vui chơi và cả ăn chơi. Người ta ít biết
đến Lam kinh và thành nhà Hồ. (Không nói những trưởng, phó đoàn nhân danh tổ chức
này, cơ quan nọ gom người đi tham quam-du lịch để làm tiền trá hình!). Thành
nhà Hồ là một công trình kiến trúc đồ sộ toàn bằng đá tảng lớn nhất nước ta. Hồi
làm nhà thờ đá Phát Diệm cuối thế kỉ 19, ông cố đạo tên là Sáu có lấy đá ở đây.
Thời gian, thiên tai, nhân họa -cả địch họa, đụng đến không ít, may mà di tích
này chưa thành phế tích! Trùng tu và tôn tạo Lam kinh, người ta dường như không
nghĩ đến Tây đô. Cả hai cùng liên quan đến một thời kì lịch sử bi hùng của dân
tộc; một đằng gắn với mối hận mất nước, một đằng gắn với sự nghiệp giành lại nước,
như là một sự đối chứng lịch sử. Cấu trúc thành nhà Hồ đáng được chiêm ngưỡng,
khảo sát. Nếu tôn tạo thành quách và khôi phục được những đền đài, cung điện,
đường sá, hào luỹ, dẫu chỉ mới trên đại thể, nó xứng đáng được liệt vào hàng di
sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc
(UNESCO).
Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều tài nguyên du lịch đang ngủ hay
đang mai một dần. Khách phương xa đến Nghệ An hầu như chỉ biết khu nghỉ mát Cửa
Lò và “Quê Bác”. Hà Tĩnh thì không là điểm đến; có chăng là ghé Ngã ba Đồng Lộc
và quê tác giả Truyện Kiều. Phải là địa phương hoặc xứ sở có nhiệt tâm với
ngành du lịch, có “tay nghề” và có đầu óc làm ăn lón thì với cảnh quan: những
bãi biển Cửa Nhượng, Cửa Sót, những núi sông Hồng Lĩnh-Lam Giang, những hồ Kẻ Gỗ,
sông Rác,... đó ; với di tích lịch sử: cổng ải Hoành Sơn, Rú Đụn và đền thờ Mai
Hắc đế, thành Lục Niên và Rú Thành,... đó ; với di tích văn hóa: những đền Cờn,
đền Cuông, chùa Hương trên núi Hồng vốn là gốc tích của chùa Hương ở Hà Tây,
làng quê của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu,... đó, hãy khơi dậy,
qui hoạch, tôn tạo và thổi “sinh khí du lịch” vào đi! Chưa kể những là khu bảo
tồn thiên nhiên Vụ Quang, suối nước nóng Nác Sốt, lèn Kim Nhan,... Lèn Kim
Nhan, thuở tôi còn bé có lần sao băng vạch một vệt ngang trời trên làng quê tôi
rồi mất hút về phía tây-bắc, tiếp đó là một tiếng ầm vang vọng đến. Cha tôi, một
người học nho, bảo: “Lại có danh nhân nào vừa lìa đời. Lèn Kim Nhan vừa mở cửa
động cho tướng tinh ông ta nhập”. Ngày trước người ta tin rằng sao băng là vệt
linh hồn của một ngưòi vừa lìa khỏi xác, và lèn Kim Nhan chỉ dành cho hồn những
người có tiếng tăm. Lèn ấy nằm trong dãy Trường Sơn, tục gọi là dãy Giăng Màn.
Hẳn đó là vùng núi đá hiểm trở nhưng kì thú, có nhiều hang động, chưa được khám
phá, khảo sát. Lại nữa, vùng ấy chắc là từng có thiên thạch rơi vậy mà tới nay
vẫn chưa thấy có sự phát hiện nào!
Đèo Ngang –“Hoành Sơn nhất đái” trong sấm ngữ Trạng Trình, du
khách nên dành thì giờ leo lên Hoành Sơn quan, cửa ải thời cũ. Và nên đi vào
sáng sớm hoặc chiều tà để có thể ngắm cảnh “Lảnh chảnh đầu ghềnh chim vững
tổ / Lênh đênh cuối bãi cá ngong triều” theo con mắt thơ Lê Thánh Tông, và
nghiệm lại tâm sự Bà Huyện Thanh Quan “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
/ Một mảnh tình riêng ta với ta”. Đèo Ngang xưa toàn rừng rậm, hổ báo lại
qua sang tận bên Lào. Hai bên đèo trước đây nghèo xơ xác, nay nhờ thủy lợi đã
có vẻ khá lên. Phía Kì Anh, Hà Tĩnh, đã biết trồng đại trà cao su, dứa,... Đang
khởi công nhà máy hoa quả hộp Hà Tĩnh. Một khu kinh tế mới có cơ hình thành. Có
thành công hay không lại là chuyện khác, bởi, ở nước ta, nhiều dự án như là một
kiểu đánh bạc, có khi lại là chuyện “đi đêm” của những ai đó. Xa hơn một chút
là Vũng Áng, cảng nước sâu và khu công nghiệp cũng đang hình thành. Cảng này
cũng là một cửa ngõ cho nước Lào. Có những điểm du lịch có thể khai thác như
Mũi Đao,... Phía Quảng Bình nom kì thú hơn với những vườn đồi bạch đàn, mít,
xoài; những nhà ngói thấp thoáng sau những cụm cây xanh. Trên đỉnh núi phía
sau, một bãi đá trắng trông như một nghĩa địa trong tranh ấn tượng. Gần đó, một
điểm nghỉ mát biển xinh xắn.
Những chặng đường Liên khu Bốn thời kháng chiến chống Pháp,
chống Mĩ vang bóng nay chỉ còn trong kí ức của những người đương thời còn sót lại.
Có khi những chuyện “vớ vẩn” lại dễ nhớ lâu và hay được nhắc tới. Ngoại thành
Vinh, ông đại tá không tài nào nhận ra địa điểm quán nước “Tuột xích” thời đánh
Mĩ. Tên quán do lính tráng các ông đặt cho. Bọn ông đi công tác qua thế nào xe
đạp cũng dở chứng, tuột xích sao đó, vì vía cô chủ quán đẹp nổi tiếng. Nói đúng
“tim đen”, túi tiền cho phép thì vào quán ngồi nhâm nhi, túi xẹp thì tạo cớ để
ngắm hay liếc trộm ngưòi đẹp. Ông giáo sư thì khi qua địa bàn Hà Tĩnh nhớ lại mấy
câu thơ truyền tụng thời kháng Pháp về một cô gái “đẹp tựa nàng tiên” đến nỗi “chiến
sĩ ai người qua Phủ Đức / cố tìm cho thấy bóng Mộng Viên” bởi “Mộng Viên khiến
thẹn cảTây Thi / Náo nức chàng trai tuổi dậy thì”... Sự thật, nàng tiên Mộng
Viên chỉ là một cô gái vô gia cư dở người, sẵn sàng làm bất cứ việc nặng nào mà
người ta thuê song lắm khi tinh quái một cách đáng ngờ. (Mãi sau này, nghe nói
đó là một gián điệp lợi hại của Pháp rồi của Mĩ từng chỉ đạo cuộc oanh tạc nhà
máy dệt Nam Định thời chiến tranh phá hoại của Mĩ (!) ). Chẳng sao! Để góp phần
thư giãn trên hành trình cuốc bộ, chuyện lòe nhau chơi hoặc chuyện gây cười.
Cuốc bộ! Ngày nay, hiếm người Việt cuốc bộ đi du lịch. Người
nước ngoài thì lại có thể gặp trên mọi miền đất nước ta. Ghé Kì Anh, tôi được
nghe hai mẩu chuyện. Mẩu thứ nhất, một ông “Tây ba lô” gõ cửa một nhà ven đường
số Một xin nghỉ nhờ qua đêm bị từ chối. Mẩu thứ hai, một ông khác đi cà nhắc
trên đường trong nắng gắt và gió Lào; một chiếc xe tải chạy qua cùng chiều, người
lái xe có lẽ cám cảnh bèn dừng xe cho đi nhờ, anh ta nói cảm ơn và... lắc đầu,
tiếp tục lê bước. Ở chuyện thứ nhất, lòng trắc ẩn và lòng hiếu khách của người
Việt đâu rồi? Ngày trước, ngay trong thời chiến, người lỡ độ đường có thể ghé bất
kì nhà nào tiện gặp xin nghỉ nhờ, rất ít khi bị thoái thác. Bây giờ, thay cho
lòng trắc ẩn là sự cảnh giác chăng! Ở chuyện thứ hai, người nước ngoài kia quyết
tâm vượt khó hay ngại sự “săn đón” bởi đã có kinh nghiệm của bao người đi trước
mua hàng và thuê dịch vụ ở xứ sở “mến khách” này? Xem ra, nhiều khi chuyện vặt
lượm lặt dọc đường chẳng phải là chẳng đáng bận tâm!
° Tản bút -"tản" không mang nghĩa trong "tản
văn", mà có vai trò như "tùy" trong "tuỳ bút".
KHƠI GỢI PHONG NHA
Đường số Một, ngã ba Hoàn Lão, có đưòng rẽ vào động Phong
Nha. Cái tên “Hoàn Lão” gợi nhớ một chuyện thời kháng chiến chống Pháp. Có hai
người trai huyện Bố Trạch, một ở Hoàn Lão, một ở Lộc Thôn, cùng học với nhau,
cùng tham gia Việt Minh, cùng tham gia cướp chính quyền huyện hồi Cách mạng
tháng Tám. Pháp trở lại chiếm đóng Quảng Bình, một người đi kháng chiến, người
kia hàng giặc. Một ngày kia, chàng trai Hoàn Lão sa cơ bị giặc bắt và bị chính
bạn cũ sát hại. “Trai Quảng Bình trong quán phở chiến khu / Đập bàn / Tắt
đèn / Thằng Ái Lộc Thôn giết thằng Kì Hoàn Lão”, mấy câu trong bài thơ của
Hữu Loan, tác giả bài “Màu tím hoa sim” nổi tiếng, viết về chuyện này. Hoàn Lão
bây giờ là một thị trấn có nhiều nhà tầng, mái ngói đỏ lô nhô trên nền cây
xanh. Chẳng hiểu sao ở miền Trung, xứ sở của cát khô và gió Lào, người ta lại
chuộng màu đỏ gắt như vậy!
Đường vào động Phong Nha qua một cánh đồng rộng lúa vàng mơ;
rồi đến một cánh đồng ngô hẹp trải dài một bên, bên kia là những vườn cây ăn quả.
Con sông nhỏ mang tên Son mà nước trong xanh sẫm màu cây núi,
hai bên bờ mươn mướt nương ngô. Đường 15, con đường nối vào Nam mới mở thời chống
Mỹ, vắt qua chỗ phà Xuân Sơn. Nay đường Hồ Chí Minh nương theo một phần con đường
này. Dự án con đường chiến lược xuyên Việt kia xâm phạm khu vực Phong Nha bị phản
đối gắt gao liệu có điều chỉnh không? Bến phà Xuân Sơn ngày ấy, đại tá H. khoe
nhờ năm bao thuốc lá Điện Biên mà thoát chết tại đây. Xe ùn lại, phà chở không
xuể. Xe chở H. đến sau. H bèn rứt ruột đem 5 bao thuốc biếu trưởng phà,- thuốc
lá loại này hồi đó là thứ quí hiếm. Xe H được vượt lên sang sông trước, đi được
chừng một ki-lô-mét thì máy bay Mĩ đến ném bom đúng chỗ bến phà. Định hỏi vui H
xem ông ta khi qua đây có muốn gặp lại vong hồn những người thế mạng mình ngày ấy
không, song nghĩ thấy không tiện –ông ta có thể cho là hỏi xỏ. (Tay H. này nhiều
khoé “lanh trí” lắm. Một lần, tại sân Hàng Đẫy có trận đá bóng tranh giải vô địch
quốc gia, vào cái thời mà thiên hạ còn nô nức mua vé vào xem. Sân đã kín chỗ,
trước các cửa đóng chặt vẫn đông người cố bươn hòng lọt vào xem đứng cũng được.
H. và một tay bạn nữa bèn “xoay” một giấy phép “được vào sân để theo rõi một đối
tượng nghi vấn đang ngồi xem trong đó”, -cố nhiên là bịa! Lúc này mà mở cửa thì
những người gác khó mà ngăn thiên hạ ùa vào. Người ta phải điều một đại đội cảnh
vệ đến dàn ra canh chừng để cho hai anh chàng ung dung vào sân để... xem đá
bóng!).
Bến đò đi Phong Nha nằm phía trên phà Xuân Sơn một chút. Từ bến
đến cửa động chừng 5km, đi thuyền máy khoảng nửa giờ. Sông Son quãng này có chỗ
sâu đến 10 mét. Bên hữu ngạn, sau bãi ngô non ven sông là rặng tre dài đứt
quãng, ngồi thuyền thấy thâp thoáng đằng sau là xóm thôn thanh bình và yên phận,
như tách biệt với cái không khí “thời buổi kinh tế thị trường”, và thật xa vời
cái không khí cách nay gần ba mươi năm khi hơi thở chiến tranh ngày đêm rình rập
từ trên trời và từ ngoài biển. Bên tả ngạn, một rẻo làng quê nép theo chân núi
dọc mấy kilômet, một làng theo đạo Gia tô La mã sống bằng chài lưới dưới sông
và trồng ngô, lạc trên ruộng rẫy. Nghèo của nả mà “giàu” con cái, mỗi cặp vợ chồng
có mươi con là chuyện thường. Trẻ con ít được học. Trường làng chỉ có đến lớp
Hai; muốn học lên phải qua sông.
Nếu đã từng đi thuyền trên suối Yến đến chùa Hương vào những
ngày hội, bạn sẽ có cảm tưởng khác hẳn khi đi trên sông Son đến Phong Nha. Cũng
trời, nước, núi, sông nhưng ở đây có vẻ êm ả hơn, có tiếng máy nổ của thuyền chở
song chỉ vang như một thứ tiếng dội. Không có cảnh thuyền xô bồ, chen chúc,
ganh nhau; không có mối lái, chèo kéo. Nước sông không bị khuấy đục. Những người
chở thuyền còn giữ được nét chất phác của người nông dân “làm dịch vụ”. Thuyền
tôi đi do hai cha con chủ thuyền lèo lái. Cháu bé đã mười tuổi mà chỉ bằng trẻ
lên bảy, là anh cả của một gia đình bốn con, và đang học lớp Bốn. Cháu năng nổ
làm mọi sự cần thiết. Thuyền vào dến trước động phải tắt máy, cháu tự mình chèo
vào sâu tới 600mét. Thuyền cập bến, cháu đứng đầu mũi thuyền, nhỏ nhoi và gầy yếu,
giơ bàn tay non đỡ khách, những người có thể xách cháu lên chỉ bằng một tay. Có
người né tránh sự giúp đỡ đó (Chẳng phải ai cũng nhớ nói lời cảm ơn khi khước từ!).
Cũng có người để yên cho cháu dắt. Cảnh này thiệt ngộ, phải không? Song, trong
hoàn cảnh kia cũng là tự nhiên thôi; đôi khi người ta cảm thấy an tâm nhờ một động
thái hết sức nhỏ nhặt, vặt vãnh nữa. Cháu bé đã trải mấy mùa du lịch, không còn
nhút nhát song cũng chưa dạn dĩ, thậm chí lọc lõi, ranh ma, như có thể gặp ở suối
Yến chùa Hương. Cháu phải giúp cha để kiếm thêm tiền ăn học.
Đã vào mùa du lịch mà đường đến Phong Nha không thấy nườm nượp
khách. Không gặp người ngoại quốc. Cũng như với các điểm du lịch khác, Hạ Long
chẳng hạn, họ thường đến vào ba tháng cuối năm. Trước đây, họ phải chịu lệ phí
gấp bốn lần khách nội địa. Họ thắc mắc cũng dai dẳng, mãi đến giữa năm ngoái sự
phân biệt kia được bãi bỏ. Vậy là may; ở xứ ta, có biết bao ý kiến của khách
du, trong nước và nước ngoài, rốt cục chỉ là mưa bay, gió thoảng. Ngẫm ra,
không chỉ riêng lĩnh vực du lịch.
Nghe nói năm trước trong một cuộc họp long trọng, một quan chức
cấp cao của tỉnh Quảng Bình đã nói toẹt ra rằng: Phong Nha được là Di-sản-thiên-nhiên-thế-giới
phỏng có lợi chi cho tỉnh chúng tôi? Trên thế giới hẳn là rất hiếm câu hỏi loại
này. Người ta bỏ công sức ra, cả công của nữa, để được Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn
hóa của Liên hiệp quốc công nhận là một di sản của nhân loại chẳng phải chỉ vì
cái danh. Thiên hạ chẳng giản đơn vậy đâu.
Từ lâu, tiếng tăm của Phong Nha đã mang tầm thế giới. Trước
năm 1945, người Pháp đã biết đến. Năm 1992, tạp chí tiếng Anh có uy tín bậc nhất
về thám hiểm hang động công bố các bài viết của các nhà khoa học Anh về các kết
quả khảo sát của họ, động Phong Nha thực sự thu hút sự chú ý quốc tế. Thế nhưng
hàng mấy năm dài, Phong Nha cứ như bị bỏ quên. Những ai “có lòng” thì tự lo
cách tìm đến. Năm 1990, “Năm du lịch Việt Nam” được trưng ra với thế giới (cũng
chỉ “làm le” thôi, chứ chẳng có căn cứ gì và hầu như chẳng có sự chuẩn bị!),
Phong Nha vẫn còn “ngái ngủ”. Nói cho ngay, chẳng phải người lãnh đao Quảng
Bình nào cũng thờ ơ với Phong Nha. Thời chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, quân
đội cho đánh mìn mở rộng cửa hang để đưa hai tàu quân sự vào ẩn, Quảng Bình đã
kiện lên trên. Cũng quí Phong Nha đấy chứ. Việc đầu tư và khai thác Phong Nha
xem chừng ì ạch. Dù sao thì cũng đã có ban “quản lí di tích danh thắng” mà mới
đây đã đổi thành “du lịch thương mại”(!). Nơi bến thuyền đi Phong Nha nay đã có
nhà đón tiếp xây tử tế, có các hàng quán,-bán đồ giải khát và đồ lưu niệm là
chính. Đồ giải khát, chỉ thấy các chai bia, nước ngọt, nước khoáng; vắng hoa quả
và nước quả, ngay cả những thứ sẵn có của địa phương. Đồ lưu niệm nghèo nàn,
nhiều nhất là ảnh phong cảnh tại chỗ, thứ mà du khách thích tự chụp lấy hoặc nhờ
chụp để có hình mình trong đó. Nói chung, chẳng thấy tận dụng sắc thái địa
phương để tự quảng bá và để thu hút du khách. Quanh quất một sự làm ăn tủn mủn,
chừng như nhặt đồng nào hay đồng nấy, đầu tư công của, trông xa, làm lớn mà
chi!
Người dân vùng này vốn chân chất. Khu du lịch “phất lên” tất
sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và dân trí. Cầu cho họ đừng “văn minh” lên theo
kiểu một lớp người ở vùng chùa Hương, vùng đền bà Chúa Kho,... Hiện tại, xã có
một đội thuyền gỗ 120 chiếc chở du khách đến hang. Mỗi thuyền là của riêng một
nhà nông dân, hai người phụ trách, cha con, anh em làm với nhau. Phải chờ lượt
“được phục vụ” theo lịch phân phối của ban quản lí. Cả mùa du lịch, mỗi thuyền
kiếm được vài triệu đồng (chẳng đủ cho một bữa “xả hơi” của ai đó trong giới
quan chức hoặc doanh nhân!). Người dân quê nơi đây mới đươc “hưởng” có vậy. Những
người điều hành, những người bán hàng hầu hết từ nơi khác đến. Phải kể một nguồn
lợi dưới sông nhờ khách du mà lên ngôi đặc sản: cá chình. Loại cá nước ngọt này
ngon thật nhưng trước đây chỉ dân trong vùng biết với nhau, nay tiếng tăm lan
xa ra cả nước ngoài theo miệng Việt kiều. Giá một kilô cá này là 150.000đ tại
chỗ, ra tới Hà Nội đã lên tới 400.000đ! Vào hàng ăn gọi món cá chình, phải từ
100.000đ trở lên mới động dao thớt được. Nguồn cá trên sông có cơ cạn kiệt, dù
có cấm đánh bắt trong các hang động. Tất nhiên thôi, nếu chỉ lo đánh bắt, có tiền
ngay! Người dân đã vậy, các nhà “hoạch định” thì sao nhỉ? Có thể cơ quan du lịch
phối hợp với cơ quan thủy sản nghĩ ra được cách gì chăng?
Tuy chưa đạt mức đáng ra phải tới, số người đến Phong Nha
ngày càng nhiều. Năm trước đã có chừng 12 vạn lượt khách, thu gần hai tỉ đồng
tiền vé. Với ta thì đã tạm coi là được, song so với một điểm du lịch nào đó dẫu
chưa ngang tầm Phong Nha, ở Thái hay ở Tàu chẳng hạn, thì con số trên khá là
“khôi hài”.
Khách nước ngoài phần nhiều là “Tây balô”. Họ đến Đồng Hới rồi
thuê xe đạp, xe máy “ôm”, đôi khi taxi, đến xem động rồi về ngay thị xã. Một ít
người, trong đó có Việt kiều, mùa du lịch sau còn trở lại đem theo bà con, bạn
bè; số đông đi là... đi luôn. Chúng ta không biết lưu khách, nói đúng hơn có lẽ
là chẳng quan tâm lắm, miễn là... Chẳng phải chúng ta không biết cơ sở hạ tầng
thiếu và kém, nhếch nhác, phục vụ đi lại, ăn ở và mua sắm một cách... “nản lòng
khách đến, rầu lòng khách đi”. Chưa nói người bán hàng rong đeo bám, người ăn
xin ám ảnh,... Người hướng dẫn và người thuyết minh thường là không được đào tạo
bài bản.
Động Phong Nha như cô gái đẹp chỉ mới hé cho người ta thấy
chút xíu mặt hoa của mình. Không chỉ vì hang dài hàng chục kilômet mà khách chỉ
vào sâu được 600mét. Trong hang mờ tỏ. Khi mờ, khi tỏ; chỗ mờ, chỗ tỏ là cần
thiết, song phải đúng lúc và đúng nơi. Ngoài trời nắng nồng, vào hang mát lạnh,
thuyền nhẹ lướt trong một không gian có màu huyền ảo. Theo rõi những hình tượng
nhũ đá, nương theo lời thuyết minh, du khách cảm thấy tâm hồn mình trở lại thơ
trẻ phó cho thế giới cổ tích, huyền thoại. Đáng tiếc, ánh đèn pin chỉ dẫn rọi
lên vách lúc nào cũng chỉ bằng hạt đậu. Đúng là có những hình đá chỉ cần rọi
qua một đốm sáng rồi để cho trí tưởng tượng bay bổng. Những hình khác lại cần
được chiêm ngưỡng trong vùng ánh sáng rộng phô hết vẻ rung rinh hoặc rực rỡ trước
khi lại chìm vào miền tối. Có những đoạn dùng đuốc có khi lại thú vị hơn. Các
cô gái, chàng trai làm công việc thuyết minh chịu khó nhưng chưa thật lành nghề,
có lẽ những gì người ta “trang bị” cho chỉ đến thế.
Rời động Phong Nha cảm thấy không được hài lòng, không chỉ vì
tham quan kiểu “cưỡi thuyền ngắm động”, không chỉ vì thói thường là náo nức quá
thì dễ hẫng hụt ít nhiều. Thường ngày theo rõi các chương trình “quảng cáo
không công” cho các khu du lịch nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, trên các
đài truyền hình trong nước mà tội nghiệp cho các khu du lịch của ta. Không chịu
chi hoặc chi “bèo” thì “ai giới thiệu cho!” đã đành, mà việc đầu tư công sức,
tiền của để tôn tạo, khai thác hòng “mời gọi thiên hạ” cũng chỉ ở tầm “bóc ngắn
cắn dài”! Thường nặng về khai thác, song lại triển khai chậm và làm kiểu cò
con. Ở Quế Lâm bên Tàu, có hang động đã được dồn sức sửa sang và đưa vào sử dụng
chưa đầy một năm sau khi phát hiện, đạt hiệu quả tới mức một tổng thống “cọp giấy”(!)
được trân trọng mời đến thăm đã hết lời ca ngợi. Chỉ riêng động Phong Nha (nước)
và động Tiên Sơn ở phía trên (còn gọi là động Phong Nha khô), đưa vào khai thác
năm 1999, cùng Hang Tối dài 5,5km chỉ cách động Phong Nha chừng 500m, chưa đưa
khách vào, nếu biết sử dụng và tận dụng thì đã có thể thành một điểm đỏ trên bản
đồ du lịch thế giới. Nói chi vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với rừng nguyên
sinh đang ẩn chứa những động thực vật quí hiếm; với Hang Vòm cạn rộng 30m dài
15km, cách động Phong Nha độ 16km, có hồ nước trong vắt và những bãi cát trắng
mịn, phát hiện năm 1994, chưa đưa vào khai thác; nhất là với hang Khe Ri vừa cạn
vừa có sông ngầm dài gần 19km cũng do đoàn khảo sát hoàng gia Anh mới tìm ra
sau này. Cả một khu vực rộng lớn đầy tiềm năng cho du lịch cảnh quan, sinh
thái, văn hóa, thể thao,..., cả cho nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên là đòi hỏi một
sự đầu tư qui mô và dài hơi. Trước triển vọng đó, đi tham quan Phong Nha hiện tại
chỉ như chấp chới bên lề. Vào xem, nghe giới thiệu qua loa rồi ra. Nhiều khách
du, trước hết là khách quốc tế, có nhu cầu khám phá, thám hiểm, cả mạo hiểm; họ
thích được leo trèo, chui luồn len lỏi, rồi thưởng ngoạn, thư giãn,... Tất
nhiên cần đề phòng hiểm nguy; cần bảo vệ khách và cần cả bảo vệ di tích, cảnh
quan khỏi bị xâm hại.
Phong Nha lưu lại những gì cho khách tham quan, những người
chăc là đã biết không ít hang động khác? Muốn làm ăn lớn và lâu dài không thể
không nghĩ tới câu hỏi loại đó. Ngoài mọi chuyện thiên hạ đã và sẽ làm, chợt nảy
ra một ý tưởng có thể là táo bạo mà cũng có thể là khùng, là dở hơi. Phong Nha
còn một số hang nước sẽ không đưa vào khai thác bởi ít hấp dẫn so với số hang
chính. Nên chăng lập những trạm nghỉ mát “dã chiến” (trên bè, trên cọc) trong một
số hang đó. Khách du có thể tránh cái nắng nồng bên ngoài hang vài ngày, hay chỉ
vài giờ, mà cũng có thể hàng tuần, một lối cắm trại độc đáo hoặc một lối ẩn cư
tạm lánh trần ai (nếu lại dành cho “hai trái tim vàng” thì sao nhỉ?). “Lẩn thẩn!
Vớ vẩn! –có thể có người phản bác- cứ cho là giải quyết được những tiện nghi
sinh hoạt và sinh sống tối thiểu rồi thì còn chuyện rác thải làm sao, nhất là
chuyện vệ sinh?” Vâng! Chuyện có đơn giản đâu. Song, máy bay đường dài cả ngày
trời hoặc suốt đêm dài lướt trên đầu thiên hạ, người ta có để tí bẩn nào rớt xuống
ai đâu!
Sông Son không rộng nhưng sâu, nước trong. Chắc là thú vị đi
tàu loại nhỏ ngắm cảnh đôi bờ. Có thể có những điểm đổ bộ để thưởng ngoạn rừng
núi, hang động,..., để leo trèo vận động, để nghỉ ngơi thư dãn, -kể cả cắm trại.
Bên Tàu, sông Li ở Quế Lâm, khách du chỉ ngồi trên tàu nhỏ xuôi dòng ngắm cảnh
hai bên bờ, chủ yếu là núi tiếp núi, đằng đẵng gần hết ngày kể cả đi xe hơi từ
bến cuối về thành phố, mà dẫn dụ được nhiều khách nước ngoài. Có lẽ nhờ cách tổ
chức tuyến đường, cách quảng cáo và giới thiệu, cách dẫn khách,... Sông Son
cùng với sông Troóc, một phụ lưu của sông gianh, đều cùng bắt nguồn từ dãy Trường
Sơn nơi biên giới Việt-Lào, có lí do để hi vọng một lộ trình du lịch đường sông
kì thú trong lòng thiên nhiên hoang sơ. Nữa, giá được đi trên con thuyền gỗ chống
chèo bằng tay, lại được nghe hát đò đưa đối đáp, nhất là vào những đêm trăng,
thì “đào nguyên” là đấy chứ đâu!
“ÔI! CÂU HÒ HIỀN LƯƠNG...”
Ngày nay, đến cầu Hiền Lương mấy ai còn nhớ bài hát xao xuyến
lòng người Việt Nam một thời. Nhưng cái tên cầu Hiền Lương cũng như cái tên
sông Bến Hải sẽ lưu danh mãi mãi. Sông Bến Hải cũng là cái “sẹo lịch sử” trên
mình đất nước như sông Gianh vậy. “Nhát cắt” sông Gianh khởi đầu từ ý đồ li
khai của chúa Nguyễn trốn chạy quyền lực của họ Trịnh đang lấn át vua Lê. Còn
“nhát cắt” sông Bến Hải thì chịu sự tác động của các thế lực ngoại bang. Một đằng,
cuộc chiến của Pháp hòng chiếm lại Việt Nam, và Đông Dương nói chung, đã thất bại
rõ ràng, nhưng Mĩ và phương Tây muốn ngăn chặn ảnh hưởng cộng sản; một đằng thì
Trung cộng sau khi chiếm được nước Tàu mong có tiếng nói trên trường quốc tế, mặt
khác muốn lợi dụng cuộc chiến đấu của dân Việt Nam vừa làm khoảng cách li an
toàn, vừa làm bệ đỡ và “lá bài” cho tham vọng của họ. Do vậy, Bắc kinh dàn xếp
việc chia cắt nước Việt (ra vẻ vì “nước bạn” mà thực chất là áp đặt và ép buộc).
Sông Bến Hải, nói là giới tuyến tạm thời nhưng thực tế thì ngay đến chiếc cầu nối
đôi bờ của nó cũng bị vô hình ngăn đôi!
Năm 1979, cầu Hiền Lương ngày trước chỉ còn một nhịp trơ vơ
giữa lòng sông. Năm 1996, đi qua đã thấy bị hủy hoàn toàn. Tôi đã than trong một
bài viết đăng trên tạp chí Văn: “Giá cái cầu từng là nỗi nhức nhối của dân ta
suốt hơn hai mươi năm vẫn được giữ lại như một hiện vật bảo tàng!” Năm 2001, lại
đi qua, mừng thay! thấy nó lại “hiện về” coi như nguyên vẹn nằm khiêm nhường và
an phận chếch phía dưới chiếc cầu mới bề thế, hiện đại. Xứ ta là vậy, cứ như là
có “dớp” hay là “truyền thống”, chẳng cần sự quan tâm đúng lúc, chẳng cần tầm
nhìn xa, có những thứ đáng ra phải bảo tồn thì phó mặc cho thời gian và sự vô
tâm hủy hoại, thậm chí còn chủ trương phá “đàng hoàng” vì ý tưởng hoặc vì mối lợi
trước mắt (để đến khi cần phục hồi phải tốn gấp mấy lần)!
Cầu Hiền Lưong khi “sinh” thời chưa bao giờ mang niềm tự hào
nay được phục chế, hơi sai vị trí cũ, có quyền hãnh diện là một “chứng nhân” lịch
sử.
Ngày trước, chỉ là một cây cầu ngắn mà suốt hai thập kỉ cầu
Hiền Lương phải luôn luôn mang hai màu khác nhau trên hai nửa. Cách nay mấy
năm, trên một tờ báo lớn trong nước ai đó viết rằng: nửa cầu phía nam đối
phương cho sơn xanh thì nửa phía bắc cho sơn đỏ; phía nam bèn sơn đỏ để cầu
cùng màu thì phía bắc lại sơn xanh. Sự thật trái ngược hẳn! Phía bắc chủ trương
giữ cho màu cầu được thống nhất mà phía nam không chịu. Nên họ mới hành động
như bài báo đã viết. Chỉ mới qua chưa tới một phần tư thế kỉ mà đã dễ sai lạc
như vậy! Hậu quả của kiểu tìm hiểu “nghe hơi”. Không hiếm những chi tiết, tình
tiết trong các bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng sai lạc
như vậy. Chưa nói những sai lạc có ý đồ “kĩ thuật” hay “nghệ thuật”. Mới hay những
“sự thật lịch sử” lắm khi cũng éo le, nếu không là “đáng thương”!
Vượt sông Bến Hải trên cầu Hiền Lương, bỗng nhớ tới mấy câu
thơ của Vũ Hoàng Chương: “Hẹn một ngày trở lại cố đô / Lưỡi lê no máu rửa
Tây Hồ / Trên đài chí sĩ bàn tay vẫy / Đại định non sông một bóng cờ”. Những
câu thơ Vũ thi sĩ làm năm 1954 dâng Ngô “chí sĩ” bấy giờ đang đòi “Bắc tiến” và
lớn tiếng hô hào “lấp sông Bến Hải”, -một kiểu trấn an chính trị mà thôi. Hồi ấy,
miền Bắc chủ trương “hoà bình thống nhất đất nước”; ngay lúc bấy giờ mà tổng
tuyển cử trên cả nước theo đúng hiệp định Giơ-ne-vơ thì, với uy tín của cụ Hồ
và hào quang của cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ai thắng ai bại coi như
đã biết trước. Do sự “trớ trêu” của lịch sử mà phải hơn hai mươi năm sau cầu Hiền
Lưong mới “liền nhịp” trở lại. Cũng khó mà lường được sự rủi may lịch sử!
Cầu Hiền Lương được lưu lại dưới dạng phục chế, song các cột
cờ, các trạm gác hai đầu cầu của hai bên đối địch không còn. Đáng tiếc! bây giờ
thì nhiều người thờ ơ, nhưng mai sau hậu thế của chúng ta có thể sẽ ngẩn ngơ tiếc
như chúng ta nay ngẩn ngơ trước dấu cũ Lũy Thầy, chẳng hạn. Không phải ý thức
chính trị mà ý thức lịch sử sẽ lên tiếng.
Dốc Miếu sạch nhẵn dấu vết căn cứ Mĩ ngày nào; cả hàng rào điện
tử Mac Namara cũng vậy. Những người Mĩ chủ chiến trước đây hẳn hài lòng, và lí
ra phải “cảm ơn” những người Việt Nam đã có “sáng kiến” bán sắt vụn, như ông
T., người “hùng” từng rất tự hào về chuyện đó.
Hai phía cầu Hiền Lương đồng ruộng trải rộng. Lúa trĩu bông mẩy,
mặt bằng thảm lúa xanh thấp dưới cả những bờ con, ngồi trên xe lướt qua ngỡ là
thảm cỏ. Cây lúa thật thấp tưởng chỉ hơn gang tay. Mé biển phía xa, mới mấy năm
trước thấy dựng lên bức tường trắng -những đụn cát-, nay đã thay bằng bức tường
xanh, hẳn là rừng dương (phi lao).
Dải đất hẹp miền Trung vậy mà cũng có những cánh đồng nhìn
thoải mái con mắt; song nhiều cát, quá nhiều cát! Có một cái cầu trên quốc lộ Một
bắc qua một lạch... cát. Đã chớm vào mùa mưa nhưng nước chưa đủ ngấm lòng lạch.
Có một phố làng khá khang trang, trước mặt là sông Nhật Lệ, sau lưng động cát
áp sát nhà. Bàu (hồ -tiếng miền Trung) nước ngọt Sen Thủy rộng cỡ hồ
Tây, chỉ phía nam là kề xóm làng còn ba bề là cát. Liệu rồi đây gió có sẽ dồn
cát đến xóa sổ nó không?
Vượt cầu Hiền Lưong đi chừng vài chục cây số là đến thị xã
Đông Hà nằm trên quốc lộ Một tại nơi xuất phát của đường số Chín. Đông Hà hiện
nay được chọn làm tỉnh lị của Quảng Trị. Thời thuộc Pháp, trước 1945, Đông Hà
là một phố huyện hiu hắt mặc dù nằm ở ngã ba xuyên Việt và xuyên Đông Dương,-một
trong những cửa ngõ thông Lào ra biển Đông. Cho đến trước năm 1973, năm Chính
phủ lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đặt lị sở tạm tại đấy, Đông Hà hãy còn
“vô danh” lắm dẫu đã có mặt trong bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” nổi tiếng của
Nguyễn Văn Thương. Trong trận chiến năm 1972, thị xã này đã thành bình địa. Năm
1979, đi qua vẫn còn thấy những đường sá tan nát, lầm bụi, hai bên hầu hết là
những dãy nhà tạm bợ. Đông Hà khởi sắc dần, song trong thời tỉnh gộp Bình Trị
Thiên, nó chỉ thuộc hàng thị trấn. Đến thời kì “mở cửa”, nhất là sau khi tỉnh
Quảng Trị được lập lại, thị xã này “thay da đổi thịt”. Một cái chợ lớn được xây
lên dường như chủ yếu là để đón hàng hoá từ Lào tuồn sang qua cửa khẩu Lao Bảo,
hàng Thái và –kì lạ- cả hàng Tàu! (càng thấy hàng Tàu, cũng như người Tàu, giỏi
luồn vào mọi ngóc ngách của thế giới!) và đón khách bắc nam xuyên Việt. Một anh
bạn đồng hành với tôi vào chợ mua được một cái kính dâm giá 80.000đ, hể hả lắm.
Một anh khác “dội ngay một gáo nước lạnh”: Xì! Đây là hàng Trung Quốc, ở Móng
Cái đắt lắm cũng chỉ 15.000 đồng!
Không như ở nhiều đô thị VN khác, Đông Hà khá tĩnh lặng,
thoáng xe và người. Ngay cả trên đường số Một chạy qua thị xã cũng rộ xe cộ tùy
lúc thôi. Nó chưa “đạt tới” cái xô bồ, ồn ã, luộm thuộm của hầu hết thành phố xứ
ta hiện tại, -cái tình trạng tất yếu của sự phát triển chăng?! Cái tĩnh lặng dễ
thương của Đông Hà e sẽ không tồn tại được lâu. Đang có kế hoạch phấn đấu để được
lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh. Đây đang là “phong trào”. (Nước ta thì “nổi
tiếng” về phong trào: trước đây các địa phương thi nhau xây nhà máy bia, xây lò
xi măng đứng,... ; nay thì đang đua dự án sân gôn, dự án trường đại học,... ).
Cầu cho thành phố Đông Hà tương lai tránh được những bất cập của những thành phố
đi trước.
Thành Quảng Trị nằm ở tỉnh lị Quảng Trị xưa, xây theo kiểu
Vôbăng của Pháp vào đầu thế kỉ 18 dưới triều Gia Long. Nó thuộc số ít thành cổ
cùng loại không bị phá hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp theo chủ trương
“tiêu thổ”. Nhưng đến giữa năm 1972 nó bị công phá tan hoang gần thành bình địa.
Tám mươi mốt ngày đêm, hàng vạn lượt chiến sĩ hầu hết còn trẻ măng, có không ít
chàng chưa biết đến mùi thơm con gái, đã đem thân trai với vũ khí nhẹ đương đầu
với bom đạn hạng nặng Mĩ từ trên trời, từ ngoài biển, từ các trận địa phía nam
và phía đông dội xuống, phóng vào. Sau này, nhà văn X.T. thảo một truyện dài về
đề tài chiến tranh giai đoạn ấy. Một lần, ông L.D. nhân dịp gì đó đến xem và hỏi
chuyện mấy nhà văn đang sáng tác. Ông động viên, khích lệ viết cho hay, cho
chân thật. X.T. cảm kích và cởi mở nói: Nhưng thưa anh, chết nhiều quá. Vị lãnh
đạo chỉ ngay ngón tay vào mặt nhà văn cũng đã có tuổi này mắng: Ngu! ngu! Đánh
nhau với thằng đế quốc giàu mạnh nhất có vũ khí hiện đại như thế thì phải hi
sinh nhiều chứ! Thế mà cũng đòi làm nhà văn! Nhà văn B.B.T. thuật lại chuyện
này trên một tờ báo chính qui dưới dạng chuyện bây giờ mới kể và không bình luận.
Chỗ thành cổ Quảng Trị bây giờ là một công viên vuông vắn nhiều
cây cỏ xanh tươi, giữa là cái đài tưởng niệm cũng khá bề thế song chưa tương xứng
với tầm bi tráng của mảnh đất này. Chẳng còn thành cổ; chẳng còn chút xíu dấu
tích trận địa sinh tử! Cái danh từ chung “thành cổ” ở nơi nào khác chỉ gợi ý niệm
về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử,..., còn ở Quảng Trị nó đã trở thành danh từ
riêng. Nói đến hai tiếng Thành Cổ là nói đến địa danh một thời “tơi bời khói lửa”,
nơi dường như còn vương vất hàng vạn vong hồn đang chờ lời đáp hiển hiện cho sự
hi sinh của mình.
“DẮT DÍU NHAU ĐI GHÉ CẢNH CHIỀN”
Ngày trước, vãng cảnh đền chùa là một thú tiêu dao. Đến vào
các ngày thường, không vào các ngày lễ hội. Ngày nay, đến các nơi thờ tự, phần
nhiều người ta lễ là chính, tham quan chỉ là “xem qua”.
Chùa Trúc Lâm Đà Lạt
Những ngôi chùa cổ thường khiêm tốn về chiều cao, nom đường bệ
và trầm mặc ẩn mình trong khuôn viên có cây cổ thụ. Chùa Mía ở Sơn Tây là ngôi
chùa cổ kính, có một ngọn tháp hình chóp lạ kiểu không giống những ngọn tháp
chùa khác mà tôi từng biết. Chùa có nhiều nếp nhà và nhièu nơi thờ phụng. Các
nhà đều thấp và tối. Rất nhiều tượng loại ông Thiện, ông Ác mà thiên về ông Ác
nhiều hơn, bởi vị nào cũng cau mày, trừng mắt, tay nắm chặt hoặc cầm chắc vũ
khí. Mấy dãy tượng La Hán thì ít sinh khí, hình như đắp chứ không phải tạc. Ngoại
cảnh của chùa không làm tôn chùa lên. Tiếng tăm của chùa lan khá xa, song khó
giải thích. Cũng là chùa cổ và có tiếng tăm, chùa Thiên Mụ hấp dẫn hơn nhiều về
phương diện tham quan du lịch.
Như là có sự ganh đua với đạo Gia tô, mươi lăm năm trở lại
đây có “phong trào” trùng tu, tôn tạo đình, đền, chùa, nhất là chùa. Làm lại
trên nền cũ ngôi chùa đã bị đại bác Pháp phá sập hồi kháng chiến như chùa Thiên
Trù vùng Hương Tích thì đi một nhẽ. Có những ngôi chùa lâu năm vốn đã khá qui
mô như chùa Hải Ninh ở Hải Phòng cũng bị phá bỏ để xây mới hoàn toàn to hơn,
cao hơn, đẹp hơn; nghe nói dựa vào nguồn tài trợ của một nhà sư Việt kiều bên
Pháp, cha của sư bà trụ trì chùa này. Các ngôi chùa tân tạo nom uy nghi, giấu
không kín vẻ phô trương mà lại vắng cái vẻ thâm nghiêm, thanh tĩnh của các ngôi
chùa cổ. Chúng ít nhiều đều mang hơi “hiện đại” không chỉ ở các bóng đèn điện
nhấp nháy trên bàn thờ, không chỉ ở các viên gạch men nhập ngoại, không chỉ ở
các thiết bị thu phát thanh, thu phát hình,... Cái “mùi” hiện đại có thể cảm nhận
tại hầu khắp mọi nơi thờ phụng, qua thiện nam tín nữ, qua lễ vật và những lời cầu
khấn, qua cả nơi gửi xe, qua không khí dịch vụ đeo bám và ám ảnh khách du. Người
ta nói: đầu tư vào khách sạn không bằng đầu tư vào trường tư, đầu tư vào trường
tư không bằng đầu tư vào đền chùa. Đầu tư vào đền chùa độ rủi ro hầu như bằng
không, chẳng phải thuế má gì; việc ăn chia dễ trót lọt, chưa thấy ở đâu bị “thần
công lý” sờ đến.
Chùa Thiên Mụ
Tôi đã đến nhiều đền chùa chỉ gặp một nơi duy nhất không có
“hòm công đức”, đó là thiền viện Trúc Lâm ở ngoại vi Đà Lạt. Một quần thể kiến
trúc chùa mới xây dựng trên một ngọn đồi thông trong xuống một cái hồ khá rộng
nước trong xanh thuộc khuôn viên vui chơi giải trí của một khu du lịch. Chùa và
cảnh chùa đẹp. Tên thiền viện bằng chữ quôc ngữ to nổi bật trên cổng chính. Tên
các nhà, các phòng cũng bằng chữ quốc ngữ. Không như ở nơi gọi là chùa Tàu mới
dựng chưa lâu cũng ở Đà Lạt chẳng có qua một chữ Việt nào! Trong thiền viện có
nơi trưng một lối chữ quốc ngữ viết kiểu triện, hoặc chân phương hoặc phóng
khoáng, bay bướm tựa kiểu cách các chữ vuông Á Đông. Cách đây chưa lâu, truyền
hình Việt Nam đưa tin về các cuọc thi viết chữ Hán. Sao không tổ chức thi viết
chữ quốc ngữ nhỉ? Thi “thư họa” chữ Việt, chứ sao! Thiền viện có một phòng
trưng bày văn hóa phẩm Phật giáo, gồm các phiên bản cổ, các di vật cổ, ảnh các
chùa cổ trong nước. Chưa thật phong phú song đáng ghi nhận. Trụ trì thiền viện
là một hòa thượng đã gần tám mươi tuổi. Cụ có một bài kệ đề là Mộng ghi trên một
tấm bảng gồm bốn câu sáu chữ mà chữ nào cũng viết hoa phụ âm đầu:
Gối Thân Mộng, Dạo Cảnh Mộng.
Mộng Tan Rồi, Cười Vỡ Mộng.
Ghi Lời Mộng, Nhắn Khách Mộng.
Biết Được Mộng, Tỉnh Cơn Mộng.
Chừng nhà tu hành muốn nhắn nhủ lời cảnh báo tới khách du ghé
cửa Thiền. Song thiền viện tọa lạc kề khu du lịch sinh thái Suối Ngọc-Vua Bà,
du khách tới đó có thể “vơi lòng trần” theo cái nghĩa tạm quên cái eo sèo tục lụy
để hòa vào thiên nhiên phóng khoáng và thanh sạch, còn “tỉnh mộng” bon chen thì
e rằng... còn muốn “mộng” dài dài. Chùa không đặt “hòm công đức” nhưng nơi mấy
nải chuối trên Phật đài ai đó đã đặt (để kính lễ) những tờ giấy bạc trần gian.
Một tờ như vậy nằm lạc cạnh cái vạc đồng có dạng cái chậu sâu lòng; một nhà sư
trẻ cầm dùi gõ vào vạc như kiểu thỉnh chuông, xong nhẹn tay nhón tờ giấy bạc
cho vào trong vạc. Những tờ giấy bạc này hẳn chẳng bị (được?) đốt như loại giấy
bạc “âm phủ”. Biết làm sao được! Nhiều chùa không ưng cho cúng vàng mã vẫn phải
xây lò hóa đàng hoàng. Khách lễ còn đua nhau cúng cả tiền trần gian. Sư cụ đạo
hạnh có cao sâu mấy cũng khó mà quán xuyến. Đến Phật tổ còn phải làm ngơ cho thủ
túc vòi quà đút của thầy trò Đường tăng nữa là!
Nhìn chung lớp sư cao niên, các vị trong Nam dường như thông
tuệ hơn. (Ở ngoài Bắc, về sau này nhà Phật mới có trường lớp đào tạo bài bản).
Tuy nhiên, vị sư coi chùa Sài Ôn, Sóc Trăng, có khác, dáng vẻ chất phác; động
cơ đi tu cũng khá là giản tiện, nói là “tiền duyên” xui nên cũng được. Ông vốn
là con nhà buôn người Hoa, hồi trước trốn các cuộc lùng bắt đi lính ngụy cho
Pháp lánh vào chùa rồi “xuất gia” thật sự luôn. Đã qua tuổi “xưa nay hiếm” ông
vẫn còn khỏe mạnh. Ông đã lên tới chức hòa thượng. Tiếng Việt, tiếng Khơ me của
ông tạm đủ dùng; tiếng Hán có lẽ không nhiều. Chủa Sài Ôn thường được giới du lịch
và giới truyền thông gọi là chùa Chén Kiểu. Tôi được đọc một bài báo, hay xem
trên truyền hình sao đó, nói rằng có tên gọi như vậy là do người ta đập
các chén kiểu lấy mảnh đắp trang trí khắp chùa (tiếng miền Nam, bát gọi
là chén, đồ sứ gọi là đồ kiểu,-miền Trung cũng gọi đồ sứ như vậy). Sự thật chẳng
phải thế! Chùa này trước đây bị bom đạn Pháp, rồi Mĩ, phá hỏng; sau chiến
tranh, khi trùng tu người ta nhập các mảnh sứ trang trí của Nhật; thiếu một ít,
người ta mới lấy mảnh vỡ đồ sứ (không chỉ mảnh bát, mà cả mảnh đĩa, mảnh
bình,...) bù vào. Do vậy, cái tên “chùa Chén Kiểu” thường gọi hiện nay là
vô nghĩa! Chủa Sài Ôn vào loại chùa lớn trong số 90 chùa của tỉnh Sóc Trăng.
Chùa to, cao, kiến trúc Khơ-me. Chùa còn giữ được một bộ luật Phật bằng tiềng
Khơ-me viết trên lá buông từ năm 1911 cách nay hơn 90 năm một chút. Bộ sách còn
khá nguyên vẹn, mang màu vàng nâu của lá buông ép khô. Chùa có hai tượng rồng dữ
dội và hơi cầu kì do người Hoa ở thị xã Sóc Trăng dâng cúng, có lẽ không hợp lắm,
chẳng cần đến rồng dữ canh chùa, lại là chùa thuộc phái Tiểu thừa! Không như ở
nhiều chùa khác mà các tháp trong vườn chùa chỉ dành cho các nhà tu hành, chùa
Sài Ôn ngoài hai tháp lớn và cao dành cho sư còn một tháp cũng cao lớn dành cho
chúng sinh và một số tháp nhỏ hơn của tư nhân. Gần đó, một tháp to dùng làm lò
thiêu xác.
Chùa Dơi ở Sóc Trăng
Các chùa Khơ-me đều thuộc Phật giáo Tiểu thừa, chỉ thờ đức Phật
Thích Ca. Trong chùa toàn tượng của Ngài: ngồi thiền, giảng đạo, khất thực,...
Có chùa thêm tranh tượng mười Ba-la-mật (Bồ-tát). Không có sư nữ. Trong các
chùa này có cả những đồ cúng hiến của người Kinh, nhiều biển ghi tên Việt kiều
Mỹ.
Chùa Dơi cũng là một chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng. Chuyện dơi
đã không ít lần được lên báo, lên truyền hình. Có một “đặc sản” của chùa này ít
được nói đến: lợn năm móng. Chân lợn thường chỉ có bốn móng (4 ngón).
Không biết tự đời nào lợn của một nhà trong vùng đẻ ra một lợn con mà chân có 5
móng. Người ta cho là quái, không dám nuôi, cũng không dám giết, bèn mang lên
chùa. Nhà chùa đành cứ nuôi. Từ đó thành lệ, hễ nhà ai có lợn 5 móng là đem lên
chùa. Những con lợn có dị tật ở chân này (như con người có tay hoặc chân 6 ngón
vậy thôi) được nuôi tử tế. Nhìn những con lợn da hơi hồng, lông trắng, lớn có,
bé có, nhởn nhơ nằm hoặc đứng trong mấy ngăn chuồng khá tươm tất ngỡ như đang ở
nhà một nông dân chí thú làm ăn nào. Có những con đã có thể xuất chuồng được rồi.
Tuy nhiên, những con lợn xấu số -hay tốt số?- này chẳng bao giờ vào lò mổ.
Chúng được chăm nuôi cho đến lúc chán sống và được chôn cất tử tế. Có con may
còn được người ưa làm việc “thiện” xây mộ cho. Những cái mả lợn mặt bằng rộng
rãi, tường xây thấp bao quanh ngang dọc chừng hai mét. Ông bạn đi cùng tôi chụp
ảnh lưu niệm mộ một con lợn “thọ” bảy tuổi được trang trí cẩn thận, có họa hình
lợn, ghi tuổi và ngày chết hẳn hoi, chỉ thiếu một điều: không cho biết đây là
“ông heo” hay “bà heo”. Rõ là “mồ yên, mả đẹp”, rộng rãi, thảnh thơi, chẳng
chen chúc như ở nghĩa trang con người. Con người dễ mà được vậy, ngoài các “đại
gia” quan chức hay nhà kinh doanh!
Các ngôi đình, đền, chùa Việt Nam nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng
được đưa lên truyền hình ít khi không kèm lễ hội. Định giới thiệu điểm tham
quan -du lịch hay giới thiệu màu sắc tín ngưỡng đây? Đành rằng khéo kết hợp thì
cái này bổ sung cho cái kia, làm tôn cái kia. Song le, những hình thức rước
xách, tế lễ ồn ào, rềnh ràng, lòe loẹt, những cảnh quì lạy xì xụp phải chăng đều
thuộc những nét văn hóa truyền thống cần khôi phục, bảo tồn, chẳng cần chọn lọc,
nâng cao? Để trả lại cho chùa Hương sự hấp dẫn vốn có, nên chăng đưa nó vào
danh sách những khu du lịch thường xuyên, không nhất thiết phải vào những ngày
lễ hội? Lâu nay, mùa hội chùa Hương hàng năm đã quá xuống cấp về mặt văn hóa, về
mặt tín ngưỡng. Cuộc đua chen kiếm ăn dưới mĩ từ “dịch vụ” được sự tiếp sức của
những ngôi chùa miếu giả, của các nơi thờ phụng “tự biên tự diễn” càng làm cho
một điểm tham quan-du lịch trứ danh bị ô danh, nhất là trong mắt du khách nước
ngoài.
Chùa chiền thường gợi ra cảnh thiên nhiên xa bụi trần. Một
ngôi chùa giữa nơi đô hội là chốn cho ta có lúc ghé đến tạm lánh tục lụy, song
chính cõi thiền ấy không khéo lại nhiễm tục lụy. Bạn đến Vũng Tàu nếu không nhằm
xả láng trong các điểm ăn chơi hay trên bãi biển hãy đến thăm khu Thích Ca Phật
đài. Một nơi cảnh trí tuyệt đẹp trên một triền đồi nhìn ra biển. Những nhà,
tháp, những tảng đá hình thù đa dạng lô nhô núp bóng những cây cổ thụ hào phóng
bóng mát. Tít trên cao là tượng Phật nằm khổng lồ lộ thiên. Ngài nằm
nghiêng, màu trắng tinh khiết, đầu đặt trên lòng bàn tay, mắt nhắm, nét mặt
không suy tư mà tuyệt đối thư dãn. Có lẽ nhờ vậy mà Ngài mới có thể nằm yên.
Không nói bao quanh khu vực là một Vũng Tàu ô nhiễm về không khí, về nước, về
thanh âm, cả về màu sắc và hình hài. Ngay phía trước bệ Ngài nằm là một quán giải
khát ngoài trời. Dưới một chút, trong nhà bát giác, nơi có bảng trích ghi giáo
lí nhà Phật, một sạp bán quần áo bày ngay trên nền xi măng. Lẻ tẻ có “Tây, Đầm”
lên thưởng ngoạn. Nhìn sắc mặt họ không thấy vẻ hứng khởi. Năm 1979 tôi đã đến
đây. Cảnh vật hầu như vẫn vậy mà không khí u tĩnh ngày ấy đâu rồi! Con đường
ven biển men theo chân núi dưới kia hôm đó vắng ngơ vắng ngắt, một bên là biển,
một bên là núi, có mỗi chiếc xe chở chúng tôi khuấy động lên một chút. Nay, đường
đang được mở rộng, nhà cửa ken dày. Quãng đường trước cổng thiền viện đầy người
và xe, và... bụi cùng tiếng ồn.
Đạo Phật vốn không ồn ào, chùa chiền vốn không khoa trương.
Song, trong “môi trường nhân thế” ngày nay có lẽ khó mà không ganh đua để tồn tại.
Số đông người Việt tin Phật và thường đi lễ chùa, nhưng không phải ai cũng là
phật tử chính hiệu. Chẳng như tín đồ gia tô bị ràng buộc chặt hơn về nghi thức
cũng như giáo lí. Đạo Phật và đạo Gia tô, hai tôn giáo ảnh hưởng nhiều đến đời
sống tâm linh của dân Việt, chẳng phải bao giờ cũng “chung sống hòa bình”, trước
hết là về mặt ý thức. Xưa kia, phần đông người Việt coi đạo Gia tô là “tà đạo”.
Đến hồi người Pháp dựa một phần vào giáo dân Gia tô để đánh chiếm và cai trị nước
ta, Phật tử ở vào thế yếu; một số chuông chùa bị cướp đi, một số chùa bị phá hoặc
phải dời đi. Tuy nhiên, dần dà về sau hai cộng đồng lương – giáo sống cạnh nhau
khá êm ả. Có chăng là những khích bác nhau kiểu giai thoại văn học có mùi tiếu
lâm sau đây: Một sư ông và một cố đạo (linh mục) tình cờ gặp nhau trên một chuyến
đò ngang, cố đạo nổi hứng đọc một vế đối thách nhà sư “Sư ông cầu kinh trước Phật
đài, tiểu đây, vãi đấy” (Chỉ là cảnh tượng hành lễ có mặt chú tiểu và bà vãi
thôi mà. Nhưng đó là nghĩa “thanh” trong trò chơi chữ. Còn nghĩa “tục” thì
"... ra đây,... ra đấy"). Chẳng cần nghĩ lâu, nhà sư đối lại “Cố đạo
làm lễ bên tượng Chúa, cha trước, xờ sau” (Cũng là trò chơi chữ, nói đến cha đạo,
bà xờ, theo nghĩa thanh, còn nghĩa tục nằm ở “tra” và “sờ”-phát âm giọng bắc).
Hẳn là do một ông đồ nho bịa ra; nhà nho vốn ghét đạo của Tây dương, và không
ít người cũng không ưa nhà Phật. Mà không hẳn đã là thế, có thể chẳng qua là một
chuyện đùa vui tếu táo. Thời xã hội tiểu nông ngày rộng tháng dài mới đẻ ra những
“giai thoại” kiểu đó. Thời nay mấy vị tu hành các tôn giáo chẳng có điều kiện để
gặp nhau trên các chuyến đò, phà. Và, giả dụ có gặp nhau, các vị cũng chẳng
thách nhau kiểu thách đối đâu.
Không như nhà thờ đạo Cơ đốc thưòng ngự ở những khu dân cư
đông đúc, chùa chiền xưa hay được dựng tại những nơi thanh tĩnh, có khi là nơi
núi non biệt lập. Nay thì người ta cố công kéo “trần thế” lại gần. Dọc các đường
đi rất hay gặp các biển chỉ đường vào chùa này chùa nọ, rồi lời mời gọi dự lễ hội
chùa trên truyền hình,... Không chỉ kéo thiện nam tín nữ mà còn nhắm vào khách
du; và như một hệ quả, những “dịch vụ” xô bồ kéo đến, trước hết là các hàng ăn
uống, hàng bán đồ cúng lễ,... ; rồi những chèo kéo, đeo bám của những người bán
hàng rong, người ăn xin. Khách thập phương đến chùa bị phiền nhiễu đã đành, mà
các đấng Phật chẳng biết có yên tâm mà ngự trên phật đài trong chùa không!
THAM QUAN-DU LỊCH TRĂM NẺO
Tôi có trong tay tờ bướm quảng cáo (phải mua, ngoài tiền vé
vào cổng, chứ chẳng phát không như ở nhiều nước khác) của vườn quốc gia Bạch Mã
với lời chào trang trọng ở mặt ngoài tờ gấp: “Hãy đến Bạch Mã, đến với rừng mưa
nhiệt đới, khám phá các đường mòn thiên nhiên tuyệt vời,...”. Tờ bướm không
quên nêu lại tiếng tăm của khu nghỉ mát lí tưởng thời Pháp thuộc cùng lời hứa hẹn
khích lệ: “Bạn được cắm trại, tắm suối, xem chim. Đi bách bộ hay ngắm nhìn vẻ đẹp
huyền bí của những khu biệt thự cổ”. Thực tế chẳng được như lời chào mời. Khu
du lịch đang được sửa sang một cách... chậm rãi. “Những khu biệt thự cổ” nay chỉ
còn rải rác một ít tường và nền. Cơ sở vật chất để khách lưu lại còn quá mỏng.
Mà phải ở lại dài ngày một chút mới tận hưởng được cái thú theo các “đường mòn
thiên nhiên kì ảo” dẫn đến các thác nước mà mới chỉ trông qua ảnh đã thấy đẹp,
cái thú đứng trên đài Vọng Hải phóng tầm mắt xuống đầm Cầu Hai và dõi xa xa biển
Đông, cái thú thăm rừng nguyên sinh, thăm hồ Truồi,... Hiện tại, có lẽ dùng
hình thức cắm trại là thích hợp nhất để lưu lại. Song le, chẳng phải dễ dàng.
Hôm chúng tôi đến, gặp bên đường bốn cô gái tươi trẻ, khỏe mạnh, ba lô túi xách
gọn gàng, chắc là du kiểu “Tây ba lô”. Các cô muốn tận hưởng Bạch Mã, song “còn
phải xem đã”. Hai xe chở công nhân nông trường Nam Đông cách không xa đến, phần
lớn còn trẻ, cắm trại thì khỏi phải bàn, nhưng họ cũng chỉ ở đến cuối ngày.
Khách xa đi theo đoàn thường chỉ ghé lại, khó mà hiểu Bạch Mã, nói
chi hưởng Bạch Mã! Chúng tôi đến vào cuối xuân đầu hạ mà chẳng được
nghe một tiếng chim, thấy một cánh bướm, không được tới cái thác nào. Nghe nói
một người coi rừng ở đây có tài bắt chước tiếng chim, có thể gọi chúng đến mà
không tìm gặp được. Rời đi thật không đành! Mới thấy lợi điểm của du lịch kiểu
Tây ba lô. Vài ba người cùng sở thích và cùng tầm có thể bù trừ cho nhau, thích
đâu thì đến, mến đâu thì lưu. Đi theo đoàn cũng có cái tiện, nhưng lắm phiền
toái. Nhiều lúc mình thật lạc lõng. Nhớ lần đi Điện Biên, trong đoàn chẳng một
ai nghĩ tới việc đến xem cầu Mường Thanh cũ, đứng trên đó ngắm dòng Nậm Rốm nhớ
lại thời khắc lịch sử xưa khi quân đội Việt Nam băng qua cầu này, thời khắc
quân viễn chinh Pháp đầu hàng. Mà xe của đoàn chạy cách một đầu cầu chỉ chừng
dăm trăm mét, trưởng đoàn cũng vô cảm. Tôi phải thuê xe riêng từ nhà nghỉ tới
đó. Quả là cảm xúc khó tả.
Nước ta có nhiều vườn quốc gia sẵn tiềm năng du lịch. Thông
thường, vườn quốc gia tô đậm thêm cho vùng du lịch hoặc khu du lịch. Vườn Cúc
Phương chủ yếu là điểm tham quan, song nó kết nối với các điểm tham quan khác,
Tam Cốc-Bích Động-Hoa Lư-Phát Diệm, trong toàn cảnh vùng du lịch Ninh Bình. Khu
du lịch Cát Bà, bên cạnh vườn quốc gia là vụng biển tuyệt dẹp với bãi tắm, đảo
đá, hang động,... Kề dưới chân vườn quốc gia Ba Vì là các điểm du lịch nghỉ dưỡng
Ao Vua, Hương Ổi, Khoang Xanh, Suối Mơ. Những vườn quốc gia khác, khu du lịch nằm
ngay trong đó. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hứa hẹn một khu du lịch phong
phú về loại hình, khởi đầu tự Phong Nha. Riêng vườn quốc gia Bạch Mã, trong kế
hoạch đã dành khu vực quanh ngọn Bạch Mã có độ cao từ 900 mét trở lên làm “phân
khu nghỉ mát-du lịch” (nằm trong hai phân khu còn lại: “phân khu bảo vệ nghiêm
ngặt” và “phân khu phục hồi”).
Người ta thường phân ra nhiều loại hình du lịch, chung qui chỉ
ở hai dạng: dạng lợi dụng thiên nhiên hoặc kết hợp với thiên nhiên và dạng khai
thác các công trình nhân tạo xưa hoặc nay. Các công trình xưa của ta vượt qua sự
tàn phá của thời gian và của con người, trước hết là quân xâm lược phương bắc
và phương tây, còn lại không nhiều nhưng cũng đủ để góp phần đáng kể vào bức
tranh du lịch Việt Nam. Cái chính là công phu trùng tu và tôn tạo. Khôi phục tầm
vóc và giá trị càng được như cũ càng tốt, không thêm thắt làm lai căng, làm biến
đổi đã đành, mà nhất thiết không được lợi dụng một cái tên, thậm chí chẳng lấy
gì đáng trân trọng, để câu khách một cách vô duyên, vô lối.
Năm cuối thế kỉ trước, Đồ Sơn đưa vào khai thác một nơi gọi
là “biệt thự Bảo Đại”, “biệt thự Nam Phương”, có biển đề trang trọng. Chốn này
xưa vốn là nhà nghỉ của vua Bảo Đại do chính quyền đô hộ Pháp ban cho từ những
năm 30 của thế kỉ 20; chiến tranh và thời gian đã làm cho đổ nát hoang tàn. Người
ta đã bỏ ra trên mười tỉ đồng để làm lại hoàn toàn. Chẳng phải phục cổ. Kiến
trúc tòa nhà không đúng hẳn như xưa. Nội thất hoàn toàn hiện đại, từ giường ngủ
“mô đéc”, máy điều hòa nhiệt độ đến bồn tắm có xoa bóp (mát xa) tự động. Chỉ có
mấy cái điếu bát hút thuốc lào đặt trong một cái tủ là cổ (có lẽ gọi là cũ thì
đúng hơn). Có hai “tiết mục” mượn màu cổ. Cổng vào, một “chú lính gác” áo dấu đỏ
nẹp vàng, nón bầu dục đỏ có chóp nhọn, xà cạp quấn chân đỏ, giày ba ta trắng (lẽ
ra chân đi đất mới phải lối chứ!), chỉ còn thiếu giáo dài! Ở trong nhà, các “nữ
tì” áo đỏ nẹp xanh, quần trắng, dép nhựa. Bạn muốn vào xem hãy nộp 10.000đ, rẻ
chán. Muốn mượn đồ tuồng đóng vua, hoàng hậu thì 20.000đ, cũng rẻ chán vì đâu
chỉ mượn riêng đồ còn mượn cái “vai” hão nữa!. Muốn ngủ một đêm trong phòng con
vua hoặc thư kí riêng của vua thì chỉ phải bỏ ra 350 USD thôi, còn ở phòng
hoàng hậu thì phải 600 USD lận! Mà tiện nghi thì hệt nhau. –Nhưng mà hơi hướng
khác nhau chứ! Đâu có. Các phòng đều mới toanh mà. Tội nghiệp cho ông vua bù
nhìn thất thế xưa và bà hoàng của ông ta! Giả sử vong hồn của họ ban đầu có hởi
dạ vì không dè tên của mình lại còn được nêu nơi điểm du lịch này thì sau đó e
họ sẽ phiền lòng vì trò treo đầu dê bán thịt chó. Cái mà du khách muốn thưởng
thức là hình dáng lâu đài xưa, cách bài trí xưa, các đồ ngự dụng xưa, cung cách
sinh hoạt xưa, nếu tạo được không khí xưa thì càng tốt. Lưu lại, nghỉ lại là muốn
thử qua mùi phong kiến Việt Nam xưa dẫu đã bị lai tạp dưới ách thực dân Pháp. Nếu
chỉ là qua đêm trong phòng trọ với tiện nghi hiện đại thì người ta ra khách sạn
ngoài, rẻ hơn rất nhiều, có khi còn tiện nghi hơn. Kể cũng lạ cho xứ ta! Trên
thế giới chẳng nước nào trưng tên một ông vua, bà chúa, dù ít mang tiếng hơn, đặt
cho một điểm du lịch để câu khách, nhất là điểm ấy lại rỗng nội dung
dính líu đến họ. Chẳng hạn, tại Pháp trong lâu đài Vécxay chỉ có từng phòng
dành cho vua, hoàng hậu,..., trong đó trưng bày những hiện vật liên quan đến
người đó; ví như phòng Mari Ăngtoannet, bà hoàng hậu bị cách mạng Pháp chặt đầu
cuối thế kỉ 18. Tại Trung Quốc, lừng tiếng như Tây thái hậu, người đàn bà từng
thao túng nước Tàu nhiều năm, trong Di Hòa viên cũng chỉ được dành cho cái
phòng bà trang điểm. Chẳng nơi nào, Pháp, Nga, Trung Quốc, khôi phục những “hiện
vật sống”: lính, người hầu,... Ở ta, cùng lắm thì biệt điện Bảo Đại ở Đà Lạt có
thể giữ làm một điểm tham quan, bởi trong đó còn vật chứng của một đời vua dẫu
ít giá trị cổ vật. Tuy nhiên, khi thuyết minh, khi hướng dẫn cần làm cho khách
du hiểu đúng về vai trò vua và quốc trưởng khốn khổ của ông ta, không vì “thu
nhập”, không vì “đổi mới tư duy”, “khép lại quá khứ” mà bôi bác lịch sử, khi cần
giúp cho quảng cáo thì tung hô lên, chẳng bù trước đây thì tung hê hết!
Công trình nhân tạo hoàn toàn mới có tính du lịch thường là
những khu vui chơi, giải trí, những công viên, những nơi người ta sính trưng ra
những từ tiếng Anh resort, spa,... Nước ta, lẻ tẻ nhiều nơi có, song nhìn chung
qui mô, các hạng mục còn khá khiêm tốn. Được nói tới nhiều nhất hiện nay là khu
Đầm Sen, khu Suối Tiên, khu Mũi Né,... Một số nơi có ý đồ làm lớn như ở Bình
Dương, Đà Nẵng, Hạ Long, Lăng Cô, Ninh Bình,... nhưng việc thực hiện dự án chậm.
Người ta nói những nơi “làm ăn được” luôn luôn có bàn tay của các “đại gia”
trong giới quan chức, đương nhiệm hoặc đã về hưu song vẫn còn lắm tiềm năng thế
lực. Những địa phương “may mà” có sẵn các vị như thế hoặc được các vị “cũng rứa”
ở chốn khác nhòm ngó tới thì có cơ nở mày, nở mặt với khách du. Còn những đô thị
như Hải Phòng, hầu hết những ao hồ tự nhiên đều “được” lấp đất để chia chác xây
dựng (đến cái hồ to nhất ở giữa thành phố trong một công viên cũng lấp đi một
góc chia nhau!), những vườn hoa, những khu vui chơi giải trí lận đận, lẹt đẹt tại
mấy chỗ có sẵn, thì những Đầm Sen, Suối Tiên,...-chưa là gì với thiên hạ,- còn
là mơ ước xa vời của người dân.
Cả thành phố Đà Lạt là một công viên to tập hợp và đan xen những
cảnh quan thiên nhiên với những công trình nhân tạo, song lại thiếu công viên
con đích thực, chẳng hạn bên hồ Xuân Hương. Những bãi cỏ rộng điểm xuyết cây
xanh bên hồ dùng để du ngoạn, cắm trại, sinh hoạt tập thể ngoài trời,... thì
tuyệt, nay chỉ thấy một phía thì làm sân gôn, phía khác làm sân đá bóng, phía
khác nữa thì cái khách sạn mang tên Tây dài dằng dặc Hotel Sofitel Dalat Palace
rào chiếm vào khuôn viên của mình một triền đồi thoai thoải tuyệt đẹp trước đây
vẫn dành cho mọi người tự do đi dạo. Đây là khách sạn sang trọng bậc nhất. Mọi
tiện nghi, đặc biệt là nhà ăn và quầy rượu kiểu Pháp mang tên Rabelais, đều hướng
tới du khách ngoại quốc. Tuy nhiên, hôm ấy ghé qua thấy cả khách sạn, cả khuôn
viên vắng lặng một cách lảng phí. Riêng cái triền đồi trông xuống hồ Xuân Hương
khi còn được “tự do” thơ mộng là thế nay được “ôm” khách sạn lại nom ra chiều ảm
đạm và quạnh hiu. Một nhân viên khách sạn cho biết thực ra đối tượng phục vụ chủ
yếu lại là dân nội địa phè phỡn hoặc mánh mung (thường là những người ăn lương
nhà nước)! Nếu chỉ vì thú ẩm thực kiểu Âu thì người nước ngoài chẳng cần đến Việt
Nam. Một bảng khẩu hiệu lớn đặt trong khuôn viên khách sạn kề hồ Xuân Hương:
“Nước sạch và vệ sinh môi trường là tiêu chí của xã hội văn minh và văn hóa”
(có gì hơi cộm trong câu văn). Nước hồ vẩn nhiều rêu, gió tạt những mẩu giấy,
túi nhựa,... vào mé hồ cạnh ngay nhà thủy tạ cũng mang tên Sofitel, trong lúc
những người điều hành nhà hàng này đang họp đầu tuần, 10h20 sáng rồi vẫn chưa
xong (họp nhiều và họp dai có lẽ Việt Nam ta vào loại nhất!). Bờ hồ, ban ngày
thưa thớt người. Dăm người mò trai hay câu cá -những con cá được “phóng sinh”
nhân ngày rằm tháng Bảy nay ham mồi có thể nhảy vào chảo mỡ. Ban đêm không còn
thấy xe ngựa chở khách chạy vòng quanh hồ; chắc do vậy mà cạnh hồ không còn nặng
mùi do ngựa thải ra. Đôi chỗ trong bóng cây ven hồ có các cô gái đứng ngồi,
dáng như là dân “ăn sương”. Ngay trên lề đường sát hồ, một người trùm chăn kín
đầu ngủ thò hai chân ra. Cách đấy dăm chục mét là khu vực chợ rực rỡ ánh đèn và
rộn rịp người. Đà lạt vẫn giữ được hè khá thoáng, trừ đường phố có kinh doanh
xe máy xe đạp, và tương đối sạch, trừ quanh chợ. Một nỗi khổ của du khách tầm tầm
là khi ăn cơm hàng bị người bán vé số, người bán sách báo chìa mời tận mặt, cả
người ăn xin nữa, -một nét mới(!) của bức tranh nghịch nơi Đà Lạt mộng mơ!
Khách du muốn một điểm dừng chân nho nhỏ dễ đem đến niềm vui
đơn sơ có thể đến những nơi như Bảo Lộc. Cái thị xã cao nguyên của một vùng dâu
và cà phê này có khu trung tâm mới được xây dựng hiện đại đẹp “thơ thới”, lại
có nhiều cây xanh kiểu vườn rừng, và độc đáo: có rẫy đang khai thác ngay trong
phạm vi thị xã. Thả bước ra khỏi phố xá là hưởng trọn khí trời Tây
nguyên,-[font=.vntime] đáng tiếc, không còn nguyên sơ! Những đồi dâu, đồi cà
phê, đồi chè dàn ra xanh mơ. Phía xa, một số chỏm đồi còn giữ được cái mũ xanh
tự nhiên che hờ những sườn trọc.
Vui chân, bạn có thể kiếm phương tiện đến điểm du lịch thác
Dambri cách mươi cây số. Một cái thác dữ dằn mà duyên dáng thả tấm thảm nước từ
trên cao vài mươi mét xuống. Bạn có thể trèo bộ xuống chân thác hoặc dùng thang
máy,-nét mới giữa núi đồi Tây nguyên, đứng tắm bụi nước. Cách đấy không xa, một
đảo nhỏ nuôi khỉ và hươu. Bạn có thể vuốt ve hươu, xem xiếc khỉ đóng với chó.
Hơi tiếc, lũ vật ít ỏi, thưa thớt; cảnh vật tiêu sơ, nhuốm vẻ tàn tạ. Dường như
là một vụ kinh doanh “thử chơi” hoặc tạm bợ. Một con voi không lớn lắm dùng cho
khách du trèo lên ngồi vào cái bành gỗ trên lưng nó đi dạo hoặc chỉ để chụp ảnh..
Voi không được sạch; cảm thấy nó bị hành hơi nhiều mà chẳng được bồi dưỡng hoặc
thưởng như trong các rạp xiếc, những tờ giấy bạc khách trả nó đâu có ăn được.
Nó lại đơn độc, không như ở buôn Đôn.
Tây nguyên không chỉ có hồ, thác, rừng thông Đà Lạt, điểm khí
hậu ôn đới giữa vùng nhiệt đới. Xưa kia, hai tiếng Tây nguyên đầy bí hiểm, đường
lên trắc trở, một miền rừng rú “mọi rợ”, nghe đến còn cảm thấy hoang dại “khủng
bố tinh thần” hơn cả miền Tây Bắc. Ngày nay, đến với Tây nguyên gần như là chuyện
bình thường có khi thuận lợi hơn đến với Tây Bắc. Vậy mà lần đi này tôi đã phải
ngạc nhiên không ít. Chặng đường qua đèo An Khê nổi tiếng hung hiểm trong hai
cuộc kháng chiến hóa ra lại là một trong những chặng đường khoái nhất. Trời
mát, cảnh đẹp, đường “ngon”. Ngồi trên xe lướt nhanh, cố hình dung đâu là chiến
địa năm 1954 nơi một binh đoàn quân Pháp vừa chuyển từ Triều Tiên đến bị tiêu
diệt? Hơi chạnh buồn, chẳng còn rừng âm u. Đèo An Khê, núi trọc lóc,- chẳng phải
do chiến tranh; một bãi cháy lớn còn trơ tro than. Bên kia đèo, một khoảnh rừng
thông mới trồng làm mát lòng đôi chút. Rải rác những xóm vườn toàn cây mít thân
bám đầy những dây hồ tiêu. Gần đến thành phố Pleiku, một cánh đồng bát ngát khiến
ngỡ ngàng. Đường 19 không còn hoang vắng, côi cút. Ngoài vài thị trấn như An
Khê, thỉnh thoảng gặp những đoạn phố làng làm dịch vụ, chủ yếu là ăn uống. Lẻ tẻ
xe, không quạnh quẽ như đường Tây Bắc. Một tốp học trò đạp xe ngược dốc, phơi
phới, không tràn chiếm lòng đường như thường thấy ở các đô thị dưới xuôi. Mấy
chiếc xe tải chất nặng gỗ súc to chạy ngược lên Tây nguyên (một sự lạ mà chẳng
lạ, phá rừng cứ phá mà nhập gỗ Lào cứ nhập!). Pleiku, cứ ngỡ là một thị tứ heo
hút, phố xá lèo tèo, đường sá xộc xệch, mùa khô lầm bụi đỏ ba dan. Lại một bất
ngờ: trước mắt là một đô thị hầu như tân tạo khá đàng hoàng; đường sá, nhà cửa
chẳng kém các thị xã miền xuôi, chỉ “kém” vẻ xô bồ, chen chúc. Vào một cửa hàng
ăn, đằng sau là vườn hồ tiêu; chủ nhân vốn ở Khâm Thiên, Hà Nội, thấy nơi đây đất
rộng, khí hậu tốt nên bốc cả nhà vào đã chín năm.
Tây nguyên còn nhiều tiềm năng du lịch. Có những cái đã hoặc
đang mất đi. Hãy làm sao cho cái mất đi làm nẩy sinh cái thay thế, ít ra là
ngang bằng. Như hồ Ialy thế vào thác Ialy, đành rằng cái thác trong huyền thoại
đã mất vĩnh viễn.
Một dạng lữ hành chưa được lưu tâm nhiều là đi thuyền trên
sông thăm miệt vườn Nam bộ. Chúng tôi đã đi từ Cần Thơ trên sông Cần Thơ, một
sông nhánh đổ vào sông Hậu. Sông con mà khá rộng, nước nhờ nhờ, có vẻ lặng lờ.
Tàu thuyền đi lại không nhiều. Một cái chợ nổi trên sông bán trái cây là chính.
Xem trên truyền hình cảnh chợ này cũng thấy hay hay, nên thơ nữa. Song, lạc vào
đây rồi thì cái ý định “thưởng thức” dường như bị đánh bạt đi. Bị chèo kéo mời
mua không chỉ hoa quả mà cả nước giải khát. Loại sau bám rất dai. Mà loại nước
nào! Chỉ thấy chìa ra những lon nhôm, chai nhựa chứa những chất nước nhân tạo.
Xứ sở này từng được ca ngợi về những thức uống trứ danh đậm đà hương vườn: nước
dừa, nước thốt nốt,... Vậy mà “mượn màu hóa chất đánh lừa khách du”! Nghĩ nỗi
miệt vườn nước ta vào mùa từng loại quả vẫn khó đầu ra, tư thương tha hồ ép
giá, mà “công” thương thì hoặc là bất lực, hoặc là ngoảnh mặt đi, hoặc là “sát
cánh” cách nào đó với tư thương. Sản phẩm vườn vẫn cung cách những trăm năm cũ
từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Trong khi những thứ chai, lon “công nghiệp
hóa”, “hiện đại hóa” len lỏi tới hang cùng ngõ hẻm nào có tuyến du lịch.
Ngồi thuyền máy đi trên sông nhìn ngắm hai bên bờ thấy trong
các vườn cây đã thấp thoáng nhà gạch, cả nhà lầu. Những ngôi nhà thưng vách lá
và lợp mái lá “truyền thống” Nam bộ nằm sâu phía trong.
Thuyền ghé một vườn đã định trước. Vườn không đẹp như đã
nghĩ. Miền Bắc và miền Trung có những vườn cây trái đẹp hơn nhiều. Cây trái
trong vườn này cũng nghèo nàn. Nhiều nhất là bưởi; dăm cây đang treo những quả
nhỏ, thưa thớt. Chủ nhà dọn theo yêu cầu của khách một đĩa trên đó xếp riêng những
múi mít, những miếng xoài, đu đủ cắt vuông vắn,... Có những thứ chẳng phải là sản
vật vườn nhà. Vài ba đoàn khách nối nhau đổ bộ từ thuyền lên. Người nước ngoài
có cả da trắng, da vàng. Một người Anh cùng vợ đang ngồi nhâm nhi bên một bàn
tròn nhỏ; hỏi có ngon không, lưỡng lự gật đầu. Khi họ đứng lên, trong dĩa vẫn
còn mấy miếng quả. Mà thói quen người phương Tây không để thừa thức ăn! Một người
đàn ông da trắng cầm máy ảnh ra ngắm vườn. Chẳng có gì nhiều để chụp. Cuộc du
hành “vừa thưởng thức phong cảnh, vừa nếm cây trái miệt vườn” như lời quảng bá,
nếu chỉ ở “tầm” như thế này thì e khó để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng
du khách, nhất là khách nước ngoài, và khó kéo họ trở lại lần nữa. Hỏi người hướng
dẫn:
-Vườn quả ở đây chỉ có vậy sao?
-Có vườn hay hơn chứ. –Anh ta đáp.
-Sao không đưa đến những nơi ấy?
-Chỉ được đưa đến những vườn có đăng kí với công ti du lịch.
Vậy là công ti du lịch đóng vai trò chủ thầu hay “đầu nậu”.
Chẳng nên trách cứ nhiều các chủ vườn. Họ đăng kí với công ti du lịch, nộp lệ
phí, nộp thuế. Một cách tiêu thụ sản phẩm tại chỗ; thay vì tiếp khách buôn lại
đưa đón khách du. Thì cũng là cung cách quán hàng chứ gì! Thứ nào mà vườn nhà
không có hoặc chưa có thì mua về trữ sẵn. Họ nào có được giảng giải tử tế để
“quán triệt” đây là mở ra một hướng kinh tế du lịch. Khách không chỉ được thưởng
thức hoa trái (phải phong phú, lại mang hương vị địa phương, đặc sản), mà còn
được ngắm phong cảnh, tìm hiểu sắc thái văn hóa, sinh hoạt, dân tình,... Làm tốt
không chỉ có lợi cho các chủ vườn. Dường như người của các công ti du lịch chỉ
lo giới thiệu, đưa được người khách nào hay người ấy, công ti có việc, có thu
nhập là tốt rồi, chẳng cần biết hậu quả lâu dài ra sao.
Tôi thường ước mơ có lần được đi thuyền trên sông Tiền, sông
Hậu. Ban ngày du ngoạn ngắm cảnh sông nước và xóm làng trù phú, lúc lúc ghé
thăm một cù lao, một vườn hoa trái, một nhà nổi bề thế trên một lồng cá
nuôi,... Ban đêm ngồi trên mui thuyền thưởng trăng, hóng gió và lắng những điệu
hò dân ca giữa mênh mang trời nước. Dĩ nhiên đó chỉ là mơ ước hão của tôi.
Nhưng nếu các cơ quan du lịch để tâm tới? Một chuyến du như thế ắt để lại những
dư vị khó quên. Và có thể là một thứ “đặc sản” đối với khách nước ngoài.
Khải Nguyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét