Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

"Dòng thiêng" - Dòng chảy của vĩnh cửu

"Dòng thiêng"
Dòng chảy của vĩnh cửu

Thơ Nguyễn Linh Khiếu có tư duy triết học, được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ đa dạng, bằng hình ảnh và các phương thức tu từ đặc sắc nên tạo ra nhiều nghĩa, nhiều lớp liên tưởng trong người đọc.
“Dòng Thiêng”, NXB Hội Nhà văn quý 4.2019 là tập thơ và trường của nhà thơ, PGS. TS Nguyễn Linh Khiếu. Đây là tác phẩm do nhà nước đặt hàng. “Dòng Thiêng” gồm 162 bài thơ; được tác giả chia làm nhiều phần: “Chùm mơ tiên cảm” – 29 bài, “Mùa thiêng” – 45 bài, “Hoa linh” – 35 bài, “Sa hồng” – 53 bài (tái bản). Trong “Dòng Thiêng” có “Ban mai Diêm điền” là trường ca và nhiều bài thơ dài. “Dòng Thiêng” có 272 trang in, khổ “kinh điển” 14,5×20,5cm, về tư tưởng thì đây là tác phẩm đồ sộ.
Điều lưu ý là trong “Dòng Thiêng” không có bài riêng mang tên này, nhưng thường thấy ở các tập thơ khác của các nhà thơ và ngay cả nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Điều này buộc tôi phải suy nghĩ. Liệu “Dòng Thiêng” có phải là “dòng nước thiêng”? Điều này chỉ có tác giả trả lời được. Riêng tôi chú ý ở chi tiết, trong “Dòng Thiêng” có 21 bài thơ nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết về các dòng sông, cảm xúc thi ca xuất hiện bên các dòng sông, chiếm gần 13%, cả ở Việt Nam và thế giới. Chi tiết quan trọng không kém là, ngoài phần 2 “Mùa thiêng”, còn bài thơ “Cây thiêng”, “Nước trời”; và nhiều bài thơ viết ở các địa danh thiêng liêng của tín ngưỡng như “Khúc hát Côn sơn”, “Đêm bơi thuyền trên suối Yến chùa Hương”, “Dưới chân Himalaya”, “Sông Hằng”, “Những vị thần New Delhi”, “Hoàng hôn Việt Nam Phật quốc tự”…Việt Nam hay Ấn Độ, Nhật Bản, Mianma đều là đất nước của Phật giáo.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn đến trung tâm của Thiên chúa giáo, nơi có nền văn minh La Mã cổ đại và Trung Quốc, một trong những mảnh đất bí hiểm của văn hóa Phương Đông.
Từ “Chùm mơ tiên cảm” năm 1991, “Mùa thiêng” năm 1995, “Hoa linh” năm 2000,  “Sa hồng” năm 2018, “Beijing – Lá phong vàng” năm 2018, “Phồn sinh” – trường ca năm 2018 và “Dòng Thiêng” năm 2019 có thể thấy một “chân dung thơ” Nguyễn Linh Khiếu khá bí ẩn. Ngoài đời dễ nhận ra một Nguyễn Linh Khiếu “nồng nã”, (chữ của Nguyễn Linh Khiếu trong Phồn sinh), nhưng trong thơ, khó giải mã.
Khác với số đông nhà thơ, Nguyễn Linh Khiếu sáng tác có quá trình “thai nghén” về một chủ đề, do vậy thơ dài và trường ca của anh có độ “vâm vấp”, khỏe khoắn về tư duy thơ, tư tưởng thơ. “Là một trường ca, tôi thấy nó phải viết như thế. Viết ngắn đi không được và viết dài hơn nữa cũng không được. Trong dáng vẻ hoàn thiện của nó đối với tôi “Phồn sinh” đúng là phải 135.745 chữ và dày 710 trang khổ 16×24”, anh chia sẻ lúc xuất bản “Phồn sinh”. Với “Dòng Thiêng”, chứng minh thêm “nội lực” của Nguyễn Linh Khiếu.
Dòng thiêng – tập tThơ Nguyễn Linh Khiếu
Đọc “Dòng Thiêng”, dễ nhận thấy trong tâm hồn Nguyễn Linh Khiếu, có một tôn giáo, tạm gọi là “tôn giáo dòng sông”. Trong “Phồn sinh”, xuất bản trước “Dòng Thiêng” độc giả nhận ra cả một vùng châu thổ, nơi có con sông Hồng vĩ đại. Nguyễn Linh Khiếu lý giải: “Điều này thật đơn giản, bởi tôi sinh ra lớn lên ở cửa sông Hồng, nơi sông Hồng gặp biển. Thế giới tuổi tôi thơ tôi là dòng sông, triền đê, cánh đồng lúa, cây cỏ, bãi bồi, cua cáy, tôm cá, ếch nhái, trâu bò, lợn gà, cào cào, châu chấu, trẻ mục đồng và dĩ nhiên là phù sa nữa… Quanh năm tươi tốt, quanh năm mùa màng gặt hái, quanh năm vang lừng nhịp điệu sinh sôi nảy nở. Những khi thủy triều dâng cao, nước lũ sông Hồng bị đẩy ngược lại và tràn ngập đồng bãi, làng xóm đâu đâu cũng đỏ quạch phù sa sóng sánh mỡ màu”.
Với Sông Hồng, là nơi nhà thơ sinh ra, dẫu là cuối dòng, anh xem là hiện thân cả về thể xác lẫn tinh thần của mình: “châu thổ Sông Hồng đó là hồn cốt linh thiêng của ta/ châu thổ Sông Hồng đó là trường ca đó là giao hưởng đó là âm thanh đó là nhịp điệu đó là tiết tấu đó là sắc màu đó là hình hài đó là ngôn ngữ đó là sinh mệnh rực hồng vang lừng bài ca sự sống”.
Trong bài thơ dài “Nước trời”, (trang 213 đến 215 của tập Dòng Thiêng), nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khẳng định lại: “sự huyền nhiệm cho ta được sinh ra ở châu thổ sông Hồng/ không ở đâu trên thế gian này có dòng sông thiêng như dòng sông ở đó”.
Nguyễn Linh Khiếu lang thang khắp mọi miền xứ sở, để tiếp tục kiếm tìm bản ngã, kiếm tìm câu trả lời về sự tồn tại của chính mình:  “vì sao ta sinh ra ở một làng chài nơi cửa Sông Hồng hùng vĩ/ vì sao ta sinh ra ở châu thổ mỡ màu đất đai đang khai khẩn đất đai đang mở mang đất đai đang sinh nở đất đai đang khẩn trương tiến về Biển Đông tiến về đại dương tiến về vô cùng/ vì sao ta sinh ra ở bán đảo Đông Dương một bên rừng núi đại ngàn một bên đại dương thăm thẳm/ vì sao ta sinh ra ở vùng Đông Nam Á nắng lắm nhiều mưa ẩm ướt gió mùa/ vì sao ta sinh ra ở châu Á nhiệt đới nóng bỏng da vàng mắt đen máu đỏ/ vì sao ta sinh ra bên bờ Thái Bình Dương sục sôi sóng thần rực trời núi lửa”.
Ông tâm sự, cả đời sinh sống ở châu thổ sông Hồng. Dĩ nhiên, nếu chỉ có thế thì phù sa và sông Hồng không thành nỗi ám ảnh của nhà thơ được. Bởi nó thân thuộc quá, gần gũi quá, bình thường quá. Rất may là ông có dịp đi nhiều nước và chính sự khác biệt của mỗi vùng đất trên thế giới nơi được đến đã giúp ông nhận ra châu thổ sông Hồng là một đặc sắc, một đặc ân đối với thơ mình. “Tôi là một trong những nhà thơ của châu thổ sông Hồng”, Nguyễn Linh Khiếu xác quyết.
Ngoài sông Hồng còn gặp nhiều dòng sông khác, trong các bài thơ: “trâu mộng sông Hồng”, “sông Hồng”, “sông Bằng”, (còn gọi là sông Bằng Giang), “Kỳ Cùng”, “Nậm Thi chảy trong mưa”, “sông Hằng”, (Ấn Độ), “sông Themes”, (Vương quốc Anh).
sông Bằng cao như em
sông Bằng dài như em
sông Bằng dịu dàng như em
sông Bằng trong vắt như em
cô gái miền rừng môi hồng da trắng
sông Bằng yểu điệu đâu đó rất gần cuộc đời ta
(sông Bằng)
dòng nước lạnh lẽo kia chẳng nói năng gì
Kỳ Cùng mùa đông tiếng thở dài vô bờ bến
những gì đã mất thỉnh thoảng đời ta lại mất
những gì còn chẳng biết sẽ mất lúc nào
(Kỳ Cùng).
Quê hương nào cũng có dòng sông, nhiều nhà thơ viết về dòng sông. Tuy nhiên, dòng sông của Nguyễn Linh Khiếu với vị trí là một “tôn giáo” luôn xuất hiện đầy trăn trở. Ông sinh ra ở cuối con sông Hồng, nơi con sông Hồng chính thức đổ ra biển, sau khi hoàn thành sứ mệnh “phồn sinh”, (tên trường ca) của nó, tạo lập nên một nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trong “Dòng Thiêng” có trường ca “Ban mai Diêm điền”, đọc trường ca này sẽ biết vì sao Nguyễn Linh Khiếu trở thành “tín đồ” của dòng sông.
thức dậy với những ban mai Diêm Điền ban mai thần thiên
đẫm hương biển xa xăm thơ bé
hoa cỏ vẫn ngày xưa gió vẫn thế những nẻo đường tung tăng dường như vẫn thế
chỉ ta sao không non dại tuổi lên mười
ta nhà thơ ta thấm đẫm cội rễ của mình
bến bờ quê hương cánh đồng lam lũ
trong tâm khảm ta rì rào tiếng sóng
trong tâm hồn ta rộng dài nắng gió
trong tâm hồn ta xanh mướt cỏ cây
trong tâm hồn ta náo động tiếng vỗ cánh hân hoan của chim chóc và côn trùng mùa hôn phối
(Ban mai Diêm Điền)
Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Linh Khiếu tự hào ví mình “ta đồng nghĩa với lũ giun đất lấm lem lầm lũi miệt mài cao thượng”. Không có giun đất, đất đai quê nhà, ruộng vườn ông cha khó mà phì nhiêu, tươi tốt.
Với Nguyễn Linh Khiếu, sông, biển không chỉ cung cấp nguồn nước để trồng lúa và ngư trường để đánh bắt cá tôm, mà còn là môi trường sinh sống của nhiều thế hệ người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ đã nói đến 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển để lập nghiệp. Và, không chỉ là đề tài muôn thuở cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác nên những điệu hò, điệu ví truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác…Với ông, dòng sông là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người khôn lớn, là nơi để nhớ thương và cảm nhận về tình yêu và số phận. Trong mỗi trái tim và khối óc của ai mà không có sóng và gió của sông, biển quê hương. Thời gian và không gian của mỗi dòng sông, trong lòng nó, quá đỗi bí ẩn. Thô bạo với dòng sông là báng bổ những điều thiêng liêng.
Có lẽ vì thế, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu luôn đăm đắm với dòng sông và tận tụy với nó, tự nhận mình “ta là hạt phù sa suốt đời tươi non tung tăng ra biển/ gặp sông là màu mỡ chan chứa nồng nàn”, (sông Themes).
Trong Kinh Thánh, dòng sông và nước thường tượng trưng cho những ân phước mang lại sự sống đến từ Đức Giê-hô-va. Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống”. Nước là biểu tượng cho Đức Thánh Linh và ứng nghiệm khải tượng mà Ê-xê-chi-ên đã thấy về người chết được hồi sinh khi nước văng từ ngạch cửa đền thờ chảy qua đồng vắng và vào biển Chết (Ê-xê-chiên, Chương 47). Dòng sông trong thơ Nguyễn Linh Khiếu vì thế là sự sống, thấm đẫm tinh thần triết học, mỹ cảm từ sinh tồn, trường tồn.
Chưa thấy một nhà thơ nào yêu và nâng niu sự vĩnh cửu và đau đớn đến thảng thốt như Nguyễn Linh Khiếu. Con giun, con dế, chim chóc, muông thú, châu chấu, cào cào…của tuổi thơ tôi đều có mặt trong thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong “Dòng Thiêng” có bản nhạc của sự vĩnh cửu về sinh thái; có dàn đồng ca của tự nhiên. Đến con chuột đồng, ông cũng nâng niu, gọi những con chuột cái là “nàng” với tất cả sự nâng niu tự nhiên.
trong giấc ngủ của ta gặp tiếng rích rích hân hoan của các nàng chuột đồng
có phải mùa xuân đang về trên đất đai phồn thực
những lông mượt mịn màng óng tơ thơm tho chủ nhân của mùa màng dư dả
đám cưới khởi hành giờ tý lùng tùng kiệu rước các nàng bước vào ngày mồng một đầu năm
(những nàng chuột đồng)
Chuột là động vật phá hoại mùa màng, nỗi lo của nhà nông. Nhưng trong tự nhiên từ xưa đã có mặt chuột. Khắc tinh chuột có rắn rết, đại bàng, cú mèo…Đó là sự cân bằng vĩnh cửu của tự nhiên, của làng quê, của ruộng đồng. Trong con mắt của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, bầy chuột đến mùa động cỡn báo hiệu tươi tốt.
Vương quốc của các nàng là châu thổ sông Hồng nồng nàn với những cánh đồng phì nhiêu phóng khoáng nhân hậu
Quanh năm bộn bề gặt hái
Nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai vỗ về dạy dỗ bài ca hòa thuận
Có phải mùa xuân đã về rồi không nghe tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía cánh đồng
(những nàng chuột đồng)
“bài ca hòa thuận” mà Nguyễn Linh Khiếu nói đến chính là sự cân bằng về đa dạng sinh học là triết lý đa dạng. Con chuột là con vật đứng đầu giáp trong Can – Chi (trật tự năm), từng đi vào văn học dân gian, tranh “Đám cưới chuột” đi vào văn hóa phi vật thể Đông Hồ. 12 Địa Chi đã kết hợp với 12 con vật tổ thành 12 con giáp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là ở chỗ Tý thuộc Dương nhưng lại có một chút tính Âm: giờ Tý là từ 11 giờ đêm hôm trước (Âm) đến 1 giờ sáng hôm sau (Dương), chân trước của Chuột có 4 ngón (Chẵn), chân sau có 5 ngón (Lẻ). Do Chuột mang đủ cả Âm và Dương nên nó xứng đáng được áp vào giờ Tý và đứng đầu 12 con giáp. Nguyễn Linh Khiếu đã tỏ ra “cao thủ” về Kinh dịch khi dùng hình ảnh con chuột trong bài thơ “Những nàng chuột đồng” để nói về sự cân bằng. Đám cưới của các “nàng chuột” vào thơ ông “khởi hành giờ tý”, giờ chuột hoạt động nhộn nhịp nhất là ẩn dụ để ông tôn vinh sự phồn sinh. Chuột là giống mắn đẻ, đẻ nhiều là vẻ đẹp của giống cái, của phồn sinh.
Trong bài thơ “Sáo đen mỏ vàng”, con sáo bâng khuâng: “ta là kẻ hành hương về cội rễ của mình/ chẳng mê mải gì vẫn tìm về cõi hài hòa”. Không khó tìm ra từ “hài hòa” hoặc tương tự trong các bài thơ khác Nguyễn Linh Khiếu viết về chủ đề mà ông đắm đuối.
Từ “Sinh thái học từ sớm đã xuất hiện trong tiếng Đức, tức là die Okologie, tiếng Anh là the ecology. Chủ nghĩa sinh thái không phải xuất hiện từ con số không. Tư tưởng của nó có quan hệ mật thiết với phong trào chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ 18. Năm 1858 cuốn sách “Walden” của nhà văn Thoreau người Mĩ đã thể hiện quan niệm của mình về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Nguyễn Linh Khiếu là tiến sỹ triết học, ông lắng lo về vấn đề này với một tư duy khác. Ông là nhà thơ của nguồn cội: “Ta là nhà thơ thấm đẫm cội rễ của mình/ bến bờ quê hương cánh đồng lam lũ/ trong tâm khảm ta rì rào tiếng sóng/ trong tâm hồn ta rộng dài nắng gió/ trong tâm hồn ta xanh mướt cỏ cây…”, (Ban mai Diêm Điền) nên lắng lo bật lên cùng cảm xúc. Đối với thơ trí tuệ sâu sắc đã quan trọng nhưng cảm xúc sâu sắc còn quan trọng hơn. Cảm xúc của Nguyễn Linh Khiếu về những vấn đề của vĩnh cửu, của trường tồn, nếu ai để ý sẽ giật mình. Hay nói cách khác, trong thơ Nguyễn Linh Khiếu có “dòng chảy” của triết học sinh thái.
Thơ Nguyễn Linh Khiếu có tư duy triết học, được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ đa dạng, bằng hình ảnh và các phương thức tu từ đặc sắc nên tạo ra nhiều nghĩa, nhiều lớp liên tưởng trong người đọc.
Hà Nội, 5/9/2021
Ngô Đức Hành
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...