Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Đẹp như trong giấc mơ - Chuyện chắc chắn là không có thật

Đẹp như trong giấc mơ
Chuyện chắc chắn là không có thật

Cậu ruột tôi là lương y Trần Quang Tính (tôi có kể trong Đối thoại văn chương, NXB Tri thức, Hà Nội, 2012) bảo rằng, tôi có một cái bệnh (mà tôi quên tên bệnh) nhập vào tim, nên tôi yếu tim, đêm ngủ thường nằm mê. Đến nay vẫn vậy, bất cứ lúc nào ngủ được, kể cả 30 phút trưa, tôi cũng nằm mê. Năm nay tôi đã 77 tuổi. Có điều tất cả các giấc mơ ấy đều về các nhà văn nhà thơ tôi quen, đều đã mất và đều tốt đẹp. Tỉnh dậy là quên. Nhưng chuyện vừa mê xong thì tôi nhớ và thức dậy là ghi lại ngay. Lúc này là 3giờ 15 phút sáng, ngày thứ Sáu, 24.9.2021.
Tôi đang ngồi trong một con tầu hỏa (từ năm 1975 đến nay, tôi không đi tầu hỏa 1 lần nào) vừa dừng lại ở một ga mà tôi không biết ga nào. Có một phụ nữ ngồi  ở hàng ghế trước mặt tôi (thủa ấy, đông khách, ghế trên tầu hoả kê hai hàng, giữa có lối đi, mỗi hàng lại kê 2 ghế để 6 khách ngồi đối mặt nhau), cô đứng lên ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc, rồi tàu chạy. Cô này trông giống một cây bút phê bình văn học nữ tôi quen, đã mất, tôi không tiện nêu tên. Cô ấy kể cho 5 người chúng tôi ngồi bên cạnh và trước mặt cô, rằng, ở nhà ga này có 1 ông rất tốt bụng. Tôi muốn giới thiệu cho các anh chị biết, nhưng hôm nay trên ga, không thấy có ông ấy. Ông thuê một ngôi nhà nhỏ ngay bên sân ga này, và biến cả cái nhà ấy thành nhà tắm, có nước  nóng mùa đông,  đun trên mấy cái nồi Liên Xô, 50 lít, trên bếp than, cho khách xa lạ, bất cứ ai, vào đó tắm giặt trước khi lên tầu hay sau khi xuống tầu, và cấp luôn quần áo cho khách mặc, nếu có nhu cầu. Quần áo ấy là quần áo cũ, ông thu thập từ những người thiện nguyện tặng ông và ông giặt là cẩn thận, treo thành các hàng dài trong nhà để khách tự chọn. Nhiều bộ còn mới và đẹp lắm… Tôi bảo trên đời, sao có nhiều người tốt thế, như ông Đoàn Ngọc Hải ở TP Hồ Chí Minh mà tôi rất ngưỡng mộ.
Anh Phương Bắc quen tôi vì thế, đứng bên cạnh (vì đông khách hết chỗ ngồi – Bắc, đã mất. Anh là hội viên thơ Quảng Ninh, năm tôi làm Chủ tịch Hội, đã kí giới thiệu để Bắc về sinh hoạt thơ tại quê nhà là Hội Văn Nghệ TP Hải Phòng). Anh nói xen vào: Anh Minh ơi, chị Hoàng Hữu vừa kể cho anh nghe chuyện ấy là hoàn toàn có thật. Em biết ông này mà, tên ông ấy là ông An. Tôi ngạc nghiên vì cái tên Hoàng Hữu, một nhà thơ ở Vĩnh Phú, tôi quen, rất yêu mến, đã mất từ lâu. Hoàng Hữu có bài thơ tình hay Nửa vầng trăng, (thực ra là Hai nửa vầng trăng) trong đó ông viết người tình của ông tên là D. như hình nửa vầng trăng ở trên trời. Có một chút nghi ngờ, nên tôi hỏi: Xin lỗi, chị là vợ anh Hoàng Hữu à? Tên chị là gì? Cô nói: Vâng, em tên là D. (Cô nói chữ đầu viết tắt, như đã có trong bài thơ trên). Tôi bảo: Tôi là Trần Nhuận Minh, có quen biết Hữu. Cô bảo, ồ thế à, thế thì em biết rồi. Nhà em trước khi chết có viết một bài thơ tặng anh Trần Nhuận Minh và anh Lí Biên Cương đăng báo Văn Nghệ. Vậy anh là anh Minh ấy à? Anh Cương đâu? Anh Cương đã mất rồi, tôi nói.
Bắc vẫn đứng, liền kể: Hữu yêu chị D này nhưng không dám ngỏ lời. Khi anh Hữu mất, bài thơ Nửa vầng trăng, được giải cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, trở nên nổi tiếng, chị D mới biết là Hữu đã yêu mình đến mức nào. Chị xin bố mẹ cho phép, để chị tự cưới chồng, chỉ mời mấy người bạn đến ăn một bữa cơm, rồi tuyên bố một câu là xong. Rồi từ đó chị đeo tang, thờ chồng cho đến lúc chị ấy mất (Sao lại mất? tôi thoáng nghĩ.) D. nói: Đúng như thế  đấy, anh Minh ạ. Khổ cho em quá. Em thương anh Hữu vô cùng!
Nghe đến đây, tôi cảm động quá, vội đứng lên vái chị D. một vái. Và sực tỉnh… Phải mất một, hai phút định thần, sắp xếp lại các hình ảnh mới nhận ra là mình đã nằm mê. Cũng lạ, vì từ sau khi Hữu mất, thú thực là rất nhiều việc chen lấn, tôi không có lần nào nghĩ đến Hữu. Mấy chục năm rồi còn gì. Lại nhớ, tôi đã đến thăm nhà Hữu được vợ Hữu tiếp, khi chồng đang nằm viện, những ngày cuối cùng. Làm gì có cô này làm vợ Hữu được. Nhưng lại thấy có vẻ gì rất đẹp, và rất cao cả, trong một giấc mơ lạ kì này, nên ghi y xì ra đây, như một chia xẻ với bạn bè và một nỗi niềm trân trọng  tưởng nhớ với một nhà thơ xa đã quá cố. (*)
Chú thích:
(*) So với sự thực về tác giả và bài thơ – kể cả tên bài thơ, cũng  không chính xác, nhưng trong giấc mơ của tôi như thế, thì ghi như thế, xin bạn đọc cảm thông.
Hạ Long, 24/9/2021
Trần Nhuận Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...